Ra khỏi phạm vi cung cấm, không đi đường chính mà rẽ vào ngã đầu tiên ở đường Chu Tước, chẳng mấy chốc đã tới ngõ Chương Xích ở phía nam kinh thành.

Gần sát giờ giới nghiêm, người đi đường ít đần, song những quán ăn đêm trong ngõ Chương Xích vẫn còn mở quầy. Thời xưa, tổ hoàng đế từng muốn bãi bỏ lệnh giới nghiêm, nhưng hạ thần dâng tấu, bảo chuyện gì cũng cần có tuần tự, kể từ đấy, miễn là hàng quán làm ăn chính đáng, cứ tới Tuần Kiểm Ti ký tên đóng dấu, lại xin thêm một tấm biển nữa, vậy là có thể treo đèn đến giờ Tý rồi*.

(*Giờ Tý: từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng.)

Thanh Duy tới một quán ăn đêm, lấy ra vài đồng bạc: “Chủ quán, cho hai chiếc bánh rán.”

Một mẻ bánh mới vừa được vớt chảo, bọc trong giấy dai, cầm trên tay còn nóng hôi hổi.

Dinh trạch Cao gia nằm ngay kế bên, Thanh Duy không thể vào từ cửa chính, nàng buộc phải vòng vào con ngõ ở phía sau, tung người lên tựa chú chim nhẹ nhàng, lặng lẽ nhảy tường mà vào.

Nơi này là viện bỏ hoang nằm tại phía tây Cao phủ, trong màn đêm tĩnh mịch, Thanh Duy di chuyển khẽ khàng như mèo bước, khi xác định xung quanh hoàn toàn không có tiếng động, nàng mới đến trước một căn phòng bên hông, gõ ba tiếng ngắn một tiếng dài.

Cánh cửa tức khắc hé mở, người bên trong mặc áo tù, vóc dáng cao lớn thô kệch: “Cuối cùng nữ bồ tát cũng về rồi!”

Thanh Duy đưa bánh rán cho ông: “Ăn đi.”

“Ừ!”

Phạm nhân này đã bị nhốt trong ngục thời gian dài, tóc tai rối bù, rơm rạ dính đầy trên tóc, râu ria lởm chởm, nương ánh trăng soi, chỉ thấy mỗi hàng lông mày dày và đôi mắt đầy sinh lực.

Ông ta xé giấy dai ra, ngồi xếp bằng trong phòng, vừa ngấu nghiến ăn vừa nói: “Ngũ tạng réo cả ngày nay, sắp đầu thai thành quỷ đói tới nơi, vì sợ chết mà cả đầu lưỡi cũng mất vị giác,” Ông ta chỉ lên cao, “Ngươi mà còn chưa về, khéo ta đã treo trên xà nhà rồi đấy.”

Thanh Duy khép cửa lại, “Hôm nay có ai tới không?”

“Nhiều cực!” Phạm nhân nói, “Con hầu thằng hầu, thằng hầu thằng hầu, cậu chủ con hầu, biết bao chuyện dơ dáy mờ ám đều làm ở cái viện bỏ hoang vô chủ này. Cả một ngày nay ta có làm gì đâu, chỉ mải lau tai!” Nom ông ta vô cùng hưng phấn, “Ta kể ngươi nghe nhé?”

Thanh Duy nhìn ông ta chằm chằm, không ư không hử.

Phạm nhân hậm hực, khép chân lại, “Ngươi yên tâm, không ai phát hiện ra ta cả.”

Ông ta thấy trong bánh rán còn có thịt, thế là nói tiếp: “Ngươi không biết đấy thôi, đám quản giáo trong ngục nào phải người, giam ta một tháng, thức ăn lại toàn ôi thiu! Con người ta thế nào ắt ngươi cũng đã thấy, là một lão già cục mịch, ở có thể thiếu trúc, nhưng tuyệt đối ăn phải có thịt*! Hồi bằng tuổi ngươi, ta đã lập chí phải nếm hết các món ngon từ trời Nam đến biển Bắc, nào chim muông nào thú vật, chỉ cần có thể lên bếp, thà nấu nhầm còn hơn bỏ sót!”

(*Nói đảo ý từ bài thơ Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên, gốc là: Ăn có thể không thịt, ở chẳng thể thiếu trúc – nói về một vị tăng tu hành ở chốn cảnh sắc u nhã với tre trúc điểm xuyết.)

Ông càng cảm thấy chút vụn thịt ấy mới đáng quý làm sao, bèn ngẩng đầu hỏi Thanh Duy: “Nè a đầu, ngươi có rượu không?”

Ông ta hỏi vậy là xuất phát từ sự tôn trọng dành cho thịt, nhưng ông ta nói là chuyện của ông ta, chưa chắc Thanh Duy đã nghĩ thế.

Song không ngờ, Thanh Duy đang dựa vào tường chợt động đậy.

Nàng thò tay vào áo choàng, cởi một túi da thắt bên hông xuống, ném về phía phạm nhân: “Bắt lấy.”

Phạm nhân cạy nút gỗ, đưa lên mũi ngửi, bất ngờ òa lên, “Thiêu Đao Tử! Ngươi còn đem theo cả thứ này kia à?”

Thanh Duy phớt lờ ông ta, đợi phạm nhân ăn no, nàng nói: “Mấy ngày nay ông nhớ trốn cho kỹ, đợi tình hình dịu đi, ta sẽ đưa ông rời khỏi thành.”

“Nữ hiệp à.” Phạm nhân thấy nàng sắp sửa rời đi, vội đưa tay giữ lại, “Chúng ta trò chuyện vài câu nhé?”

“Nói cái gì?”

Phạm nhân mỉm cười; “Ta là trọng phạm triều đình, muốn cứu ta, tất phải đặt cược cả tính mạng. Hai ta không quen biết nhau, ngươi cứu ta là vì mục đích gì? Không thể nào là bồ tát giáng thế được, ta thấy ngươi cũng không biết phép thuật.”

Thanh Duy dừng mắt trên bàn tay đang nắm cửa của ông ta.

Đầu ngón tay thô ráp, hổ khẩu sần sùi, là vị trí người luyện võ thường có kén, nhưng bên cạnh đấy, trên đốt ngón tay và bụng dưới ngón tay của ông ta cũng có những chiếc kén dày, Thanh Duy nhận ra, đó là bàn tay của thợ mộc.

Phạm nhân nhìn nàng đăm đăm, bỗng mở lời:

“Vụ án Tiển Khâm Đài có liên quan gì tới ngươi?”

Thanh Duy không đáp, dời mắt nhìn ông ta.

“Năm xưa tiên đế hạ chỉ xây Tiển Khâm Đài, lệnh thợ mộc Ôn Thiên đốc công, sau đó Tiển Khâm Đài sập, bao nhiêu người đã chết. Hồi ấy chuyện này rất ầm ĩ. Kiểm điểm* và Đô Ngu hầu của Huyền Ưng Ti bị kê biên tài sản rồi chém đầu, các đại quan trong triều có liên quan, thợ cả Ôn Thiên và thân quyến của ông ấy đều phải đền tội, cũng bởi vụ án này mà tiên đế bệnh nặng không dậy nổi, chưa tới hai năm đã cưỡi rồng quy thiên.”

(*Kiểm điểm là chức quan võ cao hơn Ngu hầu.)

“Mà dưới tay Ôn Thiên có vài thợ mộc…”

“Hầu hết những người thợ mộc ấy đều học nghệ từ nhỏ, nhưng một trong số đó lại đổi nghề giữa chừng.” Thanh Duy tiếp lời, “Ông ta họ Tiết, xuất thân lính tráng, sau trận chiến ở sông Trường Độ, vì bị thương ở chân nên bái sư học nghệ món khác. Lúc Tiển Khâm Đài sập, nhờ Ôn Thiên cử đi kiểm tra đá mà ông ta mới thoát được cuộc truy đuổi của triều đình, may mắn giữ được một mạng. Cũng vì thế, ông ta là người duy nhất trong những thợ mộc dưới tay Ôn Thiên còn sống.

Nhưng ông ta lại không biết tiếc mệnh, mấy năm sau, ông ta lộ diện ở kinh thành, thời gian trước bị quan sai bắt được, bị nhốt trong ám ngục tại ngoại ô thành nam, phải ăn đồ ôi thiu một tháng.”

“Cũng may ông ta mạng lớn, được ta cướp ngục, chứ không,” Thanh Duy dừng lại, chỉ lên trên, “Ông ta đã treo lên xà nhà mà tự tử rồi.”

Thanh Duy nhìn phạm nhân: “Chuyện của ông ghi rõ trong công văn truy nã, ta đã cứu ông thì tất nhiên biết ông là ai, ông không cần nhử ta.”

Tiết Trường Hưng cười mỉa, “Cũng bởi cảm niệm đại ân đại đức của ân nhân, muốn biết danh tính của ân nhân thôi mà.”

Ông ta nói tiếp: “Cho nên không một ai muốn dính dáng đến vụ án Tiển Khâm Đài này. Chưa nói tới những tử sĩ kia, chắc chắn phải có người thuê ngươi cứu ta với thù lào ngàn vàng, nhưng ta thấy ngươi không giống kẻ ham tiền, thế là cả gan suy đoán, đoán chừng có khi nào ngươi và ta đồng bệnh tương liên, cũng có liên quan tới cái đài đã sập ấy không.”

Ông ta lẩm nhẩm: “Bữa hổm ta bám theo ngươi từ xa, thoáng nghe thấy hình như ngươi họ Thôi. Năm đó trong số thợ mộc dưới trướng Ôn Thiên cũng có một người họ Thôi, tên là Thôi Nguyên Nghĩa…”

Ông ta chưa nói hết câu đã thấy Thanh Duy sầm mặt, vội dừng lại, “Được rồi được rồi, ta không hỏi nữa.”

Thanh Duy xoay người bỏ đi.

“Ôi nữ hiệp!”

“Ông còn chuyện gì nữa?”

Tiết Trường Hưng che cửa, ló đầu qua khe, cười hềnh hệch: “Ngày mai nếu ngươi rảnh, có thể mua cho ta một con vịt quay được không? Chỉ mấy miếng thịt vụn, chưa đã thèm!”

***

Thanh Duy về đến phòng cũng là lúc giờ Tý đã quá nửa. Nàng châm nến, sau đó cẩn thận kiểm tra tàn thuốc rải trước cửa.

Tàn thuốc vẫn y nguyên – sau khi nàng rời đi, không có ai vào phòng tìm nàng.

Thanh Duy thở phào.

Căn viện nhỏ này được chuẩn bị tạm thời để hai tỉ muội các nàng ở chung, nhưng La thị lo cho Thôi Chi Vân nên đã đón nàng ấy tới chính viện phía đông, vì thế hiện tại chỉ có một mình Thanh Duy ở đây.

Bày biện trong phòng vẫn y hệt lúc nàng mới tới, chỉ nhiều hơn một tay nải. Thanh Duy rửa mặt, thay xiêm y sạch sẽ rồi lại thu dọn đồ đạc vào tay nải.

Đây là trạng thái bình thường của nàng trong những năm qua. Từ chỗ này chuyển sang chỗ khác, vội vã dừng chân, lại chuẩn bị rời đi bất cứ lúc nào.

Thanh Duy thổi nến, khép áo nằm xuống giường.

Trước khi nhắm mắt, bên tai văng vẳng câu nói của Tiết Trường Hưng:

“Vụ án Tiển Khâm Đài có liên quan gì tới ngươi?”

Có liên quan không ư?

Trong màn đêm, Thanh Duy nhìn chằm chằm xà nhà.

Nếu chuyện gì cũng đè nặng trong lòng không thể tiến bước được, sẽ thường nằm mơ thấy chuyện cũ; gánh nặng không gánh nổi, bao năm nay nàng trăn trở trằn trọc, nếu không thể trút bỏ được nó trong lúc tỉnh táo thì sao có thể nhổ tận gốc, để mình được nhẹ thân?

Thanh Duy nhắm mắt, chẳng mấy chốc đã thiếp ngủ.

Trong chiêm bao, nàng quay về nhà cũ ở Thần Dương, lưng đeo kiếm, xách tay nải, bước ra khỏi cửa.

“Con đi đi! Nếu đã đi thì đừng về nữa!”

Thanh Duy khựng bước, giọng ráo hoảnh, “Con cũng không định về.”

“Được. Từ nay về sau…” Một mình ông đứng sau lưng nàng, vừa giận vừa buồn, “Từ nay về sau, con đừng nhận ta là cha nữa, từ nay trở đi, con cũng không còn mang họ Ôn!”

Nửa đêm gió nổi, tiếng cha mắng còn quanh quẩn bên tai. Thanh Duy ngủ không sâu giấc, thậm chí có thể nhận ra âm thanh nào là ở hiện thực, âm thanh nào thuộc về trong mơ.

Bên ngoài cơn mơ mới ồn làm sao, ngoài gió đêm, dường như có lời qua tiếng lại, không yên bình như trong giấc mộng.

Thanh Duy mở mắt, dỏng tai lắng nghe.

Quả nhiên, ngoài nhà có người đang cãi vã.

Âm thanh vọng đến từ chính viện, dù cố kìm nén nhưng Thanh Duy có thính giác nhạy, chỉ cần nghe qua đã nhận ra một giọng nói trong đó thuộc về La thị, mà giọng nói khác vừa lạ vừa trầm, có lẽ là Cao Úc Thương mới về tới phủ từ tối qua đến nay.

Vốn Thanh Duy không thích xía vào chuyện nhà người ta, nhưng khi định ngủ tiếp thì lại nghe nhắc tới “Thôi gia”.

Có lẽ đang nói về nàng và Thôi Chi Vân.

Nàng ở nhờ nơi này, hơn nữa còn che giấu rất nhiều bí mật, để ý nhiều cũng không phải chuyện xấu.

Thanh Duy đứng dậy, lẹ làng đi ra sân, nghĩ ngợi một hồi, nàng tung người nhảy lên nóc nhà, giẫm ngói đi đến đại sảnh, qua khe hở nhìn vào bên trong.

Lúc này trời vẫn chưa sáng, chung quanh tối om om, trong sảnh thắp đèn, ngoài La thị và Cao Úc Thương, ở giữa còn có mấy rương hòm gỗ đỏ đang mở.

La thị ngồi một bên, vẻ mặt bất cẩn: “Lát nữa trời sáng, ông hãy trả mấy chiếc rương này về đi.”

Cao Úc Thương khó xử: “Vừa nghe nói cô nương Thôi gia đến kinh thành, hắn đã chuẩn bị sính lễ cả đêm, xét cho cùng cũng là tâm ý. Tôi và Giang Trục Niên cùng làm quan trong triều, tôi nhận cũng đã nhận rồi, giờ làm sao mà trả được đây?”

La thị lạnh lùng: “Chi Vân không có nhà, tôi chính là mẫu thân của nó, Giang Trục Niên đưa đống sính lễ vô giá trị này tới là có ý gì? Nếu ông ta cảm thấy gấp gáp, không kịp chuẩn bị, lẽ nào không biết đưa danh sách tới trước?”

“Bà cũng biết mà, trả sính lễ thì khác gì từ hôn, vất vả lắm Chi Vân mới tới kinh thành, kiểu gì cũng phải để con bé xuất giá chứ.”

“Thì đã sao? Vô tâm như thế, chi bằng đừng xuất giá!” La thị lạnh lùng nói. Bà dừng lại một lúc, giọng nhẹ đi, “Huống hồ, tôi cũng không mong gả Chi Vân đến Giang gia. Chính mắt tôi nhìn Chi Vân lớn lên, năm đó ở Lăng Xuyên, con bé và Tử Du là thanh mai trúc mã, tôi còn coi nó như con gái trong nhà, có lòng muốn để con bé vào Cao gia. Giờ thì hay lắm, tôi thấy Giang gia cũng không có thành ý, chi bằng hủy hôn đi, để Tử Du cưới.”

Cao Úc Thương cảm thấy ngu ngốc đến mức không tin nổi: “Bà có biết bà đang nói gì không? Thôi gia! Thôi Hoằng Nghĩa! Ông ta đang mang trọng tội trong người đấy! Bà bảo Tử Du cưới con gái của phạm nhân, có còn nghĩ cho tiền đồ của con nữa không hả!”

“Tội của Thôi Hoằng Nghĩa không liên quan  đến Chi Vân! Tới lúc đó triều đình khép án, cho dù Thôi Hoằng Nghĩa ông ta bị sung quân hay lưu đày, Chi Vân đều vô tội. Bây giờ Tử Du cưới nó, người ngoài sẽ thấy thằng bé trọng tình trọng nghĩa, cứu nguy con gái cố nhân!”

La thị nói đến đây, bỗng sực nhớ ra một chuyện khác, ngoảnh mặt nhìn chằm chằm Cao Úc Thương: “Hồi ấy Tử Du còn đi học, đến Nhạc Châu lo công chuyện, từng ở Thôi trạch một thời gian. Tới khi về có thưa với ông muốn cưới Chi Vân, lúc đó ông không ý kiến, nhưng rồi lại để Tích Sương tới hầu Tử Du.”

Tích Sương xinh đẹp, nói là hầu hạ nhưng thực tế là nha hoàn thông phòng của Cao Tử Du, đã ở trong phòng hắn hai năm.

“Tôi hiểu rồi, có phải ngay từ lúc đó ông đã đoán được Thôi gia sẽ gặp nạn, nên mới bảo Tích Sương tới, là để cắt đứt niệm tưởng của Tử Du đúng không?”

“Sao bà lại nghĩ thế hả?” Cao Úc Thương nói, “Nếu tôi có ý đấy thì làm gì có chuyện cho bà đón hai biểu cô nương Thôi gia vào nhà?”

Ông giải thích: “Chỉ là tôi thấy Tử Du đã đến tuổi, trong phòng không có lấy một tri kỷ, lo nó ở ngoài học thói phong lưu.”

Trong sảnh chợt lặng đi, gió đêm vù vù bập vào song cửa.

La thị im lặng một lúc, đoạn tỉnh bơ bảo: “Đã nói tới mức này rồi, vậy tôi nói thẳng với ông, vì sao Thôi gia lại gặp chuyện, tôi biết rõ, ai được hời chứ tuyệt đối không để Giang gia hời.”

Cao Úc Thương nhìn bà ngồi ngay, con tim run lên: “Bà biết rõ? bà  thì biết cái gì?”

La thị “hừ” một tiếng: “Chớ tưởng tôi không biết, Thôi Hoằng Nghĩa bỗng bị chụp tội, lẽ nào không phải do Giang Trục Niên thêm đổ dầu vào lửa? Thế mà thằng con trai lão còn vờ tốt bụng, viết thư muốn kết duyên với Chi Vân, đúng cái phường vừa ăn cướp vừa la làng! Chẳng phải do con trai lão ta không cưới được vợ nên mới dùng kế liên hoàn hả! Cả lò nhà họ Giang tốt đẹp cái gì, ai mà chẳng biết bọn họ nịnh nọt Thái hậu, là tay sai của họ Hà!”

La thị mắng một hồi, cuối cùng mắng luôn cả đương kim Thái hậu.

Cao Úc Thương rùng mình sợ hãi, vội khép chặt cửa sổ cửa chính, xoay người lại thấp giọng: “Là ai nói với bà những chuyện này?”

“Ông đừng xía vào, tôi có cách của tôi.”

Cao Úc Thương tranh luận với La thị: “Bà mắng Giang gia cũng được, ghét Hà gia cũng được, nhưng bây giờ có nhà nào được ân sủng như Giang gia không! Đêm qua Quan gia còn triệu kiến vị tiểu gia họ Giang, không chừng là vì chúc mừng hắn, nếu giờ bà mà từ hôn, có phải bà định làm khó Cao Úc Thương tôi không? Bà không nể mặt Thiên gia hả!”

La thị bỗng đứng bật dậy: “Quan gia còn trẻ, suy nghĩ đơn giản, chỉ là thích tác thành cho người ta mà thôi! Giang Từ Chu và Chi Vân vừa không có duyên vừa không có quả, nếu thành thân cũng chỉ có nghiệt duyên! Ngày mai tôi sẽ vào cung xin Hoàng hậu làm chủ, xin ban Chi Vân cho Tử Du! Giang Trục Niên hại Chi Vân phải bơ vơ không nhà, Chi vân muốn ở lại kinh thành thì chỉ có thể ở tại Cao gia, con bé muốn thành thân thì cũng chỉ có thể cưới Tử Du!”

“Bà, bà… Chỉ có đàn bà như bà mới nói vậy!” Cao Úc Thương phẫn nộ, “Vì sao Thôi Hoằng Nghĩa bị hoạch tội? Chính là vì Tiển Khâm Đài! Nay sóng gió của Tiển Khâm Đài trở lại, chỉ cần dính líu một xíu đến vụ án này thôi cũng khó thoát khỏi đại nạn. Mà bà không những không tránh, lại còn chạy tới ôm họa vào người! Thôi Chi Vân đã đành, nhưng Thôi Thanh Duy lên kinh cùng Thôi Chi Vân là ai? Nó là con gái của Thôi Nguyên Nghĩa, thợ mộc của Ôn Thiên! Bà giữ Chi Vân ở trong nhà, có phải muốn rước họa vào nhà không?!”

“Năm Hàm Hòa thứ mười bảy…” Cao Úc Thương càng nói càng cuống, run tay chỉ ra ngoài phòng. Gió đêm rít gào trong màn đêm, lùa qua khe cửa thổi tắt ánh nến trong góc, “Năm Hàm Hòa thứ mười bảy, triều đình suy yếu, đại quân mười ba bộ Thương Nỗ tấn công! Cả điện có tám mươi ba đại thần, nhưng chỉ có năm người chủ chiến, số còn lại nhất quyết chủ hòa!”

“Chính vì thế mà Sĩ đại phu Trương Ngộ Sơ không tiếc lấy cái chết can gián, cùng một trăm ba mươi bảy sĩ tử tập hợp ở bên bờ sông Thương Lãng. Gió thổi vạt áo, sóng dâng cuồn cuộn, bọn họ để lại huyết thư rồi nhảy sông tỏ chí! Nước sông Thương Lãng tẩy sạch cổ tà, hai chữ Tiển Khâm* do đó mà nên! Một trăm ba mươi bảy sĩ tử, không một ai còn sống, trong số ấy có cả phụ thân của Tiểu Chiêu vương, là phò mã triều đình đương thời!”

(*Tiển là tẩy rửa, Khâm là vạt áo, cổ áo.)

Triều đình chấn động, về sau tướng quân Nhạc Xung xin đi giết giặc, dẫn bảy mươi nghìn tướng sĩ, chặn đánh kẻ địch trên sông Trường Độ, lấy ít địch nhiều, tắm máu tử thủ, lúc bấy giờ mới đánh tan đại quân Thương Nỗ.

Rồi sau nữa hoàng đế Hàm Hòa băng hà, tiên đế Chiêu Hóa kế vị, ngài xúc động trước các sĩ tử đã bỏ mạng can gián, tướng sĩ sông Trường Độ hi sinh vì nghĩa, lập chí phục hưng, nhờ vậy mới có cảnh thái bình hôm nay.

“Năm Chiêu Hóa thứ mười hai, thiên hạ thái bình, quốc khố dồi dào, tiên đế hạ chỉ xây Tiển Khâm Đài, tưởng nhớ sĩ tử đã chết trong nước sông Thương Lãng cùng các tướng sĩ hy sinh bên bờ Trường Độ. Vì để xây Tiển Khâm Đài, triều đình đã cắt cử bao nhiêu người? Ôn Thiên, Hà Thập Thanh, Huyền Ưng Ti, thậm chí có cả Tiểu Chiêu vương nức tiếng kinh thành! Nhưng ngày đài xây xong, ngày đài xây xong…” Cao Úc Thương run run lặp lại, “Ngày đài xây xong… Thì sập! Đài đã sập rồi!”

“Đấy là thành tựu tiên đế tâm niệm cả đời! Là chí nguyện tích từ mấy chục năm giữ nước trị quốc! Nhưng nó đã sập rồi! Không chỉ sập, còn đè chết thợ mộc công thần, sĩ tử bách tính!”

“Đài sập thật sao? Không, ấy là trời sập!”

“Huyền Ưng Ti bị kiểm điểm, còn Ngu hầu, bị kê biên chém đầu! Hà Trung Lương, Ngụy Thăng cũng bị bêu đầu thị chúng! Tám thợ mộc thuộc hạ của Ôn Thiên, gần như không một ai may mắn thoát nạn! Thậm chí cả Ngư Thất Nhạc thị, triều đình niệm tình trận chiến sông Trường Độ nên bỏ qua, tội chết có thể miễn, nhưng tội sống khó thoát! Bà không biết những chuyện này hả?! Bà chưa nghe nói bao giờ hả?!”

“Hiện tại hai phe Chương, Hà đấu đá rất gay gắt, muốn ra tay từ vụ án Tiển Khâm Đài năm đó, hễ ai dính dáng đều khó giữ được mình! Bà lại cứ đâm đầu vào lúc này, nói cái gì mà tình thân tình nghĩa, rõ là rước họa vào thân! Bà hồ đồ vừa thôi!”

“Thôi!” Cao Úc Thương phất tay, không để La thị cãi lại, “Cao gia làm đến mức này là đã hết tình hết nghĩa rồi. Về hai cô con gái Thôi gia, bà bảo vệ được chúng nhất thời, nhưng không bảo vệ được cả đời! Ba ngày sau, Giang Trụ Niên sẽ đến cửa nghị hôn, sớm chọn ngày rồi đưa hai đứa đi đi!”