Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bất tri bất giác Tần Chiêu Chiêu đã tới Thâm Quyến được ba năm.

Ba năm đổi bốn công ty, hiện tại cô đang làm việc cho một công ty cổ phần ở La Hồ. Công việc xoàng xĩnh, lương tháng tầm tầm.

Đàm Hiểu Yến nói như vậy là không tệ. “Lương tháng của mình với Thành Kiệt cộng lại chỉ suýt soát bốn ngàn, mình cậu lương bốn ngàn rồi. Mình còn thấy đỏ mắt.” Nhưng cũng thừa nhận: “Có điều, sống ở nội thành Thâm Quyến mà tháng thu nhập bốn, năm ngàn cũng chỉ hơn người nghèo tí chút.”

Tuy Tần Chiêu Chiêu không phải để dành tiền mua nhà, mua xe nhưng phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, đi xe, điện thoại, cưới hỏi… cũng không ít. Cô cũng được xem là người chi tiêu tiết kiệm, nhưng có thế nào vẫn không để ra được bao nhiêu. Đi làm ba năm mới để ra được ba vạn đồng.

So sánh ra, vợ chồng son như Đàm Hiểu Yến còn để dành được nhiều tiền hơn cô. Dù sao cũng là hai người cùng làm để dành, hơn nữa hai người sống ở ngoại thành, được bao ăn ở, chi tiêu giảm được một khoản lớn. Họ cũng không phải người tiêu pha bậy bạ nên giờ đã có được sáu vạn đồng.

Tần Chiêu Chiêu tốt nghiệp được hai năm thì Đàm Hiểu Yến kết hôn. Ngày kết hôn, cô mặc áo cưới ba lần, một lần mở tiệc ở Tứ Xuyên quê Thành Kiệt, một lần ở nhà gái đón tiếp thân hữu họ hàng, thêm một lần ở Thâm Quyến mời bạn bè cùng chỗ làm. Đàm Hiểu Yến đùa một tháng xin nghỉ mà cô cứ “kết hôn đi kết hôn lại”. Tần Chiêu Chiêu đặc biệt xin nghỉ về quê làm phù dâu trong lễ cưới bạn tốt.

Kết hôn là chuyện tốt, vốn nên vui vẻ mới phải, vậy mà ba mẹ Đàm Hiểu Yến lại vừa mừng vừa lo. Trước lúc đưa con gái lên xe hoa về nhà chồng, mẹ Đàm Hiểu Yến còn không kìm lòng được nước mắt lã chã, ba cô có phần cứng rắn hơn. Ông nắm tay con gái dặn dò: “Hiểu Yến, đã lấy chồng rồi, từ nay thành người lớn, sau này phải sống tốt với Thành Kiệt nghe không?” Rồi lại nắm tay con rể, thận trọng nói với Thành Kiệt: “Ba giao Hiểu Yến cho con, con nhất định phải đối xử tốt với nó nhé!”

Lời ba nói làm hai mắt Đàm Hiểu Yến đẫm lệ, phù dâu Tần Chiêu Chiêu cũng rơm rớm. Ngày trước xem ti vi, thấy cảnh nàng dâu về nhà chồng nước mắt lưng tròng vẫn thấy thật kỳ lạ. Kết hôn là hỷ sự, cớ gì phải khóc lóc? Đâu phải sinh ly tử biệt, thích là có thể về nhà thăm mẹ được mà. Đến giờ thấy cảnh ba mẹ dặn dò con gái sắp về nhà chồng, thấy được gương mặt kín nếp nhăn lưu luyến không muốn rời xa con gái, cô mới thật sự hiểu được.

Trước mặt ba mẹ, Đàm Hiểu Yến không dám khóc, sợ rằng sẽ khiến ba mẹ thêm buồn. Cố nén đến tận khi bước chân lên xe hoa rồi cô mới khóc òa, nước mắt lã chã trôi cả phấn son. Đến đêm động phòng, cô lại khóc thêm lượt nữa, vì em họ kể cho cô, lúc sáng cô và Thành Kiệt đi rồi, ba cô lại khóc trước mặt bạn bè thân hữu, một lát sau mới kiềm chế được.

Tần Chiêu Chiêu về nhà kể lại cho ba mẹ nghe, ba cô vốn không phải người nhiều lời cũng xúc động gật đầu. “Cũng dễ hiểu thôi. Nuôi con gái hai mươi mấy năm coi như bảo bối, giờ gả về nhà người, phận làm cha làm mẹ sao nỡ đây?”

Mẹ cô vừa bực vừa buồn cười. “Con gái hai mấy tuổi rồi còn hỏi ngốc thế sao? Con gái lớn ai chẳng phải lấy chồng, có điều đừng có học theo Hiểu Yến lấy chồng xa cho khổ. Tốt nhất nên tìm một chàng trai nào quê ở đây, sau này muốn về với mẹ cũng gần.”

Kết hôn xong, Đàm Hiểu Yến và Thành Kiệt vẫn sống trong ký túc xá nhà máy; nhà máy cũng rất có tình, phân cho họ một gian nhà riêng. Hai người định thừa lúc trẻ cố gắng kiếm tiền, dành dụm sau này về quê mở một hàng quán nhỏ làm ăn. Vốn họ định mua nhà ở ngoại thành Thâm Quyến, nhưng giá nhà cửa giờ cũng không hề rẻ, giá cả tăng đến chóng mặt.

Đàm Hiểu Yến nói: “Không mua nổi nhà ở Thâm Quyến, hay là cố gắng kiếm tiền ở đây rồi về quê mua nhà? Mua một căn ở Thâm Quyến cũng bằng ba, bốn căn ở quê.”

Cô lại hy vọng Tần Chiêu Chiêu có thể trụ ở Thâm Quyến, nửa đùa nửa thật: “Chiêu Chiêu, hay cậu xem có kiếm được một “thành phần tinh anh” có xe có nhà nào ở nội thành rồi lấy phắt đi. Nếu không thì tìm một người nào có thể cùng cậu kiếm tiền mua nhà ấy. Thâm Quyến vẫn rất tốt, đừng về quê làm gì. Cậu ở Thâm Quyến, sau này mình có lên Thâm Quyến chơi cũng có chỗ ở không mất tiền.”

Tần Chiêu Chiêu cười cười không đáp. “Thành phần tinh anh” có nhà có xe đâu phải dễ tìm, những người đàn ông có điều kiện tốt như vậy ở Thâm Quyến rất đắt hàng. Người ta có câu: “Trên trời có bao nhiêu vì sao sáng thì Thâm Quyến có bấy nhiêu trái tim muốn lấy chồng.” Mọi người đều biết Thâm Quyến hiện nay mất cân bằng nam nữ trầm trọng, rất nhiều công ty, số nhân viên nữ gần như chiếm tuyệt đối.

Ví dụ như công ty của Tần Chiêu Chiêu, tám mươi phần trăm là nữ; hai mươi phần trăm nam còn lại, trừ đi những người đã kết hôn hay có bạn gái, những người còn lại chưa chắc đã phù hợp. Thiếu cơ hội lựa chọn, cuộc sống quẩn quanh nhỏ hẹp khiến nhiều cô gái đành để tuổi xuân cứ thế ngậm ngùi trôi đi.

Kế toán trưởng họ Lôi ở công ty của Tần Chiêu Chiêu tới giờ vẫn chưa kết hôn. Chị có dáng người mảnh mai, tướng mạo đoan trang, khí chất nho nhã, mọi mặt đều tốt nhưng đã ba mươi hai tuổi vẫn chưa có chồng. Từ ngày tốt nghiệp đại học, chị chỉ một mực chú tâm vào phát triển sự nghiệp, đến khi sự nghiệp ổn định mới bắt đầu lo lắng chuyện riêng, lúc ấy mới nhận ra giờ đối tượng ít quá rồi. Những người xấp xỉ tuổi mình đều đã kết hôn, cho dù chưa lấy vợ cũng muốn tìm đối tượng trẻ trung. Không ít đối tượng phù hợp còn nói: “Nếu muốn giới thiệu đối tượng cho tôi, tốt nhất nên giới thiệu những cô dưới hai mươi lăm.”

Hai mươi lăm là độ tuổi tương đối lửng lơ, nói lớn không lớn, nói nhỏ tuyệt đối không nhỏ, gọi thiếu nữ thì ngượng miệng, mà gọi bà cô thì chưa đủ già. Con gái hai mươi lắm tuổi tựa như đóa hoa tươi đang bung nở, nhưng hoa nở tới cực hạn cũng là tiền đề cho sự suy tàn rụng rơi. Tuổi xuân như hoa, ngày xanh chẳng còn mấy nỗi.

Năm 2007, Tần Chiêu Chiêu vừa tròn hai mươi lăm. Đến tuổi này, người thân, bằng hữu bắt đầu sốt ruột chuyện chồng con cho cô: “Nên tìm đối tượng đi, không có người yêu là thành gái lỡ thì đấy.”

Ngày trước, Đàm Hiểu Yến muốn giới thiệu một vị quản lý ở xưởng cho cô, vài đồng nghiệp gợi ý cho bạn học cũ, về nhà ăn Tết ở Trường Cơ cũng có người nhiệt tình làm mối, tất thảy cô đều nhẹ nhàng xin miễn. Một là không thích kiểu xem mặt; hai là lòng tĩnh như nước, không có khát khao yêu đương; thứ nữa, cô thấy mình còn rất trẻ, cứ từ từ tìm rồi người sẽ tới. Mọi chuyện cứ thuận theo tự nhiên, không cần vội vã kiếm người xem mặt làm gì.

Thời gian như nước chảy mây trôi, hết hai hai, tới hai ba, tuổi hai tư cũng lướt qua trước mắt. Hai lăm tuổi, đối với chuyện riêng tư, Tần Chiêu Chiêu vẫn kiên trì giữ thái độ thuận theo tự nhiên.

Không bạn trai, không yêu đương, cuộc sống của Tần Chiêu Chiêu ở Thâm Quyến rất đơn giản, đi làm về hầu như chỉ ở nhà, rất ít giải trí tiêu khiển. Cô thuê một căn phòng mười hai mét vuông, nhà vệ sinh riêng, sống rất thoải mái. Tiền thuê nhà là khoản tốn kém nhất mỗi tháng, ăn mặc, đi lại có thể tạm bỏ qua, riêng ở - cô muốn phải sống thoải mái một chút, vì đây cũng coi như ngôi nhà của cô ở Thâm Quyến. Có khoảng trời riêng của mình, hằng ngày trừ lúc đi làm, còn lại cô đều ở nhà ôm laptop lên mạng hoặc vùi mình trong thư viện, đúng kiểu trạch nữ[1] điển hình.

[1] Chỉ những cô gái chỉ thích ru rú ở nhà đọc sách, xem phim…

Sống ở Thâm Quyến ba năm, cô không có thêm bạn bè tâm giao nào. Từ lúc đi làm, người với người chỉ có đua tranh giành giật lợi ích, sẽ rất khó tìm được những tình bạn thuần khiết như thời đại học, Giao tình với đồng nghiệp cùng công ty cũng bình thường, cùng ăn uống, mua sắm thì có thể, nếu để tâm sự thì chẳng có ai.

Tri kỷ số một của cô vẫn là Đàm Hiểu Yến, sau đó tới Tạ Á. Tuy cô và Tạ Á không sống cùng thành phố nhưng thời đại Internet “thế giới trong tầm tay”, khi rảnh hai người vẫn thường lên mạng tán gẫu. Hai năm trước, Tạ Á đột nhiên chia tay Âu Dương Hạo, trở về Thượng Hải, Tần Chiêu Chiêu không biết nguyên nhân, cũng ngại không hỏi, chỉ cảm thấy khó hiểu. Tình cảm của hai người họ vốn rất tốt, sao có thể nói chia tay là chia tay? Lẽ nào giống như lời báo chí vẫn nói, thời đại phù phiếm, tình cảm của người hiện đại đã biến đổi nhiều, trụ cột tình yêu cũng quá lỏng lẻo, không thể trụ được trước khảo nghiệm của thời gian?

Ngoài ra, Tần Chiêu Chiêu vẫn duy trì liên lạc với Kiều Mục. Rời Thượng Hải, quan hệ của họ thân thiết hơn vài phần. Tuy rất ít gọi điện hay chat chit tán gẫu nhưng vẫn chăm viết thư. Hai người đều có tính cách hướng nội, nói chuyện với nhau cũng không biết nên nói gì, đổi lời nói thành chữ viết lại thấy lưu loát hơn nhiều.

Trong thư, Kiều Mục kể cuộc sống của cậu vẫn như cũ, làm biên tập nhạc tương đối nhẹ nhàng, rảnh rỗi cậu dạy nhạc thêm. Hiện tại cậu vẫn sống ở ngôi nhà cũ với bà ngoại, nhà đã tăng giá, cậu Mục Tùng khuyên nên trả nhà, tiết kiệm tự mua một ngôi nhà nhỏ trong cậu từ chối không do dự. Cậu không định mua nhà ở Thượng Hải, giá nhà ở Thượng Hải rất cao, cậu không muốn biến thành nô lệ cho cái nhà. Huống chi cậu không có ý định ở lại Thượng Hải, sau này bà ngoại qua đời, cậu sẽ tới Hạ Môn sống như mong ước của mình.

Cô đề nghị: “Thật ra cậu có thể đưa bà tới Hạ Môn luôn bây giờ.”

Kiều Mục đáp: “Bà mình sống cả đời ở Thượng Hải, nơi này là nhà của bà. Mình không thể bắt bà rời bỏ nơi quen thuộc này, sống tha hương những năm tháng cuối đời được.”

Tần Chiêu Chiêu âm thầm thán phục sự săn sóc và bảo vệ của Kiều Mục dành cho bà.