1. Chuyện về bà kỵ ngoại tôi
Muốn nói về bà kỵ ngoại, thì trước hết phải bắt đầu kể từ ông kỵ ngoại. Ông
kỵ ngoại của tôi họ Tô, gọi là Tô Hiền Lễ, là người huyện Giang An, Tứ
Xuyên. Do Tô gia là con cháu đời sau của Tô Tuần con trai Tô Đông Pha
đời Tống, nên cũng là dòng dõi thư hương, là một gia tộc lớn của vùng
đó. Vào năm chuyển giao cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ông kỵ ngoại của
tôi tham dự kỳ thi khoa cử toàn quốc của triều Thanh lúc bấy giờ đã đỗ
thám hoa (học vị dưới trạng nguyên và bảng nhãn thời xưa), lập tức nổi
danh trong thiên hạ. Đương nhiên, từ xưa đến giờ văn nhân Trung Quốc đều lấy việc “Học để làm quan” làm mục đích chính để dùi mài kinh sử, cho
nên ông kỵ ngoại tôi cũng thuận theo lý đó làm quan, bước vào con đường
hoạn lộ.
Do tuổi trẻ trí lớn tài cao, tiền đồ thênh thang, nên
hoàng thân quốc thích lúc đó thật không ngờ đã xem vị quan trẻ tuổi này
như con rể của mình, liền nhân lúc ông kỵ ngoại tôi vào triều đã gả bà
kỵ ngoại cho ông làm “chính phòng”. Có lẽ bạn cũng chưa thật hiểu “chính phòng” trong từ điển tiếng Trung Quốc có nghĩa là gì? Chế độ hôn nhân ở thế kỷ trước của Trung Quốc là chế độ “đa thê”, nói một cách thông tục
hơn thì đó chính là kiểu hôn nhân năm thê bảy thiếp. “Chính phòng” chính là người phụ nữ đầu tiên được người đàn ông cưới về nhà làm vợ, chỉ có
người này mới có thể được gọi là vợ, hiểu theo nghĩa đầy đủ của người
phương Tây, còn những người phụ nữ sau này tuy cũng được cưới về làm vợ, nhưng chỉ có thể gọi họ là thiếp, hoặc là vợ bé. Trong số những người
phụ nữ ấy, vợ được xem như là người đứng đầu. Trong gia đình, ngoài
chồng và mẹ chồng ra, người phụ nữ này sẽ là người có quyền lực cao
nhất.
Bà kỵ ngoại tôi là con gái của một vị quan đương triều
người dân tộc Mãn. Lúc đó, giới quý tộc Trung Quốc thường bị mọi người
gọi là “Con cháu Bát Kỳ” (người Bát Kỳ là người dân tộc Mãn của Trung
Quốc). Trong lịch sử Trung Quốc, sự thống trị của dân tộc Hán bị một dân tộc du mục gọi là “Mãn tộc” lật đổ, sau khi lật đổ triều Minh tiến vào
chiếm cứ Bắc Kinh, tất cả những vị thủ lĩnh Bát Kỳ có công trong việc
mang quân đánh trận của dân tộc Mãn, đều được phong quan tiến chức, trở
thành tầng lớp quý tộc thượng đẳng, bà kỵ ngoại của tôi là một người
xuất thân trong một gia đình quý tộc hiển hách như thế. Theo như lời của mẹ tôi nghe bà ngoại tôi và một số vị trưởng bối khác cùng tộc kể lại,
thì bà kỵ ngoại là một giai nhân tuyệt sắc, vô cùng xinh tươi duyên
dáng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng ngần và dáng vẻ mềm mại tha
thướt. Nghe nói ông kỵ ngoại của tôi chọn trúng bà kỵ ngoại là bởi vì
đôi mắt của bà đã lọt vào tầm mắt của ông. Thậm chí có người còn nói,
ông đã vì đôi mắt ấy mà viết cả một bài thơ tình lãng mạn. Đôi mắt mà
vừa nhìn đã khiến ông kỵ ngoại tôi trúng tiếng sét ái tình, hồn siêu
phách lạc ấy chính là đôi mắt phượng của bà nói theo cách dân gian Trung Quốc thường nói.
Bạn nhất định sẽ vô cùng tò mò, thế nào là một
đôi mắt phượng? Thực ra bạn chỉ cần nhìn kỹ hơn một chút vào đôi mắt của tôi thì bạn sẽ phần nào hiểu được điều đó. Đó chính là kiểu mắt mà phía trên mí mắt nhìn giống như hai nhưng không phải là hai, còn ở phía bên
góc mắt giống như có một chiếc cánh nhỏ đang giương lên. Bắt đầu từ bà
kỵ ngoại tôi, mắt những người phụ nữ đời sau của gia tộc bao gồm cụ
ngoại, bà ngoại và mẹ tôi đều là mắt phượng.
Lại nói về chuyện
ông kỵ ngoại của tôi, có thể là do yếu tố di truyền mà ông và ông tổ Tô
Đông Pha Tô học sĩ có chút tính cách ngang bướng không phục tùng giống
nhau, tự cho mình là siêu phàm, có chút hoang tưởng tự đại, rốt cuộc
cũng có một ngày, do đắc tội với hoàng đế mà trong một đêm đã bị giáng
chức xuống làm quan ở vùng Vân Nam xa xôi hẻo lánh. Do lúc đó, Vân Nam
còn đang là một vùng đất hoang sơ, là nơi mà những gia tộc quý tộc không muốn đến đó ở, cho nên ông kỵ ngoại tôi đã đưa bà kỵ ngoại và những
người con của họ từ Bắc Kinh về sống ở quê nhà Tứ Xuyên, rồi sau đó ông
một mình đi Vân Nam.
Rời bỏ cuộc sống phồn hoa đô hội Bắc Kinh,
chuyển về sống ở vùng quê nghèo Tứ Xuyên hoang vắng, sự tương phản rõ
rệt của môi trường sống đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những
người trong gia tộc. Bà kỵ ngoại tuy lớn lên vô cùng xinh đẹp, lại là
người có văn hóa, nhưng sau khi chuyển đến sống ở quê nghèo hẻo lánh
này, thì lại không có cách nào thích nghi được với cuộc sống nơi đây.
Đầu tiên là việc bà nói giọng Bắc Kinh, dường như chẳng có người nào
xung quanh có thể nghe hiểu được, lại thêm việc những thuộc hạ không còn quan tâm đối đãi tốt, nên cuộc sống bỗng chốc sa vào cảnh cùng quẫn.
Nhưng vấn đề lớn nhất là ở chỗ, bà kỵ ngoại có một thói quen rất xấu, đó là hút thuốc phiện, mỗi ngày người trong nhà phải cầm rất nhiều tiền đi mua thuốc phiện cho bà, thực sự là vô cùng lãng phí.
Khi mới
chuyển về quê sống, ban đầu ông kỵ ngoại còn gửi tiền đều đặn về trợ cấp tiêu dùng trong gia đình, cuộc sống vì thế mà cũng tạm ổn. Nhưng rồi
khi con trai của bà kỵ ngoại dần trưởng thành, lấy vợ, tức là cụ ngoại
của tôi, rồi lại sinh ra bà ngoại tôi và hai người em trai của bà. Về
sau, ông kỵ ngoại từ Vân Nam chuyển đến Sơn Đông, con đường quan lộ lại
rộng mở, tha hồ hưởng thụ, ông cưới luôn mấy người thiếp, cả ngày chỉ
cùng bọn họ ngắm hoa thưởng rượu, rồi dần chìm sâu vào tửu sắc. Từ đó,
cũng vứt bỏ luôn người vợ ở Tứ Xuyên, không gửi tiền về để nuôi gia đình nữa.
Cả nhà bà kỵ ngoại rất nhanh chóng sa vào cảnh khốn cùng
nghèo khó, con trai của bà, tức ông cụ ngoại của tôi, hàng ngày đến ngồi ở bên ngoài cửa quan huyện giúp người ta viết đơn kiện, nhưng chút tiền công cỏn con ấy không thể nào đủ để nuôi sống cả một gia đình có đầy đủ già trẻ lớn bé. Cảnh nhà đã khó càng thêm khó, tất cả mọi người trong
nhà đến cơm cũng ăn chẳng đủ no, lại còn phải gom hết tiền đưa cho lão
tổ mẫu đến từ Bắc Kinh mua thuốc phiện về hút.
Có một ngày, đứa
cháu gái đích tôn mà kỵ ngoại tôi yêu thương nhất do nửa đêm đói quá
không ngủ được, bèn chạy vào trong bếp muốn lấy chiếc bát sạch để múc
nước uống, không ngờ do đói quá, hoa mắt chóng mặt ngã ở bên cạnh lu
nước, suýt chút nữa thì mất mạng. Bà kỵ ngoại ôm đứa cháu gái đáng
thương vào lòng khóc gào thảm thiết, nói mình là đồ vô tích sự, già rồi
mà không chết đi, chỉ biết hút thuốc phiện làm hại gia đình, giờ đây,
thiếu chút nữa thì hại chết đứa cháu gái đáng yêu nhất này. Đến đêm ngày hôm sau, bà ở trong phòng ngủ của mình, treo cổ tự vẫn.
2. Chuyện về bà cụ ngoại tôi
Từ chuyện của kỵ ngoại tôi xin kể một chút đến thời đại của cụ ngoại, lúc
này triều đình nhà Thanh đã hoàn toàn sụp đổ, kế vào đó là thời kỳ dân
quốc. Nhà mẹ đẻ của cụ ngoại tôi họ Vương, cũng là một trong những gia
tộc lớn của huyện An Giang, Tứ Xuyên lúc bấy giờ. Cụ ngoại tôi là con
gái một trong gia đình. Ngay từ nhỏ đã được cha mẹ vô cùng nuông chiều,
cụ cũng là một đại mĩ nhân nổi tiếng của vùng, người theo đuổi cụ nhiều
vô số. Đương nhiên cụ ngoại khi đó cũng là một nam nhân có phong độ, hào hoa phong nhã, quân tử hảo cầu. Ông cụ ngoại nhanh chóng đến mở lời cầu thân. Phu phụ họ Vương thấy cụ ngoại là con trưởng trong một gia tộc
lớn Tô gia, tuy gia đạo có chút sa sút, nhưng con người cũng là một nhân tài, thông thư đạt lễ, cảm thấy hai bên gia đình môn đăng hộ đối, vì
thế đã đồng ý gả con gái cho, chấp nhận hôn sự này.
Nhưng bất
hạnh của đại tiểu thư nhà họ Vương lại bắt đầu từ khi đặt chân vào gia
đình họ Tô. Trong đêm động phòng hoa chúc, đúng thời khắc đáng giá ngàn
vàng ấy, khi tân lang tân nương đang xoắn xuýt bên nhau cùng uống rượu
ngâm thơ thưởng họa, thì tân lang đột nhiên phát hiện ra đại mĩ nhân ở
trước mặt mình là người mù chữ, đến một chữ bẻ đôi cũng không biết. Ở
thời đại ấy, kỳ thực đại đa số đàn ông Trung Quốc cũng không có yêu cầu
gì đối với trình độ văn hóa của người phụ nữ, bởi vì theo quan niệm của
người Trung Quốc lúc bấy giờ “phụ nữ bất tài là người có đức”. Thời ấy,
số đàn ông biết chữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nào dám mong chờ đàn bà chân yếu tay mềm có ít nhiều văn hóa. Có một số người phụ nữ thông
thư đạt lý, biết đến sách vở thì phần lớn họ đều là nữ sinh sống ở chốn
đô thành, còn ở chốn quê mùa hẻo lánh này thực đúng là vô cùng hiếm. Ông cụ ngoại tôi, cũng chỉ học qua trường tư thục, còn chẳng học qua một
trường lớp có quy mô lớn nào, nhưng do ông bà truyền lại, nên cũng là
người văn hay chữ đẹp, vì thế mà cụ cho mình là người tài giỏi, trong
lòng sinh ra kiêu ngạo. Trong đêm động phòng hoa chúc khi phát hiện ra
vợ mình là người không biết chữ, liền lập tức đập vỡ chén thề, giũ áo
giận dữ bỏ đi. Từ đó về sau luôn luôn ghét bỏ bà.
Cũng từ đêm đó
trở đi, như số trời đã định, số phận bi thảm của cụ ngoại tôi ở Tô gia
bắt đầu. Lúc bà được gả vào Tô gia, nhà họ Tô cũng đã bắt đầu sa sút,
chồng bà kỳ thực cũng chỉ là một người văn thư nhỏ bé trong phủ huyện mà thôi, với số tiền công ít ỏi, cộng thêm việc lần lượt ra đời ba đứa
con, cuộc sống của Tô gia ngày càng thêm khốn khó. Đặc biệt là khi bố
chồng ở chốn Vân Nam xa xôi không đoái hoài hỏi han gì đến gia đình nữa, cũng không gửi tiền về, Tô gia lúc này đã bị dồn đến bước đường cùng,
cơm không có mà ăn. Để nuôi sống gia đình, cụ ngoại tôi bắt đầu phải lao ra ngoài tìm những việc lặt vặt để làm thêm. Ban đầu là giúp người ta
thêu thùa may vá, rồi nhặt rau nấu cơm, nhưng những việc vặt ấy trong
thực tế cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, không đủ chi tiêu cho gia
đình. Về sau, bà dứt khoát đòi đi giặt quần áo thuê cho người ta, bất
luận là vào đông hay tháng chạp, mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt, cụ
ngoại tôi đều cúi gập lưng ngồi trước chậu quần áo lớn, hai tay chà xát
trên tấm ván giặt đồ. Chưa đến 30 tuổi, cụ đã bị bệnh đau lưng.
Thực ra, nếu như cứ dựa vào sự lao động vất vả của ông cụ ngoại và bà cụ
ngoại tôi, thì cái gia đình ấy cũng có thể tiếp tục gắng gượng duy trì
được cuộc sống. Nhưng ông cụ ngoại tôi với bản tính ngang ngược kiêu
ngạo, lại nghĩ rằng chính ở cái nơi xa xôi hẻo lánh này đã chôn vùi tài
năng và văn chương của ông, cho nên vào một ngày mùa thu, ông đã xuống
thuyền đi đến một thành phố lớn hơn tên là Du Châu (Trùng Khánh hiện
nay). Không ngờ vừa đi được nửa đường, ông cụ ngoại đột nhiên mắc chứng
thổ tả, miệng nôn trôn tháo, cả người xanh xao vàng vọt, cuối cùng ông
không thể tiếp tục đi được nữa, đành xuống thuyền vào một huyện nhỏ gần
đó, tìm một nhà nghỉ và ở lại đó. Nhưng chính trong thời gian ở đây, đã
phát sinh ra một câu chuyện phong lưu bạc tình sau đó.
Ông cụ
ngoại không chỉ kế thừa gien di truyền văn hay chữ tốt, mà còn đồng thời thừa hưởng luôn cả đức tính phong lưu đa tình của cha mình. Ban đầu ở
nhà trọ vốn là để dưỡng bệnh, nhưng điều không thể ngờ được là cụ lại
đầu mày cuối mắt với bà chủ nhà trọ, cuối cùng hai người cũng qua lại
với nhau. Bà chủ kia vốn dĩ là người phụ nữ đã có chồng, là mẹ của hai
đứa con trai, nhưng thật không ngờ khi gặp cụ ngoại tôi lại giống như
củi khô gặp lửa lớn, bùng cháy dữ dội, chỉ trong vòng một tuần, người
đàn bà ấy đã vứt bỏ tất cả, cùng cụ ngoại tôi lén lút chạy trốn, chẳng
để lại chút tông tích gì.
Nhưng điều không thể tưởng tượng được
là chồng của người đàn bà họ Trương đó lại dẫn theo một đám người, tìm
đến tận nhà cụ ngoại tôi ở An Giang, đòi cụ ngoại tôi trả lại vợ cho
hắn, nếu không sẽ đến nha môn tố cáo Tô gia. Cụ ngoại tôi, một người đàn bà chân yếu tay mềm, tính cách nhu nhược, lại còn mù chữ, giờ không chỉ mất đi người chồng, mà còn bị chồng của người đàn bà đã cướp chồng mình đe dọa, bà chỉ biết nhỏ những giọt nước mắt khóc thương cho thân phận
mình. Cuối cùng ở trong gia tộc vẫn còn một vị trưởng bối làm quan trong nha môn đã giúp bà đuổi đám vô lại ấy đi.
Giờ đây chồng đã trốn
đi cùng người đàn bà khác, bỏ lại cho bà cả một gia đình nghèo rớt mồng
tơi, nghèo xơ nghèo xác, đến ba bữa cơm cũng không đủ no. Ở đoạn trên
khi tôi kể về việc kỵ ngoại treo cổ tự vẫn trong phòng ngủ chính là ở
giai đoạn này. Ba đứa con nhỏ, người con lớn nhất là bà ngoại tôi, lúc
này mới chín tuổi, đã phải vừa đi ra ngoài phụ giúp mẹ giặt quần áo cho
người ta, vừa phải thay mẹ chăm sóc hai em, một trai một gái. Cụ ngoại
tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay như vậy để cáng đáng gia đình sống qua
ngày. Cứ tưởng rằng như vậy đã được yên, nào ngờ một ngày cụ bất ngờ
nhận được một bức thư, trong đó là tờ “giấy từ hôn” của ông cụ ngoại gửi về.
Cái gọi là “giấy từ hôn” ấy thực ra là gì? Đó chính là một
trong những luật hôn nhân cổ hủ và hoang đường nhất của đất nước Trung
Quốc ngày xưa: Trong một cặp vợ chồng, chỉ cần người chồng bằng lòng và
có kinh tế, thì người đó có thể cưới năm thê bảy thiếp là chuyện hoàn
toàn hợp pháp; và cũng chỉ cần người chồng này đưa ra bất kể một nguyên
nhân hay lí do gì, hoặc chẳng cần có lí do gì cả, anh ta không muốn tiếp tục sống với người vợ hoặc người thiếp nào đó của mình thì có thể tùy ý viết trên giấy trắng mực đen rằng mình quyết định cắt đứt mọi quan hệ
với người đó, tờ giấy này gọi là “Giấy từ hôn”. Anh ta chỉ việc gửi tờ
giấy này cho người phụ nữ đó, thì lập tức lại được trở lại là người tự
do không có ràng buộc gì, cũng không cần phải đến tòa án, không cần mời
luật sư, không cần phải đóng góp tiền phụ cấp, không cần phải gánh vác
bất kỳ một trách nhiệm gì; Còn người phụ nữ đáng thương, khi nhận được
tờ “giấy từ hôn” đó, lập tức trở thành người vợ “hạ đường”[1], đại đa số đều bị đuổi quay trở về nhà mẹ đẻ, từ đó trở đi, không còn dám ngẩng
mặt lên nhìn hàng xóm nữa, sống một cuộc đời thừa vô cùng thê lương buồn bã.
[1] Người vợ không còn ở trong chính phòng nữa.
Cụ
ngoại tôi đã nhận được tờ “giấy từ hôn” như vậy. Nhưng nếu như chỉ là cụ một mình dẫn theo ba người con ra đi vùng vẫy khốn khổ kiếm sống qua
ngày thì cũng còn là tốt, thế mà về sau còn phát sinh ra một việc mà
việc ấy mới gọi là không thể chấp nhận được.
Sau vài năm, ông cụ
ngoại và người đàn bà họ Trương đã cùng ông chạy trốn sinh được hai
người con một trai một gái, có thể là do gặp phải sự quả báo của trời
đất, mà vào một buổi chiều hoàng hôn, khi cả bốn người trong gia đình
đang ở bên sông Trường Giang chuẩn bị xuống thuyền qua sông, có lẽ do
sắc trời đã tối, lại thêm gió ở bên sông nổi lên rất lớn, người đàn bà
đó không biết vì sao lại trượt chân rơi xuống dòng sông nước xiết, bị
sóng nước cuồn cuộn nhấn chìm, vĩnh viễn không thấy nhân ảnh.
Bà
ấy đã ra đi như vậy, để lại trên đời hai đứa con thơ dại. Ông cụ ngoại
tôi lúc đó vẫn còn can đảm nhờ một người quen đưa hai đứa trẻ quay về
quê nhà ở Giang An, bảo người vợ đã bị ông ta chối bỏ giữ lại và chăm
sóc chúng. Nhưng hoang đường hơn cả là bà cụ ngoại tôi chẳng nói nửa
lời, chỉ lặng lẽ gật đầu đón nhận hai đứa trẻ thơ. Tất cả mọi người
trong họ hàng làng xóm đều cho rằng cụ ngoại tôi nhất định đã bị điên,
bởi chỉ có điên mới làm như vậy. Bọn họ cho rằng bà làm như vậy là bởi
muốn người đàn ông trước đây đã từ bỏ mình nhìn thấy tấm lòng nhân ái
của bà mà hồi tâm chuyển ý.
Ba đứa con của mình, cộng thêm hai
đứa con của người khác, một người phụ nữ nhỏ bé yếu đuối chỉ dựa vào
việc giặt quần áo cho người khác kiếm sống, cùng lúc phải nuôi đến sáu
miệng ăn, mà lúc này đang là ở giữa thời kỳ tám năm kháng chiến chống
Nhật, máy bay của người Nhật đã oanh tạc đến tận thị trấn nhỏ bé của
vùng đất Giang An, Tứ Xuyên này, người dân nơi đây cả ngày phải luôn
trong tư thế sẵn sàng để trốn tránh sự tập kích của máy bay, người người không thể sống được, trăm họ lầm than, cuộc sống cơ cực bần hàn, thử
hỏi trong hoàn cảnh như vậy thì có thể tìm được ở đâu ra nhiều quần áo
mà giặt?
Còn ông cụ ngoại, sau khi bỏ lại hai đứa con vốn là thứ
gây phiền toái rườm rà cho mình cho vợ cũ, liền một mình vượt biển đến
Thượng Hải, muốn nhân cơ hội đất nước đang loạn lạc tìm một sự đổi thay
nào đó. Dựa vào gia thế và tài văn chương của mình, cụ đã bằng mọi cách
tìm được một chức vị không đến nỗi nào ở trong Bộ Tư lệnh cảnh bị của
Quốc dân đảng ở Thượng Hải. Sau này còn liên tiếp được đề bạt thăng quan tiến chức, con người trở nên hớn hở đắc ý. Khi mới bắt đầu đến Thượng
Hải, cụ còn thỉnh thoảng gửi tiền tiêu vặt về cho cụ bà ở quê nhà. Về
sau, cụ lại yêu một người phụ nữ ở Giang Nam, rồi rất nhanh chóng cưới
người ấy làm vợ. Từ đó đoạn tuyệt luôn tất cả liên hệ với gia đình ở
quê. Bà cụ ngoại sau khi nhận trọng trách nặng nề nuôi hai đứa con riêng của chồng, đổi lại không phải là việc hồi tâm chuyển ý của ông cụ
ngoại, mà là giúp ông giảm bớt những khó khăn phiền toái, để ông rảnh
rang sống cuộc sống phong lưu ung dung tự tại ở nơi khác.
Cuối
cùng vào năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, mở ra một đất nước
Trung Quốc mới, Cộng sản đảng thay thế cho Quốc dân đảng, một chính
quyền mới thay thế cho một chính quyền cũ. Những người làm quan lớn
trong Quốc dân đảng trước đây, kẻ thì bị xử bắn, kẻ thì bị bắt làm tù
binh. Ông cụ ngoại của tôi may cũng chỉ là một viên quan nhỏ của Quốc
dân đảng nên không bị quy vào hai hình phạt trên, nhưng cụ vẫn bị xem là một phần tử phản động nên đã bị đuổi về quê nhà theo nguyên quán là ở
Giang An, Tứ Xuyên, trở thành một kẻ sa cơ thất thế. Đương nhiên lúc
này, người vợ người Giang Nam mà cụ đã cưới ở Thượng Hải không chút do
dự đã dứt tình đoạn tuyệt với cụ, lập tức bỏ đi. Sau khi cụ về đến quê,
liền quay về nhà đau khổ cầu xin bà cụ ngoại tha thứ, thật là thảm
thương. Lúc này mấy người con của họ đã lớn, tất cả đều thống nhất ngăn
cản không cho bà cụ ngoại tha thứ cho cụ, không cho bà mở cửa đón người
đàn ông vong ân bội nghĩa ấy vào nhà. Nhưng bà cụ ngoại đã nói với các
con của mình rằng: “Tuy ông ta không ra gì, nhưng ông ấy vẫn là cha của
các con!” Ai dà, cuối cùng người đàn ông mà họ gọi là cha kia, do trải
qua những biến động chính trị lịch sử, bị đày về nơi xa xôi hẻo lánh,
đất đai khô cằn sinh sống. Trong một buổi chiều tà, người đàn ông ấy đột nhiên rơi xuống một cái hố bên bờ ruộng, làm cách nào cũng không thể bò lên được, cũng coi như là kết thúc một đời hoang đường phiêu bạt của
ông ấy.
3. Chuyện về bà ngoại tôi
Trong ký ức của tôi, bà
ngoại thực sự là một đại mĩ nhân, bà đẹp vô cùng. Lúc tôi còn nhỏ, nghe
mẹ tôi kể lại, hai chị em gái của mẹ cộng lại cũng không thể bì được với sắc đẹp của bà. Bà ngoại sinh năm 1929, là năm mà đất nước đang trong
cơn chiến tranh loạn lạc. Bà chính là người cháu gái đích tôn được kị
ngoại tôi vô cùng yêu quý mà tôi đã kể ở đoạn trên. Lúc bà chín tuổi,
tận mắt chứng kiến cảnh bà ngoại của mình treo cổ tự vẫn, thật thê thảm. Sau đó vì kế sinh nhai, bà phải cùng mẹ ra ngoài giúp người ta giặt
quần áo. Không những thế, bà còn tự mình cáng đáng nhiệm vụ chăm sóc hai đứa em, một trai một gái của mình.
Tuy nhiên số phận của bà
ngoại tôi tốt hơn nhiều so với mẹ mình, hai số phận ấy về bản chất thực
sự không giống nhau. Trước hết, bà ngoại tôi không phải là người mù chữ, mà là một người phụ nữ có tri thức, có văn hóa. Vì sao lại như vậy ư?
Khi nói đến điều này thì công đầu thuộc về mẹ của bà, tức là cụ ngoại
tôi. Cụ ngoại tôi luôn cho rằng, bản thân mình, ngay trong đêm đầu tiên
động phòng hoa chúc đã gặp phải cảnh bị chồng ruồng bỏ, hoàn toàn là do
bản thân mình không biết chữ, là người không có văn hóa. Cho nên bà đã
hạ quyết tâm, con gái của bà, bà cũng sẽ quyết để cho con gái được đi
học. Cho nên lúc bà ngoại tôi bảy tuổi, đã được đưa đến trường tư thục
của Tô gia để học. Cái giá phải trả cho việc này là cụ ngoại tôi mỗi
ngày bắt buộc phải giặt nhiều hơn ba chậu quần áo lớn, ngoài ra còn phải thức đêm để nhận may thêm quần áo mới cho những người có tiền.
Ở thời đại ấy, mọi người đều nói “Phụ nữ không có tài thì là người có
đức”, nhưng chính từ cảnh ngộ mà bản thân mình gặp phải, cụ ngoại tôi
nhận thức được rằng, người phụ nữ không có tài thì cũng sẽ là người
không có đức, họ rất dễ rơi vào hoàn cảnh bị chồng ruồng bỏ, coi khinh.
Chính vì nghĩ như vậy mà cụ ngoại tôi đã dốc hết sức, đem cả tính mệnh
của mình ra để đổi lấy việc cho con gái được đi học.
Bà ngoại của tôi, không hổ là người xuất thân từ gia tộc họ Tô, bà có tư chất thông
minh, chỉ cần đọc qua một lần là nhớ, ngâm thơ làm phú, xuất khẩu thành
thơ, lại thêm việc viết chữ rất đẹp, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã trở thành đứa trẻ nổi trội nhất trong đám trẻ con của gia tộc họ Tô.
Các chú thím trong họ, người nào cũng đều khen ngợi bà, đều nói bà là cô bé họ Tô xuất sắc, tiền đồ ngày sau nhất định sẽ rộng mở thênh thang.
Dưới sự cổ vũ và khích lệ của mọi người, bà ngoại tôi càng cố gắng chăm chỉ
học hành hơn nữa, rất nhanh sau đó bà đã thi đỗ đầu vào trường trung học của huyện. Sau khi tốt nghiệp trung học, lại trải qua vô số gian khổ,
thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng của tỉnh. Trong cả quá trình
cầu học của bà, cụ ngoại tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tâm huyết!
Đến năm 1949, tức là sau một năm bà ngoại tôi đi
học đại học ở trên tỉnh, xã hội Trung Quốc đã có một sự thay đổi lớn,
Đảng Cộng sản với khí thế cuồn cuộn, sức mạnh như vũ bão, uy lực cực lớn đã dồn Quốc dân đảng đến tận Đài Loan. Dưới sự hiệu triệu của Đảng Cộng sản, bà ngoại tôi và tất cả những sinh viên tiến bộ giống như bà, trong lòng nhiệt huyết cách mạng đang trào dâng mãnh liệt, họ sẵn sàng dấn
thân vào đội ngũ cách mạng. Đối với riêng bà ngoại tôi mà nói, con đường cách mạng của bà so với những sinh viên khác còn triệt để hơn vài phần, bởi bà là người có thân thế quá bi thảm. Bà vươn lên từ đáy tận cùng
của xã hội này. Con đường mưu cầu tri thức của bà, là do mẹ mình dùng cả tính mạng và sức khỏe để đổi lấy, là dùng từng đồng từng cắc đắp dựng
nên. Bà mong muốn giải phóng được càng nhiều càng tốt những bà mẹ phải
lao động khổ sở vất vả giống như mình, để tất cả các bà mẹ trong thiên
hạ này đều không phải lo lắng vì không có cơm ăn, để mỗi đứa trẻ đều
được đến trường. Lý tưởng như vậy chắc chắn đã trở thành niềm tin của
bà.
Đó cũng chính là niềm tin cách mạng thuần chất nhất của bà
ngoại tôi, chính niềm tin ấy đã khiến bà quyết định rất nhanh từ bỏ việc tốt nghiệp đại học, cùng những người đồng chí cùng chung chí hướng gia
nhập vào đại quân cách mạng. Bà gia nhập vào giải phóng quân ở một đoàn
văn công quân khu của bộ 4 Tứ Xuyên. ở thời điểm này có rất nhiều thanh
niên có học thức gia nhập cách mạng giống như bà, trong lòng họ tràn trề những lý tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau đó, bà ngoại
tôi với tài năng nghệ thuật xuất chúng và diện mạo vô cùng xinh đẹp đã
nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo trong đoàn văn
công. Trải qua một thời gian rèn luyện và khảo sát, cuối cùng bà cũng
được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Từ đó bà nhận được
ánh mắt ngưỡng mộ của không ít những đồng chí nam giới trong đội ngũ
cách mạng. Trong thời kỳ đầu của những năm năm mươi, rất nhiều quân nhân xuất thân từ công nhân nông dân đã trải qua nam chinh bắc chiến, có ít
nhiều cống hiến cho Đảng Cộng sản, đa số những người đàn ông này đều sớm đã có vợ ở quê nhà. Những người vợ bị để mặc ở quê, do không hiểu biết, nên họ đã bị những người chồng của mình trói buộc trong gông cùm xiềng
xích của những thủ tục hôn nhân của xã hội cũ còn rơi rớt lại, bị họ sẵn sàng từ bỏ. Họ theo đuổi, săn đón những chiến sĩ tham gia trong đội ngũ cách mạng vừa trẻ trung xinh đẹp phù hợp với thân phận là chiến sĩ cách mạng của họ lại vừa có văn hóa, tri thức. Trong số bọn họ, có không ít
người đã dành sự quan tâm chú ý cho bà ngoại tôi.
Bà ngoại tôi
tuy lớn lên trong một gia đình nghèo khổ bần hàn, nhưng dòng máu đang
chảy trong người bà là dòng máu của một gia tộc có dòng dõi thư hương
nổi danh thiên hạ. Chính vì vậy mà tận trong cốt cách của bà vẫn toát ra chút khí phách kiêu ngạo, khiến bà có chút xem thường những vị lãnh đạo thô lỗ quê mùa một chữ bẻ đôi cũng không biết ấy. Bà biết những người
này có địa vị, có thực quyền, nếu lấy họ thì cuộc đời của bà có thể suốt đời nhàn nhã, một bước lên mây. Nhưng rồi bà cũng nghĩ đơn thuần rằng,
làm cách mạng và lấy chồng là hai việc khác nhau. Đương nhiên, chẳng có
chút nghi ngờ gì, mục đích của bà là nhất định phải tìm được một người
đồng chí nam trong đội ngũ cách mạng, nhưng đồng thời đồng chí ấy cũng
phải là người có tri thức, một người đàn ông vừa có thể ngâm thơ vẽ
tranh, vừa có sắc thái tình cảm của giai cấp tiểu tư sản đáp ứng đúng
với những gì bà mong muốn trong tiềm thức của mình để làm người bầu bạn
trọn đời. Trong cả quân khu, những người tiếp xúc nhiều nhất với những
nữ đoàn viên trong đoàn văn công chính là mấy nam đồng chí thuộc sở
tuyên truyền bộ chính trị. Trong đó có một đồng chí trông khôi ngô tuấn
tú, dáng người cao cao, hay đeo một cặp kính gọng đen, nghe nói trước
khi tham gia cách mạng cũng là một sinh viên.
Lúc mà bà ngoại tôi để mắt đến người đàn ông ấy, thì đồng thời, người đàn ông này cũng để mắt đến bà ngoại tôi.
Mỗi lần bà ngoại tôi biểu diễn ở trong đoàn văn công, người đàn ông này đều ngồi ở hàng ghế đầu tiên vô cùng hứng thú theo dõi từng cử động của bà. Sau mỗi buổi biểu diễn kết thúc, người đàn ông này lại là người đầu
tiên đứng dậy trong đám người xem, vỗ tay nói: “Đoàn văn công có thể
biểu diễn thêm một lần nữa được không?”. Lúc này kiểu gì cũng sẽ là nhất hô bách ứng, tất cả mọi người có mặt đều lập tức đứng hết lên vừa vỗ
tay vừa nói: “Thêm một lần nữa, thêm một lần nữa!” và bà ngoại tôi đóng
vai chính trong buổi biểu diễn cùng các bạn của mình trong đoàn lại tiếp tục ca hát trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của mọi người.
Tình yêu nam nữ dần nảy sinh từ trong những hoạt động cách mạng như thế, nó
hiện lên rất mơ hồ và lãng mạn. Thật khó tưởng tượng, trong lúc đấu
tranh giai cấp đang đến hồi gay cấn kịch liệt, đánh cường hào, chia
ruộng đất, dẹp phản loạn, trong cái nôi của cách mạng, dưới ô đỏ của đội quân cách mạng, vậy mà cũng có thể nở ra một đóa hoa tình yêu mang đậm
tính chất của giai cấp tiểu tư sản, vô cùng lãng mạn.
Bà ngoại
tôi còn nhớ món quà đầu tiên mà bà tặng cho người ấy chính là tập thơ
của nhà thơ cách mạng người Nga Mai-a-cốp-xki một nhà thơ Nga đại diện
tiêu biểu nhất của trường phái thơ vị lai của thế kỷ XX. Người đàn ông
đó đã đọc một mạch hết cả quyển thơ trong đêm, cả đêm không hề chợp mắt. Ngày hôm sau, người đó khe khẽ nhét vào tay bà một mẩu giấy, trên đó
viết:
“Đây là những câu thơ hay và đẹp nhất mà tôi đã từng đọc
trong cuộc đời, đây cũng là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được trong
cuộc đời.”
Lúc bà ngoại tôi cùng những nữ chiến sĩ trong đoàn văn công được cử đi lưu diễn ở vùng dân tộc thiểu số khu vực miền tây Tứ
Xuyên, dọc đường đi bà thường ghi lại những phong tục tập quán đặc sắc
của người dân tộc thiểu số và những phong cảnh tuyệt đẹp còn giữ được
những vẻ nguyên sơ của vùng đất miền tây. Mỗi lần đến một trạm nghỉ nào
đó, bà liền gửi cho người ấy một bức thư, kể về những nơi bà đã đi qua.
Còn người ấy, khi nhận được những bức thư của bà, đều giữ chặt trong
tay, đọc đi đọc lại, nói những bức thư này chính là những bài tản văn
hay nhất mà anh đã từng đọc. Trong những lá thư hồi đáp, người ấy đều
tán dương bà là “băng tâm đệ nhị”, một người con gái cách mạng tài giỏi
chân chính.
Còn người thanh niên cách mạng thư sinh đeo cặp kính
gọng đen ấy, cuối cùng được sự đồng ý và giúp đỡ của tổ chức đảng đã
cùng bà ngoại tôi kết thành phu thê.
Trước khi kết hôn và thời kỳ đầu của hôn nhân, bà ngoại tôi luôn cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh
phúc nhất trên đời này. Sự kết hợp giữa hai người có văn hóa, vừa theo
cách mạng vừa lãng mạn theo kiểu tiểu tư sản chính là mối quan hệ nam nữ hài lòng nhất và là cuộc hôn nhân mĩ mãn nhất. Bà luôn cảm thấy cuộc
hôn nhân của mình so với mẹ thì hạnh phúc hơn không biết bao nhiêu lần.
Thật đúng là ông trời có mắt, đã bù đắp cho bà tất cả những khổ đau mà
mẹ bà phải gánh chịu. Từ tận đáy lòng, bà thật sự cảm ơn mẹ mình, là mẹ
đã cho bà kiến thức, cho bà văn hóa, mà nhờ có văn hóa bà mới có thể tìm được một người bạn cách mạng có văn hóa, mới có thể có được sự bình
đẳng như thế này. Trong cuộc sống gia đình, mình luôn tôn trọng đối
phương và cũng được đối phương rất tôn trọng.
Sau khi bà sinh
người con gái thứ hai - người đó chính là mẹ tôi - không lâu, Đảng Cộng
sản bắt đầu tiến hành một cuộc thanh lọc chính trị với quy mô lớn nhất
lần đầu tiên từ sau khi giành được chính quyền, cuộc thanh lọc ấy gọi là cuộc vận động “Tam phản ngũ phản”, đồng thời cũng thanh lọc luôn cả đến quân đội. Người chồng trí thức cách mạng của bà, là ông ngoại của tôi,
lúc bấy giờ đối với cách mạng luôn một lòng trung thành son sắt, nhưng
trong một đêm bỗng bị vạch trần ra là “có vấn đề về lý lịch chính trị”,
nói ông trước khi gia nhập vào bộ đội đã từng tham gia vào đoàn thanh
niên của Quốc dân đảng. Trong phút chốc tất cả đã hoàn toàn thay đổi,
ông ngoại lập tức bị bắt nhốt lại, bị cách ly để thẩm tra. Rồi theo đó,
nhà cửa cũng bị tịch thu, bà ngoại cũng bị cách ly để khai báo rõ một
cách thành thực về vấn đề của chồng bà.
Trong cái rủi có cái may, và điều vô cùng may mắn ấy là ông ngoại đã tìm được người cấp trên cũ
của mình, người cấp trên ấy đã chứng minh ông ngoại tham gia vào đoàn
thanh niên của Quốc dân đảng là do nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật của
đảng trà trộn vào hàng ngũ của địch để tiến hành hoạt động xúi giục làm
phản. Ông ngoại nhờ thế mà thoát khỏi việc bị cách ly thẩm tra, vẫn giữ
nguyên thân phận đảng viên của mình. Nhưng những dòng chữ “đã từng tham
gia vào đoàn thanh niên Quốc dân đảng” đã trở thành một vết đen trong lý lịch của ông, khiến cho ông từ đó về sau trong cả chặng đường đời dài
của mình đã phải nếm trải biết bao nhiêu khổ cực.
Đầu tiên là ông lập tức bị đá ra khỏi đội ngũ của mình, rồi bị thuyên chuyển đến làm
một chân thư ký nhàn rỗi có cũng như không của một cơ quan thành ủy. Sau đó, bà ngoại tôi cũng bị điều đi khỏi đoàn văn công, chuyển đến làm
giáo viên dạy nhạc ở một trường trung học. Trong các lần hoạt động chính trị, họ bị ép buộc viết tài liệu tố giác đối phương, từ đó mà giữa hai
vợ chồng xảy ra những bất hòa lớn. Rất nhiều người bạn thân thiết của bà ngoại tôi có ý tốt đã khuyên bà ly hôn với người chồng “vận động viên”
kia, anh đi đường anh, tôi đường tôi, để tránh về sau này gặp nhiều liên lụy phức tạp. Nhưng bà ngoại tôi nhìn hai đứa con trước mặt, nghĩ về
tuổi thơ của mình đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng buồn đau khi không có sự chăm sóc của cha, nên đã quyết định dù có thế nào đi nữa bà cũng không thể để con gái của mình không có cha được.
Đòn cuối
cùng đánh vào mối quan hệ vợ chồng vốn đã rạn nứt mong manh, gần tan vỡ
của bà ngoại chính là cuộc “Đại cách mạng văn hóa” diễn ra ở cuối những
năm 60. Ông ngoại do “có vấn đề về lý lịch” nên bị điều xuống công xưởng dệt làm công việc quét dọn vệ sinh, chịu sự cải tạo lao động và giáo
dục lại của giai cấp công nhân. Khi cải tạo được đến năm thứ hai, ở nơi
mà mỗi ngày ông đều phải đến để quét dọn nhà vệ sinh, ông đã lén lén lút lút quan hệ với một nữ công nhân dệt ở đó. Có một đêm, sự việc bị bại
lộ, ông ngoại và người nữ công nhân dệt ấy quần áo xộc xệch bị bắt dẫn
đến công xưởng của ủy viên hội cách mạng, bọn họ phê phán ông là phần tử phản cách mạng cũ, lấy nhục thể làm công cụ phản cách mạng để dụ dỗ nữ
công nhân cách mạng, hòng mưu đồ hủ hóa đội ngũ giai cấp công nhân, thực hiện giấc mơ khôi phục địa vị cũ của giai cấp chủ nghĩa tư bản. Trong
lúc bị lăng nhục, lợi dụng lúc người đội viên tuyên truyền công nhân
không chú ý, ông đã từ cửa sổ trên lầu nhảy xuống, chết ngay tại chỗ.
Thi thể của ông được bên phía công xưởng dệt thông báo cho bà ngoại tôi
đến nhận về và đem đi hỏa táng. Đây là lần thứ hai trong đời, bà ngoại
tôi tận mắt chứng kiến cảnh người thân nhất của mình tự sát. Sự ra đi
của ông ngoại tuy giúp bà có được sự giải thoát trong chính trị, nhưng
điều khiến bà đau lòng nhất và không thể nào hiểu được là người giống
như ông ngoại tôi, vừa có tri thức có văn hóa, có nhân cách và có mục
đích sống, lại là phần tử trí thức nhận được sự giáo dục có quy phạm
nghiêm khắc của Đảng Cộng sản, vì sao lại có thể phản bội tình cảm với
người đã từng cùng ông yêu thương khăng khít, vô cùng lãng mạn, sau đó
lại còn vì ông mà đã phải chịu biết bao điều khổ cực để đi tằng tịu với
một người nữ công nhân? Bà yêu thương chân thành hết mực đối với người
đàn ông này, đã vì người đàn ông này mà giao phó tất cả, và còn chuẩn bị vì ông mà hy sinh nhiều hơn nữa, nhưng đổi lại, điều bà nhận được chính là một số phận cay đắng chịu sự phản bội và ruồng bỏ của chồng giống
như mẹ mình.
Rất nhiều rất nhiều năm sau nữa qua đi, bà ngoại vẫn còn nói, chỉ cần ngày nào bà còn sống, thì vĩnh viễn ngày ấy bà không
bao giờ tha thứ cho ông.
4. Chuyện về mẹ của tôi
Người mà
tôi luôn gần gũi yêu thương nhất chính là mẹ. Kể từ khi tôi bắt đầu biết nhớ, thì tôi cảm thấy mẹ là người có vẻ đẹp rất đặc biệt. Mẹ tôi không
phải kiểu người vừa nhìn là khiến cho người ta kinh ngạc vì vẻ đẹp rạng
rỡ như những tiên nữ trên trời. Vẻ đẹp của mẹ tôi không chỉ toát ra từ
dung mạo bên ngoài, mà nó còn tỏa ra nhiều hơn từ con người bên trong
của mẹ. Mẹ đẹp theo kiểu khi có một người đàn ông nào đó lướt qua,
thường sẽ không để ý đến, nhưng sau khi đi được vài bước, lại giật mình
nghĩ phải quay đầu lại để nhìn cô gái mình vừa đi lướt qua một cái. Mẹ
là người phụ nữ điềm đạm, nho nhã, hiền thục, nhưng độc lập trong suy
nghĩ.
Mẹ tôi là con gái út của bà ngoại, cho nên trong gia đình,
mẹ cũng được bố của mình, tức ông ngoại tôi, yêu chiều hơn chút ít. Mẹ
tôi dường như cũng cảm nhận được trong hai chị em gái của mình chỉ có mẹ là người được thừa hưởng dung mạo xinh đẹp truyền thống của Tô gia. Mẹ
cũng giống tôi, có một đôi mắt phượng đặc biệt, và cũng là một người
viết chữ rất đẹp. Mẹ tôi sinh năm 1957. Sau khi mẹ ra đời không lâu, mẹ
của mẹ, tức bà ngoại của tôi, do có vài “ý kiến hữu khuynh” nên bị cách
ly để thẩm tra. Do sau khi sinh không được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ,
nên cơ thể của mẹ bị suy nhược, yếu hẳn đi, mẹ thường xuyên bị những cơn đau đớn quấy rầy.
Lúc cha của mẹ nhảy lầu tự sát trong cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, thì mẹ mới 12 tuổi, sự việc ấy đã khiến cho mẹ bị
sốc nặng, có thể nói đó như là một sự hủy diệt. Trong rất nhiều những
năm về sau, sau khi cha nhảy lầu chết, xác được khiêng đi, trên nền xi
măng ở lầu dưới vẫn còn hai vết lõm sâu do thân thể cha khi nhảy xuống
tạo ra, hình ảnh ấy vĩnh viễn in sâu trong óc mẹ, khiến mẹ thường xuyên
mơ thấy ác mộng, sau khi tỉnh lại thì thường khóc không ngừng. Một trong những sự việc khiến bà ngoại tôi sau này hối hận nhất chính là không
nên dẫn theo hai đứa con đến hiện trường đã xảy ra sự việc, để chúng tận mắt nhìn thấy cảnh tai họa của mối quan hệ giữa người với người, mà
người đó lại là cha của chúng!
Sự việc ấy còn để lại cho ba người phụ nữ trong gia đình này một sự sỉ nhục vĩnh viễn không bao giờ xóa đi được. Thật khó có thể tưởng tượng được lúc ấy bọn họ đã phải chịu bao
nhiêu nhục nhã khi ở trường và cơ quan.
Phải mất vài năm sau,
việc của ông ngoại tôi mới được dư luận dần quên lãng. Chị gái của mẹ
tôi hưởng ứng lời hiệu triệu của Mao Chủ tịch, làm người thanh niên trí
thức, trở về quê nhà ở vùng xa xôi hẻo lãnh Tứ Xuyên. Sau khi chị gái đi rồi, chẳng có ai bầu bạn cùng mẹ, cuộc sống của mẹ tôi lại càng trở nên cô đơn. Đa số thời gian trong những năm tháng ấy mẹ tôi đều ở nhà đọc
hết đống sách cũ mà ông ngoại tôi để lại. Do lúc sinh thời, ông ngoại
tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên mẹ tôi đã giữ lại cuốn “Mác - Lê nin toàn tập” với bản tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp để tự học mấy ngôn ngữ này, sai sót ngẫu nhiên là đã tự mình lựa chọn một con đường nghề
nghiệp cho tương lai.
Sau khi tốt nghiệp trung học, dựa theo
chính sách lúc bấy giờ, vì mẹ tôi là người con còn lại duy nhất trong
gia đình, nên không cần phải giống như chị tôi đi về những vùng nông
thôn định cư ở đó để chịu sự tái giáo dục của đội ngũ bần nông và trung
nông lớp dưới. Nhưng mẹ tôi lại khăng khăng nhất định muốn đi khỏi ngôi
nhà này, đi khỏi thành phố này, rời xa nơi đã khiến cho bà vô cùng đau
khổ vì phải chịu biết bao điều tủi nhục và sự khinh bỉ của mọi người
xung quanh. Bà muốn đi đến một nơi thật xa, càng xa càng tốt. Tuy bà
ngoại tôi không bằng lòng chút nào, nhưng nghĩ đến việc nếu cứ giữ con ở lại nơi này, những vấn đề của chồng còn lưu truyền lại đến ngày sau có
thể sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ của con, cuối cùng bà cũng hạ quyết tâm
tiễn con đến một nơi thật xa, để con được tự do tự tại bay đi trên đôi
cánh của mình.
Chính vì vậy mà mẹ tôi tự nguyện xin đi đến vùng
núi dân tộc thiểu số xa xôi nhất của tỉnh Tứ Xuyên. Cũng may nơi mẹ tôi
đến là khu vực đồng bằng duy nhất của vùng núi đó, và cũng là nơi tập
trung sinh sống của người dân tộc Hán, sản vật phong phú, điều kiện tốt
hơn rất nhiều so với nơi mà chị gái của mẹ đã đi. Những người nông dân ở vùng đó đặc biệt rất yêu quý những thanh niên trí thức dân tộc Hán đến
từ thành phố. Có sáu đội lớn của mẹ tôi đi đến công xã ấy, mỗi một đội
lớn đều bố trí các thanh niên trí thức đến từ năm sáu thành phố khác
nhau. Những thanh niên này hoặc là tập trung lại sống cùng nhau, hoặc là tản ra đến ở nhờ trong những gia đình nông dân bản địa. Cho dù là ở
đâu, thì những người nông dân nơi này cũng giành những phòng tốt nhất
cho họ ở, chia những loại gạo và mì tốt nhất cho họ ăn. Sự thuần phác và lương thiện của những người dân quê nơi đây đã làm mẹ tôi vô cùng cảm
động. Từ nhỏ, ở trong một cơ quan lớn, điều mẹ trải qua toàn là những
việc đấu tranh, tranh giành cấu xé lẫn nhau và cuộc vận động cách mạng
đẫm máu, mẹ chưa bao giờ có thể hình dung ở trên thế giới này vẫn còn có một nơi tốt đẹp như vậy, vẫn còn một kiểu chân thành và thuần phác như
vậy.
Do mẹ là một người viết chữ rất đẹp, lại cộng thêm việc đã
từng học qua mấy ngoại ngữ, đúng lúc trường trung học trong công xã khôi phục lại việc dạy học tiếng Anh nhưng chưa tìm được giáo viên Anh ngữ,
mẹ liền được chọn đến trường trung học của công xã làm giáo viên dân
lập. Giáo viên dân lập không phải là trọn đời làm giáo viên công chức
nhà nước, có công ăn việc làm ổn định, mà chỉ là công việc tạm thời giúp đỡ cho công xã dạy học, tất cả lương thực và toàn bộ tiền trợ cấp được
khấu trừ ở trong đội sản xuất, và cùng với nông dân ở trong đội chia
rau, chia lương thực, chia thịt. Bình thường lúc trường học bắt đầu khai giảng, thì ở trường dạy học, sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc nghỉ
đông, nghỉ hè, thì giáo viên dân lập lại quay về đội sản xuất của mình
cùng với nông dân làm việc, sinh sống.
Mẹ tôi vô cùng hài lòng
với công việc giáo viên dân lập này. Bà cho rằng thật đúng là ông trời
có mắt, đã run rủi bà lựa chọn đến nơi này, được sống và làm việc với
những nông dân, học sinh ngây thơ thuần phác ở đây, cuối cùng cũng rời
xa được bể khổ. Giai đoạn ngụ lại nơi này làm giáo viên dân lập chính là giai đoạn vui vẻ nhất trong cuộc đời của mẹ.
Mẹ và cha tôi quen
nhau trong thời gian này. Mẹ tôi là thanh niên trí thức của đội sáu, còn cha tôi là người ở đội hai. Phía sau nơi mẹ tôi ở có một con sông nhỏ,
trên sông có một phòng xay gạo, đến tận đêm khuya vẫn chưa nghỉ vì còn
phải xay gạo cho xã viên. Bên cạnh phòng xay gạo có một phòng chuyên để
dụng cụ, sau khi mẹ tôi nghỉ dạy học trở về đội sáu, đội trưởng liền
quyết định sắp xếp cho mẹ tôi đến ở ở cái phòng chuyên để dụng cụ, có
duy nhất một phòng và một cái sân ấy. Đó là sự đãi ngộ ưu ái nhất trong
toàn bộ thanh niên trí thức của công xã. Đội trưởng nhận thấy nhà của
người nữ thanh niên trí thức này so với nhà của những bạn thanh niên trí thức khác xa hơn rất nhiều, phải đi tàu hai ngày hai đêm mới đến, cho
nên đã đặc cách chiếu cố cho mẹ. Lại cộng thêm việc mẹ tôi đích xác là
một người nữ thanh niên xuất sắc, người nào gặp cũng đều yêu mến, viết
đẹp vẽ đẹp, hát hay múa giỏi, những người dân ở vùng quê này đặc biệt
yêu quý và tôn trọng mẹ.
Dòng sông nhỏ mà tôi vừa nhắc đến ở
trên, là một dòng sông đã có từ lâu đời, với dáng dấp rất cổ xưa. Nó như một dải lụa hẹp chảy vòng quanh uốn lượn kéo dài mãi nối liền cả mấy
đội sản xuất với nhau, sau khi nó chảy xuyên qua vùng đất mà đội sáu ở
thì hướng tiếp ra xa, chảy qua một vùng đất khác, cũng có thể là nhờ con sông này, nhờ chính sự êm đềm lặng lẽ của nó đã kết nối nên một mối
tình vô cùng đẹp đẽ giữa cha và mẹ tôi.
Từ đội sáu đến đội hai,
mẹ theo bờ sông mà đi, thì có lẽ là đi hết khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Giờ đây chẳng hiểu vì sao mà mẹ tôi không thể nhớ cho rõ ràng được vì
sao mà lúc ấy mẹ lại quen cha. Mẹ chỉ còn nhớ một việc đã khiến cho mẹ
xúc động vô cùng, vĩnh viễn không bao giờ quên. Đó là sau mỗi lần mẹ từ
trường học hoặc kết thúc công việc của một ngày trở về, việc đầu tiên
sau khi mở cửa phòng là vội vội vàng vàng đi nấu cơm, rồi ăn thật nhanh. Thông thường sau khi ăn cơm xong thì lúc đó trời cũng đã tối. Bấy giờ
mẹ đi đến bên chiếc cửa sổ duy nhất ở trong phòng, ngồi xuống chiếc bàn
gỗ đặt vuông góc với cửa sổ, dưới ánh sáng mù mờ của ngọn đèn lặng lẽ
giỏng tai ra ngoài cửa sổ lắng nghe tiếng nước chảy của dòng sông và
tiếng xay gạo vọng lại từ xưởng xay xát. Ở phía xa xa, thỉnh thoảng cũng vẳng đến một vài tiếng chó sủa và tiếng quát tháo của người nông dân
đuổi trâu về nhà. Trong màn đêm tĩnh mịch thơm nồng mùi đất và tràn đầy
những ân tứ mà đất trời ban tặng, mẹ tôi rất nhanh nghe thấy một tiếng
“Cộp”, đó chính là tiếng của một hòn đá nhỏ ném lên cánh cửa sổ. Mỗi lần nghe thấy âm thanh này, mẹ liền lập tức mở toang cửa sổ, ngó đầu ra,
lúc này mẹ sẽ nhìn thấy cha tôi lúc còn trẻ đang đứng ở phía đối diện
bên bờ sông bên kia. Trên đầu cha đội một chiếc mũ bộ đội cũ, mặc bộ
trang phục bộ đội hơi cũ - phong cách ăn mặc này của thanh niên trí thức lúc bấy giờ là rất mode. Còn cha, khi vừa nhìn thấy mẹ ngó đầu ra, liền toét miệng cười. Mẹ kể, trong đêm tối, mẹ chỉ nhìn thấy hai hàm răng
trắng toát mà lúc cha cười lộ ra.
Chỉ cần biết chắc là mẹ đang ở
nhà, cha sẽ dùng hai tay của mình trèo lên một cành cây lớn cong cong
vươn từ bờ sông bên ấy sang bờ sông bên này, rồi tùy theo lực đàn hồi
của nó mà nhún người nhảy một cái, nhảy đến bên dưới của cánh cửa sổ ở
bờ bên này, sau khi chân giẫm lên cỏ và đá, liền vịn theo chân tường lần đi vào phía bên trong phòng để gặp gỡ mẹ tôi. Mỗi lần mẹ kể đến đoạn mà cha mẹ hẹn hò nhau vô cùng lãng mạn này, thì nước mắt mẹ đã giàn giụa
trên mặt. Mẹ nói, lúc đó đang là thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa”, trong
thời đại độc ác vô nhân tính đó, cha mẹ vẫn có thể tìm được một điểm tựa an ủi trong tâm hồn, hưởng thụ được một chút tình cảm lãng mạn thuần
khiết của nam nữ tuổi thanh xuân, đó thật là một kỳ tích.
Mẹ còn
nhớ, có một đêm lúc cha nhảy sang và đẩy cửa bước vào, trong tay cha vẫn còn cầm một cuốn sách được gói bằng giấy dai, cha nói đây là một cuốn
sách đẹp nhất trên đời này, muốn tặng nó cho mẹ. Khi mẹ nghe được câu
nói này, phản ứng đầu tiên của mẹ là cảm thấy dường như tất cả những
điều này đều như là số phận đã định sẵn như vậy, không thể cưỡng lại
được. Đầu những năm 50, lúc cha mẹ của mẹ bắt đầu yêu nhau, món quà đầu
tiên mẹ tặng cho cha cũng là một quyển sách.
Mẹ vội vội vàng vàng nhận quyển sách từ tay cha rồi mở ra xem, hóa ra đó là một cuốn sổ tay, là tập thư “Gitanjali” (Thơ Dâng)[2] của nhà thơ nổi tiếng Tagore[3]
người Ấn Độ do cha tự tay chép:
Em đã làm cho tôi sống mãi
Làm như vậy là hạnh phúc của em
(Tạm dịch)
[2] Năm 1913, bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này của Tagore đã giúp ông
đạt giải Nobel về văn chương, ông là người châu Á đầu tiên đạt được giải thưởng này.
[3] Tagore: 1861-1941, ông là nhà thơ, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa.
Vừa đọc đến hai câu mở đầu này, trái tim mẹ đã hoàn toàn rung động. Mẹ nói
lúc ấy mẹ hình như chỉ muốn nín thở đọc một hơi hết cả tập thơ chép tay
ấy của Tagore:
Dưới sự vuốt ve của đôi bàn tay em mềm mại
Trái tim bé nhỏ của tôi
Chảy tan ra trong niềm vui sướng vô bờ
Không thể cất lên những vần điệu rõ ràng
Phần thưởng lớn lao của em trút hết vào trong bàn tay nhỏ bé của tôi
Thời đại đã đi qua
Mà trong bàn tay tôi vẫn còn tràn đầy lượng dư thừa
…..
(Tạm dịch)
Trên trang giấy trắng cuối cùng của tập thơ, cha đã đề một câu thơ tặng mẹ để cùng động viên khích lệ:
Để chúng ta trên trạm nghỉ chân của tuổi thanh xuân lưu lại những dấu chân sâu đậm
Đó sẽ là những câu chữ tỏa sáng lấp lánh trong cuốn sách lớn của cuộc đời chúng ta.
Mẹ tôi kể, khi cha tặng tập thơ đó cho mẹ, đã tạo thành một cơn địa chấn
rung động trong tâm hồn mẹ mà trước đó chưa từng có. Thanh âm tự nhiên
của những câu thơ tuyệt đẹp ấy giống như rót những giọt quỳnh tương vào
trong cuộc đời gian khổ của mẹ, một lần nữa thắp sáng lên niềm mơ ước và hy vọng của mẹ về tất cả những điều đẹp đẽ nhất ở trên thế gian này.
Ở thời kỳ đầu tiên khi tình yêu bắt đầu nảy nở, điều khiến mẹ cho đến giờ này vẫn nuối tiếc nhất chính là cho dù cha và mẹ mỗi tuần đều lén lén
lút lút hẹn hò gặp gỡ nhau hai lần, nhưng cả hai người tuyệt đối chưa
bao giờ vượt quá giới hạn cho phép: cả hai đều chưa hề bày tỏ tình yêu,
chưa hề hôn nhau, thậm chí đến cầm tay nhau cũng còn chưa dám. Kiểu tình yêu trong sáng thuần khiết ấy lại khiến cả hai người vô cùng hạnh phúc, vượt qua cả không gian và thời gian. Bọn họ đã dựa sát vào nhau, kề vai nhau, sưởi ấm cho nhau, cùng nhau vượt qua những tháng năm gian khổ đó. Ngoài chân thành vẫn còn chân thành, ngoài thuần khiết vẫn còn thuần
khiết.
Sau này, cuộc “Đại cách mạng văn hóa” cuối cùng cũng kết
thúc, Trung Quốc khôi phục lại chế độ thi đại học, những việc phát sinh
về sau, thật sự nên gọi đó là sự an bài của số phận. Cả hai người bọn họ chẳng biết run rủi thế nào mà cùng ở trong một thành phố. Mẹ tôi vẫn
còn nhớ, lúc đó, cơ hội để mọi người được xem những bộ phim nước ngoài
rất ít. Mỗi lần trường đại học của cha chiếu phim nước ngoài, việc đầu
tiên là cha sẽ báo cho mẹ biết. Mẹ nói lúc ấy mẹ vô cùng sung sướng. Lúc mẹ đi đến hội trường lớn của trường đại học mà cha đang học để xem
phim, ở đó sớm đã đông nghịt người, thật khó để có thể mau chóng tìm
được cha. Thường thường những lúc ấy, cha sẽ đứng ở trên một chiếc ghế
gỗ dài ở trong hội trường, nhìn chăm chú vào đám người đông đúc, rồi
hướng về phía cổng chính vẫy tay thật cao khi nhìn thấy mẹ đi vào. Điều
làm mẹ cảm động nhất là lúc ấy, trong tay cha còn cầm theo một tấm thảm
nhỏ, cha luôn vì mẹ mà chuẩn bị chu đáo cả chỗ ngồi cho mẹ. Bởi vì là
mùa đông, những chiếc ghế gỗ trong hội trường đều rất lạnh, cha sợ mẹ
ngồi lâu sẽ bị cảm lạnh. Những hành động chăm sóc quan tâm nho nhỏ của
cha như vậy, đều làm cho mẹ cảm thấy vô cùng ấm áp. Sau khi tốt nghiệp
bốn năm đại học, bọn họ đều xin với trường đại học của mình ở lại cùng
một thành phố.
Về sau, cũng giống như tất cả những cặp tình nhân
may mắn trong thiên hạ, cả hai người cuối cùng cũng đã trở thành người
một nhà, vài năm sau thì mẹ sinh tôi. Lúc sinh tôi ra, cuối cùng mẹ cũng đã thở phào nhẹ nhõm, cho rằng mình rốt cuộc cũng đã được giải thoát
khỏi vận mệnh khủng khiếp của mấy đời phụ nữ trong gia tộc của mình, có
thể là kẻ chuyên bóp chết tình yêu hôn nhân trong gia tộc của mẹ đã bị
câu chuyện tình yêu chân thành giữa cha và mẹ làm cho cảm động mà nhờ
vậy đã bỏ qua cho mẹ.
Trong ký ức của tôi, từ khi tôi bắt đầu
hiểu chuyện, chúng tôi luôn là một gia đình nhỏ vô cùng hạnh phúc, tuy
cha mẹ thỉnh thoảng cũng có những tranh cãi về vài sự việc nho nhỏ. Cả
cha và mẹ tôi đều là giảng viên đại học, trường học của cha cách nhà khá xa, mỗi ngày đều tốn rất nhiều thời gian để đi làm, buổi tối lúc trở về nhà thì cũng đã mệt rã rời gân cốt. Cho nên, tất cả những việc như đưa
tôi đến nhà trẻ, vào lớp, tan lớp, ba bữa ăn của tôi trong ngày, rồi
việc học tiếng Anh, học đàn… tất cả đều do một mình mẹ cáng đáng.
Còn nhớ khi tôi sáu tuổi, có một hôm mẹ đột nhiên nói với tôi với vẻ rất bí mật: “Hôm nay là ngày sinh nhật của cha con, chúng ta sẽ dành cho cha
một món quà thật đặc biệt: Hai mẹ con mình đi xe buýt đến trường học của cha đón cha về có được không?”
Chúng tôi xách chiếc bánh sinh
nhật, chuyển mấy lần xe, mới tìm được đến trường học của cha, rồi lại
phải đi vòng qua mấy tòa nhà lớn mới tìm được phòng làm việc của cha.
Sau khi bước vào, không biết cha đi đâu, tôi và mẹ liền ngồi trong phòng làm việc của cha để đợi. Mẹ ngẫu nhiên kéo chiếc ngăn kéo ở phía dưới
bàn làm việc của cha ra, phát hiện ở trong đó có một tập thư, bút tích
trên bức thư rất đẹp, giống như nét chữ của một người con gái. Mẹ hiếu
kỳ mở bức thư ra xem, trời ơi! Thì ra là bức tình thư của một người phụ
nữ viết gửi cho cha. Mẹ vội vàng xem hết những bức thư còn lại, tất cả
đều là những bức thư tình của cùng một người phụ nữ. Hai người bọn họ
dùng từ “vợ chồng” để xưng hô với nhau, có lẽ đã được một thời gian rồi. Từ những bức thư này có thể biết được, người phụ nữ đó là nữ thư ký ở
trong cùng một viện với cha. Số phận của mẹ mình giờ đây lại tái hiện
trước mắt mẹ với cảnh tượng máu me đầm đìa: Mẹ cũng bị người đàn ông mà
trước đây mẹ cho là người chân thành nhất, cao thượng nhất, trung thực
nhất trên thế giới này phản bội.
Lúc mẹ tôi nhìn thấy những bức
thư kia, thì cha cũng quay trở về phòng làm việc. Cha vừa nhìn thấy
chúng tôi thì sững người lại, lúc cha nhìn thấy mẹ đang đọc những bức
thư tình kia của cha, cha liền chạy ngay đến, giật lại tất cả những lá
thư ấy từ tay mẹ, rồi nhét chúng vào trong ngăn kéo, khóa lại. Mẹ ngồi
đờ ra, ngẩn ngơ thẫn thờ, sắc mặt trắng bệch, chẳng thốt ra được lời
nào. Tôi cũng sợ run lập cập, không biết giữa cha mẹ đột nhiên đã xảy ra chuyện gì. Lúc này, cha ngay lập tức dùng sức cố gắng kéo mẹ ra khỏi
phòng làm việc, nói một mạch: “Đây là nơi làm việc, mọi người đều là
thầy cô giáo, có việc gì thì chúng ta về nhà hãy nói.” Tôi còn nhớ rất
rõ biểu cảm trên gương mặt của cha lúc ấy, xem ra cha còn bình tĩnh hơn
mẹ rất nhiều, vẫn ôn hòa nhã nhặn, giống như chưa từng phát sinh bất cứ
chuyện gì.
Tôi và mẹ đã bị cha bắt ép như vậy rồi đưa về nhà.
Về đến nhà, mẹ tôi cố gắng kìm chế không để nước mắt tuôn rơi, hỏi một
cách nghiêm túc về mối quan hệ của cha với người phụ nữ đó. Cha lại luôn miệng phủ nhận, còn nói mẹ là nói không thành có, dựng chuyện bịa đặt,
vu cáo hãm hại cha. Cãi nhau cả một đêm, nhưng cũng chẳng có kết quả gì, buổi sáng hôm sau cha quay lại trường đi dạy học. Mẹ ở nhà càng nghĩ
càng tức, càng nghĩ càng không hiểu, rõ ràng là cha đã sai, vậy mà lại
còn có chết cũng không chịu nhận, cũng không xin lỗi, lại còn già mồm át lẽ phải, chẳng còn chút liêm sỉ nào. Mẹ không có cách nào chấp nhận
được sự thật này. Thế là trong một phút tức giận, mẹ đã chạy thẳng đến
trường của cha, tìm gặp lãnh đạo, tố cáo cha ngoại tình, muốn ly hôn với cha. Xã hội lúc ấy còn chưa mở cửa như bây giờ, những người có tư tưởng khoan dung, dễ dàng tha thứ cho việc này còn rất ít, họ thường đề ra
những hình phạt rất nặng nề về chính trị và đạo đức cho những người mắc
phải lỗi này.
Nhưng tuyệt đối không thể ngờ được là, cha tôi ở
trước mặt lãnh đạo của mình, trèo lên bên cửa sổ của mấy tầng lầu cao
đòi nhảy xuống dưới. Ông nói với lãnh đạo của mình, tất cả những chuyện
này đề là do thần kinh của mẹ trong một thời gian dài bị suy nhược, đã
sử dụng thuốc ngủ hơi nhiều nên tạo thành ảo giác như vậy, cha hoàn toàn bị oan. Cha tự mình dám thề với trời đất rằng mình tuyệt đối không làm
những chuyện có lỗi như vậy đối với mẹ, nếu như mọi người không tin, cha sẽ từ bên cửa sổ này nhảy xuống, lấy cái chết để chứng minh cho sự
trong sạch của mình. Tận mắt nhìn thấy cha định nhảy xuống, mẹ tôi vô
cùng lo lắng, trái tim mềm nhũn, vội chạy lại kéo cha xuống. Lãnh đạo
của cha nói với mẹ tôi: “Cô nói đồng chí này của chúng tôi có quan hệ
bất chính với người phụ nữ khác, vậy cô có bằng chứng gì không?” Mẹ tôi
ngẩn người, hai mắt trợn tròn chẳng nói được lời nào.
Cha và mẹ
tôi từ đó trở đi không thể nào hòa thuận được nữa, hai người thường
xuyên xích mích với nhau đến mức trở thành thù hận, cha cũng không quay
về nhà ở nữa. Ông đi đến chỗ nào cũng nói mẹ có quan hệ không rõ ràng
với thầy giáo Uông, một lòng muốn ly hôn với ông ấy, nên mới bịa đặt ra
những lời nói dối rằng cha có quan hệ với người phụ nữ khác để vu cáo
hãm hại cha, lăng nhục cha…
Việc cha đi đến đâu cũng tung tin đồn mẹ có quan hệ với người đàn ông khác, cũng bằng như là hủy hoại thanh
danh của mẹ, làm cho tất cả những người không hiểu rõ chân tướng sự việc đều nhìn thấy mẹ là chỉ chỉ trỏ trỏ, cắt đứt tất cả những sự ủng hộ từ
phía bên ngoài của mẹ, dồn mẹ đến chỗ chỉ còn một mình đấu lại với cha.
Trong hoàn cảnh tứ bề khốn đốn, chỉ có mình gia đình nhà Ngô Vũ là luôn
luôn kiên định đứng ở bên cạnh mẹ, giúp đỡ mẹ tất cả và an ủi động viên
tinh thần cho mẹ.
Thời kỳ cha mẹ đang tranh cãi nhau việc ly hôn, tuy cuộc “Đại cách mạng văn hóa” đã qua đi được vài năm, nhưng xã hội
Trung Quốc vẫn còn là một xã hội khá đóng khép, cổ hủ lạc hậu, phần tử
trí thức đa số vẫn rất xem trọng danh tiết của mình. Cãi đi cãi lại, bộ
mặt của cha ngày càng trở nên hung ác, mẹ thì trái lại lại không muốn ly hôn, mẹ không muốn để cho cha và người đàn bà kia tùy ý muốn làm gì thì làm như vậy, nhưng cuối cùng cha kiên quyết đòi ly hôn với mẹ, không ly hôn không được. Thời điểm ấy, hai vị giảng viên đại học đòi ly hôn, nếu như có một bên kiên quyết không đồng ý, mà bên kia lại nhất quyết phải
ly hôn, thì quả thực là một việc cũng không dễ dàng gì, đặc biệt là
trong tình trạng cả hai bên đều chỉ trích bên kia ngoại tình, mà không
đưa ra được những chứng cứ xác thực, việc ly hôn đã khó lại càng thêm
khó. Tuy nhiên, cha tôi lại vô cùng may mắn, người bác ruột của người
phụ nữ cặp bồ với cha ở trong trường là người vừa có quyền vừa có thế,
ngoài ra ông ấy còn có các mối quan hệ với bên ngoài, cha lợi dụng mối
quan hệ và tiền bạc của cô ấy để hối lộ cho lãnh đạo của trường, cuối
cùng cha cũng đã thành công trong việc ly hôn với mẹ, cha bước ra khỏi
cuộc hôn nhân của chính mình mà hoàn toàn không bị chút tổn thương nào.
Ngoài tôi ra, mẹ tôi đã mất đi tất cả, bao gồm cả trái tim và sức khỏe của
bà. Đối với đàn ông Trung Quốc và cả xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, mẹ
tôi hoàn toàn không còn chút niềm tin nào nữa.
Tôi còn nhớ có duy nhất một lần sau khi ly hôn, cha tôi quay về nhà để lấy đồ, lúc ấy mẹ
không có ở nhà, chỉ có bà ngoại đang kèm cặp tôi. Cha đã cãi nhau với bà ngoại, cuối cùng cha quay lưng đi đến lấy chiếc đàn phong cầm mà mẹ tôi yêu quý nhất, cha nói chiếc đàn này là do ngày trước cha đã bỏ tiền ra
mua cho mẹ, cho nên bây giờ cha phải lấy đi. Không chỉ có thế, cha còn
đến giật chiếc chăn lông ấm duy nhất của nhà chúng tôi trong tay bà
ngoại, nói đó là đồ mà nhà trường đã phát cho cha.
Cha đã vứt bỏ
mẹ con tôi như vậy. Tôi cảm thấy có dùng cả cụm từ “cào gan xé ruột” thì cũng không đủ để hình dung trái tim vụn vỡ của mẹ tôi lúc đó. Nghĩ mà
xem, một chàng thanh niên năm đó men theo dòng sông nhỏ đến tặng mẹ tập
thơ đầy lãng mạn, chàng thanh niên đó đã cùng mẹ đầu gối tay ấp, ý hợp
tâm đầu, vậy mà giờ đây lại giống như sài lang hổ báo, thực đúng là
không bằng loài cầm thú.
Sau đó mẹ nói với tôi: “Nhung Nhi à, nếu như không phải vì con, mẹ đã sớm đâm đầu xuống sông Trường Giang rồi!”
Lúc đó, nhìn thấy cảnh ấy tôi đã vô cùng sợ hãi, nhưng may mà sau một thời
gian dài, tôi đã không còn nhớ được vẻ mặt của cha tôi lúc đó.
Sau khi ly hôn với mẹ, cha tôi đã cùng người nữ thư ký đó lặng lẽ kết hôn,
rồi thông qua mối quan hệ của cô ấy, cả hai người đã ra nước ngoài sinh
sống. Lúc đó, đối với đại đa số những người dân Trung Quốc bình thường,
xuất ngoại thực sự là một việc mà bất kể phần tử tri thức nào cũng vô
cùng ngưỡng mộ và mơ ước. “Chẳng nhẽ chỉ vì muốn xuất ngoại mà ông ấy
lại biến mình trở thành loài cầm thú ư?” Sau này lớn lên, có một lần tôi đã hỏi mẹ như vậy, mẹ nói: “Con gái ngoan, đó không phải là loài cầm
thú, đó là thứ cặn bã!”
Lancer, trên đây, em đã kể cho anh nghe
toàn bộ câu chuyện của gia đình em, anh có biết em đã dùng thứ tình cảm
gì để viết ra câu chuyện này không? Em rất muốn biết anh đã dùng tình
cảm gì để đọc hết lá thư dài dằng dặc kể những chuyện đến từ phương Đông chân thực đến mức không thể chân thực hơn được nữa. “Bị đàn ông ruồng
rẫy và phản bội” dường như đã trở thành một số mệnh không thể nào vượt
qua được của những người phụ nữ trong gia tộc em. Số mệnh này khiến cho
mẹ em vô cùng lo sợ, sở dĩ bằng bất cứ lý do gì, mẹ đều muốn em đi nước
ngoài du học, là bởi mẹ muốn em thoát khỏi số mệnh đáng sợ của rất nhiều đời phụ nữ Trung Quốc ấy. Trước khi qua đời, mẹ đã dặn em đến đất nước
phương Tây này, mở to đôi mắt của mình để tìm “một người đàn ông có tấm
lòng”. Cho dù, đến giờ này, em vẫn chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa thực sự của mấy chữ “người đàn ông thực sự có tấm lòng”, nhưng em tin chúng ta
đều có thể cảm nhận được sức nặng của mấy chữ này.
Sau khi đọc
hết lá thứ này, nếu như anh cho rằng, anh chính là “người đàn ông thực
sự có tấm lòng” mà em đang đi tìm, thì anh hãy lên tiếng nhé. Nếu như
anh cho rằng anh không phải là người như vậy, thì xin anh đừng xuất hiện ở đây nữa, để chúng ta có thể từ lúc này âm thầm nói lời tạm biệt với
đối phương trong trái tim mình, vĩnh viễn không bao giờ làm tổn hại đối
phương!