KHÔNG QUAN TÂM ĐẸP XẤU, DỄ NHÌN DỄ BẢO LÀ ĐƯỢC

Mua thị nữ chỉ để giúp con đánh nhau, nghe có vẻ như truyện cười, nhưng nghiêm túc mà nói thì dù không phải đánh nhau, có thêm tay phụ việc cũng tốt. Vả lại trong nhà họ Trình, từ Lâm lão an nhân đến Tú Anh, mỗi người đều có hai thị nữ, Ngọc Tỷ chỉ có một nhũ mẫu là mợ Lý, quả thật cũng cần thêm người.

Lập tức, Tú Anh sai nha hoàn của mình là Tiểu Lạc, ra ngoài mời bà đỡ Vương đến. Bà Vương này vừa đỡ đẻ vừa buôn người, kiêm cả nghề mối mai, Trình gia quen dùng bà, khi cần sẽ gọi. Tiền công của nhà họ Trình dư dả, bà Vương khá thích chạy việc cho họ.

Vừa đi vừa hỏi Tiểu Lạc: “Lại cần mua người rồi? Hay là nương tử hoài thai con trai, muốn mua nhũ mẫu?”

Tiểu Lạc lườm bà Vương một cái: “Đến nơi bà nào dám nói lời này, là muốn mua nha hoàn cho đại tỷ nhà chúng tôi.”

Bà Vương đã tính trước trong lòng, móc một mạch* tiền ra đưa cho Tiểu Lạc: “Chuyến này làm phiền ngươi rồi, cầm mạch tiền này đi mua quà mà ăn.” Tiểu Lạc đẩy đi: “Chạy việc cho nương tử, sao mà mệt được? Về nhà nương tử khắc có thưởng, thím đừng lo.” Bà Vương đáp: “Nương tử thưởng ngươi là phần của người, ta cảm ơn ngươi, là chuyện của ta.”

[*Một trăm đồng.]

Tiểu Lạc cười khì nhận tiền, khẽ nhún gối: “Cảm ơn thím.” Bà Vương đợi nó cất tiền xong thì kéo đông kéo tây, dò hỏi vài chuyện: “Nương tử nhà ngươi cần nha đầu thế nào? Lão thái công, lão an nhân có bảo gì không? Tiểu thư yêu cầu ra sao?”

Tiểu Lạc nói nhỏ: “Tôi chỉ nói cho mỗi thím biết thôi đấy, thím đừng để lộ ra ngoài.”

Bà Vương thấy thế cũng cúi đầu xuống, nén giọng thật thấp: “Già này đã ngoài năm mươi, trước nay kín miệng, sẽ không bán đứng ngươi.”

Tiểu Lạc nói: “Tết nguyên tiêu, tiểu thư chơi cùng chúng bạn thì cãi nhau, một bầy trẻ con ồn ào cả phố. Nương tử bèn nói, tiểu thư còn nhỏ, không có trợ thủ, muốn tìm người bảo vệ chủ nhân.”

Bà Vương đăm chiêu: “Nếu cần người lanh lợi đã dễ, làm việc nặng được cũng dễ, biết hát dễ, biết chữ cũng chẳng có gì là khó, phóng mắt thấy ngay. Còn đây lại cần người trung thành, ấy là khó tìm nhất, lòng người cách một lớp da. Khó thế này, tốt nhất là thưởng thêm cho ta vài phần.”

Bà Vương được Tiểu Lạc báo tin cho, khi vào gặp Tú Anh và Lâm lão an nhân đã có sẵn dự tính. Tiểu Lạc đưa bà đến nhà giữa của Tú Anh, bà Lâm và Tố Tỷ cũng đang ở đó, bà Vương chắp tay thi lễ trước rồi mới nói: “Lão an nhân ngày càng khỏe ra. Chẳng hay gọi già đến dặn dò điều chi?”

Tú Anh đáp: “Thím là chỗ quen biết, phiền thím tìm hộ ta hai nha đầu ngoan ngoãn vâng lời cho đại tỷ nhà này.”

Bà Vương hỏi: “Nương tử cần dạng nha đầu gì? Bao lớn? Cái này phải chú ý. Chẳng qua loại tốt thường mắc, còn loại thứ thì rẻ hơn nhiều.”

Tú Anh nói: “Tốt là sao, còn thứ thì thế nào?”

Bà Vương đáp: “Tốt là vẻ ngoài cũng tươm tất, tính cách tốt, vừa chịu khó vừa nghe lời, còn thứ thì hoặc vẻ ngoài không đẹp, hoặc tính cách hơi xấu, hoặc mắc tật lười, nói chung sẽ có chỗ không toàn vẹn. Đã mua về hầu hạ tiểu thư, không cần dùng để nâng mặt mũi, tướng mạo chỉ là thứ yếu. Nhà có con trẻ, ai lại nhòm ngó thị nữ? Quan trọng nhất là cần mẫn nghe lời. Loại nha đầu này, dù vẻ ngoài không đẹp lắm nhưng cũng là hàng tốt. Đẹp thì dễ có lòng riêng, tội gì phải nuôi ong tay áo? Chi bằng xấu một chút.”

Tú Anh nghe bà nói một hơi, ngẫm lại cũng có lý, bèn bảo: “Ta muốn tìm hai đứa tầm tuổi đại tỷ, lớn lên bên nhau, sẽ thành thân thuộc.”

Bà Vương vỗ tay đánh bốp: “Chỉ có nương tử sáng suốt, ba chữ thành thân thuộc này là quan trọng nhất. Loại lanh lợi nhưng chưa kịp thân thiết, có khi còn quay ngược lại hại chủ, mua để làm gì?”

Lâm lão an nhân nói: “Hiền lành thì tốt, song đừng có mà tâng bốc cái loại vụng về vấp váp lên thành hiền lành để lừa ta. Hiền hay ngu, dù đã đến từng tuổi này nhưng ta vẫn phân biệt rõ ràng đấy.”

Bà Vương vội nói không dám, lại hỏi: “Tiền nào của nấy, chẳng hay quý phủ ra giá thế nào? Tiểu thư người vàng mạng quý, không thể qua loa. Nhưng mua bán người, cũng chia làm dăm bảy loại…”

Lâm lão an nhân ngắt lời: “Cái đồ điêu toa nhà thím! Phủ quân gia mua hai mợ nuôi, tiêu trên trăm lượng bạc, tiền chỉ có ít hoặc nhiều, làm gì có chữ đủ? Ta vừa nói muốn mua loại tốt nhất đấy, thím vậy mà bảo có ngay? Đừng chỉ nói miệng, chờ khi thím đưa ra đây đã.”

Bà Vương tươi cười, cúi người nói: “Đúng là không dối được lão an nhân, nói thật với người, phủ quân gia mua như thế là để làm ăn to, chỉ chọn mua những bé gái khéo sinh về chăm kỹ càng, dạy đọc sách viết chữ, lại thêm đánh đàn hát múa, lớn rồi thì chỉ chú tâm đợi bán được giá tốt, còn già đây chỉ là hạng buôn tôm bán tép, không có bản lĩnh lớn như vậy, đành làm trung gian, nhận vài đồng công sống tạm. Lúc mua giá thế nào, khi bán không hẳn đã là giá ấy nữa. Loại con nít năm sáu tuổi này, trong tay tôi, một đứa phải đến mười lượng —– nhưng không nhận tiền đồng, chỉ nhận bạc.”

Tú Anh xì một tiếng: “Thím khéo miệng nhỉ, ta cứ trả bằng tiền đồng đấy, trả đủ, không đưa chuỗi chín hai* đâu mà sợ.”

[*Tác giả giải thích: Theo lý, khi xâu tiền đồng, một trăm đồng là một mạch, một ngàn đồng là một xâu, nhưng trên thực tế thì khác, một mạch chưa chắc đã đủ trăm, một xâu chưa chắc đã là ngàn. Chuỗi chín hai, ý là một mạch chỉ có chín mươi hai đồng, cứ thế mà suy tiếp. Thực ra chuỗi chín hai là còn hiền đấy, còn chuỗi tám sáu, vân vân nữa. Ở đây tồn tại cả vấn đề so giá bạc và tiền đồng, có khi bạc quý hơn đồng, có khi ngược lại, tôi không giải thích kỹ làm gì, lúc cần thiết sẽ nói sau.]

Bà Vương cười khì đáp: “Tôi đâu phải sợ nương tử đưa thiếu tiền, nương tử nghĩ xem, hai nha đầu hai mươi lượng, nếu lấy tiền đồng, tôi xương cốt già yếu rồi, sao đem về nhà nổi? Thế chẳng phải muốn già này trẹo eo à?” Khiến cả phòng bật cười. Sau đó Tú Anh lấy hai lượng ba đồng một miếng bạc vụn đưa cho bà Vương: “Thôi không ép giá nữa, cầm hai lượng trước đi, còn lại biếu thím tiền trà, chờ có nha đầu rồi lại đưa phần còn lại. Không quan tâm đẹp xấu, dễ nhìn dễ bảo là được.”

Bà Vương cất gọn bạc vào tay áo, ngàn cảm vạn tạ, lại thề thốt nọ kia, rằng nhất định sẽ tìm cho bằng được hai nha đầu dễ bảo cho Ngọc Tỷ.

•••••

Lại nói bà Vương cầm bạc về nhà, thầm nghĩ vụ buôn người này ngon lành quá, không cần xinh đẹp hay lanh lợi vô cùng, mua vào rẻ, bán được giá cao, lợi cả đôi đường, bán hai nha đầu năm sáu tuổi mà kiếm được mười mấy lượng bạc, về nhà phải đốt cây nhang mới được. Nha đầu thành thật, không xinh xắn lắm, không khó mua về.

Nhà họ Trình không chỉ biết ngồi chờ tin bà Vương, Tiểu Lạc nhận tiền biếu của bà ta xong, ra ngoài mua ba thăng* hạt dưa về phát khắp nơi, xách ghế ngồi cắn hạt dưa tám chuyện với bọn Nghênh Nhi. Tiểu Hỉ cười nói: “Con nhóc nhà cô đúng là lanh lợi, còn biết mua quà hiếu kính ta.” Khiến Tiểu Lạc tát một cái: “Có đồ ăn cũng chả bịt nổi miệng chị.”

[*Dụng cụ đong lương thực, mười thăng là một đấu.]

Nghênh Nhi nói: “Chỉ e ngươi phải xin chị ấy kể chuyện cho nghe đấy.”

Tiểu Lạc liền biết đã có chuyện, cười: “Em gái tốt, ta không hỏi chị ta, chỉ hỏi cô, cô nói ta nghe với.” Đoạn vốc một vốc hạt dưa tẩm ngũ vị hương cho Nghênh Nhi. Nghênh Nhi đáp: “Thái công bảo sang xuân rồi, muốn về quê ở vài ngày, vừa là đạp thanh, vừa xem xem ruộng nương có được chăm bón đàng hoàng không. Chúng ta người được đi cùng, người phải trông nhà…”

Chưa dứt lời đã thấy Tiểu Lạc nhảy bật lên: “Nguy quá, ta chỉ đi ra ngoài một chuyến, vậy mà bỏ qua chuyện này.” Hối hận giậm chân mãi. Tiểu Hỉ mừng thầm, ngắm thỏa vẻ hối hận của Tiểu Lạc rồi mới nói: “Cái thứ không có tiền đồ, chỉ việc này mà cô đã quắn thế rồi, cô chỉ cần hầu hạ nương tử thật tốt, nương tử tất sẽ đem cô đi cùng.”

Tiểu Lạc nắm tay Tiểu Hỉ than: “Chị tốt quá nhỉ, người ta cuống đến cháy cả người, chị thì đứng xem rồi cười.”

Tiểu Hỉ nói: “Thôi thôi thôi, không trêu cô nữa, thái công bảo rồi, ngoài người coi sóc nhà cửa, tất cả tôi tớ đều phải đi theo.” Tiểu Lạc ôm ngực: “Dọa chết người.”

Cả đám nô đùa.

Lại chẳng hay Trình lão thái công đang cau chặt mày, bấm tay tính toán. Dự định ban đầu của ông Trình không phải là đi đạp thanh mà là ông có đất dưới quê, cho tá điền thuê để trồng trọt, hằng năm thu ít thuế, ngoài để nhà mình ăn thì còn để bán. Tá điền có kẻ lười người siêng, cha cần mẫn chưa chắc con cũng thế, phải thường xuyên lọc đất, ngừa hoang hóa. Ông đã qua bảy mươi, nên muốn giao việc lại cho bọn Tú Anh Trình Khiêm. Trình Khiêm trước đã từng thu thuế, nhưng chưa bao giờ giải quyết chuyện đổi tá điền này, lần này đưa đi là để học hỏi.

Không lạc đề nữa, Trình lão thái công đã quyết định, trước vụ xuân sẽ đưa cả nhà về quê. Ở quê, nhà họ Trình cũng có một tòa biệt nghiệp nhỏ, thường không ai ở, chỉ để hai ba người trông nhà, lần này về thì đến đấy trú tạm. Ông Trình chỉ sợ thầy Tô không đồng ý, chẳng ngờ thầy lại đáp: “Nên biết nỗi gian khó của việc đồng áng.” Thế mà hứng thú bừng bừng bảo Minh Trí dọn hành trang, đòi đi cùng.

Một nhà cả chủ lẫn tớ là mười mấy người, cộng thêm chăn đệm, văn phòng phẩm, đồ dùng quen tay thì tổng cộng có đến bảy tám chiếc xe, Trình Khiêm thì cưỡi riêng con la nhà. Đám Bình An người thì cưỡi la, kẻ thì đi bộ, rầm rộ ồn ã. Tiểu Lạc rốt cuộc đã toại ý được đi cùng, ngồi chung với bọn Nghênh Nhi trong một chiếc xe bốn người, mới đầu còn vén rèm ngắm cảnh, chưa đến một canh giờ đã lờ đờ ngái ngủ.

Chưa đến vụ xuân, hoa lá chưa đâm chồi, đến một ngọn cỏ cũng chẳng thấy thì đẹp đẽ gì mà ngắm? Cũng có cái gì để ngắm đâu? Ông Trình vốn cũng chẳng vì ngắm cảnh mới đi chuyến này.

Đến biệt nghiệp mới biết chút khổ cực trên đường chẳng là gì cả, biệt nghiệp này vốn không ai ở, mùi không dễ ngửi. Mà nhà xí, cũng khác với thành Giang Châu, chỉ có chủ nhân mới có vài cái bô trong phòng, còn thị nữ sai vặt đều phải ra lán cỏ tranh giải quyết, cái lán này cũng chỉ mới được dựng, bốn bề lộng gió, chính giữa đào cái hố to.

Thức ăn địa phương, dân dã nhất là ngũ cốc bốn mùa tươi ngon, đúng là ăn tới nỗi người nào người nấy mặt mày xanh lét. Dù hương vị dân dã có ngon đến đâu, nghĩ đến cái lán cỏ tranh kia, cũng chẳng còn dám ăn nhiều nữa, chưa đến vài ngày, ai nấy đều than khổ, chỉ trông mong Trình lão thái công ra lệnh để bay ngay về thành Giang Châu.

•••••

Ông Trình làm việc rất gọn ghẽ, lệnh tá điền chiếu cố Trình Khiêm, tịch thu ruộng của một gia đình lười nhác, không cho trồng trọt nữa. Điền Nhị vì quá lười, sau khi ông Trình thu lại ruộng, đành phải đưa cả nhà đến nơi khác kiếm sống, những tá điền khác đã sớm không vừa mắt với cảnh rỗi tay lêu lổng của lão, cũng chẳng xin xỏ dùm. Còn nhà Lý Lục vì mẹ già ốm đau, nộp không đủ thuế, ông Trình lại cho gã hai lượng bạc chữa bệnh, giao hẹn năm nay chỉ cần nộp bảy phần thuế, không lấy lại ruộng, ba phần còn lại để Lý Lục giữ riêng.

Trình Khiêm theo sau ông Trình, các tá điền đều biết chàng là người tháo vát, chốc lại thầm bảo ở rể mà cũng oai đến thế, chốc lại xót cho cha mẹ chàng, nhưng chẳng ai nói lời khó nghe —– Đều khom người thi lễ.

Ngọc Tỷ còn con nít, thấy thứ gì mới mẻ, dù là cành cây trụi lủi, dù là con châu chấu bằng lá tre khô, bé cũng sẽ lật tới lật lui ngắm nghía. Chợt thấy một cô bé mặt vàng bủng, mặc áo kép cũ nát, ghé vào tường nhìn bé. Mợ Lý cũng trông thấy, phẩy tay đuổi: “Nhìn cái gì nhìn cái gì? Bò rạp lên tường nhà người ta, quá không có giáo dưỡng.”

Ngọc Tỷ hiếu kỳ: “Mợ đừng đuổi nó, ta có chuyện muốn nói.” Chuyến này về quê, được ăn rất nhiều món mới, nhưng chưa từng thấy được nguyên liệu chế biến, chẳng dễ gì có một người đến đây, Ngọc Tỷ đương nhiên muốn hỏi thử. Mợ Lý đáp: “Con nít dưới quê không sạch sẽ, đại tỷ coi chừng trên người nó có chấy rận.”

Ngọc Tỷ hỏi: “Là gì cơ?”

Mợ Lý bật cười. Thở dài: “Đúng là tiểu thư nhà giàu.” Rồi tự mình bước tới dắt con bé kia đến, nó muốn khóc nhưng kìm lại: “Tôi chỉ trèo lên nhìn thôi, chân tay tê cóng, không trèo xuống được…”

Mợ Lý cũng không đứng quá gần con bé, chỉ vươn tay ra xa lau mặt cho nó rồi chải đầu bằng lược dầy, trên lược chi chít rận. Ngọc Tỷ nhìn là hiếu kỳ, hỏi nó: “Cậu tên gì.”

Con bé lí nhí đáp: “Tôi là Đóa Nhi.” Mợ Lý ngạc nhiên nói: “Ngươi mà cũng có tên à.” Con trẻ nông thôn, đặc biệt là con gái, không đặt tên là chuyện bình thường, tốt bụng thì gọi Hoa Nhi Đóa Nhi, còn không thì gọi đại tỷ nhị tỷ.

“Mẹ tôi đặt đấy.”

Ngọc Tỷ hỏi: “Mẹ cậu đâu?”

“Chết rồi.”

“…”

Con bé này cóng lắm rồi, cứ run cầm cập mãi, Ngọc Tỷ đưa bao cổ tay của mình cho nó, mợ Lý bảo: “Cho nó chén trà nóng, uống vào ấm hơn.” Bụng Đóa Nhi sôi ùng ục, Ngọc Tỷ che miệng cười: “Đói rồi phải không?” Lấy hai cái bánh thanh đoàn* từ trong hộp thức ăn ra, mình ăn một cái, đưa cái còn lại cho Đóa Nhi: “Ta cũng đói rồi, chúng ta cùng ăn vậy.”

[*Là món ăn vặt đặc sắc của người Hán ở vùng Giang Nam. Có màu xanh, dùng nước cốt cỏ Tương Mạch trộn chung với bột gạo nếp làm vỏ bánh, bên trong nhân đậu, không ngọt không ngấy, hương cỏ thoang thoảng nhưng bám lâu.]

Đóa Nhi như vẫn chưa dám nhận, mợ Lý thấy nó không biết phải trái, lại nhìn vẻ thất vọng của Ngọc Tỷ, không khỏi nói: “Sao không biết điều thế? Tiểu thư cho ngươi ăn đấy.” Đóa Nhi chùi mạnh mắt: “Nhị nương nói, dám nhận thức ăn của người khác, khiến họ nghĩ bà ấy bỏ đói tôi, sẽ đánh chết. Đừng méc tôi đã khóc nhé, khóc cũng bị đánh.”

Mợ Lý nói: “Làm thím kiểu gì thế, ác vậy?”

Đóa Nhi đáp: “Không phải thím, là mẹ kế.”

Mợ Lý mềm lòng: “Ngươi cứ uống trà ăn bánh đi, không ai méc đâu.” Ngọc Tỷ cũng dỗ dành nó: “Ở đây chỉ có ba người chúng ta, không ai nói, chẳng ai biết. Cậu để bụng đói, mẹ ruột sẽ đau lòng.” Đóa Nhi cuối cùng đã nhận thanh đoàn, ngoạm nguyên cái, dọa mợ Lý nhảy dựng lên: “Muốn nghẹn chết à.” Lại đưa trà cho nó uống. Trà ấm, Đóa Nhi không dè dặt nữa, ăn một hơi sáu cái bánh, mợ Lý rốt cuộc giành lại cái cuối cùng: “Ăn nữa sẽ căng bụng mà chết đấy.”

Ngọc Tỷ thấy Đóa Nhi như thế, tay thõng ra, thanh đoàn mới cắn một miếng trong tay rơi xuống đất…

Đến khi Trình lão thái công trở về, Ngọc Tỷ nghĩa khí thuật lại chuyện của Đóa Nhi. Ông Trình đảo mắt: “Trời ban cho Ngọc Tỷ của ta một nha hoàn tâm phúc! Ở nhà nó đã khốn khó, ít được quan tâm, Ngọc Tỷ cứu nó khỏi nguy nan, là có ơn với nó. Con nít nông thôn lòng dạ chất phác, tốt lắm, tốt lắm.”

Tục ngữ nói rất đúng “Nghèo thì đông con, ao đông cóc nhái”, cha Trương Tứ cùng vợ trước sinh hai trai một gái, cùng vợ sau sinh hai gái một trai, chẳng giàu có gì, sao mà nuôi cho hết? Con gái tốt dáng thì ra ngoài làm thị nữ cho phú gia, còn lại nhấn nước chết. Mẹ kế của con bé mong chờ “phí bồi thường” này như thế nào, ông không quan tâm lắm. Từ nhỏ đã thiếu ăn thiếu mặc, Đóa Nhi hơi khờ, càng không được yêu thích, Ông Trình đã muốn mua, Trương Tứ lãnh một lượng bạc còn thấy mình lãi, vội vã bán Đóa Nhi cho ông Trình làm thị nữ.

Lúc ông Trình dắt Ngọc Tỷ đến nhận người, mẹ kế của Đóa Nhi đang chỏ tay vào thái dương nó mà mắng: “Phí bồi thường mà con quỷ đoản mệnh này để lại còn không bằng tiền chẻ củi của ta! Cả ngày chẳng nên công cán gì, lại ăn xài biết bao củi gạo, sớm muộn gì…”

Trương Tứ hắng giọng ngắt lời, Đóa Nhi thấy Ngọc Tỷ thì sáng bừng mắt. Ông Trình không muốn có chút sơ xuất gì, lập tức viết giấy, mời trung gian, mua Đóa Nhi với giá một lượng.

Bên kia mợ Lý tìm một bộ quần áo vải thô sạch sẽ, lột sạch Đóa Nhi, nhìn nó thay áo, nói: “Cả đầu đầy chí này may mà chải sạch được, nếu nhiều chí hơn phải trét bùn vàng lên rồi hơ lửa. Sau này hầu hạ tiểu thư, cơ thể ngươi phải sạch sẽ đấy.”

Đóa Nhi chỉ biết gật đầu.

Ngọc Tỷ nói: “Cậu chỉ cần theo ta, chỉ nghe lời ta thì ta chăm sóc cho, không để người khác khinh thường, ai khinh thường cậu, cậu nói ta biết, ta ra mặt cho. Chỉ không được phép nghe lời người ngoài.”

Đóa Nhi rốt cuộc cũng đáp: “Tôi chỉ nghe lời tiểu thư.”