Thất Sơn Truyện

Chương 8: Chuyện kể Hùng Bon-sai - Miễu biết hát

Lâm Gia Thái Bảo

Nhắc đến Tiên cá hồ Tà Pạ, đúng là Thông có nghe truyền thuyết này. Rất lâu về trước, trên núi không có hồ sâu như bây giờ, mà chỉ có một khe suối và một cái hồ nhỏ như ao nước. Thường ngày người dân gần đó vẫn đến suối sinh hoạt, tuy nhiên đến một ngày, các vụ mất tích xảy ra. Kỳ lạ là chúng không hề có dấu vết gì cả, giống như những người đó bị bốc hơi vậy! Từ đó về sau, không còn ai dám bén mảng ra suối nữa, kể cả ngày hay đêm, cũng từ đó, dân làng hay nghe được tiếng gì đó như tiếng hát của một cô gái trẻ, chỉ là nhũng âm điệu ngân nga nhưng lại hết sức sâu lắng và da diết. Giữa đêm tĩnh mịch, từ phía suối vọng về âm thanh đó, mười phần chắc chín là không phải điều tốt rồi, tuy nhiên, cứ đêm nào cũng nghe, từ canh ba đến gà gáy cũng làm cho nhiều người nao lòng, đặc biệt là các cậu thanh niên. Có người nọ tò mò, ra suối rình xem thử rồi cũng mất tích, người khác thì quyết chí tìm ra đáp án, gặp ma giết ma gặp quỷ giết quỷ, kéo theo mấy người nữa ra suối. Đêm đó khi tiếng hát im bặt đột ngột là tiếng hét đầy đau đớn vang lên. Rồi không gian lại trở về sự tĩnh mịch, nhưng chỉ một chốc sau, tiếng hát lại cất lên như cũ. 

Dân làng hết sức hoảng loạn, cầu cứu quan binh, quan trấn lúc đó cử hai cơ (khoảng 30 lính) đến suối xem xét, lệnh đóng lại đó cho đến khi giải quyết được mối lo cho bà con đặng yên ổn làm ăn mới rút về. Tuy nhiên hôm sau dân làng đem cơm đến thì thấy khung cảnh tan hoang, dưới đất là máu và bùn đất bầy nhầy ruột gan, tứ chi vương vãi như bị xé ra một cách đầy tức giận. Chuyện này làm quan trấn lo lắm, mất hai cơ lính có thể đổ cho phỉ, nhưng nếu ông viết sớ dâng lên triều thì ai mà tin, họ còn gán cho ông cái tội bất tài nữa thì khổ! Tâm trạng bất an, vị quan này mới ra đình thần vái lạy. Lúc này, dân làng xôn xao cả lên, đã bắt đầu có người định bỏ làng ấp mà đi.

Bỗng từ ngoài đình, có một chàng trai độ chừng hai tám hai chín tuổi, tóc búi củ hành, mặt mày khôi ngô, thân hình tuy có vẻ thư sinh nhưng lại rắn chắc, mình mặc áo đạo, tay cầm gậy trúc đến tìm gặp vị quan trấn. Người này nói trên suối có yêu quái, anh ta trị được con quái đó, sáng mai giờ Thìn ba khắc sẽ đem đầu nó đến trình làng, bằng không sẽ chịu làng phạt, anh ta để hành lý lại làm tin, tuy nhiên anh ta chỉ xin làng nếu anh ấy trừ yêu được, thì trong đình thần này có một cái hộp dưới lư hương, trong hộp đó có vật gì thì nó cũng sẽ thuộc về anh ta. Quan trấn suy nghĩ, đình thần lập cũng hơn trăm năm, chưa từng nghe dưới lư hương có vật gì, cũng không đoán nổi nó là đồ gì, có quý giá hay không nên cũng đành thay mặt dân làng mà đồng ý, miễn sao trừ được yêu quái. Chàng trai vui vẻ nhận lời, hẹn sáng mai giờ thìn đem đầu yêu quái đến, nói đoạn anh ta rời đi, mua 2 vò rượu rồi đi thẳng lên suối. 

Anh ấy lấy trong người ra một số vật dụng như dao, móc câu, rồi cởi lớp áo đạo ra, nai nịt gọn gàng. Trời đã bắt đầu tối, cậu trai ấy nhóm lửa, lấy rượu ra uống với lương khô. Trên núi bóng đêm ập xuống nhanh đến không ngờ, chỉ một chốc sau, xung quanh đã phủ đầy sương mù dày đặc. Chàng trai cứ thong dong vừa ăn vừa uống, đến gần nữa đêm thì ngà ngà, anh loạng choạng đứng dậy định đi vệ sinh, bỗng anh nghe tiếng rẽ nước từ phía suối. Anh vội quay lại, lúc này dưới hồ, chỗ suối đổ vào, mặt hồ như được phủ một lớp lân tinh, ánh sáng màu xanh vừa huyền diệu vừa ma mị chiếu sáng một phần khiến chàng trai thấy được có bóng một người con gái đang ngâm nửa thân mình dưới nước, không gian lúc này thoang thoảng mùi hương rất dễ chịu. 

Hiếu kỳ, chàng trai mạnh dạn tiến bước về trước, lúc này, ngoài mùi hương, anh ta còn bị thu hút bởi một giọng hát ngân nga rất nhập tâm. Người con gái nọ quay lưng với anh, chỉ để lộ ra đôi vai trần và mái tóc dài đen nhánh, nước da trắng mọng. Càng đến gần, chàng trai như mụ mẫm cả người, cứ đờ đẫn mất hồn, nhắm hướng cô gái mà đi. Cái hồ này rộng chỉ chừng hai trượng, gọi là cái ao mới đúng, nước ở giữa sâu chừng một trượng (3.3m), gần bờ thì nông hơn rất nhiều. Cậu trai trẻ bước hẳn xuống hồ, hoàn toàn như người mất hồn. Bỗng tiếng hát im bặt đột ngột, cô gái đó như có vật gì kéo về phía bờ, chỉ cách chàng trai gang tấc, tựa hồ đưa tay ra có thể chạm vào làn da ngà ngọc và đôi vai kiều diễm! 

Không gian lúc này không có một tiếng động, cả núi rừng như đang lo sợ cho chàng trai vắn số, không dám hó hé tiếng nào. Bỗng tảng đá phía sau chàng trai cử động, thì ra đó là một con thằn lằn khổng lồ, lớp da sần sùi làm nó trông như một tảng đá nếu nó nằm im, hai mang của nó có những cái mào trông như loài thằn lằn Mexico. Nó đứng thẳng dậy cao gấp đôi người lớn, miệng nó đầy những nanh sắc đang nhe ra chuẩn bị vồ một cú vào đầu chàng trai. Cú vồ nhanh và canh rất chuẩn, hứng trọn cú đó chắc ngọc đá cũng nát chứ đừng nói gì người thường, nhưng người thanh niên còn nhanh hơn nó vài bậc, lúc nó chuẩn bị vồ xuống, anh đã thủ thế móc sẵn cây dao, nghiêng người ra sau né cú đớp, tay trái cầm dao tay phải anh nắm cái mào, lợi dụng đặc tính loài thằn lằn đớp xong hay rụt cổ lại để nâng người lên cao, một dao đâm thẳng vào cổ con quái tích. 

Thì ra chàng trai này lúc sáng đã có lên núi, phát hiện được một số dấu tích sinh sống của loài Tích Thạch Lĩnh (thằn lằn núi đá). Loài này bình thường chỉ dài chừng một sải tay người lớn, nhưng trong trường hợp nó ăn phải ngọc quý giúp hấp thu dưỡng chất không ngừng thì mới to lớn lên nữa, trước đây chàng ta chỉ nghe hoặc thấy Tích Lĩnh dài hai thước là cùng, còn con này dễ phải dài đến sáu bảy thước, tứ chi to như cột, cuối đuôi mọc ra thứ như lông ở đuôi ngựa, ngâm nước nhìn rất giống tóc, con quái Tích này nằm sát mép nước, đêm đến thì dùng phần đuôi phát ra dao động tần số cao, nghe xa như tiếng hát, miệng nó nhả ra chất dịch như lân tinh để tạo mùi và màu mờ ảo làm người ta bị ảo giác, dẫn dụ con mồi đến mép nước rồi một đớp nuốt gọn. Tuy nhiên hôm nay nó đã gặp phải dân trong nghề, dăm ba trò lừa mị đó không qua mắt được cậu trai kia, trong loại rượu anh uống có thuốc chống ảo giác, anh tương kế tựu kế ép con quái phải xuất đầu lộ diện. 

Cú đâm vừa rồi tuy mạnh nhưng vẫn chưa làm con Quái Tích kia suy yếu, nó hất chàng trai ra rồi lui về sau, ghè cổ xuống, thè lưỡi, giương mắt ra quan sát. Chàng trai lộn vòng rồi đáp đất nhẹ nhàng, trong lòng đã có cách đối phó nên mạnh dạn lao tới, sẵn tay phóng cây móc về phía con quái. Con quái dễ dàng dùng đuôi đánh văng nó đi, toan giơ vuốt lên toan tán vào chàng, nhưng anh đã tính trước, cái móc câu chỉ để con quái phân tâm, trong tích tắc anh hạ thấp người, trượt đến dưới cằm con vật, tay phải anh cầm chắc con dao, lợi dụng cú trượt người để rạch một đường dài dưới cổ nó. Đối với loài Tích Lĩnh này, điểm yếu chỉ có tim, nó có hộp sọ dày, khó dùng tay đánh nát được, tim thì nói dễ không dễ nói khó không khó, do nó nằm dưới thấp, phải tiếp cận rất trầy trật. Cú rạch vừa rồi tiếc là vẫn chưa đủ lực chọc thẳng vào tim nó tuy nhiên cũng làm nó trọng thương. Con vật điên tiết lên, dùng chi trước cào vào chàng trai để gạt ra, anh ta giơ tay ra đỡ liền bị hất đi xa vài thước. Cũng may anh đã chuẩn bị sẵn, dưới lớp tay áo là những mảnh kim loại, không thì tay anh đã bị chặt thành bốn khúc! Con quái đang suy yếu, nó có dấu hiệu thoái lui để chạy trốn, nếu để nó trốn thì e là bắt lại nó khó hơn lên trời. Nghĩ vậy anh ta tiếp tục tấn công, anh ta chạy vòng về hướng con quái định bỏ chạy, ném móc câu về phía nó, lần này nó đã đề phòng hơn chỉ né tránh chiếc móc, mắt vẫn đề phòng đối phương, tuy nhiên anh ta vẫn xông tới đầy chắc chắn, vào thế kẹt, nó phóng chiếc lưỡi ra, quấn chặt người anh ta, định lôi cho cả vào miệng. Tuy nhiên, cậu trai chỉ đợi có vậy, vung dao lên cắt đứt chiếc lưỡi đầy gai nhớp nhúa. Con vật chồm dậy rống lên thảm thiết, thấy nó đứng cao người, anh nhanh chóng nhắm ngay ngực nó ghim thẳng một dao gần lút cán rồi lách sang một bên đề phòng nó đổ gục đè lên anh. Con quái giẫy vài giây rồi đổ xuống, âm thanh vang lên như đá đổ, cát bụi bay mù mịt. 

Ban sáng, khi lên núi xem xét, biết được trên này có một con Cự Tích Lĩnh, nhưng không biết nó trốn ở đâu, nên anh đành bày mưu kế bắt giết nó. Vì anh biết, để một con Tích Lĩnh thường trở thành loài Cự Tích thì hẳn là nó đã nuốt được bảo vật, với lại lúc anh đi ngang đình, nhận thấy kiến trúc nơi đây rất khác lạ, chỉ là một mái đình nhưng lại tuân theo phong thủy mộ táng bậc đế vương đến lạ lùng, chỉ có thể ngôi đình đó là nơi nằm lại của một cao nhân nào đó, theo lý thuyết, các lăng mộ bình thường, vị trí vào huyệt tương ứng ở đình này chính là ở cái lư hương lớn, anh đoan chắc dưới cái lư hẳn có thứ quý giá, cho nên một công ba việc, vừa trừ hại cho dân vừa có được hai bảo vật. Đợi con quái chết hẳn, anh rạch phần bụng nó ra. Trong bao tử nó vẫn còn bầy nhầy thịt người chưa phân hủy, mùi hôi thối nồng nặc, anh ta lấy gậy bươi ra một hồi thì thấy có gì đó như cái kén, dính chặt vào thành bao tử con quái. Cắt lớp kén ra, bên trong nó có một lớp đá lấp lánh, vừa nhìn thấy nó, anh ta hết sức ngạc nhiên, cực phẩm trong dân gian tên gọi đá Hổ Tủy. Nó kỳ thực là phần xương hổ mọc thừa, ở những con hổ lâu năm, phần xương này lẫn vào các tinh thể lấp lánh trong suốt như thủy tinh nhưng cứng chắc vô cùng. Anh giơ viên đá ra, cẩn thận gói vào tấm da rồi thản nhiên nằm đó ngủ. 

Hôm sau đúng hẹn, giờ Thìn, dân làng đứng đầy cả sân đình, đêm qua chắc ai cũng được một phen hú vía khi nghe tiếng gầm thét vang trời của con quái, họ cũng phần nào tin tưởng người tráng sĩ đã thành công vì sau đó không còn nghe tiếng hát nữa. Ba khắc vừa điểm, từ xa xa, dân làng đã thấy dáng thư sinh của anh chàng nọ, dáng người nhỏ nhắn vác theo vật gì to lù lù sau lưng, nhưng anh vẫn đi rất nhẹ nhàng. 

Anh đặt cái đầu của con quái giữa sân đình, trẻ em thì khóc thét còn đàn bà thì không ai dám nhìn. Chỉ có mấy tay thanh niên tò mò đến gần xem xét kỹ. Vị quan trấn hết sức vui mừng, mời chàng trai trẻ ở lại làng ít lâu, nhưng anh ta nhất mực đòi đi, mới xin quan và làng lấy vật báu như ước hẹn. Họ kéo nhau vào sảnh, nơi đặt chiếc lư đồng đường kính cũng phải năm tấc, vậy mà anh nhấc nó lên như không, dưới cái lư đồng là một hốc đá, bên trong chỉ có một khúc gỗ. Ông quan và mọi người tỏ ra khó hiểu lắm, còn anh chàng nọ thì lại tỏ ra vui còn hơn nhặt được vàng, vội cáo từ mọi người. Trước lúc đi, vị quan có nói:

“Lý mỗ hết sức cảm tạ tráng sĩ, nạn này không có tráng sĩ cứu giúp chẳng phải bá tánh phải lầm than hay sao, công ơn của tráng sĩ, Lý mỗ không biết cảm tạ làm sao cho đặng!” 

Vị tráng sĩ nói: “Gặp việc nghĩa thì nên ra tay cứu giúp, vốn là chuyện bình thường, quan ngài chớ nên suy nghĩ. Tuy nhiên, con quái này đã thành tinh, ngài nên đem phần thân nó rồi làm thế này…” đoạn ghé tai nói nhỏ với quan trấn. 

Vị quan cung kính gật đầu,nói: “Chẳng hay cao danh quý tánh của tránh sĩ là chi?”

Chàng trai trẻ đáp: “Tại hạ họ Võ, tên Kỳ Hưng, quan ngài chớ khách sáo”. Nói rồi Võ Kỳ Hưng cầm khúc gỗ đi thẳng, thoắt cái đã chẳng thấy đâu. 

Sau đó, vị quan trấn theo lời của Kỳ Hưng, xây một ngôi mộ nhỏ, dùng cọc kỳ nam chạm tượng Phật ghim vào tim, chôn chung với mèo để linh hồn con cự tích không quấy phá dân làng, ở đó ông cho dựng một ngôi chùa Nam Tông vì lúc ấy bên Chân Lạp (Campuchia ngày nay) đang có chiến tranh, sư sãi di cư qua nhiều. Sau nhiều biến động thời cuộc, ngôi chùa ngày xưa không còn nữa, trên phế tích của nó mọc lên ngôi chùa mới, nhưng Thông và Hùng phán đoán, phần mộ con thằn lằn kia hẳn vẫn còn bên dưới cùng với khúc kỳ nam. 

Thông quay sang hỏi Hùng: “Rốt cuộc ông đạo sỹ kia tìm thấy vật gì nhỉ?” 

Hùng chỉ cười rồi nói: “Đợi đi, có dịp anh cho mày biết.”

Thông gật đầu rồi Hùng nói tiếp: “Không ngờ chuyến này gom được nặng như vậy, nhưng không phải chuyện chơi, giờ mà đào lên dễ gì người ta chịu, đêm nay chắc đành phải tá túc ở chùa này rồi mới tính được”. Thông đồng ý với kế hoạch này, ngoài kia đã bắt đầu mưa, trời này có khi mưa lớn đến sáng, xung quanh là đồng trống thì biết đi đâu được. Hai người họ gom đồ đạc, nhắm hướng chánh điện mà đi. 

Khu nghĩa địa sau chùa này âm u hơn những khu nghĩa địa trong chùa khác mà cả hai biết. Nó lạnh lẽo và ma quái với những tháp mộ Khmer xen lẫn mả kiểu người Kinh bình thường, tất cả được phủ bởi lớp dây leo mỏng, dưới đất là cỏ rậm rạp chạy theo con đường nhỏ quanh co. Hùng quay sang dặn kỹ Thông lần nữa: 

“Đêm nay mày phải để dao dưới gối, giữa đêm dù có nghe thấy gì cũng không được quay lại nhìn, không ra khỏi chùa, khi đó cứ bình tâm niệm chú là được. Mày mà ra, tao có ba đầu sáu tay cũng không cứu mày được đâu”. Thông tỏ vẻ nghi hoặc, thấy vậy Hùng tiếp lời: “Lúc nãy tao nói chuyến này vồ đậm, lý do là vì nếu tìm được cái mộ dưới kia, khúc kỳ nam đó đáng giá một, còn thứ khác chôn chung lại đáng giá mười đó! Xung quanh khu này không phải là người âm đơn thuần đâu, mà là quỷ rồi, âm khí nặng dữ lắm nặng. Mình mà quyết đào lên, tụi nó dễ gì tha mình được”

Làn sương mờ ảo từ từ tan bớt khi cả hai đặt chân vào cây cầu dẫn vào sân chánh điện. Cầu làm bằng đá thềm, hai bên lan can tạc hình rồng thần Naga, dưới bệ là hình quái điểu dang cánh dùng tay nâng hết sức tỉ mỉ và sống động. Chùa xây theo kiểu Tàm Thực, quyên góp được bao nhiêu xây bấy nhiêu, có thể thấy, ngoài chánh điện có lẽ đang xây dở dang thì các khu khác của chùa khá đơn sơ nếu không nói là sơ sài. Trước điện là khoảng sân xi măng rộng, được chống đỡ bởi những cột đá khổng lồ dựng trên triền núi, mà xen kẽ trong đám cỏ dưới chân cột vẫn thấp thoáng những mộ tháp. Bao quanh sân vẫn là lan can với họa tiết rồng thần Naga và quái điểu. Tường chánh điện đang vẽ dở dang những bức bích họa về sự tích trong Phật Giáo. Cửa chính được làm từ gỗ bên, chạm khắc tinh xảo các vị thần, hộ pháp theo lối Bà La Môn kết hợp Nam Tông Phật Giáo. Do còn dang dở nên chỗ này chưa có đèn đóm gì cả, trời tối trông rất âm u tĩnh mịch, Thông phải bật đèn pin lên mới thấy đường đi. 

Cả hai còn đang loay hoay thì nghe tiếng người phía sau: “Hai người là ai vậy? Ở đâu tới đây làm gì?” 

Hùng và Thông quay ra sau, trước mặt họ là một vị sãi trẻ, tay cầm bó nhang, dáng người gầy gộc, mắt hõm sâu trông như cả ngàn năm canh gác khu mộ này chưa một ngày được ngủ. Hùng chắp tay thi lễ rồi thành thật bảo: “Hai chúng tôi đang đi du lịch ngang vùng này, đến chân núi thấy chùa đẹp quá, định trú mưa sẵn xin một chỗ ngủ qua đêm, mong sư thầy giúp đỡ”. 

Vị sãi tuy tuổi đời hãy còn nhỏ, cặp mắt kia cũng tiều tụy nhưng ánh lên sự sắc sảo, anh ta nhìn ngang bọn Thông, Hùng một thoáng dường như đã hiểu ra nhiều thứ, bèn nói: “Nếu chỉ xin ngủ lại thì không sao, nhưng tôi khuyên hai người chớ nên suy tính chuyện sai trái, tôi không đảm bảo được mạng của hai người đâu”. 

Hùng cảm thấy cậu trai trẻ kia (người Khmer có tập tục đi tu khi tới tuổi) có vẻ cũng biết hai người họ thuộc loại gì, nên anh cũng không úp mở nữa mà hỏi: “Ba núi có năm thần, thần nào quản núi nấy, bảy sông có chín bá, mỗi bá trị một đoạn, núi liền núi, sông liền sông, núi sông này có bao nhiêu miễu biết hát?” 

Vị sãi kia lạnh lùng đáp lại: “Dưới nguồn sạch, trên nguồn sạch, cả dòng nước mặt trong, không thấy đáy bùn, đò chìm thì nhiều nhưng không thấy người, miễu biết hát thì có, nghe tiếng hát chứ chưa thấy miễu, chỉ biết nhà tôi có sáu cây cột đã chìm.” 

Hùng khẽ cười hỏi tiếp: “Khách đi đò qua sông sâu, biết sông sâu sao không bắc cầu, hà cớ còn đốt nhang cho miểu?”

Cậu kia tiếp lời: “Vốn dĩ chỉ đợi gió, không phải vì qua sông nên không cần cầu, với lại thấy sông nhỏ nhưng làm cầu mới khó, đành ngồi bên sông mà coi nhang khói cho miễu.”

Nói rồi cậu cắm nhang vào các hốc dưới lan can rồi quay đi, trước khi rẽ vào góc khuất, cậu nói vọng lại: “Đêm nay mưa lớn, trăng tròn, mèo kêu quạ khóc chớ ra ngoài, hy vọng hai vị bình an!”, nói rồi cậu đi thẳng về con đường bên phái chính điện, tức đối diện với đường băng qua nghĩa địa mà Hùng và Thông đã lên, ở đó có một gian nhà gỗ, có lẽ là nơi ở của cậu. 

Thông ngơ ngác hỏi hồi nãy hai người nói gì sao cậu chẳng hiểu, Hùng trả lời đó là tiếng lóng trong giới lục lâm, vốn dành cho mấy người đạo sĩ đi trừ tà ma “dạo” dùng để dò hỏi nhau về địa phương đó nếu họ tình cờ gặp. Ban đầu Hùng hỏi, ý là ở đây có “nó” đúng không, bao nhiêu “con”, cậu kia trả lời không biết bao nhiêu, nhưng cậu ta có sáu vị sư huynh cùng tu tại chùa đã bị bọn nó vật chết, Hùng mới hỏi tiếp ý là: cậu cũng là dân tròn nghề, sao không cùng hiệp sức tiêu diệt nó? Cậu ta đáp rằng không đủ sức, đành chờ thời cơ thôi, sẵn tiện canh gác chỗ này để nó không thoát ra ngoài. Sở dĩ Hùng nhận biết được cậu kia là dân trong giới, vì trên cánh tay của y có hình xăm Phục Ma Ấn Chú, lọai chú chỉ có dân trừ ma theo dòng Nam Tông Tiểu Thừa bậc trung trở lên mới có. Nhìn hình xăm đó làm Hùng nhớ đến một người bạn đã lâu không gặp, cũng là dân “trong nghề”, chính cậu ta đã dạy Hùng những điều trên, anh nghĩ chuyến này nếu có cậu ấy theo thì tiện biết mấy.

Cả hai lọ mọ mở cửa chánh điện, để đồ ra sàn, nhóm lửa lên nấu ít nước nóng và ăn lương khô. Bên trong chánh điện rất rộng rãi, trần cao hơn chục mét, tường vẫn là những hình vẽ sự tích đức Phật và các hoạt cảnh sinh hoạt. Chính giữa là một bức tượng Phật Tổ tọa thiền đắp bằng xi măng. Họ đốt lửa bằng bếp cồn ở ngoài chính điện, ăn uống xong xuôi cũng đã hơn tám giờ tối, trời lúc này đã bắt đầu mưa như trút kèm theo giông rất lớn tựa hồ muốn thổi bay cả tòa điện. Họ lui vào trong, Hùng cẩn thận và rất nghiêm túc, bảo Thông đi kiểm tra và khóa chặt các lối ra vào. Xong xuôi, cả hai trải bạt ra ngủ dưới bức tượng Phật. 

Bên ngoài, giông gió vẫn không ngớt kêu gào. Thông bỗng mở mắt ra, không biết anh thiếp đi tự lúc nào, định lấy điện thoại ra xem mấy giờ thì anh bỗng nghe bên ngoài vang lên tiếng như vật gì đó rất nặng đang bị kéo lê trên nền xi măng, kèm theo đó là âm thanh như ai đó đang thở phì phò. Tiếng phì phò nghe rất rõ mặc dù mưa vẫn dội ầm ầm bên ngoài, tựa hồ như tiếng đó sát bên tai Thông. Đột nhiên, xung quanh im bặt, mưa ngừng rơi, gió ngừng thổi, cây ngừng xào xạc, giống như có thế lực nào đó giấu chánh điện này vô một cái thau khổng lồ. Lo sợ bị “ám” giống lúc chiều làm Thông như bị bóng đè, không thể cử động được, mặc dù anh biết chắc rằng bên ngoài đang là “cái miễu biết hát”. Anh định hét lên để gọi Hùng dậy thì một bàn tay lạnh ngắt từ phía sau bóp chặt miệng anh lại!