Đồn Bạch Nhật.

Bên trong sảnh đường, chàng tân lang lẫn các vị quan khách không ngừng cụng chén. Tiếng cười đùa rôm rả vượt cả bức tường âm thanh.

Chỗ bàn tiệc đặt gần mấy pho tượng lính túc vệ, lão Tôn nheo mắt đố:

- Các người có biết tại sao mà khi bắn cung tên thì người ta hay nhắm một con mắt?

Hai quan khách say xỉn ngồi kế ông lão nhao nhao:

- Đương nhiên là biết, nhắm một mắt để tránh tia nắng làm chói.

- Theo tôi thì tránh ánh lửa mới phải hơn.

Lão Tôn bĩu môi:

- Nói như hai người.

Và ông quay mình tứ phía:

- Có ai trả lời nữa không?

- Có tôi – Vị thanh niên ngồi bàn bên phải đáp bằng giọng ồ ề - Tôi cho rằng người ta nhắm một con mắt để đo lường khoảng cách giữa mũi tên và mục tiêu.

- Còn tôi lại nghĩ khác - Gã trung niên ngồi bàn bên trái nói – Người ta nhắm mắt vì phải ước lượng đường bay.

Nghe gã trung niên đáp, chàng thanh niên có giọng nói ồ ề châm chọc:

- Xời! Đo lường khoảng cách cũng tương tự ước lượng đường bay thôi, huynh đài này sao mà hay bắt chước, hễ tại hạ nói cái gì cũng nói theo.

- Giống sao được mà giống? - Người bị chất vấn bắt chẹt – Hai chữ “đo lường” tức là dùng thước hay đồ nghề có tỉ lệ hẳn hòi. Còn “ước lượng” nghĩa là nhắm chừng, là định số lượng một cách đại khái không dựa trên sự tính toán cụ thể chính xác. Biết chưa các hạ?

Đụng trúng đệ tử của Cửu Dương, người thanh niên có giọng nói ồ ề tắt đài. Lão Tôn cười ha hả:

- Hai người đều sai.

Đời thật là ngộ, hồi nãy còn mãi đôi co, giờ nghe ông già chỉ trích thì đôi oan gia lập tức liên kết với nhau vặt lại:

- Vậy chứ tại sao nhắm một con mắt? Ông nói nghe thử nào.

- Nếu lời giải đáp không hợp lý là phạt ba chén đó nha. Không nể nang thân phận đâu à!

Lão Tôn đập bàn sửng cồ:

- Phạt cái đầu hai ngươi! Lão phu hỏi hai ngươi, không nhắm một con mắt chứ chẳng lẽ đi nhắm cả hai con? Lúc đó tối thui thì đếch thấy đường mà bắn!

Ông lão vừa lên lớp xong, Tần Thiên Nhân cùng nhiều quan khách ngồi cạnh nhịn không nổi bèn cười bò. Hai vị oan gia cũng bật gọng. Sau khi lau chùi nước mắt nước mũi sạch sẽ, họ đồng tâm vòng tay bái phục:

- Hay! Hay!

- Câu giải thích mới chí lý làm sao!

Lão Tôn mỉm cười khoan khoái. Chiêu này ông học từ Gia Cát tái lai. Tay nâng ly rượu, ông uống một ngụm cho ấm giọng trước khi đố câu thứ nhì:

- Nghe nữa nè, đố tất cả vậy chứ trời cách ta bao xa?

Mọi người nhíu mày suy luận. Ông lão đố toàn những câu rối trí. Các thành viên bang phái vắt muốn ráo óc cũng không ra chút manh mối. Một lát, có hai ông thông thái rởm ngồi tít đằng chỗ cửa ra vào kháo chuyện thiên văn. Ông áo xanh bảo ông áo xám:

- Tại hạ đoán trời cách ta hai vạn dặm.

Ông áo xám vuốt râu:

- Chắc không đâu, trời cách ta một vạn dặm là cùng.

- Sao hả? – Lão Tôn hối – Chịu thua chưa?

Thấy lão Tôn sắp sửa đưa ra đáp án, hai ông thái rởm vội chụm đầu bàn tán rồi cử một người làm đại diện. Ông áo xanh đứng lên nói:

- Trời cách ta khoảng… một vạn dặm… rưỡi?

- Trật lất! - Lão Tôn lắc đầu - Làm gì mà xa dữ vậy! Từ đây lên trời chỉ chừng bốn trăm dặm thôi. Đi mau lắm là ba ngày, đi chậm thì bốn ngày, còn vừa đi vừa về chỉ chừng sáu bảy này chi đó.

Mấy câu nói chắc nịch như bắp thịt của ông lão khiến Tần Thiên Nhân tròn mắt. Chàng cười hỏi:

- Bằng chứng đâu mà ông nói thế?

Lão Tôn thản nhiên đáp:

- Thì lão phu nghe thất đương gia Cửu Dương tính theo lệ. Hắn bảo thường thường hễ hai mươi ba ông Táo lên trời, đến ba mươi mình đón ổng về. Tổng đà chủ thử dựa vô phương trình đó mà truy thử xem.

Thành viên bang hội lại được một phen cười té ngửa. Đây hẳn là trò kể chuyện tiếu lâm chứ nào phải đố vui. Tần Thiên Nhân lắc đầu bội thua Cửu Dương, hết phương bắt bí. Và thần quyền Nam hiệp bỗng ước ao có sự hiện diện của sư đệ chàng. Đáng tiếc lão Tôn thuộc lòng chỉ hai câu đố. Phải chi mà Cửu Dương ở đây thì mọi người được dịp nghe tiếp mấy trăm câu tầm xàm.

Cách đó hai dặm…

Đường khuya núi sầu. Màn mưa giăng mờ mờ. Có một người lê lết trên lối mòn đá sỏi. Khoảng nửa khắc trước đó, Trương Quốc Khải thử dùng kiếm làm nạng gắng gượng bước đi nhưng hơi tàn sức kiệt, cứ té úp mặt. Rồi lại đứng lên và té xuống. Vật lộn với đôi chân hồi lâu mà vẫn hoài công, chàng đành vứt kiếm sang bên để bò bằng hai tay và đầu gối.

Cơn gió lạnh làm xao xuyến, lòng chan chứa tình thương. Trương Quốc Khải thấy loáng thoáng lồng đèn vu quy màu đỏ. Chàng tự nhủ phải cố lên, chỉ còn một quãng là tới nơi bang hội đóng quân.

Mưa phùn vẫn không ngừng rớt hột. Tiếng nước rơi lồng với âm thanh sấm sét gầm thét trên cao nghe nao nao.

Đất cát càng lúc càng nhão nhoét khiến lối về trơn trợt và khó khăn hơn bao giờ hết. Trương Quốc Khải ấm ức cung tay đấm thình thịch lên mặt lộ. Thường ngày con đường này vốn dĩ ngắn gọn nay bỗng dài hun hút với đêm thâu.

Máu đỏ chan hòa nước mưa, loang dài. Trương Quốc Khải quét mắt chung quanh, không thấy quân Thanh rượt đuổi mà chỉ có rừng trầm cô tịch và đồn xa suối reo hoang vắng cheo leo. Chàng biết bản thân hết phương cứu chữa, chất độc đã công tâm. Hiện tại, niềm mong mỏi duy nhất là cấp báo danh tánh của kẻ phản đồ cho Tần Thiên Nhân và các thành viên bang phái.

Vượt thêm vài thước, Trương Quốc Khải dừng lại thở dốc. Chàng nghiêng đầu trông một chú quạ đen nấp mình dưới gốc thông. Thâm tâm mơ hồ lĩnh ngộ chân lý cuộc sống. Đời là một chuỗi những bài học quý giá mà chỉ khi trải nghiệm thực sự thì mới hiểu được ý nghĩa của nó. Từ nhỏ tới lớn, chàng không bao giờ ái ngại phút giây giáp mặt tử thần. Mãi cho đến khi đối diện tình thế thập tử nhất sinh này cũng vậy.

Điều duy nhất khiến chàng không cam lòng lìa xa thế gian chính là đôi mắt phượng hoàng. Chàng không muốn xuôi tay trước khi nhìn thấy hai hạt nhãn đen tuyền thơ mộng.

Mưa dần dần nặng hạt. Trương Quốc Khải từ từ khép mắt. Xa xa là hàng thông hoang vu mọc dưới chân Thanh Vân Sơn, dãy núi cao ngất ngưởng như vùi lấp bao uất căm hận thù.