Đến nơi tôi mới biết tôi chưa phải ghép tủy ngay.

Hôm đó tôi chỉ bị lấy máu để xét nghiệm lần cuối theo đề nghị của các bác sĩ rồi ra về, một tuần sau mới phải quay lại.

Quay lại cũng chỉ để hóa trị, một thời gian sau mới tiến hành phẫu thuật ghép tủy nhưng có vẻ như mọi người bị ám ảnh rằng tôi chỉ còn sống có bảy ngày nữa nên không khí trong nhà thời gian đó thật là buồn thảm.

Mẹ tôi và mẹ Bích Lan cứ nấu hết món ngon lành này đến món bổ béo khác ép tôi ăn.

- Ăn đi con! Ăn để có sức khỏe mà chữa bệnh.

- Ờ, con phải ăn nhiều vào mới được! Trông con gầy quá!

Tôi có cảm giác tôi trở lại thời sáu, bảy tuổi, lúc mà việc ăn ngủ của tôi bị thúc ép và kiểm soát chặt chẽ. Đúng là tôi có gầy đi vì nhiều lý do, cả thể xác lẫn tinh thần. Lần về làng vừa rồi, ai cũng bảo tôi dạo này trông xanh xao và để đáp trả lại những tia nhìn ái ngại, tôi giải thích là do tôi phải học quá nhiều, rằng sinh viên đại học ai cũng phải thường xuyên thức khuya để ôn tập và làm bài.

Tôi lèn chặt bao tử bất cứ thứ gì bày trên bàn trong tuần lễ đó, chỉ để cho hai bà mẹ vui lòng, chẳng thấy ngon miệng mảy may.

Lưỡi tôi chỉ thực sự có cảm giác vào cái ngày sau khi hội chẩn các bác sĩ bất ngờ tuyên bố tôi không bị ung thư máu. Tôi chỉ bị thiếu máu dinh dưỡng do các hồng cầu bị phá hủy. Sau khi đặt cho tôi hàng lô câu hỏi, họ phát hiện lần xét nghiệm trước trùng hợp với thời kỳ tôi đang mắc chứng bướu cổ, và đó là nguyên nhân làm gia tăng lượng bạch cầu trong máu, một dấu hiệu rất dễ nhầm với bệnh ung thư.

Hôm đó, suýt một chút nữa mẹ tôi đã ngất xỉu lần thứ tư trong đời khi nghe tôi báo tin vui. Sở dĩ bà không ngã lăn ra như mọi lần là vì bà cố trấn tĩnh để dò mắt lên tờ bệnh án tôi vừa đưa bà nhưng dĩ nhiên là mẹ tôi chẳng đọc được gì trong đó, một phần do chữ viết của các bác sĩ bao giờ cũng giống như một thứ mật mã, phần khác do mẹ tôi không thể nhìn thấy gì khi tim đập binh binh, mắt mờ lệ, các ý nghĩ thì chạy loạn cả lên không thể nào thu thập được.

Con nhỏ Bích Lan thì vừa cười vừa khóc, tay không ngừng đấm vào lưng tôi những cú theo tôi là không nhẹ chút nào. Nhưng dù nó có đấm mạnh hơn nữa thì tôi cũng không có cảm giác gì ngoài cảm giác hân hoan của kẻ nhìn quanh thấy đời bỗng nhiên toàn một màu hồng.

Những ngày sau đó là quãng thời gian thật khó diễn tả được thành lời. Cuộc sống của tôi cứ ngây ngây như thế trong không khí có mùi mật ong, mùi rượu gạo và thỉnh thoảng có cả mùi cá ngừ nếu hôm nào mẹ tôi nấu món bún mà tôi ưa thích.

Ngoài món bún cá ngừ, tôi cảm thấy ngon miệng với gần như tất cả những món khác, kể cả những món trước đây tôi không bao giờ đụng đũa vào.

Tâm trạng không chỉ quyết định khẩu vị mà còn ảnh hưởng tới nhiều thứ. Tôi trở lại là con người cởi mở, cười đùa nhiều lần trong một ngày và hát hò nhiều ngày trong một tuần.

Con nhỏ Bích Lan sau khi cởi bỏ chiếc mặt nạ thảm sầu cũng kịp hóa thành con nhỏ láu lỉnh từng tò tò đi theo tôi đòi hôn khiến có một dạo thấy bóng nó ngoài ngõ là tôi lật đật trốn chui trốn nhủi.

Trong khi bay trên đôi cánh của hạnh phúc, tôi dĩ nhiên không quên nghĩ tới con Rùa. Đã năm tháng trôi qua kể từ ngày tôi chia tay nó, bây giờ chắc nó đã lớn thêm được một chút.

Nó hẹn tôi mùa thả diều sang năm về chơi với nó nhân ngày nó tròn mười tám tuổi. Thấy tôi phân vân, nó hẹn thế thôi chứ tôi biết nó vẫn mong sớm gặp lại tôi.

Tôi cũng không thể đợi lâu đến thế để gặp nó. Lần gặp nhau mới nhất, tôi đã làm nó buồn nhiều quá. Tôi đã đi biệt suốt ba năm, ngày trở về lại không thể trải hết lòng mình với nó.

Tôi biết con Rùa không trách cứ gì tôi nhưng ba đêm liền nó lẻn xuống nhà thím Lê leo lên cây me ngồi nhìn vô cho thấy nó nhớ tôi biết bao và tội lỗi tôi gây ra cho nó nếu không ngập đầu thì cũng ngập tới ngang lỗ mũi.

Mười bảy tuổi, đã là một nữ sinh học trường thị trấn nhưng mỗi khi quay về làng con Rùa lại trở lại là cô bé hồn nhiên ngày nào, thích leo trèo chạy nhảy, thích tung tăng trong rừng xanh chơi đùa với cây cỏ chim muông. Con Rùa đi vào trái tim tôi những ngày đầu tiên chính là bằng hình ảnh ngộ nghĩnh và đáng yêu này.

Mẹ tôi không hiểu được tại sao tôi nằng nặc đòi về quê nhưng bà không ngăn cản, chỉ nói: “Về chơi ít thôi, rồi vô lo chữa bệnh và đăng ký đi học lại. Thiếu máu dinh dưỡng không phải là bệnh xoàng đâu con”.

Tôi “dạ”, nhét cuốn Tâm hồn cao thượng và vài cuốn truyện tranh vào ba lô rồi hớn hở chạy ra bến xe.

Tôi dặn lòng lần này về tôi sẽ bù đắp cho con Rùa. Tôi tặng sách cho nó đọc, lên xóm trên chơi với nó mỗi ngày và khi nào không có ai tôi sẽ cầm tay nó mà không đợi nó phải nhắc.

Lần này tôi sẽ nói với nó là tôi thương nó nhiều lắm, thương ơi là thương, sở dĩ lần vừa rồi tôi không dám bộc lộ tình cảm một cách tự nhiên vì tôi tưởng tôi sắp chết đó thôi. Tôi sẽ kể cho nó nghe chuyện các bác sĩ đã chẩn bệnh nhầm như thế nào và tôi đã không dám về làng ra sao. Ở chỗ này, tôi có nói dối con Rùa một chút. Tôi chưa tiện đề cập lý do thật sự khiến tôi ở lì trong Sài Gòn suốt ba năm trời. Nhưng chuyện gốc gác của nó, sau này thế nào tôi cũng sẽ nói cho nó biết.

Tôi cũng sẽ nói với nó trong quãng thời gian đằng đẵng đó, tôi vẫn thường xuyên gặp nó trong những giấc mơ. Tôi thấy tôi với nó ngồi dưới bóng cây bướm bạc và trong khi tựa đầu vào vai tôi nó hay chỉ tay lên chòm sao Hiệp Sĩ trên đầu để kể với tôi về ông ngoại nó bằng giọng ngân nga như hát.

Tôi sẽ nói với nó đã không ít lần tôi thấy tôi và nó chui vào thác nước để chơi với các con thú nhỏ bên kia đồi. Trong khi nó ngồi với con nai con chỗ vạt thủy trúc um tùm, tôi đi dọc khe nước hái các nhành hoa cúc ngũ sắc để kết thành một chiếc vòng đem về tặng cho nó ướm lên mái tóc.

Rồi tôi nói với nó tôi sẽ không bao giờ xa nó lâu như lần trước. Ờ, không bao giờ có chuyện như thế nữa. Sắp tới tôi không chỉ về thăm nó vào dịp nó tròn mười tám tuổi mà trước đó tôi sẽ về chắc là rất nhiều lần. Hễ có cơ hội là tôi về. Trước giọng điệu hăng hái của tôi, con Rùa chắc sẽ ngạc nhiên lắm. Và không đợi nó hỏi, tôi sẽ nói luôn: tôi muốn gặp nó hoài hoài bởi vì cứ mỗi một ngày qua đi tôi lại nhận ra nó quan trọng đối với tôi biết bao. Rằng không biết từ bao giờ, chắc là từ lâu lắm, tôi cảm giác nếu không có nó bên cạnh, cuộc sống của tôi sẽ vô cùng trống vắng và buồn tẻ.

Trên chuyến xe từ Sài Gòn về quê, những ý nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi một cách phấn khích như một cuộn băng nghe hoài không biết chán.

Sự nôn nao hạnh phúc đó khiến tôi mỉm cười một mình trong nhiều giờ liền bất chấp cái nhìn dò hỏi của những người ngồi trên các băng ghế bên cạnh.

Và dĩ nhiên khi mỗi tế bào, mỗi nơ ron thần kinh trong tôi bị sự hưng phấn đánh thức để tham gia vào cuộc liên hoan do trí tưởng tượng thiết kế cho buổi hội ngộ sắp tới, tôi đã không ngủ một phút nào cho tới khi xe thả tôi xuống dọc đường quốc lộ.