Bao Bọc Vàng tuy không phải thư gia tài giỏi gì nhưng một chút kiến thức, khả năng cảm thụ thư pháp thì hắn vẫn có. Đánh giá của hắn đối với chữ "Phúc" kia tuyệt chẳng hề khoa trương. Nếu có điều gì nghi hoặc thì đó chính là về người đã hạ bút.

Trần Tĩnh Kỳ, hắn năm nay chỉ mới có mười bảy tuổi. Một thiếu niên mười bảy tuổi lại đạt đến trình độ thư pháp, hội hoạ bậc này, thật... rất khó tin.

Nhưng đây lại là sự thật ở ngay trước mắt, Bao Bọc Vàng không thể không tin.

Lý Long Tích thì còn chưa biết rõ nguồn cơn, hai mắt vẫn đang nhìn chằm bức hoạ cầm trên tay. Hắn kích động không chỉ bởi đã có lễ vật bất phàm dâng lên cho phụ hoàng mình mà còn vui mừng vì phát hiện ra một vị thư gia, hoạ gia đại tài. Căn cứ chữ "Phúc" trước mặt, hắn dám khẳng định kẻ viết ra phải là một bậc đại trí kiến thức sâu rộng, cực kì am hiểu văn chương hội hoạ, vô cùng minh mẫn. Nét bút này, cho dù là Hứa Bỉ cũng khó có khả năng so bì.

Ai? Rốt cuộc là vị cao nhân nào hạ bút? Giấy còn mới, mực ráo chưa lâu, rõ ràng chỉ mới được viết xong gần đây.

Lý Long Tích hắn nhất định phải mời người này về, đêm Nguyên Tiêu mang đến tham dự cuộc thi...

- Tĩnh Kỳ!

Lý Long Tích xoay lại nhìn Trần Tĩnh Kỳ vẫn đang đứng đợi, hỏi:

- Ngươi nói cho ta biết, bút tích này là của vị cao nhân nào?

Cao nhân?

Trần Tĩnh Kỳ có chút buồn cười trong bụng, tuy vậy ở ngoài mặt vẫn tỏ ra cung kính:

- Điện hạ quá lời, hai tiếng "cao nhân", Tĩnh Kỳ thật sự không dám nhận.

Lý Long Tích đớ ra, nhất thời chẳng nói được câu nào. Đáp án nhận được khiến hắn rất bất ngờ, cảm giác không thật.

Tứ Linh Hoá Phúc Đồ mà hắn đang cầm trên tay là do Trần Tĩnh Kỳ hạ bút? Thế nhưng... bút tích này rõ ràng khác xa. Chả lẽ nào...

- Trần Tĩnh Kỳ, ngươi nhắc lại một lần nữa. Tứ Linh Hoá Phúc Đồ này, đúng là tác phẩm của ngươi?

- Hồi điện hạ, đây thực sự là bút tích của Tĩnh Kỳ, vừa mới hoàn thành sáng nay.

Lý Long Tích trở nên im lặng. Hắn quan sát người trước mặt một lúc, rồi bảo:

- Ngươi theo ta vào đây.

Lời vừa dứt Lý Long Tích liền xoay người bước đi.

Phía sau, Trần Tĩnh Kỳ cũng nhanh chóng chuyển mình bước theo.

Trong đại sảnh hiện chỉ còn lại một mình Bao Bọc Vàng. Hắn ôm chiếc hộp, kiên nhẫn đứng chờ.

Uớc chừng khoảng nửa canh giờ sau thì Trần Tĩnh Kỳ mới quay bước trở ra. Bao Bọc Vàng để ý xem, thấy sắc diện của hắn vẫn giống như thường, buồn vui chẳng lộ, trong lòng lại càng khó đoán.

Lúc đi ra khỏi Vũ vương phủ, Bao Bọc Vàng không nhịn được nữa, lên tiếng hỏi:

- Công tử, Vũ vương không có làm khó ngài chứ?

Lúc này thì Trần Tĩnh Kỳ mới nở một nụ cười bí hiểm, đáp:

- Lý Long Tích chỉ hỏi ta một câu, ta cũng chỉ trả lời hắn một câu.

Bao Bọc Vàng càng thêm nghi hoặc. Hắn rõ ràng thấy Trần Tĩnh Kỳ đã ở bên trong rất lâu, chí ít cũng phải nửa canh giờ, đôi bên làm sao lại chỉ nói có mỗi một câu được?

- Công tử, ngài...

- Lão Bao, ta không có gạt ngươi. Lý Long Tích và ta, mỗi người quả thực chỉ nói có một câu.

- Công tử, là câu gì?

- Lý Long Tích hỏi ta "Tại sao?", ta đáp: "Bởi vì bây giờ ngài không phải Thái tử."

Chỉ có như vậy?

Bao Bọc Vàng chẳng thể tin được. Hắn dám cá sự tình không có đơn giản như vậy. Lời của Trần Tĩnh Kỳ, ắt hẳn chứa đựng huyền cơ.

Trần Tĩnh Kỳ không giải thích gì thêm, cứ thế một đường đi thẳng về phủ. Đêm đó, hắn ngủ rất ngon.

...

...

Hoàng cung toạ lạc ở trung tâm của Hạng đô, có hình chữ nhật, chiều bắc - nam dài hai ngàn tám trăm tám mươi ba thước và đông - tây dài hai ngàn hai trăm năm mươi chín thước. Nó gồm chín trăm sáu mươi kiến trúc nhà ở với bảy ngàn tám trăm tám mươi sáu phòng, được bao bọc bởi tường cao hai mươi ba thước và dày mười tám thước, với hào sâu một trăm năm mươi bốn thước, bốn góc là bốn tòa tháp với kiểu mái phức tạp. Mỗi mặt tường có một cổng là: Ngọ môn, Thần Vũ môn, Đông Hoa môn và Tây Hoa môn.

Hoàng cung được chia làm hai phần: Tiền triều và Hậu cung. Tiền triều nằm ở phía Nam dành cho các lễ nghi; còn Hậu cung thì nằm phía Bắc, là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, cũng là nơi Hoàng đế và các quan lại họp bàn việc triều chính hàng ngày.

Đi vào từ Ngọ môn, sẽ thấy một con sông được bắc qua bởi năm cây cầu, dẫn đến Thái Hòa môn, đằng sau là một quảng trường lớn. Phía cuối quảng trường là bậc thang làm bằng đá cẩm thạch trắng, dẫn vào Tam Đại điện là Thái Hòa điện, Hoa Cái điện và Cẩn Thân điện. Thái Hòa điện là điện lớn nhất, cao chín mươi thước với quảng trường xung quanh, là nơi diễn ra các nghi thức và lễ tế quan trọng. Hoa Cái điện nhỏ hơn, là nơi Hoàng đế chuẩn bị và nghỉ ngơi trong các buổi lễ. Phía sau là Cẩn Thân điện để tập dượt chuẩn bị cho các nghi lễ, và cũng là nơi tổ chức vòng thi cuối cùng của kỳ thi khoa cử. Cả ba điện đều có ngai vàng, và cái lớn nhất được đặt ở Thái Hòa điện.

Đêm nay, buổi lễ đón Tết Nguyên Tiêu chính là được Hạng đế tổ chức ở Thái Hoà Điện.

Phải nói diện tích của điện này rất lớn, mặc dù những người tới dự có đến cả ngàn, song không gian bên trong vẫn còn khá nhiều khoảng trống.

Đại điện sớm đã được bố trí bàn ghế, trên bàn đã dọn sẵn một ít thức ăn cùng rượu. Những dãy bàn phía trước là chỗ của vương tôn và các vị đại thần, những bàn phía sau thì dành cho vương khanh gia quyến cùng các gia tướng.

Vị trí càng gần với bàn của Hạng đế, Hoàng hậu và Hoàng quý phi ở giữa đại sảnh thì địa vị càng cao. Vũ vương Lý Long Tích và Cửu vương Lý Long Thành mỗi người nghiễm nhiên chiếm giữ hai bên tả hữu, cự li ngắn nhất, chứng tỏ bọn họ là hai cá nhân rất được coi trọng.

Trần Tĩnh Kỳ hôm nay cũng có mặt, nhưng không được ngồi, chỉ có thể đứng ở phía sau lưng của Lý Long Tích. Ở bên cạnh hắn lúc này còn có thêm năm sáu vị môn khách khác trong phủ Vũ vương, tất cả so với hắn đều lớn tuổi, già dặn hơn.

Trong đại điện tiếng nhạc bắt đầu vang lên, mọi người biết là buổi tiệc đã chuẩn bị bắt đầu bèn nhanh chóng tiến vào chỗ ngồi, chú ý đem thanh âm hạ thấp, chẳng ai dám lớn tiếng làm ồn.

Chẳng phải đợi lâu, từ phía ngoài cửa chính của Thái Hoà điện, trong sự chú mục của hàng ngàn ánh mắt, Hạng đế Lý Uyên cùng các phi tần đi vào.

Hạng đế đứng ở giữa, hai bên trái phải là Hoàng hậu Triệu Cơ và Hoàng quý phi Triệu Phi Yến, phía sau còn có hơn mười vị Quý phi, sau nữa là mấy mươi tên thị vệ tinh anh, tay nắm sẵn chuôi đao, tùy thời hộ giá.

Trần Tĩnh Kỳ lặng lẽ dõi mắt nhìn theo đoàn người đang chậm rãi bước đi. Đây là lần đầu tiên hắn tận mắt nhìn thấy những vị chủ nhân chân chính của Hạng quốc này. Hạng đế Lý Uyên năm nay đã ở tuổi ngũ tuần, song trông hắn không già lắm, trái lại vóc dáng còn khá tráng kiện, phong thái dung dung, thần tình minh mẫn.

"Quả nhiên là tràn ngập khí chất vương giả nhân từ." Trần Tĩnh Kỳ thầm nhận xét.

Hắn lại dời mắt ngó sang Hoàng hậu Triệu Cơ.

"Vô cùng diễm lệ", đấy là ấn tượng đầu tiên khi Trần Tĩnh Kỳ nhìn thấy chân diện mục của Hoàng hậu Triệu Cơ. Nét đẹp của nàng, nó không giống với bất cứ nữ nhân nào mà Trần Tĩnh Kỳ hắn đã từng gặp. Chân mày, hàng mi, khoé mắt, cánh mũi, làn môi... mỗi một bộ phận đều vô cùng sắc sảo, giống như là được điêu khắc ra vậy.

Dung nhan của Triệu Cơ, đó không phải một bông hoa mềm mại, một vầng nguyệt dịu êm mà là một thanh trủy thủ ẩn dưới lớp vỏ được sơn son nạm ngọc!

Một điểm nữa khiến cho Trần Tĩnh Kỳ ấn tượng chính là vị trí môi trên bên trái của Triệu Cơ. Ở đó có một nốt ruồi, kích cỡ tuy rằng rất nhỏ nhưng lại dễ dàng nhìn thấy được. Nó không phải khuyết điểm, hoàn toàn trái lại, chính nốt ruồi ấy đã làm cho khuôn mặt Triệu Cơ càng thêm duyên dáng, sắc sảo. Năm nay, tuy Triệu Cơ đã ngấp nghé cái tuổi bốn mươi, chẳng phải trẻ trung gì nữa, song dung nhan, tướng mạo của nàng, e nữ nhân đôi mươi cũng khó lòng mà so bì được. Trên khuôn mặt nàng chưa có lấy một nếp nhăn hay một chút tì vết nào, loại phong vận nữ nhân thành thục này, mấy cô thiếu nữ có đuổi tám con đường cũng chả thể theo kịp được.

Mà, đâu chỉ có mỗi diễm lệ, nhan sắc khuynh thành, từ người Hoàng hậu Triệu Cơ, Trần Tĩnh Kỳ còn cảm nhận được một cỗ khí chất cao quý đoan trang toát ra. Cũng giống như Hạng đế Lý Uyên, mỗi một cử chỉ, mỗi một ánh nhìn của nàng đều hết sức ung dung, đĩnh đạc, hoàn toàn xứng đáng với địa vị Mẫu nghi thiên hạ.