Ban ngày, con đường phía trước cổng trường đại học luôn đông người qua lại, dòng người hối hả, đến đến đi đi.

Có nhiều khi, tôi đứng ở đây nhìn dòng người qua lại với những gương mặt muôn màu muôn vẻ, trang phục rực rỡ sắc màu, bởi vì quá đông cho nên hoa hết cả mắt.

Đây là con đường đại học nổi tiếng nhất thành phố này.

Ngoại trừ những tòa nhà dạy học, ở nơi đây còn có vô số ngân hàng, hiệu sách, tiệm cắt tóc, quầy ăn vặt,… Đường không rộng, nhưng giao thông luôn ùn tắc.

Những tài xế nôn nóng lúc nào cũng bấm còi inh ỏi ý đồ phân tán người đi bộ, còn người đi bộ thì cứ lao vào dòng xe tấp nập như không nhìn thấy gì.

Lâm Tạp nói: Trên con đường này, hai cẳng còn hữu dụng hơn bốn bánh nhiều.

Lâm Tạp là bạn cùng phòng của tôi, em gái Tứ Xuyên, thích ăn cay nhưng da lúc nào cũng trắng đến phát sáng.

Từ năm 2000 đổ đi, các sư huynh khoa hí kịch luôn thở dài than thở: “Người đẹp khoa hí kịch tuyệt chủng hết rồi, bây giờ MC toàn là diễn viên được yêu thích thôi.” Nhưng vì có Lâm Tạp, các sư huynh cười tươi như hoa nói: “Lâm Tạp chính là nữ siêu anh hùng, cứu vớt thẩm mỹ lụi tàn của khoa hí kịch chúng ta.” Vì thế, nhập học hai năm, Lâm Tạp hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Hoa khôi”, còn người có ngoại hình bình thường luôn như hình với bóng với “Hoa khôi” như tôi xứng đáng là một “Lá xanh” [1] — chính là kiểu lá xanh làm nền cho hoa hồng ấy.

[1] Bên trên có nhắc đến “Giáo hoa” – tức là hoa khôi, hotgirl trường học, cho nên mới có cái từ lóng “Giáo diệp”, trong đó Diệp có nghĩa là lá.

Nhưng may là thành tích thi đại học của tôi tương đối cao – là sinh viên “trâu” nhất trong lịch sử khoa hí kịch với số điểm cao tuyệt đối, hơn 110 điểm so với điểm sàn.

Rốt cuộc tôi cũng nhận ra được một chân lý: Nếu bạn không có cách nào thay đổi được ngoại hình của bản thân, vậy thì bạn cần phải khiến nội tâm và tâm hồn của mình phong phú hơn, khiến nó ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Ví dụ như bây giờ — tôi vẫn không xinh đẹp như cũ, mãi mãi không thể đảm nhiệm vị trí MC trong những chương trình văn nghệ cấp trường, cấp tỉnh nhưng mỗi khi có cuộc thi diễn thuyết, thi tranh biện, cuộc thi kiến thức tôi hoàn toàn xứng đáng là lựa chọn đầu tiên, bởi vì tôi luôn có thể nói có sách mách có chứng bất cứ lúc nào, mà đây lại không phải thứ mà ai cũng làm được.

Dường như cuộc sống luôn nở một nụ cười tươi tắn động lòng người nhất bằng một cách thức kỳ diệu nào đó để thể hiện đủ loại khả năng dù có thể hay không.

Học viện Nghệ thuật nơi tôi sống hai năm là một ngôi trường tôi không biết nên hình dung như thế nào bởi vì có quá nhiều sự mâu thuẫn trong nó.

Ví dụ như: Diện tích trường rất nhỏ, sân khấu ngoài trời thì cực to; bề ngoài những tòa nhà trông khá cổ kính, trang thiết bị lại rất đắt tiền; luôn có người đi cả đêm không về, nhưng lại là trường đại học có chế độ quản lý cư trú nghiêm khắc nhất nhì tỉnh; có nhiều người trẻ tuổi qua lại, gương mặt ôn hòa đơn giản nhưng kinh nghiệm vô cùng dày dặn… Đáng lẽ là thời đại học đơn thuần nhất nhưng lại vì lý do này lý do khác mà phải trưởng thành sớm, có tố chất tâm lý hơn người.

Dần dần thấy lạ mà chẳng lạ nữa [2].

[2] Nguyên văn “见怪不怪,其怪自败”: gặp chuyện kỳ lạ mà thấy không lạ, không thấy sợ hay ngạc nhiên.

Đối với nơi này, tôi luôn biết ơn sâu sắc: Bởi vì có vô số lần tôi nghĩ như thế này — nếu không có Học viện Nghệ thuật, giờ tôi đang nơi đâu và đang làm gì?

Một cách mơ hồ, tôi luôn nhớ về một gương mặt, làn da trắng như vậy, gương mặt thanh tú như vậy nhưng trong mắt chỉ toàn là sự lạnh lùng sâu sắc.

Cùng với giọng điệu khinh thường, vang lên trong hồi ức của tôi:

“Đào Oánh, cậu không xinh đẹp, thành tích thì tệ.”

“Sau khi tốt nghiệp cậu có thể làm gì, làm người soát vé xe bus à?”

“Hay cậu đến Cục Quản lý Môi trường làm lao công cũng được?”

***

Chỉ là một mảnh nhỏ ký ức, nhưng lại sắc bén đến vậy.

Như thể có một lưỡi dao thật mảnh, nhỏ đến nỗi không để ý tới, lướt qua một đường, thậm chí còn không thấy được vết thương.

Nhưng chỉ một lát sau, máu tươi trào ra, mạch máu đứt đoạn, khiến người ta ngã xuống, chết bất đắc kỳ tử — vì nhỏ, cho nên mới có thể giết người vô hình.

Thế đó, có lẽ đúng là do những năm tháng không muốn hoài niệm đã bị chôn vùi ở nơi sâu thẳm nhất của ký ức, nên đối với tôi của ngày hôm nay có được tất cả, mới có thể thật lòng cảm động và nhớ thương.

Mùa thu, tôi cắt phăng mái tóc dài.

Hình như tôi chưa bao giờ cắt tóc, dù là vào những lúc tồi tệ nhất.

Cắt vừa vặn dài đến mang tai, mỗi khi gió thổi qua sẽ khe khẽ tung bay.

Mái tóc của tôi mềm nhưng mỏng, thiếu cảm giác cứng cáp.

Bởi vì mềm và mỏng cho nên khi buộc lên chỉ được một nắm nhỏ, bất kì chiếc cặp tóc nhỏ nào cũng có thể cố định được, còn búi tóc thì chỉ cần kéo nhẹ cái là bung.

Hầu hết con gái ở khoa hí kịch và vũ đạo thường để tóc dài bồng bềnh, cho nên sau khi tôi cắt tóc đã gây nên một hồi náo loạn.

Đầu tiên là các thầy cô vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy tôi: “Đào Oánh, em đây là hay là [3]?”

[3] Tên hai chương trình truyền hình của Trung Quốc.

Sau đó đến các sư huynh có quan hệ không tồi ở khoa này khoa khác, nhìn thấy thì ngạc nhiên một lúc lâu rồi thở dài tiếc nuối: “Đào Oánh, thực ra em để tóc dài trông đẹp hơn.”

Sau đó nữa, ngay cả những sư đệ thường giúp tôi giữ chỗ trong nhà ăn cũng phải nói: “Sư tỷ, chị thất tình ạ?”

…..

Rốt cuộc tôi cũng không biết nói gì hơn: Ai nói cắt tóc liên quan đến chuyện tình cảm thế?

Chuyện tình cảm của tôi, có lẽ có liên quan đến tay trái.

Tôi là một cô gái thuận tay trái, từ khi bắt đầu cầm bút, cầm đũa năm ba tuổi, cho đến hôm nay, mười bảy năm trời tôi đều dùng tay trái.

Ăn cơm, viết chữ, cầm microphone khi làm MC dẫn chương trình, đều dùng tay trái.

Vào năm tôi mười sáu tuổi, có một chàng trai đã tiên đoán rằng: “Đào Oánh, phía bên trái của cậu hoặc là không thể có ai ngồi, hoặc phải là một người cả đời cam tâm tình nguyện cúi đầu nhặt đũa.”

Bởi vì nếu không như vậy, lúc ăn cơm, chiếc đũa của người ấy sẽ bị rớt xuống đất rất nhiều lần.

Đũa, hoặc là bút, lúc rơi xuống đất sẽ tạo ra tiếng động cực kỳ nhỏ, nhưng trong trí nhớ của tôi, nó đại diện cho xấu hổ, tủi thân, sợ hãi, áy náy… Tôi đã từng gian nan bước ra từ những tháng ngày xấu hổ, tủi thân, sợ hãi, áy náy nhất, rất rất cố gắng mới có thể tự tin ngẩng cao đầu, dưới ánh đèn sáng tỏ trên sân khấu, bình tĩnh mà phát biểu.

Vì điều này, tôi đã phải trả giá gần như bằng cả năm tháng thanh xuân của mình.

Không thể nhớ lại được nữa.

Bởi vì nếu như thật sự phải nhớ lại, tôi không biết, chàng trai đã từng tiên đoán cho tôi ấy, hình ảnh sinh động đến vậy đã lắng đọng nơi nào trong dòng chảy của thời gian?

Nỗi đau âm ỉ trong lòng rốt cuộc cũng không thể mờ đi theo năm tháng, thăng thăng trầm trầm.

Nhớ đến bài thơ , câu cuối cùng nói: Thời gian trôi dễ dàng bỏ người ở lại, anh đào đỏ rực, vườn chuối xanh um.

Có lẽ năm tháng chính là bàn tay tàn nhẫn nhất, dù thời gian có khiến anh đào đỏ thắm, khiến vườn chuối xanh tươi, lại có thể bỏ lại cảnh xuân tươi đẹp nhất, rồi khẽ mơn trớn lớp bụi của tháng năm.

Thật trùng hợp là, năm mười sáu tuổi, biệt danh của tôi là “Anh Đào Lớn”.