Trần Tĩnh Kỳ cùng Thục Phi ngồi xuống bàn. Thục Phi thoáng lau qua nước mắt, chỉnh trang lại y phục một chút rồi mới nhẹ nhàng rót rượu, một ly cho Trần Tĩnh Kỳ còn một ly thì cho chính bản thân mình.

- Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm (Người nghèo ở nơi chợ đông người cũng không ai hỏi đến, kẻ giàu có dù nơi rừng núi xa xôi cũng có khách viếng thăm).

Thục Phi nói:

- Từ lúc ta chuyển từ Thục Đức Cung đến Thanh Nguyệt Cung này, một năm qua cũng chỉ có Tĩnh Kỳ là ghé sang thăm hỏi, thực tâm chiếu cố. Ân tình của Tĩnh Kỳ Kim Vận cả đời không quên.

- Nương nương nói chi câu ân nghĩa. Tĩnh Kỳ cũng bất quá tiện đường ghé thăm, sửa chút đồ đạc, một ít vật dụng, nào đáng gọi là "chiếu cố".

Thục Phi nhẹ lắc đầu.

- Với Kim Vận, Tĩnh Kỳ tốt hơn bất cứ nam nhân trên đời... Nào, uống với ta.

Hai người cụng ly, uống cạn một hơi.

- Thêm một ly nữa.

Thục Phi lại đích thân rót, rồi lại cùng Trần Tĩnh Kỳ cụng ly. Cứ thế, thức ăn trên bàn không ai động mà hai vò rượu thì chả mấy chốc đã cạn hết một vò.

Có chút men say, tâm tình của Thục Phi cũng nhanh chóng bình phục. Chuyện ban nãy bị Thiên Đức hoàng đế lạnh lùng vứt bỏ, giờ phút này nàng dường đã quên.

- Tĩnh Kỳ, ngươi có muốn nghe ta đàn một khúc không?

- Tĩnh Kỳ rất vinh hạnh được nghe.

Thục Phi chuyển mình đứng lên, đi vào trong lấy ra cây đàn tì bà mà mình đã từng rất yêu thích. Cây đàn này cũng là món quà Thiên Đức hoàng đế đã ban tặng cho nàng vào đêm Tết Nguyên Tiêu năm ngoái.

Kéo ghế ngồi cách ra một đoạn, Thục Phi nâng ngọc thủ bắt đầu gảy đàn, vừa đàn vừa ngâm.

"Trải vách quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,

Oán chi những khách tiêu phòng,

Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Duyên đã may cớ sao lại rủi,

Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang,

Vì đâu nên nỗi dở dang,

Nghĩ mình, mình lại thêm thương nổi mình.

...

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,

Quán thu phong đứng rũ tà huy.

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì!

...

Đệm hồng thúy thơm tho mùi xạ,

Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh,

Mây mưa mấy giọt chung tình,

Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

Tiếng thánh thót cung đàn thúy địch,

Giọng nỉ non ngón địch đan trì.

Càng đàn càng địch càng mê,

Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.

...

Má hồng không thuốc mà say,

Nước kia muốn đổ thành này muốn long.

...

Vốn đã biết cái thân câu chõ,

Cá no mồi cũng khó nhử lên.

Ngán thay cái én ba nghìn,

Một cây cù mộc biết chen cành nào!

Song đã cậy má đào chon chót,

Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người.

Nào hay con tạo trêu ngươi,

Hang sâu chút hé mặt trời lại râm.

...

Đêm năm canh lần nương vách quế,

Cái buồn này ai dễ giết nhau.

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,

Xe thế này có dở dang không?

Đang tay muốn dứt tơ hồng,

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!

...

Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,

Để thân này nước chảy hoa trôi.

...

Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng,

Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa!

Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng,

Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn.

Tình buồn cảnh lại vô duyên,

Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này.

...

Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,

Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn.

Muốn đem ca tiếu giải phiền,

Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.

...

Chống tay ngồi ngẫm sự đời,

Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!

...

Đêm phong vũ lạnh lùng có một,

Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh.

Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh,

Vách sương hót gió đèn xanh lờ mờ.

Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn,

Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao.

Buồn này mới gọi buồn sao?

Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình.

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,

Những hương sầu phấn tủi bao xong.

Phòng khi động đến cửu trùng,

Giữ sao cho được má hồng như xưa.

..."

(Trích từ "Cung Oán Ngâm Khúc" - một tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Gia Thiều).

...

Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, giọng ca như ai như oán, như khóc như than, thực khiến Trần Tĩnh Kỳ bùi ngùi trong dạ.

Điệu khúc này, lời ngâm này, sao mà hợp với hoàn cảnh của Thục Phi quá đỗi. Nó như tiếng thét oán hờn tố cáo và phản kháng cái chế độ xã hội này đã đối xử phũ phàng tàn ác với phẩm giá và những tình cảm trong sáng, cao quý của người phụ nữ.

Mà ngẫm cũng đâu có sai. Sống tại hoàng cung, phi tần, cung nữ, bọn họ quả thật chính là nạn nhân bi thảm của những đặc quyền ích kỷ và vô nhân đạo, bị vua chúa biến thành đồ chơi để thoả mãn thú tính hoang dâm của mình, rồi bị ném đi không thương tiếc vào quên lãng...