Từ đầu đã biết không nên tin tưởng cô bé Hạo Tuyết này rồi. Hiểu Khê tức giận vùi đầu mình vào cuốn sách. Đây là lần thứ ba mươi hai cô tự trách mình. Hạo Tuyết hoàn toàn không hề muốn ôn tập, cứ bám chặt lấy Giản Triệt như một chú chim non ríu rít, nói không ngừng nghỉ, cười không ngừng nghỉ, cô bé luôn miệng phát ra muôn vàn kiểu âm thanh. Hiểu Khê không những không được Giản Triệt phụ đạo, ngay cả một phút yên tĩnh để ôn tập cũng trở thành điều không tưởng.

“Ồ, anh Giản Triệt không để đàn piano ở đây à?”, Hạo Tuyết lại phát hiện thêm một điều mới.

Giản Triệt gật đầu, đáp: “Không”.

Hạo Tuyết thất vọng: “Tiếc thật đấy. Em cứ tưởng hôm nay sẽ được nghe anh Giản Triệt đánh đàn kia. Tại sao anh không để một cây đàn piano ở đây vậy”.

Giản Triệt cười hỏi: “Tiểu Tuyết. Em đến đây cuối cùng là để làm gì?”.

“Để nói chuyện với anh Giản Triệt ạ”, Hạo Tuyết đáp không chút do dự. “Em bấy lâu nay đều chưa có cơ hội được nói chuyện thân mật với anh thế này. Gần đây đến cả gặp mặt anh còn khó nữa, anh bận gì mà bận ghê thế?”

Giản Triệt nghiêm mặt lại: “Không phải em đến để ôn tập sao?”.

Hạo Tuyết lắc đầu nguây nguẩy: “Không phải ạ! Đấy chỉ là lý do để mẹ em cho em đến đây thôi”.

Hiểu Khê suýt nữa là ngã lăn xuống bàn. Xem ra Hạo Tuyết cũng thành thật quá. Hiểu Khê bịt tai lại, cố gắng ngăn chặn các loại tạp âm.

Giản Triệt nhìn thấy, liền hỏi: “Hiểu Khê, còn em đến đây để ôn tập đúng không?”

“Không phải, không phải!”, Hạo Tuyết lao nhanh về phía Hiểu Khê, khẽ cù vào eo cô để cô phải bật cười. “Chị Hiểu Khê cũng không phải đến để ôn tập gì đâu, chị ấy đến để thư giãn thôi”.

Giản Triệt nở một nụ cười mát dịu còn hơn làn gió xuân thổi qua. Nụ cười của anh làm Hạo Tuyết phải nín thở… “Tiểu Tuyết này”, anh nói bằng giọng ngọt ngào như dỗ trẻ ăn kẹo, “anh đưa cho em mấy cuốn truyện tranh. Em yên lặng ngồi trên ghế sa lông đọc một tiếng đồng hồ nhé. Anh giúp chị Hiểu Khê ôn tập một lát, được không nào?”.

“Một tiếng đồng hồ cơ á?”, cô bé đắn đo, không hiểu mình có qua được không.

Giản Triệt cười: “Em đã lớn rồi, nên học cách yên lặng lại chứ”.

Hạo Tuyết lại bị nụ cười của Giản Triệt làm mê mẩn nhưng vẫn cố vòi vĩnh: “Vậy, một tiếng sau thì sao…?”.

Giản Triệt đành hứa với cô bé: “Tùy ý em muốn làm gì cũng được. Thế nào?”.

Thế là Hạo Tuyết ngoan ngoãn ôm truyện tranh ra ngồi một góc.

Trên người Giản Triệt tỏa ra một mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất, khiến ai ngửi được cũng thấy rất dễ chịu. Hiểu Khê bỗng thấy mình thông minh hơn hẳn khi ở bên anh. Chỉ cần nghe được giọng nói nhẫn nại, dịu dàng của anh, mọi bài tập khó sẽ lập tức trở nên đơn giản, và thật dễ hiểu biết bao!

Hiểu Khê chăm chú nhìn vào những con số mà Giản Triệt ghi trên giấy, thì ra là phải làm như thế, cô thích thú ngẩng đầu nhìn anh: “Anh Giản Triệt…”. Có thể do quá đột ngột, khi cô ngẩng đầu nhìn lên, bất chợt cảm nhận khoảng cách giữa hai người chỉ cách nhau một tấc. Gương mặt Giản Triệt thoáng ngượng ngùng.

Hiểu Khê biết mình nên giả bộ xem như không biết chuyện gì vừa xảy ra, không nên suy nghĩ lung tung, nhưng không hiểu sao cô không thể kiểm soát được mình để không nghĩ đến chuyện lần đó, cái lần bấn loạn đó, cái lần bối rối đó…

Giản Triệt từ từ xoay đầu đi. Cô vẫn nhìn anh không rời mắt. Giản Triệt ho nhẹ: “Hiểu Khê, em hiểu chưa?”

Hiểu Khê bỗng giật mình: “A…!”. Cây viết trên tay cô chọc vào mặt cô đau điếng, đau đến nỗi mắt cô đã ngấn lên trong khóe mắt…

Hiểu Khê tỉnh dậy cũng là lúc đồng hồ điểm một tiếng đã trôi qua. Thời gian ôn tập dành cho cô đã hết. Cô cũng chẳng còn tâm trí để mà ôn tập nữa, chẳng thà ngồi ở ghê salon để nghe Hạo Tuyết lách chách tâm sự với Giản Triệt còn hơn.

Hạo Tuyết bỗng nhớ ra một chuyện vô cùng quan trọng: “Anh Giản Triệt, em nghe bên ngoài người ta đang nói với nhau là một tuần nữa sẽ có triển lãm tranh của anh, đúng vậy không ạ?”.

Triển lãm tranh? Triển lãm tranh của Giản Triệt? Hiểu Khê tò mò nhìn anh.

Giản Triệt cười: “Đó là triển lãm tranh của mấy người bạn anh. Chỉ là vì tác phẩm của họ hơi ít, nên họ muốn anh tham gia cùng thôi. Không phải triển lãm tranh của riêng anh đâu”.

“Thế à?”, Hạo Tuyết vẫn sung sướng ba hoa, “Thế mà bên ngoài họ chỉ nhắc mỗi tên anh thôi, giá vé trở nên vô cùng đắt đỏ. Hay là bọn họ đang lợi dụng anh nhỉ?”

Giản Triệt cười bao dung: “Thực ra mấy người đó rất có tài năng, chỉ vì người ta chưa mấy có tiếng tăm thôi. Nếu anh giúp họ tổ chức được một buổi triển lãm thành công thì có gì đáng ngại đâu?”.

Hạo Tuyết nhìn người rất ngưỡng mộ: “Anh Giản Triệt, anh thật là một người tốt hiếm thấy trong thiên hạ”. Rồi cô bé nghĩ ngợi gì đó, hai mắt bỗng sáng lên: “Vậy các tác phẩm của anh chắc đã vẽ xong hết rồi phải không? Anh có thể để ở đây không? Cho em và chị Hiểu Khê thưởng thức trước được không?”

Hiểu Khê cũng phấn khích, hùa theo: “Phải đấy, anh Giản Triệt. Xưa nay em chưa lần nào được nhìn thấy tranh anh vẽ cả. Em cũng muốn xem lắm!”.

“Sao kia?”, Hạo Tuyết ngạc nhiên: “Chị Hiểu Khê cũng chưa bao giờ được nhìn thấy tranh của anh Giản Triệt ư? Thật là mất nửa cuộc đời đấy. Tranh của anh Giản Triệt là quốc bảo đấy chị ạ”.

Giản Triệt gượng gạo cười: “Tiểu Tuyết, báo chí nói lung tung thôi, thế mà em cũng tin à?”

“Em tin chứ!”, Hiểu Khê lanh chanh trả lời thay, “Không phải là tin báo chí, mà là tin dù anh Giản Triệt làm chuyện gì cũng đều xuất sắc cả”. Hạo Tuyết vỗ tay hưởng ứng, nắc nỏm: “Chị Hiểu Khê nói thay cho em rồi đấy!”.

Hiểu Khê chớp chớp mắt: “Anh Giản Triệt, anh cho em thưởng thức tranh của anh đi. Cho dù chưa chắc em sẽ hiểu những gì anh vẽ”.

Giản Triệt rất vui, ánh mắt rạng ngời. Anh nhìn Hiểu Khê: “Thôi được, để anh đi lấy vài bức ra nhé”. Nói xong, Giản Triệt đứng dậy đi vào một căn phòng nhỏ.

Hạo Tuyết la lớn: “Anh Giản Triệt, đó là phòng vẽ của anh à? Em muốn vào xem!”. Nhanh như cắt, Hạo Tuyết rượt theo.

“Tiểu Tuyết. Em đừng…”, Giản Triệt muốn ngăn cô bé lại, nhưng không kịp nữa.

Tiếng thán phục của Hạo Tuyết vang lên từ trong phòng: “Chao ôi! Nhiều tranh vẽ quá! Đẹp quá! Chị Hiểu Khê ơi, mau vào đây”.

Hiểu Khê không tránh khỏi hiếu kỳ cũng đứng dậy vào phòng.

Phòng tranh của anh không lớn lắm, nhưng trên tường được treo kín tranh, dưới đất cũng đầy tranh. Điều gây chú ý nhất trong gian phòng là cái giá vẽ được để ngay trung tâm, trên giá được phủ một miếng vải, làm cho bức tranh được giấu bên trong thêm phần bí hiểm.

Hiểu Khê ép mình không được chú ý vào cái giá vẽ đó. Đôi mắt cô chuyển hướng lên những bức tranh hoàn chỉnh đang được treo trên tường. Những gì Giản Triệt vẽ đều là phong cảnh, rất đẹp, rất thanh bình. Những phong cảnh anh vẽ đẹp đến nỗi chẳng hề giống cảnh của nhân gian, mà y hệt thiên đường, khiến người xem phải khao khát, thèm muốn được đặt chân đến…

Nhìn ngắm một hồi, cô bắt đầu chú ý đến tranh ở dưới đất. Những tác phẩm vẫn là phong cảnh, vẫn đẹp, vẫn ẩn chứa nhiều thi vị làm người xem phải cảm thán. Trong các bức tranh đó có ẩn nấp một chút gì ưu tư, nhẹ nhàng như những cánh hoa tuyết, nhưng thổi mãi vẫn không đi. Chúng lạnh lùng ở lại, như muốn hòa tan vào tranh vẽ. Hòa tan rôi lại để lại một chút cô đơn không thành hình, thành dáng.

Hiểu Khê bất giác lo sợ, không dám nhìn nữa. Đôi mắt cô vừa ngước lên đã chạm phải luồng mắt của Giản Triệt. Anh đang chăm chú nhìn cô, đôi mắt đượm nét cô đơn, y hệt nỗi cô đơn trong các bức tranh. Tim Hiểu Khê bỗng đập mạnh, cô thì thầm: “Anh Giản Triệt…”

Giản Triệt vẫn đứng bất động, nhưng rồi nhanh chóng khuấy động lại không gian bằng nụ cười của mình. Nụ cười vẫn ấm áp, làm Hiểu Khê nghi ngờ cảm nhận của cô từ các bức tranh ban nãy là nhầm tưởng.

“Anh Giản Triệt!”, Hạo Tuyết bắt đầu lên tiếng: “Tranh của anh, bức nào cũng thích cả. Sao anh có thể vẽ được đẹp như thế nhỉ?”

Giản Triệt cười mỉm: “Chỉ là rảnh rỗi nguệch ngoạc vài đường cho vui thôi”.

“Nhưng cũng đã thể hiện tâm trạng của anh rồi.” Hiểu Khê dán mắt vào anh, gắng phát hiện ra điều gì. “Gần đây anh có chuyện gì không vui à?”, cô đeo bám.

Giản Triệt lại cười, nụ cười thật phức tạp: “Những cảm xúc mà bức tranh đem lại, không chỉ liên quan đến tâm trạng của tác giả, mà còn liên quan đến tâm trạng của người xem nữa”.

Hạo Tuyết ngơ ngác nhìn hai người: “Mọi người đang nói gì thế? Sao em không hiểu nhỉ? Có ai không vui chứ? Không vui sao không đến tìm em chơi?”.

Hiểu Khê nghi ngờ: “Cứ tìm em là sẽ vui sao?”.

“Đương nhiên là thế rồi!”, Hạo Tuyết vỗ ngực tự hào. “Em có thể nói chuyện với mọi người, đi dạo phố, ăn cơm. Em còn có thể kể chuyện cổ tích, bày trò chơi, nhảy múa, hát hò nữa. À, em còn có một tuyệt chiêu nữa, không tin để trình diễn ngay bây giờ cho mọi người thấy nhé. Ngày xửa ngày xưa có…”

Gian phòng bỗng chốc biến thành sân khấu hài kịch của riêng Hạo Tuyết. Hiểu Khê hối hận vì đã nhắc đến hai chữ “không vui”, để bây giờ phải ngồi nghe các câu chuyện của cô bé, còn phải gắng cười nữa, nụ cười mới gượng ép làm sao!