Vào kì nghỉ hè duy nhất mà tôi được tận hưởng suốt bốn năm qua, tôi đã ở bên bà ngoại trong chiếc sân nhỏ ở ngõ Hoa Thụ Lý.

Dường như, tôi đã trưởng thành chỉ sau một đêm.

Tôi không còn gắt gỏng với bà, không khiến bà bực mình nữa, cũng chẳng chê trách bà tọc mạch xen vào chuyện người khác.

Tôi nghe lời bà, đi theo bà học nấu món này món kia.

Bà nói liên miên: “Dù sao cháu cũng phải tự mình kiếm cơm ăn áo mặc, không thì một mình ở Bắc Kinh cũng chẳng còn gì mà ăn đâu.”

Tôi “vâng vâng dạ dạ” rồi cứ đi vòng xung quanh bà.

Bà hài lòng nói cho tôi hay: “Hấp cá phải dùng giấm thì mới khử được mùi tanh, còn phải dùng ngũ vị hương nữa.”, “Cánh gà phải đảo đều tay không thì sẽ dính chảo.”, “Rang lạc không được để lửa to quá, dùng dầu cũ vẫn còn nóng là được rồi, không thì bị cháy đấy”, “Nấu canh cá bắt buộc phải cho thêm nước nóng vào, không thì canh sẽ không có màu trắng sữa đâu”, …

Tiếp đó, bà thở dài sung sướng sau khi được thưởng thức bữa cơm đầu tiên do chính tay tôi nấu: “Tiểu Đào nấu đó nha, không biết bà còn được ăn thêm bao nhiêu năm nữa.”

Đến mức gặp ai bà cũng khoe: “Trưa nay Tiểu Đào làm bếp trưởng nấu cho nhà tôi đấy.”

Nghe người ta khen tôi thì bà lại khiêm tốn nhưng đã trả lời một cách rất tự hào: “Nấu cũng ổn rồi, chứ con gái bây giờ cũng ít ai chịu học nấu ăn lắm.”

Lúc nói như vậy, khuôn mặt bà ngập tràn sự hài lòng đắc ý nhưng bà không biết rằng, khi chúng tôi đi cao gót tất bật trong đài truyền hình thì cơm hộp trở thành lựa chọn duy nhất của chúng tôi.

Bà không biết tôi học nấu ăn chỉ để cho bà vui – bởi vì tôi thích được thấy bà vui khi nhìn tôi nấu cơm, càng thích được ngắm bà hạnh phúc vẹn toàn khi ăn những món do chính tay tôi nấu.

Khi tôi lớn lên, khi khoảng cách giữa tôi với bà ngày một xa xôi, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra, tình yêu dành cho bà đã ăn sâu vào tận cốt tủy, tình yêu ấy một lòng và sâu sắc đến nhường nào.

Lúc tâm sự với Adrian như vậy, anh đã gửi cho tôi chiếc icon mặt cười.

—— Cherry, bạn là một đứa cháu ngoan.

Giờ bạn mới biết à!

Tốt nghiệp xong lại về nhà chăm sóc bà ngoại đó!

Có lẽ, mặc cho tương lai có ra sao thì dù tôi có đi đâu, tôi cũng sẽ cố gắng làm việc, mua một căn hộ thật to rồi dẫn bà đến, sau ấy hai bà cháu sẽ tắt lửa có nhau.

Được! Tôi ủng hộ bạn!

Cảm ơn nhé!

Cô bé à, tôi nhận ra bạn còn thực tế hơn tôi nghĩ rất nhiều, ừ đấy, khác hẳn cái vẻ trên TV luôn.

Tôi cứ suy nghĩ không biết ở ngoài đời thực thì bạn trông như thế nào nhỉ, liệu có bị ‘chết khi thấy ánh sáng’ [1] không?”

[1] Trong văn học, điện ảnh luôn tồn tại những điều tốt đẹp nhưng khi bị hiện thực “tàn sát” thì hết thảy đẹp đẽ đã biến tan, mộng tưởng và hiện thực khác nhau một trời một vực.

Chết khi thấy ánh sáng trong trường hợp này là chỉ những cặp đôi quen nhau qua mạng nhưng rồi khi gặp nhau ngoài đời thật thì ảo tưởng về đối phương đã bị vỡ nát.

Không đâu, đại ca cứ yên tâm, bởi vì tôi không thấy ánh sáng nên sẽ không chết đâu, ha ha.

Bạn chưa gặp bạn trên mạng bao giờ à?

Tôi là người thiếu cảm giác an toàn thì sao mà đi gặp bạn trên mạng được? Tôi còn không biết người ta có đáng tin hay không.

Ví dụ cụ thể ngay đây này, tôi đáng tin lắm —— bạn cũng không thể không cảm ơn ân nhân của mình sau khi thi đỗ nghiên cứu sinh phải không nào?

Vâng vâng, thế phải cảm ơn như nào? Ba quỳ chín lạy à?

Không cần phải như thế, lấy thân báo đáp thôi cũng được.

Ha ha, Arian hồi xuân đấy à?! Tôi nhớ hồi mới quen nhau, bạn nghiêm túc lắm cơ mà, trông y như mấy ông thầy dạy đời ý! Lúc đấy tôi chẳng bao giờ tưởng tượng được sẽ có một ngày hai chúng ta sẽ trêu nhau như thế này.

Ớ? Thế á?

Chứ còn gì!

Ồ, thế thì cũng không phải chuyện quá tệ, dù thế nào thì ít nhất việc hồi xuân còn có nghĩa là chúng ta không cách biệt thế hệ nữa đúng không?

Cũng phải.

Nhưng mà, một lần nữa, ai bảo lúc nãy tôi trêu bạn?!

Ô…

Tôi đang rất nghiêm túc đấy biết không.

Ồ… Thế là đang tỏ tình à?

Cứ coi là vậy.

Sao lại thế được, qua loa thế!

Thế phải như nào thì mới không qua loa?

Thì phải quảng cáo trên TV chớ, hoặc ít ra cũng phải dành hẳn một trang trên báo để viết “Cherry tôi yêu em” kiểu vậy chứ.

Giỏi nhờ, bạn chỉ mong người dân khắp thế giới biết đến đúng không?

Ha ha, chúc mừng bạn nhá, bạn trả lời đúng rồi.

Bé con lại mơ mộng rồi đấy.

Than nghèo kể khổ với Adrian là trò tiêu khiển tuyệt vời trong mùa hè nóng nực.

Sau đó nhắc đến chuyện tới Bắc Kinh.

Bao giờ đến Bắc Kinh?

“Đến” Bắc Kinh là sao? Bạn đang ở đâu?

Ha ha, nói ra sợ bạn lại giật mình, giờ tôi đang ở Bắc Kinh!

Ớ?! Trùng hợp thế?

Ừ đấy, nên nhớ nói chuyến tàu cho tôi để tôi đi đón bạn.

Không cần đâu, cảm ơn chú nhiều.

Ai là “chú”? Tôi nhấn mạnh một lần nữa, tôi chỉ lớn hơn bạn 5 tuổi thôi!

Ò, biết rồi.

Nhân tiện, rốt cuộc thì chú ở Đại học nào thế? Tôi cứ ngỡ bọn mình sống cùng thành phố với nhau đấy!

Đúng rồi, tháng trước tôi mới đến Bắc Kinh thôi.

Mà cảnh cáo bạn, đừng có gọi tôi là chú!

Hả? Hè rồi đến thủ đô làm gì, chú không sợ nóng à?

Vẫn ổn, thầy tôi tham gia cuộc họp quan trọng nên tôi đi theo, tạm gọi là thư ký đi.

À, ra là vậy! Mà chú thấy tôi là người như thế nào?

Bạn á? Trông thì chững chạc nhưng thực chất thì ngây thơ, suy nghĩ tích cực, tình tính hiền dịu, không kiêu căng không nóng nảy, dũng cảm bướng bỉnh… Với cả, bạn cứ thử gọi “Chú” thêm lần nữa xem?!

Hi hi, sao nghe giống tiêu chuẩn để vào “Đội thiếu niên tiền phong” nhỉ?

Tôi nói sai à? Tôi còn biết trông như thế nào cơ mà, tôi chỉ là khán giả trung thành của bạn.

Nhưng tôi còn chưa được gặp bạn! Bất công thế nhỉ!!

Tôi gửi ảnh cho bạn là được mà, quá đơn giản! Hình như đến giờ bạn vẫn chưa đưa ra yêu cầu này.

Gửi đi, nhưng phải nói trước cho bạn biết, tôi có thói trông mặt mà bắt hình dong đấy.

Hừ! Cứ chờ xem.

Chục giây sau, một file nén đã được gửi đến.

Mang theo nỗi thấp thỏm chực chờ, bàn tay nắm chuột đã đầm mồ hôi nhưng lại không dám mở ra.

Bởi vì đang rất đỗi hồi hộp: Adrian, sau bao lâu như vậy, có lẽ anh cũng không biết, giọng điệu của anh, lời nói của anh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời em.

Em không muốn mơ mộng quá đẹp nên mới ngại không dám hỏi thông tin về anh.

Phải chăng vì em sợ, khi hiện thực phá vỡ những mộng tưởng đẹp đẽ thì chúng ta sẽ chẳng thể trò chuyện với nhau thẳng thắn và vui vẻ như thế này?

Song, như thể có gì cắn xé, thúc giục tôi ấn đúp chuột vào file nén RAR.

Chốc lát, thấy tôi không nói năng gì thì anh nhắn hỏi: Xem xong chưa?

Xem xong rồi.

(Cõi lòng đang bảo em lừa anh đấy.)

Cảm nghĩ thế nào? Không quá xấu đúng không? Mặc dù cũng chả đẹp trai cho lắm.

Ừm, cũng ổn (Lại lừa anh đấy, hừ hừ.)

Tôi đã bảo rồi, thế nào thì bạn cũng không chết khi thấy ánh sáng được đâu! Thế này, đợi đến giữa tháng 9 đi nhập học ở Bắc Kinh, tôi sẽ đi đón bạn.

Ồ (ngoài việc trả lời nhát gừng như này thì tôi không biết mình phải nói gì cả.)

Thật ra thì tôi vẫn chưa mở —— vì nhát gan quá.

Bởi tôi thấy có một số việc, chút tình cảm ít ỏi chỉ nằm trong trí tưởng tượng của mình, một khi tưởng tượng đã liên quan đến hiện thực thì dẫu cho mình có mơ mộng đẹp đẽ đến đâu, nó cũng trở nên phi thực tế bởi vì hình ảnh đã ngày một rõ ràng.

Thành thử, tôi vẫn chưa mở ảnh ra nữa.

Tôi để mặc cho nó hiện hữu một góc trong máy tính của mình, sau dần thì cũng quên đi.

Hai ngày trước khi đến Bắc Kinh nhập học, cuối cùng tôi đã gom hết can đảm trong mình để quay về trường cũ.

Sau bốn năm trời, đây là lần đầu tiên tôi về thăm trường.

Cổng trường vẫn hệt như xưa, bác ở phòng bảo vệ vẫn ngăn cản người lạ có ý vào trường, cực kì tận tụy và trách nhiệm với công việc.

Thế mà khi thấy tôi, bác đã sững sờ: “Cháu là ai? Sao trông quen thế?”

Tôi cười: “Cháu tốt nghiệp ở đây mà.”

Bác rất nghiêm túc: “Đang trong giờ học, dù tốt nghiệp từ đây ra thì cũng không được phép vào.”

“Cậu ấy đến gặp cháu.” Đang xích mích với nhau thì tự dưng có tiếng vang lên.

Tôi quay lại thì thấy Hạ Vi Vi!

Cậu ta nhoẻn môi cười khi thấy vẻ mặt bất ngờ của tôi rồi quay sang nói với bác bảo vệ: “Cậu ấy đến gặp cháu lấy ít đồ ạ.”

Bác sự hiểu, cười híp mắt nhìn tôi: “Nói sớm có phải hơn không, sao cháu không bảo cháu đến gặp cô Tiểu Hạ?”

Tôi cười với bác rồi theo chân Hạ Vi Vi vào sân trường.

Trên đường, tôi thấy quái lạ nên mới hỏi Hạ Vi Vi: “Sao cậu lại ở đây?’

Cậu ta hỏi ngược lại: “Thế sao cậu lại nghĩ tớ không ở đây?”

Tôi há hốc mồm, câm nín —— đúng thật, sao tôi lại chắc mẩm Hạ Vi Vi sẽ không ở đây được chứ? Chẳng lẽ, nhờ mấy lần Nhạc Triết bày tỏ lòng trung thành “Hành trình nghìn dặm” nên đã chắc nịch rằng Hạ Vi Vi sẽ tha thứ cho anh ấy rồi theo anh ấy về tỉnh à?

Thấy tôi ngơ ngẩn, cậu ta cười: “Tớ biết cậu nói cho anh ấy là tớ đang ở đây.”

Tôi kìm lòng chẳng đặng: “Sau đó thế nào rồi?”

“Sau đó? Tớ thấy được sự chân thành của anh ấy, ngẫm cũng thấy anh ấy chẳng dễ dàng gì nên quyết định tha thứ rồi.” Cậu ta mỉm cười, trả lời tôi.

“Ồ.” Tôi cười: “Vậy chuyện công việc giải quyết thế nào?”

Cậu ta nhún vai: “Trước lúc quay về thực tập, tớ cũng thử việc ở một trường cấp hai rồi còn gì? Mấy hôm trước người ta gọi bảo tớ đến ký hợp đồng.”

Hạ Vi Vi mỉm cười: “Không ngờ lại thuận lợi đến thế.”

“Thật à?” Tôi cũng vui không kém gì: “Chúc mừng cậu!”

Cậu ta cười đáp lời: “Tiếc là sau này bọn tớ ở lại tỉnh, còn mỗi cậu đi Bắc Kinh.”

Tôi cười: “Thế mà lúc nãy bảo vệ còn cho cậu vào hả cô Tiểu Hạ?”

Mặt Hạ Vi Vi ánh lên vẻ tinh ranh: “Tớ đến để lấy đồ còn gì, cơ mà không ngờ lại trùng hợp gặp cậu thế này.”

Bọn tôi cười giòn tan, sóng vai nhau đi giữa sân trường.

Đi dọc theo con đường lát gạch.

Tôi nhìn ngắm xung quanh, trường không thay đổi quá nhiều, những góc nhỏ thân quen đong đầy ký ức xưa: Bậc thang trên sân cỏ – nơi tôi đã từng ngồi để đọc sách; cái thùng rác đầu tiên ngay cạnh khu giảng đường – nơi tôi đã từng vứt biết bao bài kiểm tra không đạt yêu cầu; thẻ điện thoại IC cạnh cột cờ – nơi tôi từng giữ chặt số điện thoại nhà Trương Dịch nhưng cuối cùng lại không dám gọi; căn tin vẫn y hệt như xưa, tôi vẫn nhớ món gà kho tiêu vốn dĩ phải thuộc về Hạ Vi Vi…

Tôi dừng chân trước bản thông báo của trường, Hạ Vi Vi cũng đứng lại theo.

Tấm bảng gỗ màu trắng đã được đổi sang loại thép không rỉ từ bao giờ, sau tấm kính kia là những tấm ảnh với những khuôn mặt xa lạ nhưng nụ cười xán lạn thì không bao giờ khác nhau, dưới những bức ảnh là từng dòng ghi chú “Giải Nhất môn Vật Lý cấp tỉnh”, “Giải Nhất môn Hóa Học Cấp Tỉnh”, các dòng chữ ấy là những em học sinh xuất sắc, tuyệt vời.

Song, mọi thứ đã đổi thay cả rồi —— trước kia, ở đây thường sẽ gắn bức ảnh của người ấy, bây giờ đã trôi theo con sông thời gian, chẳng biết trôi dạt tới phương nào.

Đúng lúc này, chuông tan học vang lên, học sinh lũ lượt ra khỏi lớp, hành lang thinh lặng bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt.

Tôi với Hạ Vi Vi đi ra sân bóng xem mấy em học sinh nam chơi bóng rổ, thậm chí còn nghe được tiếng mấy em nữ thì thầm thảo luận xem ai chơi bóng đẹp trai hơn, rồi lại than thầy câu giờ.

Thi thoảng có những ánh mắt tò mò ngó sang quan sát tôi và Hạ Vi Vi rồi quay phắt đi, xong lại xì xào bàn tán —— tôi và Hạ Vi Vi đã trở thành người xa lạ trong mắt các em.

Tôi cúi đầu nhìn mình: Váy trắng dài tới đầu gối; tóc ngắn đã được hô biến thành mái tóc dài mềm mượt xõa trên vai, trông dịu dàng hơn hẳn.

Đôi guốc sáng màu đã cho thấy rõ sự khác nhau giữa tôi và cô bé trước mắt, và hết thảy cũng chỉ mới bốn năm qua đi.

Bốn năm trước, tôi cũng từng đứng đây nhìn Trương Dịch chơi bóng, cứ rụt rè xấu hổ đứng dưới bóng cây con con với khao khát thiết tha đầy ắp trong tim rằng, chỉ cần cậu mỉm cười rạng rỡ khi cậu nhìn lại rồi ném bóng vào rổ cũng đủ khiến cõi lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Song, cậu chẳng hề hay biết.

Ấy là bí mật của riêng tôi, hệt như chú bù nhìn đứng giữa cánh đồng, im lặng canh gác mọi động tĩnh của chim chóc trên bầu trời.

Sân trường ồn ào nô nức, Hạ Vi Vi ngẩng đầu ngắm trời rồi bất chợt lên tiếng: “Đào Oánh, nếu quay ngược thời gian về bốn năm trước, có khi nào chúng ta sẽ là bạn thân của nhau không?”

Tôi cũng ngẩng đầu, ngắm những ráng đỏ khuếch tán nơi chân trời.

“Có lẽ là được.” Tôi trả lời, sau đó tự dưng tôi nghĩ đến một câu hỏi: “Sao cậu lại ác với Uyển Đình như thế?”

“Ác á?” Hạ Vi Vi cười: “Tớ ác với em ấy á?”

Ngẫm nghĩ thêm đôi chút, cậu ta mới thở dài thật khẽ: “Thật ra thì… chắc do tớ sợ phải đối mặt với em ấy chăng?”

“Hả?” Tôi không nghe rõ.

“Đến giờ tớ vẫn chưa nói cho bất cứ ai biết, tớ rất hổ thẹn với Uyển Đình.” Cậu ta nhìn tôi rồi lại ngoảnh nhìn nắng chiều ở phương xa: “Nếu như tớ không chở Uyển Đình đi chơi rồi quên khoác áo cho em ấy thì em ấy sẽ chẳng bị sốt, chẳng bị sốt thì sẽ chẳng phải tiêm, không tiêm thì sẽ không bị biến thành người câm điếc…”

Tôi đờ đẫn.

Hạ Vi Vi thở dài, nhìn sự đau thương đang lan khắp khuôn mặt tôi: “Kể từ đó, tớ luôn cảm thấy mắc nợ em ấy, tớ không dám nhìn thẳng vào em ấy, không dám để mình nhớ đến những gì đã xảy ra, đến mức tớ còn thấy mẹ kế lạnh nhạt với mình, dần dà thì chuyện gì cũng làm tớ điên tiết.

Thật ra, sau khi trưởng thành tớ mới thấy mình ngu làm sao.”

“Ừ, ngu quá, vì cái ngu đấy mà bỏ lỡ biết bao phong cảnh.”

Bỏ lỡ biết bao phong cảnh sao?

Thật ra, trên đoạn đường của chúng tôi, những ký ức về phong cảnh đã chẳng còn hoàn chỉnh nữa rồi.

Bởi vì trên chặng đường của mình, chúng ta sẽ để tâm đến vô vàn thứ khác để rồi quên mất phải thưởng thức cảnh vật.

Thành ra, khi chúng tôi thực lòng muốn hoài niệm về khung cảnh ấy thì mới vỡ lẽ ra rằng, chúng ta chỉ còn những mảnh vụn mà thôi.

Nếu có thể, nếu có thể làm lại từ đầu thì chắc chắn chúng ta sẽ chẳng để lại nhiều tiếc nuối đến nhường này.

***

Đêm hôm đó tôi đã gặp lại cô bạn Điền Giai Giai – một nàng nhện xuất sắc quanh năm suốt tháng bám càng trên mạng.

Cô ấy rất may mắn —— cùng Duẫn Quốc Đồng thi đỗ lên nghiên cứu sinh trường tôi, cả hai cùng được ở lại thành phố xinh đẹp ấy.

Tôi nóng lòng muốn kể cho cô ấy nghe về trải nghiệm của mình trong ngày hôm đó: Trường tụi mình xây xong phòng thể dục rồi, còn sửa cả đường chạy thành đường nhựa rồi cơ!

Giờ cậu mới biết à? Đúng là lâu rồi chả thèm về trường có khác.

Thế cậu đoán xem, giờ trời mưa tuyết thì học sinh phải học thể dục trong phòng đấy rồi nhỉ?

Chắc là vậy rồi.

Khổ chết mất, thế thà không có phòng thể dục còn hơn, tớ nhớ những ngày tiết thể dục được đổi thành tiết tự học do vấn đề về thời tiết quá, ha ha.

Á à, cậu vẫn không thích vận động à?

Có thích hay không cũng vô ích thôi, bọn mình lắm áp lực quá nên cứ coi không vận động là đang giữ sức khỏe đi.

Cái mồm cậu chỉ có lấy cớ là giỏi, đã nghe câu “Vận động là mẹ của sinh mạng” chưa?

Rồi rồi, đợi đến lúc lên nghiên cứu sinh, chắc tớ sẽ suy nghĩ đến việc chạy 800m mỗi ngày.

Mặt trời mọc đằng Tây rồi!

Ớ? Thế ra bình thường mặt trời không mọc đằng Tây à? Cậu là Tây nào đấy?

Ha ha, càng ngày càng mắc mệt với cậu.

Học của ai đấy hả? Tội nghiệp ghê!

Học bạn trên mạng đó.

Ha ha, thì ra tớ bị người ta ảnh hưởng xấu nhiều như thế.

Người ta thú vị lắm à? Nam or nữ?

Nam, giờ đang ở Bắc Kinh đó.

Ố! Thế thì hai cậu sống chung thành phố rồi còn gì?!

Điểm 10 chất lượng! Chúc mừng cậu trả lời đúng rồi đấy!

Ố… Thế Trương Dịch phải làm sao bây giờ?

Nàng ơi, xin nàng hãy lý trí giùm tớ cái.

Bốn năm rồi, cậu ấy vẫn là Trương Dịch của quá khứ được sao? Dù cậu ấy có như thế thật thì tớ cũng chẳng còn là Đào Oánh của ngày xưa nữa.

Hai người xa lạ, anh đi đường anh, em đi đường em.

Nhưng mà này là lâu ngày sinh tình đó! Nói thẳng cho cậu ấy biết cậu đi nhập học ngày nào đi để người ta còn ra bến tàu đón cậu!

Ha ha, xin lỗi nhá, tớ hẹn người đón trước rồi.

Ai đấy?

Bạn trên mạng của tớ đó! Thành phần tri thức tuổi trẻ tài cao, phong độ hào hoa, đỉnh cao lắm đấy!

Hừ! Gửi tớ số QQ của anh ấy đi, để tớ ra nói chuyện với anh ấy!

Cậu bị dẩm à? Đừng có làm phiền người vô tội.

Tớ đang chịu trách nhiệm với cậu đó được chưa, cậu phải tu ba kiếp mới có được người bạn giúp cậu không màng tính mạng như tớ đấy.

Phải nhớ cho tớ “Chị em như thể tay chân, đàn ông chỉ như quần áo”!

Ừ, tớ sẽ nhớ mà —— vì chị em giúp nhau không màng mạng sống, vì quần áo mà không màng mạng sống!

Cái đồ Đào Oánh này!!! Nhanh gửi tớ số QQ đi.

Cho số thì được thôi nhưng cậu phải giả làm người lạ đi đấy nhá, đừng có bán đứng tớ.

Đương nhiên rồi, tớ học Tâm lý đấy nhá.

Yên tâm đi!

Điền Giai Giai offline xong thì mất tăm mất tích.

Đáng lẽ tôi phải biết từ lâu rằng, một người đam mê Tâm lý học điên cuồng như cô ấy mà không moi ra được “Cái tôi, bản ngã và cái siêu ngã” của người ta ra thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua.

Y như rằng, mấy hôm sau, avatar của Điền Giai Giai sáng lên.

Giọng điệu đắc ý cực kỳ: Tớ tra ra được tính cách đặc trưng của anh ấy rồi.

Hả?!

Tớ cho anh ấy làm khảo sát tâm lý đó!

Trời… Gặp phải cậu đúng là số kiếp của bạn tớ.

Ha ha, cậu muốn nghe kết quả không?

Nói xem nào.

Tính cách anh ấy bình thường, sức khỏe tâm lý, tính cách hỗn hợp điển hình của chất nhờn và nhiều máu, tỉ lệ chắc chừng 3:2.

Đừng có nói từ ngữ chuyên ngành!

À, thôi được.

Nói đơn giản thì tính cách ổn định, không dễ bốc đồng.

Trầm tĩnh, tính tự chủ và tính kiên trì mạnh phết, nhẫn nại, tương đối cố chấp nhưng tính cũng không quá hướng nội mà còn phản ứng khá nhanh đấy, các mối quan hệ cá nhân cũng tốt.

Không có khuyết điểm cơ à?

Khá cẩn thận, nhiều câu hỏi còn né tránh nghi ngờ, đúng là cáo già.

Ngang tai thế.

Há há.

Điền Giai Giai offline thì đến lượt Adrian online.

Tôi bỗng áy náy khi thấy avatar của anh, cảm giác như thể mình đang giăng bẫy anh vậy.

Anh nhắn cho tôi trước: Chưa ngủ à?

Đang nói chuyện với bạn.

Bao giờ đến Bắc Kinh,

Ba ngày nữa, 2 tháng 9.

Nhanh đấy.

Hôm đó nhập học à?

Không, tôi đi trước mấy hôm thôi.

Xem ra bạn thích nơi này phết nhỉ, còn đến sớm mấy hôm lận.

Không phải đâu! Bởi vì hôm đó có múa rối.

Gì cơ?

Hôm đó, ở rạp hát có diễn múa rối.

Hồi bé tôi chưa được xem nên rất muốn được đi xem một lần.

Đang ám chỉ đây à? Như kiểu nhắc tôi đi đặt vé ý nhỉ.

Đừng hiểu lầm, tôi sẽ tự đặt vé qua “Mua vé”, dù gì cũng không đắt lắm mà.

Hay để tôi đặt, coi như kỷ niệm buổi gặp mặt đầu tiên của chúng ta.

Hớ?! Không muốn đâu!

Vì sao?

Chúng ta có quen nhau đâu.

Không quen à? Chúng ta quen nhau sắp hai năm rồi.

Quen về tâm hồn hay quen về mặt mũi cái nào quan trọng hơn nào?

Nhưng internet có phải thật đâu, thế thì những tình cảm tốt đẹp sẽ cháy rụi, tôi chẳng muốn chúng ta không thể làm bạn được nữa đâu.

Khi tranh luận thế này, dường như con chuột trong tay tôi đã vô thức mở file nén mà Adrian gửi cho mình.

Người gì đâu kì quái —— chỉ là mấy tấm ảnh thôi mà, có cần phải gửi file nén như thế này không? Nhưng mình hành động cũng kì còn gì —— chỉ là file nén mà còn đa nghi như thể bom hẹn giờ không bằng.

Tôi bỗng thấy mình nực cười quá, tôi ngẩng đầu nhìn đồng hồ thì nhận ra trời đã khuya lắm rồi.

Buồn ngủ ập đến, tôi nói tạm biệt với Adrian rồi rửa mặt đi ngủ.

Trước khi ngủ, tôi tự nhủ với lòng: Ngày mai sẽ là một ngày mới.

Có lẽ, tất thảy rồi sẽ khác đi.

Sự thật chứng minh, ngày mới đúng là khác biệt hoàn toàn.

Ngay sáng hôm sau, vừa mới lên mạng cái đã thấy QQ đổ chuông liên tục, bao nhiêu tin nhắn tràn đến, còn thêm cả đống lời mời kết bạn nữa.

Tất cả chỉ vỏn vẹn đúng một câu: Anh Đào Lớn, tôi xin lỗi.

Cơ thể tôi đã bị đóng băng chỉ trong tích tắc.

Cơn gió những ngày cuối tháng 8 bay qua, không khí ở vùng biển ôn đới vừa mát mẻ vừa ẩm ướt.

Ánh nắng ban mai tới đúng lúc, tôi đứng đực trước máy tính không biết phải làm sao.

Tin nhắn được gửi đến ồ ạt, những chiếc avatar sáng đến, những cái tên muôn hình vạng trạng cứ đua nhau tràn đến, động tĩnh lớn thật đấy.

Tôi kiểm tra thông tin của những người lạ đó thì thấy mọi người đến từ các thành phố khác nhau.

Nhiều người lạ ở khắp muôn nơi đến nhắn cùng một câu mà chẳng cần hẹn trước: Anh Đào Lớn, tôi xin lỗi.

Quái lạ thật: Tôi không quen mấy người này thì sao người ta lại biết số QQ của tôi? Sao lại biết biệt danh đã phai phôi từ thuở nào, đã vậy còn nhắn “Anh Đào Lớn, tôi xin lỗi”?

Bí mật cứ dồn dập bước đến trong khi tôi còn chẳng hiểu chuyện gì cả!

Tôi ngồi trước máy tính, trơ mắt nhìn số người lạ trên QQ càng ngày càng đông, tin nhắn bắt đầu biến ra đủ mọi thể loại:

“Anh Đào Lớn à? A Triều nói xin lỗi với cô đấy.”

“Cô là Anh Đào Lớn à? Có người muốn nói xin lỗi với người đó.”

“A Triều nói xin lỗi rồi, cô mau tha lỗi cho người ta đi.”

“Anh Đào Lớn à? Tha thứ cho A Triều được không cô?”

“Cô tha lỗi cho A Triều không? Giờ cô vẫn thích anh ấy đúng không?”

“A Triều”, “A Triều”, “A Triều”, đâu đâu cũng thấy cái tên này.

Cơ mà A Triều là ai?

Cuối cùng tôi đã chẳng kìm được cái tính tò mò mà trả lời tin nhắn của người ta: Xin chào, xin cho tôi hỏi A Triều là ai thế?’

Chừng chục giây sau, tin nhắn trả lời ngày một nhiều thêm:

“Ồ, cô đang online kìa.

Cô là Anh Đào Lớn thật à? A Triều nói xin lỗi cô đấy.

Anh ấy thích cô đó, sao cô lại không biết anh ấy là ai? Rốt cuộc cô phải Anh Đào Lớn không đấy?’

“A Triều nói xin lỗi cô, anh ấy nói rằng anh ấy yêu cô.

Cô nhanh tha lỗi cho anh ấy đi, biết sai thì sửa, thế là tuyệt lắm đó.”

“Cô không quen A Triều? Thế sao anh ấy lại nói xin lỗi với cô?”

Cuối cùng thì đã có một cô gái nhắn tin thu hút sự chú ý của tôi: “Cô chưa đọc hôm nay à?”

Tôi sững sờ: ?

Sau đó, tôi vội vàng trả lời: sao thế?

“ hôm nay, trang 4 có bài viết tên là .”

Đáp án đã trở nên thật sinh động trong chớp mắt, tôi quyết định cái rụp, cầm ví lên rồi rảo bước ra cửa, đi tới sạp báo đầu ngõ đưa cho người ta 5 đồng tiền: “Cho tôi mua một tờ Báo Thành Phố.”

Tôi vội vàng mở báo ra, mở tới ra trang thứ 4 thì nhận ra đó là bài viết về chủ đề hàng tuần, chủ đề tuần này là.

Ở góc dưới bên phải, tôi thấy bài viết ghi tên tác giả là A Triều, còn tiêu đề được in đỏ: