Vương Huệ vừa về kinh thì thấy người nhà vào báo có người mang tin mừng đến. Vương Huệ hỏi có việc gì vui mừng, người báo tin cúi đầu trình tờ giấy báo như sau:
"Tuần Vũ Giang Tây trình tâu: cần người có tài để giữ nơi trọng yếu. Hiện nay khuyết chức tri phủ Nam Xương. Nam Xương là nơi ở ven sông, trọng yếu, cần một vị quan có tài năng để đảm nhiệm. Vì vậy làm bản tấu xin lấy một người ở trong Bộ ra để làm việc ấy. Được chỉ bảo rằng: Nam Xương khuyết tri phủ, cho viên ngoại bộ công là Vương Huệ làm chức ấy. Khâm thử".
Vương Huệ mời người báo tin uống rượu để thưởng công cho y. Vương tạ ơn nhà vua, chỉnh đốn hành lý đi nhận chức ở Giang Tây. Vài ngày sau Vương về đến Giang Tây. Quan phủ Giang Tây trước là Cừ thái thú người phủ Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, ông xuất thân tiến sĩ, nay đã cáo bệnh về già và đã ra khỏi nha môn. Công việc ấn tín giao cho người thông phán 1 giữ. Vương thái thú đến chào và Vương đi đáp lễ. Nhưng việc bàn giao còn có đôi điểm hai bên chưa thỏa thuận, nên Vương thái thú chưa chịu nhận ngay.
Một hôm Cừ thái thú sai người đến bẩm:
- Đáng lý, thái thú phải thân hành đến bàn giao với ngài nhưng vì tuổi già lắm bệnh, tai nghe không rõ, nên ngày mai sẽ sai cậu cả thay mặt đến đây. Mọi việc đều nhờ ngài giúp đỡ cho.
Vương Huệ gật đầu. Nha môn bày cơm rượu chờ Cừ công tử đến. Quả nhiên, sau bữa cơm sớm, có một cái kiệu nhỏ đến. Trên tờ danh thiếp đỏ viết: "Vãn sinh là Cừ Cảnh Ngọc đến chào".
Vương thái thú sai mở cửa mời vào. Vương thấy Cừ công tử dáng người phong nhã, cử chỉ khác thường. Hai người thi lễ xong mời nhau ngồi. Vương thái thú nói:
- Tôi rất mong được gặp cụ nhà ta. Hôm nay nghe tin cụ không được mạnh, trong lòng tôi lấy làm áy náy.
- Thầy tôi tuổi già, mắc bệnh phổi, không làm việc được nhiều, tai nghe lại không rõ, ngài biết cho thế thực là may lắm.
- Không dám. Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Cháu ba mươi bảy.
- Thế từ trước đến nay ông vẫn đi theo cụ nhà ta hay sao?
- Khi thầy tôi làm tri huyện thì tôi hãy còn nhỏ. Tôi vẫn theo cụ Phạm làm đốc học Sơn Đông để học và xem các quyển thi giúp cụ 2. Từ khi thầy tôi làm thái thú quận Nam Xương không có ai giúp việc cho nên tôi mới về đây được mấy năm nay thôi.
- Cụ nhà tinh thần còn vượng lắm, tại sao lại vội vàng rút lui như vậy?
- Thầy tôi thường nói: "Bề hoạn phong ba, khó mà ở lâu". Vả chăng khi đỗ tú tài thì thầy tôi đã có ít mẫu ruộng có thể lo cơm cháo, nhà đã có của tổ tiên để lại có thể tránh nắng mưa. Lại có chén rượu, lò hương, cây hoa, điệu nhạc, thì cũng đủ tiêu khiển. Cho nên, ngay trong lúc phong trần thầy tôi cũng vẫn nghĩ đến việc về nơi rừng núi cỏ cây. Nay được dịp thì từ quan để về.
- Từ xưa đã có câu: "Chuyện về hưu không nên bàn với con". Nay tôi thấy ông cao thượng như vậy, mới biết cụ nhà ta treo ấn từ quan một cách vui sướng là có lý lắm.
Vương cười, nói tiếp:
- Khi nào ông đỗ đạt cao, chắc cụ lại càng vui sướng hơn nữa!
- Thưa ngài, người ta sinh ra hiền hay bất tiếu không phải ở khoa mục. Tôi chỉ muốn thầy tôi mau mau về nhà lo ruộng vườn, để tôi có thể phụng dưỡng rau cháo cho thầy tôi vui lòng, đó là điều vui thú nhất trên đời.
- Nếu vậy lại càng đáng kính!
Uống ba chén trà xong, hai người cởi áo ngoài rồi cùng ngồi bàn giao. Thấy Vương thái thú có vẻ làm khó dễ, Cừ công tử nói:
- Ngài bất tất phải phiền lòng. Thầy tôi ở đây mấy năm ăn mặc xuềnh xoàng chẳng khác một người nho sĩ, nhờ vậy mấy năm bổng lộc để dành được hơn hai nghìn lạng bạc. Nếu như số thóc, số ngựa, đồ đạc vặt vãnh có gì thiếu, thì xin cứ lấy đó mà bù vào. Thầy tôi biết ngài mấy lâu làm quan ở kinh chắc là thanh bần quyết không dám phiền đến ngài.
Vương thái thú thấy y nói rộng rãi dễ dãi như vậy, trong lòng mừng rỡ, niềm vui sướng lộ ra nét mặt. Lát sau rượu đem lên. Hai người cùng ngồi, Vương chậm rãi hỏi:
- Nhân tình ở đây như thế nào? Có những sản vật gì? Thường kiện nhau về những việc gì?
- Người Nam Xương tính tình quê mùa, không lèo lá gì. Còn chuyện sản vật và chuyện kiện tụng ở đây thì thầy tôi không để ý đến. Trừ phi có việc gì quan hệ đến cương thường đạo lý thì thầy tôi mới xét. Còn việc ruộng nương, hôn nhân, đều giao cho các huyện làm. Thầy tôi chỉ cốt sao cho nhân dân rảnh rang để cùng họ nghỉ ngơi. Còn cái chỗ kiếm lợi lộc thì thầy tôi quả không để ý đến, hay nếu có để ý đến thì tôi cũng không biết được. Ngài hỏi tôi việc đó cũng như "hỏi anh mù về đường đi" mà thôi!
Vương thái thú cười và nói:
- Cho hay cái câu: "Ba năm tri phủ thanh liêm. Mười vạn lạng bạc số tiền cũng to" nay đã không đúng lắm rồi.
Uống xong vài tuần rượu, Cừ công tử thấy điều Vương Huệ hỏi toàn là chuyện bỉ ổi nên nói:
- Thầy tôi ở đây không làm được việc gì hay, chỉ được cái ít kiện tụng. Cho nên ty thuộc rảnh rang chỉ có ngâm vịnh mà chơi. Tôi còn nhớ quan án trước đây có nói với thầy tôi: nghe nói ở quý phủ có ba thứ tiếng phải không?
Vương thái thú hỏi:
- Ba thứ tiếng gì?
- Tiếng ngâm thơ, đánh cờ và tiếng hát.
Vương thái thú cười vang:
- Ba thứ tiếng ấy là cái thú vị nhất trên đời rồi!
- Sau này ngài làm quan ở đây chỉ sợ thay ba tiếng khác vào.
- Ba tiếng gì?
- Tiếng bàn cân, tiếng bàn toán và tiếng roi.
Vương Huệ không hiểu Cừ nói xỏ mình nên trả lời:
- Vâng! Chúng ta làm việc triều đình thì phải làm ra trò chứ! Không như thế không được.
Cừ công tử tửu lượng rất cao. Vương thái thú cũng là tay rất thích rượu. Hai người uống mãi đến chiều mới thôi. Việc bàn giao như thế là xong. Vương nhận bàn giao. Cừ công tử từ biệt. Vài ngày sau, quả nhiên Cừ thái thú đưa đến một số tiền và Vương thái thú viết giấy bàn giao. Cừ thái thú đem con và gia quyến về Gia Hưng mang theo nửa thuyền tranh ảnh sách vở.
Vương Huệ tiễn Cừ thái thú ra khỏi thành mới trở về. Đúng như lời Cừ công tử đã nói, Vương lấy một cái cân quá mức, gọi tất cả thư biện của sáu phòng đến hỏi xem cái gì có lợi mà còn thừa lại thì không cho giấu giếm, y vơ vét tất cả về mình và cứ dăm ba hôm lại xét một lượt như vậy. Vương dùng thứ roi thật lớn. Vương lại đem hai cái roi vào phòng riêng để cân. Cái nào nhẹ cái nào nặng đều đánh dấu vào đấy. Khi ra công đường Vương bảo dùng roi nặng. Hễ thấy dùng roi nhẹ ra đánh thì Vương biết là lính lệ đã được của đút và Vương lại lấy roi lớn ra đánh lính lệ. Cứ làm như vậy, nha lại, nhân dân đều bị đánh tả tơi, hồn xiêu phách tán.
Tất cả phủ đều sợ ông phủ như sợ cọp, đêm nằm chiêm bao vẫn còn sợ. Quan trên nghe đến, lại cho Vương là người có năng lực nhất tỉnh Giang Tây. Làm được ba năm, đâu đâu cũng khen ngợi.
Vừa lúc ấy Ninh Vương nổi loạn ở Giang Tây, tất cả các nơi có lệnh giới nghiêm. Triều đình thăng Vương lên làm quan đạo Nam Cống đốc thúc việc quân nhu. Vương thái thú cầm giấy vội vàng đi đến Nam Cống để nhận chức.
Đến đó ít lâu, Vương đi xe bốn ngựa để tra xét các trạm, ngày đi đêm nghỉ. Hôm ấy, đến một nơi, trú tại công quán. Công quán này trước là nhà của một nhà giàu, Vương ngẩng đầu lên xem thấy treo một cái biển: trên biển có tờ giấy đỏ viết bốn chữ "Hoa lưu khai đạo" (ngựa hoa, ngựa lưu đi đầu).
Vương thấy thế trong lòng rờn rợn. Vương vào nhà ngồi. Tuỳ tùng lăng xăng lo cơm nước. Đột nhiên một cơn gió thổi, tờ giấy đỏ rơi xuống đất, ở sau xuất hiện một tờ giấy lục chữ vàng để bốn chữ lớn "thiên phủ quỳ long" Vương lại càng sợ hãi mới biết lời Quan Đế đoán rất nghiệm. Y mới hiểu cái câu "lưỡng nhật hoàng đường" tức là chữ Nam Xương vì chữ xương là gồm hai chữ nhật chồng lên nhau. Mới hay mọi việc đều có định sẵn. Vương ngồi yên không nói gì. Sau khi xem xét công việc Vương trở về nhà.
Năm sau, Ninh Vương đem quân đánh tan quân triều đình ở Nam Cống. Dân chúng mở cửa thành ôm đầu chạy như chuột, tán loạn bốn phương. Vương chống đỡ không lại, đang đêm gọi một chiếc thuyền bỏ chạy. Thuyền đang đi giữa sông Trường Giang thì gặp hơn một trăm chiếc thuyền của Ninh Vương, quân sĩ áo giáp mũ sắt sáng loáng. Trên thuyền có ngàn vạn bó đuốc. Khi đuốc chiếu thấy chiếc thuyền con thì có một tiếng hô: Bắt lấy.
Mấy mươi quân sĩ nhảy vào trong thuyền bắt sống Vương Huệ trói cặp cánh lại, đem lên thuyền lớn. Những người đi theo, người bị giết, người sợ quá nhảy xuống sông chết đuối cả. Vương Huệ sợ run cầm cập. Dưới ánh đuốc sáng, thấy Ninh Vương ngồi ở trên, Vương không dám ngẩng đầu lên. Ninh Vương thấy Vương vội vàng đứng dậy thân hành cởi trói gọi lấy áo cho Vương mặc và nói:
- Ta nay phụng chỉ của thái hậu đem binh giết bọn gian thần. Ngươi là quan có năng lực ở Giang Tây, nếu ngươi hàng theo ta thì sẽ được thăng chức ngay.
Vương Huệ run sợ cúi đầu lạy:
- Con xin tình nguyện theo hàng.
Ninh Vương nói:
- Nếu đã hàng thì để ta thân hành rót cho ngươi một chén rượu.
Bấy giờ Vương bị trói, ngực đau như dần, quỳ xuống đón rượu uống một hớp cạn hết, ngực hết đau, y lại gục đầu lạy tạ.
Ninh Vương phong cho y làm án sát Giang Tây, từ đó Vương theo quân của Ninh Vương. Nghe nói Ninh Vương là con thứ tám của nhà vua, Vương Huệ mới hiểu Quan thánh đế quân phán: "Cầm sát tỳ bà trên đầu có tám chữ vương", thực không có câu nào là không nghiệm.
Ninh Vương náo động hai năm thì bị Tân Kiến Bá là Vương Thủ Nhân 3 đánh bại và bị bắt. Bọn ngụy quan người thì bị giết người thì chạy trốn. Vương ở nhà không kịp thu thập gì chỉ lấy một cái tráp con trong có mấy quyển sách cũ và mấy lạng bạc, cải trang mặc áo xanh, đội mũ thường đang đêm chạy trốn. Đang lúc hoảng hốt, y không biết chạy đi đâu. Đi mấy ngày đường bộ y lại đi thuyền. Đi miết đến Ô Trấn tỉnh Chiết Giang. Tối hôm ấy thuyền dừng lại. Mọi người đều đi ăn điểm tâm. Vương Huệ cũng lấy mấy đồng tiền lên bờ. Chỗ ăn nào cũng chật ních người, chỉ còn một bàn có một người trẻ tuổi ngồi riêng ở đó. Vương Huệ thấy người kia phảng phất giống một người mình quen nhưng không nhớ ra ai. Người chủ quán nói:
- Ông khách! Mời ông ngồi lại đầu bàn với ông khách kia.
Vương Huệ lại ngồi đối diện với người kia. Người thanh niên đứng dậy rồi cũng ngồi xuống. Vương Huệ nhận không ra bèn hỏi:
- Xin cho biết ông ở đâu?
- Ở Gia Hưng.
- Họ là gì?
- Họ Cừ.
- Trước đây có vị quan họ Cừ làm thái thú Nam Xương có phải là bà con với ông không?
Người thanh niên kinh ngạc:
- Đó là ông nội tôi đấy, làm sao mà ông biết?
- Thế thì ông là cháu cụ Cừ rồi, tôi xin thất lễ.
- Nhưng tôi chưa hề biết họ ngài là gì và quê quán ở đâu?
- Cái đó nói ở đây không tiện, thuyền của ông ở đâu?
- Ở ngoài bờ.
Trả xong tiền, hai người dắt nhau ra ngồi ngoài thuyền.
Vương Huệ nói:
- Trước đây, tôi có gặp Cừ công tử ở Nam Xương, ông tên là Cảnh Ngọc, có phải là chú của ông không?
- Đó là thân sinh của tôi nay đã qua đời!
Vương Huệ kinh ngạc:
- Là thân sinh của ông! Thảo nào mà diện mạo giống như đúc, nhưng sao? Ông nhà đã quy tiên rồi ư?
- Ông tôi năm ấy ở Nam Xương về hưu. Năm sau thân sinh tôi bất hạnh qua đời.
Vương Huệ nghe nói nước mắt giàn giụa. Lại nói:
- Năm trước tôi ở Nam Xương được ông thân sinh ông coi tôi như tình ruột thịt! Không ngờ nay đã ra người thiên cổ! Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Tôi mới mười bảy. Nhưng mãi giờ tôi vẫn không biết tên và chỗ ở của ông.
- Có ai ở trong thuyền không?
- Họ đều lên bờ cả rồi.
Vương Huệ ghé tai thì thầm:
- Tôi là Vương Huệ làm tri phủ Nam Xương sau cụ cố.
Cừ ngạc nhiên:
- Nghe nói ngài đã thăng làm quan đạo Nam Cống kia mà. Làm sao lại cải trang đi một mình như thế này?
- Ninh Vương làm phản, tôi treo ấn bỏ trốn vì thành bị vây cho nên không lấy được tiền đi đường.
- Bây giờ ông đi đâu?
- Cùng đường lưu lạc, còn biết đi đâu!
Nhưng Vương Huệ giấu không nói đến việc mình đầu hàng Ninh Vương.
Cừ nói:
- Nay ông đã không giữ được biên cương, lại không tiện ra trình diện, chỉ còn cách lênh đênh bốn biển, tiền nong thiếu thốn, bây giờ làm thế nào? Tôi vâng lệnh ông nội tôi thu tiền những người quen ở Hàng Châu. Hiện nay trong thuyền có ít tiền, tôi xin biếu ông làm lộ phí. Ông phải tìm một nơi hẻo lánh để an thần mới được.
Nói xong lấy ra bốn túi bạc đưa cho Vương Huệ, tất cả đến hai trăm lạng. Vương Huệ cảm tạ quỳ xuống nói:
- Hai bên thuyền đều sắp nhổ neo, không thể ở lâu, tôi xin cáo biệt. Việc ông lo lắng đến tôi, tôi xin báo đáp, đến chết cũng không quên.
Vương quỳ xuống. Cừ cũng vội vàng quỳ xuống lạy mấy lạy.
Vương Huệ lại nói: - Ngoài hành lý chăn gối, tôi không còn gì, chỉ có một cái tráp trong có mấy quyển sách cũ. Lần này trôi nổi lênh đênh, nếu người ta nhận ra được vật này, sợ xảy nên chuyện. Nay xin giao lại cho ông, để tôi đi trốn tránh cho nhẹ mình.
Cừ gật đầu. Vương lập tức lại thuyền đưa tặng gói sách. Hai bên gạt nước mắt từ biệt.
Vương Huệ nói: - Xin làm ơn thưa với cụ cố: kiếp này không được gặp mặt, kiếp sau xin làm trâu ngựa để đền ơn.
Sau khi chia tay, Vương Huệ tìm đường đi Thái Hồ, đổi họ tên, cắt tóc, mặc áo đen đi tu.
Trở về Gia Hưng, Cừ nói lại với ông nội việc gặp Vương thái thú. Cừ thái thú thất kinh:
- Ông ta đầu hàng Ninh Vương rồi!
- Ông ta không nói gì với cháu việc ấy, chỉ nói là treo ấn từ quan, lại nói không mang một đồng tiền nào.
- Tuy ông ta phạm tội với triều đình nhưng là chỗ bạn cũ với ta, sao không lấy số tiền đã thu được đưa cho ông ta?
- Cháu đã đưa rồi.
- Tất cả bao nhiêu?
- Chỉ thu được hai trăm lạng, cháu đưa ông ta hết.
Thái thú vui mừng khôn xiết.
- Mày thật là con của thầy mày!
Rồi đem việc ngày xưa Cừ công tử bàn giao với Vương Huệ như thế nào kể lại một lượt.
Cậu Cừ nói chuyện với ông xong, lại vào phòng nói chuyện với mẹ là Lưu thị. Lưu thị hỏi việc đi đường an ủi mấy câu. Cừ vào phòng nghỉ.
Hôm sau Cừ nói với ông nội:
- Trong tráp của Vương thái thú có mấy quyển sách.
Và đưa ra cho ông nội xem.
Thái thú xem thì toàn là sách chép tay, nói chung là sách thông thường không có gì hay chỉ có một quyển "Cao Thanh Khâu tập thi thoại" 4. Tất cả hơn trăm trang chính tay tác giả viết rất công phu.
Thái thú nói:
- Sách này đã giấu ở nội phủ mấy chục năm nay, bao nhiêu người muốn xem mà không được. Trong thiên hạ không có bản thứ hai. Nay cháu may mắn được quyển này thực là trời cho, cháu phải cất giữ cho khéo chớ nên đưa cho người ta xem một cách dễ dàng.
Cậu Cừ nghe vậy nghĩ bụng:
- Sách này trong thiên hạ đã không có quyển thứ hai nào, thì sao không đem in nó ra đề tên của ta vào đó. Như thế là nổi danh ngay.
Nghĩ thế bèn khắc quyển sách đó ra ở trên đề tên Cao Quý Địch, ở dưới đề Cừ Dật Phu ở Gia Hưng sưu tập.
Khắc xong, in ra mấy trăm quyển gửi tặng bà con thân thích. Ai xem cũng không rời tay. Cả quận miền tây Chiết Giang đều hâm mộ danh tiếng của Cừ Dật Phu. Thái thú biết vậy thì việc đã rồi. Từ đó thường dạy Cừ làm thơ và khuyến khích y làm thơ với các danh sĩ.
Một hôm ở ngoài cửa có người vào bẩm:
- Có hai ông ở phủ Lâu đến.
Thái thú bảo người cháu:
- Các cậu mày ở phủ Lâu đến đây! Mày ra mà mời vào.
Cậu Cừ chạy ra đón. Hai người này là con của Lâu thượng thư. Thượng thư ở triều hai mươi năm. Sau khi mất đi, nhà vua cho hiệu bụt 5 là Văn Khác. Người con trưởng làm thông chính tư. Hai người này là con thứ ba tên là Bổng tự là Ngọc Đình, đậu hiếu liêm, người con thứ tư tên là Toản tự là Sắt Đình đang học ở trường Giám. Họ đều là cháu gọi Cừ thái thú bằng dượng.
Cậu Cừ theo hai người vào. Thái thú mừng rỡ, ra ngoài phòng khách, đợi trên thềm. Hai người kia đến lạy chào. Cừ thái thú đỡ họ dậy bảo Cừ Dật Phu chào hai cậu rồi mời ngồi uống trà.
Hai công tử họ Lâu nói:
- Từ khi từ biệt đến nay thấm thoắt đã mười hai năm nghe nói dượng treo ấn từ quan, không ai không phục là cao thượng. Nay đến đây, thấy dượng đầu đã bạc phơ. Cho hay nghề làm quan quả thật nhọc nhằn!
- Dượng vốn không thích làm quan. Ở Nam Xương mấy năm cũng không làm nên trò trống gì chỉ ăn hại của cải của triều đình, chi bằng về hưu là hơn. Không ngờ mới về nhà một năm thì đứa con lại mất. Lòng lại càng thêm nguội lạnh. Xét ra đó là báo ứng vì mình đã làm quan mà thôi.
Lâu Bổng nói:
- Anh Cảnh Ngọc tài cao lỗi lạc, ai ngờ không được thọ. Nhưng nay đã có cháu lớn hầu hạ dưới gối thì dượng cũng đỡ buồn.
Lâu Toản nói:
- Nghe tin anh Cảnh Ngọc mất, cháu nhớ lại thời nhỏ cùng chơi bời với nhau, không ngờ giữa đường lại chia tay. Lúc mất đi, lại không có một lời từ biệt. Cháu và anh Bổng đau xót như điên như dại. Còn anh cả cháu thì khóc suốt cả ngày.
Thái thú nói: - Anh ấy làm quan có khá không?
Hai công tử đáp:
- Thông chính tư là chức quan thanh đạm, chẳng qua là chìm nổi với đời tiêu dao ngày tháng, chứ không có bổng lộc gì. Hai cháu ở kinh buồn quá bàn nhau về làng.
Ngồi một lát, thay y phục, hai người vào thăm chị dâu. Cậu Cừ đưa họ vào phòng. Đằng trước có một cái vườn hoa nhỏ. Có cả đàn, lư hương, ghế trúc, đá, chim, cá xem rất xinh. Thái thú cũng mặc áo nhà quê chống gậy song ra ngồi tiếp chuyện. Cơm rượu xong, họ uống trà và nói chuyện suông. Câu chuyện chuyển đến việc Ninh Vương làm phản, thái thú nói:
- Thật là nhờ Tân Kiến Bá tài giỏi lập nên công trạng to lớn, trừ được cái nạn lớn này.
Lâu Bổng nói;
- Công trạng của Tân Kiến Bá thật không ai sánh kịp!
Lâu Toản nói:
- Theo em, việc làm của Ninh Vương cũng không khác việc làm của Thành Tổ 6. Chỉ khác một điểm là Thành Tổ thì gặp may. Bây giờ người ta gọi là thánh là thần. Còn Ninh Vương thì không gặp, bây giờ gọi là tù là giặc. Thật không công bằng!
Thái thú nói: - Kẻ tầm thường hay lấy việc được thua mà đánh giá người. Nhưng đó là việc lớn của triều đình. Chúng ta là tôi con ăn nói phải cẩn thận.
Lâu Toản không dám nói năng gì nữa. Mới hay hai người này lắng đắng trong việc khoa cử, không thi đỗ ở tỉnh, không được vào hàn lâm, nên trong lòng bực bội. Họ thường nói: Từ khi Vĩnh Lạc cướp ngôi cháu đến nay triều Minh thật không ra trò gì 7. Mỗi khi uống rượu say lại nói như vậy. Thông chính tư không chịu được, sợ có việc gì xảy ra, bắt về Chiết Giang.
Mấy người nói chuyện một hồi, hai công tử hỏi độ này việc học của cháu như thế nào? Việc hôn nhân thì thế nào rồi?
- Không giấu gì hai cháu, dượng chỉ có một đứa cháu. Từ nhỏ cưng nó. Dượng thấy mấy ông thầy đồ dạy học trò không dạy mấy tí. Họ chỉ làm ra vẻ động một chút là chửi mắng. Dượng thương cháu không muốn cho cháu học ai. Khi thầy của cháu còn sống có dạy cháu một ít kinh sử. Từ dạo thầy cháu mất đi, dượng lại càng thương cháu hơn, nên đã mua cho cháu một chức giám sinh. Việc cử nghiệp thì cháu không học. Gần đây, dượng rỗi có dạy làm thơ, ngâm vịnh để cháu biết điều vui trời, theo mệnh, cùng sống với dượng làm vui.
Hai công tử nói:
- Thật là dượng có ý định rất hay. Tục ngữ có câu:thà làm một anh nho thông có âm đức còn hơn làm một ông tiến sĩ tổn hại đến nguyên khí! Nói như vậy thật là đúng.
Thái thú gọi Cừ đem mấy bài thơ làm hằng ngày cho hai cậu xem. Hai người xem, tán tụng mãi. Hai người ở lại bốn năm ngày rồi từ biệt ra về.
Thái thú thết rượu tiễn, trong lúc uống rượu bàn đến việc hôn nhân của cậu Cừ. Thái thú nói:
- Mấy nhà giàu ở đây cũng có bắn tin về việc đó. Nhưng dượng là người quan nghèo, sợ họ đòi sính lễ nhiều, nên phải chậm. Các cháu ở Hồ Châu nếu thấy có đám nào trong bà con thân thích thì để ý giúp. Có nghèo cũng không ngại gì.
Hai người vâng dạ. Hôm ấy tiệc tan.
Sáng hôm sau, hai người thuê thuyền. Hành lý mang đi rồi, thái thú bảo Cừ tiễn họ lên thuyền, và thân hành tiễn ra khỏi nhà, nói:
- Các cháu với dượng là chỗ chí thân; ở đây mấy ngày cũng xem như người trong nhà. Chắc các cháu chả nghĩ chi điều đó. Khi trở về phủ, đến thăm phần mộ của cụ Thái Bảo và cụ Văn Khác, các cháu nhớ nhắc đến tên dượng và thưa rằng dượng già yếu quá không sao đến viếng mộ các cụ được.
Hai người nghe vậy kính cẩn vái chào. Thái thú cầm tay tiễn ra cổng. Cậu Cừ đã chờ sẵn ở ngoài thuyền, vái chào hai người, đợi thuyền đi, rồi mới trở về.
Hai người ngồi trong thuyền với một ít hành lý. Nhìn hai bên bờ hàng dâu san sát, chim chóc réo vang. Đi chừng nửa dặm thì đến một cái bến nhỏ thấy một chiếc thuyền chở ngó sen ở trong lạch đi ra. Hai người nói:
- Mấy năm nay chúng ta sống trong cảnh phồn hoa đô hội làm gì có cảnh thanh u như thế này! Người đời Tống có câu: "Xét ra chỉ có về là phải!" Thật là đúng vậy! Đúng vậy!
Trời tối, họ đến một cái làng thấp thoáng có ánh đèn ở sau hàng dâu chiếu sáng mãi đến bờ sông. Hai người nói:
- Bảo thuyền dừng lại đây! Ở đây có nhà trọ ta lên đó uống rượu và nghỉ một đêm.
Người lái thuyền vâng dạ, cho thuyền cập bến. Hai người uống rượu say tít nói chuyện cổ kim. Sáng sau, chủ thuyền làm cơm trong thuyền. Hai người lên bộ đi chơi thì thấy một người chạy đến và vái chào rất cung kính:
- Lâu công tử nhận được con không?
Nhân người này lại khiến cho,
công tử ham khách kết giao những bậc danh nho;
tướng phủ tiệc tùng, nhóm họp mấy người hàn sĩ.
Muốn biết người ấy là ai xin xem hồi sau phân giải.