Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 17: Ngổn ngang dạ đất, lòng trời - Ngẩn ngơ bóng cá, tơi bời dáng chim

Từ hôm gặp Quận chúa Hoài Nam, lòng Nguyên Huân không lúc nào không nghĩ đến nàng, nhất là đôi mắt. Chàng cũng không hiểu tại sao, cố xua hình ảnh nàng ra khỏi tâm trí thì đôi mắt ấy lại càng hiện ra rõ rệt, như một ám ảnh dịu dàng.

“Sao ta lại có thể như thế này, ta thực chẳng đáng làm người nữa. Trách nhiệm ta chưa thành, Tổ quốc ta còn quằn quại dưới gót chân bọn xâm lược, thì ta, ta lại đem lòng tơ tưởng đến một người con gái của kẻ thù. Biết đâu nàng chẳng là bà con cật ruột với một trong những tên tướng giặc đang dày xéo Giang sơn, Tổ quốc ta...

Không, ta không thể như thế, không thể phản bội Uyển Thanh của ta được, dẫu là trong ý nghĩ...”

Nguyên Huân tự sỉ nhục mình mỗi khi chàng thoáng bắt gặp chàng, như đang nhớ, đang đắm chìm vì đôi mắt ấy.

Một buổi, Nguyên Huân gọi A Thực vào phòng, móc túi cho y hai lạng bạc, A Thực cúi đầu tạ ơn, và nhìn chàng nói :

- Công tử có điều gì dạy bảo, xin cứ nói, tiểu nhân, dẫu việc khó đến đâu cũng chẳng từ nan!

Nguyên Huân cười nói :

- Ta không nhờ ngươi việc chi khó khăn lắm đâu. Ta thấy ngươi đối với ta có lòng nên giúp ngươi chút đỉnh, để thêm vào chi phí cho vợ con ngươi đó mà!

- Tấm lòng của công tử đối với tiểu nhân dẫu chết cũng chẳng quên. Mấy bữa nay công tử đi chơi có gì vui không?

- Ta đi thăm mấy chốn danh lam thắng cảnh, vì chẳng mấy khi về Kinh đô. à, hôm nọ, ta có gặp một trung niên thiếu phụ tuyệt sắc, và một thiếu nữ đi cùng bà cũng đẹp không kém. Cả hai người ăn mặc giản dị, nhưng dân chúng thì tỏ ra quý trọng vô cùng. Hình như đó là thê thiếp của một vị Vương nào trong triều thì phải?

A Thực tươi hẳn nét mặt vì có cơ hội tỏ sự hiểu biết của mình, tuy vậy cùng lúc y nghĩ nhanh trong đầu: “Chàng công tử chắc hẳn mê cô Quận chúa mất rồi, thể nào ta gạ đưa mỹ nữ đến cũng chẳng thiết”. Y giải thích cho Nguyên Huân nghe một hơi :

- Bọn con Vua, cháu Chúa, vương tôn công tử, thê thiếp những nhà đại gia quyền quý ở đất Yên Kinh này ai chẳng ăn diện, trang điểm. Người mà công tử hỏi đó là Vương phi và Quận chúa của Quang Minh vương phủ. Nghĩ cũng thật lạ, Pháp vương quyền khuynh thiên hạ, lại vô cùng... vô cùng... khắc nghiệt, thế mà Vương phi và Quận chúa lại là những người hết sức nhân hậu và bình dị. Công tử chắc hẳn chưa biết, Vương phi nổi tiếng ở đất Yên Kinh này là đệ nhất mỹ nhân đấy, dẫu bà đã trên bốn mươi rồi. Còn Quận chúa nhan sắc đang vừa độ, đẹp chẳng kém mẹ bao nhiêu, công tử cũng đã nhìn thấy rồi, tiểu nhân chẳng cần phải xưng tụng nữa. Ấy, công tử biết không, đệ lục Thái tử say mê Quận chúa Hoài Nam, đeo đuổi bao nhiêu năm, nhưng Quận chúa chẳng đoái hoài; cũng may là Dương vương quyền uy nghiêng trời, võ công lệch đất, nếu không úy kỵ thì đời nào Thái tử chịu lụy. Thái tử mà để ý đến ai, thì đừng hòng thoát khỏi, dẫu người ta có chồng hay chưa chồng...

Nguyên Huân ngắt lời tên tửu bảo lắm chuyện :

- Cảm ơn A Thực, ta hỏi cho biết vậy thôi, vì một vị Vương phi và Quận chúa mà ra phố, đi bộ, ăn mặc giản dị như thế, thật là cổ kim hiếm thấy. Ta nghĩ có thể Hoài Nam quận chúa... Đang nói, Nguyên Huân thốt nhiên im bặt nửa chừng. Chàng giật mình nhớ lại, trước hôm chàng lên đường, Đoàn lục thúc có nhắc đến người vợ yêu dấu của ông đã bị kẻ thù bất mang đi biệt tích. Đó là một thiếu phụ xuân sắc ở độ tuổi hai mươi lăm, một “Tây Bắc đệ nhất mỹ nhân”. Có thể nào Vương phi chính là Thúc mẫu của chàng, là mẹ của Uyển Thanh, và Hoài Nam cũng chính là đứa con của bà và Lục thúc? Ngày hai người xa nhau là ngày bà đã hoài thai. Và Hoài Nam, Hoài Nam, nhớ phương Nam. Phải rồi, một cái tên mang nỗi nhớ về một phương trời.

Nguyên Huân sung sướng khi chàng hiểu ra được nguyên nhân vì cớ sao mà người thiếu nữ này đã làm thao thức tâm trí chàng như vậy, chính vì dung mạo của nàng phảng phất hình ảnh của Uyển Thanh, đôi mắt và khuôn mặt.

Giờ đây, làm sao để có thể gặp được bà? Chàng không thể đường đột đến tìm bà nơi Vương phủ, và bà, liệu bà có còn nhớ gì đến quê cha đất tổ, đến chồng, con nữa không? Hay vì được sống trong nhung lụa, quyền uy mà quên hết mọi sự! Chàng buồn lòng tự hỏi.

Nhưng Hoài Nam, Hoài Nam? Nỗi nhung nhớ về một phương trời đã xa vời vợi, nỗi xót xa nung nấu từng tháng, ngày, đã bật thành tiếng gọi trên môi? Và bà vẫn còn là bà của lúc này? Ngày bà đặt tên cho con, cách đây đã mười sáu mười bảy năm, bây giờ nỗi nhớ ấy có còn chăng, hay đã nhạt phai, “Ô không, chàng nghĩ, Thúc mẫu sống trong quyền uy nhung lụa, nhưng chính mắt ta, ta đã thấy bà dung dị, giản đơn biết là chừng nào. Chẳng gấm vóc, trang sức, chẳng ngựa xe võng lọng. Một vị Vương phi ra phố, đi bộ để gần gũi đám dân đen. Một tâm hồn, một con người như thế, chẳng thể nào đổi thay được”. Nguyên Huân bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Và như thế, Hoài Nam chính không chừng lại là em gái cùng cha, cùng mẹ với Uyển Thanh; nhưng ở Hoài Nam, nàng có đôi mắt ôn nhu, thuần hậu và dáng đi uyển chuyển hơn chị. Chàng tự nhủ “Em của Uyển Thanh cũng là em ta vậy!”

Nhưng cũng từ đó, Nguyên Huân nhận ra là càng ngày hình ảnh của Hoài Nam càng đậm nét trong tâm trí chàng. Nguyên Huân cố hình dung về Uyển Thanh, về những tháng ngày đã lớn không bên nhau, và ngày chia tay, nước mắt của Uyển Thanh làm lạnh vai áo chàng; nhưng chỉ một phút sau, hình ảnh thân thương ấy chìm đi, nhường cho đôi mắt, đôi mắt đã chiếm lĩnh tâm hồn chàng. Đôi mắt dịu dàng, thăm thẳm kia như đọng mãi trong hồn như bóng đêm, bóng đêm vây chặt lấy chàng và chàng chìm đi trong bóng đêm huyền diệu ấy. Nguyên Huân cố cưỡng lại với chính mình bằng tất cả ý chí, nhưng rồi chàng lại như ngạt thở bởi nỗi đau đớn êm đềm ấy phủ vây... “Ôi, tình yêu! Phải chăng?” Và chàng, giờ đây mới hiểu được nỗi đớn đau của Bảo Thư, mới hiểu được sự kỳ diệu, sự dịu dàng, nhưng mạnh hơn cái chết, hơn tất cả đất lẫn trời, trời lẫn đất hợp lại.

“Không! Ta không thể! Ta không thể?”, đã bao nhiêu lần chàng tự nhủ, tự dày vò, và cũng bấy nhiêu lần chàng rã rời bất lực. Tình yêu, hạnh phúc, như nỗi chết này chăng? Đất trời gom nhỏ lại khi chàng nhớ Hoài Nam. “Núi non kia xuống thấp, và biển biếc chợt vô cùng khi ta nghĩ đến em”.

“Uyển Thanh, lẽ nào em bỏ ta chiến đấu một mình, lẽ nào em bỏ ta trong sương phủ, để mặc ta trong đêm tối muôn trùng. Không, ta không thể phụ Uyển Thanh, Uyển Thanh trông ngóng ta từng phút, ta không thể là một con người như thế này được!” Nhưng, sao đôi mắt kia lại như cố tình hiển hiện trong mắt chàng khép kín, như cuốn xoáy vào nỗi nhớ không rời! Đã bao nhiêu lần chàng trỗi dậy trong bóng đêm, muốn tìm cách lọt vào Vương phủ, chỉ để mong nhìn thấy đôi mắt kia một lần; nhưng một điều gì tự trong sâu kín của ý thức đã giữ chàng lại.

Lần đầu tiên trong đời, Nguyên Huân hiểu thế nào là tình yêu, và nhớ nhung. Trước đây chàng cũng nhớ Uyển Thanh, nhưng nỗi nhớ ấy dịu nhẹ như nhớ về một vùng trời, vùng đất, nhớ đến một người thân xa cách. Chàng yêu thương Uyển Thanh như yêu thương tình ruột thịt. Và giờ đây, chàng phải dùng mọi ý lực để nhớ rằng, Uyển Thanh đã đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào chàng, Uyển Thanh là người vợ chính thức của chàng; Hoài Nam, chỉ là một tình yêu gởi theo bóng mây, suốt đời câm nín.

Nhưng dẫu sao, chàng cũng sẽ phải gặp Vương phi, sẽ tỏ bày cùng bà thân thế của mình, sẽ gợi lại cho bà nhớ lại Đoàn lục thúc và Uyển Thanh, chồng con bà, nếu bà đã quên. Ôi, nếu bà không còn nhớ đến quá khứ nữa, chàng sẽ phải nói thế nào, thuật lại thế nào với Đoàn lục thúc của chàng; và ngược lại, nếu bà muốn trở về Đại Việt với chồng, với con, sẽ làm thế nào để có thể đưa bà trong an lành. Nhiệm vụ chàng quả thật vô cùng nặng nề, chưa hoàn thành được lấy muôn một, lòng chàng xốn xang trăm nỗi!

Buổi chiều, như mọi chiều, Hoài Nam sang Bích Thảo cung thăm mẹ. Thấy mẹ ngồi một mình im lìm, đơn chiếc trong bóng chiều, ngó mông ra khu hoa viên lạnh lẽo, ánh mất thẫn thờ, vô định, nàng trông bà không khác gì một pho tượng đá câm lặng. Hoài Nam đến bên mẹ quỳ xuống, ngước nhìn khuôn mặt bà, đôi mắt bà đăm đăm như chìm trong suy tư Nàng dịu dàng hỏi mẹ :

- Mẹ! Mẹ có điều chi suy nghĩ vậy?

Vương phi đưa tay vuốt tóc con gái, im lặng không nói. Tâm hồn bà đang chìm lắng trong đầy ắp nỗi ngậm ngùi. Bao nhiêu năm trời qua đi theo tuổi đời của đứa con gái yêu quý bà những tưởng đã nguôi ngoai, những tưởng một đời bà cũng chìm sâu vào quá vãng; nhưng sau bao nhiêu ngày đêm, từ lúc nhìn thấy gã thanh niên trẻ tuổi ngoài đường phố, nét mặt y đã làm bà trăn trở, y đã làm bà nhớ đến một người nào đó, bà đã vận dụng trí nhớ của mình, và rồi chiều hôm nay, đột ngột trong óc bà mở bừng một hình ảnh... và cả một quá khứ đã trở về cùng bà, như nước triều dâng, như cơn sóng dậy...

Cách nay đã mười tám năm, cũng vào chiều mùa đông như hôm nay, một toán người võ trang lạ mặt xông đến gia trang của người họ Trần, Tam ca của chồng bà. Trận đánh diễn ra khốc liệt, từng toán binh lính của giặc, chen lẫn những tên bịt mặt bằng vải đủ màu, đã ra tay chém giết, đốt phá...

Bà ngất đi trong nỗi kinh hoàng. Khi tỉnh dậy, thấy mình ở nơi hoàn toàn xa lạ, chồng và con bà không biết ra sao? Bà khóc lóc thê thảm, và bị dẫn đi ngày, đêm về phương Bắc cùng một số tù nhân khác, gồm phần lớn là đàn ông, những người đứng tuổi. Rồi một đêm kia, giữa con đường xuyên sơn, một toán người đã xông vào tấn công bọn quân binh, một người đã cứu bà thoát khỏi gông cùm, một lần nữa bà lại ngất đi. Khi tỉnh lại, bà thấy mình đang nằm trong một căn phòng trần thiết cực kỳ sang trọng, với một đám thể nữ vây quanh săn sóc cho bà. Người đàn ông cứu bà, chính là Quang Minh Dương vương.

Dương vương đối với bà hết dạ ân cần, chăm sóc bà với tấm lòng độ lượng, khoan dung. Ông hứa sẽ cho điều tra về vụ thảm sát mà ông cho biết là do một đám quan quân lộng hành làm bậy... Mấy ngày sau, Dương vương thông báo cho bà biết, bọn quan quân vô kỷ luật kia đã bị trừng phạt nặng nề, và ông cũng tỏ lòng đau đớn cho bà biết, trong vụ thảm sát kia, người sống sót duy nhất là bà, chỉ một mình bà.

Theo lệnh của Hoàng đế, tất cả mỹ nhân, nghệ nhân, nhân tài của Đại Việt bị bắt giữ phải giải giao về Kim Lăng, nhưng chính ông, không bằng lòng với chính lệnh ấy, ông đã giết hết bọn quân binh dẫn độ, thả hết tù nhân; riêng bà bị ngất đi, nên ông đem về đây cứu chữa.

Thế là chồng con bà đã chết, cả gia đình Trần tam ca với chú bé năm tuổi, con của Tam ca cũng không còn sống sót. Bao nhiêu lần bà muốn quyên sinh, nhưng còn bào thai trong bụng, bà không thể nào chết được, vì đó là đứa con còn lại duy nhất của chồng bà, giọt máu cuối cùng của dòng họ Đoàn. Bà phải sống, với niềm hy vọng mong manh, một ngày nào trở về cố hương.

Và cảm vì tấm lòng của Dương vương, nên bà nhận lời làm vợ ông để có nơi nương tựa cho con sau này. Thoắt chốc đã mười tám năm trôi qua, hình ảnh đầy máu lửa ấy còn in đậm nét trong lòng bà. Suốt trong bằng ấy năm, bà cố quên đi mà chẳng thể nào quên được...

Và rồi nay thì người thiếu niên tuấn tú ấy đột ngột hiện ra trước mắt bà, đã dần đưa bà nhớ lại người anh kết nghĩa thứ ba của chồng bà, Trần Nguyên Lữ. Người thiếu niên của buổi sáng hôm ấy, giống Trần tam ca như tạc. Ngày bà về làm vợ Đoàn Chính Tâm, chính Trần tam ca đã đứng ra lo lắng mọi thứ, khi cô gái họ Lý, tên Yến Phi về nhà chồng... Khuôn mặt, vầng trán, chiếc mũi, đôi mắt của chàng thanh niên giống Trần tam ca từng nét một. Đây có phải chăng là đứa con trai được năm tuổi của ông khi trước? Không, chẳng thể nào như thế được! Từ Yên Kinh về Đại Việt đường xa vạn dặm... Và cậu bé ấy với đứa con gái đầu lên ba của bà đã chết trong buổi chiều đông lửa loạn ấy. Không! Đây chỉ là người giống người đấy thôi... và bà ngồi như thế suốt buổi chiều bên hoa viên lạnh giá. Xót xa, thờ thẫn...

Nhìn nét mặt lo lắng của con, bà ôn tồn âu yếm nói :

- Hoài Nam, tính mẹ lúc này thường như thế, con đừng lo cho mẹ!

Hoài Nam nắm lấy bàn tay như búp ngọc của mẹ :

- Mẹ có điều gì giấu con phải không mẹ?!

Vương phi nhìn sâu vào đôi mắt tuyệt đẹp của con, áy náy hỏi :

- Sao con lại có ý nghĩ ấy?

- Con linh cảm thấy có điều gì đấy mà mẹ không nói ra, và bởi con thấy mẹ, đường đường là một Vương phi, tại sao mẹ lại sống khắc kỷ với bản thân mẹ như thế?

Vương phi cố gắng mỉm cười, vỗ vai con gái :

- Thế còn con, sao con lại sống giản dị như vậy?

- Tại con thích thế!

- Thì mẹ cũng vậy!

- Không, mẹ ạ! Bên Vân Trang cung, tuy con sống giản dị, nhưng không đến nỗi buồn tẻ, bình dân như bên Bích Thảo cung của mẹ. Mẹ không chịu cho ai hầu hạ mẹ, săn sóc mẹ. Chắc chắn là mẹ có nỗi buồn nào đấy mà mẹ giấu con, phải không mẹ?

Vương phi im lặng. Phải, bà đã giấu con gái bà tất cả. Bà không muốn Hoài Nam buồn phiền vô ích, khi tất cả đã chẳng còn gì, chẳng còn một hy vọng gì! Bà sẽ mang bí mật của đời bà xuống mộ sâu, không tỏ bày cùng ai, ngay cả với con. Bà cố nén đau đớn, bảo con :

- Không đâu, con gái yêu của mẹ, chẳng có điều gì mẹ giấu con!

- Nhưng, này mẹ! Sao mẹ chẳng một lần thuật cho con nghe thời con gái của mẹ, trước khi mẹ về làm vợ cha con!?

Bà thở dài :

- Có gì đâu mà kể! Thời con gái của mẹ bình dị lắm, mẹ vốn là người... Vân Nam, mẹ mang thai con những ngày ở đấy nên mới đặt tên con là Hoài Nam!

- Kim Lăng, cố đô của Hoàng đế, có gần quê mẹ không?

- Cũng gần con ạ! Và mẹ vì thế mới gặp cha con!

- Này mẹ, con có bà con, thân thuộc, cậu dì không mẹ?

- Không con ạ! Mẹ chỉ có một mình, những người thân nay chẳng còn ai nữa!

Hoài Nam thở nhẹ :

- Tội nghiệp mẹ! Chắc ngày mẹ bằng tuổi con, mẹ khổ lắm phải không mẹ?

- Không đâu con, có một thời mẹ hạnh phúc... Thôi, Hoài Nam, mẹ mệt quá, để hôm khác, mẹ kể cho con nghe nhé...

- Vâng, mẹ đi nghỉ đi, trời lạnh lắm!

- Có lẽ sắp có tuyết rồi đấy!

- Ở quê mẹ có tuyết không hở mẹ?

- Không, con ạ! Cũng có mùa đông, nhưng không bao giờ có tuyết cả!

- Con mong ước có ngày về quê mẹ...

- Mẹ chẳng còn hy vọng gì, nhưng mẹ chỉ mơ ước thôi!

Hoài Nam nhìn mẹ :

- Sao mẹ không nói với cha con? Mẹ thấy đấy, mẹ muốn điều gì, cha con đều làm theo ý mẹ!

- Không, mẹ không bao giờ...

Vương phi rời cửa sổ, Hoài Nam dìu bà vào phòng trong :

- Mẹ đã dùng cơm chiều chưa?

- Mẹ đã ăn rồi, còn con?

- Con ăn xong trước khi sang đây. Này mẹ, mẹ có nhớ người thanh niên hôm nọ không? Y hèn nhát quá!

- Không đâu con, mẹ không nghĩ vậy; mẹ không thấy vẻ sợ hãi trên nét mặt y, chỉ vì y không muốn sinh chuyện đó thôi!

- Có lúc con cũng nghĩ rằng y không hèn nhát, vì lẽ gì đó mà y nhịn nhục thôi, con có cảm tường con đọc thấy điều này trong ánh mắt y, mẹ có nhận thấy như vậy không?

- Mẹ thấy, trong lúc mọi người bỏ chạy hết, y vẫn điềm nhiên đứng lại!

- Có lẽ vì y không biết đó thôi!

Vương phi nhìn Hoài Nam, ngạc nhiên :

- Y không biết cái gì vậy con.

- Chắc là y ở xa đến, nên không biết gì về Đệ lục Thái tử và tính tàn bạo cửa gã!

- Mẹ có cảm tường y ở nơi rất xa mà đến...

- Tại sao mẹ lại có cảm tưởng ấy?!

- Mẹ cũng không biết nữa, mẹ đoán vậy!

Vương phi nằm xuống giường, kéo chăn đắp. Hoài Nam buông mùng cho mẹ và hỏi :

- Thể nữ hầu hạ mẹ đâu hết cả?

- Mẹ cho họ lui cả rồi. Mẹ đâu có việc gì cần thiết giờ này để họ phải túc trực!

- Mẹ ạ! Nếu cha con biết được, chắc chắn cha sẽ giết họ đấy, nhưng... sao cha con đối với mẹ, con và Bảo Thư thì độ lương, hiền hậu thế, còn đối với mọi người thì ra tay lại quá tàn độc...?

- Làm sao con lại nói vậy?

- Bởi con biết, và cả mẹ, mẹ cũng biết...

- Không, mẹ không biết gì về những chuyện của cha con, và mẹ không muốn biết!

Hoài Nam vẫn tiếp tục :

- Bảo Thư nói với con, trong thiên hạ, mọi người đều oán hận cha con. Tại sao vậy mẹ?

- Mẹ đã bảo với con là mẹ không biết gì hết. Làm sao mà mẹ biết được! Thôi, Hoài Nam, con về nghỉ đi, trời lại lạnh nữa. Mẹ muốn nằm một mình. Về đi con!

- Vâng, con xin nghe lời mẹ! Con cầu cho mẹ được ngon giấc!

Hoài Nam cúi xuống hôn lên trán Vương phi, rồi quay ra. Nàng lại tự hỏi: “Chẳng là việc liên quan đến ta, sao gã thanh niên, mà vẻ mặt, ánh mắt y lại làm cho ta bận tâm đến thế!”