Tiết Minh Viễn mở cánh cửa nặng nề ra, thứ không khí ứ đọng lâu ngày ùa thoát về phía cửa, gặp lại ánh mặt trời xa xưa. Bên trong âm u, đứng từ phía ngoài nhìn vào không rõ lắm. Nhược Thủy theo Tiết Minh Viễn đi vào, đồ vật bên trong được bọc bằng vải, sắp xếp ngăn nắp. Tiết Minh Viễn xốc tấm vải phủ lên, bên dưới là một chồng rương lớn nhỏ bị đóng kín.

Tiết Minh Viễn hết nhìn trái lại nhìn phải, không rõ đang tìm kiếm thứ gì, Nhược Thủy lại dành thời gian quan sát xung quanh. Đây là phòng ở cũ, thế nhưng những chiếc rương kia do bàn tay thợ khéo léo làm nên, nhìn kỹ thì hình như vật liệu là gỗ đàn, mỗi rương khắc một loại hoa văn khác nhau, chẳng lẽ trong rương chứa đồ cưới, là đồ cưới của mẹ chồng nàng sao? Phải, có lẽ vậy, Tiết Minh Viễn từng nói khi rời khỏi nhà chính chỉ mang theo đồ cưới của mẫu thân.

Ngay khi Nhược Thủy còn đang đắm chìm trong suy tưởng thì Tiết Minh Viễn đứng bên cạnh đã reo lên: "Tìm thấy rồi." Nói đoạn, y cố gắng lôi một cái rương được đặt ở phía dưới ra. Nhược Thủy mỉm cười bước đến, dịu dàng hỏi: "Trong này đựng bảo bối gì đây?"

Tiết Minh Viễn làm ra vẻ bí mật nói: "Trong này chứa bí tịch thất truyền mà người người trong giang hồ đều muốn có được, trong đó có ghi chép lại rất nhiều chiêu thức võ công tuyệt thế, một khi luyện thành có thể xưng bá võ lâm! Thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ!" Nhược Thủy nghe vậy bèn trợn mắt há mồm nhìn Tiết Minh Viễn.

Tiết Minh Viễn muốn phì cười nhưng cố nén lại mà rằng: "Vi phu không gạt nàng đâu, bên trong đúng là thứ rất quý đấy, nương tử cứ mở ra xem là biết." Nhược Thủy nhìn Tiết Minh Viễn với vẻ hoài nghi, Tiết Minh Viễn nhìn Nhược Thủy với vẻ nghiêm túc, ý bảo Nhược Thủy hãy mở rương ra. Nhược Thủy vươn tay đến, vừa chạm vào đã vội rụt lại ngay, thận trọng hỏi lại: "Không phải là thứ kỳ quái gì chứ?"

Tiết Minh Viễn lắc đầu, Nhược Thủy nhìn cái rương, cẩn thận mở ra như đang mở bảo vật. Cái rương này nhìn lại thì chẳng có gì đặc biệt, bên trong chỉ đựng một đống sách, giấy chi chít chữ, dày bằng chiều cao cái rương. Tiết Minh Viễn mỉm cười lấy ra quyển đặt trên cùng, cất tiếng bảo: "Cái rương này đựng toàn bộ những ghi chép tâm đắc khi cha ta theo lão tiên sinh học y và khi ông hành nghề." Tiết Minh Viễn phủi đi lớp bụi bên ngoài, nhẹ nhàng lật ra một tờ, đưa cho Nhược Thủy xem.

Đây là lần đầu tiên Nhược Thủy được chiêm ngưỡng chữ viết của cha chồng, nét chữ tinh tế có lực, Nhược Thủy cũng tự lấy ra một quyển khác. Quyển này ghi chép lại triệu chứng của mỗi loại bệnh, trước tiên là một bài vè, sau đó mới diễn giải từng triệu chứng một. Nàng lại lấy ra một quyển nữa, bên trong ghi lại phương thuốc chữa trị khác nhau cho những bệnh nhân có cùng triệu chứng.

Tiết Minh Viễn vừa mỉm cười vừa nói: "Y thuật cũng cần kỹ thuật, không thể chỉ dựa vào y thư, nếu không thì ai biết chữ cũng đều là đại phu, đều có thể chẩn bệnh rồi. Năm xưa phụ thân tự mình theo lão đại phu của tiệm nhà học y thuật, nhưng cái nghề là miếng cơm của người ta, sao có thể truyền lại hết tất cả cho người ngoài, hơn nữa ông ấy lại là thiếu đông gia, người ta sợ rằng dạy đồ đệ xong sư phụ sẽ chết đói nên càng phòng bị nhiều hơn. Thế nên phụ thân đã rời khỏi nhà, ra bên ngoài làm ăn học nghệ. Tuy chịu không ít cực khổ, nhưng bù lại ông đã có được bản lĩnh thật sự."

Trước khi thành công, ai ai cũng từng trải qua vô số khó khăn, khổ cực, cha chồng được người đời xưng tụng là Tiết thần y hẳn không phải chỉ trong một sớm một chiều. Tiết Minh Viễn cầm một quyển khác lên, nhẹ nhàng bảo: "Sau khi phụ thân qua đời ta đã đóng gói hết đồ đạc lại, tự cho rằng như thế có thể giữ lại chút kỷ niệm với phụ thân. Sau chuyện lần này ta đã hiểu tâm tư của phụ thân năm ấy, học tập kinh nghiệm thành công của Bạch gia không chỉ ở hình thức, cái quan trọng nhất chính là tinh thần.

Cho nên từ hôm nay trở đi, ta sẽ chăm chỉ dùi mài, học y thuật theo gương của phụ thân, không thể qua loa xuề xòa như trước nữa, nếu Tiết gia cũng làm bạn với dược liệu, ta tin rằng mình sẽ hiểu được chúng. Ta muốn kế nghiệp phụ thân một cách chân chính!" Nói đoạn, Tiết Minh Viễn ngượng ngùng cười bảo: "Có phải nàng thấy lúc này ta mới bắt đầu học là muộn màng, sẽ không đạt được thành tựu gì phải không? Ta cũng cảm thấy thế, nhưng nếu hiểu được ắt có chỗ hữu dụng, thế nên ta vẫn muốn học."

Nhược Thủy nghe vậy bèn cười nói: "Danh tướng Lữ Mông thuở thiếu thời cũng không đọc kinh thư, sau này cầm binh đánh giặc mới đọc sách binh lược, cuối cùng ông đã trở thành đại đô đốc của nước Ngô. Người ta không ngại mất mặt, tiểu nhân như chúng ta nào có danh tiếng gì, cũng không bao người để ý chúng ta sống ra sao, bọn họ lo chuyện của mình còn không kịp nữa là."

Tiết Minh Viễn cười ha hả, y kéo Nhược Thủy vừa đi vừa trò chuyện: "Hôm nay ta cũng có quà cho nàng, nàng lại đây." Y dẫn nàng đi sâu vào bên trong, phía trên cùng trong góc tối có đặt một cái rương nhỏ, y nhẹ nhàng mở ra, bên trong đầy những tơ lụa màu đỏ thắm, bên trên là một đôi khóa trường mệnh bằng phỉ thúy xanh biếc, chính là loại ngọc Nhược Thủy thích nhất.

Tiết Minh Viễn lấy vật kia ra, mỉm cười bảo: "Tất cả các rương trong gian này đều dùng để đựng đồ cưới của mẫu thân. Năm xưa khi rời khỏi nhà chính, bọn ta không chỉ phải tiếp tục sống mà đại ca còn muốn đọc sách rồi vào kinh ứng thí, hơn nữa việc làm ăn cũng phải gầy dựng lại từ đâu. Ban đầu chỉ có đồ cưới của mẫu thân, vì thế ta đành làm một đứa con bất hiếu, bán đi tất cả vải vóc, vật trang trí, đồ trang sức mẫu thân gìn giữ bao năm. Hiện giờ ngoài hai cái rương này, tất cả đều là rương rỗng.

Ta chỉ giữ lại hai thứ, chiếc vòng tay bằng vàng này giống với cái mà mẫu thân đã tặng cho đại tẩu, trưởng tẩu như mẹ, người mong muốn tẩu tẩu tương lai sau khi xuất giá sẽ chăm sóc Tiết gia thật tốt. Vật còn lại chính là thứ này, vật này do ngoại tổ mẫu để lại cho mẫu thân, mẫu thân rất thương yêu ta, người không quyết định được sẽ giao lại vật này cho ta hay ca ca, thế nhưng cuối cùng người vẫn để lại cho ta. Người muốn tặng nó cho con gái của ta sau này, tuy rằng tương lai chúng ta không có con gái, nhưng ta giao chúng lại cho nàng, coi như không phụ tâm nguyện của mẫu thân, từ nay về sau ta sẽ coi nàng, nâng niu nàng như là con gái chúng ta vậy." Tiết Minh Viễn vuốt miếng ngọc phỉ thúy, vật này gợi lại quá nhiều hồi ức, sau đó y đặt đôi khóa trường mệnh vào tay Nhược Thủy.

Nhược Thủy cầm cặp khóa trường mệnh nhỏ bé trong tay, nhưng lại cảm giác như bị ngàn cân đè nặng, trong lòng chua xót không thôi. Thứ cảm giác này vì đâu mà có, có chăng vì nàng chưa từng gặp mặt mẹ chồng lấy một lần, bà đã qua đời khi Tiết Minh Viễn còn rất nhỏ. Nhược Thủy như nhìn thấy hình ảnh một người mẹ với nỗi nhớ thương đời đời kiếp kiếp không dứt, luôn lo lắng, trăn trở vì con mình, mong muốn kỷ vật nho nhỏ này như tấm bùa phù hộ cho tương lai họ được bình an suôn sẻ.

Hay có chăng cảm giác khổ sở này là vì bản thân nàng, vì bản thân nàng vĩnh viễn không thể hoài thai đứa trẻ mang huyết mạch nhà họ Tiết, đau khổ vì nàng không thể hạ sinh một đứa con gái đáng yêu. Nàng yêu thương Tiết Hạo và Tiết Uyên từ tận đáy lòng, thế nhưng nàng cũng khao khát được nuôi dưỡng nhúm ruột mình sinh ra. Thai nghén một sinh mệnh là đặc quyền tốt đẹp nhất mà trời đất ban tặng cho người phụ nữ, song, thiên chức này của Nhược Thủy lại bị kẻ khác nhẫn tâm cướp đoạt.

Ban đầu khi mới nghe tin, nàng vốn dĩ không cảm nhận được nỗi đau này lớn đến nhường nào, đến lúc này đây, khi một người đàn ông khao khát có một hình hài của hai người thì đã không thể nữa rồi. Những giọt nước mắt tuôn rơi như châu sa của Nhược Thủy khiến Tiết Minh Viễn sợ hãi, luống cuống dỗ dành: "Được rồi được rồi, sao tự nhiên nàng lại khóc, ta đã nói gì sai sao? Ta có lỡ lời thì nàng cứ mắng mỏ chứ đừng khóc như thế này."

Tiết Minh Viễn xoay tròn xung quanh, y không có cách nào khiến những giọt nước mắt trên gương mặt nàng ngừng rơi. Nhược Thủy nắm lấy gấu áo Tiết Minh Viễn rồi nhào vào lòng y, nàng nghẹn ngào: "Xin lỗi, thật xin lỗi..." Xin lỗi cha mẹ, con đã khiến hai người đau lòng. Con xin lỗi mẹ chồng, con đã không thể thực hiện được tâm nguyện của người. Minh Viễn, thiếp thật có lỗi với chàng, thiếp không thể hạ sinh con của chúng ta. Xin lỗi Nhược Thủy, xin lỗi Nhược Thủy, xin lỗi...

Tiết Minh Viễn vẫn không hiểu mình đã nói sai điều gì, vốn dĩ nói ra cốt để dỗ dành Nhược Thủy, khiến nàng vui vẻ mà. Sao bây giờ lại khóc rồi, bản thân đúng là quá ngu ngốc, Tiết Minh Viễn ôm Nhược Thủy nói: "Ta xin lỗi, xin lỗi mà..." Hai người cứ ngây ra như thế, ôm nhau nói tiếng xin lỗi thật lâu, dù rằng trong lòng hai người thật ra đang nghĩ đến hai chuyện khác nhau...

Đêm đến, hai người lặng thinh nằm trên giường, một lúc lâu sau cũng không ngủ được. Tiết Minh Viễn cất tiếng nói: "Có phải khi đến ngày nàng vẫn bị đau bụng không, sau này nếu ta có thể chẩn bệnh cho nàng cũng coi là có tiếng tăm rồi." Nhược Thủy vừa cười vừa nói: "Từ nhỏ thiếp đã vậy rồi, cũng có không ít đại phu đã thăm khám qua, nếu chàng thật sự có thể chữa khỏi cho thiếp thì đúng là bậc thầy rồi."

Tiết Minh Viễn vẫn đang suy nghĩ xem vì nguyên nhân gì khiến Nhược Thủy bị tổn thương như thế, sau này có thể mình sẽ hiểu được rốt cuộc vì sao Nhược Thủy không thể sinh nở, khi ấy bản thân cũng đã thành công. Phải, những chuyện liên quan đến con gái sau này sẽ không nhắc đến nữa!

Từ ngày hôm ấy, Tiết Minh Viễn sinh hoạt và làm việc như một sinh đồ vất vả thi khoa cử. Thay vì xử lý sổ sách vào buổi tối như trước, y làm xong xuôi từ sáng sớm, sau đó khi về nhà thì chui vào thư phòng đọc y thư. Ban ngày Tiết Minh Viễn ngồi bên cạnh lão đại phu nghe xem họ chẩn bệnh và chữa bệnh cho bệnh nhân như thế nào, xem xem các vị đại phu lão làng căn cứ vào triệu chứng gì của người bệnh để điều chỉnh toa thuốc, sau đó còn tự bắt mạch cho bệnh nhân rồi nói với lão đại phu xem có gì sai không, có chỗ nào mình nhìn chưa ra không.

Không những thế, Tiết Minh Viễn còn chú ý ghi chép lại tình hình của bệnh nhân, lần sau họ đến sẽ hỏi xem dùng thuốc có công hiệu hay không. Dù gì khi còn nhỏ Tiết Minh Viễn đã có gốc, cho nên chẳng bao lâu sau y đã có thể nhận biết, chẩn đoán một số căn bệnh đơn giản thường gặp.

Chớp mắt đã lại đến cuối năm, đầu tháng chạp cũng là lúc cửa hàng kết sổ. Từ sau chuyện kia đến cuối năm, tổng lợi nhuận của các cửa hàng chỉ vỏn vẹn ba ngàn lượng. Về phương diện làm ăn không thể thiếu dưới hụt trên nên nhất định phải chuẩn bị một khoản, lại còn chi phí sinh hoạt năm sau của cả nhà, không chỉ vậy, cứ ba năm Tiết Minh Hiên phải vào kinh khảo hạch một lần, năm nay đã đến kỳ ắt cần đến một số tiền lớn. Thế là từ đây, những tháng ngày túng quẫn của Tiết gia chỉ vừa mới bắt đầu.