tháng Mười, hồi V

Dịch A Lam cố gắng tổng hợp nhiều thông tin hơn về Joker từ những cuộc giao tiếp ngắn ngủi giữa mình và hắn, nhằm muốn xem thử liệu người nọ có đồng ý nhận lời giúp đỡ hay không.

Chỉ tiếc là phải thất vọng rồi.

Joker hệt như một "vị thần điện tử" ẩn mình sau màn hình, không có gì nổi bật và chẳng tồn tại điểm yếu như bao người.

Hắn chỉ sẵn lòng làm những gì mình muốn: xây dựng một cộng đồng Ngày 32, và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người trong đó.

Hắn không cho phép ai tấn công vào máy chủ hòng lấy cắp thông tin người dùng, song hắn sẽ không rỗi hơi cảnh báo hoặc ẩn đi những cá nhân chủ động tiết lộ (thông tin).

Hắn thờ ơ với hiện thực, và những gì đang xảy ra trong cộng đồng Ngày 32.

Dịch A Lam từng xem những bài đăng về buôn lậu ma túy, bao nuôi, "ăn bánh trả tiền" và một ít "giao dịch đen" khác.

Joker ngầm phê duyệt tất thảy nội dung, ngay cả những câu từ đồi trụy về mặt đạo đức; họ có quyền thảo luận thỏa thích, không phải kiêng kỵ điều chi.

Dịch A Lam sực nghĩ tới một việc, đôi mắt sáng lên.

Y từ trên sô pha bật dậy, muốn nói chuyện này với Châu Yến An.

Rồi y chợt nhận ra, rằng Châu Yến An vốn dĩ chẳng có đây.

Anh cần được đào tạo nhiều hơn Dịch A Lam, vì Swift 10 đã không còn và Trung tâm R&D lại chẳng có dòng máy bay cùng loại.

Châu Yến An buộc phải tập làm quen với các kiểu chiến đấu cơ hoặc trực thăng khác phù hợp hơn.

Ngoài ra, sau khi xác định Lưu Kim Việt sẽ tham gia chiến dịch giải cứu trong ngày 32, Châu Yến An còn phải học cách vận hành dòng trực thăng cổ điển.

Lưu Kim Việt đã nghỉ hưu từ lâu, dòng trực thăng mà lão thuần thục nhất là kiểu cũ cách đây nhiều năm; thật vô nhân đạo khi để một ông già tám chục tuổi phải cặm cụi học lái máy bay chiến đấu mới.

Sau khi nghiên cứu thảo luận, Lưu Kim Việt sẽ lái chiếc trực thăng sắp "về hưu" trong một căn cứ Không quân nhỏ ngay tại thành phố, để thực hiện cuộc-giải-cứu-vùng-núi vào ngày 32.

Suy xét tình trạng thể chất của Lưu Kim Việt, sau khi thành công giải cứu Châu Yến An và Dịch A Lam, Châu Yến An sẽ tiếp quản chiếc trực thăng cổ điển được trang bị vũ khí, đồng thời đối phó với tên nội gián bí ẩn trong Trung tâm R&D.

Vì thế, mấy ngày nay, Châu Yến An đầu tắt mặt tối tại căn cứ Không quân để học các kỹ năng điều khiển khác nhau, dù có thể không dùng đến; nhưng biết đâu, lại là "chiếc phao" cứu mạng trong trường hợp đặc biệt.

Dịch A Lam bèn nộp đơn lên La Thái Vân, yêu cầu được đến nhà Trình Tư Tư và nói chuyện trực tiếp với cô bé.

La Thái Vân không gặng hỏi lý do, chỉ cử nhân viên hộ tống Dịch A Lam đến gặp Trịnh Đạc, giao cho hắn sắp xếp cuộc hẹn giữa hai người.

Cha mẹ cô bé như viết hẳn hai chữ "bất an" lên mặt; họ đã quá quen với mọi phương thức thẩm tra, nhưng không nghĩ ra vì sao mọi người lại năm lần bảy lượt muốn giao lưu riêng với đứa con gái chỉ mới bảy tuổi của mình.

Đối diện với ánh nhìn lo lắng của hai vị phụ huynh, Dịch A Lam cúi đầu vào phòng trò chuyện với Trình Tư Tư cả buổi, rồi ngượng ngùng rời đi.

Y nói với Trịnh Đạc, rằng đã có được thông tin mình muốn.

Kỳ thực họ đã bố trí máy nghe lén trong phòng cô bé, Trịnh Đạc nắm hết những gì Dịch A Lam và Trình Tư Tư trao đổi trong suốt những giờ qua.

Đó chỉ đơn thuần là loạt câu hỏi mà Trịnh Đạc từng nói trước đó: người đàn ông giam giữ cô bé trông như thế nào, có điểm gì nổi bật; giữa lời nói của hắn có nơi nào khác thường không, v.v.

Những gì cô bé trả lời cũng giống hệt như các lần trước.

Trịnh Đạc ngỏ lời mời y dùng bữa, sau đó sẽ cử người đưa Dịch A Lam về tổ chức.

Địa điểm ăn trưa là trong ngôi nhà an toàn ở tòa đối diện với chung cư của Trình Tư Tư.

Dịch A Lam gật đầu đồng ý.

Bữa cơm được thực hiện bởi một đặc công, thuộc đội phụ trách theo dõi gần khu vực Trình Tư Tư sinh hoạt, hương vị không tệ.

Dịch A Lam tấm tắc: "Tay nghề của các anh, ai cũng giỏi cả."

Trịnh Đạc nói: "Ý cậu là Châu Yến An à?"

Dịch A Lam mỉm cười, gật đầu.

Trịnh Đạc khẽ bảo: "Tôi lại mong cậu ấy đừng giỏi nấu ăn."

Tiếng nói trầm thấp của hắn khiến Dịch A Lam cảm tưởng rằng mình sắp phải nghe một câu chuyện chẳng mấy vui vẻ; thức ăn trong miệng, cũng bỗng dưng trở nên vô vị theo.

Trịnh Đạc hỏi: "Châu Yến An dạo này vẫn khỏe chứ?"

Dịch A Lam trả lời: "Tôi đã không gặp anh ấy trong nhiều ngày."

Trịnh Đạc mím môi.

Sau một đỗi, hắn mới chậm rãi nói: "Tôi nghĩ, cậu ấy có lẽ không ổn lắm."

Dịch A Lam nhìn thoáng qua phía sau, nơi đây chỉ còn mỗi hai người họ.

"Có thể tôi lại lo chuyện bao đồng," Trịnh Đạc nói.

"Tựa như khi nộp đơn xin xuất ngũ thay cậu ấy ngày đó.

Nhưng tôi vẫn muốn kể với cậu về Châu Yến An."

Dịch A Lam ngước nhìn hắn.

"Châu Yến An là trẻ mồ côi.

Trong một dịp hồi chín tuổi, gia đình cậu ấy đi nghỉ trên một hòn đảo nhiệt đới.

Đó là khu nghỉ dưỡng thứ thật; vào thời điểm ấy hàng năm, khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đều đổ dồn về đó.

Cha mẹ cậu ấy thuê một phòng cao cấp ở khách sạn địa phương, đây cũng là nơi tập trung nhiều tầng lớp tinh hoa của các nước phát triển.

Nếu bọn khủng bố muốn gây náo loạn và tấn công chính phủ, thì nơi ấy quả là một lựa chọn tốt nhất."

"Vào thời điểm đó, cảnh sát quốc tế và các cơ quan chống khủng bố của nhiều quốc gia đã đi sau bọn chúng một bước.

Và chỉ một bước thôi, là đủ sức gây ra cả thảm họa.

Khách sạn – nơi ở của hàng nghìn người, bị nhấn chìm bởi vụ nổ và ngọn lửa.

Châu Yến An bé nhỏ sở dĩ sống sót, vì trùng hợp đang chơi trong bể bơi ngoài trời nhân lúc cha mẹ ngủ trưa.

Tuy nhiên, sức nóng và sóng xung kích mau chóng làm bốc hơi toàn bộ bể nước và khiến cậu ấy hôn mê.

Khi tỉnh dậy, cậu ấy đang nằm trong vòng tay của S.W.A.T (1).

Họ nhìn cậu ấy bằng ánh mắt buồn rượi, và tuyên bố rằng: kể từ hôm nay, Châu Yến An chính thức là trẻ mồ côi."

(1) S.W.A.T (viết tắt của cụm từ Special Weapons And Tactics – Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt): là một thuật ngữ dùng để chỉ một đơn vị chiến thuật ưu tú trong các cơ quan thi hành pháp luật.

"Chính quyền đã đưa cậu ấy về nước, và cũng tiến hành trị liệu tâm lý cho Châu Yến An.

Các nhà tâm lý lúc đó nói rằng: cậu ấy rất đỗi kiên cường; dẫu khóc lóc thảm thiết vì sự ra đi của cha mẹ, nhưng trạng thái tâm lý nhìn chung vẫn ổn.

Vì vậy, sau khi đánh giá, cậu ấy được người thân của cha nhận nuôi."

"Rồi cậu ấy thi đỗ vào Học viện Quân sự ở tuổi mười tám.

Châu Yến An đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà lãnh đạo với thành tích xuất sắc; sau các kỳ thi, cậu ấy được gia nhập vào Binh chủng Đặc công trực thuộc Lục quân và bắt đầu thực hiện một số nhiệm vụ khó.

Cậu ấy đã hoàn thành rất tốt.

Phải thừa nhận rằng Châu Yến An là một lính đặc công cực kỳ tuyệt vời; không chỉ riêng năng lực vượt trội, mà còn nằm trên những nét mang đậm bản sắc cá nhân: cậu ấy luôn có thể xoa dịu tâm trạng mọi người, và khiến những ai trong cơn hoảng loạn dần bình tĩnh lại.

Cậu ấy trao cho người ta sự ấm áp và những điều tích cực, không giống một người từng gặp sang chấn thời thơ ấu.

Tôi chắc rằng cậu biết rõ điều này.

Nhưng đến khi..." Trịnh Đạc bỗng hỏi.

"Cổ tay trái của Châu Yến An có một vết sẹo, cậu có để ý không?"

Dịch A Lam gật đầu.

Y đã sớm chú ý tới nó, song chưa bao giờ dám cất tiếng hỏi thẳng Châu Yến An.

Y có một cảm giác, rằng Châu Yến An sẽ không vui khi nhắc tới vết sẹo này.

Trịnh Đạc hỏi: "Cậu có biết điều gì đã gây ra nó không?"

"Vết thương do đánh nhau? Hay là hậu quả từ vụ nổ lúc bé?"

"Không phải." Trịnh Đạc nói.

"Là vết cắt do xương.

Một mảnh xương văng ra trong vụ nổ."

"Ấy là một nhiệm vụ năm năm trước." Đôi mắt Trịnh Đạc thoáng qua nét gì hoang mang đau đớn, thể như linh hồn hắn đang bị kéo vào một hang động đầy ứ tuyệt vọng.

"Thuở đó kinh tế phát triển, quốc gia hợp tác với nhiều nước.

Trong đấy có vài nước chưa ổn định lắm: vừa mâu thuẫn bên trong, vừa "sài lang hổ báo" bên ngoài.

Một trong số đó, do điều kiện địa lý đặc biệt, và cũng như xuất phát từ nhu cầu kép về chính trị-kinh tế, chúng ta đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị với chính phủ hợp pháp bên đó bất chấp mọi khó khăn.

Chúng ta cung cấp cho họ vốn, công nghệ và nhân tài; đồng thời giúp xây dựng đường sá, mạch điện, và nhà máy để các chính sách của họ được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả; song song đó, việc nhập khẩu tài nguyên của chúng ta cũng đa dạng và an toàn hơn.

Chính phủ bên họ rốt cuộc có thể trang bị cho quân đội, và trấn áp các lực lượng phản động bên trong bằng quỹ tài chính hiện có.

Xã hội dần ổn định, số lượng việc làm tăng lên và mức sống người dân cũng được cải thiện.

Nhưng đây chắc chắn không phải là kết quả mà một vài quốc gia mong muốn.

Họ ưa thích hỗn loạn, lạc hậu và nghèo đói; vì chỉ như vậy, họ mới có thể trục lợi và đưa ra yêu cầu chính trị."

"Để đạt được mục đích này, chính phủ vài quốc gia đã âm thầm tài trợ cho các lực lượng phản động đang trên đà suy giảm, tiến hành một hoạt động khủng bố khét tiếng."

Dịch A Lam ngỡ ngàng.

Y vẫn nhớ như in, cách đây năm năm trước, tin tức về sự kiện đó tràn ngập trên báo đài và Internet.

Mọi người chỉ trích, đó là tàn nhẫn, là đẫm máu và vô nhân đạo.

Nhưng y hoàn toàn chẳng ngờ, rằng sự kiện ấy có liên quan đến Châu Yến An.

"Các lực lượng phản động đó đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công liều chết và bắt cóc nhiều kỹ sư, công nhân địa phương, gia đình của họ ở nước ta.

Nơi Binh chủng Đặc công đóng quân – đội ngũ của tôi và Châu Yến An, ở gần đó, nên nhận lệnh giải cứu trong tình trạng nguy cấp.

Hành động cứu viện không hề đơn giản, phải hy sinh vài đồng đội mới có thể giải cứu người lớn ra khỏi các tòa nhà bí mật của bọn khủng bố.

Ừ, chỉ có người lớn, là những người trưởng thành rồi đấy; còn con cháu của họ, chẳng thấy đâu cả."

Dịch A Lam không dám nghe nữa, bởi y đã biết cái kết cuối cùng như thế nào.

"Trong khi chúng tôi đang loay hoay tìm mấy đứa trẻ và sơ tán người lớn trước, một chiếc xe tải do một tên khủng bố điều khiển, xuất hiện trước mặt chúng tôi.

Nó chở đầy trẻ em.

Những đứa trẻ non nớt, hoảng sợ trong thời gian dài, bị đẩy xuống dưới.

Bọn trẻ mừng rõ chạy về phía chúng tôi, chạy về cha mẹ và gia đình của mình.

Cha mẹ chúng cũng reo hò, cũng muốn chạy lên ôm con vào lòng.

Nhưng có lẽ cậu biết rồi đấy, chúng tôi đã kiềm chặt họ lại."

"Những đứa trẻ đó mang bom trên người, đồng hồ đếm ngược chỉ còn ba mươi giây, và cách chúng tôi chưa đầy hai trăm mét.

Chúng tôi hét lên trong tuyệt vọng, muốn kêu bọn trẻ hãy dừng lại.

Nhưng làm sao chúng hiểu được? Bọn trẻ chỉ biết, những người ăn vận quần áo như chúng tôi là những anh hùng thường xuất hiện trên TV.

Bọn trẻ không sợ gì cả, cứ thế chạy ào về phía chúng tôi và gia đình của mình.

Chúng tôi bảo người lớn lùi lại, nhưng phía trước là con cháu của họ, sao họ có thể bỏ mặc được chứ."

"Thời điểm ấy, chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề lớn: cần đưa ra quyết định trong vòng ba mươi giây.

Song chúng tôi không dám.

Và khi chỉ còn năm giây cuối cùng, Châu Yến An đã nổ súng, bắn vào những đứa trẻ vô tội – những đứa trẻ trạc tuổi cậu ấy vào năm đó.

Chúng gục xuống ngay sát cha mẹ, đôi mắt thơ ngây đong đầy đau khổ và khó hiểu.

Rồi, vụ nổ đã phá hủy tất thảy.

Khi đó, khoảng cách của chúng tôi với bọn trẻ là gần nhất.

Gần đến mức một mảnh xương văng ra cũng đủ sức để lại vết sẹo trên cổ tay cầm súng của Châu Yến An.

Chỉ cần gần một chút nữa thôi, và chỉ cần chậm một giây nữa thôi, chúng tôi và những người lớn phía sau cũng sẽ gục xuống và tan tành trong vụ nổ đó."

"Đây chính là điểm đáng sợ nhất của bọn khủng bố.

Lũ đó không có nhân tính, mà chỉ có khoái cảm khi hành hạ con người.

Lũ đó thậm chí còn truyền hình trực tiếp cảnh tượng ấy cho cả thế giới, hân hoan tuyên bố rằng đã chiến thắng, và muốn truyền cảm hứng cho những phần tử (khủng bố) đang ấn náu khác."

"Không ai lên án Châu Yến An cả.

Vì tất cả mọi người đều biết, rằng đó chẳng phải là lỗi của cậu ấy.

Người dân chỉ lên án bọn khủng bố; chỉ đổ lỗi cho quốc gia vì đã không làm tốt nhiệm vụ của mình; họ chỉ trích sự hiện diện của những kẻ phản bội trong chính phủ quốc gia đó, vì đã gián tiếp mở ra một sự kiện tồi tệ như thế.

Kỹ sư và công nhân cực kỳ đau buồn, thề không bao giờ đặt chân lên lãnh thổ đó nữa; những người khác cũng từ chối sự giúp đỡ muộn màng của họ.

Mối quan hệ giữa hai nước rơi vào cục diện bế tắc vì điều này, quốc gia kia một lần nữa trở lại tình trạng hỗn loạn.

Và những thế lực đứng sau, thì không có bằng chứng xác thực họ đã nhúng tay vào.

Mặc dù ai cũng biết, nếu quốc gia kia mất đi quỹ đạo vốn có bên nào sẽ được lợi nhiều hơn.

Để rồi sau tất cả, chính trị mới là kẻ khủng bố lớn nhất."

"Kể từ đó, Châu Yến An bắt đầu có những triệu chứng tâm thần nghiêm trọng.

Chẳng hạn như mất ngủ, lên cơn hoảng loạn, xuất hiện ảo giác thính giác, v.v.

Cậu ấy thậm chí không thể đối diện trực tiếp với một đứa trẻ.

Châu Yến An từng trông thấy mọi tội ác, nhưng cậu ấy chưa bao giờ phàn nàn.

Cậu ấy coi việc xua đuổi bóng tối là sứ mệnh của mình.

Song cuối cùng, cậu ấy lại bị đánh bại bởi hiện thực giả dối và ghê tởm này.

Lúc đó tôi mới biết, rằng Châu Yến An chẳng phải không có bóng ma tâm lý từ sang chấn thời thơ ấu, mà cái bóng đó đã đắp nặn cậu ấy, khiến cậu ấy trở nên dũng cảm, lương thiện, bác ái, và không ngừng cứu vớt một thế giới đầy rẫy thảm họa này.

Nhưng ba mươi giây đó, khi Châu Yến An buộc phải đưa ra lựa chọn, đã giáng một đòn nặng nề lên lý tưởng của cậu ấy.

Châu Yến An thấy rằng, mình hoàn toàn bất lực trước cái ác của thế giới này.

Và dẫu từng kiên cường bao nhiêu, linh hồn từng thuần khiết bao nhiêu thì sau khi lý tưởng đổ rạp, cậu ấy càng yếu ớt bấy nhiêu."

Dịch A Lam đờ đẫn chớp mắt.

Y muốn thốt điều gì đấy, nhưng chẳng hiểu sao cổ họng thắt lại, tầm nhìn trở nên mờ đi.

Y không thể tưởng tượng ra Châu Yến An đã phải gánh chịu sự tra tấn như thế nào.

Có lẽ chỉ có kiểu tra tấn không dứt này mới khiến một người lý trí quả cảm như anh, ôm mối nghi hoặc về ngày 32 sau lần trải nghiệm đầu tiên.

Giới hạn chịu tổn thương tột cùng của một người, âu là khi họ chẳng còn tin vào chính mình nữa.

"Tôi đã đưa cho Châu Yến An một tờ trình xin xuất ngũ," Trịnh Đạc nói.

"Nhưng Châu Yến An phản đối gay gắt.

Cậu ấy nói rằng mình sẽ sớm trở về trạng thái "bình thường".

Tôi cũng tin Châu Yến An làm được, và thật tiếc khi phải mất một đồng đội xuất sắc như vậy.

Tôi chỉ không muốn cậu ấy vật lộn cùng chứng rối loạn của mình.

Cậu ấy nên trở lại thành thị phồn hoa, nhìn những con người bận rộn luôn vui vẻ, nhìn vào cuộc sống bình đạm mà an yên đó, để tự bản thân cậu ấy tin rằng thế giới và mọi thứ vẫn tươi đẹp làm sao.

Cậu ấy không cần thiết chiến đấu một mình nữa, đã có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào khi cảm thấy kiệt sức.

Đất nước này còn biết bao con người tài giỏi kia mà.

Họ những đang chiến đấu vì một lý tưởng chung, những đang nương tựa, và đùm bọc lẫn nhau.

Cậu ấy bảo vệ người khác, và cũng có người khác bảo vệ cậu ấy."

"Khi đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày tôi để cậu ấy đi chiến đấu một mình.".