Phương Đăng phải nhập viện tổng cộng mười mấy ngày, khâu tám mũi ở trán, não bị chấn thương nhẹ, gãy hai xương sườn, xem chút tổn thương nội tạng, xương tay trái cũng gãy đoạn…. Dù nó bị thương nặng, nhưng dù sao cũng đã thoát chết, giành lại mạng sống nhỏ bé từ tay tử thần. Lục Ninh Hải không may mắn như vậy, sau nửa tháng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), các y bác sỹ vẫn không cách nào thay đổi ý trời, đành tuyên bố bó tay.
Ngày Phó Kính Thù ra nước ngoài, Phương Đăng đến dự đám tang của Lục Ninh Hải. Kỳ thực nó không hận Lục Ninh Hải, thậm chí vì cái chết của ông mà trong lòng bỗng dưng thêm u oán. Dù gì ông ta cũng từng mong mang đến cho nó một “gia đình”, kể cả là xuất phát từ mục đích đáng xấu hổ gì đó, nhưng ông chưa từng thực sự làm hại đến nó, vậy mà bỗng chịu chết uổng.
Lục Ninh Hải không phải khách quen của đảo Qua Âm. Phương Đăng còn nhớ lần đầu gặp mặt, là lúc Phó Duy Nhẫn mới mất; lần thứ hai, ông đến giúp đỡ các thủ tục pháp lý cho nó và Phó Thất, Phương Học Nông vừa táng mạng; Lần thứ ba, ông ta mang theo tin báo tử của Phó Duy Tín lên đảo, ban cho Phó Thất một cơ hội xoay chuyển vận mệnh; Lần cuối cùng… Liệu ông ta có phút nào nghĩ dại rằng mình đang mang thân đến gặp tử thần không?
Nói đi cũng phải nói lại, Phương Đăng không muốn phủ nhận rằng, khi biết tin Lục Ninh Hải qua đời, trong đáy sâu tâm hồn nó cảm thấy thở phào nhẹ nhõm, như vừa được giải thoát.
Càng lúc Phương Đăng càng cảm nhận rõ nó và Phó Kính Thù đang cùng đi trên một con đường nhỏ nguy hiểm không gì bằng. Trên con đường ấy chỉ có hai đứa cất bước, vượt mọi chông gai, những vật cản lần lượt bị loại bỏ, đường dưới chân càng đi càng bằng phẳng, nhưng trước mắt càng lúc càng tối, không cách nào tìm ra lối về.
Mỗi lần thoát khỏi nguy khốn nó đều cảm tạ trời xanh, đồng thời càng cảm nhận nỗi khiếp sợ sâu sắc.
Lúc người ấy rời khỏi phòng bệnh, nó vẫn chưa tỉnh lại để nói lời cáo biệt.
Khi còn hôn mê trên giường bệnh, nó phảng phất cảm thấy sự tồn tại của cậu, vầng trán cậu kề mu bàn tay, một cái chạm khẽ mát lành thân thương. Trong khoảng mơ hồ dài đằng đẵng, có lúc nó tỉnh lại đôi chút, liền khó nhọc nói với gương mặt luôn ám ảnh tâm trí mình rằng: “Anh yên tâm!”
Người khác có lẽ không hiểu nó đang nói gì, nhưng cậu nhất định sẽ hiểu. Phó Thất lấy tay che miệng Phương Đăng lại, ra ý đừng hao phí sức lực. Cậu lại nói, mình phải đi sớm ba ngày, đến Thượng Hải rồi mới đổi chuyến bay đi Malaysia, ở Thượng Hải có đại diện pháp lý mới của bà Trịnh đang đợi.
Trước khi rời đi, Phó Thất không hẹn ngày gặp lại. Cậu kề vào tai Phương Đăng, lúc ấy đang nửa mê nửa tỉnh, khẽ nói: “Em cũng yên tâm.”
Phương Đăng nghe tiếng cánh cửa mở ra, khóe miệng khẽ mấp máy, nhưng không nói gì cả, có lẽ là không cần thiết. Nó muốn nhìn thấy bóng lưng cậu lần nữa, mà không sao mở nổi mắt, chỉ có một hàng lệ men theo gương mặt lặng lẽ rơi, ngấm vào vỏ gối trắng tinh.
Trong đám tang, một người trung niên đứng trước linh cữu đọc điếu văn một cách đau xót, lác đác những tiếng nức nở trong đám thân hữu. Phương Đăng từng gặp người đàn ông trung niên kia, ông ta là lão Trương, đồng nghiệp của Lục Ninh Hải. Nó ngồi ở góc khuất nhất của hội trường, nghe đồng nghiệp Lục Ninh Hải tổng kết cuộc đời ông ta. Từ miệng họ, Lục Ninh Hải là một người thiện lương, thành công trong sự nghiệp lại vô cùng chính trực; ông ta là người chồng, người cha, người bạn tốt, cả đời không làm việc gì phải hổ thẹn với lòng… Người như thế ra đi vào cái tuổi mà sự nghiệp lẫn cuộc sống đang rộng mở rực rỡ, hỏi sao không khiến mọi người nuối tiếc. Phương Đăng cúi đầu như tất cả mọi người, mặc dầu nó cảm thấy xa lạ với vị luật sư Lục Ninh Hải mà người ta đang nhắc đến.
Vợ góa của Lục Ninh Hải mới ngoài ba mươi, trẻ trung và đẹp rực rỡ, cô ta đứng cách lao Trương một khoảng không xa, khóc lóc thảm thiết. Chẳng rõ trong lòng cô có thực đau thương đến thế?
Phương Đăng từng có duyên gặp vợ góa của Lục Ninh Hải một lần. Đó là tại sở cảnh sát thành phố, lần cuối cùng Phương Đăng đến hợp tác điều tra sau khi xuất viện. Tai nạn xảy ra thảm khốc, có người mất mạng, nhưng tai nạn cũng chỉ là tai nạn. Người phụ nữ kia nhìn thấy đứa “con gái nuôi” mà chồng mình thu nhận trước khi chết, gương mặt quả nhiên lộ rõ vẻ kinh ngạc lẫn…. kinh tởm. Cô ta nôn nóng tra vấn vị cảnh sát, xem cái đứa được coi là con gái nuôi này có quyền thừa kế tài sản của chồng mình không. Khi Phương Đăng khẳng định mình không cần gì cả, người góa phụ buồn thảm kia liền mau chóng bỏ qua, coi như chẳng hề hay biết sự tồn tại của cô “con gái nuôi” nữa.
Di ảnh của Lục Ninh Hải được treo cao chính giữa linh đường, dường như đang lặng lẽ dõi theo Phương Đăng. Gương mặt phúc hậu đoan chính đó cứ như của người đang sống, có lúc đang nỗ lực kiềm nén dục vọng xâm chiếm, có lúc phủ đầy máu, dùng ánh mắt cầu xin Phương Đăng cứu lấy mình. Nó không thể ngồi thêm được nữa, bèn lẳng lặng rời khỏi đám tang.
Phương Đăng không lạ gì nhà tang lễ, lần trước từ nơi này nó đã nhận về tro cốt của Phương Học Nông. Mặc dù ông bố đã ra ma của nó chẳng có tư cách để được làm một lễ truy điệu đàng hoàng, cũng chẳng ai thực lòng khóc thương tiễn đưa, nhưng ra tro rồi, chẳng phải ai cũng như nhau sao?
Nhà tang lễ khá rộng, ngoại trừ khu vực cử hành tang lễ đang tập trung tương đối đông người sống, còn có một vạt rừng thênh thang, nằm giữa đài hóa thân và khu ký túc của nhân công. Phương Đăng không vội quay về cô nhi viện, trong lòng lại đang buồn phiền thảng thốt, định sẽ ra rừng dạo cho thoáng đãng. Thêm nữa, lần trước khi tới đây, nó nhớ rằng một góc rừng còn có nhà vệ sinh. Đến đó chắc chắn sẽ không phải chậm mặt mấy người bạn đang đau lòng của nhà họ Lục.
Cảnh vật trong rừng phải nói là không tệ, một con đường nhỏ lát sỏi đá quanh co dưới bóng cây râm mát, thi thoảng có tiếng chim chóc đâu đó khẽ cất giọng véo von, dưới gốc cây một băng ghế gỗ dài bạc màu bất ngờ hiện ra, điểm xuyết cho khung cảnh thêm phần thi vị. Không gian nơi đây vô cùng thanh tân mát lành. Chỉ đáng tiếc vì vị trí đặc biệt của nó, nên hai lần đến đây, Phương Đăng đều cảm thấy lạnh lẽo dị thường. Không rõ ban đầu vì sao người ta giữ lại khu rừng, hoặc có lẽ đối với những người quen chứng kiến cái chết ở nhà tang lễ này, chết cũng đồng nghĩa với sự thanh thản chay tịnh vĩnh hằng.
Phó Thất giờ đang ở đâu? Đã lên máy bay rồi ư? Sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bó chân trong máy bay, điều gì đang chờ đợi cậu ở nơi đất khách quê người? Phương Đăng miên man trong dòng tâm sự, đi dạo loanh quanh vài ba vòng, chợt phát hiện lang thang ở đây không chỉ có mình nó: ở bụi cây cách đó mười mấy mét có một thiếu niên mặc sơ mi kẻ ca rô màu thiên thanh, đang đi đi lại lại vòng quanh mấy con đường nhỏ.
Người này dường như cũng nhìn thấy Phương Đăng, dừng bước lại nhìn nó một hồi. Phương Đăng tưởng cậu ta sẽ nói gì đó, nhưng người kia chẳng hé nửa lời, lại tiếp tục quanh quẩn ở chỗ cũ. Nếu không phải đây là một anh chàng nhát chết, thì chưa biết chừng lại là hồn ma phiêu bạt hiển linh giữa ban ngày. Phương Đăng chẳng thấy sợ, mà cũng không tâm trí nào lo chuyện bao đồng. Từ con đường sỏi nhỏ này lắng tai nghe, những tiếng nức nở vọng ra từ linh đường đã ngớt nhiều, đến lúc nó quay trở lại rồi.
Phương Đăng vào rửa tay đi ra, ngang qua bụi cây kia, vẫn thấy anh chàng kì quặc nọ loanh quanh ở chỗ cũ. Hơn nữa, bước chân của cậu ta có vẻ vộ vã hơn, trông chẳng giống đi dạo, gương mặt cũng phảng phất nét buồn bã. Có lẽ đây không phải là một người điên, lòng Phương Đăng nổi mối tò mò, liền quay nhìn thêm hai lần. Cậu ta cũng nhìn nó, đó là một gương mặt non trẻ, tuổi tác có lẽ tương đương Phương Đăng, mái tóc ngắn cũn, trông gọn gàng, không đến nỗi xấu. Phương Đăng chậm bước, nó chợt cảm thấy hình như đã trông thấy người này ở đâu rồi.
Lòng chợt rung động, vài ba lần nó rẽ lại gần người đó. Dừng lại ở khoảng cách mười mấy bước chân, nó nghi ngờ cất tiếng hỏi: “Ê, cậu làm gì ở đây thế?”
Cậu trai kia thấy nó chủ động đến gần, trong mắt dường như ánh lên niềm vui, nhưng vẻ mặt thì không hề biểu lộ. Cậu ta liếc nhìn Phương Đăng, vặn lại: “Thế cậu làm gì ở đây?”
“Tôi á? Tôi đi dạo, đừng có bảo cậu cũng như tôi nhé.”
“Sao tôi lại không được đi dạo ở đây nhỉ, chỗ này có phải nhà cậu đâu.”
Trong lòng Phương Đăng “hứ” ngầm một tiếng, nếu đây là vườn cây sau nhà nó, ngày đêm hưởng thụ không khí ở nhà tang lễ, không biết nó còn là người hay ngợm. Nó chẳng thèm khách sáo: “Thế này mà là đi dạo à. Tôi thấy cậu giống con ruồi mất đầu cứ bay nhặng quanh chỗ này thì có… Mất đồ hả?”
Cậu ta không nói gì nữa, chuyển hướng nhìn về chỗ khác, “Cậu đi đi, tôi cũng phải đi đây.”
“Cậu định theo đuôi tôi đấy à… Chết chưa, cậu không phải đang bị lạc đường mắc kẹt ở đây chứ.”
“Ai bảo thế!” Cậu trai lớn tiếng phản đối, nhưng cái tai đỏ bừng và vẻ mặt hậm hực đã bán đứng cậu. Phương Đăng lúc nãy mới nhận ra có khi mình đã đoán đúng. Ôi mẹ ơi! Trong lòng nó ngầm kinh ngạc, khu vực này quả thực có mấy con đường nhỏ đan xen vào nhau, nhưng chưa đến mức gây ra lạc đường, chỉ có người bị chứng mù hướng bẩm sinh mới có thể lạc ở nơi như thế này.
“Rõ rành rành ra còn cãi! Lạc đường mà không biết mở miệng ra hỏi người ta?”
“Ai biết được lúc nãy cậu lại vào nhà vệ sinh.”
Hỏi một đằng, cậu ta trả lời một nẻo, Phương Đăng phải mất mấy phút nghiền ngẫm mới hiểu. Chắc cậu chàng ban nãy thấy trong rừng có người, định hỏi đường, nhưng thấy đó là một đứa con gái, lại không muốn cầu cứu sợ mất mặt, định bụng theo sau con bé ra ngoài, ai ngờ nó lại đi thẳng vào nhà vệ sinh nữ. Cậu chàng sợ bị coi là kẻ biến thái, đành loanh quanh về chỗ cũ.
“Cậu đến dự đám tang à?” Phương Đăng hỏi.
Cậu chàng gật gật đầu, đằng nào cũng bị bóc mẽ rồi, liền trở nên thật thà hơn hẳn, “Tôi không ngờ mấy con đường và cây cối hai bên lại giống nhau như thế, đi một lúc lại quay về chỗ cũ, thật là kỳ quặc.”
Phương Đăng từ nhỏ là đứa ngang ngạnh trời đất không sợ, từ lúc mấy tuổi đầu, những chỗ đã đi qua một lần, lần sau dù có vứt nó ở góc nào, nó cũng sẽ tìm về bằng được. Nếu thằng nhóc trước mặt không phải người thiểu năng, không phải bị ma vờn, thì nó đành chỉ biết thở dài mà rằng: đúng là trên đời không có chuyện gì không thể.
“Tôi thấy cậu là kỳ quặc nhất đấy.” Phương Đăng tỏ vẻ khinh khỉnh, vẫy vẫy tay “Đi, còn đứng đực ra đấy làm gì, đi theo tôi.”
Mặt cậu trai kia vẫn hơi xấu hổ, vẻ mỉa mai vô hình của Phương Đăng khiến cậu chẳng muốn nhúc nhích, nhưng kì thực đâu còn biết dựa vào ai khác, đành ngậm miệng lại, lủi thủi đi theo. Hai người cứ thế rời khỏi khu rừng nhỏ.
Vài phút sau, lễ đường đã ở trong tầm mắt. Cậu thanh niên kia lẩm bẩm: “Quái nhỉ, cũng có xa lắm đâu.”
Phương Đăng cười nhạt hai tiếng, “Có xa lắm đâu, nhưng nếu cậu cứ đi vòng vòng ở chỗ đấy, thì bằng vào thời gian đi vòng quanh trái đất hai vòng cũng chưa đến nơi.”
Có vẻ trong lòng còn cảm kích nó, nên biết rõ bị trêu chọc, cậu trai kia cũng không buồn phản bác, chỉ gãi gãi đầu, khóe miệng lộ ra chiếc má lúm đồng tiền.
Cậu thừa hưởng tất cả những nét đẹp trên gương mặt người cha, có lẽ cả của mẹ nữa, nhưng dù thế nào, nhìn ở góc độ nào, trông cậu cũng khá giống người nằm trong linh đường kia. Phương Đăng không muốn tiếp tục phải nhìn gương mặt gợi ra đủ thứ hồi ức không vui, liền nói vội: “Cậu tự vào nhé, tôi phải đi rồi.”
Hai người đã đi đến bìa rừng, cậu trai ngó về hướng sảnh cử hành lễ truy điệu, chần chừ một hồi. Phương Đăng bước thêm mấy bước, không nghe thấy tiếng chân cậu ta theo sau, quay lại nhìn, phát hiện cậu đang ủ rũ ngồi trên băng ghế dài bên đường.
“Lại sao thế ?” Phương Đăng sốt ruột hỏi.
“Cậu đi đi, cảm ơn cậu.” cậu ta trầm giọng đáp, chẳng thèm ngóc đầu lên.
Phương Đăng đá một phiến lá rụng dưới chân, nói bằng giọng ngờ vực: “Từ đây ra kia chắc không lạc tiếp đâu nhỉ ?”
“Tôi ngốc thế cơ à ?” Cậu bị Phương Đăng chọc cười chỉ trong chớp mắt, nhưng thứ nhạc tang lễ từ phía xa vọng đến mau chóng kéo âm u trở lại xâm chiếm đôi mắt cậu, “Lạc đường càng tốt, lỡ mất buổi lễ, tôi đỡ phải nghĩ đến việc ông đã không còn nữa.”
“Trong kia….là lễ truy điệu của cha cậu à ?” Dù biết thừa, nhưng Phương Đăng cố tình hỏi.
“Ừm.” Cậu chàng không biết Phương Đăng, chỉ coi nó có ý tốt hỏi thăm, liền khe khẽ gật đầu.
Phương Đăng bỗng thấy cổ họng mình mặn chát, khô rang, “Cậu tiễn hay không, ông ấy cũng sẽ không thể trở lại.”
“Trước đây cha tôi cũng nói với tôi như thế. Lúc đó mẹ tôi vừa mất, tôi khóc lóc ầm ĩ, chẳng ai dỗ tôi đến đám tang cho được. Người lớn đều nghĩ tôi là đứa con duy nhất của mẹ, nên đến tiễn đưa giờ phút cuối cùng. Nhưng tôi sợ, sợ nhìn thấy cái xác. Cái xác cứng đờ vô tri vô giác nào phải mẹ tôi ?.. Cứ như nếu không đến đám tang, tôi có thể giả vờ coi như bà chưa rời xa mình vậy.”
“Được ư ?”
“Dĩ nhiên không thể được.” Cậu cười khổ, “Người chết nghĩa là hết, làm sao níu kéo cho được.”
Phương Đăng định đi cho xong chuyện, nó không có hứng ngồi nghe ký ức đau thương của người khác. Đời này nó gặp trẻ mồ côi còn nhiều hơn gặp người bình thường, ai chẳng có câu chuyện riêng đẫm máu và nước mắt. Thành viên mới của “Mồ côi hội” trước mắt nó kia không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, cha cậu ta là người có sự nghiệp tốt, lại rất mực cưng chiều con, cho dù không còn cha mẹ, nhưng những người thân khác trong gia đình rồi sẽ thu xếp ổn thỏa cho cậu ta thôi. Định đi, nhưng gương mặt thê thảm trước khi chết của Lục Ninh Hải cứ ẩn hiện trên nét mặt cậu trai trẻ, khiến nó không làm sao nhấc nổi chân. Nói cho cùng, cậu ta lâm vào cảnh mồ côi cũng một phần vì nó.
“Cậu biết thế là tốt. Biết đâu, ông…. Ý tôi là người thân vừa ra đi của cậu, rất hy vọng được nói lời ly biệt với cậu trước khi ra đi.” Câu nói này xuất phát từ đáy lòng, Phương Đăng chưa quên trong cuộc nói chuyện cuối cùng, Lục Ninh Hải nhắc đến con trai với vẻ ấm áp và tự hào thế nào.
“Mẹ tôi mất vì tai nạn xe cộ, bây giờ đến lượt cha tôi. Cậu nghĩ xem, hằng ngày trên thế giới này biết bao con người đi lại ngoài đường đều bình yên vô sự, tại sao người nhà tôi lại như thế, sao nhà chúng tôi lại đen đủi đến thế !” Cậu nhóc ôm đầu suy sụp.
Phương Đăng ngồi xuống bên cậu, “Nếu tôi nói cho cậu biết, tôi chưa bao giờ gặp mẹ mình, chẳng biết bà là người thế nào, cha tôi là tên nát rượu, chết bất đắc kỳ tử ngay trước mắt tôi, cậu có thấy thế giới này công bằng hơn tí nào không ?”
Cậu ta quả nhiên bị những lời nói của Phương Đăng khiến cho chấn động, chầm chậm ngẩng lên nói: “Thật à ? Thế chắc cậu buồn lắm.”
“Ừ thì…. Cứ coi là như thế !”
Nếu người ngồi đây là Phó Thất, kể từ chữ đầu tiên nó thốt ra miệng, hoặc từ phút giây nó muốn đi mà rồi ở lại, cậu ta sẽ quan sát từng biểu cảm nhỏ mà phân biệt nó nói câu nào thật tình, câu nào giả dối, cũng sẽ nghi ngờ nguyên do và ý định khi nó xuất hiện tại nơi này. Nhưng cậu ấy không phải là Phó Thất. Cậu nhóc thật hồn nhiên. Một người sinh ra và lớn lên ở một gia đình hạnh phúc, chắc khi còn sống cha mẹ bảo bọc cậu ta rất kỹ.
“Thế cậu định thế nào ?” cậu trai quay sang nhìn cô bé đồng trang lứa, tâm lý bỗng chốc bởi thay thế bởi cảm giác đồng cảm.
Phương Đăng không đáp, vỗ vỗ lên chân cậu, “Cậu nhắm mắt giống tôi đi.”
Cậu ta bèn làm theo.
“Cậu thấy cái gì nào ?” Phương Đăng hỏi.
Cậu nhóc cảm thấy hơi khó hiểu, “Đen sì, có thấy gì đâu.”
“Cậu lại mở mắt ra xem nào.”
Cậu nhóc ngoan ngoãn nghe lời, mở mắt ngỡ ngàng nhìn ra xung quanh.
“Bây giờ cậu thấy cái gì ?” Phương Đăng lại hỏi.
Sau lưng cậu vẫn là mảnh rừng nho nhỏ, bầu trời vẫn trong vắt không bóng mây, lễ đường trước mặt vẫn bồng bềnh trong tiếng nhạc đám ma… Và vẫn cô gái nhỏ không biết từ đâu chui ra đứng bên cạnh.
“Chẳng thấy gì cả, mọi thứ vẫn y như trước lúc tôi nhắm mắt lại.” Cậu thành thật trả lời.
Phương Đăng lại vỗ vỗ vào chân cậu ta lần nữa, nói: “Thì đúng rồi. Khi cậu nhắm mắt, mọi thứ xung quanh không biến mất, những thứ mới sản sinh vẫn sẽ xuất hiện, cậu vẫn thê thảm như cũ, tôi cũng chẳng đột nhiên gặp may. Thế giới sẽ không vì cậu đau lòng sợ hãi mà thay đổi. Cách của tôi là thích làm thế nào hãy làm thế đó, nhưng dù làm gì, trước hết phải mở to mắt ra mà nhìn, nếu không ngày nào đó bỏ lỡ mất thời khắc cuối cùng, sẽ hối hận lắm.
Cậu nhóc nghe rồi ngẩn ra một lúc, có lẽ chưa từng nghe kiểu triết lý kỳ lạ này bao giờ, mất một lúc lâu mới khẽ nặn ra một câu: “Cậu nói đúng.”
Phương Đăng khá là hài lòng. Nó trải đời cũng nhiều, thuyết phục một cậu công tử đơn thuần thế này chẳng tốn mấy hơi sức. Khiến cậu ta nghĩ thoáng ra, bản thân nó cũng dễ chịu thêm đôi phần.
“Nếu thấy tôi nói đúng, thì cậu còn ngồi đây làm gì, mau vào đi, nghi lễ sắp kết thúc rồi kia kìa.” Nó phủi phủi đít quần định đi.
Cậu chàng lúc này mới nhớ ra một vấn đề quan trọng, “Mà cậu cũng đến dự đám tang à ?”
Phương Đăng không muốn cậu ta biết mình là ai, bèn tiện miệng nói bừa: “Ừ, tôi đến dự đám tang của dì tôi.”
“Cũng hôm nay à, thế dì cậu vì sao mà mất ?” Cậu hỏi tường tận gốc rễ thế này, chắc không muốn con bé lạ mặt kia đi quá mau.
Phương Đăng miễn cưỡng đáp: “Chết vì mất máu nhiều quá.”
“Sao mà mất máu ? Lễ truy điệu cũng làm tại đại sảnh trước mặt à ?”
“Ừ chuẩn, tôi có việc phải đi đây.” Phương Đăng quyết đánh nhanh rút gọn, mấy kẻ ngốc nghếch thật nguy hiểm.
“Chờ đã.” Cậu kia vội vã đứng dậy muốn ngăn nó lại, “Tôi tên Lục Nhất, còn cậu ?”
Phương Đăng dĩ nhiên sẽ không khai thật. Song thấy vẻ băn khoăn rất mực chân thành của cậu ta, nó nhất thời không thể cứ thế bỏ đi.
Nó bỗng nhớ đến con người đang cách xa nó từng phút một. Cậu từng nói, nó chính là cậu, một cái “tôi” khác. Phương Đăng thật khát khao bản thân mình thực sự biến thành cậu ấy, được trú trong thân thể cậu ấy, vĩnh viễn không phải biệt ly.
Nó liền nói với Lục Nhất: “Tôi tên Phó Kính Như.”