Hôm nay Tạ Sâm rất hào hứng.

Thằng bé đóng sập cửa ô tô lại, nghênh ngang đi vào trường mẫu giáo Ánh Dương với tư thế cậu chủ nhỏ. Vừa bước vào lớp, em đã rút một vật trong túi ra, hí hoáy bấm tít tít trước mặt đám bạn cùng lớp.

Cả đám đều ngẩn tò te, không biết vật trong tay Tạ Sâm là gì. Tụi nó bắt đầu xúm lại, một phút sau, những tiếng trầm trồ thán phục vang lên.

“Ôi chu choa, điện thoại di động đấy.”

“Nhà tớ cũng có cái này. Nhà tớ cũng có cái này. Nhưng mà nó to và đen hơn cơ.”

“Đồ ngốc, cái đó là điện thoại bàn chứ không phải di động đâu.”

“Di động là thế nào?”

“Là nó giống điện thoại bàn mà không có dây ấy.”

“Lũ nhà quê, di động sao có thể giống điện thoại bàn, nó còn có thể chụp hình, nghe nhạc nữa cơ.”

Nói xong, Tạ Sâm chỉnh một bài nhạc thiếu nhi đang thịnh hành rồi ấn nút, tiếng nhạc ting tang sôi động vang lên khiến đám trẻ trong lớp Lá Me càng thêm hâm mộ.

Diệp Thiên đẩy cửa phòng học, nhìn một đám con nít túm tụm trước mắt, anh không hề tò mò tụi nó đang làm gì. Dù sao anh cũng đã qua cái tuổi xuýt xoa trước một con siêu nhân hay cái xe điều khiển từ xa nào đó rồi.

Nhưng Trần Lạc Y thì tò mò. Em quẳng ba lô chạy vào đám đông muốn xem chuyện gì đang xảy ra. Khi nhìn thấy điện thoại di động trên tay Tạ Sâm, hai mắt em tỏa sáng, miệng khen ngợi liên tục.

“Ôi cái máy hát. Cái máy này biết hát.”

“Không phải máy hát…” Tạ Sâm ho khan, hơi đỏ mặt, ấp úng nói: “Đây là điện thoại di động, nhà của Lạc Y không có cái này ư?”

“Di động sao? Có có, ba và các anh trai có, nhưng họ không cho Lạc Y.”

“Vậy mình cho Lạc Y mượn nhé.”

Đám bạn học xung quanh ồ lên bất mãn. Tên công tử Tạ Sâm lại chịu thua dưới “hoa mẫu đơn” rồi. Ai chẳng biết Tạ Sâm mến Trần Lạc Y đã lâu, chỉ trước mặt cô bé cậu mới không giở tính công tử ra thôi. May mà Trần Lạc Y tốt tính, nếu cô cũng học thói tiểu thư thì chắc giờ này Tạ Sâm bị hành hạ đến thảm. Ai bảo cậu chàng lại thích nghe lời Trần Lạc Y răm rắp chứ.

Trần Lạc Y thích thú cầm cái “máy hát”. Đây là loại di động đơn giản, màn hình màu, có thể nhắn tin, chụp hình, nghe nhạc. Nhưng bộ nhớ của nó không lớn lắm, chụp hình cũng không rõ nét. Dù vậy, đối với “đám nhà quê” lớp Lá Me thì đã đủ cho tụi nó xúc động rồi.

“Tách”.

Một tiếng động kỳ lạ vang lên. Tụi nhà quê dáo dác nhìn nhau, sau đó quay ra đằng sau lưng.

Diệp Thiên đang cầm một chiếc điện thoại di động trong tay, quay ống kính về phía Trần Lạc Y. Tiếng “tách” vừa rồi là tiếng máy chụp hình. Anh thấy một đống cặp mắt đang trố ra nhìn mình thì mỉm cười, vui vẻ bấm “tách tách” thêm vài cái nữa.

Sau đó anh đến gần, giơ màn hình ra cho Trần Lạc Y xem. Người trên màn hình là cô, cô đang mở to mắt nhìn ống kính, vẻ mặt hết sức kinh ngạc.

“A, chụp hình chụp hình.”

“Điện thoại di động đấy!”

“Nhưng cái này không có bàn phím, làm sao mà bấm được?”

Diệp Thiên buồn cười, không trả lời tụi nó. So với một người đã tận hưởng qua cuộc sống công nghệ cao hiện đại như anh thì mấy thứ này lạc hậu đến đáng thương. Đây là chiếc điện thoại cảm ứng hiện đại nhất rồi, nhưng ứng dụng của nó vẫn hạn chế, chụp hình cũng không đẹp. Nhưng nếu Lạc Y thích thì anh sẽ đưa cho cô chơi.

“Ấn vào đây.”

Trần Lạc Y ngơ ngác ấn vào.

Màn hình lóe lên, bộ phim ngắn “Sói xám và thỏ” bắt đầu chiếu. Cả lớp ồ à ngưỡng mộ rồi xúm lại cùng xem phim.

“Sói xám và thỏ” thật tuyệt vời.

Điện thoại di động vô cùng tuyệt vời.

Một lúc sau cô giáo vào lớp giải tán xóm nhà lá. Cô bắt đầu chương trình học của mình, còn Trần Lạc Y vẫn ôm điện thoại chơi say mê, vì em và Diệp Thiên vốn đang bị tách biệt ra khỏi lớp mà.

Lần đầu tiên em thấy Diệp Thiên không còn khủng bố như trước nữa.

Diệp Thiên mỉm cười nhìn cô, anh rất thích khuôn mặt hào hứng sinh động này của Trần Lạc Y. Lúc thì cười, lúc nhăn mặt, lúc nhắm tịt mắt thích thú… Biểu cảm của cô phong phú hơn những tấm hình vô hồn kia nhiều.

Trần Lạc Y nghịch nghịch rồi mở album ảnh ra. Hình bên trong rất nhiều, hầu hết đều chỉ có một người, đó chính là em.

Lúc em đang vẽ tranh. Lúc em đang ăn kem. Lúc em đang ngủ. Lúc em đang chơi ghép hình… Có rất nhiều hình, nhiều cảnh tượng, nhiều tư thế. Không biết anh ta chụp lúc nào mà em không nhận ra nữa.

Trần Lạc Y nhìn về phía Diệp Thiên, ánh mắt “nóng bỏng” khác thường. Trẻ con mà, đứa nào không thích chụp hình đâu. Chúng chỉ nghĩ chụp hình rất vui, mà không nghĩ ra ẩn ý ở đằng sau nó.

Ví như, người ta chỉ chụp thật nhiều hình của người mà người ta yêu thôi.

Diệp Thiên nhìn Trần Lạc Y vui vẻ tự xem hình mình, ánh mắt anh tối xuống, một vài ký ức lại ùa vào trong đầu.

Kiếp trước Trần Lạc Y cũng thích chụp hình. Thậm chí cô còn có một phòng rửa ảnh riêng. Cô chụp từ năm cấp hai đến tận khi trưởng thành, thế mà vẫn chỉ là một nhiếp ảnh nghiệp dư. Nhưng cô lại biết rửa ảnh, biết dùng máy ảnh cơ, biết… bám đuôi chụp lén mà không bị người ta phát hiện. Đương nhiên, đối tượng chụp của cô là anh.

Cô để lại cho anh một căn phòng ảnh. Ảnh trong đó rất nhiều, treo đầy trên dây, dán đầy trên tường, bỏ đầy trong album. Chưa kể còn có những cuộn phim chưa được rửa. Mới ban đầu hình rất xấu, tấm nào cũng mờ nhoẹt, tấm thì quá sáng, tấm thì rửa hỏng… Nhưng về sau càng ngày càng tiến bộ, có những khoảnh khắc chỉ xuất hiện trong một tích tắc cũng được cô nắm giữ. Đảm bảo những tấm hình này mà lọt vào tay các tạp chí là sẽ được đăng thẳng lên trang nhất luôn.

Khi biết được điều này, anh đã rất giật mình, cũng rất chua xót. Hình của cô anh có chỉ là những tấm hình gia đình, hình tốt nghiệp, hình liên hoan… còn rất nhiều khoảnh khắc trong đời cô anh chưa được chứng kiến. Hình chụp chung với họ chỉ có mỗi hình cưới, mà trong hình anh còn cười rất lạnh lùng…

Thế nên, kiếp này anh không để lỡ một giây phút nào của cô. Anh sẽ chụp cô theo từng bước chân trưởng thành. Anh sẽ đóng góp vào những giai đoạn quan trọng với cô. Sẽ không bỏ cô, sẽ không để cô một mình nữa.

Trần Lạc Y hí hoáy nghịch điện thoại của Diệp Thiên suốt buổi học. Đó là một ngày đầu tuần hiếm hoi mà Trần Lạc Y không mặt nhăn mày nhó với Diệp Thiên. Không khí hôm đó vô cùng trong lành, tất cả mọi thứ đều hài hòa.

Chỉ trừ một cậu bé tên Tạ Sâm đang rúc vào góc phòng nguyền rủa người nào đó.