Hai người tuy vì Dương Nhất Thanh mà quan hệ cá nhân không được tốt, nhưng đều lấy đại cục làm trọng, ngầm phối hợp với người kia để hành động. Kỳ thật, nói thuế hiện tại áp cho dân chúng Giang Nam nặng là không sai, nhưng căn nguyên không phải do thuế suất của triều đình cao, mà là do sự thôn tính đất đai và chế độ thuế khóa cũ gây nên.
Việc thôn tính đất đai bản thân nó không phải là có hại, nếu đất đai toàn bộ do nhà nước sở hữu, đó liệu có thể coi là một dạng thôn tính đất đai quy mô lớn? Đất đai thuộc nhà nước cũng tốt, thân hào cũng được, đều cần có người để canh tác. Cứ cho là có một quyền lực nào đó có thể đem toàn bộ đất đai trả về cho nông dân, khiến người người đều có ruộng đất của riêng mình, nông dân, bất luận là làm công việc quản lý tài chính gia đình, hay trồng chọt buôn bán, tố chất mỗi người có cao có thấp, trải qua hơn trăm năm, người khôn thì sống, kẻ yếu kém sẽ bị đào thải, cuối cùng đất đai cũng sẽ quy về tay một bộ phận thiểu số một cách hết sức tự nhiên.
Vấn đề là ở chỗ, người thôn tính đất đai đều là Hoàng thân Quốc thích, các thế gia giàu có và quyền năng. Một khi bọn họ độc chiếm đất đai vào trong tay mình, thì sẽ lợi dụng đặc quyền để luồn lách trốn thuế, đất đai bị thôn tính càng nhiều, thuế mà triều đình thu được càng ít. Hoàng thân Quốc thích, bao gồm công thần có tước vị cao, thái giám có quyền thế, thân hào danh tiếng ở địa phương, đều dựa vào đặc quyền, hối lộ quan phủ, chiếm dụng hộ khẩu phi pháp, giấu đất trốn thuế, lẩn tránh sai dịch.
Như vậy là, thuế của triều đình đều đè hết lên đầu người nông dân, chế độ thuế đinh cũ của triều đình là tính thuế trên đầu người. Những người nông dân không có đặc quyền kia, ruộng đất chẳng có là bao, thuế phải nộp lại ngày một nhiều hơn, kết quả là càng ngày càng nghèo đi, ruộng đất còn lại không thể không mang đi cầm cố ở chỗ người giàu, cuối cùng bản thân trở thành tá điền. Vì thế nguồn thu thuế của triều đình ngày càng giảm đi.
Nhất Điều Tiên Pháp, chia đinh nhập mẫu, đã giải quyết được nan đề này của chế độ thuế khóa lao dịch. Đả kích những đặc quyền phi pháp của Thân hào, đồng thời căn cứ vào tình hình giàu nghèo, đất đai phì nhiêu hay bạc màu ở các nơi, quan lại định ra mức trần địa tô, không cho phép bọn họ bóc lột quá mức người nông dân, do đó đã giải quyết được vấn đề khó khăn nêu trên.
Những điều lệ mới về đất đai, thuế khóa của triều đình đã vạch ra một cách rõ ràng những khiếm khuyết của chính sách cũ, hơn nữa luật lệ mới về thuế cũng chỉ khiến cho những khoản trốn thuế của Thân hào được truy thu về Quốc khố của triều đình, và không thể kiếm tiền phi pháp được nữa. Bọn họ dù sao cũng giàu có một phương, cho nên không cần thiết phải bức họ đến mức phải tạo phản, đồng thời cũng khiến họ không dám coi thường chính sách mới đã được trên dưới triều đình thống nhất. Những cây bút của Khoa Đạo chính là đang trừng mắt theo dõi chờ nắm được sai lầm của bọn họ.
Đám người này phẫn hận không biết kêu ai, liền chút giận lên người đề xướng là Dương Lăng, không ngừng dâng biểu công kích hắn vi phạm chế độ tham chính, tự ý can dự vào công việc của triều đình. Dương Lăng đối với tình huống này sớm đã chuẩn bị, lập tức cáo ốm ở nhà.
Dương Lăng vừa ‘ốm’, lập tức dâng tấu thỉnh cầu Hoàng thượng thu hồi lại ý chỉ đã ủy quyền cho hắn phụ trách những việc như tiễu phỉ, cải cách triều chính…, nói hắn mắc phải bệnh nặng, cần nghỉ ngơi để dưỡng bệnh, điều này khiến cho những quan viên chỉ trích hắn chỉ biết dương mắt nhìn. Tiếp sau đó lại truyền ra tin Dương Lăng nạp thiếp, khiến đám người này dở khóc dở cười: Thân lâm trọng bệnh ư? Bệnh cô đơn ư?
Vậy nhưng, ngươi công kích ta can dự triều chính, ta liền về nhà lấy vợ bé chơi đùa nha…Ngươi còn muốn thế nào nữa?
Đấu pháp vô lại của Dương Lăng khiến những người này trong nhất thời thật sự là nghĩ không ra sách lược để đối phó.
Hoàng đế Chính Đức của hiện tại cũng không còn giống như năm xưa. Triều đình được y khống chế chặt chẽ trong tay, Nội Các, Lục Bộ, Khoa Đạo, tất cả đều ủng hộ chính sách mới của Hoàng đế, y chẳng thèm quan tâm tới sự phản đối của một số ít quan viên.
Hoàng đế Chính Đức liên tiếp hạ ba chiếu thư trong ba ngày, hơn nữa không phải dùng phương thức hạ chiếu thông thường, mà dùng nghi thức chính thống, thông qua Nội Các truyền đạt xuống, yêu cầu Dương Lăng phò giúp việc triều chính, xử lý công việc. Chiếu thư loại này cần phải chép lại trên bảng thông báo để cho quần thần xem, Chính Đức biểu thị thái độ rất rõ ràng cho người trong thiên hạ: Trẫm ủng hộ hắn!
Theo lời một số thái giám trong nội cung, cả ba đạo chiếu thư trên, Hoàng thượng khi đọc lời cho chiếu thư toàn dùng từ chửi mắng, có điều thông qua ngòi bút mượt mà của Dương Đình Hòa, đã trở nên văn nhã hơn nhiều.
Sáng sớm ngày thứ nhất, Ti lễ thái giám Đỗ Phủ mang theo đạo thánh chỉ thứ nhất tới tuyên:
- Kỷ cương bại hoại, sức nước yếu đuối, quân đội hủ hóa, tài chính túng quẫn, đều là do quan viên lợi dụng những lỗ hổng của chính sách cũ mà gây nên. Dương Lăng một lời chấn động, tựa như hạn hán lâu ngày gặp mưa, Trẫm vô cùng tán thưởng. Nay việc nước rất gấp, là lúc Quốc công cần đưa vai gánh vác, lập chí tiến thủ, lấy lợi ích chung làm trọng, cùng đồng tâm hiệp lực với quần thần, không nên vì lời thị phi mà chùn bước.
Dương Lăng tiếp chỉ, tạ ơn, và từ chối khéo.
Rạng sáng ngày thứ hai, Đỗ Phủ mang đạo thánh chỉ thứ hai tới tuyên:
- Ngày nay quốc gia nguy nan, cần người có tài cứu thế giúp đời nhìn xa trông rộng như khanh, để cùng hóa giải, sao có thể dùng lời thoái thác, kiên trì buông xuôi. Khanh là trụ cột của nước nhà, là cánh tay đắc lực của Trẫm. Quốc công không được tham chính, không phải là quy định của pháp luật Đại Minh, chẳng qua chỉ là quy ước đã lạc hậu. Đại thần Dương Lăng khẩn trương ra trông coi việc nước, chớ phụ ân Trẫm.
Những lời này, Hoàng thân Quốc thích, Huân thần Công khanh toàn bộ đều nghe thấy, như vậy chẳng phải bản thân họ sau này sẽ có cơ hội lộ mặt ở triều đình rồi? Ngay cả những người kiếm được ít tiền hơn do chính sách cải cách mới cũng vỗ tay khen hay, đương nhiên rồi. Hiện giờ Dương Lăng khai thông đường biển, bọn họ tiền nhiều thế lớn, chở thành đại phú hào buôn bán với ngoại quốc, lợi nhuận khổng lồ, cũng không còn quan tâm tới chút lợi ích từ đất đai nữa rồi.
Dương Lăng tiếp chỉ, tạ ơn, tiếp tục từ chối khéo.
Sáng sớm ngày thứ ba, Đỗ Phủ tiếp tục mang thánh chỉ tới tuyên:
- Lời thị phi lại có trọng lượng hơn mệnh lệnh triều đình? Kỷ luật nhà nước còn đâu? Việc tiễu phỉ rất gấp, cải cách rất gấp, an dân rất gấp, chấn hưng giang sơn rất gấp, Dương Lăng nên sớm quay lại triều đình trông coi việc nước. Cửu Khanh Khoa Đạo không được phép nghị luận mù quáng, nếu còn người nào gièm pha quấy nhiễu, nhất loạt giao cho Trấn Phủ Ti nghiêm trị.
Dương Lăng lĩnh chỉ, tạ ơn, tâu lại với Hoàng thượng:
- Quân thượng coi trọng như vậy, vi thần cảm động đến rơi nước mắt, đợi bệnh của thần chuyển biến tốt hơn một chút, nhất định lập tức vào triều, hết lòng tận tụy để chia sẻ nỗi lo với Hoàng thượng.
Hoàng đế nghe vậy vô cùng vui mừng, ngày hôm sau sau buổi lâm triều liền khởi giá ra ngoài thành, đi thăm hỏi bề tôi đắc lực của mình, nhằm biểu thị ân sủng.