“Dạ thưa ba mẹ con mới về!”

Bảo Khang chạy vô nhà, vội vã chào ba mẹ rồi nhanh chóng chạy lên phòng, mặc cho hai ông bà chẳng hiểu điều gì.

“Con bị sao vậy?”

“Con…”

Không có người đáp. Bà cảm thấy lo lắng, lên xem con mình có bị gì không. Khi lên tới phòng, bà hết sức bất ngờ trước hành động khác thường của con mình: Khang đang làm bài tập. Khang chăm chú làm bài tập đến nỗi mẹ mình vào phòng hồi nào mà cũng không hay.

“Con, sao mới về nhà mà lại vùi đầu vào học nữa vậy? Tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn cơm rồi hãy học tiếp!” Bà lo lắng.

“Dạ, con không sao đâu mẹ. Mẹ đừng lo lắng!” Miệng thì trả lời nhưng mắt thì có thèm nhìn mẹ cậu đâu, cứ chăm chăm vào sách.

“Sao học dữ vậy con?”

“Sắp tới thi rồi mẹ, con phải cố gắng.” Thật ra là đều có nguyên nhân cả.

Bà thở dài, lòng vô cùng ngạc nhiên vì trước giờ dù có siêng năng, chăm chỉ thì con mình có bao giờ làm quá mức như vậy đâu. Bà cũng hết cách, phần vì lo cho sức khỏe con mình nên xuống nhà pha cho cậu một ly sữa nóng hổi.

“Ông ơi! Con bảo sắp tới thi nên nó lao đầu vào việc học suốt. Không ăn uống, nghỉ ngơi gì hết.”

Ba Bảo Khang đang đọc báo:

“Cũng tốt! Nó biết lo là mừng rồi nhưng bà khuyên nó học cũng có mức độ thôi, không khéo lại bệnh thì khổ thân.”

“Từ trước giờ nó đâu có vậy đâu.” Bà lo lắng.

Trên này Bảo Khang mải miết học mà quên mất thời gian. Nhìn lại trên bàn học của cậu ta xem, toàn sách với vở nhưng ngặt nỗi lại không gọn gàng, ngăn nắp. Đây là dấu hiệu của những người thông minh. Từng con số, từng con chữ nối đuôi nhau đi vào đầu óc cậu. Lắm lúc cậu lại vỗ vỗ đầu, chẳng mấy mươi năm nữa cậu cũng sẽ hói đầu như các nhà khoa học nổi tiếng thôi.

Đã 10:20 tối rồi mà cậu vẫn chưa đi ngủ.

11:45 khuya rồi, gần như kiệt sức, cậu mới chịu lăn mình ra ngủ.

Mới có 4:25 sáng mà ánh đèn học của cậu lại sáng lên. Học nữa à?

Hôm nay đi đến trường, sắc thái của Bảo Khang vô cùng bơ phờ, xanh xao. Có lúc cậu còn ngáp, lại còn ngủ gật nữa. Nhưng Khang vẫn cố gắng nghe thầy cô giảng bài.

“Cậu gáng khuyên cháu học hành ít lại giúp gia đình, chứ nó học nhiều bậy chắc đổ bệnh mất thôi.” Mẹ Bảo Khang lo lắng.

“Dạ, con sẽ khuyên em. Chỉ là em nhà hơi bị áp lực trước kì thi thôi ạ.”

“Trông cậy hết vào cậu.”

Cốc… Cốc… Cốc!

Minh Huy gõ cửa phòng Bảo Khang. Lần một không có động tĩnh gì. Lần hai cũng như vậy. Lần này anh quyết định mở cửa đi vào thẳng.

Đùng!

Minh Huy đập mạnh vào bàn.

“Này! Học hành gì mà chú tâm thế? Anh gõ cửa hai lần mà không ra mở.”

Bảo Khang dừng bút, nhìn thầy Minh Huy:

“Dạ, chẳng phải thầy đã vào được rồi sao? Thầy không cần khách khí mà gõ cửa nữa. Em đang cố gắng hết mình. Để có được món quà từ thầy quả thật không phải chuyện dễ.”

Xong rồi lại cầm bút lên, tiếp tục học. Minh Huy không thể chịu nỗi: “Này! Học hành cũng phải vừa thôi chứ. Cứ học, học như em sẽ chẳng có ích gì đâu, nhiều khi còn phản tác dụng nữa đó! Lỡ em bị bệnh trong lúc này thì sao?”

Những lời xối xả như mưa tuôn của Minh Huy làm Bảo Khang phải sững sờ: “Nhưng… em đang cố gắng…”

Chưa để Bảo Khang nói hết, Minh Huy đã nói:

“Anh sẽ ủng hộ em! Cố lên!” Anh ta dùng tay trái để thể hiện cái quyết tâm của mình.

“Cảm ơn anh.”

Khang cảm thấy nhiệt huyết hơn bao giờ hết, cười híp cả mắt. Minh Huy ngồi xuống, chuẩn bị dạy: “Nhưng em định học thêm Toán với những cuốn sách Hóa như thế này à?”

Bảo Khang sực nhớ ra, mỉm cười lần nữa, lấy tập Toán ra. Không khí học hết sức nghiêm túc.

Trước khi ra về, Minh Huy có đôi lời muốn nói với Bảo Khang: “Nhớ, không được học quá sức!” Lời nói của anh ta tuy nhỏ nhẹ, ngắn gọn nhưng nó lại ẩn chứa sức mạnh phi thường. Nó giúp cho Bảo Khang nhận ra vấn đề, thực hiện đúng như vậy.