【 Nhật ký của Hứa Tri Niên -5】

Ngày 3 tháng 8 năm 2020, mưa nhỏ

Hôm nay là ngày giỗ của bà.

Khương tiên sinh nói muốn hầm canh sườn cho tôi ăn.

Chị Vương nói từ nhỏ anh đã không xuống bếp nên run sợ đứng cạnh trông chừng, sợ anh làm nổ bếp.

Bị chị Vương nhìn chằm chằm một tấc cũng không rời, cuối cùng Khương tiên sinh vẫn thành công hầm xong canh sườn, nhà bếp cũng bình yên vô sự.

Tôi ăn một miếng sườn.

Khương tiên sinh hỏi tôi: "Hương vị thế nào?"

Tôi nuốt xuống rồi nói: "Hình như anh quên bỏ muối thì phải."

Khương tiên sinh: "......"

Ha ha ha ha ha ha.

Tôi nhịn không được phá lên cười, bị Khương tiên sinh véo mặt.

Cuối cùng tôi vẫn ăn hết sườn.

Dù Khương tiên sinh quên bỏ muối thì tôi vẫn cứ yêu anh.

—————

1139

Khách sạn có một gian bếp nhỏ và tủ lạnh, nhân viên phục vụ bỏ mấy thứ rau quả và trái cây tươi vào đó.

Hứa Tri Niên đi chợ mua một túi tôm trắng về, mình tôm óng ánh nhìn rất đẹp.

Thả vào nước còn nhảy nhót tưng bừng.

Tôi nói: "Nhỏ vậy à? Nhìn không giống các loại tôm khác lắm."

Hứa Tri Niên nói: "Thì nó gọi là tôm trắng nhỏ mà, nhưng đừng thấy nó nhỏ mà tưởng ít thịt, em đã cố ý chọn những con mập nhất đấy."

Tôi nói: "Nhìn cũng không trắng lắm nhỉ."

Hứa Tri Niên nói: "Chờ bỏ vào nồi sẽ trắng thôi. Tôm này chỉ ở vùng duyên hải mới được ăn khi còn tươi, chỗ khác đều không có đâu, hơn nữa tôm chết không ăn được, phải còn sống mới có hương vị."

Tôi nói: "Nghe em nói vậy anh hơi sợ rồi đó."

1140

Hứa Tri Niên đột nhiên nói: "Khương tiên sinh, anh có nghe nói đến tôm say chưa?"

Tôi hỏi: "Tôm say là cái gì? Thả tôm vào rượu nấu lên sao?"

"Cũng gần như vậy." Hứa Tri Niên nói, "Loại tôm trắng này cũng có thể làm món tôm say, thả tôm sống vào rượu rồi thêm chút gia vị, tôm sẽ giống như bị say, khi ăn tôm vẫn còn sống, nhưng mùi rượu sẽ thấm vào thịt tôm."

Tôi kinh ngạc: "Ăn tôm sống?"

Hứa Tri Niên gật đầu: "Vâng, rất nhiều người ở Hải Thành đều ăn như thế, nhưng người ngoài ăn không quen nên hôm nay em chỉ làm món tôm luộc thôi."

1141

Tôm luộc nhìn rất đơn giản, một thau to đầy tôm kèm theo ít hành gừng.

Đúng như Hứa Tri Niên nói, tôm luộc quả thực trắng ra, sống lưng có màu hồng nhạt.

Tôi gắp một con định bóc vỏ thì Hứa Tri Niên nói: "Thật ra ăn tôm này không cần bóc vỏ đâu."

Tôi nhíu mày: "Chẳng lẽ ăn cả vỏ luôn à?"

"Không phải." Hứa Tri Niên nói, "Anh nhìn em này."

Cậu ấy gắp tôm lên cắn một cái, thả đầu tôm xuống bàn, sau đó nhai thịt tôm trong miệng rồi nhè vỏ tôm ra.

Cậu ấy nói: "Giống như ăn nho chừa lại vỏ thôi, rất tiện lợi."

1142

Tôi bắt chước cậu ấy thử một chút, đúng là rất tiện.

Hai chúng tôi nhanh chóng giải quyết sạch sẽ thau tôm.

Hứa Tri Niên xoa bụng hỏi tôi: "Ngon lắm phải không ạ?"

Tôi gật đầu.

1143

Ăn tôm xong, tôi và Hứa Tri Niên nắm tay nhau tản bộ trên bờ biển.

Mùa đông gió biển hơi mạnh, cũng may hôm nay có nắng, ánh nắng không chói chang như mùa hè mà chiếu vào người rất ấm.

Sóng biển dạt vào bờ rồi lại rút đi, vì quá lạnh nên chúng tôi không xuống nước mà chỉ đi dạo trên bờ cát.

Trong giày đều bị cát lọt vào.

1144

Hứa Tri Niên đi mấy bước rồi hăm hở giật tay tôi ra để nhặt vỏ sò trên cát.

Cậu ấy nhặt lên một cái hỏi tôi: "Khương tiên sinh, mảnh này đẹp không?"

Tôi nói: "Không đẹp."

Cậu ấy lại cầm cái khác: "Cái này thì sao?"

Tôi lời ít ý nhiều: "Xấu."

Cậu ấy nhặt một mảnh khác nhìn tôi.

Tôi lắc đầu.

Cậu ấy chu môi phồng má lên như cá heo: "Anh lại chọc em chứ gì! Không có cái nào anh thấy đẹp sao?"

Tôi nghĩ ngợi rồi nói: "Em đẹp."

Hứa Tri Niên: "......"

1145

Cậu ấy đỏ mặt nhào tới muốn đánh tôi nhưng không dám đánh mạnh, giống như ôm ấp yêu thương vậy.

Tôi thuận thế kéo cậu ấy vào ngực rồi hôn lên má một cái.

Hứa Tri Niên mở to mắt, ôm cổ tôi xích lại gần trao cho tôi một nụ hôn.

1146

Cuối cùng cậu ấy chọn hai mảnh vỏ sò mà mình thấy đẹp nhất, nói là cậu ấy một mảnh còn tôi một mảnh.

Sau đó cậu ấy lui lại rồi lấy điện thoại ra giơ lên trước mặt tôi.

Tôi nghi hoặc hỏi cậu ấy: "Lại làm gì đây?"

Hứa Tri Niên nói: "Chụp ảnh cho Khương tiên sinh làm hình nền điện thoại."

1147

Cậu ấy cầm điện thoại nửa ngày, sau đó nghiêng đầu nói: "Khương tiên sinh, cười một cái đi."

Ngữ khí của cậu ấy như đang làm nũng.

Tôi điều chỉnh biểu cảm rồi nở nụ cười với camera.

Hứa Tri Niên: "Chậc......"

Cậu ấy nói: "Cảm giác không được tự nhiên cho lắm."

1148

Tôi đi qua xem ảnh cậu ấy chụp.

Cậu ấy chụp mấy tấm, có ảnh tôi cười, cũng có ảnh tôi không cười.

"Tấm này cười khá dịu dàng này." Cậu ấy nói, "Mấy tấm không cười nhìn nghiêm quá."

Tôi cầm điện thoại chụp cho cậu ấy mấy tấm.

Cuối cùng tôi đưa tay khoác vai cậu ấy chụp chung một tấm.

1149

Trong ảnh Hứa Tri Niên cười hết sức ngốc nghếch còn tôi nghiêng đầu với vẻ dịu dàng chưa từng thấy.

Bức ảnh này về sau trở thành hình nền điện thoại của tôi.

Chúng tôi lại chụp phong cảnh bờ biển, sau đó Hứa Tri Niên đăng lên Weibo.

1150

Mấy ngày nay Khương Sênh Sênh du lịch ở Tam Á cũng đăng không ít ảnh chụp.

Thấy Weibo mới của Hứa Tri Niên, nó nhắn tin tới làm ầm lên.

Gừng Đường Đỏ: Ca! Anh và Niên Niên ra ngoài du lịch sao không dẫn em theo!

Tôi: Chẳng phải em đến Tam Á sao?

Gừng Đường Đỏ: Nếu biết các anh cũng đi biển thì em đã không chạy tới Tam Á một mình rồi.

Tôi: Em có ở nhà cũng chẳng dẫn em theo đâu.

Gừng Đường Đỏ:???

Gừng Đường Đỏ: Em hiểu rồi! Anh muốn cùng Niên Niên trải qua thế giới hai người chứ gì!

Tôi: Em biết thì tốt.

Gừng Đường Đỏ:......

1151

Trước khi rời Hải Thành, tôi và Hứa Tri Niên cùng đi tảo mộ bà cậu ấy.

Ngôi mộ này nằm trên núi, được xây trước kia rất lâu, hiện giờ hai bên đường sắp bị cỏ bao phủ nên không dễ đi lắm. Hứa Tri Niên nói, "Ông em qua đời sớm, sau khi bà em mất mới đưa tro cốt của bà đến đây hợp táng với ông."

Chỉ có một con đường nhỏ dẫn lên núi, tuy không bị lạc nhưng đường núi lầy lội hơi khó đi.

Tôi đi theo cậu ấy, chỉ chốc lát sau đã đến nơi.

Ngôi mộ không quá cũ kỹ, có vẻ như mấy năm trước đã được sửa sang lại, nhưng quanh mộ phủ đầy cỏ dại như thể rất lâu rồi không ai đến thăm.

1152

Hứa Tri Niên nhổ cỏ xong rồi thắp nhang, tôi cũng cầm một cây.

"Ngày bà qua đời, em nhớ trời đầy mây nhưng không có mưa." Hứa Tri Niên nhìn chằm chằm tấm ảnh trên bia mộ, "Khi đó em đang nghỉ hè, trời rất nóng nhưng hôm ấy khá mát mẻ, em ăn cơm trưa rồi nói với bà rằng em phải đi làm công, sau đó ra ngoài."

Tôi hỏi cậu ấy: "Làm công?"

Hứa Tri Niên khẽ gật đầu: "Ngày nghỉ em đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí, sau này em vẫn luôn hối hận vô cùng."

Tôi hỏi: "Hối hận chuyện gì?"

Cậu ấy sụt sịt nói: "Hối hận vì không thể ở cạnh bà nhiều hơn, em biết rõ bà lớn tuổi rồi mà suốt ngày bận rộn bên ngoài, không thể ở cạnh bà trong giờ phút cuối cùng."

Tôi an ủi xoa đầu cậu ấy.

1153

Hứa Tri Niên nói tiếp: "Khi em ra cửa, bà còn đưa bình nước cho em rồi bảo hôm nay có mua sườn, dặn em về sớm một chút, buổi tối bà sẽ hầm sườn cho em ăn."

"Khi em về nhà thì bà đang nằm trên ghế trúc ngoài cửa chờ em như mọi khi, bà nhắm mắt lại, em tưởng bà ngủ thiếp đi nên không đánh thức bà."

"Đi vào bếp, trên bếp lò đúng là đang hầm sườn nhưng nước trong nồi đã cạn."

"Em cảm thấy không ổn, lập tức hoảng hốt chạy ra ngoài cửa gọi bà."

"Nhưng dù em gọi thế nào thì bà vẫn không tỉnh."

"Rốt cuộc bà không thể mở mắt ra nhìn em nữa."

1154

Tôi đưa tay ôm cậu ấy rồi cúi đầu hôn một cái lên khóe mắt ướt đẫm.

Cậu ấy vốn chỉ âm thầm rơi lệ nhưng lần này nhịn không được nữa, níu lấy áo tôi bắt đầu gào khóc.

Chờ cậu ấy khóc đủ mới rời khỏi ngực tôi, lại tỏ vẻ ngại ngùng.

Cậu ấy vẫn không thể ngưng thút thít, lí nhí nói: "Xin lỗi, hình như em không kiềm chế được cảm xúc."

Tôi vuốt ve sau gáy cậu ấy, dịu giọng nói: "Bình thường em đè nén cảm xúc quá nhiều, lần này ở trước mặt người thân nên nhất thời giải tỏa ra thôi."

Hứa Tri Niên: "...... Vâng."

1155

Tôi nói: "Hôm nay anh có tính là gặp người lớn trong nhà em không."

Hứa Tri Niên há hốc: "Dạ?"

Tôi nhìn cậu ấy: "Chắc không phải em sẽ làm như không quen biết anh đấy chứ bạn trai nhỏ?"

Hứa Tri Niên bỗng nhiên ho khan, gương mặt đỏ lên.

1156

Sau khi khóc to một trận, cảm xúc của Hứa Tri Niên không còn nặng nề nữa.

"Bà ơi." Cậu ấy nắm chặt tay tôi giới thiệu với người thân của mình, "Đây là bạn trai cháu, khụ, cháu biết bà sẽ cảm thấy không tin nổi đâu, nhưng anh ấy rất tốt, cháu rất thích anh ấy."

Trong ảnh, bà cụ hiền lành nhìn tôi chăm chú.

Tôi trầm mặc chốc lát rồi trịnh trọng hứa hẹn: "Bà yên tâm, cháu sẽ chăm sóc Niên Niên thật tốt."

Một cơn gió thổi qua lay động cỏ cây bên cạnh xào xạc.

1160

Tôi và Hứa Tri Niên ở Hải Thành ba ngày.

Khi trở về, tôi không quên đem theo quyển nhật ký của Hứa Tri Niên.

Tôi rất tò mò thời trung học cậu ấy nghĩ gì mỗi ngày.

1161

Chạy trốn ba ngày, sau khi trở về phải xử lý công việc nhiều gấp mấy lần.

Tôi tăng ca vài ngày liền, Thi Gia Chí mời mọc cũng từ chối.

Thời tiết càng ngày càng lạnh, Tết cũng càng ngày càng gần.

Chị Vương dẫn Hứa Tri Niên đi sắm đồ Tết bị nhét cho mấy tờ rơi, sau khi về nhà tiện tay đặt bên cạnh điện thoại.

1162

Tôi cầm lên định ném vào thùng rác thì bị tờ rơi trên cùng gây chú ý.

Trên đó viết: "Lễ hội âm nhạc cổ điển. Hoàng tử piano Trung Quốc Lâm Thư Kỳ sẽ diễn tấu buổi cuối cùng trong chuyến lưu diễn của mình tại cố hương."

Địa điểm chính là thành phố này.

Trên tờ rơi còn in ảnh Lâm Thư Kỳ, cậu ta ngồi trước đàn piano, chỉ lộ ra nửa bên mặt.

Nhìn sơ qua cũng khá giống góc nghiêng của Hứa Tri Niên.

1163

Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ dễ dàng phát hiện cậu ta và Hứa Tri Niên là hai người khác nhau hoàn toàn.

Tôi hờ hững vò tờ rơi lại thành một cục rồi ném vào thùng rác.

1164

Không lâu sau đó, tôi nhận được tin Thi Gia Chí gửi tới.

Nghiêm Chi Triết đã về nước rồi.