- Uống thêm chén thuốc cho mau khỏe lại. Lát nữa nhà bếp sẽ làm bữa tối mang đến sau.

Lần này Kiến An uống cạn chén thuốc đã khẽ nhíu mày một cái. Sau đó anh chàng hỏi một câu không đâu vào đâu:

- Dã thảo cô nương, cô nói xem tôi như thế này có thể tìm được thê tử hay không? Liệu có ai cam tâm tình nguyện làm thê tử một người như tôi hay không?

Lúc trưa tôi mới lên lớp dạy đời anh chàng mấy câu không ngờ anh chàng thật sự nghiêm túc nghĩ đến chuyện tìm thê tử cho mình. Nhưng thế đạo này tìm cô gái toàn tâm toàn ý lo cho Kiến An hình như không dễ. Trừ khi tôi trở về thế giới thực múa bút tạo ra một cô gái từ trên trời rơi xuống, vừa thấy Kiến An là bám lấy không rời, cam tâm tình nguyện chăm sóc anh chàng một đời một kiếp. Đợi một chút, hình tượng nhân vật như thế không phải chính là tôi hay sao? Cần gì trở về thế giới thực múa bút bày vẽ thêm cho mệt? Thứ gì đó cố gắng kéo tôi vào câu chuyện chính mình viết ra, chắc không phải là muốn tôi trở thành bạn đời của Kiến An đâu nhỉ?

- Khi nào duyên nợ đến, người đó nhất định sẽ xuất hiện bên cạnh anh. Không mưu cầu danh lợi, tự nguyện bên anh cả đời.

Nói ra câu đó xong tôi thật sự sợ hãi anh chàng sẽ hỏi thêm mấy câu đại loại như sự xuất hiện đó có phải cũng giống như sự xuất hiện của tôi mấy ngày vừa qua hay không. Tôi còn nghĩ ra được một mớ thứ để gạt mình ra khỏi tầm ngắm của anh ta. Kết quả anh ta không hỏi gì, uống thuốc rồi tiếp tục ngồi dựa lưng vào vách giường, không nói thêm gì. Một lúc sau tôi gọi khẽ vài tiếng nhưng không nghe được tiếng trả lời, hóa ra người đã ngủ rồi.

Hai ngày sau nữa Kiến An đã có thể tự mình rời giường đi loanh quanh, tôi quyết định thuê xe ngựa tiếp tục đến Nam Sơn. Đoạn đường này sớm kết thúc ngày nào tảng đá trong lòng tôi sớm bỏ xuống ngày ấy.

Suốt đoạn đường đi tôi phải căng não ra để trả lời vạn câu hỏi "thứ đó trông như thế nào", ví như cây trông như thế nào, lá trông như thế nào, cỏ trông như thế nào, hoa trông như thế nào, nhà lầu là như thế nào. Văn miêu tả của tôi trong những ngày này cũng đã đi đến đỉnh cao của nghệ thuật. Là tôi khiến cho con người này không thể cảm nhận thế giới bằng đôi mắt, nên đành phải lần nữa vẽ ra cho anh một thế giới rực rỡ sắc màu bằng ngôn ngữ.

Đoạn đường đến Nam Sơn này của tôi chậm hơn dự kiến, tận bảy ngày mới đến nơi. Bởi dọc đường đi Kiến An nói với tôi từ bé đã không được đi ra thế giới bên ngoài, rất tò mò bên ngoài có những gì. Những lần đi qua những khu chợ trên đường anh hỏi tôi mùi vị thoang thoảng trong không khí đó là của thứ gì, nếu tôi nói đó là món ăn, anh ta lập tức đòi ăn thử, thế là dừng lại.

Sau đó anh ta lại hỏi tôi rượu có hương vị như thế nào? Anh ta nói người trong Hồ Kỳ tiêu cục rất thích uống rượu nhưng mọi người không ai chịu cho anh uống thử. Tôi kéo anh chàng vào quán rượu gọi hẳn một vò Nữ Nhi Hồng. Sau đó tôi biết được lý do vì sao người của tiêu cục không dám để vị thiếu chủ này uống rượu rồi. Chỉ sau hai ba hớp rượu, vị Hồ đại thiếu gia này đã nằm bò ra bàn mà ngủ gọi thế nào cũng không tỉnh. Tôi đành vác anh chàng quăng lên xe rồi tiếp tục lên đường.

Tầm nửa canh giờ sau anh chàng tỉnh dậy, sau đó cứ ôm chầm lấy tôi nói thế nào cũng không buông, miệng không ngừng gọi mẫu thân. Tiếp theo là những câu hỏi gần như bất tận: vì sao mẹ lại muốn bỏ con mà đi, vì sao mẹ đi lâu như vậy lại không về thăm con, mẹ từng nói mẹ chỉ sang thế giới khác một thời gian sẽ về thăm con vì sao không chịu giữ lời, lâu như vậy rồi mẹ mới về thăm con có thể nào đừng đi nữa hay không, con nhớ mẹ lắm mẹ có biết không... Sau đó là tiếng khóc, không vỡ òa, không gào thét, chỉ có nghẹn ngào, nước mắt ướt đẫm vai tôi.

Tôi từng rất chán ghét người hay khóc lóc, đối với tôi người dễ dàng rơi lệ đều nhu nhược yếu đuối, nhất là đàn ông. Đối với tôi mọi bế tắc trên đời đều có cách giải quyết, nếu thực sự không tìm được lối thoát thì chết quách cho rồi, khóc lóc cũng không giải quyết được vấn đề. Khóc để tìm sự đồng cảm của những người nhẹ lòng nhẹ dạ ư, với tôi hạng người đó càng đáng khinh hơn, nhất là phụ nữ dùng nước mắt trói buộc người mà mình sở hữu, dùng nước mắt điều khiển người mình yêu làm những chuyện trái lương tâm là điều đáng phỉ nhổ. Tôi ghét nước mắt!

Ấy vậy mà, ngay lúc này đây nhìn vào gương mặt đẫm lệ đang vùi trong lòng mình mà ngủ tôi lại cảm thấy mình không chán ghét như mình từng nghĩ. Càng ngạc nhiên hơn tôi nhận ra, không rõ từ khi nào cảm xúc của tôi đã đồng bộ với người đang vùi mặt vào lòng tôi mà khóc này, có một giọt lệ từ khóe mắt tôi vô thức rơi ra. Hóa ra tôi không vô cảm như mình nghĩ.

Ngủ gần cả ngày Kiến An mới tỉnh dậy, nhưng bản thân anh ta lại không nhớ mình từng uống rượu từng khóc lóc, anh chàng chỉ nói với tôi mình đau đầu. Tối đó tôi phải gọi cho anh chàng bát canh giã rượu, sau đó không quên căn dặn anh chàng về sau đừng bao giờ có suy nghĩ thử rượu lần nào nữa. Ăn tối xong anh chàng lại tiếp tục ngủ vùi.

Trong bảy ngày đi cùng nhau Kiến An rất thường xuyên hỏi tôi những câu như:

- Khi nào cô nương rời đi?

- Khi rời đi cô nương có thể nói cho tôi biết một tiếng hay không?

Đáp án đương nhiên vẫn là có thể rời đi bất cứ lúc nào và không thể báo trước rồi.

- Vậy sau khi tách ra, tôi và cô nương có còn cơ hội gặp lại nhau không?

Điều này tôi càng không thể trả lời. Tôi không muốn gieo vào lòng con người này hy vọng để sau đó bứt người ta vào tuyệt vọng.

***

Nam Sơn trấn vào thu yên bình lặng lẽ. Những cây bàng ven đường cũng đang vào mùa rụng lá, có những cây cành vươn ra trơ trọi giữa trời, có những cây trên cành vẫn còn treo lác đác vài chiếc lá đỏ tươi, chỉ cần cơn gió nhẹ lùa qua chúng lập tức thi nhau rơi rụng.

- Đến Nam Sơn trấn rồi. Đoạn đường tiếp theo anh tự mình đi đi nhé.

- Cô nương không thể đưa tôi đến đó được sao?

- Bách Gia Cốc của tôi thường ngày chỉ thu thập thông tin không qua lại với các môn các phái. Tôi không thể cùng anh đi đến gia tộc bằng hữu của mẫu thân anh, sẽ khiến người khác hiểu lầm đấy.

- Tôi biết rồi. Tôi sẽ không làm khó cô nương thêm nữa. Cô nương có thể hỏi giúp tôi đường đến Trần gia Sơn trang không?

- Được rồi, để tôi hỏi thử.

Tôi xuống xe, ghé vào tiệm bánh bao ven đường.

- Ông chủ, cho tôi hai cái bánh bao.

- Của cô nương đây

- Ông chủ cho tôi hỏi thăm, ở đây có mấy nơi được gọi là Trần gia Sơn trang? Đi đường nào để đến được nơi đó?

Ông chủ nhìn tôi cười nói:

- Cô nương ở nơi khác mới tới sao? Nơi này tuy có rất nhiều người của Trần gia, nhưng Trần gia Sơn trang chỉ có một. Sơn trang đó được xây cất cách nay rất lâu rồi, nằm ven sườn Tây Kim Sơn. Cô nương muốn đến đó thì đi thẳng tới cuối con đường này, rẽ sang trái, lên lưng chừng núi là thấy sơn trang đó. Nhưng tôi cảnh báo cô nương trước, nơi đó không tiếp đón người lạ, muốn gặp trang chủ cô nương phải cầm bái thiếp tới, ngoài những gia tộc thường xuyên qua lại có thể gặp trang chủ ngay sau khi đưa bái thiếp thì những người còn lại phải thông qua quá trình kiểm tra thân phận mục đích tới. Sau đó mới có thể vào sơn trang. Nếu chuyện không quan trọng, bản thân không có danh trong giang hồ, có thể đưa bái thiếp cùng lời nhắn sau đó rời đi không cần đợi. Vì có đợi cả đời cũng không gặp được trang chủ sơn trang đó đâu.

Trần gia Sơn trang ở Tây Kim Sơn, sao nghe quen tai thế nhỉ? Không lẽ là nơi ở của hậu nhân của nữ chính trong bộ truyện tôi từng viết trước? Nhưng quy định gì thế kia, quen lạ gì cũng đều không gặp, còn cái gì bái thiếp, hẹn ngày. Có vẻ như đoạn đường cuối cùng này của Kiến An cũng không suôn sẻ như tôi tưởng.

- Tam tiểu thư, cuối cùng em cũng tìm được cô rồi, hu hu hu.

Tiếng hét to đến chói tay ngay bên cạnh khiến tôi giật mình quay lại nhìn. Tôi còn chưa kịp nhận ra ai vừa gào thét với ai thì có một cô bé tuổi độ mười lăm mười sáu phóng nhanh lại nhoài người ôm chầm lấy chân tôi. Cô bé vừa ôm vừa khóc nói:

- Cuối cùng em cũng tìm được tiểu thư rồi. Đang yên đang lành người bỗng dưng chạy mất làm Hoa nhi sợ muốn chết.