Giang lầm lũi theo chân sư phụ, cúi đầu đi, buồn rầu không nói. Đối với nó, mỗi bước đi là một bước dẫn dần đến cái chết chắc chắn. Những giọt sương đêm còn đọng lại trên tàn cây
rậm rạp và ẩm ướt ven đường thình thoảng lại rơi xuống gáy, chui vào cổ
lạnh buốt. Nó rùng mình. Đàn quạ đen thấy động vỗ cánh bay, tiếng kêu
khàn khàn ghê rợn. Quạ bay trên đầu là điềm gở, Giang nghĩ thầm trong
bụng và càng thêm sợ hãi.
Hai thầy trò đi một lúc khá lâu, đã xa cổ thành đến vài dặm. Qua hàng
tùng cổ thụ, đường đồi thoai thoải dốc xuống dần, bên kia là đồng cỏ
hoang Hannya, màu xanh chỗ đậm chỗ nhạt từng mảng, di chuyển theo bóng
mây. Trời nhẹ và trong, tươi mát, khác hẳn với lòng thầy trò Giang ngổn
ngang trăm mối.
Giang thấy thầy mình cứ xăm xăm đi tới thì lấy làm lạ. Đồi bên kia chẳng có chỗ nào để ẩn nấp, trừ vài tảng đá lớn nhô cao trên nền cỏ dại. Đi
như thế chẳng khác gì làm bia cho địch. Nếu tăng sĩ phái Quang Minh
trông thấy thì làm sao trốn kịp ? Giá như nó, nó sẽ trốn trong rừng hoặc vào tạm trú trong ngôi miếu hoang nào đó, chờ tối mới qua đồng cỏ. Như
vậy an toàn hơn. Mặc dầu Thạch Đạt Lang không nói, nhưng Giang nghĩ có
lẽ thầy nó muốn gặp vị thủ tòa để xin lỗi. Nó không biết phải trái về ai và sư phụ mình đã làm gì để phật lòng các vị, nhưng nếu Thạch Đạt Lang
xin lỗi thì nó cũng sẽ rập đầu lạy theo để được tha mạng. Tránh voi
chẳng xấu mặt, lúc này không phải lúc cạnh tranh ai hơn ai kém.
- Giang !
Giang giật mình nghe tiếng gọi. Mặt nó tái đi, tưởng chừng như thầy đã
đọc được hết những ý nghĩ thầm kín trong đầu. Nó không dám nhìn sư phụ,
chỉ khẽ “dạ” rồi đứng sững ngước mặt lên trời. Thạch Đạt Lang đăm đăm
nhìn, làm nó càng thêm bối rối. Một lúc sau, bằng một giọng nửa an ủi,
nửa bông đùa, thầy nó nhẹ nhàng hỏi:
- Trời đẹp quá ! Tiếng họa mi hót đó, con nghe thấy không ?
- Tiếng họa mi ?
- Ừ, tiếng họa mi ! Con không nghe tiếng chim hót ư ?
Nhìn nét mặt xám ngắt của tên tiểu đồ, Thạch Đạt Lang cảm thấy tội
nghiệp. Hắn thương thằng bé ít tuổi đã phải xông pha. Đối với Giang bây
giờ, cảnh có đẹp, chim hót có hay, nó cũng không màng. Sáng nay, qua
chiếc mặt nạ, đôi mắt nó long lanh tinh nghịch, giờ đây nặng trĩu những
ưu tư và lo lắng. Hắn nói:
- Ta chia tay ở đây thôi ! Con còn nhỏ, theo ta chỉ thêm bận. Nếu ta
mệnh hệ nào, ai người bảo vệ cho con. Để con sa vào ổ mai phục này, lòng ta không nỡ !
Giang không đáp, nước mắt trào ra. Nó bậm môi, lấy tay áo quệt ngang,
đôi vai non dại rung rung rồi bật lên tiếng nức nở. Giang khóc ngất,
tưởng chừng lần chia tay này là vĩnh biệt, không bao giờ còn mong gặp
lại thầy nữa. Giang níu áo sư phụ, giậm chân xuống đất bành bạch, những
tiếng nấc nghẹn ngào không làm nó nói được lời nào.
Thạch Đạt Lang nhẹ nhàng vỗ về:
- Không ! Ta không bỏ con đâu ! Trên bước đường hành hiệp, đây là bài
học đầu tiên. Ra nấp sau tảng đá trên ngọn đồi kia nhìn cho kỹ. Nếu ta
thoát về hướng nào, chạy theo hướng ấy ; nếu không, trở về Kyoto đến trú tạm ở quán rượu cũ.
Nhưng Giang vẫn không nín. Nó run run nắm áo sư phụ lôi vào ven đường, ngập ngừng:
- Hay thầy với con trốn đi ?
- Không được ! Kiếm sĩ gì mà hèn thế ? Con muốn thành kiếm sĩ không ?
- Nhưng con sợ. Chắc chết mất ! Thầy không đánh lại họ được đâu !
Và lôi Thạch Đạt Lang vào sau lùm cây, Giang khẩn khoản:
- Nghe con đi thầy ! Con xin thầy ! Bây giờ ta trốn còn kịp.
Thạch Đạt Lang giật mạnh tay áo, quắc mắt nhìn Giang:
- Không ! Ta là kiếm sĩ, con là giòng dõi kiếm sĩ, không trốn được !
Trước thái độ cương quyết của sư phụ, Giang không dám nói gì thêm. Nó
ngồi phịch xuống đất, kéo vạt áo lau mặt. Bụi đất cùng nước mắt quyện
vào nhau làm nhem nhếch thêm khuôn mặt vốn đã đen đủi của nó.
- Cứ yên tâm, ta sẽ thắng ! Không việc gì phải hoảng sợ !
Nhưng lời trấn an của Thạch Đạt Lang không làm Giang yên bụng. Nó không
tin thầy nó sẽ thắng. Ngay một chọi một cũng chưa chắc ăn chứ đừng nói
gì thầy nó phải chống lại cả hàng chục người, mà toàn là những tay cao
thủ. Huống chi trong thâm tâm nó, Thạch Đạt Lang vẫn chỉ là một tay kiếm giang hồ không tên tuổi, lại mang tiếng hèn nhát.
Tiếng khóc thút thít của Giang làm Thạch Đạt Lang khó chịu. Tuy yêu
thương và tội nghiệp đồ đệ, nhưng trong hoàn cảnh này, hắn hối hận đã để nó theo bên mình. Hắn ỷ vào sức mạnh và lưỡi gươm bén đeo bên sườn,
nhưng biết đâu ...Kẻ địch quá đông, ở đời nhiều sự bất ngờ không thể
lường trước được. Dưới đồng cỏ kia, bao nhiêu người đang chờ giết hắn,
cuộc chiến đấu sẽ là một trận sinh tử khốc liệt, không phải để đo lường
hơn kém mà để giành lấy sự sống. Tiếng khóc cùng nét mặt sợ hãi đến ngơ
ngác của thằng bé làm hắn bực mình. Thạch Đạt Lang phát bẳn:
- Thôi câm đi ! Mày còn khóc, ta không nhận mày làm đồ đệ nữa. Hèn như thế thì ở xó nhà bưng rượu có hơn không ?
Và lấy tay đẩy nó ngã lăn ra vệ đường, Thạch Đạt Lang bỏ đi như chạy.
Giang ngạc nhiên lồm cồm bò dậy, kéo vạt áo chùi mũi. Nó muốn gọi sư
phụ, muốn chạy theo, nhưng nghĩ sao lại ngồi im, môi mím chặt. Rừng
vắng. Gió thổi rì rào.
Đâu đây, một hai tiếng chim lảnh lót càng làm khu rừng thêm quạnh quẽ.
Sự vắng lặng lùa vào tâm hồn non dại của nó một nỗi cô đơn không bút nào tả xiết.
Thạch Đạt Lang bước nhanh, không nhìn lại. Tiếng khóc của tên học trò
nhỏ như còn văng vẳng bên tai, tia mắt sợ hãi của nó vẫn như theo sau
gáy, van lơn và cầu khẩn.
Cây rừng mỗi lúc một thưa. Cỏ dại mọc cao quá đầu gối bắt đầu che lấp cả lối đi, đứng xa chục bước không nhìn rõ đâu là đường nữa. Đột nhiên từ
sau một tảng đá lớn, một bóng người nhảy vọt ra, giơ cao tay chào đón:
- Thạch Điền đại huynh, đại huynh đi đâu vậy ?
Thạch Đạt Lang đứng khựng lại, tay nắm đốc kiếm. Khi nhận ra đó là Thang Mộc, một trong ba tên du đãng đã đến thăm hắn bữa trước ở nhà trọ tại
cổ thành, hắn yên tâm mỉm cười đáp lễ.
- Gặp lại đại huynh thật là vạn hạnh. Tiểu đệ xin đại huynh đại xá cho về tội đã xúc phạm đại huynh bữa trước.
Giọng gã ngọt như mía lùi. Vừa nói, Thang Mộc vừa đưa mắt liếc ngang Thạch Đạt Lang để dò phản ứng.
- Hôm ấy tiểu đệ nói năng thật vô lễ, mong đại huynh thứ lỗi.
Thang Mộc đã chứng kiến tận mắt trận đấu giữa Thạch Đạt Lang và Cổ Bất
Úy tại võ sảnh đền Quang Minh, nghĩ đến hãy còn rùng mình. Nhưng gã vẫn
nghi hoặc. Một người trẻ như vậy, lại vô danh trong giới giang hồ không
thể có ngón đòn thuần thục và kinh nghiệm già dặn mức đó, nên gã không
tin Thạch Đạt Lang có thể thoát khỏi tay bọn gã phen này, nhất là bọn gã lại được sự trợ giúp của Quang Minh hội. Nghĩ thế nhưng Thang Mộc vẫn
dùng giọng ngọt sớt, hỏi lại:
- Đại huynh đi đâu ?
- Tại hạ theo sơn đạo này ra đại lộ Ise, bằng hữu nghĩ có tiện không ?
- Tiện chứ ! Tiện chứ ! Tiểu đệ cũng ra đó để đi Phương Lâm. Ta làm bạn đồng hành, thật không gì thú bằng !
- Phương Lâm chắc gần Trúc Lâm ?
- Gần. Trúc Lâm cốc là nơi Trúc Mộ Chính ở ẩn. Đại huynh nên đến đấy một lần xin yết kiến vị kiếm sĩ đại danh này. Tuổi lão đã cao, nghe nói bây giờ chỉ chuyên về trà đạo, nhưng kinh nghiệm kiếm học của lão không
phải là không bổ ích.
- Bằng hữu nói phải lắm. Nhưng tại hạ chẳng có danh vọng gì, e người không cho gặp mặt.
Vừa đi vừa chuyện vãn, nhưng Thạch Đạt Lang không bỏ sót một cử chỉ nào
của kẻ đồng hành. Hắn đi sau Thang Mộc chừng hai bước, luôn luôn cảnh
giác đề phòng. Đồng cỏ xanh mướt trải dài trước mặt, đây đó vài gốc cổ
tùng mọc trơ trọi, tàng lá xanh đen in rõ như cắt trên nền trời trong
sáng. Dưới một gốc cổ thụ, lẩn sau đám loạn thạch, có vệt khói bốc lên
nhẹ như tơ. Thạch Đạt Lang ngạc nhiên cất tiếng hỏi:
- Gì vậy ?
- Cái gì ? Đại huynh thấy gì ?
- Khói.
- Khói thì có gì là lạ ! Chắc tụi mục đồng tụ họp. Đâu ? Khói đâu ?
Thạch Đạt Lang đưa tay chỉ về phía trước mặt:
- Đằng kia. Khả nghi quá !
Lời nói chưa dứt, một tiếng “soạt”. Cả thân hình Thang Mộc đâm chúi về
phía trước. Gã không ngờ khi mãi nhìn theo ngón tay chỉ, Thạch Đạt Lang
đã rút kiếm ra từ bao giờ và đâm xéo vào hông gã suốt lên đến ngực.
Thạch Đạt Lang rút kiếm khỏi sườn tên du đãng, xác gã đổ xuống như cây
mục, mặt úp sấp, tay chân quều quào. Một giòng máu từ vết thương rỉ ra,
loang đỏ áo ngoài.
Đằng xa, hai bóng người chạy tới. Trông thấy Thạch Đạt Lang đứng vững
bàn như núi bên xác Thang Mộc, tay cầm thanh kiếm lấp loáng ánh dương
quang, đầu mũi kiếm chúc xuống, máu tươi còn nhỏ giọt, chúng kêu lên một tiếng kinh hãi, quay đầu bỏ chạy.
Thạch Đạt Lang leo lên mô đất dưới gốc cổ tùng. Da hắn nóng bỏng, bắp
thịt căng ra như sắp nổ tung. Bản năng thú vật trong cơ thể hắn bùng dậy mãnh liệt. Cơn gió mát mùa xuân không làm dịu đi chút nào cảm giác hừng hực tựa lửa đốt trong người. Đứng trên mô đất, hắn phóng mục quang nhìn xuống sườn đồi cách chỗ hắn chừng vài trượng.
Nhóm người lố nhố chỉ trỏ. Thạch Đạt Lang nhận dạng được hai tên trước
đây cùng đi với Thang Mộc đến thăm hắn tại nhà trọ. Cùng với các tăng sĩ Quang Minh, bọn người chờ giết hắn đông có đến ba chục chứ không ít.
- Nó đấy ! Nó đã đến đấy !
Toán mai phục phần lớn toàn là những tay giang hồ lạc thảo, chuyên sinh
nhai bằng nghề cướp của giết người hay những hành động bất lương khác.
Số còn lại gồm chừng một chục tăng nhân mang trường mâu hình thù cổ
quái, đuôi rắn đầu rồng; có kẻ cầm binh khí giống như hai ngọn bút viết, đầu nhọn hoắt.
Nhìn Thạch Đạt Lang đứng trên đỉnh đồi, nét mặt dữ tợn tựa hung thần,
bọn thảo khấu ớn lạnh xương sống. Gió mát thổi hiu hiu mà ai nấy đều nổi gai ốc. Chúng không ngờ ổ mai phục của chúng bị phát giác sớm như vậy.
Cuộc chiến đã bắt đầu. Thay vì lừa Thạch Đạt Lang vào bẫy, chúng đã để
cho Thạch Đạt Lang chiếm thượng phong và giết mất của chúng một tay cao
thủ.
Nhưng mũi tên bắn đi không giữ lại được nữa. Bọn mai phục chia làm hai
toán tỏa ra hai bên sườn đồi, cốt ý không để Thạch Đạt Lang trốn thoát.
Một bên là những tay giang hồ thảo khấu khét tiếng vùng Nara, một bên là các tăng sĩ Quang Minh hội, tay áo màu vỏ dà thẫm xắn cao, đầu cạo
trọc, đằng đằng sát khí như quỷ A Tỳ , sẵn sàng trả thù cho đồng đạo.
Bị bao vây, Thạch Đạt Lang vẫn không tỏ vẻ bối rối. Hắn chậm rãi di
chuyển từng bước, thanh trường kiếm nắm chắc trong tay, mắt sắc như mắt
vọ tìm chỗ sơ hở của cả hai toán để xuất thủ. Mặt hắn đanh lại, chỉ đôi
mắt là linh động, mắt một dã thú chờ mồi !
Không khí nặng những đe dọa. Hai bên cùng gờm nhau, không thốt một tiếng.
Phái thảo khấu và Quang Minh có vẻ lạc quan hơn vì cậy đông người, nhưng Thạch Đạt Lang tập trung tinh thần vào nhát kiếm đầu tiên hơn cả. Chí
hắn đã quyết. Những tên du đãng lạc thảo thường ô hợp và vô kỷ luật, hạ
một tên dễ làm nhụt chí những tên khác.
Hắn sẽ áp dụng chiến thuật giương đông kích tây, vờ tấn công phái tăng
lữ trước để rồi xuất kỳ bất ý quay ngược kiếm lại phá vòng vây phía sau
thoát hiểm. Vừa khi đó, một tăng sĩ đứng đằng xa dõng dạc lên tiếng:
- Thạch Điền ! Ta là Vô Tướng, thủ tòa Quang Minh hội đây ! Ngươi đã
giết Cổ Bất Úy lại còn cả gan cáo yết khắp nơi nhục mạ bản tòa. Có đúng
vậy không ?
- Không đúng. Ta không có lý do gì làm vậy ! Đại sư giữ chức vị thủ tòa, phải biết suy xét. Cứ nghe lời đồn đại rồi tin là thật, sao hồ đồ quá
thế !
Phái tăng sĩ ồ lên giận dữ. Họ cho lời nói của Thạch Đạt Lang xấc láo.
Bọn thảo khấu phía sau cũng phụ họa, mỗi người một câu đổ tội cho hắn.
Thạch Đạt Lang chỉ đợi có thế. Trong lúc cả bọn phân tâm, hắn thét lên
một tiếng long trời lở đất rồi như cọp dữ vồ mồi, nhảy chéo về phía sau
đến sát tên gần nhất. Một tiếng gió rít, một tiếng “phập” như người chặt chuối, tiếng thét ghê rợn bị cắt đứt nửa chừng, tiếng thân người đổ
xuống, tất cả chỉ trong nháy mắt. Máu phun có vòi, đầu tên thảo khấu lăn lông lốc văng ra khỏi mình đến hơn một trượng.
Trong tiếng kêu thất thanh hỗn loạn, Thạch Đạt Lang tựa cọp dữ giữa đàn
dê, tung hoành vung kiếm né tả đâm hữu. Tiếng binh khí rít lên vù vù.
Lưỡi gươm bén của hắn chém xương thịt người ngọt và gọn gàng như gọt
khoai vậy ! Cánh tay, ngón tay, óc lẫn mảnh sọ còn dính tóc bay tung
tóe. Áo ngoài hắn loang lổ những máu, tay cầm kiếm đã bắt đầu nhớp nháp. Mồ hôi trộn lẫn máu chảy xuống mắt làm hắn khó chịu. Chỉ trong khoảng
chừng nửa khắc, số người chết nằm la liệt dưới cỏ và đám loạn thạch đã
lên đến hàng chục. Số còn lại kinh hoảng cùng cực, vừa đánh dứ vừa lui
ra xa dần, miệng la hét kêu tăng sĩ Quang Minh đến trợ giúp.
Giang nấp sau tảng đá bên kia đồi, mắt mở to đến nứt kẽ, chăm chú nhìn
sư phụ chiến đấu. Nó không ngờ Thạch Đạt Lang dũng mãnh như thế. Một
niềm hân hoan và hãnh diện dâng lên, Giang nín thở khi thấy thầy bị bao
vây, rồi phá vòng vây giết bao nhiêu kẻ địch. Nó khấn thầm trong bụng:
“Lạy Trời, lạy Phật, lạy đức Bồ Tát từ bi, xin các ngài giúp thầy con
thắng trận, con sẽ không quên ơn các ngài. Con sẽ đốt thật nhiều hương
cúng các ngài. Thầy con là Thạch Điền Đạt Lang là người rất tốt, hôm nay vì bị đánh bất ngờ nên phải giết nhiều người. Mọi hôm, ông hiền lành,
thỉnh thoảng có uống chút rượu nhưng không làm điều gì quấy. Xin trời
Phật thương ông, giúp ông !” - Úi cha ! Thằng bên trái thầy ơi !
Đương khấn, Giang thấy có kẻ đánh lén, vội kêu to báo cho thầy biết.
Nhưng ở xa, tiếng nó loãng đi trong khoảng không, làm sao nghe rõ. Tuy
thế Thạch Đạt Lang cũng né mình tránh kịp và thuận tay đưa ngược mũi
kiếm về phía sau. Một tiếng thét, một thân người ngã gục. Giang chồm dậy vừa nhảy vừa la, vui mừng như chính nó mới đánh thắng kẻ địch !
Vô Tướng xốc lại áo, nắm chặt trường côn, hét một tiếng lớn, ra lệnh công kích.
Tăng sĩ Quang Minh không ai bảo ai, như đã có chủ đích sẵn, tản ra bốn
phía bao vây cả Thạch Đạt Lang lẫn bọn thảo khấu vào giữa.
Trên đồi, Giang sợ hãi há hốc mồm, đứng sững như trời trồng. Phen này chắc chết.
Nó lẩm bẩm:
- Hỏng rồi ! Trời không thương Phật không độ rồi !
Nó chạy ào xuống đồi, nón và chiếc mặt nạ đeo đằng sau đập vào lưng bình bịch.
Mặc kệ, Giang vừa chạy vừa la lớn:
- Đếch đốt hương nữa ! Thầy ta chết, ta đếch đốt hương nữa !
Chẳng ai biết nó muốn nói gì !
Nhìn thế trận, Thạch Đạt Lang giật mình. Hắn bỏ tụi thảo khấu, lui dần
về phía cây tùng già. Ít ra gốc tùng khá lớn và những hòn loạn thạch
cũng giúp che cho hắn được ở phía sau, không bị bất ngờ tập hậu. Hắn đổi bộ vị luôn luôn, vừa lùi vừa di động không ngừng để tránh làm mục tiêu
cho những ngọn lao của các tăng sĩ Quang Minh có thể bất thần phóng tới. Đốc kiếm hắn dính nham nháp những máu, Thạch Đạt Lang lấy tay chùi vào
vạt áo. Mồ hôi đọng trên mí mắt làm hắn nhìn không rõ. Như con thú bị
dồn vào bẫy, hắn tức giận cực điểm, nhất quyết phải thoát khỏi vòng vây
bằng bất cứ giá nào. Nếu không thì bỏ xác trên cánh đồng hoang Hannya
này, và trước khi chết, hắn sẽ đánh một trận quyết liệt rồi sẽ chết
trong danh dự.
Nhưng Thạch Đạt Lang ngạc nhiên hết sức. Những tăng sĩ phái Quang Minh
dường như không có ý gì muốn tấn công hắn. Ngược lại, họ quay giáo sang
cả bọn du đãng không cho chạy trốn và nhất tề xông vào đâm không nới tay những kẻ mới đây là đồng minh của họ. Bọn kia ngạc nhiên chẳng kém gì
Thạch Đạt Lang, đứng sững không kịp phản ứng. Trong khoảnh khắc kinh
hoàng ấy, phái tăng sĩ Quang Minh mặc tình đâm chém, nhiều khi dùng đầu
những ngọn giáo nhuộm đầy máu thọc hai ba lần vào những xác người đã ngã xuống hoặc còn ngắc ngoải. Tên nào thoát được, chạy trốn đều bị bọn
tăng sĩ đuổi theo giết sạch.
Đứng dựa vào gốc cây, Thạch Đạt Lang vừa ngạc nhiên vừa bất bình. Hắn
không hiểu tại sao phái Quang Minh lại ra tay tàn nhẫn đến thế đối với
những người trước đây là bạn. Hắn, chính hắn cũng vừa mới giết người
xong, không ghê tay, không hối hận, nhưng hành động của phái tăng lữ làm hắn công phẫn. Nhìn họ giết người man rợ tựa thú vật, hắn như người say tỉnh rượu. Trở lại bình tĩnh hơn, bản năng tàn bạo tự nhiên biến đâu
mất, hắn chỉ còn thấy ngạc nhiên và một niềm bi phẫn vô hạn.
Đột nhiên Thạch Đạt Lang nghe tiếng động nhỏ phía sau, trong bụi cỏ gần
gốc tùng. Cúi gập người giữ thế thủ, hắn nhìn kỹ. Thì ra Giang, tên học
trò nhỏ đã nằm bẹp ở đó từ bao giờ. Hắn thở dài nhẹ nhõm và cảm thấy
thoải mái.
Trận đấu cũng vừa kết thúc. Tuy nhiên Thạch Đạt Lang không dám khinh xuất.
Hắn vẫn đứng nguyên chỗ cũ, hai tay nắm chặt đốc kiếm, mắt trừng trừng
nhìn Vô Tướng đại sư bước tới. Dáng đi của Vô Tướng ung dung, tự nhiên,
nét mặt ông tươi cười không có vẻ gì thù nghịch. Đến gần Thạch Đạt Lang, ông giơ tay vồn vã:
- Thí chủ là Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto phải không ? Bần tăng hân hạnh được tiếp kiến thí chủ.
Vô Tướng vóc cao lớn, phong thái đĩnh đạt, khoan thai nét mặt điềm tĩnh
làm Thạch Đạt Lang vì nể. Hắn lúng túng chưa biết đáp ra sao, lau lưỡi
gươm vào áo, tra vào bao rồi mới cúi đầu thi lễ.
- Bần tăng là Vô Tướng, thủ tòa Quang Minh hội.
- A ! Vậy đại sư đây vô địch về thương học. Tại hạ nghe đại danh đã lâu, bây giờ mới được tiếp kiến. Thật là vạn hạnh.
- Bần tăng rất tiếc hôm trước không có mặt ở nhà bồi tiếp thí chủ. Cổ
Bất Úy tài năng kém cỏi, thật không đáng để thí chủ quan tâm.
Thạch Đạt Lang chột dạ. Vị thủ tòa Quang Minh hội ngầm có ý gì khi đề
cao hắn quá đáng và không đả động gì đến việc rửa hận như thế, hắn không hiểu. Lại còn vụ tăng sĩ Quang Minh quay giáo lại giết bọn kiếm khách
lạc thảo như vừa rồi nữa ...
- Áo thí chủ dính đầy máu, ta lại đây nghỉ một lát, gột sạch đi chứ !
Vô Tướng dẫn Thạch Đạt Lang đến bên đống lửa. Giang lật đật theo sau.
Một số tăng sĩ đã ngồi sẵn ở đó đang xé vải lau binh khí. Số khác lục
tục kéo đến, vái chào Thạch Đạt Lang tỏ vẻ cung kính.
Đàn quạ đen ngửi mùi tử khí rủ nhau đến đậu đầy trên những cành thông
trụi lá, tranh nhau và mổ lẫn nhau, kêu “quạ quạ” vang đông cả khu đồi
hoang dã.
- Sao chúng không đáp xuống rỉa thịt mấy cái xác kia nhỉ ?
- Chúng đợi ta đi hết đã. Giống quạ như vậy, ưa thịt thối và khôn lắm.
Họ chuyện vãn những chuyện không đâu, coi như biến cố vừa xảy ra không có gì đáng lưu ý.
Thạch Đạt Lang vẫn không hiểu tại sao Quang Minh hội lúc đầu đồng lõa
với bọn thảo khấu, sau lại ra tay giết sạch chúng, bèn quay sang hỏi Vô
Tướng:
- Tại hạ có điều muốn xin chỉ giáo. Khi ở Nara, tại hạ được biết quý hội sẽ cho người mai phục giết tại hạ tại đây nên tại hạ đã quyết tâm chống cự. Không hiểu sao bây giờ lại đổi cách cư xử như vậy ?
Vô Tướng mỉm cười:
- Có gì đâu ! Bữa nay bản hội muốn thanh lọc hàng ngũ, gạt bỏ những phần tử xấu xa làm ô uế võ lâm nên mượn tay thí chủ giúp đỡ. Quả nhiên thí
chủ chẳng từ chối.
- Đại sư gọi như thế là thanh lọc hàng ngũ sao ?
- Chính vậy ! Ý kiến này do Ngộ Không đại sư đưa ra, bần tăng chỉ thừa hành.
Nhưng thôi, nếu thí chủ muốn biết thêm, cứ hỏi Ngộ Không. Người đã đến kia.
Nói rồi cầm gậy chỉ về phía chân đồi. Mọi người trông ra quả nhiên thấy
một lão ông quắc thước, đầu quấn khăn bỏ múi, mày trắng như tuyết, vội
vã đi đến. Theo sau là năm kỵ mã, y phục dáng dấp có vẻ như những công
sai. Tuy họ cưỡi ngựa nhưng thần sắc mệt mỏi và dáng điệu chậm chạp hơn
ông già nhiều.
Ngộ Không đi tới, mọi người dạt ra chào cung kính. Thạch Đạt Lang cũng
vòng tay thi lễ. Không để mất thì giờ vào những lời xưng tụng rườm rà,
Ngộ Không hướng về phía Vô Tướng hỏi ngay:
- Mọi việc kết thúc như đã định cả chứ ?
Thủ tòa Quang Minh hội cúi đầu đáp:
- Bẩm sư phụ, hoàn hảo cả.
Năm công sai hối hả xuống ngựa. Người lớn tuổi nhất ra lệnh cho những
người kia mang bút giấy ra ghi chép, kiểm điểm xác chết, coi mặt từng tử thi. Sau khi xong, hắn tiến đến trước mặt Vô Tướng và Ngộ Không, nói:
- Xin đa tạ các vị đã giúp anh em chúng tôi. Từ giờ đến sáng mai, sẽ có
người tới mang những xác này đi chôn cất. Xin các vị đừng bận tâm.
Nói xong, cả năm người cùng cáo biệt lên ngựa đi thẳng.
Vô Tướng và các tăng sĩ phái Quang Minh cũng đứng hàn huyên một lúc rồi mới chia tay về Nara.
Thạch Đạt Lang quỳ xuống trước mặt Ngộ Không, kính cẩn:
- Tại hạ vừa được vị thủ tòa Quang Minh cho biết lý do về những hàng động mới đây của quý hội. Dám xin đại sư chỉ dẫn thêm.
Ngộ Không đưa tay đỡ Thạch Đạt Lang đứng dậy:
- Thí chủ bất tất phải đa lễ. Có gì bí mật đâu ! Sở dĩ bần tăng phải bày ra kế này vì viên quan chấp pháp mới đến nhậm chức, chưa rõ tình hình
để bọn du đãng lộng hành quá đỗi. Gặp cơ duyên, được biết thí chủ là tay nghĩa hiệp nên bần tăng có bàn với Vô Tướng, mạn phép thí chủ. Xin vì
ích chung mà thứ lỗi cho.
- Đại sư dạy quá lời. Bài học vừa rồi làm tại hạ suýt mất mạng.
- Không đâu ! Bần tăng biết chứ ! Và đó cũng là lý do bần tăng đã kể Vô
Tướng giả hợp tác với chúng ban đầu cho chúng khỏi nghi kỵ và đỡ thí chủ một tay khi cần.
Nghe thủng câu chuyện, mọi người đều vui vẻ. Vui nhất có lẽ là Giang. Nó hớn hở thấy thầy nó còn sống, vui mừng và kiêu hãnh vì được chứng kiến
tận mắt sư phụ chiến đấu dũng mãnh, một tay giết bao nhiêu là côn đồ,
thảo khấu. Nó sung sướng nhảy cẫng, miệng hát líu lo.
Ngộ Không mỉm cười, gọi:
- Này cháu nhỏ, lại đây ta bảo !
Nhà sư chỉ những viên cuội tròn rải rác khắp đồi:
- Cháu nhặt cho ta chừng hai chục hòn đá như thế này !
- Dạ. Nhưng nhặt làm gì vậy ?
- Thì cứ nhặt mang lại đây rồi biết !
Khi đá được mang đến, Ngộ Không viết lên trên mỗi hòn đá câu chú “Nam mô Thích ca Mâu ni Phật”, sai Giang đem đến đặt bên mỗi tử thi một hòn.
Ông đứng ra giữa đồng làm lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố,
niệm kinh vãng sinh giữa những tiếng quạ kêu và đồi chiều bắt đầu nổi
gió.
Trong khung cảnh bao la của đồng hoang Hannya chiều hôm ấy, ba người
tượng trưng cho ba thế hệ, cúi đầu cầu nguyện. Bóng họ đổ dài trên nền
cỏ xanh còn loang vết máu.