Nữ Hộ

Chương 18: Đuổi đánh

NỖI BẤT ĐẮC DĨ CỦA NGỰ TỶ

Tết năm rồi Ngọc Tỷ còn nhỏ, nhất định không tưng bừng đến thế, năm nay chẳng những thêm một Tô tiên sinh, mà còn có cả Ngọc Tỷ hầu hạ dưới gối, Trình gia rộn rã hơn nhiều. Ngọc Tỷ òa khóc lúc nãy, mọi người bật cười, tinh thần lại càng phấn chấn.

Ngọc Tỷ rốt cuộc thút thít đến tận giờ tý, khắp nơi vỡ òa tiếng pháo, Ngọc Tỷ lần tràng hạt đeo trước ngực, tụng: “A Di Đà Phật, mình được phép lớn lên rồi.”

Lại chọc mọi người bật cười, sau đó ai về phòng nấy nghỉ ngơi. Trình Tú Anh lại dặn Minh Trí: “Đem thêm một chậu than đến phòng thầy đi.” Lại dặn dò tôi tớ tắt đèn, cẩn thận vật dễ cháy. Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ vòng tay quanh cổ chàng, ngủ rồi.

Ngày hôm sau thức dậy, lúc gặp nhau chỉ có thể nói lời hay, trước sau Tết, theo lệ không được nói “lời mất hứng”. Ngày hôm nay Ngọc Tỷ phải dập đầu vài lần, trước tiên là đến phòng vợ chồng Tú Anh, khấu đầu trước cha mẹ đang trùm chăn trên giường lấy lì xì. Lại đi cùng vợ chồng Tú Anh đến chỗ bề trên chúc Tết. Dù là Tố Tỷ, Trình lão thái công hay Lâm lão an nhân, đều cho lì xì cả. Bà Lâm phát xong tiền mừng tuổi, bảo Tú Anh để bé cất kỹ: “Sau này phải cho nó tự quản lý tiền bạc rồi.” Đây cũng là phương pháp dạy cháu gái duy nhất của Lâm lão an nhân, bà luôn cho rằng vì thuở nhỏ Tố Tỷ không phải tự làm việc gì, sau này mới không cứng cỏi được.

Ngọc Tỷ hỏi: “Còn chưa đến chúc Tết chỗ thầy, con phải đòi tiền mừng tuổi, hay phải trả tiền học phí đây?”

Trình Tú Anh đáp: “Tiền học phí mà cần tới con à? Mẹ chuẩn bị xong từ sớm rồi, trước mặt thầy bớt mấy lời tầm thường này nhé, con chỉ cần vào dập đầu, nói vài câu may mắn là đủ. Không được đòi gì cả, nhớ chưa?”

Ngọc Tỷ nói: “Nhớ rồi ạ.”

Lại đến chỗ Tô tiên sinh chúc tết, ông Trình đương nhiên sẽ không cắt xén tiền học phí của thầy Tô, đã sớm thanh toán năm trước rồi, cũng đã đóng luôn cho năm sau. Năm ngoái Tô tiên sinh đi bát phố, chọn mua một bộ văn phòng tứ bảo*, tạm lấy làm quà mừng tuổi cho Ngọc Tỷ. Trình Khiêm vẫn chưa chính thức là học trò của thầy, giờ chỉ có thể xem là người kèm con gái học, bèn không tặng gì.

[*Bút, mực, giấy, nghiên.]

Sau đó chính là bái thần, Tô tiên sinh không đi theo. Một mình ở tiểu viện ngửa mặt nhìn trời, cũng chẳng biết đang nghĩ gì. Già trẻ lớn bé Trình gia theo thứ tự dâng rượu Tiêu Bách, uống canh đào. Lại tới sảnh chính nơi Trình lão thái công ở, dâng rượu Đồ Tô, xơi kẹo mạch nha, trình mâm Ngũ Tân*. Tiến phu vu tán, cước khước quỷ hoàn**, mỗi người dâng một con gà. Phen này uống rượu, bắt buộc phải bắt đầu từ Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ sặc đỏ cả mặt, nước mắt tuôn ra, Tố Tỷ nhìn mà đau lòng không thôi.

[*Là mâm năm loại rau có vị cay, dùng làm rau trộn thức ăn.]

[**Đi khắp nơi, mang theo Khước Quỷ Hoàn. Khước Quỷ Hoàn là viên đan dược dùng để trừ tà ma vào tết nguyên đán.]

Sau đó cắm gỗ đào trấn cửa, gỗ đào được xưng là gỗ thần, ấy là tục “dùng đào mới đổi bùa cũ”.

Lại nói đến xã giao, đầu năm ông Trình có vài mâm cỗ phải dự, nào là Diệp lão cử nhân năm ấy cùng đậu tú tài mời ông, nào là bà Lâm đưa ông về nhà mẹ đẻ, ngày ngày bôn ba. Ngọc Tỷ là hăng hái nhất, mồng một tháng giêng là tết, đến hôm ấy, chính là vào xuân. Ngọc Tỷ cùng Lâm lão an nhân về nhà họ Lâm, lại chơi chung với Lâm Nguyệt Tỷ.

Năm mới là lúc túi tiền đầy vun, hai nhà đều khá giả, không cho phép trẻ con tùy tiện ra đường, chỉ có thể ở nhà chơi. Ngọc Tỷ và Nguyệt Tỷ cả tháng không gặp nhau, cả hai đều rất nhớ đối phương. Nguyệt Tỷ chỉ vào tràng hạt Ngọc Tỷ đang đeo, cười rằng: “Sư không ra sư, đạo không phải đạo, dì đeo nó làm gì, ngược ngạo ghê nơi.”

Ngọc Tỷ đáp: “Bà ngoại ta cho đấy. Bắt ta đeo mỗi ngày, bảo đeo thì đi đứng không bị ngã nữa, năm ngoái suýt nữa cắm mặt xuống đất rồi.”

Nguyệt Tỷ che miệng cười: “Tại dì chạy nhanh quá chứ gì? Phải cẩn thận chứ.”

Lại lục túi tiền, bổ sung cho nhau. Trong túi của Ngọc Tỷ có hai thỏi bạc nén hình hoa hải đường mà Tố Tỷ mừng năm mới, thỏi bạc nén của Nguyệt Tỷ lại đúc theo khuôn như ý, trên mặt còn có chữ vạn, ngụ ý “muôn đời như ý”.

Hai bé đều nhìn mẫu mới trong tay nhau, bèn đổi với đối phương, cùng bày ra chơi. Ngọc Tỷ về đến nhà, Tú Anh lại kiểm tra một lượt những thứ mà bé mang theo, thấy không mất thứ gì quan trọng. Ngọc Tỷ đắc ý nói: “Con cũng đâu có ngốc, hơi đâu mà coi tiền như rác chứ. Nguyệt Tỷ là tốt nhất, con chơi cùng với cháu ấy suốt, đây là đổi với món mà bà ngoại cho đấy.”

Tú Anh cầm tay bé lên xem, nói: “Thứ này cũng may mắn, đổi thì đổi, về cất vào hộp của con đi.”

Mấy ngày sau đó cũng trôi qua như thế, hàng xóm có món gì ngon vật gì tốt, cũng biếu nhau như vậy. Ngay cả chỗ mẹ con Lục thị, cũng tặng qua kính lại. Mụ hầu của Lục thị xách một hộp thức ăn trà quả vào: “Nương tử nhà tôi lệnh tôi đến đây, ra mắt nương tử, người thủ hiếu, không thể đi lung tung. Trái cây phủ ta biếu rất ngon, thiếu gia rất thích. Nhà chúng tôi cũng có vài món bánh trái, mong quý phủ không ghét bỏ.”

Vì tiến thoái hữu lễ, ngay cả Tú Anh cũng phải buông một câu: “Một người tháo vát.” Tích đức từ miệng, cũng không thêm bớt lời nào. Lâm lão an nhân lại thở dài: “Hành sự theo quy củ như thế, tiếc thật.”

Lúc ấy trò chuyện chưa hề nghĩ đến, một năm sau, hai người chỉ tiếc mình không đủ lời để rủa Lục thị. Bấy giờ chỉ lo vào bếp xem bột gạo nếp có bị ẩm không, nhân bánh có đủ chưa, chuẩn bị đến Tết Nguyên Tiêu làm bánh trôi.

Nguyên Tiêu có hai chuyện, một là ngắm đèn lồng, hai là ăn bánh trôi. Ngắm đèn lồng ngoài dịp tham gia náo nhiệt, còn là dịp để trai gái gặp gỡ nhau, kiểu như “Trăng sáng đầu cành liễu, người ước hẹn hoàng hôn”. Nhà họ Trình không có trai cần lấy vợ gái muốn gả chồng, ngắm đèn chỉ là ngắm đèn, ăn bánh trôi chỉ là ăn bánh trôi.

Nội thành Giang Châu người chật như nêm, cả nhà họ Trình cùng đi ngắm đèn. Sợ bị tách ra, bèn lấy vải thắt thành một dãy, đỡ phải bị lạc. Trình Khiêm trông con rất kỹ, đích thân đì đùng trên vai, nắm chân bé, lại buộc một đầu dây vào, đầu còn lại buộc cổ tay mình, thế mới yên bụng dẫn bé ra ngoài chơi.

Trên phố Ngọc Tỷ vừa ý một chiếc đèn hình ngựa, Lâm lão an nhân không tiếc tiền mua, lại không có tay cầm, đành bảo Lai An giữ trước.

Về đến ngõ Hậu Đức, trẻ con mỗi nhà cũng xách đèn lồng của mình đi lòng vòng, vòng tới vòng lui chính mình cũng váng đầu, chân nhũn ra ngồi phịch xuống đất, đèn trên tay rơi bẹp mất, khóc òa lên.

•••••

Hết tháng giêng, nhà nào cũng bận, Ngọc Tỷ lại vào học, bài vở dần nhiều, Tô tiên sinh quả thật bắt đầu dạy vẽ. Ngọc Tỷ mỗi khi vẽ thì khắp người khắp mặt khắp tay đều dính đầy thuốc màu, Tú Anh bắt gặp lần nào bật cười lần nấy. Ngọc Tỷ thầm cáu, tự thề sẽ chú ý, nhưng chẳng biết tại sao vừa cầm bút lên, người không chỗ này thì chỗ kia cũng sẽ dính màu.

Cứ thế hơn một tháng, mười bảy tháng ba, chính là sinh nhật bốn tuổi của Ngọc Tỷ*, ăn mì sinh nhật, mặc áo mới, đeo vòng mới. Thầy Tô vừa dạy bé một vài thuật toán, Tú Anh nghe nói con gái học toán, bèn ra ngoài tìm thợ mộc, đặt làm riêng một bàn tính nhỏ. Ngọc Tỷ cầm bàn tính vào lớp, Tô tiên sinh ngạc nhiên hỏi: “Đây là sao?”

[*Tác giả giải thích: thời đại không có thật, số tuổi trong bộ đều dựa theo thực tế.]

Ngọc Tỷ đáp: “Mẹ con nghe nói sắp học toán, bèn cho con cái này.”

Tô tiên sinh gảy hồi lâu, Ngọc Tỷ nghe tiếng hạt châu lách cách, nhìn ngón tay Tô tiên sinh lướt như bay, tưởng có cơ quan gì đó, gắng sức quan sát. Chợt nghe thầy Tô hỏi: “Cái này sử dụng thế nào?”

Ngọc Tỷ thắc mắc: “Không phải thầy sẽ dạy con sao?”

Thì ra khi Tô tiên sinh dạy học, không bàn đến thiên văn địa lý bấm đốt ngón tay, còn lại đều dùng que tính cả. Thầy cũng từng thấy bàn tính rồi, nhưng không biết dùng. Ông Trình biết được bèn nói với Tú Anh, lại lệnh chuẩn bị que tính. Thầy Tô dốt bàn tính, bèn thường đến chỗ Tú Anh thỉnh giáo thuật dùng.

Tô tiên sinh tác phong thẳng thắng như trăng sáng, Tú Anh không khỏi kinh ngạc: “Theo học con?”

Tô tiên sinh đáp: “Nương tử biết, ta không biết, đương nhiên phải thỉnh giáo con.”

Tú Anh biết viết biết tính, nhưng lại không biết phải dạy vị thầy này thế nào. Tô tiên sinh đặt tay lên trán: “Nếu nương tử không tiện, viết khẩu quyết cho ta cũng được.”

Tú Anh đành phải viết khẩu quyết cho thầy, trong nhà họ Trình vang vọng tiếng lách cách, từ tháng ba đến cuối năm, mỗi ngày từ giờ mùi đến giờ thân*, chưa từng gián đoạn. May mà thầy ở một mình trong tây viện, chỉ dùng một bàn tính, tiếng động không đến nỗi quá to, nếu không đã quấy đến hàng xóm không yên giấc.

[*Khoảng từ 1 giờ chiều đến 5 giờ chiều.]

Ngước mắt lên năm mới lại đến, trên dưới Trình gia đều biết mặt Tô tiên sinh mà thầy Tô lại không quen mặt hết tôi tớ nhà này, tất cả đều nhờ câu chuyện ấy.

•••••

Lại nói Tết Nguyên Tiêu năm nay, ngõ Hậu Đức ồn ào một bận.

Trong một năm này, chòm xóm cũng biết nhà mẹ đẻ Lục thị nghèo khổ, tuy cha là tú tài nhưng đã qua đời, mẹ không thể không gả thị đến nhà họ Du, lại dùng sính lễ cưới vợ xây nhà rồi cho anh em thị ăn học. Bây giờ vẫn còn nhờ thị trợ cấp một hai phần. Du đại hộ vừa chết, con riêng của lão đương nhiên không chịu nuôi cả nhà cậu mẹ kế, cũng chẳng muốn chia gia sản cho thằng em khác mẹ Niệm Lang kia. Tại sao? Lục thị trẻ đẹp, Du đại hộ cưng chiều thị, lúc còn sống cũng đỡ đần nhiều cho Lục gia, anh em nhà họ Lục gặp phải con trai Du đại hộ ngoài phố, cũng ra vẻ bề trên. Trong mắt người nhà họ Du, Lục gia chỉ là một ổ ăn mày, bán con gái cầu vinh, nha hoàn trong Du gia cũng được mua vào như thế —– Lại cứng cổ đòi làm vợ, cũng chả biết Du đại hộ trúng gió thế nào mà đồng ý.

Vợ nguyên phối của Du đại hộ cũng môn đăng hộ đối với ông, hợp lực hai nhà mới giàu có như thế, tự dưng có người nhảy vào leo lên vị trí vợ, được trợ cấp dài dài, con trai của vợ cả sao lại không bực? Lại lấy sổ ghi chép, mời trưởng lão trong tộc làm chứng, bảo sẽ không nuốt phần thừa kế của em nhỏ, nhưng phải ra riêng, để ngày sau khỏi phải dông dài, tục gọi là “Thân huynh đệ, phân rạch ròi”.

Liệt kê của hồi môn nhà mẹ đẻ, của hồi môn của vợ, cả tài sản chung trong tộc, đại trạch là sản nghiệp tổ tông không thể động vào, chia tới chia lui, chia được một ít cho mẹ con Lục thị, thế là xong. Mẹ con Lục thị chỉ được một cửa hàng, một ít bạc, cửa hàng thì cho thuê, tiền thì mua nhà của Liễu gia rồi dọn vào ở.

Chòm xóm nghe thế đều thở dài, bảo Lục thị mạng không tốt, đầu thai vào nhầm chỗ, cha mẹ không lành, bắt thị làm vợ kế của một ông già; đầu tiên là gặp sai người, còn trẻ đã phải thủ tiết; kế đến là con riêng bất hiếu, đuổi ra khỏi nhà. Vì thế chòm xóm dần trông nom, cũng chẳng tính toán chuyện thủ hiếu của thị, mời ra ngoài vài lần. Niệm Lang cũng dần quen được vài người bạn cùng ngõ.

Thằng bé Niệm Lang này trắng nõn đáng yêu, Lục thị cũng dạy nó đọc sách biết chữ, chỉ chờ lớn hơn một tuổi đưa vào trường tư học. Thằng nhóc này lại là mụn con lúc về già, lúc cha còn sống rất nuông chiều, Lục thị cũng chỉ có mỗi nó là con, càng thêm cưng nựng, lớn lên giữa vòng tay chiều chuộng của nhũ mẫu nha hoàn, lại thường nghe mình là công tử nhà giàu, thường có thói kiêu ngạo.

Tết Nguyên Tiêu chơi cùng mọi người, ai nấy đem lồng đèn của mình ra so. Đám trẻ trong ngõ đều được người nhà dặn dò chăm sóc cho Trình gia, Ngọc Tỷ lại đáng yêu, tính tình tốt, cũng thường đem trà quả cho mọi người ăn, từ Nga Tỷ trở xuống đều bảo đèn lồng của Ngọc Tỷ là đẹp nhất. Niệm Lang lại nổi cơn bướng bỉnh: “Cái của ta mới là đẹp nhất.”

Đoạn muốn giựt đèn của Ngọc Tỷ ném xuống đất, đồ trong tay bé, há dễ giựt? Giựt lần một lần hai đều không được. Nga Tỷ nói: “Cậu là con trai, muội ấy là con gái, hẳn nên nhường. Đèn của muội ấy cũng đẹp thật mà.” Nga Tỷ vừa nói, đám Văn Lang cũng lên tiếng bênh vực cho Ngọc Tỷ, ai thèm quan tâm cha cậu có phải Du đại hộ hay không?! Lại có nhị tỷ Lý gia đứng xem trò vui chen mồm vào: “Nga Tỷ nói thế, chính là thế.”

Khiến Niệm Lang cáu lên: “Bọn ngươi là người tốt cả, đều thương cái giống tuyệt hậu này nhỉ!”

Nga Tỷ đã lớn, biết đây không phải lời hay, phỉ phui vài tiếng: “Xùy xùy xùy! Cậu không ngoan!” Rồi kéo Ngọc Tỷ, “Chúng ta đi chỗ khác chơi, đừng để ý đến nó.”

Niệm Lang giận dữ: “Nhà nó không có con trai, cha nó ở rể, không phải tuyệt hậu thì là gì?! Ta chỉ nói thật, khen các ngươi hảo tâm! Cả nhà nó tuyệt hương hỏa, không ai viếng mộ, bị người ức hiếp còn phải lòi tiền ra nữa kìa!”

Ngọc Tỷ không hiểu nghĩ của từ “tuyệt hậu”, lúc đầu thì thế. Nhưng nghe đến phần sau thì bắt đầu thấy lạ, bé bắt đầu học từ năm lên ba, trí nhớ rất tốt, mà trong tiết thanh minh tảo mộ tế tổ nghe thấy tiếng thở dài của Trình lão thái công, thế mới hiểu được ý của từ tuyệt hương hỏa. Suy xét qua lại, bèn rõ “tuyệt hậu” không phải từ hay. Giằng khỏi tay Nga Tỷ, bé chống nạnh chỉ thẳng vào Niệm Lang: “Mày câm miệng.”

“Tao không đấy!” Niệm Lang điên lên. Nhìn đèn lồng trong tay Ngọc Tỷ, lại giật lấy ném xuống đất, Ngọc Tỷ đau tay nhưng càng nắm chặt hơn, Niệm Lang kéo mạnh một cái, tay đau vô cùng, vành mắt đỏ lên. Niệm Lang thấy Ngọc Tỷ vẫn chỏ tay về phía mình bèn đưa tay đẩy bé một cái, suýt nữa thì ngã. Nga Tỷ thấy không ổn, định bước ra phân xử.

Chợt thấy Ngọc Tỷ giơ tay giật tràng hạt trên cổ, xoay cánh tay biến tràng hạt thành một cây roi mềm, quất thẳng vào người Niệm Lang. Niệm Lang bị bé đánh bốn năm cái mới tỉnh ra, khóc cha gào mẹ chạy về nhà mình. Ngọc Tỷ vừa đuổi vừa đánh, khóc quát: “Mày mới tuyệt hậu, tao đánh mày thành tuyệt hậu!”

Nga Tỷ nói: “Mau đi tìm cha mẹ muội ấy!” Mình thì đuổi theo. Nhìn thì thấy người trước mặt chân ngắn thật, nhưng đuổi theo lại vô cùng vất vả. Ngọc Tỷ cầm hung khí trong tay đánh đến mắt long sòng sọc, Nga Tỷ không dám đến gần, thầm mắng thằng Niệm Lang đúng là khiến người ta ghét.

Một đám nhóc hô hoán um lên, khiến trưởng bối các nhà hoảng hồn túa ra xem. Lục thị ôm con trai khóc: “Con trai đáng thương của tôi.” Người cũng trúng vài roi của Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ nói: “Ta chỉ đánh nó, dì mà cản, ta đánh luôn dì! Xem cái lưỡi nát kia còn dám nói tuyệt hậu nữa không! Ta đánh cho nó tuyệt luôn!” Vừa nói vừa tiếp tục.

Lục thị trở tay muốn ngăn tràng hạt bé cầm, Ngọc Tỷ rút tay ra, đá vào tay thị.

Chòm xóm thấy việc này không ổn, lại không biết nguyên nhân, đến khi nghe được hai chữ “tuyệt hậu”, trong lòng đều rõ. Thầm bảo đánh người không tát mặt, trẻ con nhỏ như thế lại không biết giữ miệng, chẳng trách Ngọc Tỷ đòi đánh nó.

Người ta chỉ lo xem, Trình Tú Anh vừa thấy đã nóng lên, quát: “Ngọc Tỷ về ngay!”

Ngọc Tỷ hờn dỗi thu tràng hạt quay về.

Nga Tỷ thấy vẻ mặt kỳ lạ của Tú Anh, cao giọng nói: “Đừng trách Ngọc Tỷ ạ, là Niệm Lang khinh người. Bọn con cùng so đèn, ai cũng bảo của Ngọc Tỷ là đẹp, Niệm Lang lại bảo bọn con dối trá, nói Ngọc Tỷ tuyệt hậu, còn giật đèn của Ngọc Tỷ ném xuống đất, xô muội ấy ngã. Ngọc Tỷ mới giận đánh trả.”

Tú Anh lấy đèn lồng trong tay Ngọc Tỷ lên xem —– Tết Nguyên Tiêu vốn xách đèn lồng —– Giữa lòng bàn tay trắng nõn quả nhiên xuất hiện hai lằn đỏ, lập tức mắt phản chiếu ánh đỏ của đèn.