Cuối cùng thì cô kỹ sư quý tộc cũng đến nhận việc. Ngồi trong văn phòng, Hạ Lan đã thấy cô ta. Cũng như mấy lần đến nộp hồ sơ và phổng vấn, cô ta cũng lái chiếc xe và phong cách cũng quý phái như thế. Cô ta đi vào phòng, sau khi chào mọi người, cô ta đến bàn Hạ Lan, lên tiếng: 

- Hôm nay em đến nhận việc, em phải đến gặp ai hả chị? 

Hạ Lan bỏ cây viết xuống đứng lên: 

- Em sẽ đến gặp giám đốc, đi theo chị. 

- Dạ. 

Hạ Lan khoát tay chỉ qua phía cửa bên hông: 

- Đi lối này cho gần. 

Vừa nói, mắt cô vừa nhìn qua Qúy Phi với một chút tò mò. Hôm nay, cô nàng mặc bộ đồ khác, cũng không kém ấn tượng. Váy jean có hàng cúc bạc chạy dọc xuống bên hông. Áo sơ mi trắng gài kín tay. Trông cô ta vừa đứng đắn vừa trẻ Trung, duyên dáng không thể tả. 

Sao trên đời có nhiều cô gái xinh thế không biết. Hạ Lan có tật hơi buồn cười, là rất thích con gái đẹp. Có lẽ nhan sắc cô kém trung bình, nên cô ngưỡng mộ cái đẹp. Ngưỡng mộ một cách vô tư, chứ không có thói tị hiềm thường tình giữa phái nữ với phái nữ. 

Cô cố ý đi sau để ngắm cho đã Qúy Phi. Nhưng cô gái thì hoàn toàn không biết ấn tượng mình đã gây ra cho người đi cùng. Cả hai đi trên hành lang. Qúy Phi đi hơi chậm lại chờ người hướng dẫn đường. Nhưng thấy cô ta cứ chầm chậm phía sau, cuối cùng cô dừng lại chờ: 

- Em đi nhanh lắm hả chị? 

Bị bắt quả tang bất ngờ, Hạ Lan lúng túng: 

- Cũng không nhanh lắm, có lẽ tại chị đi hơi chậm. 

Qúy Phi hoàn toàn không để ý mình bị quan sát, cô hỏi với chút tò mò: 

- Chị vào làm lâu chưa vậy? 

- Khoảng năm năm thôi. Tôi tốt nghiệp trung cấp. 

- Vậy à? Chị chuyên nhận hồ sơ tuyển dụng phải không? 

- Ừ. 

- Thế ngoài em ra, còn có ai được tuyển không chị? 

- Công ty chỉ tuyển một người thôi. Hồ sơ của mấy người kia không bằng cô. Cô có ưu điểm là biết nhiều ngoại ngữ. 

- Vậy à? 

Hạ Lan nhìn vào phòng giám đốc. Qua khung kính, cô thấy có một người đang ngồi nói chuyện với ông. Cô bèn quay qua Qúy Phi. 

- Cô biết mặt giám đốc rồi phải không? Còn một người ở đó nữa, đó là phó giám đốc Trần Nghiêm, anh ấy vừa đi công tác nước ngoài về. Thường thì anh ấy phụ trách tuyển người đấy. 

- Dạ. 

Cả hai đến trước phòng giám đốc. Hạ Lan gõ nhẹ cửa, rồi thấy bên trong nhìn ra, cô đẩy nhẹ cửa, ra hiệu cho Qúy Phi vào: 

- Thưa chú, hôm nay cô Qúy Phi đến nhận việc. 

Giám Đốc Võ Phú Hoàng khoát tay về phía ghế: 

- Cô ngồi đi. 

- Dạ. 

Qúy Phi đến ngồi phía chiếc ghế nhỏ của bộ salon. Cô đưa mắt nhìn Hạ Lan. Nhưng cô ta đã ra ngoài. Giám đốc nhìn cô, rồi khoát tay về phía người đối diện. 

- Đây là phó giám đốc Trần Nghiêm, người sẽ đưa cô đi tham quan trước công việc đấy. 

Qúy Phi gật đầu chào anh. Cô lưỡng lự không biết nên gọi bằng anh hay bằng chú. Vì anh ta có vẻ trẻ quá so với vị trí trong công ty. Cách hay nhất là im lặng. 

Qúy Phi thấy anh ta nhìn cô hơi lâu, cái nhìn như đã từng biết cô, từng có một mối quan hệ nào đó. Vừa ác cảm xa cách. Nhưng rồi điều đó chỉ thoáng qua và anh hỏi rất nhã nhặn: 

- Tôi đã xem qua hồ sơ của cô, cô đã chuẩn bị tinh thần rồi chứ? 

- Dạ. 

Trần Nghiêm chưa kịp hỏi tiếp thì có tiếng chuông reo. Giám đốc Hoàng đến nghe điện. Trần Nghiêm bèn khoát tay ra hiệu: 

- Mời cô qua phòng tôi. 

- Vâng. 

Qúy Phi đứng dậy. Quay lại chào giám đốc, ông ta gật đầu và vẫn tiếp tục nói chuyện. Cô theo Trần Nghiêm qua phòng phó giám đốc. Thái độ dễ gần của anh làm cô thấy đỡ căng thẳng hơn là tiếp xúc với giám đốc. Cho nên cô ngồi xuống ghế một cách thoải mái, không đợi phó giám đốc phải mời. 

Trần Nghiêm đến tủ lạnh lấy lon pepsi rót ra ly, rồi đến đặt trước mặt Qúy Phi: 

- Mời cô. 

- Cám ơn. 

Qúy Phi không thể không nhìn anh lần nữa. Anh ta hòa nhã đến mức làm cho cô không bị áp bức về quyền lực của anh. Và vốn tính hồ hởi, cô thấy thích bắt chuyện với con người dễ mến này. 

Cô hơi ngã người về phía trước, đôi mắt mở lớn nhìn anh. Cử chỉ đó làm Trần Nghiêm phải nhìn lại cô: 

- Cô muốn hỏi gì? 

- Phó giám đốc này, có thể gọi anh bằng anh không ạ? 

Trần Nghiêm hơi bị bất ngờ. Nhưng rồi anh mỉm cười: 

- Cứ gọi tự nhiên, tôi không quan trọng cách xưng hô lắm đâu. 

- Vâng, nói chuyện với anh, em thoải mái hơn là có mặt giám đốc. Anh cho hỏi, công ty sẽ phân em làm việc gì ạ? 

Trần Nghiêm khẽ vuốt sóng mũi, rồi với một vẻ hòa nhã đầy thông cảm, anh nói như thông báo: 

- Trước mắt, cô sẽ bắt đầu từ phòng sơ chế. Sau đó tùy yêu cầu của công việc, chúng tôi sẽ bố trí lại. 

- Sao? 

Qúy Phi chỉ kêu được một tiếng kinh ngạc, rồi ngồi im. Khuôn mặt hồ hởi của cô vụt chuyển sang vẻ ỉu xìu, đầy thất vọng. 

Phó giám đốc ngồi im quan sát cô kỹ sư mới. Trông cô ta ảo não như đứa bé gái mất búp bê. Anh định nói một câu đầy khích lệ, thì cô lên tiếng: 

- Em phải làm việc của công nhân sao anh? 

- Trước mắt là như thế, ngoài ra tôi không thể nói gì hơn. 

- Bộ công ty này có truyền thống sử dụng người hoang phí như vậy sao? 

- Cũng không hẳn. Tùy trường hợp. À không! Đúng hơn là tùy yêu cầu của công ty. 

- Vậy mà em cứ tưởng đi làm vui lắm. 

Qúy Phi nói một cách khá ai oán. Rồi cô rầu rĩ ngồi im. Trần Nghiêm mỉm cười: 

- Với cô, mọi việc là sự bắt đầu. Có lẽ sự phân công không làm cô vừa ý, cô có thể thay đổi ý định. Hãy suy nghĩ đi cô Phi. 

Qúy Phi thở dài: 

- Chưa bắt đầu thì em không bỏ cuộc đâu. Thế chừng nào em sẽ làm hả anh? 

- Nếu cô không đổi ý thì có thể bắt đầu vào ngày mai. Hôm nay tôi sẽ đưa cô xuống phòng sơ chế tham quan trước. Ngày mai nhận việc. 

- Vâng. 

Trần Nghiêm chìa tay ra: 

- Mời cô theo tôi. 

Qúy Phi miễn cưỡng đứng dậy. Cô đi theo phó giám đốc của mình một cách ỉu xìu. Thất vọng không thể tưởng. Lúc đi học thì thấy cái gì cũng lý tưởng. Tới chừng đi làm rồi thì lý tưởng trở thành cái mình tưởng có lý mà thôi. 

Mẹ cũng là kỹ sư, sao mẹ làm việc trong môi trường giao tiếp vui vẻ. Còn mình thì mới bắt đầu đã chán ơi là chán. 

Không biết ai bày ra cái trò đày ải ma mới thế này. Bỗng nhiên Qúy Phi nổi sùng lên. Cô đi dấn lên ngang với Trần Nghiêm: 

- Thưa đồng chí phó giám đốc, đồng chí có biết ai phân công em không? 

- Cô biết điều đó làm gì? Giám đốc hay ai cũng vậy thôi. Chúng tôi bố trí người theo yêu cầu của công việc. Ngoài ra, không có lý do nào khác. 

Qúy Phi làu nhàu: 

- Không chừng là anh cũng nên. 

Cô nói rất nhỏ, nhưng Trần Nghiêm cũng nghe được. Anh mỉm cười vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm khắc. 

- Tôi không trực tiếp phân công cô, vì tôi đi công tác mới về. Nhưng nếu tôi phân công, thì cũng theo yêu cầu của công việc mà bố trí. Ai sắp xếp không quan trọng. Điều quan trọng là tinh thần của người làm việc thôi. 

“Mở miệng ra là nguyên tắc, công việc” Qúy Phi cáu kỉnh nghĩ thầm: Việc mình bị đưa xuống làm công nhân làm cô vừa tức vừa vỡ mộng. Cô lén liếc phó giám đốc một cái, môi mím lại như sẵn sàng dứ cho cả chục nắm đấm. Nhưng xui cho cô, chưa kịp thu lại cái nguýt sắc bén thì ông phó giám đốc quay lại. 

Trong một thoáng, anh hơi khựng lại. Rồi khuôn mặt trở lại bình thường. Anh vẫn giữ một vẻ hòa nhã, vẫn cái giọng chậm rãi uy quyền. 

- Cô Phi không thích sự phân công này? 

- Thế nếu là anh, anh có thích không? 

- Tôi không đặt vấn đề sở thích lên hàng đầu, tất cả là cho công việc. 

Qúy Phi buột miệng nói kháy:

- Thật không lạ khi nhiều nhà khoa học thích chế tạo người máy. Tất cả vì công việc, đúng là thời kinh tế. 

Phó giám đốc chậm rãi quay lại nhìn Qúy Phi. Khiến cô rón rén đưa tay lên che miệng. Cô tưởng anh sẽ cho cô một bài học về cách khiêm tốn trước cấp lãnh đạo. Nhưng không, anh chỉ cười, nhưng là nụ cười nửa miệng. 

- Với tôi thì không sao, nhưng nói chuyện với giám đốc cô nên giấu mình một chút. 

"Tại sao tôi không được quyền phản kháng trước sự phân công bất hợp lý thế chứ? Nếu làm công nhân thôi thì tôi lấy bằng đại học làm gì? Chết tiệt kiểu làm việc quan liêu ấy đi". Qúy Phi hung hăng phản kháng. Nhưng dĩ nhiên là chỉ phản kháng thầm trong đầu. Thực ra, cô cũng hơi ngán ngài lãnh đạo trẻ tuổi này, như bổn phận của nhân viên là phải ngán sếp của mình. Điều đó là hiển nhiên phải thế, không thể khác đi được. 

Trần Nghiêm nghỉ ngơi một chút rồi nói tiếp: 

- Tôi biết có nhiều nhân viên bất mãn chúng tôi. Trước mặt chúng tôi, họ tỏ vẻ khiêm tốn lắm. Nhưng sau lưng thì đôi khi đả kích rất dữ. Không biết giám đốc Hoàng nghĩ thế nào. Còn tôi thì không quan trọng lắm. 

Qúy Phi bắt đầu hơi e dè: 

- Ý anh muốn nói là anh biết người khác phản đối mình, nhưng không quan tâm chứ gì? Đúng hơn là mặc kệ. 

- Còn phải xét lại sự phản đối đó có hợp lý không nữa. 

- Thế anh thấy em phản đối có hợp lý không? 

- Trong chừng mực nào đó, tôi thừa nhận nó đúng. Nhưng công việc là công việc, và tôi giải quyết theo yêu cầu của công việc. 

- Nếu họ phản đối thì sao? 

- Thì tôi bắt buộc phải trấn áp. 

"Phải rồi, đó là một trong những chức năng của người lãnh đạo mà". Qúy Phi lẩm bẩm một mình. Cô thấy chán ơi là chán. Thế mà cô không buồn phản đối nữa. Cũng không muốn nói chuyện, chỉ đi một cách lặng lẽ. 

Cả hai đi qua khoảng sân thật rộng, Trần Nghiêm không nghe cô kỹ sư mới càu nhàu cằn nhẵn, nên cũng có chút ngạc nhiên. Anh quay qua nhìn cô đôi lần. Thấy vẻ mặt bí xị của cô, anh mỉm cười thông cảm. 

Nhưng chỉ dừng lại ở sự thông cảm thường tình. Thói quen của người lãnh đạo không cho phép anh đi xa hơn. Vì nếu không dựng lên một lần ranh giới nhất định, anh sẽ khó mà làm việc với cấp dưới của mình. 

Khi cả hai xuất hiện ở phòng sơ chế, hầu như tất cả công nhân đều ngước lên nhìn Qúy Phi. 

Bình thường nếu có lãnh đạo, các cô im phăng phắt làm việc. Nhưng hôm nay, sự e ngại đối với phó giám đốc cũng không ngăn nổi tính tò mò của các cô. 

Bởi vì phó giám đốc đi chung với cô gái đẹp như người mẫu. Đúng là sự xuất hiện hiếm có. Và các cô đoán thầm cô ta là kỹ sư mới về nhận việc. Hoặc xa hơn, là khách hàng hoặc nhà báo xuống viết về công ty, nên đích thân phó giám đốc phải tiếp như vậy. 

Trần Nghiêm không để ý vẻ tò mò của các cô công nhân. Anh dẫn Qúy Phi đi dọc theo dãy bàn đầy tôm và những chiếc khay xếp dọc. Rồi gọi cô tổ trưởng đến. 

- Ngày mai cô Phi sẽ vào làm việc ở đây, cô sắp xếp chỗ cho cô ta nhé. 

Cô tổ trưởng há hốc nhìn Qúy Phi, tròn xoe đôi mắt như không tin. Rồi cô ta dè dặt hỏi lại: 

- Dạ … sắp cho cô này vào khâu nào ạ? 

Trần Nghiêm hất mặt về phía dãy bàn rồi nói ngắn gọn: 

- Chỉ dẫn cho cổ cách phân cỡ và lột tôm. 

Rồi trước ánh mắt sững sờ của cô ta, anh khoát tay ra hiệu cho Qúy Phi. Vẫn cách nói ngắn gọn: 

- Chúng ta tham quan phòng cấp đông. 

"Đi đâu cũng được. Xuống địa ngục cũng không tệ hơn thế này. Đi cho chết luôn cũng được". Qúy Phi giận dỗi nghĩ thầm. Và cô đi theoo anh ta với vẻ mặt ảm đạm, pha chút tức tưởi, bất mãn. 

Khi hai người đi khuất, một làn sóng bắt đầu nổi lên ở các công nhân. Mọi người xôn xao bàn tán một cách háo hức. 

- Trời ơi! Người đẹp như vậy mà vô đây làm. Biết cho cô ta làm gì bây giờ đây? 

- Dáng cô ta sang trọng thế kia, sao chịu làm công nhân? Chuyện lạ! 

- Hay cổ là kỹ sư tập sự? 

- Ở đây có gì đáng đâu mà tập, con nít làm cũng được. 

- Người đâu mà đẹp thế! 

Những lời bình phẩm đó bay loáng thoáng tới tai Qúy Phi. Cô quay lại nhìn họ, rồi nhìn Trần Nghiêm với một chút trách móc. Như thể anh là người chịu trách nhiệm về cách đối xử bất công với cô. 

Dĩ nhiên là Trần Nghiêm nghe thấy hết. Nhưng anh không tỏ bất cứ thái độ nào. Hoặc giả, anh tảng lờ sự bất mãn của Qúy Phi. Hoặc là anh muốn buột cô phải tuân theo cấp trên. Nói chung là dù cô có phản đối thế nào đi nữa, thì cuối cùng cũng phải phục tùng. 

Đến lúc vào phòng cấp đông, thái độ của Trần Nghiêm mới bớt lạnh lùng một chút. Anh đưa cô áo chống lạnh, và nói một cách tình cảm: 

- Mặc vào đi, cô không chịu nổi nhiệt độ thay đổi đột ngột như thế đâu. 

Qúy Phi thấy lạnh chết đi được. Nhưng cô giận dỗi lắc đầu: 

- Cám ơn. 

Và cô bước vào phòng. Trần Nghiêm quay lại trả chiếc áo anh công nhân đưa. Rồi đi nhanh lên trước Qúy Phi. Cả anh cũng không mặc áo. Có lẽ nghĩ rằng cô đã từng thực tập, nên anh không giải thích gì. Cũng có thể anh không thích nói chuyện nên cả hai cứ im lặng đi dọc dãy máy. 

Cũng như các cô gái lột tôm bên kia, sự xuất hiện của Qúy Phi cũng gây ấn tượng với các chàng công nhân trẻ. Có điều, vì là con trai, nên họ thể hiện sự ngạc nhiên chừng mực hơn. Họ lễ phép chào Trần Nghiêm. Rồi nhìn cô khá lâu, ánh mắt thay cho lời tán tỉnh: một người đẹp! 

Qúy Phi lẳng lặng đi theo Trần Nghiêm. Cô chán quá, nên không buồn mở miệng hỏi bất cứ điều gì. Còn anh thì có lẽ cho rằng thái độ đó là đương nhiên, nên thản nhiên như đi bên cạnh một người có tâm trạng bình thường. 

Qúy Phi đi đến cuối phòng. Không thấy Trần Nghiêm đâu, cô quay lại tìm. Thấy anh đang đứng trước một máy vừa ra khuôn, cô đi nhanh đến xem. Trần Nghiêm không để ý đến cô, anh nói với người công nhân vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm túc: 

- Điều chỉnh nước lại nhé. Nãy giờ có đến ba khuôn có tôm bị cháy. Anh Trí đâu rồi? 

- Dạ, ảnh … mới đi ra ngoài, thưa anh. 

Trần Nghiêm nhếch một nụ cười, nhưng không nói gì. Qúy Phi thấy khuôn mặt anh công nhân thoáng lấm lét vẻ bao che và e ngại khi anh ta liếc nhìn ra cửa. Cô đoán thầm nhân vật KCS ấy đang ngồi ở quán cà phê, hoặc tán chuyện bên phòng nào đó. Mà nếu biết phó giám đốc xuống, chắc anh ta có mặt rất nghiêm chỉnh. Tự nhiên cô phì cười. 

Trần Nghiêm hơi quay lại nhìn cô, khiến cô lấy lại nét mặt nghiêm nghị. Anh có vẻ thừa biết cô nghĩ gì, nhưng không quan tâm lắm. Anh tiếp tục nhìn anh công nhân với một vẻ không hài lòng: 

- Nói với anh Trí hãy bớt ra ngoài lại đi. 

- Dạ. 

Hình như sẵn dịp đi “công du”, Trần Nghiêm muốn kiểm tra phòng cấp đông, nên anh ở lại khá lâu. Quên bẵng cô kỹ sư mới và cả anh đều không có áo lạnh. Qúy Phi mỗi lúc mỗi thấy lạnh, nhưng không dám đòi ra. Cô bắt đầu hắc hơi liên tục. Đến lúc đó, Trần Nghiêm mới nhớ. Anh nhìn cô với vẻ quan tâm, rồi nói nhát gừng. 

- Lẽ ra, lúc nãy tôi phải cứng rắn với cô hơn. 

Không nói thêm, anh quay lưng đi ra cửa. Qúy Phi thở phào, rồi đi nhanh theo phía sau. 

Nãy giờ thấy phong cách nghiêm nghị của anh đối với các công nhân. Cô lờ mờ cảm thấy phó giám đốc này không phải dễ dãi nên đâm ra ngán. Không những cô hết dám chí chóe bộc lộ sự bất mãn, mà ngay bây giờ, dù rất cần ly trà đường nóng, cô cũng không dám mở miệng đòi vào căng tin.