Sở Hoan do dự một chút, cuối cùng đến mua một hộp son, không phải kém nhất cũng không phải tốt nhất. Hắn biết nữ nhân vốn thích chưng diện, Tố Nương tuy rằng xuất thân thôn dã nhưng cũng không có nghĩa là không thích, nghĩ cô mấy năm nay chịu khổ, mua một hộp son đem tặng cũng có thể khiến cô vui được một lúc.
Ra khỏi cửa hiệu son, trên đường nhìn thấy một người bán gà đang đi rong, nghĩ đến trong nhà tuy rằng cũng có thịt cá, nhưng đều là đã ướp chế, không phải thức ăn tươi sống, lập tức mua một con gà mái, sợ rằng mang gà sống về nhà, Tố Nương sẽ không cho giết mà sẽ đem nuôi, nên lại nhờ người bán hàng rong cắt yết hầu của con gà, lúc này mới mang con gà mái về nhà.
Hắn về đến nhà, liền cột con ngựa vào gốc cây đại hòe, vào nhà chào hỏi mẫu thân một chút, cũng không đem việc mình làm Nha tướng Cấm Vệ quân nói lại cho mẹ.
Lúc này trời đã hoàng hôn, Tố Nương đang ở trong bếp bận bịu cơm nước, Sở Hoan mang theo con gà mái tới phía sau phòng bếp, so với nhà bếp trước kia ở thôn Lưu gia, nhà bếp mới dĩ nhiên tốt hơn rất nhiều. Trong phòng cũng đã chuẩn bị rất nhiều củi gỗ, Sở Hoan đi vào bếp, thấy Tố Nương đang nấu cơm, không mặc áo bông mới, mà vẫn mặc cái áo bông màu xanh, đeo tạp dề, đang cắm cúi nhóm lửa.
Thân hình cô cong lên, mông theo đó càng cao vểnh, bị xiêm y bó chặt, lộ lên những đường cong đầy đặn, chật cứng. Tố Nương nghe thấy tiếng bước chân, quay đầu lại, thấy Sở Hoan, vẻ mặt có chút cổ quái, nhưng vẫn nói:
- Đệ về rồi?
Cô vẫn nói bằng chất giọng ôn hòa, nhưng hôm nay dường như dịu dàng hơn rất nhiều.
Sở Hoan cười nói:
- Trời còn chưa tối, sao nấu cơm sớm vậy?
- Trời lạnh quá, hôm nay lại có tuyết, nương tuổi đã lớn ăn sớm ngủ sớm sẽ tốt hơn.
Tố Nương giải thích, thấy Sở Hoan tay cầm theo con gà, ngạc nhiên nói:
- Là đệ mua à?
Sở Hoan gật đầu:
- Đúng!
- Trong nhà có rất nhiều đồ ăn, vì sao còn muốn phung phí tiền bạc?
Tố Nương cằn nhằn.
Cô đã sống quá nghèo khổ, nên rất tiết kiệm chi ly, vừa mới đến phủ thành, cuộc sống có khá hơn, nhưng đã khá vừa lòng. Trong nhà tuy rằng chỉ có ít cá thịt Tô bá cho người mang đến, nhưng đối với Tố Nương mà nói là đã quá xa xỉ rồi. Sở Hoan tốn tiền mua gà, điều này làm Tố Nương cảm thấy Sở Hoan vung tay quá trán.
Sở Hoan cười:
- Không đáng bao tiền, ăn nhiều dưa muối da sẽ thành màu vàng đấy!
Hắn xoay người đi ra ngoài, vừa đi vừa nói:
- Ta đi làm thịt con gà.
Đợi Sở Hoan đi ra ngoài, Tố Nương nửa ngờ nửa vực lẩm bẩm:
- Ăn dưa muối da sẽ vàng”.
Cô bất giác đưa tay lên sờ mặt mình, rồi nhìn xuống cánh tay, bĩu môi:
- Nói hươu nói vượn.
Tuy nhiên trong lòng cũng thắc mắc không biết Sở Hoan nói thực hay nói giõn.
Đột nhiên nghĩ đến cái gì, mặt nóng lên, lấm lét nhìn ra ngoài, không thấy ai mới lấy ra phù nhân duyên từ trong lòng ra. Lá bùa phù nhân duyên này khiến cô cả ngày hôm nay không ngừng bất an.
Sáng sớm hôm nay, cô đã vội vàng nhìn xem bùa nhân duyên xem có xuất hiện mấy chữ “Thiên tươmg” như lời đạo sĩ nói hay không, kết quả là đúng như lão đạo sĩ kia nói, hai mặt lá bùa đều hiện lên “Thiên tương”.
Một mặt là tranh vẽ, một mặt là chữ viết.
Tố Nương không biết chữ, cho nên cô không biết hàng chữ nhỏ trên phù nhân duyên kia, nhưng bức họa kia thì biết rõ, đó là một chữ "hỷ", ở nông thôn lo liệu việc vui cũng biết dán chữ hỷ, đây là bức họa nhân duyên, Tố Nương tự nhiên nhận biết.
“Thiên tương” xuất hiện, Tố Nương cả ngày hết hồn, nếu nói phía trước còn vài phần hoài nghi Lã đạo trưởng làm ra vẻ huyền bí, nhưng sau khi trên lá bùa nhân duyên xuất hiện “Thiên tương”, thì cô đã hoàn toàn tin tưởng lời của Lã đạo trưởng.
Vừa nghĩ đến kiếp trước mình và Sở Hoan là vợ chồng, Tố Nương đã cảm thấy tim đập dồn, không thể tưởng được, rồi tâm thần lại không yên, cô thật sự không biết nên vui mừng hay nên lo lắng nữa.
Tố Nương là nữ tử truyền thống, Sở gia và Diệp gia đã có giao hảo từ khi cô còn bé, cho nên thường xuyên đi lại. Khi Tố Nương còn nhỏ vẫn đi theo phụ thân đến Sở gia, cũng thường chơi đùa với Sở Hoan, có thể xem là một đôi thanh mai trúc mã. Chỉ có điều sau đó kết thân, Tố Nương lớn hơn Sở Hoan một tuổi, nên đã được đính ước với huynh trưởng Sở Hoan.
Hôn nhân đại sự, cha mẹ làm chủ, Tố Nương tất nhiên cũng không thể phản đối, con gái đã xuất gia, Sở Nguyên lại bệnh nặng, cơ bản không thể động phòng, nhưng Tố Nương vẫn một lòng chăm sóc Sở Nguyên. Hai người tuy là phu thê, nhưng trên thực tế căn bản không có tình cảm gì với nhau.
Tố Nương là nữ tử chất phác, nếu nói tình cảm, thì cô thích Sở Hoan hơn nhưng được gả cho Sở Nguyên, tất nhiên phải giữ khuôn phép là thê tử của Sở Nguyên.
Sau khi Sở Nguyên qua đời, Tố Nương lại hết lòng chăm sóc Sở Lý thị, đối với cô mà nói, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời khỏi Sở gia. Cho dù là Sở Hoan đột nhiên trở về, cô cũng chỉ xem Sở Hoan là chú em, căn bản không suy xét sau khi Sở Lý thị ly thế, Sở Hoan cưới vợ, mình nên làm gì lúc ấy?
Nhưng lúc này đột nhiên gặp Lã đạo trưởng, lại nghe mấy lời “kiếp trước chồng vợ kiếp này nhân duyên”, khiến Tố Nương vốn lòng bình tĩnh như nước bây giờ cuộn sóng.
Cô không biết ứng phó thế nào với cục diện đó, càng không biết kế tiếp nên làm thế nào, trong đầu một mảnh mờ mịt.
- Tố Nương tỷ, có thích ăn đầu gà không?
Tố Nương lòng đang ngổn ngang, chợt nghe Sở Hoan lên tiếng, chợt luống cuống chân tay, vội vàng cầm bùa nhân duyên đứng lên, bối rối nói:
- Tùy… tùy đệ!
Sở Hoan ồ lên một tiếng, cũng không hỏi nhiều.
Sở Hoan trước tiên đem con gà ngâm vào nước ấm, sau đó nhổ lông, nhìn con gà mái, chợt nhớ lúc trước Vệ Thiên Thanh có nói đến chuyện Bào Đinh Giải Ngưu (đầu bếp mổ trâu), sau khi xuất đao, da róc hết da thịt, còn lại chỉ một khung xương.
Hắn hơi trầm ngâm, lấy dao găm ra, nhìn con gà mái hồi lâu, cuối cùng thì thào tự nói:
- Thời cổ có đầu bếp mổ trâu, hôm nay Sở Hoan ta sẽ mổ kê.
Hắn vung dao lên, bắt đầu từ bụng con gà mái, dù sao cũng có đao công nên rất nhanh, dao găm liền đụng phải xương.
Hắn cũng không chậm trễ, lúc này trong mắt chỉ có con gà mái, dao hết rạch ngang lại sang phải, dao trước đến dao sau, trong phút chốc con gà mái trở thành đống thịt vụn.
Sở Hoan đang say sưa mổ gà, bỗng nhiên nghe bên cạnh vang lên một tiếng hét kinh hãi:
- Nhị lang, đệ đang làm gì vậy?
Sở Hoan khôi phục tinh thần, quay đầu nhìn, thấy Tố Nương đang đứng ở một bên, che miệng lại, vẻ mặt kinh ngạc, Sở Hoan lại nhìn tay mình, nhìn con gà mái đã biến dạng.
Sở Hoan vô cùng xấu hổ.
- Đệ và con gà mái này có oán thù gì sao?
Tố Nương sầu não hỏi:
- Sao đệ phải bầm thây vạn đoạn vậy?
Cũng không hiểu vì sao Tố Nương biết từ “bầm thây vạn đoạn”. Cô thấy tốn một đống bạc mua con gà mái về, cuối cùng lại biến thành mớ thịt vụn, nên tức giận lắm.
Sở Hoan cất dao, gãi đầu, xấu hổ cười nói:
- Tố Nương tỷ, ta… ta đi mua con khác…
Buổi cơm chiều, mớ thịt gà vụn vẫn được bưng lên bàn, cũng phải tán thưởng bản lĩnh Tố Nương, một con gà không còn hình dạng gì nhưng cô vẫn nấu thành một món ăn.
Sở Lý thị nhìn chén thịt gà vụn từng mảnh, buồn bực hỏi:
- Kia là thịt gà mái?
Lúc Sở Hoan quay về, Sở Lý thị đã nhìn thấy trong tay hắn có con gà mái, tuy rằng lúc này trong chén, thịt gà không còn rõ hình dạng, nhưng Sở Lý thị vẫn phân biệt món ăn đó là nấu từ thịt con gà mái.
Tố Nương lúc này cũng quên cả chuyện “kiếp trước vợ chồng kiếp này nhân duyên”, thở dài trợn mắt nhìn Sở Hoan, con gà mái béo tốt đã bị Sở Hoan biến thành dạng này, Tố Nương tức giận vẫn còn chưa hết.
Sở Hoan cười nói:
- Mẹ, mẹ đã có tuổi, thịt gà xé nhỏ, dễ tiêu hóa hơn.
Hắn lúc này cũng không quản lão nhân gia có hiểu hay không hai chữ “tiêu hóa”.
Tố Nương lại trợn mắt nhìn Sở Hoan, cả giận:
- Nương, nương xem Nhị lang hiếu thuận chưa kìa.
Cô cầm lấy đũa, gắp một miếng thịt gà lớn nhất, nhìn về phía Sở Hoan, hỏi:
- Miếng thịt này lớn nhất, có phải là dành cho đệ không?
Sở Hoan mổ gà phần lớn thành các mẩu nhỏ, chỉ có miếng thịt này là khá lớn.
Sở Lý thị cười hề hề, lúc này mới quay qua Sở Hoan nói:
- Nhị lang, hai ngày này ngươi vẫn không đến gặp đông gia, đông gia cho ngươi nghỉ hai ngày, ngươi vẫn cứ nên đến xem xét tình hình. Người ta đối với mình ân tình như thế, ngươi phải luôn lo lắng việc nhà bọn họ.
Sở Hoan gật đầu:
- Mẹ, con biết, ngày mai Nhị lang sẽ đi xem.
Tố Nương buông bát, nói:
- Nương, con cũng muốn tìm việc làm hỗ trợ Nhị lang, không thể ở nhà ăn không ngồi rồi. Tòa nhà này còn nợ một khoản lớn, tuy nói Nhị lang có thể dùng tiền công để trả, nhưng một người làm thì rất vất vả. Nếu có thể, con cũng muốn giúp Nhị lang trả hết khoản nợ này.
Sở Lý thị chưa kịp trả lời, Sở Hoan đã buông bát:
- Không cần!
Hắn nhìn Tố Nương, nghiêm mặt nói:
- Tố Nương tỷ, tỷ lo việc trong nhà, vất vả thế mà còn bảo ăn không ngồi rồi. Trước kia tỷ chăm sóc nương, chịu bao khó khăn thiếu thốn, hiện giờ ta đã về, tuyệt không để người nhà phải chịu khổ. Tỷ ỏ nhà chăm sóc cho nương, toàn bộ chuyện này giao tho ta.
Kỳ thật trong lòng hắn vô cùng cảm kích Tố Nương. Tuy rằng Tố Nương có đôi khi châm chọc khiêu khích hắn, nhưng tấm lòng quả phụ này thực rất tốt, biết lo toan, còn muốn giúp mình trả nợ tiền nhà.
Tuy nói việc chính của nữ nhân là giúp chồng dạy con, việc bên ngoài mặc kệ, nhưng cũng không hẳn ai cũng thế. Nhà nghèo, nam đinh cố nhiên phải làm, mà nữ nhân cũng phải đỡ đần gánh nặng đó. Tố Nương xuất thân nghèo khổ, nên cũng có thói quen phải san sẻ việc trong nhà với nam đinh.
Tố Nương nghe vậy, chỉ im lặng, không nói gì thêm.
Ăn xong bữa chiều, Tố Nương trước hết hầu hạ Sở Lý thị đi ngủ, rồi đến đường trung. Sở Hoan đã đi lại, đưa cho Tố Nương thỏi son, Tố Nương ngạc nhiên hỏi:
- Đây là cái gì?
- Son!
Sở Hoan mỉm cười:
- Buổi chiều đi qua cửa hiệu bán son, đi vào nhìn một chút, thấy cũng không tồi, cho nên mua cho tỷ một hộp, cũng không biết tỷ có thích hay không?
Nữ nhân ai chẳng thích chưng diện, nhất là đối với những thứ đồ khiến họ đẹp hơn như son phấn, Tố Nương cũng không phải chưa từng nghe qua, lúc cô xuất giá cũng đã dùng qua son, chẳng qua khi đó đi mượn người khác. Chính cô cũng chưa bao giờ có một thỏi son cho riêng mình. Nghe Sở Hoan nói đây là son, lập tức mở cờ trong bụng, mắt thì sáng lên nhưng ngoài miệng vẫn nói:
- Lại tiêu tốn bạc cho mấy việc linh tinh.
Sở Hoan lại đưa ra một gói bạc, hạ giong nói:
- Nơi này có 30 lạng bạc, tỷ giữ lấy, trong nhà nếu thiếu gì, tỷ cứ tiêu, hết thì lại bảo ta.
Tố Nương một lần nữa lại lấy tay che miệng, vẻ mặt kinh ngạc, lập tức hoảng sợ, sẵng giọng hỏi:
- Sở Nhị lang, đệ… có phải đệ… làm việc xằng bậy gì không?