Giờ trưa, đa phần mọi người đều đã đi mua đồ, chỉ còn một số có đồ ăn sẵn là ở lại.

Hải Uyên lén lút liếc sang phòng làm việc của Hồng Khánh, người không còn, chắc anh cũng đã đi dùng bữa.

Như vậy mới tốt, không nên bỏ bữa như cô.

Hải Uyên bỏ điện thoại vào túi quần, quay trở lại gian bếp nhỏ quen thuộc.

Không rõ trùng hợp hay có sự sắp đặt nào đó, mà hiện giờ, Hồng Khánh cũng có ở đây, và anh đang loay hoay tìm thứ gì.

Hải Uyên đắn đo một lúc lâu, hít một hơi thật sâu rồi đi lại.

Khoảng cách của cả hai không thể cứ xa mãi như vậy, nó cần được thu lại một chút, vì hai chữ “đồng nghiệp”.

“Anh tìm gì thế?”

Hồng Khánh hơi ngạc nhiên, anh xoay người nhìn cô, nói: “Cà phê.”

“À, kệ ở trên, ngăn thứ hai từ trái sang.” Hải Uyên nắm chặt góc áo mình mà tim đập liên hồi, hai tai cũng muốn ù đi, cảm giác ngượng ngùng này khiến cô có chút khó thở.

Hồng Khánh khẽ gật đầu, đáp: “Cảm ơn.” Sau đó tìm nơi đựng cà phê, lấy hai túi pha vào ly của mình.

Cả quá trình, Hải Uyên đứng quay mặt vào một góc, tay mân mê sợi dây túi lọc trà hoa nhài.

Có rất nhiều thứ cô muốn hỏi anh, chỉ là sợ không có tư cách để hỏi, và cũng sợ anh sẽ phớt lờ cô.

Vốn tưởng rằng bầu không khí gượng gạo sẽ đọng mãi ở giờ phút hai người, mỗi người một góc này.

Bỗng nhiên, Hồng Khánh lên tiếng: “Uyên.”

Hải Uyên giật mình, cô cắn mạnh môi, trấn an bản thân, “Vâng?”

Giọng nói anh trầm hơn, nhưng vẫn đủ để khiến trái tim nhỏ bé này của cô rung động, giống như ngày đó, “Em vẫn sống tốt, đúng chứ?”

“Ừm, em đã quen với nhịp sống ở Ưng Châu rồi.

Tốt nghiệp đại học đúng thời hạn, có công việc ổn định, cũng có bạn bè, không còn tủi thân như trước nữa…” Chỉ là không có anh.

Hải Uyên ngừng lại, đột nhiên nghĩ, có phải mình nói quá dư thừa hay không.

Lúc sau, Hồng Khánh nhàn nhạt “ừ” một tiếng.

Hải Uyên mới dám hỏi: “Anh thì sao?”

“Vẫn tốt.”

“Vậy…mẹ anh…”

“Mẹ tôi không sao.”

Sau đó, Hải Uyên nghe thấy tiếng bước chân của anh, cảm giác hụt hẫng trong lòng ùa về.

Ngày đêm mong ngóng về anh, giờ anh ở ngay đây, cô muốn dũng cảm nói lên tiếng lòng của 4 năm trước, “Khánh.”

Hồng Khánh lập tức dừng bước chân, hơi thở anh nhẹ nhàng đến lạ, như thể sợ chính tiếng thở của mình sẽ làm ạt đi tiếng cô.

“Xin lỗi.”

“Vì chuyện gì?”

“Vì…chuyện của 4 năm trước.”

Âm thanh xung quanh rơi vào tĩnh lặng, và anh cất lời, đập tan cái tĩnh lặng đó, nhưng cũng khiến lòng cô thêm nặng.

“Không cần, tôi quên cả rồi.”

Hải Uyên như bị ai đó hút hồn, vì đôi mắt cô như mất đi tiêu cự.

Từ nãy đến giờ, tất cả những câu hỏi của cô, Hồng Khánh trả lời rất ngắn gọn, dường như chỉ trả lời cho có lệ, hoặc như bị ai đó ép phải trả lời.

Vậy thì khi nãy, cô nói thừa thật.

Một tảng mây mù đã bao trùm cô từ lúc nào.

Câu hỏi: “Em vẫn sống tốt, đúng chứ?” đang dần vây lấy cô.

Phải chăng, ý nghĩa thật sự đằng sau câu hỏi đó của anh là: Đối xử tệ với anh, phụ anh, vẫn có thể sống tốt mà chưa một lần biết rằng mình có lỗi, phải không?

Càng đào sâu vào suy nghĩ ấy, bàn tay cầm ly nước nóng hổi càng thêm run, rồi không tự chủ mà bóp mạnh vào thân ly.

Ly nhựa mỏng lập tức trở nên méo mó, nước nóng theo đó đổ tràn ra bên ngoài.

Khi sức nóng ở bàn tay vồ vập đến đại não, Hải Uyên mới sực tỉnh.

Nước trong ly có nhiệt độ gần bằng với nhiệt độ sôi của nước.

Và hiện tại, nó đang vương một mảng trên tay cô, khiến làn da trắng trẻo vì bỏng mà ửng đỏ và đau rát.

“Trời ơi! Bé Uyên, con có sao không?”

Bà Mai là một nhân viên dọn dẹp ở công ty, năm nay đã ngoài năm mươi tuổi.

Giờ trưa là giờ bà thường được phân công dọn dẹp ở tầng 5 này, vậy nên trên tay bà đang cầm một cây chổi lau sàn.

Bà ở đây từ khi nãy, nhưng vì thấy Hải Uyên và Hồng Khánh có vẻ như đang nói chuyện nên bà không tiện xen vào mà tránh sang nơi khác.

Khi thấy chàng trai rời đi, bà mới quay lại.

Nghe tiếng nước tí tách rớt xuống sàn nhà, bà đến gần, và sững người khi nhìn vào vết bỏng trên tay Hải Uyên.

“Dạ? À, con…”

“Mau lại đây.” Bà nắm cổ tay Hải Uyên, kéo cô đến bồn nước.

Điều chỉnh nhiệt độ xong, bà để nước chảy vào nơi bị bỏng, “Để đấy một lát, chừng nào hết đau thì hẵng tắt.

Nước nóng thế này thì khó mà không bị phồng rộp được.

Không biết phòng y tế có thuốc trị bỏng không nữa, để bác đi kiếm.”

Hải Uyên ái ngại gọi bà: “Bác ơi, thôi ạ.

Con không sao, để thế này một lúc là được rồi.

Bác để cây lau nhà ở đấy, con dọn cho.”

Bà Mai nhớ ra công việc của mình, cầm cây lau, lau phần sàn bị ướt.

“Để bác, việc của bác mà.

Mà hôm nay con sao đấy? Trông cứ ngây ngây ngô ngô kiểu gì.”

“Dạ…con buồn ngủ thôi chứ không có gì đâu.”

Bà Mai vừa lau sàn vừa nhẹ giọng trách móc: “Con bé này, sao lúc nào bác cũng thấy con than buồn ngủ thế nhỉ? Ở nhà không ngủ à? Đã thiếu ngủ thì chớ, suốt ngày không bỏ bữa sáng thì bữa trưa, người thì bé tí như cái kẹo, đừng nói là muốn giảm cân đấy nhá?”

Hải Uyên nghe bà Mai nói mà miệng cứ tủm tỉm cười, vì biết bà thương cô nên mới nói như thế, giống với ba mẹ của cô.

Quen biết bà Mai ở cái thành phố rộng lớn này có lẽ là một món duyên lớn.

Có bà, nỗi nhớ nhà trong cô vơi đi rất nhiều, và không còn cảm giác lạc lõng như trước.

“Bác nói cho mà biết, bác nhìn con như thế quen rồi.

Có béo lên thì tốt, chứ mà teo lại như con tôm khô là bác giận đấy.”

“Vâng ạ.” Hải Uyên ngân giọng.

Khi tắt nước, không còn chất làm mát, phần da bị bỏng nóng rát rõ rệt, may thay đã đỡ hơn lúc trước rất nhiều.

Bà Mai dựng cây lâu một góc, rồi bước đến, ngắm nghía bàn tay Hải Uyên, tặc lưỡi: “Chết chết, tay đẹp thế này mà bỏng là chết rồi.

Đi, xuống phòng y tế với bác.”

“Dạ thôi, con không sao.” Sợ vì mình mà ảnh hưởng đến công việc của bà Mai, Hải Uyên vội vàng nói: “Con còn có việc nữa, con về phòng trước.

Con xin lỗi bác nhé, con xin phép đây.”

Trở về phòng làm việc, tầm mắt nhìn về phía trước.

Nơi phòng làm việc của Hồng Khánh, anh vẫn chưa quay lại.

Hải Uyên ngồi xuống ghế, giơ bàn tay bị bỏng lên thổi.

Tay còn lại lấy remote trong hộc bàn, nhấn nút tắt đèn.

Tuy rằng đèn trong phòng cô đã tắt cả, nhưng vì xung quanh bao bằng kính mờ, chỉ có phần kính cửa ra vào và phần ngăn giữa phòng cô và phòng anh là trong suốt, nên ánh sáng bên ngoài vẫn có thể dễ dàng hắt vào bên trong.

Hải Uyên mở điện thoại, đặt chuông báo thức và mở một bài nhạc.

Cô dựa lưng vào ghế, kéo áo khoác đắp lên người, bắt đầu vào giấc trưa.

Khoảng hơn một tiếng sau, Hải Uyên bị chuông báo thức đánh thức.

Mi mắt nặng trĩu không muốn mở, định với tay tắt chuông thì bị ai đó giữ lại.

Cảm giác mát mát trên vùng da bị bỏng, và bàn tay ấm áp hơi thô ráp của ai đang nắm khiến cô giật mình.

Hải Uyên mở to mắt, kinh ngạc nhìn người trước mặt.

“Tôi không có hứng thú với mấy việc này, nhưng nể mặt bác Mai nhờ nên tôi mới làm, tuyệt đối đừng hiểu lầm.”.