Tôi sắp kết hôn.

Tôi hai tư tuổi, bằng tuổi cô dâu. Cô dâu tên là Bội Bội, con nhà giàu, tướng mạo cũng tạm được.

Một tuần trước hôn lễ là khoảng thời gian náo nhiệt nhưng cũng rất mệt mỏi. Người thân, bạn bè của Bội Bội rất nhiều, lịch tiếp khách của tôi dày đặc, những nghi lễ khách khí kiểu như giới thiệu bản thân cũng trở nên căng thẳng chẳng khác gì tham gia thi cử. Người đến chúc phúc, tặng quà, xem mặt chàng rể xếp hàng hết đội này đến đội khác. Bố mẹ Bội Bội kiên nhẫn giới thiệu tôi, một người đến từ Đại Lục, với gia tộc và cả những quan khách trong giới thượng lưu. Còn cả điện thoại. Điện thoại không ngừng kêu, từ Seattle, San Francisco, Chicago, Toronto, lời chúc mừng cứ như rót vào tai. Có lẽ chỉ trong hôn lễ của con gái mới thấy được tầm ảnh hưởng và nền tảng của gia đình ấy trong toàn thể cộng đồng người Hoa ở Bắc Mỹ. Tầm ảnh hưởng và nền tảng ấy được tạo thành qua một quá trình lịch sử, tuyệt đối không thể ngày một ngày hai mà có được, nên cũng làm người ta phải kiêu hãnh. Bội Bội cũng được tính là di dân đời thứ tư của gia tộc này.

Hôn lễ được tổ chức tại nhà thờ nổi tiếng nhất trên đồi Los Angeles Hill, rất nhiều người bận rộn nhưng không kém phần vui mừng chuẩn bị cho đại lễ, đặc biệt là cô dâu Bội Bội. Có thể thấy được, trước hôn lễ, Bội Bội là cô gái hạnh phúc nhất trên thế giới này.

Còn tôi?

Tôi nên cảm thấy hạnh phúc vì được có mặt trong một gia đình giàu có khiến người ta phải ngưỡng mộ, biết bao người đang vì tôi mà bận rộn với việc đặt bàn tiệc ở khách sạn, mời thiết kế tới may lễ phục, tìm nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới, xếp quà cưới chất cao như núi, còn có người chuyên đứng nhận lễ và ghi chép… Tôi biết, tất cả những điều này tôi chưa từng được hưởng, và đó là niềm hạnh phúc của tôi!

Đương nhiên, điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất không chỉ có vậy. Bà Mary, một người vú em đến từ Ethiopia của Bội Bội, nói cho tôi biết, tất cả những thứ ấy còn chưa là gì, việc đáng để tôi vui mừng nhất là, theo lời của người giúp việc nhà Bội Bội, tôi sẽ nhanh chóng được đến phòng nhập cảnh để “hát Karaoke”.

Bà Mary làm việc trong gia đình người Hoa này đã hai mươi năm, không những nói tiếng Trung lưu loát, mà còn rất am hiểu phong tục lễ giáo cũng như sở thích của những người trong gia đình này. Nhưng điều làm một người Hoa đích thực như tôi cảm thấy kỳ lạ là ở chỗ, lẽ nào đi hát Karaoke cũng được xem là một việc hạnh phúc?

“Đương nhiên rồi! Đi đến Cục Di dân để hát quốc ca Mỹ thì cũng coi như đi hát Karaoke thôi mà.” Bà Mary nói. “Tôi đến đây hai mươi năm mới cầm được cái thẻ xanh, còn cậu chỉ qua đây ở có nửa năm, Cục Di dân đã gọi đi hát Karaoke rồi, bởi vì cậu đã lấy một công dân Mỹ về làm vợ!”

Tôi cố ý thản nhiên như không, nói: “Làm công dân Mỹ thì có gì tốt nào!” Thực ra tôi biết rất rõ, tấm thẻ xanh ấy là niềm mơ ước của biết bao người ngoại quốc di cư đến Mỹ, nhưng tôi vẫn phải giữ vẻ lạnh lùng.

“Quá tốt ấy chứ .” Mary kêu lên. “Nước Mỹ là một đất nước vô cùng tốt! Nước Mỹ rất biết bảo vệ, quan tâm tới mỗi công dân. Nào là phúc lợi, nào là pháp luật, đều rất tốt.”

Tôi bình thản đáp: “Được rồi, hát xong một bài thì có thể cầm được tấm hộ chiếu Mỹ, có nó trong tay là có thể hưởng sự chăm sóc của nước Mỹ, tôi đương nhiên không có ý kiến gì.”

“Còn nữa đấy,” bà Mary nhiệt tình nói với tôi, “không đơn thuần chỉ hát thôi đâu, người phỏng vấn ở đại sứ quán sẽ hỏi cậu một số câu, có điều cũng dễ trả lời thôi. Anh ta sẽ hỏi cậu: “Anh có thích quốc gia này không?” Cậu sẽ trả lời: “Thích, đương nhiên là rất thích. Nước Mỹ là một quốc gia vĩ đại như thế cơ mà.” Anh ta sẽ hỏi tiếp: “Vậy anh có bằng lòng cống hiến cho quốc gia này không?” Cậu sẽ trả lời: “Ồ, tôi sẽ cố gắng trong khả năng cho phép.” Tóm lại, anh ta hỏi gì thì cậu trả lời nấy, sau đó sẽ là tuyên thệ, hát quốc ca. Hát xong, cậu đã trở thành công dân của nước Mỹ.”

Phải rồi, vì tôi kết hôn với Bội Bội nên tôi mới dễ dàng trở thành công dân của nước Mỹ. Đây không chỉ là một niềm hạnh phúc, mà còn là may mắn. Thế nên, ở cái nhà này, tôi phải trưng ra bộ mặt tươi vui, phải tỏ thái độ cảm động và biết ơn, giả vờ như mình hạnh phúc lắm. Tôi muốn làm cho Bội Bội và bố mẹ cô ấy cảm thấy hài lòng. Tôi không muốn làm cho tất cả mọi người, bao gồm cả bà Mary, cảm thấy thất vọng hay mất hứng.

Cho dù là như vậy, vào buổi sáng một ngày trước khi kết hôn, trong vườn hoa, Bội Bội đã nghi hoặc hỏi tôi: “Anh không vui sao, anh không được thoải mái ư, anh mệt rồi phải không?”

Tôi nói: “Không phải vậy.”

Tôi ôm Bội Bội vào lòng, muốn lấy hơi ấm từ thân thể của cô ấy để che lấp khoảng trống lạnh lẽo trong lòng mình. Bội Bội hỏi: “Vậy anh cảm thấy thế nào?”

Tôi không biết mình bị làm sao nữa. Trong thời khắc đẹp đẽ nhất của đời người, tôi lại không có chút hứng thú nào.

Nơi đây, tôi không có một người họ hàng hay một người bạn thân thiết nào. Ngoài Bội Bội, tất cả mọi người đối với tôi dường như đều xa lạ, kể cả bố mẹ của cô ấy.

Bội Bội nói: “Em chắc chắn là anh mệt rồi. Hay là chúng ta trốn khỏi đây, tuần sau hẵng về? Anh thích đi đâu? Las Vegas nhé? Anh có muốn thử vận may của mình không? Hoặc chúng ta cứ đi thật xa nơi này, Hawaii được không? Tìm một bãi biển yên tĩnh, chỉ có anh và em thôi…”

Bãi biển yên tĩnh?

Tôi gật đầu, nói: “Được đấy.”

Bãi biển yên tĩnh…

Tôi cảm thấy mình sắp được gặp mộng cảnh đã trốn chạy bấy lâu, một bãi biển yên tĩnh.

Người trong nhà này, ai cũng biết tính cách của Bội Bội. Trong ngày hôm đó đã có người giúp chúng tôi đặt vé máy bay và đưa chúng tôi ra sân bay. Từ Los Angeles tới Hawaii, chúng tôi phải bay bảy tiếng đồng hồ qua Thái Bình Dương.

Bây giờ đang là mùa đông năm 2000. Trung Quốc đang đứng trước thềm thiên niên kỷ mới.

Còn ở đây, ở Hawaii, khắp nơi đều phảng phất hơi thở mùa xuân với ánh mặt trời ấm áp, với mặt biển xanh rì và những bãi cát nóng bỏng chân.

Bội Bội đã từng đến khách sạn này, cô ấy tỏ ra rất quen thuộc. Khách sạn cách xa thành phố, mỗi phòng đều có cửa hướng ra bờ biển. Sáng sớm, tôi đứng trên ban công hình bán nguyệt, nhìn chim hải âu cô đơn liệng dưới chân mình. Bội Bội đang say giấc. Tôi thực sự có được một khoảng thời gian để tĩnh tâm, để nghiền ngẫm một cách tỉ mỉ, tham lam và đói khát về giấc mơ đêm qua.

Là em phải không, An Tâm? Là em đang cười ư? Khung cảnh trong giấc mơ không rõ ràng, tôi cũng không biết chúng tôi đang ở đâu. Ở đâu mà tôi và em có thể cười hân hoan đến thế? Trong bầu không khí tươi vui, với giai điệu rộn ràng, khuôn mặt em mơ hồ, lúc ẩn lúc hiện, nhưng tôi biết đó là em. Em chính là An Tâm.

Em đang ở đâu? Em có nhớ anh không?

Ba ngày liên tiếp, giấc mộng tươi đẹp đó như hẹn mà đến. Mỗi ngày tôi đều cố ý đi ngủ sớm vì muốn mơ thấy giấc mơ ấy. Sáng sớm thức dậy, mặt trời đỏ rực vừa nhô lên khỏi chân trời, tôi đã vội vàng tỉnh dậy, lặng lẽ đến bên ban công, chăm chú nhìn mặt biển lặng sóng và một, hai con hải âu tách đàn. Giấc mơ đẹp khiến tim tôi nhói đau như bị dao cứa.

Ban ngày, tôi không ra biển tắm, không muốn ăn cơm, cả ngày chỉ nằm dài trên giường, cứ như thể bị ốm.

Bôi Bội hỏi: “Anh sao vậy?”

Tôi đáp: “Không sao.”

Tối đến, tại một nhà hàng gần bờ biển, đối diện với ngọn nến màu vàng cam, chúng tôi gượng gạo dùng bữa tối. Phía trước là biển, nhưng chỉ thấy một mảng tối đen và tiếng sóng từ xa dội vào bờ. Ngoài tiếng sóng ra, mọi thứ xung quanh dường như đều im lặng. Gương mặt Bội Bội chìm trong bóng tối…

Bội Bội hỏi: “Rốt cuộc anh đang nghĩ gì vậy, sao không nói cho em biết?”

Tôi ngẩng đầu lên, nhìn cô ấy qua ánh nến, nói: “Anh muốn quay về, trở về Trung Quốc.”

Một lúc lâu sau, Bội Bội không trả lời, đương nhiên cô ấy nghe thấy lời tôi nói. Ngữ khí và biểu cảm của tôi đã mách bảo cho cô ấy biết sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng cô ấy vẫn trấn tĩnh được bản thân.

“Anh nhớ bố rồi phải không? Được thôi, em sẽ cùng anh quay về.”

Tôi cúi đầu, giống như một kẻ phạm tội. “Bội Bội, tâm trạng anh đang rất rối bời, anh không muốn vội vàng kết hôn. Cả anh và em đều còn rất trẻ.”

Bội Bội im lặng. Chắc chắn cô ấy hiểu những gì tôi nói, nếu không cô ấy đã không im lặng mà sẽ vặn hỏi, sẽ lên án tôi. Sự im lặng ấy còn đáng sợ hơn cả những lời vặn hỏi, những câu trách móc trong phẫn nộ. Cuối cùng, Bội Bội đứng lên, bỏ đi một mình. Cô ấy nói: “Anh đi mà nói với bố mẹ em.”

Bố mẹ Bội Bội là những người có địa vị, có học vấn và có giáo dục. Hơn nữa, tôi biết họ được nể trọng như thế nào trong cộng đồng người Hoa. Họ có nhiều người thân và bạn bè, có ai không biết con gái rượu của họ đã bước một chân vào động phòng?

Chúng tôi từ Hawaii trở về Los Angeles, trên đường gần như không nói với nhau câu nào, giống như những người bạn đồng hành xa lạ và khách khí.

Khi nói chuyện với bố mẹ Bội Bội, đầu tôi cứ cúi gằm xuống. Tôi có lỗi với họ, có lỗi với Bội Bội. Bố của Bội Bội rất nghiêm khắc, ông im lặng nghe lời trần tình hết sức đơn giản của tôi và câu trả lời của ông cũng đơn giản tới mức khiến người ta hoảng sợ.

“Được, chúng tôi tôn trọng suy nghĩ tạm thời chưa muốn kết hôn của cậu, chỉ có điều, suy nghĩ ấy cậu nên nói sớm. Là một người đàn ông, tôi hi vọng từ nay cậu hãy có trách nhiệm với quyết định của mình và cả những người có liên quan.”

Thái độ của ông rất nghiêm khắc, thậm chí có thể nói là phẫn nộ. Nói xong, ông đứng phắt dậy, đi thẳng vào phòng.

Mẹ của Bội Bội không bỏ đi mà vẫn ngồi đối diện với tôi. Dù cúi đầu nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt của bà, ánh mắt đã từng rất dịu dàng mà giờ chứa đầy sự nghi hoặc và trách móc.

Bà hỏi: “Có thể nói cho tôi biết nguyên nhân không?”

Tôi không trả lời được.

Bà hỏi tiếp: “Thực ra cậu không yêu Bội Bội, đúng không?”

Tôi càng cúi đầu thấp hơn, không dám đối diện với bà. Tôi nói: “Xin bác hãy tha thứ cho cháu, trong lòng cháu chỉ có một người. Cô ấy đã rời xa cháu, giờ cháu muốn quay về tìm cô ấy.”

“Vậy thì vì sao cậu còn theo Bội Bội sang Mỹ?”

Tôi không có câu trả lời.

Cuối cùng, mẹ Bội Bội cũng đứng lên, nói: “Cậu đã làm tổn thương Bội Bội. Cậu Dương, cậu đã làm tổn thương cả nhà chúng tôi, cậu nên thấy xấu hổ với hành động của mình!”