Ôn Lại Chuyện Ngày Xưa

Chương 17: Tôi lên Bắc Kinh học đại học

“Tôi lên Bắc Kinh học đại học, dẫn bạn vào bắc Đại Thanh Hoa, cảm nhận trước bầu không khí của giáo dục đại học, sớm lập chí hướng, bắt lấy tương lai…”

Cô chủ nhiệm đẩy mắt kính, đặt tờ rơi xuống, bổ sung: “Thời gian gồm 10 ngày cả đi lẫn về. Chi phí 1980 tệ, các em có thể đem về nhà bàn với bố mẹ, nếu muốn đi thì trong tuần này đến chỗ cô đăng ký.”

Tôi lót tờ rơi vào cuối sách, thỉnh thoảng lại nhìn một cái, đúng là có chút dao động. Trên đường tan học muốn xem kỹ hơn, vừa đi xuống cầu thang vừa lấy tờ rơi ra, nhưng chưa kịp nhìn thì *soạt* một tiếng, đã bị giật mất rồi.

“Ơ —— Lý Miễn!”

Cậu ta cầm lấy, nhìn hai lần:  “Cậu tính tham gia chuyến du ngoạn này hả?”

“Du ngoạn cái gì? Đây là trại mùa đông, tới Bắc Đại Thanh Hoa.”

“Bắc Đại Thanh Hoa.” Lý Miễn cười phì, nhét tờ rơi vào lòng tôi, “Lớp tớ không ai đăng ký cả, dù cô giáo nói cả buổi, là họ hàng nhà cô ấy tổ chức đúng không?”

Tôi lườm cậu, tức tối gập tờ rơi lại, buột miệng hỏi: “Không biết người ngoài trường có đăng ký được không nhỉ?”

Đúng lúc rời khỏi khu dạy học, Lý Miễn cúi đầu che tai, một lúc sau mới đáp: “Không biết… Cậu thích đi thì rủ Ngô Thừa Thừa ấy.”

“Năm trước cậu ấy đi với trong nhà rồi.”

“Ngụy Tiêu?”

“Cậu ấy bảo nghỉ đông bận ca hát gì đó.”

“Ồ.” Cậu nghĩ ngợi, định nói tiếp thì bỗng bị ngắt lời. Có một bạn nữ chạy ra, chỉ mặc mỗi áo lông, khoanh tay gọi tên Lý Miễn.

“Lý Miễn! Hôm nay trực nhật chung mà, sao lại về thế hả?”

“Quên.”

Kẻ trốn trực nhật là cậu rất thong dong bình thản, xoay người quay vào với bạn nữ kia, nhưng mới đi vài bước đã dừng lại bổ sung, “Nếu cậu hỏi Từ Chi Dương thì nhớ báo với tớ một tiếng.”

—-

Buổi tối ngồi học bài, tôi lại mở tờ rơi ra đọc kỹ lần nữa. Nói thật ngày ấy nào có chí hướng sớm, nhưng mấy chữ “tôi lên Bắc Kinh học đại học” như có ma lực hấp dẫn tôi.

Vấn đề ở chỗ, nếu đi một mình thì chắc chắn bố mẹ sẽ không đồng ý. Người lớn ở ký túc xá nhân viên quen trao đổi tin tức, con nít làm gì cũng cần có người đi cùng.

Ngẫm nghĩ một hồi, tôi mở sổ điện thoại ra, bấm gọi số nhà Từ Chi Dương.

Xui một nỗi là trúng dịp cậu ấy phải đi thăm họ hàng, cậu khó xử:

“Cậu đã hỏi Thừa Thừa chưa?”

“Hỏi rồi, cậu ấy mới đi năm ngoái.”

“Còn Ngụy Tiêu?”

“Cậu ấy  muốn hát hò gì đấy… Thôi bỏ đi, cũng không có gì, để tớ xem trong lớp còn ai đăng ký nữa không.”

“… Lý Miễn cũng không đi à?”

“Cậu ấy á?” Tôi nằm rạp xuống tủ đầu giường, đổi ống nghe sang bên kia, tức tối nói, “Cậu ấy bảo đó là chuyến du ngoạn, là người thân của cô giáo tổ chức, cậu ấy không đi đâu.”

Từ Chi Dương ở đầu dây bật cười, đoạn chần chừ: “Hay là tớ không đi với nhà nữa, cũng không phải họ hàng gần, có lẽ mẹ tớ sẽ cho phép.”

“Thôi, tớ không đi đâu, về sau vẫn còn nhiều cơ hội mà… Dễ có khi lên Bắc Kinh học đại học thật.”

Miệng nói thì hay lắm, nhưng cúp máy xong, tôi thất vọng ngồi thừ tại chỗ. Mẹ ôm chồng quần áo đi vào, nở nụ cười không ngoài dự đoán: “Có phải không ai đi cùng không?”

“Hứ…”

Tôi cúi đầu bò dậy, nhớ là còn phải báo cho Lý Miễn. Nhưng may nhờ có cuộc gọi này mà tôi đã bước lên đoàn tàu đi Bắc Kinh.

“Mẹ! Lý Miễn nói cậu ấy đi! Dì Chu cho cậu ấy đi rồi!”

Chuyến tàu xuất phát của chúng tôi chỉ có khoảng mười người, nhưng đến Bắc Kinh mới hay, tổng cộng có hơn một trăm người, là học sinh trung học khắp cả nước.

Mỗi lần ra ngoài là lại tấp nập đông đúc, phải phân bổ bốn chiếc xe buýt mới đủ. Vì vậy mọi người được chia theo nhóm để tiện quản lý, trên balo cắm một lá cờ màu sắc khác nhau.

Học sinh cùng nhóm sẽ sinh hoạt chung với nhau, chẳng mấy chốc đã làm thân. Nhờ dịp ấy mà chúng tôi quen Lâm Hiếu Thành – đối thủ một mất một còn trong đời Lý Miễn.

Về sau tôi thường lấy làm khó hiểu, tại sao hai người này cứ gặp mặt là lại lục đục nhỉ. Bây giờ nhớ lại, có nhiều chuyện dần dần rõ ràng, hóa ra ngay từ lần đầu gặp mặt, Lý Miễn đã ghét cậu ta.

Đánh giá như sau: lằng nhà lằng nhằng, lắm chuyện nói nhiều, người bạn của cánh chị em.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Lâm Hiếu Thành cũng không mấy tốt đẹp. Quả đúng như Lý Miễn nói, sáng nào cậu ta cũng là người dậy muộn nhất, kiểu gì cũng phải chải chuốt ăn diện thật gọn gàng; sợ lạnh nhưng cũng sợ chen lấn, tham quan mấy nơi thì toàn ngồi lì trên xe, bảo là mình đã đi từ lâu rồi; nói tiếng phổ thông lơ lớ nhưng cứ thích làm màu ồn ào, cực kỳ hướng ngoại.

Buổi tối ngày đầu tiên của trại mùa đông, tôi và Lý Miễn xuống lầu mua nước, trên đường về thì gặp cậu ta.

“Oa, có phải Bắc Kinh lạnh quá không?” Lâm Hiếu Thành cũng cầm một túi ni lông, nói, “Khô hanh ghê.”

Tôi quay qua nhìn Lý Miễn, trông cậu chẳng mặn mà gì, tôi cũng chỉ đáp chiếu lệ: “Cũng bình thường…”

“Hai cậu đi chung à?”

“Ừ.”

Cậu ta chớp mắt, bỗng cười gian: “Một cặp?”

“A?” Tôi ngẩn ra, phát hiện Lý Miễn cũng khựng bước. Đám bạn hồi ấy cũng hay đùa lắm, nhưng không ai nói thẳng như vậy cả.

Mặt tôi đỏ lựng, vội vàng khoát tay: “Bọn tớ học chung trường.”

“Ồ…” Lâm Hiếu Thành kéo dài âm cuối, đổi đề tài, “Cậu có muốn trao đổi địa chỉ không? Sau này có thể viết thư…”

“Chậc.”

Lý Miễn bỗng lên tiếng, đánh trống lảng: “Tôi thấy bạn nữ nào cậu cũng xin địa chỉ, tính giở trò gì hả?”

Mà da mặt Lâm Hiếu Thành nào có mỏng, điềm nhiên đáp: “Quen bạn qua thư thôi.”

Rồi quay sang nói với tôi tiếp: “Cậu tên Khương Lộc phải không? Tớ họ Lâm, có thể gọi tớ là Hiếu Thành.”

“À…” Từ nhỏ tới lớn tôi chưa gặp ai như vậy cả, thoáng chốc không biết phải đối đáp thế nào.

Tôi nghe ra sự khó chịu trong nhịp thở của Lý Miễn. Một giây sau, cậu dúi đống đồ uống vào lòng tôi, cau mày giục: “Con gái các cậu tắt đèn sớm, mau về đi.”

Kể từ lần ấy, chúng tôi cố ý tránh mặt Lâm Hiếu Thành, nhưng có khi duyên phận là thứ trùng hợp như vậy đấy. Ngày tham quan Vạn Lý Trường Thành, du khách đông đúc, lá cờ nhỏ cắm trên balo của tôi rơi từ bao giờ không hay.

Lúc tập hợp tôi nán lại ở quầy hàng hai phút, tính chọn vài món quà đem về. Đang định hỏi ý kiến Lý Miễn, nhưng ngẩng đầu lên lại không thấy người đâu.

Tôi nhón chân rướn người, thoáng trông thấy mấy chấm vàng nho nhỏ đang di chuyển, vội vã lách người chen vào. Nhưng đi được mười mấy bước thì bị cuốn theo dòng người xô đẩy.

Dù nhảy nhót cỡ nào cũng không thấy lá cờ nhỏ màu vàng đâu nữa.

Đang ngày đông mà cả người tôi đổ đầy mồ hôi, chỉ thiếu nước khóc òa. Tôi bí quá không biết làm gì, cuối cùng dùng hết sức chen ra ngoài, quyết định quay về bãi đậu xe, lên xe buýt chờ.

Vào thời đại điện thoại di động còn chưa phổ biến, ắt hẳn ai cũng từng nghe được lời dặn thế này: Quay về chỗ cũ nếu đi lạc.

Mồ hôi trên người bắt đầu bay hơi, tôi không ngừng hít mũi vì lạnh, chạy một vòng quanh bãi đậu xe, liên tục kiểm tra biển số, cuối cùng mới yên tâm ngồi xổm cạnh xe buýt.

Kết quả là… cửa xe mở ra, Lâm Hiếu Thành đứng trên bậc nhìn tôi, láo lếu nói: “Tớ không xuống xe. Ngoài trời siêu lạnh, người lại đông, tớ không muốn chen chúc.”

Trong xe vô cùng ấm áp, ngoài tài xế ra thì chỉ có hai đứa chúng tôi.

Lâm Hiếu Thành đi tới, ngồi chếch đối diện tôi, hỏi: “Cậu và cái cậu Lý Miễn gì kia là bạn học à?”

Chẳng hiểu sao lại có cảm giác khá sáo rỗng, do dự trả lời: “Bố mẹ chúng tớ quen nhau.”

“Hóa ra là hàng xóm.”

“Ừ.”

“Tớ cảm thấy hình như cậu ta ghét tớ?”

“… Nào có.”

Lâm Hiếu Thành bật cười, sau đó lại hỏi: “Có muốn để lại địa chỉ không? Có thể viết thư trao đổi, cậu có bạn qua thư không?”

“Không có.” Tôi chưa viết thư cho ai bao giờ.

Sột soạt một hồi, không biết cậu ta lôi đâu ra một cuốn sổ, cẩn thận xé một trang rồi ghi lại địa chỉ: “Đây là địa chỉ của tớ.”

Ngước mắt lên, người này lại lật ra trang khác, đồng thời đưa bút sang: “Cậu viết vào đây là được.”

Tôi chần chừ, thấy rõ dấu bút ở trang trước in hằn, quả nhiên y như lời Lý Miễn nói, cậu ta xin địa chỉ của hầu như tất cả.

Muốn từ chối nhưng không bịa được lý do. Tôi cầm bút viết tên tỉnh, có cảm giác ánh mắt nóng rực của Lâm Hiếu Thành đang ở ngay trên đỉnh đầu, quá lúng túng, thế là dứt khoát viết một hơi.

Để lại địa chỉ trường thôi mà, có gì to tát đâu? Nghĩ như thế bỗng nhẹ nhõm hẳn đi. Tôi dừng bút, đang định trả lại thì bất chợt nghe thấy tiếng mở cửa xe buýt.

Tôi và Lâm Hiếu Thành đồng thời quay qua nhìn, thấy Lý Miễn thở hổn hển, hai chân giẫm lên bệ lên xuống… Rồi cậu sầm mặt, không nói năng câu nào,  ngồi phịch xuống ghế bình ổn hơi thở.

Lặng thinh như tờ. Một lúc sau, chú tài xế mới nói bằng giọng Bắc Kinh: “Không tới Trường Thành không phải hảo hán, hóa ra mấy đứa không muốn làm hảo hán?”

Những chuyện khác trong trại mùa đông lần đó khá mơ hồ, tôi chỉ nhớ là về sau, người tổ chức có gửi cho chúng tôi bức ảnh tập thể. Ở trong ảnh, Lý Miễn đứng cạnh tôi xụ mặt không vui.

Ngô Thừa Thừa cười ha hả, nói: “Lý Miễn làm cái gì thế? Giận gì vậy?”

“Ừ, cậu ta ghét một bạn nam trong này.”

Ngón tay tôi di chuyển, dừng lại trên gương mặt trắng trẻo: “Là cậu này.”