Nhật Kí Nữ Pháp Y: Mật Mã Kỳ Án

Chương 16: 16 Kỳ Án Xác Chết Trong Lò Gạch 2

Chiều ngày 11 tháng 2 năm 2003.

Tuyết nhỏ.

Đồn cảnh sát thôn Đại Oa thành phố Sở Nguyên.

Lý Cường có một chiếc xe mô-tô làm phương tiện giao thông, tôi ôm eo chú ấy ngồi đằng sau yên.

Không có nón bảo hiểm, gió Đông tạt vào mặt như bị dao cứa, vừa lạnh buốt lại tê tái, tôi thậm chí còn hoài nghi da mặt mình đã bị rạch đứt một đường.

Nhưng lại không thể đưa tay ra sờ, bởi phải bám chặt lấy Lý Cường, nếu không có thể sẽ bị hất văng ra ngoài.

Gió Đông nhanh chóng lùa qua khe giày, đầu ngón chân mất đi cảm giác, dường như không còn là của mình nữa.

Bông tuyết men theo cổ áo bám vào cổ, tôi chỉ biết dùng nhiệt độ cơ thể để làm tan chảy và ủ ấm nó.

Cũng may là đoạn đường không xa, cuộc khảo nghiệm của cái giá lạnh không kéo dài quá lâu.

Bước vào đồn cảnh sát thôn Đại Oa, bàn chân của tôi vẫn chưa khôi phục lại cảm giác, dẫm lên sàn nhà như cách đế giày một lớp vậy.

Hôm nay Lý Cường trực ban, trong đồn cảnh sát chỉ có chú ấy và một cảnh sát khác.

Lý Cường vừa đi vừa kể cho tôi nghe về vụ án tranh chấp dân sự.

Lý Song Song, người dân của thôn trưa nay đã đến báo án, nói bị mẹ của Tứ Bình đánh.

Nguyên nhân của vụ việc là do bồn cây cảnh ở trong sân vườn nhà Tứ Bình bị thứ gì đó làm mẻ một góc, mẹ của Tứ Bình cứ đổ cho là con trai của Lý Song Song đốt pháo làm mẻ, nên tìm đến tận nhà.

Bà ta vô căn vô cớ, đương nhiên Lý Song Song không chịu nhận, hai người mới cãi nhau.

Tứ Bình với cơ thể to lớn nhưng không cãi lại được Lý Song Song, trong cơn tức giận, tiện tay với lấy cây gậy gỗ, nhìn trước mà không ngó sau, đập Lý Song Song một cái.

Lý Song Song giơ tay lên đỡ, bị gậy gỗ đập vào cẳng tay, khiến cô ta hét lên đau đớn rồi ngồi bệt xuống.

Mẹ của Tứ Bình thấy mình đã rước họa, vội chạy về nhà.

Lý Cường đã kiểm tra vết thương trên cẳng tay Lý Song Song, bị sưng rộp một miếng to, thâm tím cả lại, mới chửi mẹ của Tứ Bình xuống tay dã man, người cùng thôn với nhau, sao lại đánh người ra nông nỗi này? Định tìm bà ta tới để xin lỗi Lý Song Song, bồi thường tiền, hàng xóm tối lửa tắt đèn, cố gắng đừng để mấy chuyện này mà gây hiềm khích với nhau.

Nhưng sau khi mẹ của Tứ Bình đến đồn cảnh sát, lời khai lại không giống với Lý Song Song.

Bà ta nhất quyết nói là lúc đó Lý Song Song đã động thủ trước, trong lúc cấp bách bà ta đã né được và đánh trả, như thế được coi là phòng vệ chính đáng, người phải xin lỗi và bồi thường là Lý Song Song mới đúng.

Nói đoạn, mẹ của Tứ Bình xắn tay áo lên, trên tay phải cũng có một vết bầm tím lớn, xem chừng còn nghiêm trọng hơn vết thương của Lý Song Song.

Lời khai của hai bên không thống nhất, Lý Cường khó phân thật giả, đành lúng túng.

Hơn nữa lúc đó lại không có nhân chứng, ai cũng cho mình là phải, lại đều có vết thương, lẽ nào lại phạt mỗi người 50 trượng cho xong chuyện? Lý Cường đã công tác và sinh sống ở thôn được mấy chục năm, đều hiểu tính cách của mọi người dân trong thôn.

Lý Song Song là một người trung thực hiền hậu, rất ít khi tranh chấp với người khác, Lý Cường hơi thiên về tin lời bà ta.

Còn mẹ Tứ Bình thì trước nay vẫn ngang ngược, không bao giờ chịu thiệt, rất khó để tưởng tượng Lý Song Song sẽ động thủ với bà ta trước.

Nhưng vết thương trên người mẹ Tứ Bình sờ sờ ra đấy, không nhẽ là do bà ta tự gây thương tích?

Lý Cường khó xử mất nửa ngày, đột nhiên nhớ ra tôi làm bác sĩ pháp y cho Sở Cảnh sát thành phố, vừa hay lại đang chúc Tết ở thôn Đại Oa, nói không chừng sẽ giúp được, liền vội vã trở về nhà tìm tôi.

Đương sự hai bên và người cảnh sát kia đang ngồi lặng lẽ ở trong đồn, không ai để ý đến ai.

Tôi bước vào rồi hỏi lại một lượt những gì đã xảy ra, lời khai của hai bên giống với những gì mà Lý Cường đã kể lại cho tôi.

Tôi đề xuất cho kiểm tra vết thương của hai người.

Cánh tay của Lý Song Song ngoài bị bầm tím ra còn hơi sưng, bên dưới có vết máu tụ.

Còn cánh tay của mẹ Tứ Bình chỉ có một vết thâm lớn, không hề sưng tấy.

Tôi dùng lực ấn vào vết thương của hai người, cả hai đều thốt lên đau đớn, mẹ Tứ Bình còn ngoạc mồm chửi: “Muốn chết à, ấn cái gì mà ấn?”

Tôi cúi đầu suy nghĩ một hồi, hỏi mẹ Tứ Bình: “Nhà bác làm nghề gì?” Lý Cường thay bà ta trả lời: “Cô ấy và bố Tứ Bình dựng nhà kính rồi trồng cây cảnh trong sân nhà, sau đó đem lên thành phố bán, chú của bố Tứ Bình là Phó huyện trưởng, giúp bọn họ tiêu thụ hàng vào những đơn vị hành chính sự nghiệp trong huyện, việc kinh doanh rất phát đạt.” Mẹ của Tứ Bình “hừ” một tiếng trong lỗ mũi, không nói gì.

Tôi hứng thú đáp: “Chúng ta đến nhà mẹ Tứ Bình một chuyến, xem mấy chậu cây cảnh kia thế nào, nếu đẹp thì khi về thành phố tôi sẽ giúp bác quảng cáo.” Tôi đánh mắt với Lý Cường, rồi nói với Lý Song Song: “Bác ở đây đợi một chút, nhâm nhi tách trà nóng, chúng tôi sẽ về sớm thôi.” Lý Song Song cau mày, bộ dạng như có điều gì muốn nói.

- -----------------

Chiều hoàng hôn ngày 11 tháng 2 năm 2003.

Tuyết nhỏ.

Trong nhà của mẹ Tứ Bình.

Nhà của mẹ Tứ Bình rất khí phái, trước sau là hai căn nhà mái bằng được lát gạch xanh ngói đỏ, tổng cộng 8 gian, rường hoa xà chạm, rất có khí phái của nhà phú hộ.

Sân sau to rộng, dựng hai nhà kính, lối đi được dọn dẹp gọn gàng, lát gạch vuông, chậu cây cảnh được xếp dọc chân tường, đều là những chậu bonsai được cắt tỉa trông rất đẹp mắt, đa dạng chủng loại.

Tôi không khỏi tấm tắc ngợi khen: “Mẹ Tứ Bình à, việc kinh doanh của hai bác thật đáng ngưỡng mộ, nếu mà đem lên thành phố thì cũng khấm khá lắm đây.” Mẹ Tứ Bình đáp: “Chả có tài cán gì ngoài cái tay nghề này, cũng vì cuộc sống mưu sinh thôi.” Nghe thì có vẻ rất khiêm tốn, nhưng trong ngữ khí lại lộ ra vẻ đắc ý.

Lý Cường bám theo sau chúng tôi, không đoán được tôi đang định làm trò gì, mặt tối sầm chẳng nói chẳng rằng.

Tôi ngắm nghĩa những chậu cây cảnh trong vườn, rồi đi vào trong nhà kính.

Trong này lại càng um tùm xanh tốt, tràn ngập sắc Xuân.

Tôi từ từ ngắm nghía từng chậu cây cảnh một, cuối cùng bị thu hút bởi một chậu cây có tạo hình kỳ quái, tán lá xanh biếc.

Tôi cúi người xuống, nhón lấy một cái lá rồi nói: “Mẹ Tứ Bình à, có thể coi chậu này nhà bác là độc đáo nhất, ở thành phố Sở Nguyên chúng ta rất hiếm, chắc giống của nó được nhập từ bên ngoài về nhỉ?”

Biểu cảm trên khuôn mặt của mẹ Tứ Bình có chút không dễ chịu, méo mó đáp: “Chắc cô nhìn nhầm chứ, cái chậu này có gì mà hiếm, rất đỗi bình thường, nếu mà cô thích thì cứ lấy một chậu, bà thím này sẽ không lấy tiền đâu.” Mẹ Tứ Bình và Lý Cường bằng vai phải lứa với nhau, đứng trước mặt tôi tự cho mình là một vị trưởng bối.

Tôi đáp: “Thế đâu có được, bác cũng không dễ dàng gì, mà đây lại là miếng cơm nuôi sống gia đình nữa.” Nói đoạn, tôi dùng lực, bứt hai cái lá rồi vân vê chúng trong lòng bàn tay.

Mẹ Tứ Bình hét lên: “Sao cô lại vặt lá tùy tiện vậy? Cái này nó mỏng manh lắm, không phải thích là vặt đâu.” Tôi đáp: “Nếu tôi không nhìn lầm, thì đây là cây Zelkova nhỉ? Hồi tôi học Đại học, trong sân trường trồng không ít loại này, làm cây cảnh là đẹp nhất.” Nói xong, tôi véo hai nhát lên mu bàn tay của mình, cố ý kêu lên: “Ây da, mẹ Tứ Bình à, sao bác lại đánh tôi?” Lý Cường ngơ ngác, hỏi: “Nha đầu, cháu làm cái trò gì đấy? Mẹ Tứ Bình đánh cháu hồi nào?” Tôi đáp: “Bác ấy không đánh cháu, thế sao tay cháu lại như thế này?” Tôi xòe mu bàn tay ra, vừa bầm vừa tím, như kiểu mới bị ai đánh vậy.

Mặt của mẹ Tứ Bình đỏ bừng.

Lý Cường vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu, hỏi: “Thế là thế nào? Nha đầu, cháu đừng có lòng vòng nữa, mau nói đi.” Tôi đáp: “Cái trò này cháu đã chơi từ hồi học Đại học rồi.

Chậu cây Zelkova kia được nhập từ vùng khác tới, dân Sở Nguyên chúng ta không quen với đặc điểm của nó.

Nếu nói ra rồi thì sẽ không thấy lạ, chỉ cần lấy nước trong lá của nó bôi lên da là sẽ xuất hiện màu bầm tím, giống như vết thương do bị đánh bởi ngoại lực mà thành, hơn nữa rửa cũng không sạch, kì cũng không đi.

Nhưng mà,” Tôi quay sang nói với mẹ Tứ Bình: “Vết thương ngụy tạo dù sao cũng là giả, tay trước của Lý Song Song sưng phù, sờ lên thấy cứng ở bên trong.

Còn cánh tay bị thương của bác thì không hề sưng tấy, lúc tôi ấn vào tuy bác có kêu rất to, nhưng chỗ bị thương thì lại mềm nhũn, đã là giả thì cuối cùng cũng không thật được.”

Mẹ Tứ Bình cúi đầu không nói gì.

Lý Cường đáp: “Mọi việc đã được làm sáng tỏ, chị với Lý Song Song là hàng xóm sát vách tối lửa tắt đèn, cô ấy đã bị chị đánh thương thật, đầu Xuân năm mới, đừng làm chuyện gì không vui.

Chị về đồn xin lỗi rồi bồi thường cho cô ấy, còn bồi thường bao nhiêu thì do hai người tự thương lượng giải quyết, tôi đề nghị từ 500 đến 1000 Tệ.

Chị xem xử như vậy có được không?” Mẹ Tứ Bình đuối lý, không dám phản bác, bèn đáp: “Được, cứ làm theo lời anh.”

Ba người chúng tôi bước ra khỏi cổng nhà Tứ Bình, chạm mặt với một cậu thanh niên hơn 20 tuổi có nước da rám nắng, cơ thể to cao, lực lưỡng.

Cậu ta nhìn thấy Lý Cường, liền kêu lên, giọng oang oang: “Chú Lý, em cháu gần một tuần nay không thấy đâu cả, hỏi hết người thân rồi mà vẫn chưa tìm thấy.

Cháu nói với chú mấy lần rồi mà sao chú không để tâm vậy?”

Lý Cường đáp: “Trương Phàm, tiểu tử thối này, đừng có trách chú không để tâm, lúc nào mà chú chả nhớ.

Chú đã đánh tiếng với các đồn cảnh sát xung quanh để nhờ họ tìm giúp cả rồi.

Theo chú thì, em cháu lớn như vậy rồi, chẳng nhẽ còn đi lạc? Tám chín phần là bị em rể của cháu đánh nên tức quá bỏ nhà đi rồi, cháu nên đến nhà em rể mà đòi người.”

Trương Phàm đáp: “Cháu đã đến tìm thằng ấy mấy lần rồi, tên tiểu tử đó không chịu nhận, mỏ của thằng ấy còn cứng hơn cả mỏ vịt,” Cậu ta liếc mắt nhìn tôi, nói: “Nhà chú có khách à, vậy cháu không làm phiền nữa, cháu còn phải đi chúc Tết nhà bố nuôi đây.” Nói đoạn, cậu ta vẫy tay về phía chúng tôi, đi xa..