Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra rằng, kẻ sát nhân bị mắc tới hai chứng rối loạn tính cách rất nghiêm trọng.
Vậy nữ y tá “tử thần” Allitt đã mắc phải hội chứng gì? Do liên quan đến khoa học y học, nên phía cảnh sát đã phải mời chuyên gia giỏi từ khắp nơi trên thế giới đến để giải thích, phân tích vụ việc dưới góc độ chuyên môn.
Và kết luận cuối cùng là Allitt mắc cả hội chứng Munchausen và Munchausen by Proxy. Đây có thể là lý do tại sao Allitt có thể hành động không ghê tay với các bệnh nhi yếu ớt.
Người mắc hội chứng Munchausen là những người giả vờ ốm đau để được chăm sóc y tế. Họ thường làm cho mình mắc những triệu chứng kinh khủng bằng cách tự gây thương tích cho bản thân hoặc tự tiêm chất độc vào cơ thể để liên tục đến bệnh viện chữa trị.
Họ làm tất cả điều đó để muốn gây sự chú ý và chăm sóc. Nếu bác sĩ ở nơi này nghi ngờ họ giả vờ bệnh, họ sẽ tìm đến bác sĩ khác.
Phần lớn bệnh nhân Munchausen là nam giới và những người mắc hội chứng này có thể là một cậu bé hay một ông già, nhưng hội chứng nặng nhất khi ở tuổi trung niên. Bệnh nhân luôn tìm cách nói dối và che giấu hành động của mình.
Lật lại quá khứ, ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Allitt lúc nào cũng quấn băng quanh các vết thương để được mọi người chú ý nhưng không cho ai kiểm tra. Khi ở tuổi mới lớn, Allitt bắt đầu to béo, tính khí thất thường, thích gây gổ với người khác và hay kêu ca mình bị đau ốm.
Nào là đau túi mật, đau đầu, đau ruột thừa, viêm nhiễm tiết niệu, nôn mửa không kiểm soát được, thị lực kém, đau lưng chỉ để được đến bệnh viện.
Có lần, cô ta còn thuyết phục bác sĩ cắt ruột thừa trong khi không bị làm sao rồi sau đó vết mổ không thể lành vì cô ta liên tục chọc vào sẹo phẫu thuật. Allitt còn làm mình bị thương bằng búa và thủy tinh. Khi bị phát hiện, cô ta đã chuyển sang bệnh viện khác.
Lúc Allitt thành y tá và làm việc trong một bệnh xá, cô ta luôn làm những điều kỳ quặc để được chú ý. Cô ta bị nghi là đã trát phân lên tường và bỏ phân vào tủ lạnh. Khi có bạn trai, cô ta hay giả vờ mang thai.
Khi biết rằng trò giả ốm không còn có tác dụng làm người khác chú ý, Allitt tìm cách khác đó là lạm dụng trẻ em. Hành vi này của cô ta chính là hội chứng Munchausen by Proxy (MHBP).
MHBP lần đầu tiên được xác định năm 1977 với đặc điểm điển hình là một người mẹ thường xuyên đưa con gặp bác sĩ để chữa những chứng bệnh bí hiểm do chính bà ta gây ra cho đứa con nhưng lại chối biến. Bà mẹ này có thể cho con ăn uống mất vệ sinh để gây đau bụng, làm những vết thương của con trầm trọng hơn, làm con ngạt thở hoặc làm gẫy xương của con.
Nói cách khác, người mắc MHBP thường làm đau người khác để mình được chú ý. Người này cảm thấy mình có tầm quan trọng khi “cứu” đứa trẻ bằng cách đưa nó đến bệnh viện. Nếu đứa trẻ vẫn đau ốm, họ sẽ yên tâm. Còn nếu đứa trẻ hồi phục, họ sẽ nổi giận.
Những bác sĩ tâm thần học đến thăm và tiếp xúc với Allitt trong tù đều cho rằng cô ta bị hai hội chứng nói trên. Tuy nhiên, không ai có thể khiến Allitt thừa nhận những gì cô ta đã làm. Khi chờ phiên tòa xét xử, cô ta lại mắc một chứng rối loạn tâm lý khác là nhịn ăn thường xuyên do sợ béo, hậu quả là sụt cân nhanh chóng.
Sau vô số lần trì hoãn vì những căn bệnh quái gở của Allitt, cuối cùng thì phiên tòa xét xử cũng diễn ra. Bồi thẩm đoàn chỉ rõ vai trò của Allitt trong từng trường hợp. Cô ta bị cáo buộc làm bệnh nhi thiếu oxy bằng cách làm bệnh nhi nghẹt thở hoặc can thiệp vào máy tiếp oxy.
Tại phiên tòa, chuyên gia nhi khoa Roy Meadow đã giải thích về hai triệu chứng Munchausen và MHBP rồi kết luận Allitt có cả hai triệu chứng trên. Với kinh nghiệm của mình, ông Meadow cho rằng, những người như Allitt là không thể cứu chữa và là một mối nguy hiểm rõ ràng đối với người khác.
Cuối cùng, Allitt cũng chịu thừa nhận gây ra ba vụ giết người và sáu vụ tấn công. Ngày 24/5/1993, Allitt bị kết án 13 năm tù giam vì tội giết người và cố ý giết người.