Trước ngày sinh nhật 12 tuổi của tôi, vừa nghe trung tâm mua sắm gần nhà đang có đợt khuyến mãi, Hạ Giai sống chết cũng phải lôi tôi theo làm khuân vác cho bằng được.

Cũng không hẳn là làm không công, một lọ đào ngâm mật ong cũng không tệ, thịt quả mềm mại ngập trong nước mật vàng óng trong suốt.

Dì bảo đây coi như là quà sinh nhật. Bởi vì không rõ gốc gác của tôi nên chúng tôi tự quyết định lấy ngày dì nhặt tôi về làm ngày kỷ niệm hằng năm.

Nói cách khác, đây chính là ngày tôi được tái sinh.

Tôi vừa ngậm kem vừa xách túi dầu ăn và gạo, còn bàn tay với những ngón tay được sơn đỏ của dì thì xách túi rau củ nhẹ như không, tôi theo sau dì chen lên xe bus; xe bắt đầu lăn bánh, cái nóng oi nồng giữa tiết hè mang theo luồng khói bụi mù mịt đập vào cửa sổ kính trước mặt tôi.

Tôi đặt lưng dựa vào tay vịn nóng hổi, bỏ túi đồ trên tay xuống bên chân, Hạ Giai thuận tay vén tóc tôi, nói, “Cục cưng càng lớn càng đẹp mà.”

“Tàn nhang vẫn còn hạn thường trú.” Tôi nói nhỏ sửa lại, “Ở ngoài đừng gọi con là… Cục cưng, nghe kỳ lắm.”

Dì bật cười, có vẻ rất hào hứng khi tôi xấu hổ, “Ái chà, mắc cỡ hả con?”

Dứt lời vỗ vai tôi, đưa tay áng chừng, “Cao lên nữa.”

Lòng bàn tay dì thô ráp và đầy vết chai không hợp tuổi, đang độ thanh xuân lãng mạn lại phải bươn chải xóm chợ, không ngại cả việc leo lên sửa mái dột hay cò kè mặc cả với thương lái và người bán dạo, nhưng dì vẫn luôn khoe khoang về tôi trước mặt người ngoài và hất cằm ưỡn ngực như sẵn sàng đối đầu với cả thế giới; nếu có ai bàn tán chê cười chúng tôi, trong đó loáng thoáng “Không chồng đã có chửa”, dì cũng không quan tâm.

Chúng tôi xuống xe, đến một sạp trái cây, dì bóc trái vải đỏ thắm nhét miệng tôi, hỏi, “Ngọt không?”

Tôi gật đầu.

—Rất ngọt.

Buổi chiều sau ngày thi cuối kỳ, tôi mang một vài quyển sách giáo khoa và sách tham khảo không cần thiết về nhà bán ve chai, những con chữ hành hạ tôi suốt sáu năm trời vậy mà cũng chỉ được 10 đồng, dù vậy tôi vẫn rất hài lòng, tạm thời bỏ qua chuyện tiền nong, lấy tiền mua một bao hạt dẻ rang đường mà Hạ Giai thích.

Tối hôm đó tôi qua nhà Lý Khiêm Lam ăn cơm, nhà nó đối diện hàng cháo ngon có tiếng, nhất là món cháo hải sản Triều Châu đặc sản, quán vẫn rất đông người mặc cho thời tiết khắc nghiệt hay những lão già thô lỗ cũng có mặt trong quán. Chúng tôi ngồi trên lầu, cánh quạt màu xanh nhạt xoay mòng mòng, bên rìa cánh còn có vết rỉ sét cũ kĩ, bóng đèn sáng trưng, cái TV 21 inch đặt góc tường đang chiếu phim, tôi cầm muôi múc cháo, kê gần miệng thổi cho nguội bớt, nghe Lý Khiêm Lam nói, “Sau này chúng ta vẫn có thể đến trường.”

“Tốt rồi.” Tôi gắp con tôm trong bát cháo ra lột vỏ, bỏ thịt tôm luộc màu hồng nhạt vào miệng.

Dù chỉ ăn mỗi nồi cháo nhỏ nhưng người vẫn đầy mồ hôi, quần áo ướt đẫm, sau khi ăn xong chúng tôi dạo chơi chỗ quảng trường của thành phố, hai đứa cứ cắm đầu chạy gần đài phun nước làm nước bắn tung tóe vào người 2 đứa trẻ nghịch ngợm, khắp quảng trường vang vọng tiếng cười đùa vui vẻ.

Giữa quảng trường, trong những âm thanh rộn rã, tôi hét với nó, Thật tốt quá, Khiêm Lam.

Nó hứng mặt vào dòng nước đổ như thác, để những lọn tóc màu đen quấn rít lấy nhau, đáp, Ừ.

Mùa hè sắp tới, tôi muốn tìm một công việc bán thời gian.

Trong thời gian chờ kết quả thi, tôi đã chạy đôn chạy đáo năm sáu con phố lân cận, cuối cùng có được công việc giao hàng cho một nhà hàng, dù có hơi xa nhưng tôi chỉ làm việc vào khoảng từ trưa đến chiều tối nên cũng không nhọc nhằn mấy.

Quan trọng là gần đó có một quán bar.

Lúc đầu Hạ Giai không tán thành, nhưng sau này cũng chịu thua với tôi, đành chỉ dặn dò tôi đừng về trễ.

Tôi cũng dặn lại dì, đừng để bị lợi dụng bởi mấy người giả mua thuốc.

Dì cười mắng, Thằng nhóc thúi.

Khí trời tháng Bảy vừa khô vừa nóng, mặt đất như bị tia nắng chọc thủng hòng rút cạn đi lượng hơi nước ít ỏi, tôi lái chiếc xe đạp của quán, hòa mình vào dòng người hối hả của ngã tư đường dưới ánh mặt trời 12 giờ trưa như thiêu đốt da thịt.

Thỉnh thoảng tôi được bà chủ quán bao ăn trưa, hoặc có khi dúi cho tôi hộp cơm thịnh soạn mang về, khiến tôi chợt nhớ lại những ngày tháng nhặt rác nơi hẻm nhỏ kia, vì thế tôi sẽ lễ phép và có một chút khách sáo từ chối bà.

Có lần tôi đi giao hàng đến quán net cách đây 500 mét, hên xui thế nào mà gặp được mấy tên cùng lớp. Đây hình như là một nơi kinh doanh ngầm phi pháp thì phải, tôi xách mấy bọc nylon đi vào, dưới ánh đèn lờ mờ dày đặt khói, tôi sặc không chớp mắt nổi, chỉ có thể thao láo nhìn dàn máy sáng rực.

Tôi lơ đãng nhìn quanh cái cảnh tưởng chừng như giống nhau mà chỉ hao hao* một chốc, chợt có người gọi, tôi men theo tiếng nói tìm chủ nhân nhưng đến hành lang lại bị một cánh tay chặn ngang.

* Đại đồng tiểu dị: Giống nhau ở cái lớn mà cái nhỏ khác nhau, ý nói chỉ khác nhau về chi tiết.

Người đó nói, Hạ Tức?

Không lớn nhưng vừa đủ nghe, khiến vài người hiếu kỳ nhìn qua đây, tôi không phản ứng, người đứng gần tôi nhất nói, À, Hi.

Cậu làm gì ở đây?

Làm việc.

Ồ, làm việc à. Có người sau lưng hắn cười châm chọc, là kiểu cười không kiêng nể, cười nhạo ra mặt, tôi không cần nhìn cũng tưởng tượng được bả vai run rẩy và khóe miệng hàm súc.

Tôi không nói gì, lách người chen vào giữa họ đi qua, nhận tiền từ người mua, bước ra khỏi cánh cửa sáng lòa.

Tiếng ve kêu, tiếng còi ô tô inh ỏi cùng với tiếng người vừa đi đường vừa nghe điện thoại ập vào màng nhĩ, tôi dừng xe đạp chỗ đèn giao thông, dưới ánh mặt trời gay gắt phải nheo mắt mới thấy được lằn ngăn, mồ hôi trượt theo khuôn cằm, tôi chớp mắt liên tục dù nó rất nhức.

Không chịu nổi lại chớp liên hồi.

___