Chuyến xe đò liên tỉnh mang tôi đi xa dần.

Tôi đi vào phương Nam. Như đã bao lần tôi rời làng. Nhưng lần này có thể là lần cuối tôi nhìn thấy những rặng tre, những cánh đồng quen thuộc chạy lùi trong mắt tôi qua ô cửa. Sau đó có lẽ tôi sẽ đi vào một thế giới hoang vắng và lạnh lẽo nơi không ai còn nhìn thấy tôi nữa.

Lúc nãy, thằng Thục có vẻ ngạc nhiên khi tôi nhét vào tay nó một phong thư trước khi leo lên xe đò, cẩn thận dặn “Em đưa lá thư này cho cô Út Huệ giùm anh”. Đó là lá thư tôi kể lại câu chuyện bí mật mà bà nội con Rùa đã tiết lộ với tôi. Tôi hy vọng cô sẽ tin vào lá thư như cô đã luôn tin tôi.

Tối hôm qua, tôi và con Rùa lại ngồi bên nhau trên phiến đá xanh hai đứa tôi từng ngồi. Phiến đá kỷ niệm đó, mai mốt con Rùa sẽ ngồi một mình. Chắc nó sẽ khóc nhiều lắm khi nhớ tôi!

Tôi nhớ con Rùa đã làm tôi ngạc nhiên như thế nào khi hôm qua tôi vừa ngồi xuống cạnh nó, nó khẽ chạm vai nó vào vai tôi, dịu dàng nói:

- Em cảm ơn anh nha.

- Cảm ơn chuyện gì?

- Chuyện anh đã nói với bà em là anh thương em đó.

Câu nói của con Rùa có xen tiếng cười nhưng tôi vẫn nhận ra là nó đang cảm động.

- Bà em kể lại với em thế hả? - Tôi hỏi lại, bối rối một cách sung sướng.

- Dạ.

Tôi nhún vai:

- Anh đâu có nói vậy.

- Chứ anh nói sao?

Tôi âu yếm nắm lấy tay nó:

- Anh nói anh và em thương nhau.

- Cái anh này! Em thương anh hồi nào!

Con Rùa “xì” một tiếng, nhưng vẫn để yên tay nó trong tay tôi. Thực ra chưa bao giờ con Rùa nói thương tôi. Từ trước đến giờ nó chỉ nói nó thích tôi. Lần này tôi về, nó cũng chỉ nói nó nhớ tôi nhiều lắm. Chỉ vậy thôi, nhưng tôi hiểu tình cảm con Rùa dành cho tôi sâu sắc và bao la hơn tất cả những lời yêu thương trên đời cộng lại.

Chia tay lần này, con Rùa không buồn nhiều như lần trước. Có lẽ vì nó tin một khi cả nó và tôi đều không ngần ngại thổ lộ chuyện tình cảm với bà nó, chúng tôi đã là của nhau dù hai đứa đang ở cách xa nhau cả ngàn cây số.

Bên cạnh đó, nhờ sự hối lỗi của ông Bốn Lai câu chuyện u ám của chú Ngãi bất ngờ đã tìm được một cái kết có hậu giúp con Rùa yên tâm rằng cuộc đời không chỉ được sơn phết toàn những màu xám xịt.

Ra học cấp hai ngoài thị trấn Hà Lam, con Rùa cũng đã bắt đầu có bạn bè nhiều hơn so với những ngày thui thủi ở làng. Thị trấn đông người hơn, nhộn nhịp hơn, một nữ sinh mười bảy tuổi cũng dễ dàng đánh bạn với các nữ sinh mười ba, mười bốn tuổi hơn là một nữ sinh mười bốn tuổi kết bạn với tụi nhóc lên chín, lên mười như những ngày học lớp năm trường làng.

Rốt cuộc chỉ có tôi, người yêu thương nó nhất, lại là người sẽ đem đến nỗi buồn cho nó như một món quà tặng mà nó không hề mong đợi. Ý nghĩ đó hiện ra trong đầu tôi ngay vào lúc tôi định liều ôm hôn nó lần cuối đã kịp níu giữ cánh tay tôi vào phút chót. Để làm gì, nụ hôn đó, nếu không muốn khắc sâu thêm nỗi đau lên trái tim con Rùa trong cái ngày nó nhận ra tôi đã bỏ nó để ra đi mãi mãi?

Tôi đứng lên khỏi phiến đá khi sương khuya bắt đầu giăng lên tóc tôi những sợi tơ lành lạnh và quay đầu nhìn một vòng như để thu vào hồn tất cả những gì liên quan đến người con gái tôi yêu. Trăng thượng tuần đi vào những ngày cuối vẫn còn nấn ná trên bầu trời để dát một thứ ánh sáng xanh non lên cây bướm bạc, bụi huỳnh anh và những ngọn rau muống phía cuối vườn.

Trăng đêm nay đẹp quá, nhưng buồn.

Con ngỗng trắng nhướn cổ nhìn theo tôi lúc con Rùa tiễn tôi ra hàng rào giậu. Bây giờ thì tao đúng là kẻ trộm, Cổ Dài à! Tao sắp đánh cắp niềm vui của cô chủ mày, sao lần nay mày không rượt theo tao?

Hình ảnh đó, lời tự nhủ muộn phiền đó đến bây giờ vẫn chập chờn trong đầu tôi theo nhịp xe lắc lư khiến trái tim tôi không ngừng va đập vào thành xe, đau buốt.