Trình Gia Dương

Cuộc thi viết vừa kết thúc, lại bắt đầu vòng khảo hạch cuối cùng đối với Kiều Phi. Người trong phòng Nhân sự đặt câu hỏi về quy định này, quy định kia, tôi không muốn cô phân tâm, nên đứng đợi ngoài cửa phòng thi.

Anh Lý- người cùng tôi tới trường phỏng vấn cô hôm đó, lo lắng đi tới, vừa nhìn thấy tôi liền nói: “Gia Dương à, tôi đang tìm cậu đây”.

“Có chuyện gì vậy?”

“Cái cô Kiều Phi này, chúng tôi vừa nhận được tin từ trường cô ấy. Trước đây khi còn học ở trường, cô ấy có vết đen đấy”.

“Cái gì?”. Tôi nhìn anh ấy.

“Học viện Ngoại ngữ đã nhận được một bức fax, nội dung là trước đây cô gái này đã từng...”

Nghe tới đây, tôi cảm thấy tâm trạng phức tạp vô cùng. Tôi chờ cho anh nói hết rồi hỏi: “Thế học viện Ngoại ngữ lúc đó có điều tra không? Có kết luận gì không?”

“Không điều tra, đương nhiên cũng không có kết luận nào cả”.

“Thế thì coi như chẳng có chuyện gì cả, chỉ là những tin đồn thổi vô căn cứ. Nếu chúng ta cứ suy xét kỹ như vậy thì chẳng quá chúng ta không có trình độ gì sao, phải không anh Lý?”

“Lúc tôi điều tra ở học viện Ngoại ngữ đã biết chuyện này rồi. Tôi không ghi chép lại, mục đích là muốn thảo luận với anh xem làm thế nào?”

“làm thế nào ư?” Tôi đẩy nhẹ cửa, nhìn thấy Kiều Phi đang trả lời câu hỏi, khuôn mặt ửng đỏ rất đáng yêu, “ Người là do tôi tuyển, tôi xin chịu mọi trách nhiệm”.

“Gia dương à, tôi làm vậy cũng là muốn bàn bạc với anh xem sao thôi mà”

“Tôi biết rồi, cảm ơn anh”. Tôi xua xua tay.

Trưởng phòng tìm tôi hỏi về tình hình tuyển dụng phiên dịch mới ngày hôm nay, tôi báo cáo đơn giản tình hình với ông. Trưởng phòng vô cùng hài lòng, ông nhắc tôi tiếp theo phải làm tốt công việc bồi dưỡng nhân viên mới. Tôi nói rằng trưởng phòng hãy yên tâm.

Sắp tới giờ ăn trưa, Tiểu Hoa gọi điện cho tôi: “Anh ăn trưa ở đâu vậy Gia Dương?”

“Ở nhà ăn. Thế còn em?”

“Nhà ăn? Anh không muốn ăn món súp khoai tây với tôm nõn hương trà à?”

“Nghe cũng hay đấy nhỉ? Nhưng em nói là lúc này ư?”

“Tại sao lúc này lại không được chứ? Em đã mua cả rồi, em đang chờ anh ở ngoài cơ quan anh đây này”.

Tôi nói: “Tiểu Hoa...”

Có người đối tốt với bạn như vậy, làm sao người ta không cảm động kia chứ?

Hôm đó xem phim xong, khi đi ăn cùng cô ấy, tôi chỉ buột miệng khen hai món ăn đó ngon, không ngờ cô ấy lại nhớ đến vậy.

“Được, em chờ một lát, anh sẽ xuống ngay”.

Một anh làm cùng phòng liền hỏi: “Bạn gái tới đưa cơm trưa hả?”

Tôi cười: “Sao anh biết?”

“Cũng chẳng phải lần đầu mà”.

Tôi tìm thấy xe của Tiểu Hoa ở ngoài sân lớn của Bộ Ngoại giao, cô ấy cười vui vẻ nói: “Anh mau cầm lấy đi, buổi chiều em còn phải tới đài truyền hình thu chương trình. Phần này là của anh, kia là của đồng nghiệp. Còn đây là trà đen đá”.

“Thế em phải đi ngay à?” Tôi cầm lấy thức ăn, vừa nhìn cô vừa hỏi.

“Em đang rất vội, còn có việc ở cơ quan nữa. Anh nhớ phải ăn đấy. Thôi em đi đây”. Vừa nói cô vừa khởi động xe, bỗng dưng cô dừng lại nhìn tôi: “Gia Dương à”.

“Sao thế?” Tôi ngó vào cửa xe nhìn cô.

Cô giơ tay ra vuốt má tôi: “Em thấy anh đang rất nóng đấy, đổ nhiều mồ hôi quá cơ”. Cô nói rồi hôn lên môi tôi.

Tôi còn chưa kịp phản ứng thì cô đã phóng xe đi.

Tôi đang cầm túi đồ ăn thơm ngon, khuôn mặt vẫn còn thoảng mùi hương trên tay cô khi cô vuốt ve mặt tôi, nhưng tâm trạng lại vô cùng nặng nề.

Đi làm về tôi liền tớ cơ quan của Tiểu Hoa đón cô đi ăn, buổi tối lại cùng nhau về nhà cô.

Lúc tôi đang nằm trên giường đọc sách, Tiểu Hoa mang tới hai quyển album lớn. Cô ngồi cạnh tôi nói: “Hôm nay khi về nhà lấy đồ, em tìm thấy mấy bức ảnh hồi bé. Anh có muốn xem không?”

“Muốn chứ”

Tôi đỡ lấy quyển album, rồi giở ra. Trang đầu tiên là tấm ảnh Tiểu Hoa lúc tròn một trăm ngày tuổi, một cô bé với khuôn mặt tròn xoe. Người ta tô màu vào những bức ảnh đen trắng, hai má cô hồng hồng.

Đúng rồi, bức ảnh hồi tôi tròn một trăm ngày tuổi cũng tô màu như vậy.

Giở tiếp những trang sau, cô bé lớn dần lên, trở thành một thiếu nữ.

“Này!”

“Gì vậy?”

“Mũi em hồi nhỏ hình như không đẹp như bây giờ”

“Thế à?”

Cô đỡ lấy quyển album, xem rồi nhận xét: “Ai bảo thế, từ nhỏ mũi em đã là mũi dọc dừa rồi mà”.

Tôi cười trêu tiếp: “Mũi dọc dừa cái gì chứ? À thì ra là mũi sâu róm”.

Cô quay ra cù tôi.

“Đó là từ chỉ đôi lông mày rậm của Quan Văn Trường, sao anh lại có thể thiếu hiểu biết thế nhỉ? Anh đang trêu em đúng không?”

Tôi cười ngặt nghẽo, Tiểu Hoa đè lên vai tôi, miệng ghé sát vào tai tôi, hơi thở của cô phả vào tai khiến tôi buồn buồn.

“Mẹ em nói muốn mời anh tới ăn cơm”.

Tôi sững người, ngồi dậy hỏi: “Gần đây anh hơi bận, hay để dịp khác đi, được không? Hơn nữa, nếu ăn cơm thì anh nên mời mới phải chứ?”

Tiểu Hoa cũng ngồi bật dậy nói: “Đúng vậy, em cũng nói như vậy với mẹ. Thôi anh cứ xem ảnh tiếp đi, em đi tắm đây”.

Nhìn thấy cô bước vào phòng tắm rồi, tôi hờ hững đứng dậy uống nước, hút thuốc.

Kiều Phi

Tiếp theo đó là một chuỗi ngày bận rộn.

Tôi đã được Bộ Ngoại giao tuyển, chỉ mấy ngày trước lễ tốt nghiệp, tôi cầm thư của Bộ Ngoại giao đi tới các phòng ban đóng dấu, rồi khám sức khỏe...

sau đó thì đi tìm nhà bởi khóa sinh viên mới tương đối đông, còn Bộ Ngoại giao không cung cấp chỗ ở. Sau này mỗi tháng được trợ cấp bao nhiêu thì chưa biết còn hiện tại mọi người phải tự giải quyết tìm chỗ ở. Trời thì vô cùng nóng nực mà tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cuối cùng cũng thuê được một căn hộ gần ga tàu điện ngầm.

Tôi dùng chung nhà vệ sinh và nhà bếp cùng một chị đã lăn lộn ở thành phố này rất lâu năm rồi.

Ngày thứ hai sau khi dọn nhà là lễ tốt nghiệp.

Sau này tôi nhớ lại, ngày hôm đó rất náo nhiệt, mọi người cùng nhau chụp ảnh, cùng nhau nghe thầy chủ nhiệm dặn dò, đã có rất nhiều sinh viên khóc.

Trong cái thành phố vừa rộng lớn vừa náo nhiệt này, tôi đã rất may mắn vì có hai người bạn ở lại đây làm việc cùng mình. Ba Ba sau khi được nhận vào làm ở một hãng hàng không Pháp cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn bồi dưỡng nghiệp vụ rồi. Ngày thứ ba sau khi tốt nghiệp, lần đầu tiên được bay tới Paris, cô ấy liền gọi điện về: “Các bà có muốn tôi mang thứ gì từ Paris về không?”.

Tiểu Đơn trả lời: “Đừng có khiêu khích bọn tôi”.

Tiểu Đơn cũng đã bắt đầu làm việc trong công ty du lịch, cô ấy làm người điều hành các chuyến đi, hỗ trợ sắp xếp các tour du lịch, đặt vé máy bay, thống kê giá phòng khách sạn...Xem ra công việc vô cùng phức tạp.

Đêm đầu tiên sau khi đi làm cô ấy gọi điện cho tôi: “Mình rất hối hận vì hồi cấp ba đã không chịu học tốt môn Toán”.

Thời tiết vô cùng khó chịu.

Sau khi thi xong, tôi không gặp lại Trình Gia Dương.

Mọi việc cơ bản đã sắp xếp đâu vào đấy, tôi được nghỉ hai tuần trước khi phải tới Bộ Ngoại giao báo cáo.

Tôi về quê.

Tôi vốn đã nổi tiếng ở đây, lần này từ Pháp về lại sắp làm việc trong Bộ Ngoại giao, hàng xóm láng giềng ai cũng đưa con tới để chiêm ngưỡng học tập.

Đến cả tổ trưởng tổ dân phố- người thường xuyên chăm sóc cho bố mẹ tôi cũng đứng ra mượn một lớp học nhỏ trong nhà trẻ để tôi có thể thực hiện buổi giáo dục ý chí phấn đấu đối với toàn bộ trẻ em trong khu dân cư. Bất kể ở độ tuổi nào, từ mẫu giáo tới tiểu học, cấp ba, sinh viên đều bắt buộc phải có mặt, nhưng em quá bé chưa hiểu gì thì yêu cầu phụ huynh tới cùng nghe.

Tôi cố gắng thuyết trình, nhận thấy mình cũng có khả năng hùng biện. Bố mẹ tôi đều rất tự hào.

Đã lâu không về nhà, buổi tối tôi ngủ cùng mẹ.

Mẹ biết tôi về nhà đợt này sau đó sẽ đi làm ở Bộ Ngoại giao, nên nhất quyết đòi mua cho tôi một bộ vest cao cấp.

Tôi nói chưa cần thiết bởi ban đầu con còn phải bồi dưỡng một thời gian nữa, do vậy không được xuất hiện trong các cuộc gặp gỡ quan trọng. Hơn nữa hồi học đại học con cũng mua một bộ vest rồi.

Không được, bộ đó cũ quá rồi, mẹ tôi nói, con sợ bố mẹ tốn tiền à, Phi Phi? Con không phải lo gì cả. Tiền trước đây con gửi về vẫn còn thừa mà, hơn nữa bố mẹ mở tiệm tạp hóa, làm ăn cũng được lắm.

Thôi được, tùy bố mẹ thôi, tôi cười trừ.

À, mà việc lần trước mẹ nhờ cô hàng xóm nói với con, con đã làm chưa đấy? Mẹ tôi hỏi.

Mẹ nói việc gì cơ?

Việc con phải đi cảm ơn anh chàng đã tới nhà chúng ta đó.

Con đã cảm ơn rồi, tôi đáp.

Tôi quay đầu, le lưỡi, quả thật tôi cũng quên béng mất. Có điều tôi không gặp lại Trình Gia Dương nữa.

Thế anh chàng đó có ý gì với con phải không? Mẹ tôi hỏi.

Tôi nhìn mẹ rồi đáp. Đúng ạ.

Thế còn con? Phi Phi.

Con cũng không biết nữa. Mẹ à, nhà anh ấy rất giàu, bố mẹ đều là quan chức.

Vậy con nên sớm nói rõ ràng với người ta đi, Phi Phi à, nhà chúng ta không xứng, không nên tiếp xúc quá thân thiết. Mẹ sẽ đưa con tiền để trả cho cậu ta.

Con biết mà mẹ. Sao con lại không biết chứ?

Song cứ nói về Trình Gia Dương, tôi lại thấy bối rối. Trả tiền cho anh ấy ư? Tôi đã nợ anh quá nhiều, du học, công việc, tấm lòng của anh đối với tôi từ trước tới giờ có muốn trả cũng không trả hết được.

Tôi ra hiệu bằng tay rất nhanh để nói với mẹ rằng: Mẹ đừng quá lo lắng, cái gì mà phải nói rõ ràng, người ta bây giờ có người yêu rồi, rất môn đăng hộ đối. Con tắt đèn nhé, mẹ cũng ngủ sớm thôi.

Tắt đèn xong, tôi kéo chăn trùm kín mặt. Trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh cô gái đó. Mặc dù biết không nên nhưng tôi vẫn so sánh mình với cô ấy, cái gì cô ấy cũng hơn tôi.

Tôi trở lại thành phố.

Sáng hôm đó tôi đã ăn một bữa thịnh soạn, tinh thần sảng khoái tới báo cáo ở Bộ Ngoại giao.

Trong phòng họp của phòng Phiên dịch cao cấp, tôi gặp rất nhiều bạn cùng vào Bộ với tôi đợt này. Họ đều là những anh tài từ các trường ngoại ngữ ở khắp các tỉnh thành đã trúng tuyển trong kỳ thi vừa rồi.

Tôi tìm một chỗ trống rồi ngồi xuống bắt chuyện cùng mấy bạn ngồi xung quanh.

Một bạn nam nói: “Bạn chính là cô gái mà hôm thi đến muộn phải không?”

Đúng là chẳng nể nang gì, tôi nhìn cậu ta đáp: “Thế thì sao?”

“Vẫn trúng tuyển ư?”

“Nếu không tại sao tôi lại tới đây chứ?”

“Đừng có tự ái nhé”. Cậu bạn đó cười thân thiện, “Mình định nói là nghiệp vụ của bạn rất tốt. Mình tên là Triệu Bằng Viễn, bên tiếng Anh”.

“Mình là Kiều Phi, bên tiếng Pháp”. Tôi bắt tay cậu ta.

Lúc này một số người nữa bước vào, Trình Gia Dương đứng ở phía trước.

Anh mặc áo sơ mi cộc tay, quần âu màu đen, trông rất năng động. Anh đã nhìn thấy tôi, nhưng không biểu lộ cảm xúa gì.

Gia Dương bắt đầu nói: “Tôi là phiên dịch viên Trình Gia Dương ở phòng Phiên dịch cao cấp, tôi thay mặt Bộ Ngoại giao chào mừng và chúc mừng tất cả các bạn. Các bạn đã trải qua rất nhiều vòng thi tuyển, do vậy đều là những anh tài xuất sắc. Trong khoảng thời gian hai tháng tới phòng Phiên dịch cao cấp chúng tôi sẽ tiến hành bồi dưỡng và sàng lọc thêm một lần nữa đối với các bạn. Những bạn tiếng Anh, tiếng Pháp xuất sắc nhất sẽ ở lại phòng Phiên dịch cao cấp, các bạn còn lại sẽ được phân tới các vụ, cục trong bộ, các Lãnh sự quán. Trước khi trúng tuyển, các bạn đều đã có những hiểu biết nhất định về Bộ, chúng ta sẽ không lãng phí thời gian nữa. Đầu tiên tôi chúc các bạn thành công. Tôi xin giới thiệu với các bạn thầy giáo phụ trách việc đào tạo các tiếng...”

Phụ trách đào tạo phiên dịch mới của chúng tôi đều là những anh tài đã rời khỏi vị trí công tác trước đây của mình vì lý do tuổi tác cũng như sức khỏe.

Tôi cùng với mười lăm bạn tiếng pháp khác lập thành một lớp mới dưới sự hướng dẫn của thầy Ngô, hơn bốn mươi tuổi.

Buổi tối khi gọi điện cho Tiểu Đơn tôi kể: “Hóa ra lại tiếp tục làm học sinh, cả đời này có lẽ tớ không thể làm cô giáo được rồi”.

“Ôi!”. Cô ấy ngáp một cái rồi mệt mỏi đáp lại, “Mình lại rất ngưỡng mộ cậu, ngày nào mình cũng phải làm cho tới khi mệt lữ. Mình không nói chuyện với cậu nữa. Mình buồn ngủ quá”.

Tôi cúp máy, đứng trên sân thượng ngắm bầu trời mùa hạ, cơn gió đêm thổi tung váy ngủ của tôi xua tan mọi nóng bức. Tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái.

Tôi nhớ lại những chuyện ban sáng, sau khi kết thúc, chúng tôi lần lượt rời khỏi phòng họp. Lúc tôi xuống tầng, Trình Gia Dương liền hỏi tôi từ phía sau: “Đã tìm được nhà chưa?”

Tôi quay lại nhìn anh rồi gật gật đầu.

“Xa không?”

“Đường Ngọc Tuyền, cạnh Học viện Khoa học Xã hội”.

“Cũng xa đấy nhỉ”.

“Thế cũng là tốt lắm rồi, ngay cạnh ga tàu điện ngầm”.

Anh không nói nữa, chỉ đứng bên cạnh tôi.

“À, em quên không cảm ơn anh”

“Cảm ơn vì cái gì?”

“Vì công việc này và còn cả cơ hội được đi du học nữa”. Tôi cười rồi nhìn anh, “hai hôm trước em về quê, oai lắm đấy”.

Tôi không nhắc tới chuyện anh tới nhà mình.

Gia Dương mỉm cười rồi nhìn tôi nói: “Kiều Phi à, em rất xuất sắc, em xứng đáng với công việc này. Từ nay về sau hãy cố gắng hơn nữa”.

Đúng vậy, tôi đã đi làm và đã trở thành người lớn.

Gia Dương nói rất đúng, tốt nghiệp chỉ là một cột mốc mà tôi đã vượt qua, tất cả mọi thứ trong quá khứ, đau khổ, vui sướng, kiềm chế, phóng túng, những điều nên và không nên...

Cứ như vậy, mặc kệ đi.

Tôi chắp hai tay ra đằng sau.