Ba công việc cơ bản của Vương Hãn Đông đều thành công mỹ mãn, lại còn nhân tiện hoàn thành được lời ủy thác của Hàn Diệu Tiến. Ông đã đặt cược danh dự của mình trong việc tiến thân của Hàn Diệu Tiến, bởi vậy lúc này âm thầm dương dương tự đắc.

Nghĩ trước nghĩ sau, mưu sâu kế hiểm luôn là phong cách làm việc của Vương Hãn Đông. Từ Thẩm Bình dặn dò ông ta lo việc của Quỳnh Hoa, ông ta cũng cẩn thận tiến hành. Bởi vì chỉ vài ngày nữa, giám đốc mới của Ngân hàng Viêm Hoàng sẽ về nhậm chức, ông ta sẽ được tới Cục Giao thông làm phó cục trưởng. Nếu trước lúc này không thể sắp xếp thỏa đáng việc của Quỳnh Hoa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa ông và Từ Thẩm Bình, sau này hai người sẽ khó mà hợp tác hòa thuận với nhau.

Buổi sáng ngày thứ bảy sau khi Quỳnh Hoa phá thai, Vương Hãn Đông lái xe tới đón cô. Trong một tuần Quỳnh Hoa ở khách sạn ngoại ô thành phố, cô được hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống xa hoa ở một khách sạn năm sao. Điều này đối với một cô gái từ vùng quê nghèo lên thành phố mà nói, như vậy là quá đủ. Quỳnh Hoa ở khách sạn không có việc gì để làm, ban ngày thì đi dạo và ngắm cảnh trong công viên gần đó, hít thở không khí trong lành của vùng ngoại ô, ngày tháng trôi qua tự do tự tại và vô cùng nhàn nhã. Sức khỏe cô cũng đã hồi phục lại như ban đầu.

Vương Hãn Đông tìm thấy Quỳnh Hoa trong vườn hoa của khách sạn. Quỳnh Hoa thấy Vương Hãn Đông thì vô cùng kinh ngạc:

- Giám đốc Vương, tôi ở đây chán quá, hôm nay gặp ông đúng là may thật! Ông tới đây có việc gì hả?

- Tôi tới đây đúng là có việc, đó là tìm cô.

- Ông tìm tôi làm gì?

Vương Hãn Đông cười nói:

- Tôi tìm cô còn có việc gì được? Đương nhiên là việc của cô rồi! Hôm nay tôi tới đón cô đi. Trong sáng nay phải làm thủ tục trả căn phòng mà tổng giám đốc Từ thuê cho cô. Chi phí tiền phòng cô không cần phải lo, cậu ấy sẽ thanh toán đầy đủ.

Quỳnh Hoa thấy người đến đón mình là Vương Hãn Đông chứ không phải Từ Thẩm Bình cũng không quá ngạc nhiên. Cô đã biết nhưng còn giả vờ hỏi:

- Sao Tổng giám đốc Từ không tới đón tôi? Anh ấy không có thời gian hả?

- Tổng giám đốc Từ là người của công việc, hôm nay cậu ấy không có thời gian. Cậu ấy nhờ tôi thay mặt tới đón cô cũng là việc bình thường mà. Cô đừng có quên, cô là do ngân hàng chúng tôi phái tới nhà họ Từ.

- Điều này thì sao mà tôi quên được? Chúng ta đi đâu?

Vương Hãn Đông đã biết sơ qua về tình hình bố Quỳnh Hoa qua lời kể của Từ Thẩm Bình:

- Chẳng phải bố cô phải làm phẫu thuật thay thận sao? Đây là một cuộc phẫu thuật lớn. Bộ trưởng Từ rất quan tâm, trong thời gian bố cô làm phẫu thuật, ông ấy cho phép cô về nhà chăm sóc bố cô. Khi nào bố cô hoàn toàn khỏe mạnh thì nghĩ tới việc cho cô đi làm lại.

- Nhà họ Từ cho tôi nghỉ dài ngày? Thật không?

- Đương nhiên là thật rồi. Trong khoảng thời gian cô ở nhà chăm sóc bố, ngân hàng vẫn trả lương và phát tiền thưởng bình thường cho cô. - Ngân hàng của Vương Hãn Đông và công ty dịch vụ gia chánh đã kí hợp đồng thuê Quỳnh Hoa trong vòng một năm, ngân hàng cũng đã trả khoản tiền lương trong một năm, cho dù bây giờ ngân hàng muốn đuổi việc Quỳnh Hoa thì cũng không đòi được số tiền đã trả cho công ty dịch vụ gia chánh. Vương Hãn Đông làm như vậy cũng là thuận theo lòng người.

Quỳnh Hoa tin những lời Vương Hãn Đông nói về việc tiền lương và tiền thưởng vẫn được trả như cũ, nhưng cô không dám tin vào ý tốt của bộ trưởng Từ, nhất là cô không dám tin vào Thẩm Thái Hồng đứng sau lưng bộ trưởng Từ. Cô hiểu rất rõ, đây chỉ là một cái lí do dễ nghe khi họ muốn đuổi cô ra khỏi nhà:

- Tôi rất cảm ơn lòng tốt của bộ trưởng Từ! Giám đốc Vương, ông ở đây chờ tôi, để tôi lên lấy quần áo xuống rồi đi.

Quỳnh Hoa đi không lâu đã thấy quay lại. Trong tay cô là một cái túi nhỏ, leo lên xe của Vương Hãn Đông. Vương Hãn Đông cũng không vội phải rời khỏi khách sạn ngay, ông hỏi Quỳnh Hoa:

- Nghe nói chị cả cô, Kim Hoa cũng ở chỗ cha cô?

- Dạ vâng, chị ấy tới cùng với thầy tôi.

- Cô ấy cũng lên đây nhiều ngày rồi nhỉ! Chị cả cô ở nhà còn có bố mẹ chồng và con nhỏ, cũng phải để cô ấy về nhà chăm sóc họ, cô nói có phải không?

Quỳnh Hoa cảm thấy những lời Vương Hãn Đông nói cũng có lí:

- Đúng là phải để chị ấy về nhà xem thế nào. Bây giờ tôi có thời gian để hầu hạ thầy tôi rồi, chị ấy cũng không cần phải ở lại đây nữa.

- Thế này đi, chúng ta tới nhà bộ trưởng Từ trước, cô mang theo đồ đạc của mình đi rồi tôi đưa cô tới chỗ bố cô. Cô thấy được không?

- Được!

- Có điều tôi có vài lời phải nói rõ với cô. Bắt đầu từ lúc này, bất cứ việc gì liên quan tới bất cứ ai của nhà họ Từ, cô đều không được hé răng với người khác nửa lời! Cô là người nhà quê, không hiểu chính trị, càng không hiểu kỉ luật chính trị. Bất cứ chuyện gì ở nhà cán bộ lãnh đạo, cho dù là việc to việc nhỏ cũng là cơ mật của Đảng và quốc gia. Nói linh tinh bên ngoài là tiết lộ bí mật. Tiết lộ bí mật sẽ bị Đảng và nhà nước xử lí, cô không gánh nổi đâu! Điều này cô đã hiểu chưa? Nếu cô tiết lộ bất cứ bí mật nào, mọi hậu quả cô đều phải tự gánh chịu, tới lúc đó chẳng ai giúp được cô đâu! Ngày trước cô không hiểu chuyện, nói ra những chuyện không nên nói, không ai tính toán gì với cô. Sau này sẽ khác, nếu cô còn phạm lỗi giống như vậy, thì nghĩa là cô đã biết mình sai còn cố làm, tội càng nặng thêm! Tôi vì quý cô nên mới nói cho cô hiểu. - Vương Hãn Đông vừa đánh vừa xoa, mục đích là để bịt chặt miệng Quỳnh Hoa.

Quỳnh Hoa “ừ” một tiếng. Cho dù lời Vương Hãn Đông nói là thật hay giả thì ít nhất Quỳnh Hoa cũng hiểu ra một việc, nếu đắc tội với đám người làm quan này thì cô sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp gì.

Vương Hãn Đông nói xong những lời cần nói mới khởi động xe, lái ra khỏi khách sạn. Trước tiên họ tới nhà Từ Thẩm Bình, Quỳnh Hoa thấy ôsin cũ đã quay trở lại, biết là hôm nay, sau khi đi ra khỏi cánh cổng này, mình không bao giờ còn quay về được nữa. Dưới sự giám sát của cô ôsin đó, Quỳnh Hoa vào phòng để sắp xếp đồ đạc. Cô ôsin mới tới, chuyển vào phòng của Quỳnh Hoa ở. Đồ đạc của Quỳnh Hoa, cô ta để hết vào một cái thùng giấy. Cũng may Quỳnh Hoa không có nhiều đồ dùng cá nhân, việc thu dọn cũng tương đối đơn giản. Quỳnh Hoa bê cái thùng giấy lên ô tô của Vương Hãn Đông, Vương Hãn Đông đưa cô tới thẳng căn nhà nhỏ mà Ngô Giải Phóng ở. Quỳnh Hoa thấy thật may mắn vì khi rời nhà họ Từ tới khách sạn, cô đã mang cả cuốn sổ nhỏ có ghi các khoản “tiền đen” của nhà họ Từ, nếu không rất có thể đã bị cô ôsin đó phát hiện ra, từ lời cảnh cáo của Vương Hãn Đông vừa nãy có thể đoán ra, cô không thể gây thêm phiền phức gì nữa.

Sự quay về của Quỳnh Hoa khiến Ngô Giải Phóng vô cùng mừng rỡ. Quỳnh Hoa vì muốn giấu giếm nên chỉ nói với cha và Kim Hoa:

- Kim Hoa lên đây không ít ngày rồi, ở nhà còn bố mẹ chồng, còn con nhỏ, không về thăm nhà thì không yên tâm được. Nếu Kim Hoa về rồi thì thầy lại thiếu người chăm sóc. Con nói với nhà họ Từ rồi, xin nghỉ phép một thời gian, khi nào thầy làm xong phẫu thuật thì con lại quay về làm việc. Nhà người ta dù sao cũng là cán bộ cấp cao, thông tình đạt lí lắm. Bộ trưởng Từ nói con cái hiếu kính với cha mẹ là chuyện nên làm, bởi vậy cho con quay về.

Những câu nói dối của Quỳnh Hoa có đầu có cuối, bởi vậy cả Ngô Giải Phóng và Kim Hoa đều mắc lừa. Kim Hoa từ sau khi theo Ngô Giải Phóng lên đây, có nhiều lúc rất nhớ nhà, nhất là nhớ con trai, nhưng nhớ cũng chẳng làm thế nào được. Quỳnh Hoa vừa mới nhắc tới, nỗi nhớ nhà của cô lại trào dâng trong lòng:

- Chị cũng đi không ít ngày rồi, phải về nhà xem thế nào. Nhất là thằng Đường Lượng không nghe lời, thầy u của Tiểu Đường không thể nào trông được nó, không biết bây giờ thế nào rồi?

Quỳnh Hoa nói:

- Chị, chị yên tâm về thăm nhà đi. Thầy ở đây đã có em, không có việc gì đáng lo cả. Ngộ nhỡ có việc gì khó khăn thì còn Đại Xuân và Quế Hương!

Ngô Giải Phóng từ nhỏ đã cưng chiều Quỳnh Hoa hơn tất thảy mọi người, trong hai cô con gái thì đương nhiên là ông thích có Quỳnh Hoa ở cạnh hơn. Nhưng ông cũng thấy vấn đề tiền bạc rất quan trọng, bây giờ điều duy nhất ông quan tâm là sợ Quỳnh Hoa vì phải quay về chăm sóc ông mà không kiếm được tiền:

- Con không đi làm thì tiền lương làm thế nào?

Quỳnh Hoa đã nói dối thì nói dối cho trót:

- Tiền lương vẫn phát như cũ, chỉ có tiền thưởng là có thể sẽ ít đi một chút.

Ngô Giải Phóng vốn là người rất biết hài lòng với cuộc sống:

- Con không đi làm mà vẫn được nhận lương là tốt quá rồi! Tiền thưởng không có cũng là phải, sao lại tính toán với nhà chủ tiền thưởng nhiều hay ít được?

Kim Hoa cũng nói:

- Thầy nói đúng đấy. Cùng Hoa, em đúng là gặp được người tốt rồi. Làm gì có ai không làm việc mà vẫn được trả tiền như em?

Quỳnh Hoa chỉ đành lấp liếm cho qua chuyện:

- Đúng thế, đúng thế.

Ngô Giải Phóng trong lúc cao hứng, bèn bảo Kim Hoa gọi điện cho Đại Xuân, nói với anh là Cùng Hoa đã về rồi. Quỳnh Hoa nói với Kim Hoa:

- Chị mời anh ấy và Quế Hương tới ăn cơm luôn! Bây giờ cũng quá trưa rồi, ăn cơm trưa thì chắc không kịp, chúng ta tìm quán ăn nào đó, hẹn họ tối nay tới ăn cơm.

Ngô Giải Phóng vừa nghe nói lại tới quán ăn, nụ cười lập tức sáng bừng trên khuôn mặt già nua. Ông nghĩ: “Cùng Hoa nhà mình đúng là giỏi thật. Mình thương nó nhất cũng không uổng”.

Bởi vì tối nay đi ăn ngoài quán nên Kim Hoa chỉ làm vài món ăn đơn giản cho mọi người. Buổi chiều cô đi mua vé tàu hỏa, định ngày mai sẽ về luôn. Đây là lần đầu tiên Kim Hoa xa nhà, nỗi nhớ chồng con cồn cào, cô chỉ tiếc là mình không có cánh để bay ngay về với con trai và người thân.

Chập choạng tối, Quế Hương tới. Cô nói Đại Xuân phải trực buổi tối, bởi vậy không đi được. Quỳnh Hoa âm thầm cảm thấy hôm nay Đại Xuân cố ý tránh mặt cô, cô cảm thấy một nỗi thất vọng chưa từng có dâng lên trong lòng. Hôm nay Đại Xuân không tới ăn cơm không phải vì muốn tránh mặt Quỳnh Hoa mà vì muốn tránh mặt Ngô Giải Phóng. Trong lòng anh lúc nào cũng nặng như một hòn đá, không thể nào tỏ ra dửng dưng được, vì anh đã cùng Quỳnh Hoa lừa chú anh.

Quỳnh Hoa thấy Đại Xuân không tới được bèn cùng Kim Hoa, Quế Hương và Ngô Giải Phóng đón xe tới quán cơm. Vì thiếu Đại Xuân nên không khí trong bàn ăn luôn có vẻ gì đó trầm trầm, thiếu sự sôi nổi.

***

Cuối cùng thì Từ Thẩm Bình cũng đã thoát được khỏi “ải ôsin”. Mặc dù phải mất một khoản tiền nhất định nhưng Từ Thẩm Bình kiếm được tiền dễ dàng nên cũng không quan tâm lắm tới số tiền nhỏ nhoi này. Chỉ có Thẩm Thái Hồng là vẫn cằn nhằn mãi không thôi:

- Lần này mình bị thiệt nhiều quá, để cho con nhãi Quỳnh Hoa kiếm được một món hời.

Từ Thẩm Bình không buồn nói gì. Từ Văn Tuấn thì giúp bà nâng cao nhận thức:

- Em phải học chút mưu lược, phải hiểu “việc nhỏ không nhịn, tất hỏng việc lớn”. Phải học chút phép biện chứng, có mất thì mới có được.

Thẩm Thái Hồng cảm thấy trong vấn đề của Quỳnh Hoa, không ai đứng về phía bà thì chán nản im lặng.

Từ Thẩm Bình, Vương Hãn Đông và Chương Kiến Quốc đều đang lúc gặp thời. Vương Hãn Đông được điều tới Cục Giao thông làm phó cục trưởng, chuyên phụ trách về tài vụ, hành chính và đảm bảo hậu cần. Mấy việc này đều là những việc hái ra tiền. Thực ra Vương Hãn Đông cũng không quan tâm lắm tới món hời béo bở này mà chỉ quan tâm tới thực quyền bên trong, sau khi nắm được quyền quản lí tài chính của Cục Giao thông, công ty bảo lãnh của ông ta và Chương Kiến Quốc mới có việc để làm, mới có thể kiếm được nhiều tiền.

Dự án công trình đường cao tốc của Cục Giao thông thành phố đã chính thức khởi công. Nghi thức động thổ do Chương Kiến Quốc chủ trì, các lãnh đạo tỉnh, thành phố và địa phương đều tề tựu đông đủ trên thảm đỏ của công trình. Sao một tiếng pháo đinh tai và tiếng chiêng trống ầm ĩ, mười lăm vị lãnh đạo cùng cắt dải băng màu đỏ mới tinh dài hàng chục mét, thành mười sáu đoạn. Lãnh đạo thành phố trong lúc phát biểu, ngoài việc nhắc tới những thành tựu to lớn của việc xây dựng đường quốc lộ toàn thành phố mấy năm gần đây, còn khẳng định rằng Cục Giao thông vì dồn sức phát triển việc xây dựng giao thông trong thành phố, nâng cao khả năng vận tải toàn thành phố, đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển GDP của nơi này. Mặc dù các lãnh đạo thành phố biểu dương Cục Giao thông, nhưng trong lòng ai nghe thấy những lời này cũng hiểu, cái được gọi là Cục Giao thông thành phố bây giờ chẳng phải là thiên hạ của Chương Kiến Quốc, Vương Hãn Đông và Từ Thẩm Bình sao?

Vạn sự khởi đầu nan. Sau khi nghi thức khởi công xây dựng đường cao tốc kết thúc, việc xây dựng đi vào giai đoạn thi công bình thường. Tổng giám đốc Từ Thẩm Bình cũng có nhiều thời gian rỗi hơn, không những anh đã có thể bình tâm lại để tính toán “chiến lợi phẩm” thu được giai đoạn trước mà còn có thời gian để thả lỏng bản thân. Bỗng dưng anh nhớ ra chuyện Vương Hãn Đông từng hẹn anh đi xông hơi, nhưng khi đó đã từ chối. Bây giờ vừa có tâm trạng, lại có thời gian, phải đi bù lần trước mới được. Thế là anh bước vào phòng làm việc của Vương Hãn Đông.

Phòng làm việc của phó cục trưởng Cục Giao thông Vương Hãn Đông không sang trọng như phòng làm việc của giám đốc Ngân hàng Viêm Hoàng Vương Hãn Đông, nhưng mặc dù Trung ương quy định phòng làm việc của các cán bộ cấp cục không được vượt quá tiêu chuẩn 30m2, vậy mà phòng của ông vẫn vượt quá tiêu chuẩn này rất nhiều lần.

Vương Hãn Đông thấy Từ Thẩm Bình bước vào, vội vàng mời ngồi, pha trà, mời thuốc. Được phó cục trưởng Vương đón tiếp cấp dưới theo kiểu này có lẽ chỉ có mình Từ Thẩm Bình. Vương Hãn Đông cười hỏi:

- Hôm nay cậu rảnh rỗi vậy, sang phòng anh chơi có chuyện gì không?

Từ Thẩm Bình cũng cười nói:

- Anh không cần phải trêu em, không có chuyện gì thì em không tới chỗ anh được sao?

- Chỗ anh sao cậu lại không tới được? Cậu muốn tới lúc nào thì tới. Chỗ anh cũng giống như hộp đêm Đại Hào Hoa, mở cửa cả ngày. - Vương Hãn Đông nói một câu lấy lòng Từ Thẩm Bình.

- Nếu chỗ anh là hộp đêm Đại Hào Hoa thì ngày nào em cũng tới. Chỉ sợ tới lúc đó anh lại bực mình! Có điều chúng ta cũng bận rộn suốt một thời gian dài rồi, mệt mỏi quá, anh bảo có nên thư giãn một chút không?

Vương Hãn Đông vừa nghe thấy đề nghị của Từ Thẩm Bình là lập tức có tinh thần hơn:

- Triết gia Bentham người Anh có một câu nói nổi tiếng: “Con người là cỗ máy theo đuổi sự vui vẻ!”. Cậu nói chúng ta đi đâu để thư giãn đây.

- Lần trước anh rủ em đi xông hơi mà không đi được. Hôm nay đi bù, được không?

- Lần trước không đi được hoàn toàn không phải lỗi do anh. Chẳng phải cậu nói hơi nước làm cậu chóng mặt sao?

- Mỗi lúc một khác mà! Hôm đó chóng mặt không có nghĩa là hôm nay cũng chóng mặt, cũng không có nghĩa là sau này sẽ chóng mặt!

- Vậy thì quyết định vậy đi. Chờ anh sắp xếp người xong xuôi đã, khoảng tám giờ tối, anh gọi điện thoại thì cậu qua nhé.

- Anh định sắp xếp người nào?

- Cái này mà cũng phải hỏi hả? Người tắm cùng và người xoa bóp chứ ai!

Từ Thẩm Bình không biết gái mà cũng cần phải đặt trước, trong việc hưởng lạc thì đúng là Vương Hãn Đông vẫn cao thủ hơn anh.

Trong lúc hai người hào hứng nói chuyện với nhau thì có người tới văn phòng của Từ Thẩm Bình tìm anh, bởi vậy anh phải đứng lên đi về. Người tới là ai? Hóa ra là ông chủ Hoàng làm bên xây dựng. Ông chủ Hoàng đang ngồi, thấy Từ Thẩm Bình bước vào lập tức đứng thẳng lên:

- Sếp Từ, anh còn nhớ tôi không?

Từ Thẩm Bình làm sao có thể quên được ông chủ nhà quê này? Từ Thẩm Bình chỉ đáp:

- Cũng có chút ấn tượng. Ông có phải ông chủ Hoàng chuyên làm về xây dựng không?

- Đúng vậy, đúng vậy. Trí nhớ của sếp Từ tốt thật, nhìn qua là không quên. Hôm tôi tới mua tranh, anh còn tiễn tôi một đoạn nữa. Tôi lúc nào cũng ghi nhớ trong tim.

Từ Thẩm Bình sợ ông chủ Hoàng nhắc lại chuyện mua tranh trong phòng làm việc:

- Đó chỉ là chuyện nhỏ, ông nhớ làm gì? Hôm nay ông tới có chuyện gì không?

- Đúng là tôi có chút chuyện muốn nhờ anh giúp đỡ, nếu không có việc gì thì tôi đâu dám tùy tiện tới đây làm kinh động tới sếp Từ.

Từ Thẩm Bình hỏi ông chủ Hoàng:

- Chuyện gì vậy? Ông cứ nói thẳng ra đi!

- Chút chuyện nhỏ của tôi chỉ là muốn tìm một công trình xây dựng nào đó để làm. Bây giờ công trình đường cao tốc đã bắt đầu, vậy mà tôi không kiếm được công trình nào cả, máy móc thiết bị hoen gỉ hết rồi, anh em dưới trướng cũng sắp chết đói cả! Sếp Từ có giúp được không, cho chúng tôi chút việc để làm?

Ông chủ Hoàng vừa mới tới, Từ Thẩm Bình đã có thể đoán ra mục đích của ông ta, có điều để cho ông ta tự nói trước thì Từ Thẩm Bình mới có thể chiếm được thế chủ động trong nói chuyện:

- Ông chủ Hoàng, việc xây dựng đường cao tốc là một công trình hiện đại hóa trọng điểm quốc gia, tất cả các nhà thầu của công trình đều phải tuân thủ theo trình tự đấu thầu rất nghiêm ngặt, không phải ai muốn làm là có thể làm được luôn, ông không tham gia đấu thầu sao?

- Chúng tôi chỉ là một nhóm công trình nhỏ, không có giấy chứng nhận thi công, ngay cả tư cách mua phiếu tham dự thầu cũng không có, làm gì có cơ hội tham gia đấu thầu?

- Các ông không có giấy chứng nhận, lại không tham gia đấu thầu, tôi không thể vi phạm quy định của pháp luật được. Ông tìm tôi để giúp đỡ, tôi cũng muốn giúp nhưng thực sự lực bất tòng tâm, muốn giúp mà không giúp được, hi vọng ông hiểu cho chỗ khó khăn của tôi.

Từ Thẩm Bình diễn một màn từ chối vô cùng đặc sắc cho ông chủ Hoàng xem, nhưng ông ta vẫn không chịu thua, bèn lộ rõ kinh nghiệm giang hồ của mình:

- Chính sách thì chết, chỉ có người là sống, chấp hành chính sách phải tuân thủ nguyên tắc, nhưng cũng phải có tính linh hoạt. Sếp Từ có thể linh hoạt một chút, giúp tôi một lần không?

- Linh hoạt thì cũng được, nhưng tiền đề là không vi phạm nguyên tắc. Chưa tham gia đấu thầu mà đã làm công trình là vi phạm pháp luật, tôi không có cái gan này. Ông chủ Hoàng có sao?

Mấy câu nói của Từ Thẩm Bình đã dồn ông chủ Hoàng đi vào ngõ cụt:

- Sếp Từ thực sự khó xử thì tôi cũng không dám ép buộc. Có điều lần trước tôi đi nhờ xe ông, quên bức tranh trên xe. Sếp Từ có nhặt được không?

Từ Thẩm Bình cười thầm trong bụng, ông chủ Hoàng sợ mình quên bức tranh đó, nên cố tình nhắc lại đây mà! Lần trước nếu không phải ông ta chạy quá nhanh thì anh đã trả bức tranh đó cho ông ta lâu rồi! Từ Thẩm Bình giả vờ ngạc nhiên:

- Nếu không phải ông chủ Hoàng nhắc nhở thì suýt nữa tôi quên mất bức tranh đó. Hôm đó ông chạy nhanh hơn cả thỏ, nếu không tôi đã đuổi theo ông để trả bức tranh cho ông rồi. Thế này đi, tôi không để tranh ở phòng làm việc, hai giờ chiều mai ông tới đây lấy. Vậy nhé! Bây giờ tôi phải đi họp đã, ông có việc gì thì ngày mai hãy nói!

Từ Thẩm Bình đã ra lời đuổi khách, ông chủ Hoàng chẳng còn cách nào khác, đành hậm hực bỏ về.

Từ Thẩm Bình đuổi ông chủ Hoàng đi là đã phạm phải một sai lầm rất cơ bản. Trong xã hội cũ hiểm ác, các địa chủ là người nắm giữ công lí trong tay, bởi vậy “nghèo không đấu được với giàu”. Nhưng từ sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, người nghèo đã vươn lên làm chủ, bởi vậy “giàu không đấu với nghèo”, người nghèo “quẫn quá hóa liều” là điều mà những người giàu không thể nào nghĩ ra được. Ông chủ Hoàng mặc dù không phải là người nghèo nhưng so với Từ Thẩm Bình, cũng được coi là “nghèo”, trong cuộc nói chuyện vừa rồi, có vẻ như Từ Thẩm Bình đã chiến thắng, nhưng cuối cùng ai chết ai còn vẫn không thể biết trước được.

***

Kim Hoa đã về quê, Quỳnh Hoa thay Kim Hoa chăm sóc Ngô Giải Phóng, cô dồn toàn bộ sức lực của mình vào việc chuẩn bị phẫu thuật thay thận cho cha. Đã nhiều lần cô tới Bệnh viện Nhân dân thành phố để hỏi thăm các chuyên gia, kiên nhẫn chờ đợi nguồn thận hợp lí. Nhưng mấy lần đi mà vẫn công cốc.

Những người mắc bệnh trúng độc nước tiểu thời này quá nhiều, việc thay thận không còn là cái gì mới mẻ nữa. Các phóng viên ở những tờ báo nhỏ và các đài truyền hình nhỏ khi không có tin gì để viết thì có đăng mấy tin như bố vì con trai, vợ vì chồng, con gái vì mẹ mà hiến thận. Quỳnh Hoa xem những tin tức như vậy, cũng có được gợi ý: Sao mình cứ phải chờ bệnh viện tìm một nguồn thận thích hợp? Mình hiến cho thầy một quả thận là được rồi! Quỳnh Hoa không nói suy nghĩ này cho cha cô biết mà tới hỏi bác sĩ ở bệnh viện trước.

Lại tới ngày đưa Ngô Giải Phóng tới bệnh viện lọc máu, Quỳnh Hoa và Ngô Giải Phóng cùng đón taxi đi. Sau khi sắp xếp cho cha vào phòng lọc máu, Quỳnh Hoa bèn xếp hàng lấy số của chuyên gia khoa nội tiết, định hỏi thăm thật tỉ mỉ ý định của mình. Người đón tiếp Quỳnh Hoa là chủ nhiệm Trương của khoa nội tiết. Chủ nhiệm Trương sau khi đã hỏi rõ nguyên nhân Quỳnh Hoa tới đây, bèn giải thích tỉ mỉ cho cô nghe những vấn đề có liên quan. Chủ nhiệm Trương nói:

- Con người có hai quả thận, bình thường mỗi quả thận sẽ có 25% là làm việc, 75% là nghỉ ngơi. Do đó, trên thực tế, con người chỉ cần có một quả thận khỏe mạnh là có thể đảm nhận toàn bộ chức năng của thận. Con cái có thể hiến thận cho cha mẹ (hiến CTP) là vì tỉ lệ gen giống nhau trong những người cùng huyết thống khá cao, tình hình sắp xếp của các tổ chức cũng tương đối giống nhau. Chỉ cần nguồn thận cung cấp khỏe mạnh, được kiểm tra cẩn thận, việc phẫu thuật tiến hành thuận lợi thì quá nửa số người được thay thận sẽ có thời gian sống thêm là 19,5 năm, cao hơn rất nhiều so với nhận nguồn thận từ người khác, chỉ có 12,5 năm. Đối với người hiến thận có quả thận phù hợp hợp toàn thì có thể chỉ cần sử dụng một nửa thuốc khống chế miễn dịch là có thể khống chế được phản ứng bài trừ; còn trong tình hình chỉ phù hợp một nửa thì phải cần tới hai phần ba liều lượng. Ví dụ về người được thay bởi nguồn thận chung huyết thống có thời gian sống lâu nhất là bốn mươi năm, đó là điều mà những người thay thận không chung huyết thống rất khó có thể đạt được.

Chủ nhiệm Trương lại giải thích, rất nhiều ông bố bà mẹ vì nghĩ rằng cuộc đời con cái mình sau này còn rất dài nên không chịu nhận thận từ họ, họ lo rằng sau khi con cái hiến thận cho mình sẽ có nguy hiểm về sức khỏe. Nhưng nghiên cứu gần đây nhất đã phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong của người hiến thận rất thấp, chỉ khoảng 1/1000.

Những câu nói của chủ nhiệm Trương đều là những từ chuyên môn. Quỳnh Hoa nghe nửa hiểu nửa không, nhưng cô nhớ hai con số trong đó: Nếu hiến thận cùng huyết thống thì thời gian sống là 19,5 năm, còn nếu không cùng huyết thống thì chỉ sống được 12,5 năm. Cô nghĩ nếu cô hiến thận cho cha cô thì cha cô sẽ có thể sống thêm được 7 năm nữa. Quỳnh Hoa chỉ sử dụng phép trừ đơn giản nhất. Cô không có trình độ văn hóa cao, cũng không có khái niệm về thống kê, bởi vậy cô không hiểu triệt để về “thời gian sống trung bình”. Nhưng cô chỉ cần “bảy năm” là đã có đủ lí do, bởi vậy ngay lúc đó, Quỳnh Hoa đồng ý sẽ hiến thận cho cha mình.

Chủ nhiệm Trương lại tiến hành xét nghiệm máu và nhiều vấn đề liên quan khác cho Ngô Giải Phóng và Quỳnh Hoa.

Việc kiểm tra nhóm máu xem nguồn máu cung có phù hợp với nguồn máu cầu hay không cần phải tuân theo nguyên tắc sau: Nhóm máu O nhận nhóm máu O, nhóm máu B nhận nhóm máu B hoặc nhóm máu O, nhóm máu A nhận nhóm máu A hoặc nhóm máu O, nhóm máu AB thì có thể nhận nhóm máu A, B hoặc O. Nhưng để tránh khả năng có phản ứng bài trừ ở người ghép thận, để tỉ lệ chấp nhận thận mới cao hơn và giúp người bệnh sống lâu hơn, trước khi tiến hành ghép thận cần phải kiểm tra rất nhiều yếu tố khác như tế bào limphô, HLA, PRA…

Quỳnh Hoa chờ cha mình lọc máu xong bèn đưa ông tới phòng xét nghiệm lấy máu. Ngô Giải Phóng chỉ coi như là bệnh viện tiến hành kiểm tra sức khỏe nên không hỏi gì nhiều. Về tới nhà, Quỳnh Hoa kiên nhẫn chờ đợi kết quả xét nghiệm từ bệnh viện.

Có một buổi tối, Đại Xuân và Quế Hương tới thăm Ngô Giải Phóng. Khi Ngô Giải Phóng đang say mê với chương trình truyền hình trên ti vi, Quỳnh Hoa lén nói cho Đại Xuân biết về quyết định hiến thận của mình. Đại Xuân lại một lần nữa tỏ ra kinh ngạc trước quyết định của Quỳnh Hoa. Cô em họ trước mặt anh càng ngày càng trở nên khó hiểu, mấy lần cô tự mình đưa ra quyết định đột ngột, sau khi làm xong việc rồi mới nói với mọi người. Nhưng cô có cha ở bên cạnh, Đại Xuân chỉ là một người họ hàng, anh có thể nói được gì? Quỳnh Hoa bắt Đại Xuân phải giữ bí mật, không được nói sự thật cho cha cô biết, hơn nữa sau khi có kết quả xét nghiệm của cô và cha cô, phải gửi bốn mươi vạn tệ đi làm chi phí phẫu thuật. Đại Xuân nói:

- Không cần phải nộp nhiều như thế. Nộp trước 20 vạn đi! Khi nào bệnh viện đòi thì trả tiếp. Bây giờ bệnh viện thấy em có tiền, chắc chắn sẽ cắt cổ cho xem. Ở Cáp Nhĩ Tân có một bệnh nhân nằm viện hơn một tháng mà bệnh viện thu hơn 100 vạn tệ, vậy mà cuối cùng người đó vẫn chết.

Quỳnh Hoa thấy điều Đại Xuân lo lắng cũng có lí, bèn nói:

- Việc nộp tiền cho bệnh viện, anh thấy thế nào ổn thì làm.

Đại Xuân và Quế Hương ngồi thêm lúc nữa nói chuyện phiếm với Ngô Giải Phóng rồi ra về.

***

Một tuần sau, báo cáo xét nghiệm của bệnh viện đã có, mọi kết quả đều vô cùng lí tưởng. Biết được tin này, Quỳnh Hoa vui lắm, vậy là việc phẫu thuận thay thận cho cha cô đã có hi vọng, giờ chỉ còn chờ bệnh viện sắp xếp ngày lên bàn mổ nữa thôi.

Mấy ngày sau, bệnh viện thông báo cho Quỳnh Hoa, ngày kia cô và Ngô Giải Phóng vào viện trước, việc thay thận sẽ được tiến hành sau mấy ngày nữa, chủ yếu là trước khi phẫu thuật có một vài thủ tục kiểm tra sức khỏe cần hoàn thành. Quỳnh Hoa và Ngô Giải Phóng quyết định vào nằm viện theo đúng yêu cầu của bệnh viện. Trước khi nằm viện, cô lại bàn bạc với Đại Xuân, đương nhiên chỉ là mấy vấn đề cụ thể liên quan tới việc phẫu thuật. Thứ nhất là làm thế nào để giải thích cho cha cô về nguồn gốc khoản tiền mổ. Khi Kim Hoa vẫn còn ở đây, Quỳnh Hoa đã giấu đi khoản tiền này, cô nói là “có khả năng” có một “con rể quý” chịu giúp đỡ họ, bây giờ chỉ cần biến “có khả năng” thành “đã” thì chính là “đã” có một “con rể quý” chịu giúp đỡ họ. Chỉ cần không để cho bố biết con số khổng lồ của số tiền làm phẫu thuật thì chắc chắn ông sẽ không nghi ngờ gì. Vấn đề thứ hai là trước khi phẫu thuật có cần thông báo cho bốn chị em Kim Hoa ở quê hay không? Đại Xuân nói tạm thời không cần phải nói. Nếu họ biết cha và em gái phải làm phẫu thuật, chắc chắn sẽ kéo nhau lên đây, không những mất thời gian chăm sóc cho họ mà họ tới cũng chẳng giải quyết được việc gì, chi bằng chờ phẫu thuật thành công rồi mới nói cho họ biết. Vấn đề thứ ba là vấn đề chăm sóc cho Quỳnh Hoa và Ngô Giải Phóng sau khi phẫu thuật. Đại Xuân nói hôm phẫu thuật, anh và Quế Hương sẽ xin nghỉ để tới bệnh viện với họ, nếu phẫu thuật thuận lợi thì sẽ mời y tá ở bệnh viện chăm sóc cho hai người. Vấn đề gay go nhất hiện nay là làm thế nào để giải thích cho Ngô Giải Phóng hiểu tính cần thiết và cấp bách của việc làm phẫu thuật, và cả việc Quỳnh Hoa hiến thận cho ông nữa. Cuối cùng hai người thỏa thuận với nhau là nửa nói thật nửa nói dối, Quỳnh Hoa sẽ trực tiếp nói thẳng với cha cô. Không thay thận thì không giữ được tính mạng, nếu đã buộc phải thay thận thì thay muộn không bằng thay sớm. Còn việc Quỳnh Hoa hiến thận thì tạm thời cứ giấu đã, chỉ nói là bệnh viện đã tìm được nguồn thận phù hợp với Ngô Giải Phóng. Sự thật việc Quỳnh Hoa thay thận chờ sau khi phẫu thuật xong rồi nói, để tránh Ngô Giải Phóng vì không muốn nhận thận của cô mà làm lỡ thời gian làm phẫu thuật đã định. Ngô Giải Phóng nghe những lời nói đảm bảo của Quỳnh Hoa thì yên tâm đi vào bệnh viện.

Bệnh viện Nhân dân thành phố cũng rất coi trọng cuộc phẫu thuật lần này. Đối với các bác sĩ mà nói, việc tiến hành thay thận từ một cơ thể sống sang một cơ thể sống nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc thay từ nguồn thận khác. Bởi vì đồng thời phải tiến hành phẫu thuật cho cả hai người, nếu lỡ phẫu thuật thất bại thì sẽ ảnh hưởng tới tính mạng của cả hai con người, bởi vậy bệnh viện phải “điều động” đích thân chủ nhiệm Triệu của khoa ngoại làm bác sĩ mổ chính.

Quỳnh Hoa càng coi trọng cuộc phẫu thuật lần này hơn bệnh viện, cô tìm chủ nhiệm Triệu, biếu ông một phong bì 5000 tệ. Chủ nhiệm Triệu không hề có ý từ chối, lập tức nhận ngay. Ông giữ lại cho mình 3000 tệ, số còn lại trước khi tiến hành phẫu thuật, ông đưa cho bác sĩ gây mê và y tá. Đây gần như đã trở thành một quy định ngầm trong bệnh viện.

Ngày thứ ba Quỳnh Hoa vào nằm viện, cô bị đẩy vào phòng mổ. 10 giờ sáng, thận của Quỳnh Hoa đã được tách ra khỏi các tổ chức mỡ xung quanh một cách thành công, động mạch thận và ống dẫn đái cũng được cắt đứt. Bác sĩ mang quả thận vẫn còn nóng hổi của Quỳnh Hoa đặt vào kho lạnh đã chuẩn bị trước, rồi nhanh chóng tiến hành rửa thận. Đồng thời, trong phòng mổ bên cạnh, nhóm chuyên gia ghép thận đã tiến hành lần lọc máu cuối cùng trước khi ghép thận cho Ngô Giải Phóng. Phòng mổ cũng đã chuẩn bị xong xuôi việc thay thận cho ông.

10 giờ 30, thận của Quỳnh Hoa được đặt vào cơ thể Ngô Giải Phóng, việc ghép thận bắt đầu.

11 giờ 50, các tĩnh mạch, động mạch và ống dẫn đái của thận ghép được nối hoàn chỉnh. Đã có tuần hoàn máu ở thận mới ghép, nước tiểu trong bắt đầu chảy trong ống dẫn đái, các chức năng và trạng thái của thận mới đều rất tốt, phẫu thuật của Ngô Giải Phóng thành công mĩ mãn!

***

Ngô Giải Phóng và Quỳnh Hoa nằm trong Bệnh viện Nhân dân thành phố hai mấy ngày, cuối cùng cũng chờ được ngày xuất viện. Trước khi làm thủ tục xuất viện, bác sĩ khoa lâm sàng tiến hành lần kiểm tra cuối cùng, kết quả kiểm tra vô cùng khả quan, tình trạng hồi phục của Ngô Giải Phóng rất tốt. Nghe bác sĩ đánh giá về tình trạng sức khỏe của thầy mình, Quỳnh Hoa mừng lắm. Tất cả những việc cô làm cho thầy cô, cuối cùng cũng đã được đền đáp lại một cách xứng đáng.

Quỳnh Hoa theo bác sĩ điều trị chính tới phòng bác sĩ ở khoa nội tiết để nhận thông báo xuất viện. Bác sĩ lại dặn dò Quỳnh Hoa những điều cần chú ý sau khi cho Ngô Giải Phóng về. Bác sĩ nói:

- Từ giây phút cuộc phẫu thuật hoàn thành cho tới sau này, bất cứ lúc nào cũng có khả năng xuất hiện hiện tượng bài trừ. Bởi vậy sau khi đưa Ngô Giải Phóng về, cô cần tiếp tục cho ông ấy uống thuốc khống chế miễn dịch.

Một ngày trước khi làm phẫu thuật, bệnh viện đã có phương án cho Ngô Giải Phóng sử dụng thuốc khống chế miễn dịch. Năm đầu tiên sau khi phẫu thuật, Ngô Giải Phóng phải uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, sau đó tình hình ra sao rồi mới có quyết định thay đổi liều lượng sau. Nếu phát hiện ra việc bài trừ không thể nào khống chế được thì đành phải lấy thận đã thay ra, khôi phục việc điều trị thẩm tách, chờ lần ghép thận sau.

Những lời nói chuyên môn của bác sĩ khiến Quỳnh Hoa chỉ nghe hiểu một nửa. Ý chủ yếu là sau khi đưa cha cô về nhà, ngày nào cũng phải uống thuốc, nếu không quả thận mà cô hiến sẽ bị hoại tử, cha cô sẽ phải thay thận lần nữa. Nhưng thế nào là bài trừ thì cô không hiểu:

- Bác sĩ, sau khi về nhà, làm sao tôi biết được là thuốc có tác dụng hay không? Bài trừ hay không bài trừ?

- Sau khi đưa người bệnh về nhà, thứ nhất là phải quan sát cân nặng, trong một ngày mà tăng thêm một cân hoặc một tuần tăng thêm hai cân trở lên là không bình thường. Lượng nước tiểu ít hơn một lít cũng là không bình thường. Ngoài ra nếu phát hiện ra bị sốt cao trên 380, chân bên thay thận bị sưng, bệnh nhân cảm thấy sức khỏe không ổn định, mệt mỏi, tiều tụy, bất an thì cũng phải chú ý. Một khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào mà tôi nói ở trên, cô cũng phải lập tức liên lạc với chúng tôi để kịp thời khống chế và điều trị bệnh cho cha cô.

Quỳnh Hoa vẫn không yên tâm:

- Ngoài việc uống thuốc đúng giờ, thầy tôi còn phải chú ý những cái gì?

- Bệnh nhân về nhà cần rèn luyện sức khỏe, việc rèn luyện trước tiên bắt đầu từ việc vận động nhẹ, ví dụ mỗi ngày đi bộ hai mươi phút, mỗi tuần ba lần. Việc vận động có quy luật rất có lợi cho sức khỏe, có thể tăng cân, cải thiện chức năng tim mạch, tăng sức bền… Do dùng thuốc khống chế miễn dịch nên người bệnh dễ bị ánh nắng làm tổn thương hơn người thường. Nếu đi dưới ánh nắng quá gay gắt có khả năng bị ung thư da cao, bởi vậy tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt. Trong việc ăn uống cũng phải chú ý ăn liều lượng vừa phải các loại thực phẩm từ động vật như cá, gà, thịt bò, thịt nạc, tôm, sản phẩm làm từ sữa, các sản phẩm từ thực vật như sơn dược, cà rốt, củ cải, đỗ xanh, dưa hấu, bí đao, ngô. Tránh dùng các loại thức ăn ướp muối và có hàm lượng dầu mỡ cao, ít ăn thức ăn có chứa nhiều muối và canxi. Cố gắng tránh sử dụng các sản phẩm làm từ đậu.

Những lời dặn dò của bác sĩ được Quỳnh Hoa ghi lại cẩn thận trên một tờ giấy để về nhà làm theo như vậy. Sau đó, Quỳnh Hoa tìm cô y tá mà họ đã thuê trong thời gian làm việc để thanh toán tiền lương cho cô ta, cuối cùng, cô thanh toán tiền viện phí và làm thủ tục ra viện.

Quỳnh Hoa vốn tưởng rằng số tiền bốn mươi vạn mà Đại Xuân đã gửi cho bệnh viện, khi ra viện ít nhiều gì cũng còn lại một chút, nhưng nhân viên thu ngân của bệnh viện nói ra số tiền khiến Quỳnh Hoa giật nảy mình:

- Tiền điều trị của Ngô Giải Phóng và Ngô Quỳnh Hoa tổng cộng là bốn mươi bốn vạn bốn nghìn bốn trăm bốn mươi tệ bốn hào bốn xu! Trừ đi số tiền một vạn tệ đã nộp khi nhập viện, thêm vào đó là bốn mươi vạn tệ được gửi trong hai lần, tổng cộng còn thiếu ba vạn bốn nghìn bốn trăm bốn mươi bốn tệ bốn hào bốn xu.

Quỳnh Hoa quả thật không dám tin vào tai mình:

- Tôi vẫn còn thiếu ba vạn bốn nghìn bốn trăm bốn mươi bốn tệ bốn hào bốn xu?

Nhân viên thu ngân ném trả lại một câu nói lạnh lùng:

- Không sai. Vẫn còn thiếu ba vạn bốn nghìn bốn trăm bốn mươi bốn tệ bốn hào bốn xu!

- Bệnh viện các chị tính toán chuẩn thế sao? Không sai chút nào so với chị nói hả?

- Những tính toán này đều được thực hiện trên máy tính. Người thì còn sai chứ máy sai làm sao được? Cô có mang tiền tới không? Mau thanh toán đi!

Quỳnh Hoa thầm cảm thấy may mắn: Nếu không phải lúc trước mình thông minh, “lấy” trước chín vạn tệ thì chỉ dựa vào bốn mươi vạn mà Từ Thẩm Bình đưa, hôm nay chắc chắn cô không thể bước ra khỏi cổng bệnh viện này.

Mấy ngày trước khi Đại Xuân tới thăm Quỳnh Hoa, đã mang theo cả tiền rồi đưa hết cho cô. Chín vạn tệ trừ đi chi phí lọc máu cho Ngô Giải Phóng thời gian vừa rồi, rồi chi phí ăn uống, sinh hoạt và một vạn tệ làm tiền bảo đảm ở bệnh viện, còn lại gần sáu vạn tệ. Quỳnh Hoa lấy ra ba vạn bốn nghìn năm trăm tệ từ cái túi xách đeo bên người đưa cho nhân viên thu ngân của bệnh viện, số tiền trong túi cô chỉ còn lại có hai vạn, số còn lại đều là tiền lẻ. Quỳnh Hoa không dám động vào số tiền thừa, vì theo như những lời dặn dò của bác sĩ vừa nãy, sau khi đưa cha cô về còn phải tiếp tục uống thuốc khống chế miễn dịch, số tiền này phải dùng vào việc đó. Nếu không tiếp tục uống thuốc, thận thay vào có thể bị hoại tử, như vậy thì chẳng phải là uổng phí lần thay này sao?

Quỳnh Hoa thanh toán tiền viện phí xong, làm thủ tục cho hai người xuất viện. Cô về khu vực bệnh nhân tìm bác sĩ điều trị chính cho cha mình, nhờ ông kê một đơn thuốc khống chế miễn dịch. Trước khi về nhà, cô phải mua thuốc mang về. Bác sĩ kê cho Ngô Giải Phóng liều dùng trong hai tháng. Quỳnh Hoa đi trả tiền thuốc, tổng cộng hết hơn một vạn ba nghìn tệ, điều này lại khiến Quỳnh Hoa thở dài: Thuốc trong hai tháng mất hơn một vạn ba nghìn tệ, vậy một năm mất hơn 6 vạn tệ? Uống hết số thuốc này thì tiền mua thuốc lần sau biết lấy ở đâu? Nhưng việc đã đến nước này, chỉ đành đi bước nào hay bước nấy thôi.

Quỳnh Hoa thu dọn đồ đạc cá nhân của hai người rồi đón taxi đưa cha về chỗ thuê trọ.

***

Đại Xuân gần tan ca thì nhận được điện thoại của Quỳnh Hoa, biết là cha con họ đã được xuất viện. Tối hôm đó, anh cùng Quế Hương tới thăm chú họ Ngô Giải Phóng. Cả nhà lại được đoàn tụ với nhau, mọi người đều rất vui vẻ. Quỳnh Hoa gọt táo và mang chuối ra mời họ ăn. Ngô Giải Phóng sau khi thay thận, tình trạng sức khỏe đã khá hơn rất nhiều. Ông chỉ muốn bệnh mau khỏi nên cũng không nghĩ gì tới việc thận của mình là do ai hiến, bởi vậy Quỳnh Hoa cũng đỡ phải giải thích vòng vo.

***

Ngô Giải Phóng nói với Đại Xuân:

- Lần này chú tới Quỷ Môn Quan đi một vòng. Cũng may nhờ có bạn của Cùng Hoa, nếu không có cậu ấy thì chú mất mạng rồi. - Nói tới đây ông mới như người sực tỉnh khỏi cơn mơ. - Cùng Hoa, sao lúc thầy mổ không thấy người bạn của con tới? Cậu ấy không tới thăm thầy sao? Cậu ấy làm cái gì? Sao lại bận thế?

Những câu hỏi liên tiếp của Ngô Giải Phóng khiến Quỳnh Hoa không biết phải trả lời như thế nào. Thấy lời nói dối tốt đẹp của hai người sắp bị lộ, Đại Xuân vội vàng giải nguy:

- Bạn của Cùng Hoa làm về khai thác vàng, bây giờ còn đang bận với mấy mỏ vàng ở Sơn Đông, bởi vậy không có thời gian tới bệnh viện thăm chú.

Ngô Giải Phóng vỡ lẽ ra:

- Thì ra là đào vàng à, chả trách lại lắm tiền như thế! Nhưng tiền của người ta đâu có cho không chứ! Cùng Hoa, con đồng ý cậu ấy rồi hả? Bao giờ đưa tới đây cho thầy gặp mặt?

Quỳnh Hoa không nói cho thầy cô biết về chi phí thực sự của cuộc phẫu thuật. Nếu Ngô Giải Phóng mà biết phải mất tới bốn mươi vạn thì có chết ông cũng không chịu làm phẫu thuật. Số tiền khổng lồ như vậy mà nói là do bạn bè giúp thì chắc chắn Ngô Giải Phóng cũng không thể nào tin được.

Yêu cầu được gặp “con rể quý” của Ngô Giải Phóng là hoàn toàn hợp lí, Quỳnh Hoa bèn tiện miệng đồng ý:

- Chờ khi nào anh ấy từ Sơn Đông về thì con đưa tới gặp thầy.

Ngô Giải Phóng nói:

- Thầy muốn xem Lôi Phong(1) đó như thế nào. Bây giờ cậu ấy với Cùng Hoa không thân không thích mà chịu giúp đỡ mình, nói gì thì nói cũng phải cảm ơn người ta.

Quế Hương nghe ông nhắc tới Lôi Phong thì cười:

- Bây giờ làm gì có nhiều Lôi Phong sống như thế! Chú cả ngày cứ ở nhà nên không biết, bây giờ đi xe buýt thì bị móc túi, đi tàu hỏa thì bị cướp, người làm quan thì tham ô của dân.

Ngô Giải Phóng không tin lời Quế Hương:

- Ai nói không có Lôi Phong sống? Chẳng phải chú đã gặp rồi sao? Dù sao trên đời này người tốt cũng nhiều, người xấu ít, nếu không thì loạn hết rồi.

Đại Xuân thấy hai người bắt đầu tranh luận với nhau thì vội vàng chuyển chủ đề:

- Cùng Hoa, em định để chú ở đây thêm một thời gian nữa hay đưa chú về thôn Hạo Sơn luôn.

Quỳnh Hoa hiểu rõ tâm sự của cha mình, ông thực sự tưởng rằng Quỳnh Hoa đã có được anh người yêu tốt, định bụng rằng quãng đời còn lại của mình sống dựa vào sự chăm sóc của Quỳnh Hoa. Làm sao cô có thể giãi bày với cha tất cả? Lần này từ bệnh viện về, tiền trong túi cứ như bị cướp, số tiền ít ỏi còn lại nếu cứ sống trong thành phố thì không được. Họ chỉ còn cách quay về thôn Hạo Sơn:

- Thầy em muốn ở đây thêm một thời gian nữa cũng được, nhưng mà không khí thành phố ô nhiễm lắm, mùi nước máy cũng khó ngửi, không có lợi cho việc hồi phục sức khỏe sau khi mổ, em thấy cứ về thôn Hạo Sơn sẽ tốt hơn. Em cũng rời khỏi thôn một thời gian dài rồi, muốn về nhà xem thế nào, bởi vậy em đưa thầy về nhà trước, một thời gian nữa thì tính sau.

Ngô Giải Phóng lúc này nghe theo Quỳnh Hoa tất cả:

- Con thấy thế nào tốt thì làm như thế. Thầy cũng xa quê một thời gian rồi, cũng nhớ lắm, lại còn lâu không gặp Kim Hoa với Đường Lượng, thầy cũng nhớ chúng nó.

Quế Hương hỏi:

- Cùng Hoa, em không định quay về nữa hả?

Quỳnh Hoa đáp:

- Chắc chắn là em còn quay lại. Thuốc của thầy chỉ đủ uống hai tháng thôi. Hết thuốc rồi em còn phải quay lại lấy thuốc cho thầy.

“Thiếu quê hương, ta về đâu”, Quỳnh Hoa cũng rất nhớ thôn Hạo Sơn của mình. Ngày hôm sau, Quỳnh Hoa ra phố mua ít quà cho các chị và đám trẻ con ở nhà, đương nhiên cô không thể quên mua quà cho bác Thiên Minh và trưởng thôn Ngô. Khi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, cô trả tiền thuê nhà trọ rồi cùng Ngô Giải Phóng về thôn Hạo Sơn.