Phụng Hoàng Thần

Chương 1: Phi lộ - Phụng Hoàng thành phát sinh biến cố

Nguyên văn :

Phụng Hoàng đài thượng Phụng Hoàng du.

Phụng khứ đài không gian tự lưu.

Ngô cung hoa thảo mai u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khâu.

Tam sơn bấn lạc thanh thiên ngoại,

Nhị thủy trung phân bạch lộ châu.

Tổng vị phù vân năng tế nhật,

Trường an bất kiến sử phân sầu.

Tạm dịch :

Đài Phụng Hoàng xưa chốn phụng chơi,

Phụng đi đài vắng nước chơi vơi.

Cung Ngô hoa ngỏ dường hoang lấp,

Triều tấn cân đai nắm mộ vùi.

Ba đỉnh núi vương ngoài khói tỏa,

Hai dòng sông rè bãi cò xuôi.

Vừng dương ngắn nỗi mây mờ phủ,

Chẳng thấy Trường An luống ngậm ngùi.

Bài thơ này Lý Bạch đã cảm tác nhân buổi lên Phụng Hoàng đài, nhưng ông chỉ tưởng tới y quan đời Tấn và Ngô cũng do Tôn Quyền đời Tam Quốc xây dựng, mà không nhắc đến cuộc hưng suy của Phụng Hoàng đài. Đó là một điều đáng tiếc.

Về đời Xuân Thu thành Kim Lăng thuộc nước Ngô. Sau Ngô Tiễn diệt Ngô Thành này mới thuộc nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô rồi tự cho là trong tay nắm vững sơn hà mới xây Phụng Hoàng đài để kỷ niệm thịnh sự. Trên thực tế, Câu Tiễn xây Phụng Hoàng đài vì một hành động bí mật.

Ai cũng biết binh học Trung Hoa về thời cổ rất hưng thịnh. Nào Lục Thao của Thái Công, nào Tam Lược của Hoàng Thạch, nào binh pháp của Tôn, Ngô...

Việc bài binh bố trận, chế dịch tiên cơ, cố nhiên không thể khiếm khuyết, nhưng cùng địch giao phong phải trông vào binh khí để thủ thắng.

Trong thập bát ban binh khí thì kiếm pháp khó luyện nhất, nên đời nào cũng coi trọng kiếm thuật.

Về cổ kiếm nổi tiếng có những thanh Cự Khuyết, Thái A, Thanh Hồng, Bạch Hồng, Thanh Sách, Long Uyên, Thuộc Lũ, Công Bố... nhất là những thanh Can Tương, Mạc Gia thì ai cũng nghe nói đến.

Nơi đây nhắc tới một thanh thần kiếm khác, trên đời ít ai biết đến. Đó là thanh Tường Vân, mai sau gọi là Thái Hồng. Cổ nhân có câu “Thuộc Lũ hiện, Thái Hồng phi”. Từ đó nó lại mang tên là Thuộc Lũ.

Đời Ngô Việt xuân thu, Thuộc Lũ kiếm lọt vào tay Ngô Vương Phù Sai. Sau Ngô Vương không nghe lời can của Ngũ Tử Tư, đã dùng thanh kiếm này bắt ông tự tử. Người thời bấy giờ cho nó là vật bất tường.

Thái Hồng kiếm lọt vào tay Việt Vương Câu Tiễn. Việt Vương diệt Ngô lúc ban sư sắp xây đắp Phụng Hoàng đài. Đem bảo kiếm chôn dấu dưới đất và đổi tên là Phụng Hoàng kiếm. Vụ bí mật về xây đài là ở chỗ đó. Lý Bạch không nhắc tới Phụng Hoàng đài thành ra bài thơ này chưa tả hết được cái hay cái đẹp.

Một đêm mưa gió nặng nề.

Sau lúc hoàng hôn, bầu trời mây kéo đen kịt, gió thổi ào ào, mưa rào sầm sập, sấm nổ vang trời, chớp giật loang loáng. Cảnh tượng này khiến người ta khiếp sợ và cảm thấy sắp xảy ra chuyện bất thường.

Trên Phụng Hoàng đài vào lúc canh một, đột nhiên vô số bóng đen xuất hiện như ma quỷ dưới cơn chớp nhoáng. Bọn họ từ bốn mặt tám phương xông lên đỉnh núi. Tiếp theo là tiếng reo hò, tiếng kêu réo vang dội. Kiếm ảnh dao quang vi vút như tranh sáng với điện chớp.

Cư dân gần miền không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Kẻ nhát gan cho là gần tới ngày mạc vận, sợ hãi đến hồn lạc phách bay, nhưng cũng có người lớn mật len lén ra cửa dòm. Những tiếng chém giết, tiếng kêu rú khiến cho bọn họ toàn thân run bần bật không dám cử động nữa.

Tình trạng này khai diễn mỗi lúc một trầm trọng càng đêm khuya lại càng rùng rợn. Dưới chân núi một bóng đen chạy tới. Đó là một lão già trên lưng cõng một đứa nhỏ, mà không ai nhìn rõ đứa nhỏ lớn bằng nào.

Lão già xuống đến chân núi, ngửa mặt lên trời than rằng :

- Đây là trời tuyệt Thiết gia rồi!

Lão hốt hoảng dấu đứa nhỏ vào trong một hốc đá, cất tiếng nghiêm trọng dặn gã :

- Sĩ nhi! Ngươi không được cử động mà cũng chớ lên tiếng. Đã có một toán cường địch phá hủy nhà ngươi thì chớ, nào ngờ lại một toán khác vây đánh gia gia ngươi. Bây giờ bá bá phải lên núi liều mạng.

Dưới trận cuồng phong bạo vũ, thằng nhỏ vẫn tỉnh táo như thường. Mặt gã đầy giọt nước, không hiểu nước mưa hay nước mắt. Gã cất tiếng ú ớ nghiến răng nghẹn ngào hỏi :

- Bá bá ơi! những kẻ đốt nhà, giết người nhà tiểu điệt là ai? Đồng thời những người tới đây là bọn nào?

Lão già thở dài đáp :

- Những kẻ đốt nhà giết người là quân cường bạo, có khi là kẻ thù của gia gia ngươi. Nhưng bọn trước mắt này e rằng không giống thế, hoặc giả họ vì Phụng Hoàng kiếm mà tới! Sĩ nhi! Nói tóm lại đối với nhà họ Thiết là họa vô đơn chí.

Thằng nhỏ muốn đi theo vội giữ lão lại hỏi :

- Bá bá ơi! Gia gia ở Phụng Hoàng đài hơn một năm nay, phải chăng lão gia quả đã thấy được thần kiếm?

Lão già lắc đầu đáp :

- Cái đó phải hỏi gia gia ngươi mới biết được. Sĩ nhi ơi! Nếu bá bá và gia gia ngươi đêm nay không còn sống để trở về. Ngươi phải nhẫn nại để sinh tồn. Mối thù của gia gia cùng bá bá sau này chỉ còn trông vào một mình ngươi rửa hận.

Thằng nhỏ khóc thúc thít nói :

- Bá bá ơi! Bá bá đi thôi. Hài nhi nhớ kỹ rồi.

Lão già nghẹn ngào dặn :

- Sĩ nhi! Trước khi luyện thành võ nghệ cao thâm, ngươi phải đặc biệt ghi nhớ ba điểm: một là chớ vội đi tìm kẻ thù, hai là nhẫn nại mối bi thương, ba là không được tiêu cực. Bá bá đi đây.

Thằng nhỏ gật đầu, mắt gã lộ ra những tia lửa oán độc.

Lão già lên núi xông vào giữa đám quần địch. Tiếng chém giết lại càng khủng khiếp.

Suốt một đêm qua cho tới trời tỡ mờ sáng, mưa đã tạnh, gió đã dừng. Phụng Hoàng đài trở lại tịch mịch như xưa.

Lúc mặt trời mọc, cư dân kéo nhau lên đài đông như nước chảy để coi hậu quả màn kịch đêm qua. Tiếp theo một đội quan binh kéo đến.

Quan binh lên lên núi rồi liền phong tỏa đỉnh núi, dân thường không một ai được lên. Tình hình trên núi thế nào, ngoài bọn quan binh chẳng một ai hay.

Vào khoảng giữa trưa mới thấy bọn quan binh khiêng xuống mấy chục xác chết.

Trong đám dân cư đông đảo có cả thằng nhỏ. Gã phát giác trong đám xác chết có hai lão già vết máu loang lổ. Gã không nhịn được khóc la lên, chỉ muốn xông ra...

Đột nhiên một lão già đúng ra là một quái nhân lưng gù, vội vươn tay ra ôm lấy gã chạy đi. Cử động của quái nhân nhanh đến nỗi cả quan binh lẫn cư dân không một ai ngó thấy.

Không đầy một tháng sau, trên chốn giang hồ, một tin đồn lại làm chấn động võ lâm: hai nhân vật khét tiếng võ lâm là Thiết Lạp Ông và Phạm Minh Truyền chết ở Phụng Hoàng đài. Người ta lại nói Thiết gia trang ở La Phù bị thiêu hủy và giết hết cả nhà chẳng còn một ai...

Tại phía Nam thành Kim Lăng có một khu mồ mả ngổn ngang kêu bằng Loạn Táng Cương. Khu này cách Phụng Hoàng đài không xa mấy. Nơi đây chôn táng những người cùng nghèo ở tha phương bất hạnh qua đời.

Trải qua bao nhiêu năm những mồ mả này phần nhiều vô chủ, cả đến tấm bia cũng không có, khiến du khách không khỏi buồn rầu thảm đạm.

Xuân thu nhị tế hương khói vắng tanh. Chỉ ngày gặp tết Trung Nguyên, những người hiếu thiện mời sư đến siêu độ cùng thí thực, chẳng một thân nhân nào vãng lai tảo mộ.

Mới đây trên Loạn Táng Cương lại thêm ba chục ngôi mả mới do quan nha phái người mai táng. Trong đám hơn ba chục ngôi mộ này chỉ có hai ngôi có bia đá trên khắc “La Phù đại hiệp Thiết Lạp Ông chi mộ” và “Tiêu Tương đại hiệp Phạm Minh Tuyền chi mộ” phía dưới chỉ khắc mấy chữ: Người chịu ơn kính lập. Hiển nhiên họ đã ngấm ngầm dựng bia.

Ba mươi mấy ngôi mả này táng chưa lâu thì gặp tiết Thanh Minh. Ngoài nội hoa Đỗ Quyên nở đầy giàn, tro tiền giấy bay khắp mặt đất.

Đỗ Phủ đời nhà Đường đã có bài thơ vịnh tiết Thanh Minh :

Thanh Minh lại gặp tiết mưa phùn,

Để khách qua đường dạ héo hon.

Ướm hỏi tửu gia đâu có tá?

Mục đồng tay trỏ Hạnh Hoa Thôn.

Tiết Thanh Minh lần này trời chẳng vầng mây, gió xuân hòa ấm. Khắp nơi mùi hoa thơm ngát, khách du xuân tảo mộ tấp nập ngoài đường.

Đặc biệt trong đám du khách có một thanh niên lưng đeo trường kiếm, tay cầm hương nên cúi đầu lầm lũi bước đi, tiến thẳng vào Loạn Táng Cương.

Thanh niên đứng giữa đám mả mới, ngửng đầu đảo mắt nhìn quanh tựa hồ quan sát điều gì, vẻ mặt rất khẩn trương.

Một lát sau, bỗng nhiên nghe chàng tự nói một mình :

- Mặc kệ họ, họ có đến thì ta liều mạng với họ.

Có lẽ chàng chưa phát giác ra động tịnh gì liền tiến lại gần phía hai ngôi mộ Thiết Lạp Ông và Phạm Minh Truyền. Chàng đốt giấy thắp hương thi hành đại lễ, miệng lâm râm khấn khứa :

- Kính hai vị lão ân công! Vãn bối chịu ơn nhị vị cứu sống. Kiếp này không thể báo đền, vậy cứ xuân thu nhị tế, vãn bối chẳng quản đường xa muôn dặm, không sợ địch nhân hung tàn, mạo hiểm dến đây khấu đầu...

Chàng khấn xong đứng dậy nói tiếp :

- Nhị vị lão ân công! Vãn bối không hiểu nhị vị còn con cháu gì nữa chăng? Nếu nhị vị có linh thiêng xin báo mộng cho hay. Vãn bối còn sống ngày nào quyết tìm cho thấy con cháu nhị vị lạc lõng nơi đâu?

Dứt lời chàng toan trở gót ra đi thì đột nhiên trong bóng tối vọng ra tiếng cười nhạt.

Thanh niên giựt mình kinh hãi, xoay tay rút trường kiếm, miệng quát hỏi :

- Ai?

Phía Tây Loạn Táng Cương đột nhiên xuất hiện năm quái nhân che mặt. Tên nào tay cũng cầm trường kiếm, một tên đáp :

- Đại gia vâng lệnh coi giữ phần mộ Thiết Lạp Ông. Ngươi là ai?

Thanh niên dõng dạc :

- Thiếu gia không đổi họ, ngồi chẳng đổi tên Tư Mã Quan là mỗ.

Người che mặt kia nghe nói bất giác lùi lại một bước cười khanh khách nói :

- Té ra là đại kiếm khách nổi tiếng hai miền Nam, Bắc.

Tư Mã Quan cười lạt nói :

- Ai phái các vị tới đây thủ mộ?

Người che mặt lắc đầu đáp :

- Tử Dương kiếm khách! Ngươi đã biết rồi còn hỏi làm chỉ

Tư Mã Quan cả giận nói :

- Thiếu gia sẽ có thủ đoạn bắt buộc ngươi phải cung khai...

Chàng vừa dứt lời đã phóng kiếm như rồng bay, vừa quát vừa xông lại.

Năm người che mặt liền tán ra rồi bao vây chàng vào giữa.

Tư Mã Quan một mình chọi với năm người mà không nao núng, vẫn nắm được tiên cơ, công nhiều hơn thủ.

May ở Loạn Táng Cương ít người đến tảo mộ nên cuộc chiến đấu khốc liệt không làm cho cư dân hoảng sợ.

Trường ác đấu kéo dài chừng hơn một giờ, đưa đến kết quả bốn người trong năm tên che mặt té xuống. Chỉ còn tên thủ lãnh cũng bị hai nhát kiếm thương liền liều mạng tấn công mấy chiêu rồi chạy trốn về phía Tây Nam.

Tư Mã Quan khi nào để hắn sống sót. Chàng quát to một tiếng băng mình rượt theo, nhất quyết không chịu buông tha.

Người che mặt dường như biết mình khó trốn thoát, liền há miệng hú lên một tiếng dài.

Tư Mã Quan biết là hắn phát hiệu để cầu viện, càng đuổi theo rất gấp.

Người che mặt chạy trốn đến bờ sông, Tư Mã Quan thấy vậy cả mừng, vung kiếm nhảy xồ tới, miệng quát lớn :

- Nạp mạng đi thôi!

Ngờ đâu sau gốc cây một bờ sông có một lão già che mặt bật lên tiếng cười âm trầm nói :

- Hậu sinh tiểu bối! Sao ngươi dám khoe tài trước mặt lão phu.

Tư Mã Quan vừa ngó thấy lão lập tức thâu chiêu lùi lại, lớn tiếng hỏi :

- Các hạ là ai?

Lão gìa che mặt cất giọng trầm trầm hỏi lại :

- Nếu lão phu có thể cho ngươi hay thì dã không cần gặp mặt nữa. Tiểu tử! Giữa Thiết Lạp Ông và ngươi có mối liên quan thế nào?

Tư Mã Quan cười lại đáp :

- Cái đó các bất tất phải hỏi làm chỉ

Lão che cười khành khạch nói :

- Chắc ngươi không phải là con cháu Thiết Lạp Ông?

Đại hán che mặt kia vừa thở vừa nói :

- Thưa Điện chúa! Gã là Tử Dương kiếm khách Tư Mã Quan mới nổi tiếng giang hồ mấy năm nay.

Lão già che mặt quát :

- Im đi!

Hiển nhiên đại hán gọi lão bằng Điện chúa đã làm cho lão tức giận.

Lão quay lại bảo Tư Mã Quan :

- Tiểu tử! Vị Đường chúa này đã tiết lộ thân phận của lão phu thì nhất định ngươi phải chết.

Tư Mã Quan cả giận chống kiếm xông lại tấn công.

Lão già che mặt đột nhiên cười khanh khách nói :

- Coi kiếm phong cũng biết ngươi là hạn hậu bối mới quật khởi. Đáng tiếc ngươi giao kết với Thiết Lạp Ông là người bạn chết rồi.

Lão già che mặt tay không lạng mình né tránh khỏi chiêu kiếm của Tư Mã Quan, đồng thời vung chưởng chênh chếch dánh tới.

Lão nói :

- Lão phu ít khi động thủ với ai, bữa nay gặp tiết Thanh Minh, giỡn chơi với ngươi mấy chiêu cho vui.

Tư Mã Quan thấy chưởng kình của lão nặng như núi biết là gặp tay cao thủ phi thường. Chàng liền đề tụ đến mười hai thành công lực để sử tuyệt chiêu, liều mạng tấn công.

Lão che mặt cũng không dám coi thường. Bóng chưởng đánh ra như một tấm lưới dầy đặc. Đồng thời lão ngó đại hán che mặt quát :

- Nhị đường chúa! Còn coi gì nữa? Sao không chạy về thu thập thi thể?

Đại hán dạ một tiếng rồi chạy vào Loạn Táng Cương.

Tư Mã Quan đánh liền một hơi ngoài ba mươi chiêu mà chẳng chiếm được chút thượng phong nào, lại lâm vào tình trạng sống chết đến nơi.

Lão già che mặt bật tiếng cười âm trầm nói :

- Tiểu tử! Lực lượng của ngươi hãy còn kém phần hỏa hậu. Lão phu không đùa giỡn với ngươi nữa. Coi chừng! Lão phu ra chiêu này để lấy mạng ngươi đó.

Dứt lời lão phất tay áo quanh đi một vòng như điện chớp quấn lấy trường kiếm của Tư Mã Quan khiến cho chàng toàn thân chấn động lại hết đường tiến thoái. Tiếp theo lão giơ tay mặt lên, bàn tay đỏ như máu. Nhất là năm ngón đỏ rực tựa than hồng, khoằm khoằm như móc câu từ từ chụp xuống đầu Tư Mã Quan. Đồng thời lão bật tiếng cười lạnh lẽo âm trầm.

Tư Mã Quan biết mình sống không được nữa, nhưng tuyệt không lộ vẻ van xin, chàng nhắm mắt chờ chết.

Giữa lúc lão già che mặt chụp năm ngón tay đỏ như máu chỉ còn cách đầu đối phương chừng mấy tấc, đột nhiên lão hoa mắt, thậm chí toàn thân lão từ từ đưa lên, tiếp theo mình bị xoay chuyển theo gió bay đi.

Tư Mã Quan đột nhiên cảm thấy thanh trường kiếm trong tay được buông ra, đồng thời kình lực toàn thân hoạt động trở lại như trước. Chàng không khỏi kinh ngạc mở trừng mắt ra.

Tình hình trước mặt đã thay đổi, không biết lão già trước mặt đã đi đâu rồi. Người đứng đó là một lão già lưng gù, râu tóc bạc phơ rối loạn bù xù.

Lão già coi rất hoạt kê nhìn Tư Mã Quan miệng cười hềnh hệch. Tay lão dắt một thằng nhỏ lối mười một mười hai tuổi.

Tư Mã Quan chẳng hiểu ra làm sao, chắp tay thi lễ nói :

- Lão tiền bối! Nhờ ơn lão tiền bối cứu cho mới được sống sót. Vãn bối cảm kích vô cùng.

Lão công công chẳng để ý gì, cũng không đỡ chàng dậy, chỉ cười khanh khách hỏi :

- Tiểu tử! Đừng dập đầu nữa. Trong mình ngươi có bạc không?

Tư Mã Quan không hiểu. Chàng khấu đầu đứng dậy ngơ ngác hỏi :

- Lão tiền bôi! Tiền bối cần bao nhiêu?

Lão công công cười ha ha đáp :

- Một vạn lượng.

Tư Mã Quan cả kinh nói :

- Vãn bối làm gì có nhiều tiền thế? Dù có cũng không mang nổi!

Lão công công hỏi :

- Có chín ngàn lạng không?

Tư Mã Quan nhăn nhó lắc đầu đáp :

- Chín ngàn hay một vạn cũng chẳng sai nhau mấy.

Lão công công cười nói :

- Thế thì thằng lõi còn hỏi lão gia cần bao nhiêu làm cái đếch gì?

Tư Mã Quan hiểu ý, liền móc hết bạc trong mình ra, thẹn thùng đáp :

- Lão tiền bối! Trong mình vãn bối chỉ có bấy nhiêu.

Lão già thò đầu ra ngó rồi gật gù nói :

- Chín mươi sáu lạng ba đồng tám phân. Ha ha! Ta không cần lấy cả bấy nhiêu.

Lão thò tay lấy ba đỉnh đưa cho gã tiểu đồng nói :

- Tiểu hoạt đầu! Bấy nhiêu đủ cho ta làm tiền lộ phí rồi.

Gã đồng tử cốt cách thanh kỳ, nhưng nét mặt không một tia cười. Gã đón lấy bạc rồi hỏi :

- Lão hoạt đầu! Vị đại ca này có đi với chúng ta không?

Lão công công ngoắc miệng ra đáp :

- Đi làm sao được? Tiểu hoạt đầu! Sao ngươi lại hỏi thế?

Đồng tử đáp :

- Lão hoạt đầu! Lão cứu người lần này nhưng khó mà cứu được lần sau. Chúng ta đi rồi, địch nhân đến chẹn y thì sao?

Lão hoat đầu vỗ trán nói :

- Phải rồi! Tiểu hoạt rất chu đáo. Ta chưa nghĩ tới điểm này!

Lão nói rồi thò tay vào bọc áo trắng bằng vải xám lấy ra một vật đưa cho Tư Mã Quan nói :

- Tiểu tử! Cầm lấy!

Tư Mã Quan đón lấy coi, không ngờ là một con Phụng Hoàng nhỏ bằng vàng, trêm mặt khắc ba chữ cổ tự “Phụng Hoàng Thần” chàng không khỏi nghĩ thầm :

- Đây là tấm lệnh phù của lão.

Tư Mã Quan tuy còn nhỏ tuổi, nhưng gia nhập giang hồ đã mấy năm đã có chút danh tiếng. Hiển nhiên chàng võ công cao thâm, mà tương đối còn có chút kinh nghiệm giang hồ, nên chàng vừa coi đã biết ngay lệnh phù của bật tiền bối nổi danh.

Có điều là chàng chưa nghe ai hỏi lệnh phù là con kim Phụng Hoàng này, liền ngập ngừng hỏi :

- Lão tiền bối! Vãn bối cầm cái này là có thể...

Lão công công ngắt lời :

- Cái đó không giữ được mạng cho ngươi, vì trên chốn giang hồ phức tạp này bọn họ không hiểu cái đó là của lão nhân gia. Họ đã không biết thì còn sợ gì? Chờ ngươi chết rồi lão phu có tức mình đi tìm họ cũng chẳng làm gì...

Lão dừng lại một chút rồi tiếp :

- Cái này của lão phu hoặc giả cũng có mấy người coi trọng, dù họ chưa thấy qua, nhưng họ cũng được nghe nói tới. Tiểu tử! Trong các phái lớn ở Trung Nguyên ngươi thích phái nào nhất?

Tư Mã Quan đáp :

- Phải chăng tiền bối bảo vãn bối tới đó nương tựa?

Lão già gật đầu đáp :

- Bản lĩnh của ngươi mà qua lại giang hồ, nếu không gặp đại địch thì còn tạm được, nhưng ngươi không nên giữ mối liên quan với Thiết Lạp Ông. Ngươi mà còn giữ mối liên hệ đó thì có mười mạng cũng không toàn. Vì thế lão nhân gia muốn ngươi kiếm một nơi ẩn náu bốn năm năm. Đồng thời ngươi khổ công rèn luyên cho đến khi có người đón xuống núi rồi từ đó ngươi sẽ có chỗ nương tựa.

Tư Mã Quan trầm ngâm nhận thấy lão già nói rất có lý, liền kính cẩn đề nghị :

- Vãn bối chỉ có thể đến chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn, còn các phái khác, vãn bối mấy năm nay đắc tội đã nhiều.

Lão công công cười ha hả nói :

- Gã tiểu tử này khi trước không coi ai vào đâu, bây giờ mới biết mình còn kém. Được rồi! Vậy ngươi đi chùa Thiếu Lâm. Có điều ngươi cầm cái đó của lão phu, nhưng không phải gặp ai cũng đưa ra, vì không mấy người biết tới. Khi ngươi tới núi Tung Sơn phải đòi bái kiến cho bằng được Thủ tịch trưởng lão. Nhà sư này ngày trước là chú tiểu Hoành Viên. Gặp y rồi ngươi sẽ được an trí ổn thỏa. Không chừng y thấy kỷ vật của lão gia sẽ đem công phu trọng yếu của phái Thiếu Lâm truyền dạy cho ngươi.

Tư Mã Quan nghe nói cả mừng dập đầu hai lần nữa rồi mới cáo biệt ra đi.

Lão già quay lại nhìn đồng tử nói :

- Tiểu hoạt đầu! Ngươi quả là kẻ thủ tín, không nói cho gã biết mình là con Thiết Lạp Ông.

Đồng tử lạnh lùng đáp :

- Nói ra thì được ích gì? Lão hoạt đầu còn không chịu thu y làm đồ đệ...

Lão già ngắt lời :

- Tiểu hoạt đầu! không phải lão không chịu thu nạp mà là gã không nuốt nổi cái đó của lão gia.

Tiểu đồng hỏi :

- Tại sao vậy?

Lào già đáp :

- Gã không đủ tư cách mà nuốt vào là dắt cổ chết tươi. Dù chẳng chết cũng thành ngây ngô. Lão gia đã kiếm cả một trăm ba chục năm, biết có hàng mấy vạn người mà chẳng có một ai có thể tiến thụ được cái đó. Bây giờ thấy ngươi thì công trình một trăm ba chục năm của lão gia không đến nỗi uổng phí.

Tiểu đồng nói :

- Tiểu tử phải học bao nhiêu lâu?

Lão già đáp :

- Nếu ngươi học võ công tối cao của phái Võ Đương hay phái Thiếu Lâm thì chỉ cần nửa năm. Bằng ngươi muốn nghệ thuật già dặn hơn thì phải hai năm. Nếu ngươi học những cái của ta phải mất bốn năm.

Đồng tử nóng nảy hỏi :

- Phải bốn năm tiểu tử mới báo thù được ư?

Lão già đáp :

- Cái đó tùy ở ngươi. Ngay Chưởng giáo hòa thượng phái Thiếu Lâm hiện mà muốn học phân nửa của ta cũng phải mất bảy chục năm mới lĩnh hội được.

---------------------------------------------------------------------------

Truyện này còn có tên là U Linh Yêu Nữ