Khi về tới nhà, tâm trạng của Việt đã trở lại bình thường. Anh đem can rượu trắng vào trong bếp, ở chỗ bà vẫn thường cất rượu. Bà hỏi:

- Sao cháu về muộn thế?

Việt trả lời:

- Dạ cháu tình cờ gặp mấy đứa bạn cũ bên làng Thượng nên dừng lại nói chuyện chút ạ.

Bà ngoại trách mắng:

- Nói chuyện với bạn cũ đúng là không có gị xấu, nhưng nếu việc đó gây ảnh hưởng tới người khác thì lại là đáng trách. Cháu giúp bà đi mua rượu, nhưng về muộn bắt bà đợi cháu là có lỗi, cháu hiểu chứ?

- Dạ rồi ạ. Cháu xin lỗi bà.

- Được rồi, đã biết nhận lỗi là tốt. Cháu để can rượu vào góc nhà đó cho bà rồi ra giúp ông kìa. Ông đang muốn chuyển mấy chậu hoa mà không có ai giúp cả.

- Dạ vâng, cháu ra giúp ông đây.

Còn hai ngày nữa là ba mươi Tết rồi, việc nhà bề bộn, gia đình của các cậu, các dì đều có việc riêng, khó mà giúp cho ông bà được. Hiện tại trong nhà chì có mình anh là trai tráng, vậy mà anh lại dừng lại nói chuyện với bạn làm ông bà mệt nhọc, không khỏi cảm thấy áy náy. Nghĩ vậy, anh bèn chuộc lỗi bằng cách làm hết những công việc nặng. Ông bà rất vui mừng. Anh cứ làm như thế cho đến ngày ba mươi Tết, công việc dọn dẹp hầu như đã hoàn tất. Chiều hôm đấy chỉ dọn sơ qua nữa là xong.

Đêm giao thừa, mọi người trong gia đình anh đều có mặt. Đây là lệ thường của gia đình, đêm giao thừa, tất cả thành viên tập trung về nhà, nói ra những gì bản thân đã làm được và chưa làm được trong năm qua, và rút kinh nghiệm từ những sai lầm cho năm sắp tới. Âu cũng là dịp để gia đình đoàn tụ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Anh cảm thấy đây là một thói quen gia đình rất tốt đẹp, cần phải giữ gìn và phát huy.

Khi đồng hồ điểm đúng không giờ, ông của anh đứng dậy thực hiện nghi thức cúng sang năm mới. Sau đó mọi người thay nhau lên trước tủ thờ thắp nhang, cầu mong năm mới mọi sự an lành thuận lợi.

Khi tới lượt Việt, anh thắp nhang cho tổ tiên và các vị tiền bối trước rồi thắp tiếp cho cha mẹ mình. Hai mắt anh đỏ hoe. Ký ức về cha mẹ rất ít nên mỗi lần thắp nhanh anh đều rất đau lòng. Nhưng năm nay đã hơi khác, sự vui vẻ đã xuất hiện xen lẫn với vẻ đau buồn trong hai mắt anh. Anh nói trước hương án của hai người:

- Ba mẹ, năm nay con có rất nhiều việc vui. Đầu tiên là con đã thi đậu đại học, không phụ sự kỳ vọng của mọi người. Thứ hai, con đã khám phá ra một điều tuyệt vời mà con từng mơ ước. Thứ ba, con đã xác định được phương hướng cho hoài bão của mình. Xin ba mẹ cứ yên lòng, con sẽ cố gắng đạt được thành công để không phải lo lắng vì con.

Nói xong, anh xoay người đi từ từ xuống dưới. Trong thời khắc này, anh dường như cảm thấy mình đã có sự thay đổi rất lớn, trưởng thành hơn, đầu óc trở nên sáng rõ lạ thường, thậm chí cảm thấy cha mẹ ở quanh đây. Có lẽ đúng như người ta vẫn thường nói, bậc làm cha mẹ, dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn quan tâm, che chở, giúp sức cho con cái.

Làm lễ xong, mọi người lại quây quần xung quanh mâm cỗ. Ông bà và những người bậc tiền bối trong gia đình rút ra những bao lì xì đỏ chót mừng tuổi cho các con, các cháu. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng chất chứa biết bao tình cảm. Việt vẫn được lì xì dù anh đã là sinh viên đại học.

Việt cũng rút ra hai bao lì xì để mừng tuổi ông bà. Người lớn lì xì trẻ nhỏ để mong chúng lớn nhanh, ngoan ngoãn. Còn người trẻ mừng tuổi các bậc cao niên là vì hi vọng họ đã thọ càng sống thọ hơn. Bởi lẽ có người già trong nhà giống như một điểm tựa để ta có chốn quay về tìm sự an ủi giữa cuộc sống xô bồ, cũng như để dẫn dắt ta không bị lạc lối. Việt lớn lên trong vòng tay chăm sóc của ông bà hai bên nội ngoại lại càng thấm thía điều này.

Một năm mới nữa lại đến, hơi thở Tết Cổ Truyền của dân tộc ngập tràn khắp nơi. Mọi người đều hân hoan hớn hở, đi tới bạn bè chúc nhau một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Ở chùa lại càng đông đúc tấp nập. Người người đi trẩy hội, đến chùa xin lộc đầu năm đông vô kể. Những gia đình, các cặp đôi tình tứ bên nhau, Việt nhìn thấy cảnh đấy thì cảm thấy vui lây, nhưng cũn không khỏi chạnh lòng, đầu ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ. Vì thế mà anh đi sang bên góc phải của chùa lúc nào không hay. Góc này là nơi mọi người xin xăm.

Có một vị sư già ngồi ở đó để giải xăm cho người đến thăm chùa. Vị sư già thấy Quốc Việt thì nở nụ cười thân thiện, gật đầu chào anh. Ông mở lời trước:

- Việt đến xin xăm hả cháu?

Việt thường đến chùa làm công ích nên các sư trong chùa nên các sư đều biết anh. Anh cười cười, đáp lại:

- Dạ không, cháu chỉ tình cờ sang bên này thôi ạ.

Sư già chỉ vào cây mai vàng treo những túi xăm màu đỏ chót và nói:

- Cháu đang có tâm sự phải không? Hay cháu rút một túi xăm, biết đâu được xăm cát lợi, tâm tình vui lên thì sao.

Việt thấy cũng đúng, tục lệ xin xăm vào năm mới đã có từ lâu, ông bà anh năm nào cũng làm vậy. Anh bèn đi tới cây mai vàng và rút đại một xăm rồi anh đưa cho ông sư già nhờ giải giúp. Ông sư già mở túi xăm, đọc hồi lâu thì ông thở dài, nói với giọng nặng nề:

- Không tốt rồi, xăm này rất xấu cháu à. Cái này...

Việt cười cười, lắc đầu:

- Dạ không sao đâu ạ, sư cứ giải xăm cho cháu đi ạ.

- Hừm... đầu năm mà cháu đã nghe cái này thì... thôi được rồi, nếu cháu muốn thì ta giải cho vậy. Xăm cháu như thế này...

Có lẽ vì là vận hạn của Việt nên vị sư già hạ thấp giọng xuống, nói nhỏ hơn cho anh:

- Theo hai câu đầu của xăm thì trong năm nay cháu sẽ gặp phải chuyện xấu về mặt tình cảm, và chuyện này sẽ mang tới cho cháu một tai họa rất lớn. Vì thế hai câu cuối của xăm nhắc nhở cháu cần tỉnh táo trong mọi việc để hạn chế nguy hiểm.

- Hạn chế nguy hiểm ạ? Tức là cháu vẫn không tránh khỏi tai họa phải không ạ?

Sư già thở dài, lắc đầu buồn bã:

- Đúng thế. Ừm... ta rất tiếc khi mang tin xấu cho cháu ngay đầu năm mới thế này, ta thật là...

- Không sao đâu ạ, chỉ là một lá xăm thôi mà sư. Vâng, cháu sẽ nhớ lời sư dặn dò.

- Ừ, vậy thì tốt. Cháu cũng không nên lo lắng quá, như lời ta đã nói trước đây ấy. Cận thận nhé cháu.

- Vâng ạ, cháu cám ơn sư nhiều lắm. Tạm biệt sư cháu về ạ.

- Cháu về nhà.

Việt cất lá xăm vào túi, gập đầu một cái chào vị sư già và quay về nhà. Trên đường về, không hiểu vì lý do gì, tâm trạng của anh đã trở nên tốt hơn. đầu tiên là thật ra, anh không quá tin tưởng về tính chính xác của mấy lá xăm này. Anh đã từng nhiều lần xin xăm, đúng nhiều mà trật cũng lắm. Duy chỉ có một lời bói vì sư già nọ bói cho anh là chính xác nhất. Ông ấy bảo rằng, trong cuộc đời anh, vận may và vận rủi luôn đan xen vào nhau. May đấy rồi rủi đấy. Ví dụ điển hình lá lần ở trên Đỉnh Bàn Cờ. Anh may mắn không đụng phải ổ rắn độc, nhưng rồi xui xẻo gần chết khi đối mặt với con hổ mang chúa. Hay lúc xui xẻo vấp hòn đá đập đầu vào góc chân Bàn Cờ, nhưng ngay sau đó thì may mắn có được bí kíp võ công của vua Quang Trung.

Hơn nữa, xăm nói là anh gặp tai họa. Hầu hết tai họa đều do chính bản thân mình gây ra, ít hơn thì do người khác gây ra, run rủi bên trong rất hiếm. Chỉ cần cẩn thận là sẽ không sao cả. Cho nên tìm may mắn từ đó quả rất khó. Chi bằng đối mặt trực tiếp với nó. Anh đã nghĩ thông suốt vấn đề này từ rất lâu rồi.

Thế rồi anh lại nhớ tới Quỳnh. Giá như không vô tình gặp gỡ cô ấy ở bến xe thì tinh thần của anh đâu bị rối loạn như thế này. Nhắc người lại thấy người, anh phát hiện cô giữa đám đông trước cổng chùa. Cô đi cùng gia đình và cô cũng đã thấy anh. Anh gượng cười, gật đầu chào cô một cái rồi đi luôn. Điều đó làm cô hơi ngạc nhiên vì thái độ bất bình thường đó của anh. Việt tạm gác những suy nghĩ vướng bận về cô, gọi cho thằng Tùng gần nhà:

- Ê Tùng, mày và tao đi gọi mấy thằng Tí, Tèo lại, chúng ta cùng đi chúc Tết làng.

Tùng gật đầu đồng ý:

- Ừ, tao đi gọi hai thằng Tí, Tèo, còn mày gọi những đứa khác.

- Ừ được, chúng đợi nhau ở cây đa làng.

- Được.

Việt bắt đầu tập trung mấy thằng bạn nối khố lại thành một đoàn, đi chúc mừng năm mới từng nhà trong làng. Cũng rất lâu rồi mới có lại kiểu chúc Tết này. Đám thanh niên các anh làm cho làng Hạ vốn đã tươi vui càng thêm phần rộn rã.

...

Năm ngày Tết trôi qua một cách nhanh chóng, Quốc Việt phải quay lại nhịp sống của trường đại học. Ngày mồng sáu âm lịch, anh khăn gói trở về trường. Khi anh về quê thì chỉ có vài bộ quần áo và dụng cụ cá nhân, balo nhẹ tâng; khi tới thành phố ĐN thì cực kỳ nặng bởi cơ man bao nhiêu là đặc sản của vùng quê anh do ông bà nhét đầy ắp bên trong. Đây là tấm lòng của ông bà ngoại, không thể không mang theo.

Đêm trước khi lên đường, chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, anh lại nhắn tin cho Như Quỳnh: "Chiều mình sẽ bắt xe về Đà Nẵng, bạn đi cùng mình nhé?", rồi anh nhấn nút gửi. Mấy giây sau anh sực tỉnh, muốn huỷ gửi tin thì đã muộn. Điện thoại báo tin nhắn đã tới đúng địa chỉ. Anh tự chửi mình sao sơ suất vậy chứ. Thông qua tin nhắn đó, Như Quỳnh sẽ dễ dàng nhận ra tình cảm của anh dành cho cô và tạm thời anh không muốn điều này xảy ra.

Càng bất ngờ hơn, Như Quỳnh hồi âm lại là cô đồng ý, cô cũng có ý định đi chiều nay. Anh không tin chỉ sau vài ba lần gặp nhau gần đây mà cô có cảm tình với anh như thế được. Bây giờ thì anh gặp phiền não; lỡ lời mời cô ấy đi rồi, lẽ nào lại cho người ta leo cây. Tuy đôi khi dùng cách này để tán gái có hiệu quả khá tốt, nhưng hiện tại, anh chưa muốn có bồ. Chẳng qua nghĩ tới nghĩ lui, anh vẫn đi.

Buổi chiều, đúng y hẹn, anh đến bến xe... ờ... thực ra, sớm hơn hai chục phút, có thể xem đây là thói quen của anh. Ngồi đợi hồi lâu, anh thấy Quỳnh khệ nệ xách theo một túi lớn, dáng điệu rất khó nhọc, anh vội vàng chạy tới giúp. Anh vắt nó lên vai vác đi như chẳng có gì nặng cả, khiến Quỳnh trố mắt ra nhìn. Anh tò mò, bèn đùa cô:

- Chà, bạn chuẩn bị cho một kỳ học mới kỹ quá ta, một túi to đùng thế này chắc phải lắm thứ lắm.

Quỳnh nghe thế đỏ mặt, lắc đầu đáp:

- Cái này mẹ mình chuẩn bị cho thôi, cả bà ngoại cũng đưa cho nào là măng khô, mứt hoa quả,... lại còn nói thành phố đắt đỏ, cứ để dành ăn dần.

Việt nghe thế thì phì cười, nhưng trong long bỗng nhiên lại cảm thấy buồn buồn, anh nhớ đến cha mẹ, nếu giờ đây hai người còn sống chắc cũng bắt anh cũng phải mang vác túi to túi nhỏ thế này.

Hai người đợi thêm chừng một hai phút nữa thì sẽ buýt xuất hiện, Việt giúp cô lên trước rồi mới vác hành lý lên sau. Lần này đã có hơi khác lúc về quê trước Tết, anh và cô ngồi trên cùng một ghế.