Khi cách thị trấn còn khá xa những khách du hành đã nghe được những âm thanh ăn chơi tưng bừng náo nhiệt phát ra từ đó, và Juana đã vô tình gò cương lại. Nàng nhìn lướt qua thung lũng bên dưới thấy nhà cửa nhỏ xíu như đồ chơi, trong màu trắng và hoàng kim nhạt được phân ranh bởi các lùm cây. Thung lũng như được nâng niu bởi những những dãy đồi dài như những cánh tay ôm choàng chung quanh. Quay qua Tristán nàng thấy chàng ngồi bất động trên con ngựa hồng, nét mặt nhăn lại kỳ lạ làm vành miệng sẹo đanh lại.

“Đó là lễ hội – tôi đã quên mất. Người dân thị trấn Villenos đang tưởng niệm một vị thánh nhỏ, họ tôn vinh xương cốt của ngài bằng cách uống say ngất ngư trong hai tuần lễ mỗi năm. Lẽ ra tôi nên nhớ đến dịp này, nhưng đầu óc tôi còn bận bịu với vấn đề trọng đại hơn.” Chàng bất ngờ quay đầu, và tia sáng màu ngọc trong đôi mắt ấy như thu hút nàng. “Xem ra chúng mình không có được chỗ trú ẩn yên tĩnh như ý tôi muốn, nhưng ít ra việc chúng ta tới đây sẽ không bị chú ý trong dư luận như thế này.”

“Dù có đi chăng nữa, đâu có luật nào có thể tách người vợ khỏi chồng mình.” Giọng nàng cay đắng hơn. “Đó không phải là lý do anh cưới tôi hay sao?”

“Trong giới hạn nào đó,” chàng lạnh lùng đồng ý, “mặc dù kẻ đuổi bắt cứng đầu kia muốn chia cách chúng ta bằng cái chết, nhưng ngay cả cái người đeo đuổi cầu hôn em đó cũng chưa đủ gan làm.”

Juana quay đầu sang hướng khác. Buổi sáng hôm đó nàng cố vấn tóc tươm tất, nhưng giờ đây gió cứ vờn trêu những lọn tóc quăn bướng bỉnh viền quanh gương mặt trái xoan. Cằm nàng nghênh lên kiêu kỳ tương phản với quầng thâm dưới mắt và khuôn miệng lộ rõ vẻ mềm yếu. “Gần đây tôi đã thấy đủ chết chóc rồi,” nàng đanh giọng.

Trong một thoáng Tristán đợi như thể mong nàng nói thêm điều gì nữa, nhưng không nghe nàng nói tiếp chàng cho ngựa quay đầu xuôi xuống đường không thốt ra một lời nào.

Thình lình Juana cất tiếng lúc nàng giục con ngựa Arab đi tiếp, “tại sao chúng ta phải đi theo hướng nam? Zuccaro nằm trên đường đến biên giới Bồ Đào Nha mà.”

“Chàng liếc qua vai nhìn nàng, mặt không biểu lộ điều gì. “Tây Ban Nha đang giao tranh với Bồ Đào Nha, em quên rồi sao? Mình sẽ mạo hiểm trong cuộc chiến mà bên nào cũng có thể giết mình nếu câu chuyện chúng ta bỏ trốn sẽ lan truyền tới nơi mình đến. Ngoài ra tôi không muốn mạo hiểm xuyên qua Pháp, dù Louis được tuyên bố là bạn hữu của Nhà Vua em tôi nghe rằng ông ta không thích người Tây Ban Nha trong nước của mình.”

Vua của em. Thâm tâm nàng nhói lên trước sự mỉa mai trong giọng nói đều đặn kia.

“Tại bờ biển mình có thể tìm một chiếc tàu và rời khỏi bằng đường biển. Nó có lợi là tránh xa được Madrid, trong trường hợp Torres đổi ý và lùng bắt tôi vì cướp đi em – tình hình sẽ không nghiêm trọng hơn thế cho đến khi họ tìm ra Bartolomé, nếu may mắn mình có thể rời đi trước khi họ phát hiện cái xác,” chàng nói thêm một cách châm biếm.

Juana thốt lên khe khẽ và thúc ngựa chạy tới trước. Đột nhiên nàng muốn trốn tránh ký ức của nàng để bỏ lại âm điệu chế giễu cứ xới tung những hình ảnh chết chóc mà nàng không thể chịu đựng nổi. Trong thoáng chốc nàng tự hỏi có phải chàng nói như thế để thú vị nhìn thấy cảnh tượng nàng đau khổ khi nhớ đến ký ức đó hay để nhắc nhở nàng đến uy quyền của chàng nằm ở đâu.

Mũ áo choàng tuột xuống phía sau khi ngựa gia tăng tốc độ, và nàng rạp người trên tấm lưng bóng mượt lòng bỗng dưng cảm thấy lâng lâng với các bắp thịt đang gợn nên những làn sóng nhịp nhàng nhanh nhẹn của con vật. Gió khuấy tung tóc nàng rối bời trông hoang dại làm sao, nàng đột nhiên cảm nhận được cảm giác tự do hồ hởi thật mạnh mẽ khiến nàng sửng sốt choáng ngợp. Giờ đây đến cuối cùng nàng đã chọn con đường đi cho riêng mình và sẽ không bao giờ quay đầu lại nữa. Trên mỗi gang tấc qua đi nàng đang dần rời xa đoạn đời cũ. Bây giờ đây nàng phải tự lực cánh sinh bắt đầu cuộc sống mới.

Hai cỗ ngựa đang phi như sấm sét ngang nhau xuôi xuống con lộ rộng rãi dẫn vào thung lũng, nhưng Tristán là người gò cương trước.

“Em hãy cẩn thận coi chừng đụng trúng bọn người đang say sưa đấy!” Chàng hất đầu về hướng những cái bóng đang ca hát ngả nghiêng trên đoạn đường phía trước.

“Điều đó chắc khó làm cho em cảm mến được người dân Villenos, và tôi cũng không muốn chi tiền hồi môn để đút lót cứu em khỏi bị tù đâu.”

Lời nói giễu cợt một cách nhẹ nhàng, nhưng nàng cảm thấy niềm vui của mình tắt ngấm nhanh chóng như lúc nó đến. Nàng vụng về kéo cương, giật qua giật lại nơi mõm ngựa điều khiển cho con vật xoay ngang, rồi chồm tới trước vỗ vỗ lên cổ nó một cách quan tâm. Mái tóc đã lỏng của nàng rơi xuống lòa xòa che đi gương mặt nàng. Juana đã quên hẳn hồi môn của nàng, nàng cay đắng nghĩ, nhưng vì chuyện đó biết đâu Tristán có thể sẽ thỏa mãn thôi hạ nhục nàng và rời bỏ nàng, như một màn kịch trong cuộc trả thù đàn bà dài đằng đẵng vì điều họ gây ra cho chàng.

Bàn tay thuôn dài đưa ra nắm chặt lấy dây cương của nàng, và nàng nghe chàng nói một cách sắc bén, “Đi gần vào tôi. Tôi không tin được cái bọn người này.”

Đã có lần cái mệnh lệnh đó đã khiến nàng phản đối kịch liệt nhưng giờ đây nàng chỉ gật đầu và ngồi yên thả lỏng dây cương, để chàng dẫn đến đâu thì tùy chàng.

Hai con ngựa đi sát vào nhau tiếp tục tiến đến phía trước, những âm thanh reo hò dường như đã lắng xuống khi mặt trời lặn thấp nơi chân trời. Đuôi con ngựa hồng quất qua quất lại lia lịa để xua muỗi đang vo ve quấy rầy trong khi đó ngựa của Juana đột ngột giảm tốc độ, vó nghiến chát chúa trên mặt đường. Những người say bí tỉ họ thấy lúc nãy đã bò lăn bò càng trong những bóng râm bên dưới mái hiên những ngôi nhà, đang lơ mơ nhìn họ đi qua. Sau một ngày chè chén lúy túy, một số giờ đây say mèm ngả nghiêng không làm lụng gì nổi chỉ ngồi trong bóng râm chờ đến lúc buồn ngủ. Cơn nhức đầu vừa nhói lên đang dai dẳng hành hạ Juana, trong lúc nàng đang cố kéo mũ lên trùm đầu Tristán đã cho đôi ngựa dừng lại.

“Chúng ta tới rồi.”

Giọng nói kín đáo của chàng hằn lên vẻ khắc nghiệt nhưng nàng không màng lưu ý, mắt nàng hãy còn chóa nắng và trong lúc đó nàng chỉ biết là ngựa đã dừng lại. Rồi những ngón tay của Tristán bấu chặt vào hông nhấc nàng xuống như một con búp bê. Nếu chàng không đỡ nàng đứng thẳng lúc chàng đặt nàng xuống có lẽ nàng đã sụp ngay xuống đất như một cái xác mềm nhũn kiệt quệ. Khi nàng vô tình nghiêng người về phía chàng, gần đâu đó vang lên một tiếng kêu, chàng hít vội vào và buông nàng ra.

“Luis - gặp lại chú tôi mừng quá.” Không một chút xúc cảm nào trong giọng nói đều đặn, nhưng đôi mắt xanh lục ánh lên nụ cười.

Một người đàn ông da ngăm đầu bạc, mặc chiếc yếm da cười lớn. Ông ta không màng chú ý đến giọng nói sắc bén của người tùy tùng và đưa hai tay nắm chặt lấy tay Tristán.

“Sao rồi, Felipe! Cuối cùng cũng về đây, hử? Anh đã được phép của cái đồ heo đó về thăm chúng tôi – và anh đem –” Ông ngưng bặt khi ánh mắt ông đưa mắt nhìn Juana. Nét mặt của ông biến đổi một cách khôi hài, cằm trễ xuống. “Thật xin lỗi, tiểu thư, tôi không có ý bất kính! Nhưng khi bạn tôi tới đây vào lúc hội hè, nên tự nhiên... Anh sao vậy, Felipe, khi không đưa một vị tiểu thư cao quý như vậy đến nhà tôi?”

Môi Tristán hơi nhếch lên. “Bình tĩnh nào, Luis. Đây là Juana, vợ tôi.”

Luis liên tục nuốt khan trước khi ông nói lại được, đôi mắt đen nhỏ lóe lên sửng sốt. “Vợ của anh? Nhưng làm thế nào? Hồi nào? Tại sao anh không cho tôi biết?”

“Chú biết gần như là trước mọi người, chỉ trừ linh mục thôi – chúng tôi vừa thành hôn hôm qua, gia đình cô ấy không biết chuyện này.” Tristán kéo Juana sát vào người chàng, cằm chàng tựa lên tóc nàng ra điều âu yếm. “Chúng tôi không thể để chuyện này lan truyền ra ngoài, xin chú cho phép, cả việc chúng tôi ở đây cũng vậy.”

Cằm của Luis đã bình thường trở lại và ráng lắm chú ta mới nói nổi. “Vậy là đào hôn?” Chú hỏi một cách thẳng thắn.

Tristán yên lặng gật đầu, Juana cảm thấy tay chàng ấn xuống tay nàng như ngầm cảnh báo thúc giục nàng tỏ phản ứng. Nàng cố mỉm cười trước đôi mắt tròn xoe của Luis, và thấy gương mặt chú nở nụ cười rạng rỡ.

“Nói có thánh Isdore, tôi chưa bao giờ nghĩ là thấy được cảnh này cả! Cuối cùng thì Felipe cũng biết yêu rồi, sau bấy nhiêu năm trời! Suốt thời gian đó cứ ân hận con quỷ cái đó đã tàn phá mặt anh – lúc nào Elisabeta cũng nói là anh nói chuyện tầm phào khi nói là không bao giờ ở chung với người phụ nữ nào khác ngoại trừ -”

Chú ta ngưng ngang bật lên ho sặc sụa, ánh mắt tươi cười của Tristán trở nên cứng rắn.

“Chuyện đó đã qua, Luis, tôi cũng quên rồi. Elisabeta đâu?”

“Trong nhà – anh ở lại chứ, cả hai người luôn phải không?” Chú vừa nói vừa vẫy tay đưa họ vào nhà. “Vào gặp bà ấy đi. Này, thằng nhóc, Pepe –” Chú đưa chân hất vào mông thằng bé đang ngồi thụp dưới đất chơi trò đếm đốt xương ngay ngưỡng cửa của căn nhà dường như vừa là tiệm buôn vừa là nhà ở.

“Đi coi chừng ngựa của bạn chú đi, dẫn bọn nó lại đằng chuồng ngựa của cụ Garcia cho bọn nó ăn và uống nước, nhắn với cụ là ta sẽ tính hóa đơn tiền chuồng trại tuần tới bằng bột mì.”

Khi thằng nhóc miễn cưỡng chạy đi, Luis ngó Juana một cách lo lắng. “Nhà cửa bọn tôi chắc không phải là chỗ quen thuộc với cô, thưa tiểu thư – Felipe là chỗ bạn bè cũ và biết chúng tôi sống ra sao, nhưng xin cô hãy niệm tình tha thứ –”

“Tôi thấy đâu có gì cần phải tha thứ trước tấm lòng hiếu khách của bạn bè, senor Luis.” Juana mỉm cười, nhưng trong thâm tâm nàng đang nghĩ đến cái hang lúc nàng đáp lời, và thấy cái liếc mắt châm biếm của Tristán chứng tỏ cho nàng biết chàng đã đọc được ý nghĩ của nàng.

“Thật thế sao?” Luis đỏ mặt thích thú. “Vậy cứ xem nhà của tôi như nhà của hai người muốn ở đến bao lâu cũng được. Elisabeta!” Ông cao giọng gào lên. “Felipe đưa vợ anh ấy tới đây này.”

-o0o-

Từ bên trong cửa vang lên tiếng xua gà và một người phụ nữ trung niên, vòng hông đẫy đà mắt tròn ắt hẳn là vợ của Luis, xuất hiện ngay bậc cửa như thể bị thôi miên đến. Khi thấy Tristán bà hét lên mừng rỡ và lao vào người chàng, giơ cánh tay tròn trịa lên với lấy cổ chàng. Tristán cúi đầu xuống cho bà ôm gương mặt khắc nghiệt trở nên thật dịu dàng đến độ Juana bỗng dưng cảm thấy phát ốm vì ghen tị. Một lúc sau Tristán ngước lên bắt gặp ánh mắt người bạn bên trên mái đầu xám của Elisabeta.

“Cái tính kín đáo của hai người có ngày hại chết tôi đấy, Luis. Nói khẽ một chút nếu cô chú không muốn tôi bị treo cổ!”

“Nhưng còn Elisabeta -!” Luis tươi cười khoa tay.

“Thêm phân nửa khu hàng xóm quanh đây nữa đều biết, lúc mà bà ấy la xong.”

Tristán cười khẽ, gỡ cánh tay của Elisabeta, rồi nói với cả hai vợ chồng. “Tôi xin cô chú nhớ cho rằng người nhà của vợ tôi không thích tôi khi họ biết tôi cưới cô ấy, còn hơn là người chồng mà cô ấy bị chỉ định kết hôn.” Chàng liếc qua phòng nhìn Juana, tỏ ý cảnh cáo. “Càng ít người biết rằng chúng tôi đang trú ẩn tại đây, thì hôn nhân của chúng tôi càng duy trì được lâu hơn.”

Luis và Elisabeta trao đổi ánh mắt với nhau, rồi người đàn ông lớn tuổi bật cười khúc khích có vẻ hoài nghi. “Anh đang đùa đấy hử? Anh nói thế bởi vì anh muốn yên tịnh một chút sau khi –”

Tristán lắc đầu không nói một lời nào, đột nhiên bầu không khí trở nên quá yên lặng đến nỗi những tiếng động nhỏ ngoài đường cũng vang lên như sấm động.

Juana nói với giọng nghe như không phải giọng của chính nàng, “nếu anh nói như thế thì mình nên đi thôi. Chúng tôi không muốn đem phiền trở ngại đến cho chú và vợ chú.”

“Trở ngại? Trở ngại gì chứ?” Elisabeta hối hả bước tới trước, thúc khuỷu tay vào sườn chồng bà. “Tôi chỉ biết bạn của bọn tôi và cô dâu của cậu ấy rất được hoan nghênh. Tôi nói cho ông nghe, tôi rất mừng khi thấy anh chàng Felipe này lấy vợ! Tôi cứ ngỡ là anh ấy cứ thui thủi một mình cả đời vì không muốn để tâm quá nhiều vào bất cứ việc gì. Đúng không, hử, Felipe? Vẫn không quan tâm tới cả Chúa?”

Tristán không trả lời ngay, rồi lắc đầu. “Cô thật là hết thuốc chữa, Elisabeta. Quan hệ của tôi đối với Chúa là việc riêng của tôi, còn về Giáo hội – bây giờ tôi đã dàn hòa với linh mục rồi bởi vì vợ có niềm tin vào giáo điều của Giáo hội, cho dù tôi không tin.”

“Cô ấy có tên chứ hả, cô vợ này?” Nếu Elisabeta có lưu ý đến bầu không khí ngượng nghịu đi chăng nữa bà cũng không để lộ ra mặt, bà ranh mãnh nháy mắt với Juana. “Rồi anh sẽ thích nói vợ tôi thường hơn nữa, nhưng bọn tôi phải gọi cô ấy là gì đây? Tên cô là gì thế, vợ của Felipe?”

Juana nói cho bà biết, nàng nhận ra ngay trong lúc nàng cười nói chồng nàng đang quan sát mình bằng thái độ tách biệt lạnh lùng mà nàng từng biết quá rõ. Nàng cảm thấy được ánh mắt chàng dừng trên người nàng lạnh như chạm vào đá. Nàng đang trả lời câu hỏi nào đó về chuyến đi của họ, nhưng trong lúc đó nàng phân vân không biết nàng có tiết lộ nhiều việc hơn là chàng muốn không. Nàng chậm lại rồi lưỡng lự, nói năng không còn mạch lạc nữa rồi im hẳn. Luis bắt gặp tia nhìn trao đổi giữa hai người họ, ông xen vào vào một cách vụng về.

“Hai người chắc mình mẩy nóng nảy và khát lắm, lại đang đứng trên đường nữa! Felipe đi bằng cửa sau đi – máng có đầy nước đấy, anh đi rửa ráy rồi lấy nước cho tiểu thư của anh luôn, trong lúc tôi đi tìm chỗ ngủ cho anh tối nay.” Ông quay qua Elisabeta, “Alfonso và Carlos có thể ngủ bên nhà chú Enrique được chứ? Nếu mình cho thằng bé Rodrigo ngủ chung với mình, khách của chúng ta sẽ được riêng tư hơn.”

Juana ngó đăm đăm về phía trước. “Chúng tôi không cần –” nàng bắt đầu, rồi lại ngừng nhận ra nét thú vị trên ba gương mặt đối diện nàng.

Hàng mày của Tristán giương lên ra vẻ dò hỏi một cách nhạo báng, còn Elisabeta phá lên cười thẳng thừng.

“Cô thực sự cần đấy! Mới lấy nhau hôm qua rồi hôm nay ngủ chung với mấy đứa trẻ sao? Hai đứa lớn sẽ qua ngủ bên nhà cậu nó bên kia đường đến chừng nào mà hai người còn ở đây, còn thằng nhỏ nhất sẽ vào phòng bọn tôi.” Bà ném cho chồng mình cái nhìn trêu chọc. “Luis chẳng chịu làm gì cả chỉ biết ngáy suốt đêm thôi.”

Dù tâm trạng đang phiền nhiễu, Juana không thể kiềm lại bật cười lớn trước vẻ mặt tức tối của Luis. Tristán bước tới và choàng một cánh tay quanh vai Juana khô khan nói. “Tôi không giả bộ là tôi không biết ơn, Elisabeta, dù vợ tôi có nói gì đi chăng nữa. Luis giờ thì chỉ cho tôi chỗ máng nước đi.”

Khi hai người đàn ông dẫn nhau đi vào Juana cũng theo sau họ rồi dừng lại, nhìn quanh một cách tò mò. Căn nhà này nhắc nàng nhớ lại những căn mà cha nàng xây cho các người chăn nuôi gia súc trong những ngày ông còn sung túc: tường dày chắc chắn, sàn đất nện, với những khung cửa sổ khoét sâu. Nhưng hiển nhiên ông Luis đó đang buôn bán ở đây, toàn bộ căn phòng chất đầy những thùng, bao bị, và chai lọ. Thoang thoảng trong không gian vương mùi ngọt đậm đà của lúa mì, hòa cùng với hương liệu và mùi trần tục nồng nồng không lẫn vào đâu được của người và vật đang tăng trưởng.

“Chắc cô yêu anh ấy nhiều lắm.”

Giọng của Elisabeta làm nàng giật mình và nàng nhìn lên với cảm giác có lỗi. Đó không phải là một câu hỏi, chỉ là một cách bày tỏ cảm thông và Juana gật đầu khẽ làm cử chỉ lạ lùng tỏ ý bị bại trận. “Phải, tôi yêu anh ấy.”

Người phụ nữ kia cau mặt. “Nếu không thì tại sao cô lại đi với anh ấy đến nơi như thế này? Cô đã gặp anh ấy ở đâu, một tiểu thư thanh nhã quý phái như cô?”

“Ở Andalusia.” Cái ý thức gò bó lúc nãy lại kiềm hãm nàng lúc nàng đáp lời. “Tôi đến thăm castillo Benvaventes, còn anh ấy đang ở đó, và – rồi chúng tôi gặp nhau.”

“Và như thế là đã quá đủ cho cả hai người! Cô biết không trời định đấy. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ gặp lại Felipe như thế cả, sau những chuyện xảy ra cho anh ấy ở đây – lúc đầu cô chắc hẳn sẽ thấy anh ấy khó tính, không dễ thừa nhận cảm giác của anh ấy phải không? Tristán chưa bao giờ đánh giá cao phụ nữ trong vòng mười bốn năm qua.”

Juana mím chặt môi, “ồ, tôi biết anh ấy quý trọng tôi vì tôi có giá trị cao mà.” Nàng chua chát đáp lời.

Elisabeta dường như không lưu ý đến âm điệu của nàng nhưng bắt đầu lăng xăng tới lui. Trong chốc lát bà giúp Juana cởi áo choàng, xuýt xoa về mái tóc rối bù của nàng, khen ngợi kiểu áo, than van về cái gấu áo bị cắt lam nham, rồi lại bắt đầu giải thích tình bằng hữu lâu dài của chồng bà với Tristán. Bà dường như nghĩ rằng Juana biết hầu hết mọi chi tiết về thời niên thiếu của Tristán, nhưng cô gái không dám nài nỉ bà nói rõ vì sợ làm ngưng mạch chuyện.

“Luis là một thương gia, Felipe sẽ kể cho cô nghe chuyện đó. Ông ấy thừa hưởng việc kinh doanh từ ba ông ấy, và có một số người khinh thường chúng tôi bởi vì chúng tôi mua đi bán lại – nhưng Felipe thì không! Anh ấy lúc nào cũng ghé lại và trò chuyện với bọn tôi, không bao giờ tỏ ra kiêu căng ngạo mạn. Tôi nghĩ anh ấy cảm thông cho chúng tôi, vì anh ấy hiểu cảm giác đó ra sao sau lúc bị chính đồng bào mình đối xử với mình như thế nào! Rồi đến lúc cha mẹ anh ấy bị - bắt – anh ấy có đến đây kể cho chúng tôi nghe.” Elisabeta lắc đầu, ứa nước mắt. “Mặc dù thế anh ấy đã không khóc, cô có biết không. Mới mười bốn tuổi, nhưng không hề khóc vì cha mẹ mình! Lúc ấy chúng tôi muốn anh ấy đến ở chung, nhưng Tristán không chịu – anh ấy đã bỏ đi, nói rằng phải học biết cách tự lập, rồi bọn tôi không gặp lại anh ấy gần ba năm qua.”

“Anh ấy đã đi đâu?”

“Dạo đó chúng tôi không biết. Anh ấy trở lại khi gần được mười bảy và nói rằng đã ở trong quân đội - bọn tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên về điều đó, Tristán lúc nào trông cũng già dặn hơn tuổi của mình. Anh ấy từng là một sỹ quan, Tristán bảo thế.” Nụ cười của Elisabeta như gợi nhớ lại điều gì đó, nhưng thật nhanh chóng thoảng đi. “Khi đó anh ấy đến ở với Don Ignacio de Guzman, cha của la viuda (góa phụ) Herreros trong lúc anh ấy cố gắng nhờ đến luật pháp để lấy lại gia sản cha mẹ để lại và vẫn tiếp tục ở đấy cho đến khi họ bảo Giáo hội đã lấy hết tất cả sau khi cha mẹ anh ấy mất. Tristán nói rằng ông lão đó tử tế và anh ấy trông có vẻ hạnh phúc. Luis và tôi - chỉ trước lúc chúng tôi lấy nhau - rất mừng cho Tristán. Anh ấy ở đó thêm hai năm nữa, cho đến khi –” Bà xoa xoa gò má phúng phính của mình – “cái này - mặt anh ấy – và sau đó từ chối không ở đó nữa. Anh ấy không thể chịu nổi bị người khác thương hại, Felipé. Từ nhiều năm qua chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp anh ấy, và có một lần anh ấy viết thư cho Luis từ Seville, dù Luis thường mời Tristán đến đây ở, đây là lần đầu tiên anh ấy chịu ở lại khác hơn các lần trước chỉ là ghé qua mỗi lần vài tiếng.” Bà thở dài. “Và sự viếng thăm ấy chẳng bao giờ giống nhau cả.”

Âm điệu buồn bã trong giọng nói của bà khiến Juana khó hiểu. Nàng tự hỏi có phải Elisabeta muốn nói là tình bạn của họ đã phai nhạt với năm tháng, và môi nàng run run muốn nói rằng chưa bao giờ nàng thấy Tristán tỏ ra kiên nhẫn như lúc anh ở đây với bạn bè cũ của mình.

Elisabeta mỉm cười khi trông thấy nét mặt bối rối của nàng. “Tôi muốn nói rằng Felipe không giống như lúc trước nữa – làm sao mà giống được đây? Nhưng ắt hẳn anh ấy đã kể cho cô nghe tại sao mặt anh ấy bị mang sẹo hay là cô chắc chưa hiểu Tristán đủ để lấy anh ấy, đó không phải là một câu chuyện phiếm để nghe những hai lần.”

Juana muốn nói là chưa, chàng chưa từng nói với nàng, nhưng không đủ can đảm. Thay vì thế nàng lại hỏi bâng quơ, “la viuda Herreros là ai thế?”

Khuôn mặt tròn trịa của người phụ nữ lớn tuổi phản ánh những xúc cảm khác nhau. Bà định cất tiếng, ngập ngừng, và rồi nói với vẻ rất quả quyết, “ồ, là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong Villenos! Khó mà giải thích được. Họ nói bà ta có thể trở thành nhân tình của Vua còn được nữa là nếu bà ấy muốn. Nhưng rồi tin đồn lại cho là tất cả phụ nữ ngài sở hữu sẽ bị gửi vào tu viện sau đó, cho phần hồn họ được lợi ích. La viuda không bao giờ muốn trở thành nữ tu. Bà ấy lấy một người đàn ông ngoại lục tuần khi còn chưa được mười sáu tuổi, và từng có một thời gian sống tốt đẹp lắm kể từ khi trở thành góa phụ - bà ta đã lèo lái gia tài ông chồng để lại tăng lên gấp ba, họ đồn thế, và như mọi người nói bà ấy sống như một nữ hoàng trên đám của cải ấy.”

Tâm trí Juana bị xao lãng khi cánh cửa ở đằng xa lại xịch mở. Tristán đã đứng ngay đấy, mái tóc đỏ bám sát vào đầu sẫm ướt, gương mặt sắc cạnh lấm tấm nước. Chàng đã cởi chiếc áo chẽn ra và vắt trên vai, làn da chiếu ánh vàng mờ mờ qua lần áo chemise ướt. Chàng đón ánh mắt chăm chú của nàng bằng vẻ mặt hơi cau lại và đặt chiếc bình sành trên tay xuống.

“Anh đã giội sơ qua rồi,” chàng quan sát với vẻ mặt thoáng rầu rĩ. “Lúc nãy người anh hôi quá. Anh đem cho em một ít nước để rửa ráy đây, phu nhân.”

Cái danh hiệu trêu chọc ấy khiến Elisabeta mỉm cười, nhưng làm Juana nín thở. Đó là lời nhắc mỉa mai đến địa vị trước đây của họ, nó quất vào người nàng như một làn roi. Từ khóe mắt nàng thấy Elisabeta nhìn nàng một cách chờ đợi khiến nàng nhận ra mình phải cần phải gia nhập trò chơi này.

Băng qua phòng thật nhanh chóng trước khi nàng có thể đổi ý, nàng đặt tay lên vai Tristán và nhón chân chạm môi nàng vào má chàng. Bên dưới lòng bàn tay nàng, da thịt dưới lần áo sũng ướt trơn tru mát lạnh, nàng cảm nhận được mạch đập xuyên qua làn da chàng. Rồi khi môi nàng lướt nhẹ trên má chàng, Tristán quay đầu cuốn lấy môi nàng với một thoáng say đắm khiến nàng suýt chao đi.

Chàng đưa tay giữ lấy cổ nàng lúc chàng ngẩng đầu lên, ánh mắt chàng dọ dẫm nàng một cách bình thản. “Em đã lịch sự hơn đấy,” chàng nói khẽ gần như không nghe nổi.

Nàng vội vã nhích người ra và cảm thấy thất vọng kỳ lạ khi thấy chàng buông nàng ra không hề có ý giữ lại. Rồi nàng ngó thấy Luis đã theo sau chàng và đang kiễng chân để nhìn qua vai bạn mình, khuôn mặt chú ta sáng lên thích thú. Juana nhận ra hành động bộc phát của mình đã minh chứng cho câu chuyện của Tristán - rằng Luis và vợ của chú ấy giờ đây đã tin tưởng không hỏi han gì thêm rằng hôn nhân của họ là vì yêu đương, rằng họ đã phải trốn chạy khỏi tình cảnh không gì chí mạng hơn là sự ghét bỏ của gia đình nàng.

Với tất cả lòng mình nàng ao ước rằng điều đó sẽ trở thànhh sự thật.

-o0o-

Cuối cùng thì trời đã tối trước khi họ được riêng tư với nhau. Luis, Elisabeta và đám con của họ đã bỏ lễ hội náo nhiệt để chúc mừng khách đến nhà và buổi tối đó đã tràn ngập tiếng cười nói và những trao đổi thông tin bình thường. Juana cười mãi cho đến lúc mặt nàng mỏi nhừ. Nàng đã phải cảnh tỉnh mình một cách khổ sở và cố gắng đóng vai trò một cô dâu đáng yêu trước mặt chủ nhà, nhưng không dám lơ là vì sợ ánh mắt dò xét thận trọng của Tristán dò ra bất cứ sự biến đổi nào nơi nàng.

Giờ đây, đối diện với chàng trong căn phòng chật ních, chỗ ngủ của ba cậu con trai nhà Armendariz, nàng cảm thấy hơi ấm ảo tưởng vay mượn từ không khí vui vẻ của buổi tối đã trôi mất. Nàng rùng mình đưa tay ôm choàng lấy ngực, những ngón tay bấu chặt vào vai như thể cố ép ra hơi ấm.

“Em lạnh à?”

Tristán đưa mắt nhìn theo cử chỉ của nàng, và nàng mệt mỏi gật đầu.

“Có một chút. Bạn của anh rất tử tế.”

“Lúc nào họ cũng đối với tôi như vậy. Em đã làm họ rất hài lòng theo cái kiểu họ đang nghĩ về mình,” chàng cố tình nói thêm, cảm giác bực bội lo lắng như đâm vào người nàng đau nhói.

“Tôi cũng có thể nói y như vậy về anh đấy! Giá mà anh không chọn nghề nghiệp giết chóc thì anh nên gia nhập ban kịch làm kép hát mới phải.”

“Sao em biết là tôi chưa làm?”

Câu hỏi nghe nhẹ nhàng, nhưng đôi mắt xếch rắn đanh như mã não. Juana đột nhiên xúc động một cách mãnh liệt, “chỉ đến hôm nay tôi vừa nhận ra tôi thực sự biết về anh quá ít. Elisabeta cho rằng – cô ấy đã nói – cô ấy đã kể những chuyện đúng ra tôi phải biết, những điều mà lẽ ra anh nên kể cho tôi nghe – tôi không thể nói rằng tôi không hiểu cô ấy –”

“Chỉ cần hỏi là em có thể biết được – nhưng một tiểu thư danh giá đâu có màng hỏi kẻ hầu cận phải không? Tôi chỉ được chấp nhận cho mỗi một công việc hầu hạ thôi – à còn thêm việc sát nhân nữa, đương nhiên.” Giọng nói lạnh lùng bỗng trở nên sắc cạnh.

Juana nghẹn ngào nói, “cô ấy nói anh thân thiện với Luis vì đồng bào anh đối xử tệ với anh. Tôi thậm chí cũng không biết anh từ nước nào tới.”

Tristán thoáng bật cười. “Nhân danh Chúa, đầu óc đám quý tộc Tây Ban Nha của em kín bưng như hũ nút vậy! Em biết tên thật của tôi, nhưng em không nhận ra là tên đó đến từ đâu, hay là tiếng mẹ đẻ của tôi khi nghe tiếng đó – không có điều gì bên ngoài Tây Ban Nha đáng để dân nước em lưu ý đến phải không?”

Âm điệu trong giọng nói chàng như châm chích vào người nàng, nàng phản bác, “Làm sao tôi biết được chứ, khi lúc nào cũng phải quây quần với các em tôi trong nhà ba tôi ở Navarre? Chưa có ai từng đến đó cả, tôi không thấy ai khác ngoài gia đình và hàng xóm mà tôi biết từ thuở nào – và bạn bè ba tôi chấp thuận cho gặp. Người lạ đầu tiên tôi gặp được là những thương buôn phải đi mất bốn ngày đường từ miền duyên hải đến thăm ba tôi. Tôi chỉ trò chuyện với bạn bè và những người nông dân làm thuê, tất cả chỉ có vậy. Chắc anh cũng muốn khiển trách tôi sao chưa bay đến Constantinople giống như chưa biết anh từ nơi nào đến chứ!”

Chàng đăm đăm nhìn nàng một lúc lâu, mày giương lên, chiếc miệng sẹo nhăn lại. “Vậy thì tôi xin lỗi,” cuối cùng chàng lên tiếng. “Tôi sinh ra ở bên Anh. Cha mẹ tôi đến từ quận Devonshire.”

Chi tiết ấy không mang một ý nghĩa nào đối với nàng. “Anh quốc? Anh không thể - tất cả người Anh đều có đuôi. Họ bị nguyền rủa vì đã sát hại các vị Thánh – Thánh Thomas à Becket. Và họ đều là bọn tà giáo, ba tôi bảo với tôi như thế.”

Tristán khẽ thở dài. “Đôi khi tôi quên là em còn rất trẻ, Juana. Không đâu, người Anh không có đuôi, mặc dù người Pháp thích thú lưu truyền câu chuyện đó qua bao nhiêu thế hệ. Chính vì cha mẹ tôi là những giáo dân Thiên Chúa giáo trung thành nên họ đã đến Âu châu trước tiên - để có tự do hơn thờ phượng như họ mong mỏi.” Đôi mắt xanh lục đột nhiên lóe sáng, gần như độc ác dưới ánh sáng đèn.

“Nhưng chúng mình đã phí thời gian rồi – Alfonso và Carlos đi qua ngủ chung với cậu Enrique của bọn nó đâu phải để cho mình nói chuyện quá khứ. Em và tôi có món nợ cần phải giải quyết từ tối hôm qua đấy.”

Juana hạ mắt xuống, “tôi mệt rồi,” nàng tuyệt vọng nói, “tối nay để cho tôi yên đi.”

Tay chàng chạm vào gáy nàng làm da nàng như nổi gai. Chỉ bằng một sải chân chàng băng qua phòng và đứng trước mặt chàng, bờ vai vạm vỡ che khuất ánh đèn vàng, ánh mắt chàng dò xét gương mặt nàng. “Khi vừa tới đây em tử tế hơn mà.”

Câu nói cố tình của chàng khiến nàng ngước mặt lên nửa như chống đỡ, rồi lo lắng. Ánh mắt gần như hoảng loạn của nàng khiến nét mặt chàng đanh lại. “Hay là em chỉ đóng vai trò người vợ trước mặt người khác thôi.”

Căn phòng bỗng dưng cảm giác ngột ngạt, và Juana cảm thấy đầu mình quay mòng mòng. Rồi với cảm giác không diễn tả được khi làm chuyện nào đó không thể vãn hồi, nàng giơ tay ôm lấy cổ chàng kéo đầu chàng xuống gần mặt nàng.

Khi ấy, nằm thở hổn hển trong vòng tay chàng y như một người bơi trên biển kiệt sức bị sóng cuốn vào bờ, nàng nhận ra chàng đang cúi xuống người nàng, chăm chú nhìn nàng thật gần gũi và nàng thì thầm một câu hỏi bối rối. Miệng chàng lướt đi lướt lại trên cổ nàng một cách cố tình trước khi trả lời nàng.

“Tôi đang nghĩ –” giọng nói thận trọng của chàng hằn lên nét châm biếm – “người yêu trước của em đã cương quyết biết chừng nào để dạy tôi vị trí đích thực của tôi. Tôi tự hỏi anh ta sẽ trao đổi thứ gì để có được vị trí của tôi ngày hôm nay.”

Juana cau mày đau đớn, nàng xoay đầu đi để tránh đôi môi dò dẫm của chàng. “Chỉ một chút thôi – anh ấy đã khinh bỉ tôi, phải cám ơn đến những lời dối trá anh đã nói với anh ấy.”

“Điều đó không làm anh ta thay đổi đâu. Lòng quý mến không liên quan gì với sự ham muốn.” Tay chàng đưa lên tóc nàng buộc nàng nằm im. “Em có thể ham muốn điều mà em khinh miệt... thậm chí căm ghét... em có thể làm được không?”

“Được –”

Lời nói không mạch lạc, là một phản ứng không chỉ cho câu hỏi ấy mà còn cho sự thèm khát dâng lên như sóng cồn trong thân thể chàng đang căng ra trên người nàng y như sự tàn nhẫn nàng cảm nhận được trong giọng nói Tristán. Thời gian và cảm giác dường như đã ngưng lại ngay lúc ấy, như thể quả đất đã dừng lại trên trục quay của nó, có đến thiên thu nàng không biết đến điều gì khác ngoại trừ sự chiếm hữu tuyệt đối của chàng. Mãi bao lâu sau cảm giác của nàng mới từ từ trở lại, và nàng nhận ra được hơi thở gấp gáp của chính mình và nghe giọng nói mình đang khàn khàn lịm đi.

“Tôi đã nói gì?” Lời nàng hằn rõ nét kinh hoảng. “Tôi đã nói gì thế?”

Tristán đang nằm chống trên khuỷu tay quan sát nàng khiến nàng nhớ đến hình ảnh con sư tử uể oải, lười lĩnh, ung dung, nhưng bao giờ cũng cảnh giác đề phòng. Chàng nói một cách khô khan, “thế giới có đến lúc tận cùng không nếu kẻ hầu hèn hạ của em có thể nghe được em nói ra ý tưởng của mình thay vì những lời em muốn tôi nên biết.”

Thế giới của nàng sẽ kết thúc, nàng thầm nghĩ, nếu nàng để lộ ra là nàng yêu chàng trong lúc nàng hoang mang không biết những từ ngữ nào đã thoát ra khỏi môi nàng. Nhưng hiện tại, nàng đang an toàn - mắt chàng ánh lên cơn giận băng giá nhưng không hề có nét chế giễu nào ắt hẳn hiện lên trong đó nếu nàng tự phản bội mình.

Cố trân mình dưới âm điệu lạnh lẽo tàn bạo của chàng, nàng gay gắt đả kích, “trong sự thỏa thuận của chúng ta không hề bao gồm luôn điều phải bộc lộ ý tưởng riêng của tôi khi tôi đồng ý để... trả công cho anh. Tôi đến đây vì trả món nợ tôi thiếu anh - chỉ có như vậy thôi.” Nàng cố tạo cho giọng mình vẻ kiêu kỳ, môi nàng cong lên. “Anh đã trả thù đích đáng vì nỗi căm hận của tôi đối với anh, chiếm đoạt tôi và thậm chí kết hôn với tôi – đối với anh, nội bao nhiêu đó đã đủ trả nợ rồi!”

“Tôi không nghĩ thế - còn chưa đủ đâu. Nếu em làm lơ như không biết như hồi đầu tôi khuyên em, giấu kín nỗi căm hận của mình thì may ra. Nhưng ngay cả lúc em thanh toán xong tiền vốn, em vẫn nợ tôi những sự khinh miệt em dành cho tôi, và những sỉ nhục em chất đầy người tôi.”

“Tôi chưa bao giờ sỉ nhục anh cả! Tôi trách mắng anh vì hành động trâng tráo của anh, và nó đáng bị -”

Nàng ngưng lại lập tức khi những ngón tay chàng chạm vào má nàng. Chỉ là một cái vuốt ve nhẹ nhàng, nhạo báng. Chỉ đơn thuần viền theo hình dáng vết sẹo của chàng trên làn da không một chút tì vết của nàng, nhưng nàng run lên bần bật.

Đôi mắt xanh lục đanh lại. “Tôi hiểu điều đó như là một sỉ nhục và bao nhiêu đó đã đủ an ủi cho đến hết một tháng ăn năn thống hối.”

Chàng qua sang hướng khác đột ngột đến độ nàng không kịp thấy nét mặt chàng, rồi nằm xuống xoay lưng về phía nàng. Bỗng dưng nàng cảm thấy mất mát cô độc, mong mỏi được trò chuyện cùng chàng, nằm khít vào lưng chàng và tự an ủi nàng bằng sự gần gũi của chàng trong ngôi nhà nhỏ bé xa lạ này. Trong một lúc lâu nàng nằm im, đau đớn với sự kiềm chế nàng đang tự hành hạ mình, và tự hỏi đất nước của nàng đã gây nên tội lỗi gì chống lại chàng khiến chàng quá cay đắng đến nỗi chàng đeo đuổi nỗi hận thù của mình quá lạnh máu – và tại sao chàng lại chọn nàng làm con dê tế thần đó.

Nếu Tây Ban Nha đã trở thành nơi tị nạn của cha mẹ chàng chống lại bọn ác quỷ đạo Tin lành đang thống trị Anh quốc, ắt hẳn phải có điều gì đấy còn tệ hơn là sự tàn nhẫn đã biến đổi chàng thành hạng người khác. Chàng từng nói cha mẹ chàng chết vì đức tin của họ... có lẽ một người Tây Ban Nha nào đó đã tố giác họ với bọn Tin lành. Điều đó sẽ giải thích nguyên do nào chàng không có niềm tin vào bất cứ lòng thành thật của người nào...

Ý tưởng đó không ngừng hành hạ tâm trí mệt mỏi của nàng cho đến lúc nàng thấy mình rơi vào vực thẳm tối đen.

-o0o-

Tên đàn ông bệnh hoạn ngồi dựa trong cáng nơi góc thư phòng, một vị y sỹ đang lom khom trên người hắn trong lúc vị linh mục đang cầu kinh kế bên. Dona Luisa đang liếc về hướng thân hình với mái đầu tóc xám đang cúi xuống miệt mài trên chiếc bàn mạ vàng của chồng bà. Một lần nữa bà lại tự hỏi làm thế nào Torres có thể ngồi một cách điềm tĩnh viết lách trong tình cảnh náo động đến thế. Bà không hiểu được rằng sau những rối loạn vây bủa chung quanh ông tại chỗ làm ở triều đình Madrid, Torres cho rằng hoàn cảnh hiện tại là một thiên đường yên bình. Tâm trí ông đang bận bịu tính toán khoảng thời gian ngắn nhất cần trải qua trước khi ra lệnh ngưng tìm kiếm công tước de Valenzuela và chính thức tuyên bố hắn đã chết. Ông đang nghĩ đến đôi ba vụ bố ráp xuyên qua vùng đồng quê lân cận, tìm kiếm qua loa các tầng thượng của lâu đài và các hầm rượu, và đến lúc ấy ông có thể tự tỏ ra thỏa mãn với thành tích của mình.

Thực sự là ông đã hài lòng. Hành động khinh suất của Tristán trong chuyện tình cảm đã tránh cho ông đôi điều bất tiện. Ông chưa từng nghi ngờ việc mất tích của Valenzuela là thành tích của người hầu cận hắn. Viên tùy tùng đã thèm khát cô dâu trẻ trung, và Torres nghe được từ hai cô hầu của Juana những điều Valenzuela đã làm với cô ấy trong đêm yến tiệc đính hôn. Dù những chi tiết phỏng đoán đã được xén bớt, hình ảnh đó cũng không dễ chịu cho lắm... Torres hy vọng rằng Tristán đã giấu cái xác kỹ lưỡng.

Ông lấy làm thú vị khi đã quăng đứa con gái Arrelanos cho anh ta như một miếng ăn ngon lành, ông biết người đàn ông đó sẽ có đủ sáng suốt để nhận ra và tiếp nhận phần thưởng mà chưa bao giờ được nhắc đến một cách công khai giữa hai người họ. Đứa con gái không giàu có, nên số phận nó không là một vấn đề quan trọng. Còn bản thân Đức Vua mặc dù có tiếng là lương tâm khe khắt, Ngài sẽ không thẩm vấn quá tỉ mỉ vấn đề tương lai của nó khi Ngài biết cho đến sau cùng mình đã thoát được Valenzuela. Nếu như Felipe Tristán không xoay sở để đưa cô ta ra khỏi Tây Ban Nha trước khi kết cục bi thương của chủ anh ta phơi bày ra ánh sáng, đến lúc đó sức phán đoán của công tước de Medina de las Torres sẽ bị phương hại trầm trọng.

Rồi ý tưởng của ông lại tiếp tục trôi chảy, khi tên khùng đó bị tuyên bố tử vong và castillo đang trong lúc tang chế, ông có thể điều một người thư ký có năng lực đến đại diện điều hành lãnh địa, và trở về Madrid để giám sát việc tịch biên bên cạnh Hoàng gia, để cho châu về hợp phố. Thật là một hiểm họa nếu để Hoàng Thượng đơn độc quá lâu, biết đâu chừng đó Ngài lại tin cậy người khác bày mưu vấn kế thì khổ, nhưng chuyến khải hoàn của Torres với tin tức hanh thông như thế sẽ xóa bỏ bất cứ tổn hại nào không đáng kể ảnh hưởng đến lòng tin cậy của Vua gây ra trong thời gian Torres vắng mặt ở triều đình.

Vị bác sỹ đã pha chế xong thang thuốc trong chiếc tô sứ và ra hiệu cho Dona Luisa đỡ chồng bà dậy để uống thuốc. Từ khi hắn ngã bệnh bà trở nên rất rành rẽ trong vấn đề này và bà bảo vệ đặc quyền của mình chặt chẽ y như một nhân vật quan lại nào. Những chuyện bà làm được cho de Castaneda thì bà nhất định không cho phép ai nhúng tay vào. Tình cảnh ấy như thể bà đang tìm thấy nguồn an ủi trong việc trợ giúp hắn, từ việc đỡ cái thân thể bất động lên để bà có thể xem mình như người điều khiển con rối giả bộ làm cho nó sống lại một cách chế giễu. Giờ đây bà bấu chặt đôi vai ủ rũ trong lúc thuốc được mớm vào đôi môi trễ xuống, bàn tay bà nấn ná trên tấm lưng quấn khăn như thể đo lường hết khả năng bất lực của hắn. Bà thấy đôi mắt không máy động của hắn dán chặt vào Torres, nhưng khi tay bà siết chặt hơn bà cảm thấy sự chú ý của hắn dời sang chỗ khác. Bà hiểu được hắn không những nhận thức được sự hiện diện mà luôn cả những cử động của bà. Một tuần trước đó trí não hắn trì trệ cũng như cơ thể hắn, bà nghĩ đến điều này và bỗng dưng lo sợ. Bà đang thấy tinh thần hắn lóe lên trong cặp mắt sáng như con thú trong lồng, bị giam hãm không thể cử động, và lúc ấy lòng bà đã vui sướng như thế nào. Nhưng bây giờ...

Bà dằn lòng nhìn hắn với ánh mắt hoài nghi. Chú lùn Pedrino rón rén nhô ra từ sau lưng ghế của bà, ngó lên gương mặt của bà một cách thắc mắc.

Bắt gặp khóe mắt hắn máy động Torres liếc lên nhìn. Hắn cảm thấy không một tia hy vọng nào hiện ra trên nét mặt hiền hòa được rèn luyện tới mức thượng thừa, bởi vì đó là hy vọng thuộc về lĩnh vực y học, không hề mang dấu vết tình cảm. Vấn đề sẽ gọn gàng ngăn nắp hơn khi de Castaneda chết hơn là sống, do đó ông hy vọng tên đàn ông sẽ thôi ngoan cố bấu víu vào mạng sống của hắn.

“Xong chưa vậy?”

Người đàn ông lắc đầu, nét mặt có vẻ ân hận. “Chưa xong thưa ngài. Sức chịu đựng của ông đây thật phi thường - hầu hết những người bị phẫn nộ quá độ chỉ kéo thêm được một lúc là chết. Tôi từng nghĩ ông ấy cũng sẽ như thế, nhưng cho đến bây giờ đã mười ngày rồi...”

“Ta nghe nói cơn giận dữ của ông ta đã gây nên chứng nhồi máu.” Torres trầm ngâm nhìn. “Bệnh tình còn tệ hơn khi ông ta đã quá quan tâm đến số phận xảy ra bất chợt cho đứa cháu kém may mắn, ta không nghi ngờ gì chuyện này. Những bệnh trạng kiểu này không phải là chưa ai từng biết – Conde-Duque de Olivares từng có tính khí dữ dội như thế.”

“Đến đây mau lên!”

Giọng nói của Dona Luisa đột nhiên trở nên the thé, mặt bà nhăn lại giống như một đứa bé sau cơn đại họa.

Người y sỹ vội vã tuân lời bà quên luôn phải chào Torres trịnh trọng theo như nghi lễ đòi hỏi trước khi cất bước. Torres hơi nhổm người lên, trong nhất thời đã quên đi mối ưu tư của mình.

“Bình tĩnh nào, thưa phu nhân, hiện tại không có gì nguy hiểm đâu.” Bác sỹ đang thở hổn hển lúc đến bên cạnh bà. “Phu nhân đã lo lắng quá nhiều đến hiện trạng của senor rồi.”

“Tôi sợ” Môi bà hầu như không cử động nổi.

“Tôi hứa với bà, senora, bà không cần phải lo thế! Nếu ông ấy lâm vào tình trạng nguy hiểm hấp hối, ông ấy –”

“Ông không hiểu đâu.” Mái đầu bạc của bà di động thật chậm chạp, bà xoay qua nhìn hắn như sợ dời mắt khỏi con bệnh. “Tay ông ấy đã cử động, tôi e rằng ông ấy sẽ hồi phục.”

Chân ghế của Torres rít lên kèn kẹt trên sàn nhà bóng lộn, và lời cầu kinh của linh mục bất chợt rơi vào yên lặng. Trong lúc đó cả bốn người đang đứng chăm chú ngó lẫn nhau, nét mặt người nào người nấy lộ rõ sửng sốt không kịp đè nén cảm giác khiến tiếng cánh cửa phòng bật mở nghe vang lộng một cách thô thiển trong bầu không khí im lặng bất ngờ.

“Có người mang thư đến cho ngài.” Ông cụ Histangua lễ mễ cúi chào ngay cửa, kế bên vai ông là một bóng người đầu cổ lấm đầy bùn, nhưng Torres ra hiệu một cách nôn nóng.

“Bảo anh ta đợi cho đến khi ta được rảnh rỗi.”

“Nhưng tin này vô cùng quan trọng, thưa ngài.” Vẻ ngạc nhiên của ông lão đã tố giác sự phản đối của ông, cũng y như âm hưởng bất ngờ trong giọng nói của công tước trước lời trình tâu của ông. “Anh ta từ Navarre đến mang theo tin tức hết sức nghiêm trọng. Senorita de Arrelanos đã mất tích, cha cô ấy gửi thư khẩn khoản xin ngài tìm giúp cô ấy.”

“Thật vậy à?” Giọng nói Torres nghe khó hiểu. Ông đang nghĩ rằng giờ đây ông phải nhanh tay hơn, phải về Madrid gấp tịch thu lãnh địa trước khi de Castaneda hồi phục đủ sức kháng nghị quyền sở hữu. “Được, dù vậy cứ bảo anh ta đợi. Ta sẽ cho gọi anh ta nhanh thôi.”

Histangua không làm được gì khác hơn là cúi chào phục tùng và đóng cửa lại, nhưng ông lấy làm khó hiểu: Dona Luisa rõ ràng kinh hoảng khi nghe cái tin đó, bà ta trông như sắp ngất đi hay sao ấy, thì chuyện đó đúng là như vậy mà, nhưng ông không thể nào gạt bỏ cái ý nghĩ ra khỏi tâm trí rằng ông đã thấy cặp mắt cận thị của Torres lóe lên tia thỏa mãn không hề ngạc nhiên chút nào trước cái tin đó.

-o0o-

“Ngươi nói sao, mấy món đồ đó không tới à?” Mấy món đó đã được đặt cách đây ba tuần rồi!” Dona Jeronima de Herreros y Guzman nhíu mày một cách ngờ vực, rồi mặt lại dịu xuống nhanh chóng khi bà thấy bóng mình trong gương. “Ta đã nói với tên chủ tiệm kim hoàn đần độn đó là muốn mấy thứ đó tối nay kia mà.”

Cô hầu của bà đi ra ngoài trước khi trả lời. “Ông ta nhắn là chừng nào bà trả tiền thì bà sẽ có ngay, senora.” Cô nói một cách vô thưởng vô phạt đầu cúi xuống bộ áo treo trên giá ở góc phòng bên kia.

Đôi môi của Dona Jeronima đanh lại. “Cái gì? Chuyện đó là thế nào. Ngươi lẩm bẩm trong họng tuốt đằng đó thì làm sao ta nghe được, đồ ngu.”

“Ông ấy muốn lấy tiền, senora.” Cô hầu cao giọng hơn một chút nhưng không dám liều lĩnh lại gần hơn.

“Tiền à? Nói có Chúa, ta mua đồ của hắn là phước mấy mươi đời nhà hắn rồi vậy mà hắn còn dám lý sự đến tiền bạc? Lại đằng hắn ngay lập tức. Bảo là hắn sẽ được trả tiền, nhưng ta cần có đôi hoa tai đó ngay hôm nay.”

“Cristofora đã thay mặt bà nói với ông ta như thế rồi, nhưng ông ta không chịu đưa đồ. Ông ta nói rằng lúc trước bà cũng hứa như thế nhưng không trả.” Người phụ nữ cố giữ giọng mình thật bình thường, cô không muốn bà chủ giáng cơn thịnh nộ xuống đầu mình bằng cách cố nói cho bà hài lòng. “Mấy món đó chắc đâu có quan trọng lắm? Bà còn nhiều món đẹp khác có thể mang thay cho đôi hoa ấy mà.”

“Mang mấy thứ mà người ta đã thấy hết rồi trong buổi tiệc Thánh sao? Ngoài ra hầu hết mớ nữ trang đã bị cầm cố cho bọn vay lãi rồi, ngươi cũng biết rõ mà. Triều đình có thể kết tội bọn Do Thái nhưng thiếu bọn họ ta cũng không biết làm sao sống nổi.” Âm điệu chua áy của Dona Jerónima tương phản một cách lạ lùng với gương mặt thận trọng kiềm chế của bà. “Bỏ mặc chuyện đó, rồi ra ngoài đi. Ngươi có thể nói với tên chủ đó... mà thôi không gì quan trọng cả.”

Cô hầu nhanh nhảu lướt ngay ra khỏi phòng. Lần này cô coi như may mắn – còn mấy lời nhắn khác trước đó cũng chả hay ho gì hơn cái tin vừa rồi khiến cô bị hứng những tràng chửi rủa không kịp vuốt mặt hay phải hứng đồ phóng tới dồn dập bất cứ thứ gì tiện tay bà. Có lẽ Dona Jerónima đã mất hứng với đôi hoa quý giá đó, điều này thì dường như không, hay là bà đang bày mưu thần chước quỷ nào đó để trả món nợ nữ trang bằng tiền của người khác, bởi lẽ bà đâu còn của cải gì sót lại. Biết bao tháng ngày ăn chơi xa hoa đã nối gót theo sự thành công cuối cùng của bà, rồi lại còn vung tiền cho tên nhân tình trẻ nữa.

Dona Jerónima đang suy nghĩ đến tên nhân tình trong lúc bà quan sát sắc diện của mình trong gương. Hắn mười chín tuổi, bà tự nhắc mình, còn bà thì đã ngoại ngũ tuần, nhưng bao nhiêu tuổi thì đâu có gì quan trọng. Bà đáng ra có thể là mẹ của hắn, gần như là bà ngoại thì đúng hơn. Nhưng không còn cách nào hắn đã trở nên quá xa hoa phung phí, phải để hắn cuốn gói thôi. Sự thật này đã làm bà ít đau buồn hơn nếu nó xảy ra cách đây vài tuần, và càng ít hơn thế nữa cách đây ba tháng khi bà kéo hắn lên giường lần đầu tiên. Những nét đẹp của hắn cũng giống như những thứ hào nhoáng bóng bẩy dễ làm cho người ta chán ngán, và họ chỉ có thể biện hộ cho việc thiếu tinh tế hùng hục như bò mộng của hắn trong khoảng thời gian nào thôi. Bây giờ việc hắn bị tổn thương tự ái không đáng kể so với phương tiện eo hẹp của bà.

Bà quan sát mặt mình tỉ mỉ thêm lần nữa, ánh mắt bà đang đánh giá mọi đường nét, và trong gương hiện ra đôi mắt vàng ngầu đang lạnh lùng chăm chú nhìn lại bà. Tạ ơn trời đất làn da màu bánh mật vẫn còn mịn màng. Dưới ánh đèn mờ dịu những nếp nhăn chằng chịt đáng lo ngại cũng không lộ rõ mấy, còn cái lọn tóc bạc trong mái tóc đen mướt trông điệu đà duyên dáng hơn là dấu hiệu báo trước tuổi già sắp đến. Dáng dấp mảnh khảnh mà bà từng ân hận giờ đây lại là vốn quý, giữ cho cằm bà trông gọn gàng săn chắc, cổ vẫn chưa có vết nhăn - hầu như là chưa có: trông vẫn còn đẹp ra phết bên dưới chiếc vòng đeo cổ. Nhưng đằng sau những biểu hiện và dấu hiệu thời gian bà kiểm soát mỗi ngày rất cẩn thận như vị sỹ quan chỉ huy pháo đài đang xem xét kỹ lưỡng đội ngũ địch quân vây hãm thành, gương mặt bà thì lúc nào cũng thế: hẹp, nham hiểm như mèo, với đôi lông mày mỏng vồng cao lên, sóng mũi hẹp, và chiếc miệng với vành môi trên cong khiến người nhìn xao lãng không để ý tới vành môi dưới mỏng dính. Nhìn mặt là biết người thông minh, một nhân tình của bà từng nói với bà như thế và bà đã bật cười đồng ý một cách tự mãn.

Buồn chán, tiền bạc túng thiếu – hai điều tai họa chưa bao giờ xảy ra với bà cùng một lúc như thế này. Thông thường thì tiền giúp bà khuây khỏa, hay cho bà niềm hứng khởi thoát khỏi cảnh cơ hàn. Hiện giờ Dona Jerónima bắt buộc phải suy xét cấp bách những gì bà cần làm kể từ khi bà kết hôn với người chồng quá cố, cái lão già khú, ngu độn lẩm cẩm. Thay đổi cách sống, hay cần kiệm là điều không thể tưởng tượng được khi bà từng được tiếng là giàu sang. Bà phải khai thác sử dụng tài nguyên của mình, bà thầm suy tính, nhưng đã quá trễ để kiếm một thằng khờ sập bẫy chịu cưới bà – cho dù Villenos đầy dẫy những tên khờ độc thân, giàu có.

Vậy thì, bà ngẫm nghĩ nhịp nhịp chân, kết hôn thì không được rồi – tìm một nhân tình giàu cũng không xong, cũng vì lẽ ấy mà bà đã mua cho cái tên trẻ Manuel bao nhiêu là quà tặng đắt giá. Trong tất cả những cái đó chỉ còn lại là trò môi giới.

Bà đã từng kiếm chác được trong vụ này trước đây, giờ đây chuyện đó còn tỏ ra kích thích hơn vào đúng thời điểm. Hoàn cảnh túng bấn của bà lúc này càng tăng thêm phần thú vị cho trò chơi này hơn là đau buồn. Giới thiệu hai người không có cách nào để gặp nhau – đó là mấu chốt của trò chơi. Và nếu Dona Jerónima biến nó thành kinh doanh của mình để bảo đảm ít ra một trong số những người tham dự giàu sang có thể chi trả cho người môi giới hào phóng vì đã tạo cho họ cái hân hạnh được biết đến nhau, điều đó cũng đâu ảnh hưởng gì đến việc họ thưởng thức lẫn nhau. Ngoài ra, trò chơi còn thêm gia vị cho những thú tiêu khiển cứ quanh đi quẩn lại như thường lệ. Thật là thú vị để xem tuồng kịch này, đặc biệt ở chỗ sẽ có đôi chút khó khăn khi giữ hòa khí cho đôi bên đối phương đến lúc cuối cuộc chơi...

Bà tự nhủ mình đã ăn không ngồi rồi quá lâu trong lúc ngắm vẻ hứng thú nhóm lên trong đôi mắt phản chiếu trước mặt. Sự thất bại này xem ra lại là một điều may mắn, một lời nhắc nhở hữu dụng rằng bà đang trở nên ù lì chậm chạp thiếu một hòn đá mài dũa bén trí tuệ của mình.

Quyết định một cách nhanh chóng bà đóng sập tấm gương lại, không màng đến lớp gỗ ghép mỏng manh đằng sau. Thời gian trong lúc thị trấn đang tụ hội đông đảo chúc mừng lễ hội thật hợp với mục đích của bà không còn gì hơn. Và nó cũng tạo điều kiện dễ dàng để bà tìm được những thứ bà đang trông ngóng. Bà sẽ đánh liều dùng xe ngựa đi ra ngoài thám thính. Bà thường tự hỏi nếu tên ngu nào chịu chi trả một cách hào phóng cho món hàng của bà có từng bao giờ đoán được rằng bọn họ có thể có cùng một thứ mẫu mã trang sức thanh lịch mà chỉ cần tốn vài escudos phía bên kia thành phố là có được.

“Sanchia!”

Âm hưởng đó khiến cô hầu của Dona Luisa làm dấu thánh trước khi cô rón rén vòng qua cửa, và cô thảng thốt khi thấy bà chủ của mình nở nụ cười. “Vâng, có chuyện gì thưa bà?”

“Đem bộ áo taffeta màu nâu ra, và bảo đánh xe đến trước cửa. Ta đã quyết định thay đổi cách sống một chút.” Đôi mắt Dona Jerónima ánh lên vẻ tự mãn đầy thú vị. “Bắt đầu từ ngày hôm nay ta sẽ bắt đầu bằng cách đến nhà thờ.”