*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tôi rất tức giận với việc Edward mỗi lần rảnh rỗi đều mở miệng châm chọc.

Khi gặp tôi, hắn luôn có những ám chỉ ái muội. Thỉnh thoảng kề sát tai thì thầm, đôi khi còn động tay động chân, khiêu khích cơ thể tôi, tôi thường xuyên vì một câu nói hay hành động của hắn mà phiền não mất ngủ.

Xa cách nhiều năm, gặp lại lại khiến tôi rối rắm. Suốt quãng thời gian khổ sở tìm kiếm, mỗi ngày đều trải qua trong lo âu, không có tâm tư nào suy nghĩ hành động của mình có gì không đúng. Sau khi gặp lại, mọi việc đã nằm ngoài kiểm soát của tôi.

Trước đây tôi lo sợ tiền đồ của cả hai sẽ bị mối nhân duyên này đạp đổ, hiện nay hắn đã không còn là con trai bá tước, nhưng tôi lại là mục sư. Trước mặt Chúa, tôi cảm thấy linh hồn mình đang bị trừng phạt. Thân xác đứng trên gian cung thánh thánh khiết, linh hồn lại dơ bẩn đầy tội nghiệt, Đức Chúa Trời vĩnh viễn không thứ tội cho tôi.

Tôi bị tòa án lương tâm phán xét, thống khổ vô cùng, không thể nói ra, chỉ có thể trốn tránh.

Tôi không đến bến cảng tìm hắn, cũng trốn tránh mỗi khi hắn đến giáo đường. Hắn thấy tôi như vậy, cũng không miễn cưỡng, giúp lòng tôi có chút thả lỏng.

Mục sư Cole sức khỏe tốt lên nhiều, đã có thể ra ngoài truyền giáo, cho nên khi ông ấy ra ngoài truyền giáo, tôi sẽ ở lại giáo khu, phụ trách coi sóc giáo dân.

Có một việc tôi không thích làm, đó là ngồi nghe giáo dân xưng tội. Tôi rất kính nể mục sư Cole có thể kiên nhẫn như vậy, ông ấy mỗi lần giải tội xong đều rất vui tươi hớn hở, dường như không bị chút áp lực. Có đôi khi tôi thật sự muốn hỏi ông ấy, tai nghe mấy thứ yêu đương vụng trộm, lừa gạt, làm việc ác, ông ấy làm thế nào có thể trấn định?

Khó xử nhất là, có nhiều tiểu thư thừa dịp xưng tội đến thổ lộ với tôi. Không thể tưởng tượng nổi tôi phải rối rắm thế nào mới đáp lời lại được với họ, nếu tôi có chút ý cự tuyệt, các tiểu thư sẽ trốn trong góc nhỏ mà khóc, tôi cũng thật bất đắc dĩ.

Hôm nay lại có không ít người đến xưng tội.

Tôi mặc áo tu sĩ, ngồi trong phòng giải tội vừa tối vừa tối vừa hẹp, nghe những âm thanh xa lạ bên kia tấm vách ngăn.

“Cám ơn ngài mục sư.” Một người đàn ông xa lạ cảm ơn tôi, rồi vội vàng rời đi.

Anh ta vừa rồi ở trong phòng khóc lóc, không ngừng bảo rằng mình có tội, nhưng mãi không chịu nói mình mắc tội gì. Sau khi anh ta rời đi, tôi thở phào nhẹ nhõm, dù sao đứng trước một người cứ luôn miệng bảo mình có tội thực quá áp lực.

Tôi còn chưa kịp định thần, lại có thêm người bước vào.

“Chào ngài.” Âm thanh quen thuộc truyền đến.

“Edward? Cậu đến đây làm gì?” Tôi kinh ngạc nhìn về phía hắn.

Tấm ngăn gỗ chạm khắc hoa văn ngăn lại ánh mắt của tôi, tôi chỉ thấy hình bóng của hắn.

“Tôi đến xưng tội, thưa mục sư.” Hắn trịnh trọng trả lời.

Trong nháy mắt, tôi cảm thấy có chút không ổn, Edward chưa bao giờ xưng tội.

“Tôi yêu một người, thưa mục sư.” Ngay khi tôi định ngăn cản, hắn đã mở miệng.

“Tôi thề, tôi yêu người ấy hơn bất cứ ai trên đời.”

“Nguyện xin Chúa thi ân giáng phúc, khiến người tôi yêu biết được tâm ý của tôi.”

Tôi dựa vào ghế, mãi không nói nên lời.

Mà hắn lại cố ý hỏi: “Ngài mục sư, ngài có thể giúp tôi chuyển lời đến chúa Jesus không?”

“Đây là phòng giải tội…mọi người tới đây để xưng tội…” Tôi vô lực nói.

“Ngài cảm thấy yêu một người cũng là tội sao?”

“Nếu yêu phải người không nên yêu, đó chính là tội.” Âm thanh của tôi có chút run rẩy.

“Yêu một người không có cái gì gọi là nên hay không nên, thưa ngài mục sư.” Hắn nói.

“Đương nhiên là có, Chúa Trời đã dạy, mơ ước vợ chồng người là có tội, yêu người cùng giới tính là có tội.”

“Ngài mục sư đã yêu phải người không nên yêu sao?”

“Không, tôi đương nhiên không có!” Tôi lớn tiếng nói, muốn át đi nội tâm đang sợ hãi.

“Vậy ngài thật may mắn.” Edward mang theo khí thế bức người: “Không phải ai cũng được như ngài, ít nhất, người tôi yêu không may mắn như vậy.”

“Cậu dựa vào cái gì dám nói như vậy!”

“Dựa vào người ấy lênh đênh biển cả, lẻ loi một mình đi đến dị quốc tha hương tìm tôi suốt hai năm! Nếu không phải là tình yêu, thì còn là cái gì?”

Hai tay tôi ôm đầu, ngón tay bấm chặt, tựa hồ làm như vậy có thể mang lại cho tôi cảm giác an toàn, vì tôi không thể phản bác lời hắn.

Hắn nói không sai, tôi yêu hắn, yêu từ khi còn là thiếu niên, bằng không sẽ không vì một người mà vượt ngàn dặm xa xôi. Lý trí và trái tim tôi luôn luôn mâu thuẫn, tôi như kẻ bị chôn trong bóng đêm, vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng.

“Chúa sẽ trừng phạt chúng ta.” Tôi run rẩy nói: “Sao cậu dám nói chuyện này giữa giáo đường thiêng liêng.”

“Thiên Chúa nhân từ, sẽ khoan thứ hết thảy.” Hắn bình tĩnh nói.

“Không, Ngài sẽ không tha thứ, chúng ta sẽ phải xuống địa ngục.”

“Vậy xuống thì xuống, có em bên tôi, nơi đâu cũng là Thiên Đường.”

Nói xong những lời này, hắn mở cửa đi ra, nói: “Cảm ơn ngài mục sư, lần sau tôi lại đến xưng tội.”

Sau khi hắn rời đi, lại có một giáo dân khác đi vào, từ đầu đến cuối, tôi chìm đắm trong suy nghĩ của mình, không thể nghe người kia nói gì.

“Adam, cậu gần đây làm sao vậy? Không khỏe sao?” Mục sư Cole đột nhiên hỏi tôi.

“A…” Tôi giật mình, xém chút nữa làm đổ rượu nho dùng trong thánh lễ.

“Cậu nghĩ gì mà lại thất thần như vậy?” Mục sư Cole nói.

“Tôi xin lỗi.” Tôi cúi đầu.

“Ha ha, không sao, tâm tình không vui thì nên ra ngoài đi dạo, đất nước Ấn Độ có rất nhiều cái đáng xem, đặc biệt là văn hóa, nơi nơi đều có những pho tượng cổ và chuyện lạ. Đúng rồi, cậu nên đi xem lễ hội màu sắc của họ, dân ở đây tổ chức ngày này để mừng xuân phân và mùa thu hoạch, những người tham gia lễ hội sẽ ném bột màu hoặc pha màu với nước vào nhau. Người nào nhận được càng nhiều màu thì coi như năm đó sẽ có nhiều may mắn. Tôi cho cậu nghỉ vài ngày, khi cậu đến nơi nhớ quản giúp tụi binh lính Anh, tôi không thích mấy tên lính đó quấy rầy ngày hội của địa phương.”

“Ngài không ngại tôn giáo bản địa sao? Hơn nữa, chúng ta còn là tu sĩ.” Tôi nói.

“Đương nhiên là không rồi, con của ta, chúng ta nên tôn trọng tín ngưỡng của họ. Mỗi nơi đều có thần riêng, giống như mỗi lãnh thổ sẽ có nhiều chủng người khác nhau. Người Ấn Độ sùng bái nữ thần tình ái, còn chúng ta là thầy tu, đem cả đời phụng thờ một người đàn ông, cũng có khác gì nhau?” Mục sư Cole cười ha hả nói đùa.

Vì thế tôi mang tâm tình phiền muộn nghe theo chỉ thị của mục sư, đi đến thần miếu của dân địa phương, tham gia lễ hội màu sắc. Rất nhiều người Anh cũng đến đây, nhiều nhất là binh lính, vì đây là một trong số ít ngày phụ nữ cũng được vui đùa, không ai muốn vắng mặt.

Hôm nay, thần miếu chật ních người.

Suốt từ sáng đến trưa, người Ấn Độ không phân biệt nam nữ già trẻ, ném đầy bột màu lên người thân và bạn bè mình, chúc phúc cho nhau. Người trẻ tuổi và bọn nhỏ nghịch ngợm còn phấn khích hơn, hắt nước màu lên tất cả mọi người trên đường.

Tại thần miếu, mọi người vừa nhảy múa vừa tạt nước màu. Có vài người ướt sũng từ đầu đến chân, cả người đều đầy màu sắc.

Một thầy tu đi cùng với tôi, thậm chí còn cởi cả áo dòng, trong đám người nhảy nhót khoa tay múa chân, hoàn toàn quên mình là tín đồ Ki-tô giáo, toàn tâm toàn ý hưởng thụ ngày hội.

Lễ hội màu sắc kéo dài liên tục trong nhiều ngày, chúng tôi ở tạm trong một khách sạn do người Anh mở gần đó.

Một buổi sáng nọ, tôi thức dậy thật lâu cũng không thấy vị đi cùng mình xuống, nên kêu một lễ tân lên tìm.

Không ngờ lễ tân mặt mày hoảng hốt chạy xuống, sau đó nói nhỏ với quản lý. Quản lý nghe xong, mặt trắng bệch, lớn tiếng sai vài hầu nam:”Nhanh! Nhanh đi đốt chậu than.”

Tôi thấy lạ liền hỏi: “Thưa ngài, có chuyện gì vậy?”

Quản lý bối rối nhìn tôi, muốn nói nhưng lại không dám.

“Rốt cuộc là có chuyện gì? Vị trên lầu kia đi chung với tôi, anh ta bị làm sao?” Tôi nôn nóng hỏi.

Quản lý lúc này mới nói với tôi: “Không hay rồi! Người đó, người đó không biết bị lây bệnh từ đâu! Chúa ơi, sẽ hại chết chúng ta!”

“Ông đang nói cái gì? Bệnh gì?” Trong lòng tôi chợt có dự cảm không tốt.

“Người hầu vừa rồi xuống báo, vị kia hôn mê bất tỉnh, trên mặt nổi rất nhiều mụn đỏ trông như đậu mùa!”

Nghe thấy hai chữ “đậu mùa”, tôi run rẩy cả người, vội hỏi: “Ông có chắc chắn không? Hay là…hay là người hầu nhìn lầm?”

“Thưa ngài, làm sao có thể nhầm được!” Quản lý nôn nóng nói.

Nhân viên khách sạn vội vã đi báo cho khách trọ.

“Thưa quý ông quý bà, tôi có việc quan trọng cần nói với mọi người, nhưng xin các vị đừng quá kinh hoảng, bình tĩnh đối mặt, khách sạn chúng tôi sẽ giúp các vị chuyển ra.”

“Có chuyện gì?” Một quý tộc mặc áo bành tô màu nâu lớn tiếng hỏi.

“Trong khách sạn của chúng tôi có người bị đậu mùa, bác sĩ đã xác nhận.”

“Chúa ơi!” Khách trọ hoảng hốt, thậm chí có người còn ngất xỉu.

“Nếu có ai cảm thấy không khỏe, xin mau chóng thông báo, sau đó tự cách ly. Còn những ai khỏe mạnh, chúng tôi sẽ mau chóng đưa các vị rời khỏi đây.”

Ngay lúc đó, một hầu nam đến thúc giục tôi: “Thưa ngài Konstatin, ngài thu dọn hành lý xong chưa? Mau lên xe đi thôi ạ.”

“Nhưng…bạn của tôi còn ở đây, không thể bỏ anh ta lại được.”

“Ngài ấy bị đậu mùa, ngài ở lại cũng đâu làm được gì.” Người hầu có chút trách cứ: “Những người khỏe mạnh đều đã rời đi, ngài cũng nên đi thôi, khách sạn đã bị phong tỏa, đây là lệnh của Tổng đốc phủ, không ai được ở lại.”

Tôi xách hành lý đi ra, bên ngoài khách trọ vội vội vàng vàng rời đi. Giống như phía sau là hồng thủy mãnh thú, họ leo lên xe ngựa, không hề quay đầu đi mất dạng.

Tôi cũng ngồi trên xe ngựa trở về.

Nhưng khi tôi vừa về đến nhà, liền cảm thấy khó chịu, trong người hơi sốt.

Bên ngoài truyền đến tin tức, lần này thủy đậu lây lan rất mạnh, khởi điểm chính là từ lễ hội màu sắc.

Rất nhiều dân bản xứ mắc bệnh, dự đoán là do nguồn nước.

Bên thần miếu đã chết rất nhiều người, Tổng đốc phủ thậm chí còn phong tỏa quanh làng, nghe nói làng bên cạnh đậu mùa đã bùng phát, nhưng do giao thông không thuận lợi nên không ai phát hiện.

Mà sáng hôm sau, trên người tôi mọc đầy mụn đỏ.

Lời tác giả: Bệnh đậu mùa thời xưa rất đáng sợ, chết rất nhiều người, ai bị bệnh may mắn sống sót cũng bị sẹo rỗ rất xấu xí.

Lễ hội màu sắc ở Ấn Độ