Từ sau cái lần suy nghĩ cẩn thận đó, Ly Tương quyết định tự mình nuôi nấng Tiết Tử Dung, một là vì hắn không an tâm với mấy đứa sư đệ nhà mình, để bọn chúng chăm trẻ quá đáng sợ, mà đứa sư muội duy nhất ở Túc Phong càng không đáng tin tưởng, hai là hắn muốn tự tay rèn giũa, để tiểu sư đệ quen với chuyện sư môn.

Quả thật là vậy, ngoài việc hàng ngày bế theo Tiết Tử Dung đến Hiếu Học Đường hay Võ Trường, những lúc không phải lên lớp Ly Tương cũng bế nó theo, chỉ dạy cho nó xem những công việc của hắn làm.

Theo ý Ly Tương thì dù chưa đủ sức làm nhưng nếu để Tiết Tử Dung đi theo nhìn việc cũng không tệ.

Điều ngạc nhiên đó là Tiết Tử Dung cũng không hề ngần ngại hay kêu khổ khi chạy tới chạy lui giữa các đỉnh.

Một phần là do Ly Tương không nỡ để nó chịu khổ, đi tới đâu cũng bế nó cả, phần khác là do Tiết Tử Dung chỉ luôn muốn dính với hắn.

Có thể vì người dẫn Tiết Tử Dung lên núi là hắn, có thể vì lần ngã đó hắn đã dùng tay che chở cho nó, cũng có thể là Ly Tương chăm bẵm cho nó hệt như hầu hạ tiểu công tử nhà mình, từ ăn mặc cho tới tắm rửa, ngủ nghỉ.

Tóm lại là mặc kệ lý do nào, Tiết Tử Dung gắn bó với đại sư huynh của mình hơn mấy sư huynh thấy đầu không thấy đuôi khác hơn là thật.

Cũng vì điều này mà trong đám đệ tử ngoại môn từng dấy lên lời đồn nói Tiết Tử Dung là con riêng của Ly Tương.

Đừng nhìn Ly Tương còn trẻ thế, thật ra hắn bao nhiêu tuổi rồi cũng không ai dám chắc, thậm chí nếu hắn có đứa con lớn cỡ Bạch Hạc thì cũng không có gì là không thể hết.

Điều này thật ra cũng chẳng làm Ly Tương thấy ngại gì cả, còn Tiết Tử Dung cũng chỉ nghiêm túc suy nghĩ nếu nhận đại sư huynh làm cha thì bối phận sẽ thay đổi ra sao, thành ra chỉ cần đương sự không ngại thì người ngại sẽ không phải là đương sự.

Chẳng những thế, trước mặt và sau lưng người ngoài Ly Tương cũng không hề keo kiệt che giấu mình thương yêu Thập Nhất sư đệ này thế nào, thậm chí còn trắng trợn tỏ ra mặt.

Thời gian cứ thế trôi qua.

Tiết Tử Dung từ đứa trẻ được bế trên tay trở thành đứa trẻ được dắt tay đến lớp.

Tiết Tử Dung lên sáu.

Trong suốt thời gian đó, không ai đến tìm nó, nó cũng không quấy phá đòi người nhà.

Hôm nay lớp học của nó do Tô Mộc sư huynh dạy, khi người ung dung đến nơi thì đệ tử ngoại môn đã ngồi kín cả, xen kẽ đó là vài đệ tử nội môn tuổi còn nhỏ.

Đệ tử ngoại môn hầu hết đều là con em dưới núi được chọn đến đây để học tập, có trẻ con nhà nghèo mà cũng có trẻ con nhà khá giả hoặc các gia tộc tu sĩ khác nhau.

Trong quãng thời gian học tập ở đây, nếu đứa trẻ đó có thể dẫn linh thì sẽ được thu vào làm đệ tử nội môn ở các đỉnh theo ý nguyện hoặc tiếp tục tu hành dưới danh nghĩa đệ tử ký danh.

Mỗi một khóa chưa chắc có được bao người có thể dẫn linh.

Nếu đến khi tròn mười lăm tuổi mà vẫn không thể dẫn linh thì có thể xuống núi, quay về cuộc sống phàm thế.

Duyên phận với huyền môn xem như kết thúc ở đó.

Đệ tử nội môn như Tiết Tử Dung thì khác, nó chưa dẫn linh đã nghiễm nhiên chiếm một ghế khiến cho đệ tử ngoại môn ai ai cũng ghen ghét, còn không thì cũng hâm mộ.

Tiết Tử Dung không hiểu sao sư huynh sư tỷ nó lại chắc mẩm nó có thể dẫn linh nhỉ, nhỡ đâu đến mười lăm tuổi nó vẫn chẳng nhìn thấy linh khí, cả đời nó vô duyên với huyền môn thì sao?

Về chuyện này, Ly Tương có nói: "Không dẫn linh được thì không được thôi, chả lẽ đỉnh Túc Phong không có chỗ cho đệ ở chắc?"

Hoàn toàn không nói sẽ đưa nó về Phù Lê Châu, trả lại cho người nhà vì vậy nó rất chăm chỉ học tập, cho dù là lên lớp của Tô Mộc.

Tô Lục người giỏi nghề y.

Y tu nhà người ta đều luyện đan chế thuốc bổ trợ cho tu hành còn hắn thì luôn nhiệt tình với bí phương của phàm nhân nên lớp của hắn chẳng có mấy ai chăm chú theo học, hầu hết lớp của hắn thì đệ tử hôm ấy nghỉ cả, chỉ chờ đến lớp của khóa khác để học ké.

Đám trẻ sáu tuổi, bảy tuổi này vốn cũng không hiểu nhiều, nghe các sư huynh, sư tỷ nói thế thì bắt chước theo.

Sau khi tan lớp, Tiết Tử Dung chép lại bài tập rồi chào Tô sư huynh xong mới cầm theo sách vở đi ra ngoài.

Vừa bước ra nó đã chạy ngay tới gốc hòe lớn bên ngoài Hiếu Học Đường, còn chưa chạy tới nơi thì đã gọi to: "Đại sư huynh!"

Ly Tương đang đứng khuất sau gốc hòe.

Hắn vừa nghe tiếng nó thì quay đầu lại, đưa ngón trỏ lên vội vã làm động tác "suỵt" rồi nói: "Đệ bé bé tiếng thôi, huynh đang dạy ở Võ Trường, tranh thủ giờ mọi người hoạt động tự do mà lẻn tới đón đệ đây này."

Tiết Tử Dung đưa tay lên che miệng mình lại rồi bước vội tới.

Nó nắm lấy tay sư huynh mình rồi kéo người đi.

Hầu như chỉ có lúc lên lớp ở Hiếu Học Đường thì nó mới tách khỏi Ly Tương, còn lại lúc nào cũng là bộ dáng dán sau lưng đại sư huynh như cái đuôi.

Điều này có lẽ xuất phát từ sự khiếm khuyết cảm giác an toàn của nó.

Năm đó, buổi sáng ngày thứ hai khi nó vừa tới Túc Phong, lúc vừa tỉnh dậy thì chẳng thấy Ly Tương đâu, chỉ bấy nhiêu cũng đã làm nó để lại ám ảnh không dứt.

Tối đến nó sẽ cố gắng để đẩy Ly Tương vào phía trong giường còn mình nằm chặn ở ngoài, cũng không chê chật chội mà chen chúc cùng sư huynh trên một cái giường.

Tính thiếu gia ban đầu chỉ hơi hơi hiện lại nhưng rất nhanh nó cũng vứt mất rồi.

Cơ mà chỉ vài đêm Ly Tương đã thấy không ổn.

Thân là đại sư huynh lại để tiểu sư đệ bé tí nằm ngoài, nửa đêm ai sẽ chăm cho nó? Nghĩ vậy hắn bèn dùng ưu thế chiều cao của mình mà bế nó vào trong.

Mãi không lay chuyển được sư huynh của mình, Tiết Tử Dung khi ấy chỉ mới năm tuổi đã nghĩ ra cách lấy một lọn tóc của Ly Tương để dưới gối của nó rồi nằm đè lên.

Như vậy người vừa động đậy nó cũng sẽ dậy ngay.

Mà cũng có khi nó sợ Ly Tương đau nên hầu như sáng nào cũng dậy cùng lúc với hắn.

Trẻ con ngủ không đủ giấc thì sáng sẽ khó chịu vô cùng, vì thế Ly Tương đành bắt đầu cuộc sống ngủ sớm dậy sớm.

Cứ thế cũng qua mấy năm.

Đường đến Võ Trường không quá xa, nếu tự Tiết Tử Dung đi đến cũng chẳng sao hết nhưng Ly Tương vẫn theo thói quen đón nó.

Hôm nay thấy tiểu sư đệ nhà mình mặt ủ mày chau, hắn bèn cầm hộ sách cho nó rồi hỏi: "Hôm nay ai lại chọc đệ thế này?"

Tiết Tử Dung đáp nhỏ xíu như tiếng vo ve.

Nó đã bắt đầu thay răng.

Ở Hiếu Học Đường ai ai cũng thay răng cả nên chẳng có ai cười nó hết nhưng nó vẫn tự thấy mình không uy phong chút nào.

Mở miệng ra nói chuyện là cảm giác được gió lùa qua khe.

May mà nó không ngọng líu ngọng lo như người khác.

Đối với chút suy nghĩ này của nó, Ly Tương già đầu thần kinh thô chẳng biết.

Hắn chỉ đoán hôm nay tiểu sư đệ mình gặp ai trêu ghẹo nên không vui.

Hai người cứ đáp mấy lời vụn vặt thì cũng tới Võ Trường.

Dù tu sĩ sau khi dẫn linh sẽ nhập đạo nào thì kiến thức cơ bản về kiếm pháp hay vũ khí vẫn phải có, ít nhất là thể lực đủ để đảm đương bản thân nên đối với vài người, Võ Trường là nơi đáng sợ nhất vì họ vốn thuộc về "văn tu", tức là đan tu, y tu.

Nhưng Tiết Tử Dung quả đúng như Ly Tương nghĩ, cho dù không dẫn linh được thì nó nhất định sẽ là tay kiếm tài giỏi, mà nó rất thích nơi này.

Từ lúc chưa đến tuổi học nó đã đánh được trọn bộ Túc Phong Thịnh Khởi, tuy rằng đại sư huynh chê kiếm pháp này chỉ có hoa không có quả, làm màu là chủ yếu nhưng múa lưu loát được thì cũng không dễ.

Kiếm chiêu đa số đều phức tạp, đòi hỏi thân pháp của người luyện phải linh hoạt, nhẹ nhàng.

Tiết Tử Dung còn nhỏ, nhiều chiêu thức vì tay chân nó ngắn quá mà hình thái đánh ra có hơi buồn cười, nhưng chỉ cần luyện thêm vài năm nữa thì chắc chắn sẽ đẹp mắt vô cùng.

Dưới sự hun đúc của Ly Tương và niềm ham thích dành cho kiếm của nó mà Tiết Tử Dung đã rèn luyện từ lúc mới lên núi đến khi thay răng sữa bên*.

*Khoảng 8 tuổi

Ít ra đối với Lục sư huynh cả ngày chỉ đắm mình với cỏ cây và Cửu sư huynh quanh năm ngồi thiền thì nó đã nắm chắc phần thắng.

Năm thứ ba Tiết Tử Dung lên núi thì đại hội Thúy Vi mười năm một lần được tổ chức.

Từ khi nó vừa năm tuổi đã được Ly Tương dẫn theo.

Những lúc nhìn hắn bận rộn cả ngày, nó hoàn toàn không hiểu tại sao chỉ là một đại hội thế thôi mà mất tận mấy năm chuẩn bị.

Bây giờ nhìn cả Hiếu Học Đường và các sư huynh, sư tỷ các đỉnh đều rạo rực nó mới biết là Ly Tương không hề lo hão.

Đại hội này ngoài để các sư huynh sư tỷ các đỉnh thi tài với nhau còn là dịp môn phái tu chân khác, các gia tộc tu đạo tụ hội về để khoe khoang… à không, để giao lưu, trao đổi tài học.

Nếu làm không thỏa đáng, mất mặt núi Thúy Vi là chuyện nhỏ, để xảy ra sơ suất trong lúc thi đấu mới là việc lớn.

Còn gần vài tháng nữa là đại hội diễn ra, Ly Tương càng bận hơn, đến cả lên lớp sáng cho đệ tử ngoại môn hắn cũng kíu nên Tiết Tử Dung chỉ đành tự đi học, tan học thì đến tìm hắn.

Nó chẳng giúp được gì thì bê trà, rót nước, cầm theo lệnh bài giúp sư huynh.

Thi thoảng Ly Tương xua nó về nhà làm bài nó mới chịu về trước.

Mà lần nào nó về trước thì khi Ly Tương về cũng thấy món ăn ngon lành nóng sốt nó lấy từ Thực Đường về sẵn cho, giường đệm được trải phẳng phiu thật thích.

"Nếu mà về sau đệ ấy vẫn phụng dưỡng cho mình thế này thì còn gì bằng." Hắn nhủ thầm, nằm ỳ ra bàn chẳng buồn nhúc nhích.

Vừa thấy Tiết Tử Dung ăn bận sạch sẽ bước lại gần, hắn bỗng xua tay: "Đệ cách xa huynh ra, cả ngày nay huynh mệt hơn cả chó, người toàn mồ hôi."

Tiết Tử Dung làm lơ đi, nó tới ngồi cạnh nhìn hắn.

Bỗng nhiên, một suy nghĩ vụt qua lấp đầy đầu óc nó.

Đứa trẻ bỗng nói: "Giá mà đệ dẫn linh rồi thì có thể giúp sức cho huynh.".