Dịch: Nguyễn Hạ Lan

***

Chu Nhất nhìn cô một thoáng, có lẽ chỉ vài giây, nhưng Phương Trình Vũ lại cảm giác ánh mắt của anh cứ dán trên khuôn mặt cô, man mát như keo dính. Điều duy nhất cô có thể nghĩ tới chính là nói với Chu Nhất phải đi nấu cơm cho anh. Anh bảo không đói. Kế tiếp hai người liền hãm sâu trong sự im lặng đáng ngờ: Chu Nhất không đọc sách mà dựa lưng lên chiếc ghế mềm mại. Phương Trình Vũ đứng cạnh anh, không nói gì, ánh mắt cô cứ chăm chú nhìn vào cần cổ hệt bạch ngọc dưới áo gió màu đen.

Một lát sau, Chu Nhất lên tiếng:

"Nếu cô muốn đọc sách, có thể tùy ý!"

Phương Trình Vũ vừa định mở miệng thì cảm thấy nên lịch sự nói: Không cần, tôi không muốn đọc sách.

Nhưng Chu Nhất lại bảo: "Theo thứ tự, cô xem quyển này trước đi, được không?" Anh giơ tay đem cuốn sách đưa cho cô. Ma xui quỷ khiến thế nào, Phương Trình Vũ nhận lấy.

"Cô không tò mò về tôi à?" Chu Nhất hỏi.

"Anh là nhà văn." Có điều Phương Trình Vũ không nhìn anh mà là nhìn sách trên sàn nhà và đáp.

Chu Nhất mệt mỏi đứng dậy.

"Tôi mệt rồi, đỡ tôi về phòng!"

Cô đứng đó, giống một cái giá treo quần áo, đợi sau khi Chu Nhất đứng lên, vịn vai cô lần nữa.

Sau khi Chu Nhất trở về, anh ở trong phòng cả ngày. Phương Trình Vũ làm xong việc nhà thì đọc sách. Vắng tiếng sủa của Tiểu Hắc, làm gì cũng trong yên ắng, như biển sâu không bờ không bến, chẳng từ nào tả nổi.

Phương Trình Vũ cảm thấy cuốn sách mình đang cầm hơi khó hiểu. Từng câu, cô đọc đều hiểu, nhưng không biết bên trong nói gì. Sự tò mò của Phương Trình Vũ chôn vùi dưới đáy lòng không hề bị tám năm ngục tù tàn bạo cướp đoạt, ngược lại, áp lực càng lâu thì phản ứng trong cơ thể càng mãnh liệt, cần phải dũng cảm nhổ bỏ cây cỏ cao của cả hai mới có thể lần nữa thấy được sự tò mò giống mặt trời chói lóa từ trung tâm của một con người, bắn ra chiếu sáng toàn thân.

Chu Nhất vừa mở cửa thì bị ánh sáng rọi vào mắt, anh nhắm mắt theo bản năng.

"Chu Nhất, cuốn sách này tôi đọc không hiểu. Anh có thể giảng giải cho tôi không?"

Dường như Phương Trình Vũ mang theo một loại tia bất an, càng thêm không dằn lòng được là giống như tìm được cớ mở miệng, ngập tràn trong đôi mắt cô là thứ mà anh từng vô cùng quen thuộc: Ánh mắt nào đó cứ thế nhìn Chu Nhất mặc chiếc áo ba lỗ màu đen với cánh tay để trần. Cô không thấy được anh có trắng lắm hay không, anh mặc quần áo chưa, cũng không thấy anh nhắm mắt theo phản xạ, tâm trí cô chỉ có những điều của riêng mình.

"Đương nhiên là được. Cô tới thư phòng đợi tôi nhé!"

Phương Trình Vũ phát sáng. Cô một mình đến thư phòng ngồi trên chiếc ghế Chu Nhất từng ngồi. Còn anh vẫn dùng chiếc gậy màu đen chống đỡ cơ thể, mở cửa thư phòng.

Cô thấy anh đã khoác cho mình chiếc áo ngủ dài màu đen, và thắt một nút chỉnh tề ở eo. "Phương Trình, phiền cô lần sau khi tôi đi ra thì kéo rèm cửa sổ lại được không?"

Nom chiếc gậy được Chu Nhất nắm trong tay kia, cầm chặt như vậy, khăng khít không rời, cô thoáng mỉm cười, bất giác vén lọn tóc ướt mồ hôi ra sau vành tai: "Tất nhiên là được ạ."

Nhưng tại sao anh phải dùng gậy? Cô thầm hỏi.

Người tàn tật không có gậy chống mới bối rối, nhưng có nó rồi càng bối rối hơn. Đối với Phương Trình Vũ mà nói, một cái tát giáng vào nơi không thể nhìn thấy, chỉ bản thân cô nghe được.

Chu Nhất ngồi xuống chiếc ghế còn lưu lại hơi ấm của Phương Trình Vũ, dựa lưng vào nệm, cầm lấy cuốn sách cô đọc.

"Cô đọc xong chưa?"

Phương Trình Vũ gật đầu.

"Cô biết viết về cái gì không?"

Phương Trình Vũ lắc đầu.

Chu Nhất cũng không hề ngạc nhiên tại sao một người giúp việc biết những thứ đó, anh mở ngăn kéo bàn sách của mình, bên trong xếp đầy những quyển sách màu đen màu đỏ màu xanh: "Cô chọn một cuốn đi!" Anh lại dựa vào nệm tựa, hờ hững nhìn cô không hề do dự lấy cuốn màu đen.

"Giờ cô đem những thứ xuất hiện trong đầu cô viết ra." Chu Nhất nhìn Phương Trình Vũ một lát, từ từ điều chỉnh tư thế của mình, hô hấp dần dần đều đặn, cuối cùng ngủ thiếp đi.

'Giống một lữ khách mệt mỏi, trong tĩnh mịch, ảo giác về sự ấm áp của gia đình, co tay chân lại, nhắm mắt làm một đứa trẻ sơ sinh, lấp đầy một chỗ trong tử cung.'

'Màn đêm đen kịt nhuốm dần bệ cửa sổ, như một sự dễ chịu cực lớn dừng lại ở xung quanh, chiếc gậy đen cũng đã mệt, ngừng lại nghỉ ngơi ...'

Phương Trình Vũ không viết nổi nữa, trong đầu hoàn toàn trống rỗng, quên hết cả mục đích mình tới thư phòng. Cô đứng dậy để sổ nhật ký lên bàn, trước mặt Chu Nhất, rồi nhẹ chân nhẹ tay đi nấu cơm, luôn phải làm gì đó mới có thể bù đắp cho một sự tiếc nuối chưa hoàn thành khác.

Sau khi Chu Nhất tỉnh giấc thì ngẩn ngơ nhìn chằm chằm vào cuốn sổ ghi chép ấy. Anh nhìn một trang đang mở, được một quyển tạp chí đè lên. Rút cuốn sổ ra, anh chăm chú đọc. Đọc đến cuối cùng, anh bật cười, như thể con chim nuôi trong lồng ngực bay ra ngoài ngay lúc này đây, phành phạch vỗ cánh.

Hôm sau khi Phương Trình Vũ tới, cô xách một cái túi màu trắng đi thẳng vào bếp, lấy dao và đĩa cắt bánh trong túi ra thành miếng rất nhỏ. Bởi cắt quá nhỏ nên mau chóng trở nên nát vụn. Cô cầm đôi đũa gắp hết mấy miếng nhỏ sang một cái đĩa khác, sau đó bưng đến gõ cửa phòng Chu Nhất. Trên gương mặt trắng bệch của anh có thêm chút xanh xao mỏi mệt, chẳng khác gì sương mù dâng lên quấn quanh dưới mắt. Anh ở đó dựa vào khung cửa theo quán tính.

"Đây là gì vậy?"

"Trung thu vui vẻ, Chu Nhất! Tôi mua bánh trung thu đấy."

"Bánh trung thu to thế này à?" Anh vừa nói vừa bỏ lơ cái dĩa trên đĩa mà dùng tay cầm luôn một miếng cho vào miệng.

Phương Trình Vũ ngạc nhiên nhìn dầu trên ngón cái và ngón trỏ của Chu Nhất, quên cả lấy khăn giấy cho anh.

"Tôi rất vui, cảm ơn cô!" Chu Nhất đã đóng cửa phòng.

Phương Trình Vũ bưng chiếc đĩa không còn vương mấy hạt vừng trắng nho nhỏ về phòng bếp. Nhìn vừng trắng sót lại trên đĩa, cô cũng dùng tay nhón phần bánh vỡ để lại cho mình và ăn hết. Cô cảm thấy ngọt hơn hẳn so với bánh từng ăn trong buồng giam.

Thời gian ngồi tù, mỗi kỳ lễ tết là điều khiến con người ta vừa sợ lại vừa mong đợi.

Chí ít đối với Phương Trình Vũ là thế này: Cô sợ nhìn thấy kiểu ánh mắt đợi chờ của bố mẹ, cô không xứng đáng với mái đầu bạc trắng, với sự vật lộn trong cuộc sống của họ. Cô ngóng đợi bánh chẻo, bánh trung thu và bánh trôi mà bố mẹ mang đến. Mỗi miếng cô ăn, bố mẹ nhìn nụ cười trên mặt cô càng sâu hơn, còn cô trong thời gian một bữa ăn ấy lại nghĩ nếu mình không đối diện với cửa sổ song sắt thì tốt. Cô căm ghét bản thân vô dụng thế này. Phần lớn phạm nhân đều sẽ có gia đình tới thăm, mỗi người ăn đồ ăn như bình thường, sau đó đa số bất giác rơi nước mắt. Hầu hết những phạm nhân tạm biệt người nhà đều sẽ sám hối. Phương Trình Vũ vô tội, nên cô không biết sám hối điều gì, nhưng mỗi lần nhìn bố mẹ, cô đều cảm thấy tội lỗi nặng nề.

Ở cái nơi phạm nhân sám hối kia, dựa vào nhiệm vụ sản xuất bận rộn để làm xao lãng nhận thức duy nhất của họ về cái ác. Tuy nhiên bầu không khí của một ngày sum họp này, tràn ngập tiếng bắn pháo hoa, những cuộc điện thoại theo thông lệ, tận dụng triệt để. Trong nỗi tê liệt của mùa hạ năm ấy, Phương Trình Vũ nuôi dưỡng bản thân trưởng thành bởi tội lỗi sinh ra từ sự vô tội.

Tội lỗi hệt xi măng đông cứng, bọc lấy con người cô trong ngục tù, không thoát ra nổi.

Ngày Phương Trình Vũ bước ra khỏi cánh cổng lớn đó, cô quyết tâm phải vứt bỏ ác quỷ cô đã sinh ra này. Chẳng ai biết rốt cuộc cô làm được hay chưa.