Sau Đông chí một trăm lẻ năm ngày là ngày lễ Hàn Thực, hay còn gọi là ngày lễ không khói bếp.

Cuộc sống của con người không thể tách rời lửa, nhưng có khi lửa lại mang đến tổn thương vô cùng lớn. Cổ nhân tin tưởng có Hỏa thần tồn tại. Vì thế, trong ngày Hàn thực này, bọn họ sẽ tắt hết lửa trong nhà, cho Hỏa thần gia gia nghỉ ngơi một ngày, hôm sau mới tiếp tục thắp lên ngọn lửa mới, gọi là cải hỏa, cứ như vậy mà phát triển thành một hoạt động tế lễ.

Hiển nhiên điều này là một nghi thức của phương Đông, vốn không có liên quan gì đến các hòa thượng. Nhưng tôn giáo này ở quê hắn vốn sắp sụp đổ, lại có thể phát triển ở Trung Nguyên, trở thành thiên hạ đệ nhất đại giáo, tất nhiên là rất am hiểu đạo lý nhập gia tùy tục. Cho nên, từ sáng sớm hôm nay, một nhóm sa di trong chùa, tay cầm một chậu đèn dầu lớn, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến từng nhà đưa tân hỏa.

Đương nhiên, cùng với việc cung kính đón lấy tân hỏa, những người dân nơi đây sẽ đưa lên lễ vật phong phú, không chỉ để cảm ơn các hòa thượng đã đưa tân hỏa mà còn là thù lao cho việc bọn họ không ngại mưa gió để dự báo thời tiết cho mọi người.

Các hòa thượng sẽ luôn giữ vẻ mặt trang nghiêm, thí chủ đưa nhiều đưa ít cũng sẽ không ở trước mặt người ta phàn nàn gì. Nhưng nếu không được như mong muốn, đợi ngày kế, lúc báo giờ qua chỗ này, khó tránh được cổ họng tự nhiên bị ngứa, tiếng hô hơi nhỏ khiến người nghe không rõ, chuyển tới khu tiếp theo, tự nhiên lại phục hồi như bình thường, hô to phật âm đánh thức xung quanh.

Vô cùng thần kỳ chính là việc các sa di vốn nên một lòng hướng phật, không hỏi hồng trần, nhưng mà bọn họ lại có thể nắm rõ sự phân bố giàu nghèo của toàn huyện như lòng bàn tay, nhất là việc nhà ai cho nhiều tiền lì xì, bọn họ đều biết rất rõ. Có thể nói, phật pháp vô biên, có thể nhìn rõ mọi thứ!

Từ đường cái đi thẳng đến đường Văn Hưng, chỉ thấy ở ngay đầu đường là một căn nhà to lớn với mái ngói đen, tường trắng cao ngất, cửa lớn đen nhánh. Hai bên của cửa lớn là hai trụ đá khắc hình hòm sách. Cửa lớn của một nhà, đầu tiên là thể hiện đẳng cấp cùng tính cách sinh hoạt của chủ nhà. Làm quan thì trước cửa phải xây mấy cấp bậc thang, thể hiện sự cao cao tại thượng. Thương nhân thì thiết kế bậc cửa phải cao, để ngăn ngừa phù sa chảy ra ngoài. Mà ở hai bên cửa trụ đá khắc hòm sách là muốn biểu thị dòng dõi Nho học.

Nhưng nhà này không có bậc cửa, chứng tỏ trong nhà không có người làm quan.

Lẽ ra đến những nhà như vậy, nhóm sa di đều là nhíu mày, cứ đùn đẩy nhau, không muốn tiến lên… Người đọc sách nghèo kiết xác, ra tay quá keo kiệt, còn dùng văn châm chọc, làm cho các hòa thượng nhức hết trứng dái.

Nhưng mà nhìn vẻ mặt hưng phấn của các hòa thượng thì biết cái nhà này là ngoại lệ.

……..

Trước cổng chính của nhà này, một phụ nhân hơn bốn mươi tuổi, hơi mập, mặc một cái váy ngắn màu xanh da trời, đang cắm một cành đào có gắn bánh táo hình chim yến bay vào cạnh cửa.

Khuôn mặt nhỏ nhắn, da trắng nõn nà, đầu chải một cặp “sừng bồ câu” (kiểu tóc thịnh hành thời Tống). Một đứa trẻ chừng bảy tám tuổi, đôi mắt to, sáng và linh động đang ngửa cổ nhìn hành động của người phụ nữ. Trên người y mặc một bộ áo dài bằng lụa trắng có thêu vân, bên ngoài mặc một chiếc áo khoác lụa xanh không có tay, vạt áo thật dài. Bên dưới là một chiếc quần dài bằng lụa xanh dương, ống quần bó vào đôi giày vải đế mềm, giống như Thiện Tài Đồng Tử bên người Quan Âm. Dường như cậu bé có quan hệ chủ tớ với người phụ nữ kia.

- Bà ơi, vật này gọi là gì?

Đứa trẻ nhỏ cất lên tiếng nói trong trẻo.

- Lục Lang, đây gọi là “Chích thối yến” (chân yến).

- Chích thối yến, là có ý gì?

Đứa trẻ hỏi vặn lại.

- Cả nhà toàn tú tài không hỏi, hết lần này tới lần khác cố tình làm khó lão bà không biết chữ như ta.

Người phụ nữ cười hiền lành:

- Tuy nhiên, ta cũng biết rõ. Nghe nói có một đại thần tên là “Giá Chích Thối” (cái chân này), khi Hoàng đế gặp khó khăn, y đã cắt một miếng thịt đùi dâng lên Hoàng đế ăn cho đỡ đói. Sau khi lão Hoàng đế kia lên ngôi, phong quan cho tất cả các đại thần, nhưng lại quên mất Giá Chích Thối. Chích Thối tức giận, liền cõng mẹ lên một ngọn núi ở. Sau này, Hoàng đế lại nhớ đến Giá Chích Thối, cho đốt ngọn núi, muốn ép họ ra, nhưng không ngờ lại khiến cho Giá Chích Thối và mẹ y chết cháy.(*)

(*)Đoạn này là người phụ nữ trên kể về sự tích Giới Tử Thôi bị Tấn Văn Công thiêu chết. Có thể vì người phụ nữ này không có học như bà ta tự nhận nên có thể nhớ nhầm Giới Tử Thôi thành Giá Chích Thối, phát âm hai từ này gần như nhau.

Phụ nhân nói xong bèn thở dài.

- Thật là bi thảm. Trong lòng Hoàng đế bất an, hàng năm liền cắm một con yến nhỏ trên cửa vào ngày tốt của Giá Chích Thối.

- Cắm trên cửa làm gì?

Đứa trẻ lại hỏi.

- Coi như là tránh ma quỷ đi.

Vẻ mặt phụ nhân trở nên nghiêm túc:

- Cháu nghĩ xem, đã không thưởng cho người ta, còn đem hai mẹ con người ta đốt thành tro, chắc chắn trong lòng y sẽ rất thù hận, còn không nhân ngày hoàn hồn trở về tìm Hoàng đế sao.

- Trương đại thẩm, bà đừng ăn nói bừa bãi, lừa gạt tiểu thí chủ.

Rốt cuộc đám Sa Di nghe không lọt tai, lên tiếng sửa lại:

- Cái gì mà cái chân này (Giá Chích Thối), cái chân kia, người ta gọi là …

- Gọi là Giới Tử Thôi!

Đứa thẻ kia không hề khách khí, trừng mắt nhìn bọn họ.

- Truyện quot;Tử Thôi không nhận côngquot; còn cần các ngươi dạy sao!

- Nghe này, nghe này, tiểu thí chủ …

Nhóm sa di thấy buồn bực:

- Nếu đã biết rõ, sao còn hứng thú nghe.

- Ta thích nghe bà ấy kể chuyện xưa, các ngươi quản được sao?

Tiểu hài nhi bĩu môi nói:

- Đến đòi tiền phải không? Vận khí các ngươi thật tốt, Nhị ca ta không có nhà.

- Ôi…!

Nhóm Sa Si lập tức ủ rũ. Nghĩ lại thì đúng là nhiều chuyện, đệ đệ Trần Tam Lang có thể nào không hiểu biết như vậy? Hỏng rồi, là tiểu thiếu gia này giả vờ, không biết là có ảnh hưởng đến tiền lì xì nhiều ít không đây?

Nhóm sa di liền đi vào cửa chính, vòng qua một bức bình phong sơn màu xanh lục ở sau cổng liền nhìn thấy trên mảnh sân rộng lát gạch vuông trước tiền viện, hai thiếu niên có thân hình cao lớn đang vô cùng chăm chú vào trận đấu bắn tên.

Bọn họ đứng ở góc tường phía đông của sân, bia bắn cách khoảng ba mươi bước về phía chân tường phía tây. Chỉ thấy hai người kéo hết dây cung, không phát nào trượt, bắn liên tiếp mười tên đều trúng hồng tâm.

Thiếu niên ngăm đen và cao buông cung lắc đầu, giọng nói không thỏa mãn:

- Gần quá, chưa đã ghiền.

- Đây là để đệ nuôi thần dưỡng tính đấy.

Người kia có làn da màu lúa mì, nhìn qua là một thiếu niên có khí phách bừng bừng, cười mắng:

- Không phải bảo đệ luyện tên.

- Tam ca, hôm khác ra ngoài thành săn thú được không?

Thiếu niên da ngăm đen gãi đầu nói:

- Mấy ngày nay không ra ngoài, tay chân ngứa ngáy lắm rồi.

- Ha…ha…, ta cũng vậy.

Thiếu niên kia hạ giọng, cười nói:

- Không để nhị ca biết, hôm khác chúng ta chuồn êm ra ngoài…

Hắn nói xong liền mang cung tên đến treo lên móc, ôm quyền hướng mấy vị hòa thượng nói:

- Đã chờ chư vị hòa thượng từ sớm.

- A di đà phật…

Đầu đà (nhà sư đi khất thực) dẫn đầu chắp tay trước ngực, tiếp nhận ngọn đèn từ tay thiếu niên da ngăm đen, sau đó mở phần chắn gió của chậu đèn dầu ra, thắp cháy ngọn bấc ở bên trong.

Đầu đà cẩn thận đưa ngọn đèn trả lại cho thiếu niên da ngăm đen, thiếu niên này cũng thả vào tay y một thỏi bạc. Ở thời Tống, đất Thục tuyệt đối là nơi mẹ kế nuôi dưỡng, triều đình cấm để tiền đồng và bạc chảy vào trong đất Thục, làm cho nội địa Tứ Xuyên cực kì thiếu thốn tiền đồng và bạc, chỉ có thể lấy tiền sắt để thay thế. Nhưng tiền sắt giá trị vừa thấp lại vừa nặng, không thể tiến hành mua bán lớn, lúc này mới buộc phải phát hành “Giao tử” (*)

(*)Tiền giấy đời Tống Chân Tông, là tiền giấy đầu tiên trên thế giới.

Nhưng mà ở đất Thục, loại tiền được hoan nghênh nhất vẫn là vật thật bạc trắng. Những thứ này rất hiếm, càng thể hiện sự quý báu.

Đầu đà sau hồi suy nghĩ thấu đáo, phát hiện đối phương đưa chừng năm lượng bạc, không khỏi khoác lên bộ mặt tươi cười:

- A di đà phật! Trần thí chủ thích làm việc thiện, ngã phật phù hộ phúc lộc bình an cả năm, không có họa nước lửa…

- Đa tạ, đa tạ.

Thiếu niên kia chắp tay, khóe môi nhếch lên, lười nhác nói:

- Chỉ mong đại sư mua chút mứt lê ăn, không nên để lúc nào cũng bị tắc cổ họng nữa…

Đầu đà bị trách móc, mặt đỏ lên, chắp tay rồi nói:

- A di đà phật, bần tăng đã hiểu.

……….

Đợi sau khi các hòa thượng rời đi, Trương thẩm kéo Lục lang đi vào, thở dài nói:

- Tam Lang, không phải lão thân nhiều chuyện, tiền nhiều hơn nữa cũng không thể tiêu xài như vậy được. Phải biết con người không có ngàn ngày tốt, tuổi trẻ qua nhanh, Trần gia các người mới giàu có vài năm mà?

- Trương thẩm…

Thiếu niên khí phách bừng bừng đó là Trần Khác Trần Tam Lang. Hiện giờ là năm Khánh Lịch thứ tám ở Đại Tống, hắn vào thế giới này đã được ba năm, đã trở thành một thiếu niên anh tuấn kiên cường. Nếu không phải trong thị trấn này chỉ có một nhà họ Trần, thật sự không thể liên hệ tới đứa trẻ suy nhược năm đó.

Không chỉ có cơ thể biến đổi, cử chỉ và lời nói của hắn so với lúc trước cũng trầm ổn, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Người khác vừa nhìn thấy đã hỏi một câu, nhà ai có phúc sinh ra đứa con như vậy?

Chỉ thấy Trần Khác cười vang, nói:

- Mấy hòa thượng đó cũng không dễ dàng, một năm ba trăm sáu mươi ngày, không quản mưa gió, không ngày nào nghỉ. Nếu mấy nhà chúng ta không thưởng nhiều một chút, sợ là ngày sau sẽ lười biếng nữa.

- Ai, ta là Hoàng đế không vội, thái giám lại gấp.

Trương đại thẩm cười vang nói:

- Ngươi dù sao cũng là tiểu thần tài, ngồi ở nhà liền có tiền vào như nước, không xài thì giữ lại làm gì?

Trương đại thẩm này là người làm của Trần gia, người bản huyện, năm ngoái mới ký khế ước thuê năm năm. Bởi vì nhận được lệnh của Trần Hi Lượng “tùy ý dạy dỗ mấy đứa nhỏ” cho nên luôn không nhịn được lòng muốn dạy bảo.

Lại nói tiếp, ba năm nay, có thể nói là Trần gia làm cho long trời lở đất. Cuối năm Khánh Lịch thứ sáu, bọn họ chuyển ra khỏi tiểu viện ban đầu, sửa chữa chỗ này thành một trạch viện (nhà có sân)… Khu tam tiến tứ hợp viện (bốn gian nhà bao quanh một sân ở giữa) lớn này là Trần gia mua được từ chỗ một thương nhân, trong ngoài đều được sửa chữa, đổi mới hoàn toàn, lại mua dụng cụ gia đình loại tốt nhất, trước sau tổng cộng tốn hết hai trăm ngàn.

Thật ra Thần Hi Lượng không muốn phô trương như vậy, nhưng Trần Khác lại không cho là đúng. Kiếp trước mình bỏ ra một triệu mới có thể mua được căn hộ tám mươi mét vuông, cũng chỉ là căn hộ cũ. Hiện tại chỉ mất có hai trăm ngàn, có thể mua được nguyên bộ dụng cụ gia đình và gian tứ hợp viện lớn, thằng ngốc mới bỏ qua.

Theo nguyên tắc ai kiếm được tiền người đó có quyền lên tiếng, Trần Hi Lượng không thể phản đối. Huống chi ở sâu trong nội tâm y, cũng chưa hẳn là không muốn người khác nhìn vào. Trong đầu xuất hiện ý nghĩ Trần gia giờ đã khác xưa, cho dù là quân tử cũng không thể nào quên được cái sỉ nhục từ hôn.

Sau khi đến nhà mới, bọn nhỏ cũng trưởng thành. Trần Hi Lượng hoàn tòa buông bỏ tâm sự, chuẩn bị toàn lực ứng phó kỳ thi sắp tới. Cũng trong năm nay, bởi vì muốn ra ngoài học tập, y sợ không thể quan tâm đến bọn nhỏ. Tuy không sợ bọn chúng bị ức hiếp, nhưng dù sao trong nhà cũng phải có người giặt giũ quét dọn vệ sinh, cho nên mới thuê vị Trương đại thẩm hơn bốn mươi tuổi này.