Mi Ngôn

Chương 12: Không cảm ơn hả?

Lần theo địa chỉ thiếu niên chỉ cho, tôi đến một cái sân nhỏ đổ nát. Đằng sau cái hàng rào theo kiểu có ít còn hơn không có hai ngôi nhà đất thấp lụp xụp, một lớn một nhỏ. Bên ngoài rất sáng sủa nhưng bên trong lại vừa tối vừa lạnh.

"Chị Bạch Trân?" Tôi đứng ngoài cửa gọi với vào trong căn phòng tối, thế nhưng giọng nói đáp lại tôi lại truyền tới từ căn nhà nhỏ hơn ở đằng sau.

Khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái nhà, chắc là nhà bếp. Khi tôi bước vào thì người bên trong cũng cùng lúc đi ra.

Không biết đối phương đã hai mươi tuổi hay chưa, trông cô rất đẹp, mặt mày sắc sảo, lông mi dày, trên bờ vai gầy buộc một chiếc túi vải, một đứa bé trai chừng một tuổi đang ghé vào vai cô ngủ ngon lành.

Hình như cô đang nấu ăn, trên tay cầm một chiếc thìa dài, vừa nhìn thấy tôi thì giật mình dừng lại: "Cậu... cậu tìm tôi à?"

Tiếng Hạ của cô ấy tốt một cách đáng kinh ngạc, thậm chí còn tốt hơn cả hướng dẫn viên của chúng tôi.

"Em chị bảo em tới." Tôi lấy sợi dây chuyền trong túi ra, nghĩ nghĩ rồi lại móc tờ hai trăm duy nhất của mình đưa qua cùng.

Bản thân cô chị này trông chỉ như một đứa trẻ, thế mà còn sống cùng một đứa bé trong căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào này, thật là đáng thương.

"Em trai?" Cô ngơ ngác lặp lại, vẻ mặt rất kỳ lạ, hình như là kinh ngạc nhưng lại giống như là không quen thuộc với cách gọi này.

"Cậu ấy nói chị hãy bán sợi dây chuyền lấy tiền, hai trăm cũng là do cậu ấy đưa. Cậu ấy cũng bảo em nói với chị là hãy yên tâm, cho dù tất cả mọi người không giúp chị thì cậu ấy cũng sẽ giúp chị."

Tôi chưa kịp nói xong thì nước mắt cô đã rơi xuống. Cô vốn đã đẹp, ngay khi khóc cũng mang tới một loại cảm giác làm rung động lòng người, làm lòng người vỡ nát.

Vừa khóc, cô vừa từ chối sợi dây chuyền và số tiền trong tay, cố gắng trả lại cho tôi: "Tôi không thể... không thể nhận đồ của nó, nó sẽ bị Tần Già trừng phạt..."

Lúc đó, tôi không biết "Tần Già" là tên gọi kính trọng mà bọn họ dành cho Ngôn quan, chỉ nghĩ bố nuôi của thiếu niên là Tần Già.

"Đã phạt rồi, chị mà không lấy thì cậu ấy sẽ chịu phạt vô ích." Tôi tránh trái tránh phải, lui lại từng bước: "Đồ đã đưa rồi, lời cũng nói rồi, vậy em đi nhé!" Nói xong, tôi xoay người chạy ra ngoài. Bạch Trân ở phía sau sững sờ, gọi thế nào cũng tôi không ngừng.

Để tránh việc Giáo sư Nghiêm thức dậy rồi mà không thể tìm thấy tôi, tôi bèn quay trở lại nơi mình ở trước.

"Bách Dận, cậu đã ở đâu vậy? Tớ đang tìm cậu đấy!" Nghiêm Sơ Văn thấy tôi vào cửa, trong tay cậu ta đang cầm đũa và bánh bao, đi tới đón tôi.

"Ra ngoài đi dạo." Tôi không nhiều lời, chỉ ngồi vào bàn, nhét bánh bao trong đĩa vào miệng.

Nhân rau, khá là ngon.

"Ăn từ từ thôi." Giáo sư Nghiêm đẩy một cốc sữa nóng đến trước mặt tôi, nói: "Lát nữa chúng ta sẽ đi thăm miếu Lộc vương, Sơ Văn cũng sẽ đi cùng chú. Con có đi không? Nếu không thì chỉ cần ở lại đây đến khi bọn chú trở lại."

"Không phải không được đi ạ? Sao lại được đi rồi ạ?"

Giáo sư Nghiêm cười khúc khích nói: "Nhờ chút quan hệ."

Đầu năm nay đúng là đi đâu cũng cần quan hệ.

Tôi gật đầu, tỏ ý muốn đi cùng họ.

Ăn sáng xong, thấy trên đĩa còn rất nhiều bánh nên tôi gói chúng vào khăn giấy rồi lén nhét vào túi.

Người hướng dẫn dẫn chúng tôi đi thăm làng hôm trước tiếp tục dẫn chúng tôi đến miếu Lộc vương, một nhóm đông người leo lên đỉnh núi. Người đàn ông đứng ở cổng chào đón chúng tôi mặc áo choàng trắng, có khuôn mặt gầy gò, chính là người đàn ông trung niên đánh người hôm qua.

Người hướng dẫn gọi ông ấy là "Tần Già" với thái độ rất kính trọng, ban đầu tôi còn hơi không chắc chắn nhưng giờ thì đã hoàn toàn khẳng định ông ta chính là cha nuôi của thiếu niên.

Giáo sư Nghiêm và những người khác đang bận nói chuyện với người đàn ông trung niên. Ngay cả Nghiêm Sơ Văn cũng mê mẩn đi theo vào trong sảnh, không ai nhìn tôi, vì vậy tôi lẻn vào phòng chứa củi một mình.

Dưới bóng cây, kho đựng củi có tường ngoài phủ đầy dây leo khô héo trông hoang tàn đổ nát, chưa nói đến những ô cửa đổ nát, ngay cả những bức tường tôi cũng cảm thấy đá một cái là có thể vỡ vụn.

"Cho nè." Tôi đẩy cái bánh bao dưới cửa.

Phải mất một lúc, những chiếc bánh bao còn nóng hổi mới được lấy đi, một lúc sau, một tiếng "cảm ơn" nhẹ nhàng phát ra từ bên trong.

"Tôi đã nói và đưa đồ rồi, cậu yên tâm đi."

Có thể mơ hồ nghe thấy thiếu niên trong cửa thở ra một hơi thật dài, như là đã trút được gánh nặng trong lòng.

"Cảm ơn." Cậu cảm ơn tôi lần nữa, giọng rõ ràng và chắc chắn hơn.

Tôi bất giác bật cười, mân mê hòn sỏi dưới chân rồi nói: "Chuyện nhỏ mà".

Sau đó liền bắt đầu nói chuyện phiếm linh tinh.

"Sao tiếng Hạ của cậu tốt thế?"

"Trường dạy."

"Bố cậu hay đánh cậu lắm à?"

"Đánh khi tôi làm sai điều gì đó."

"Hôm qua cũng là tôi á, cậu nhận ra à?"

"Ừm, mới nhìn là biết rồi."

"Có đủ ăn không? Không đủ thì tôi lấy thêm ít bánh quy cho cậu."

"Đủ rồi, không cần nữa..."

Trò chuyện như vậy một lúc lâu, đến gần trưa thì từ cổng miếu truyền đến tiếng người, Giáo sư Nghiêm và những người khác cuối cùng cũng rời đi.

Tôi móc túi quần, lấy ra một viên kẹo bơ cứng, bóp trong lòng bàn tay, đưa vào thông qua đáy cửa.

"Cho cậu kẹo ăn nè. Ăn nhiều kẹo tâm trạng sẽ tốt hơn, vết thương cũng sẽ không còn đau nữa." Tôi xòe hai tay ra chờ cậu lấy kẹo đi.

Giống như một loại động vật cẩn thận mẫn cảm nào đó, đầu ngón tay hơi mát lạnh chạm vào lòng bàn tay, không lập tức cầm lấy viên kẹo mà là dừng lại hai giây rồi mới cầm lấy viên kẹo đi.

"Lòng bàn tay của cậu..."

Ngón tay cái ấn vào lòng bàn tay hơi ngứa, tôi nhìn vết sẹo đỏ ở lòng bàn tay rồi giải thích: "Khi còn nhỏ tôi bị ngã, vết thương đã lành rồi nhưng sẹo thì không biến mất. Có phải cậu mới giật mình, tưởng tôi bị đứt tay không?"

1

Tôi đứng dậy nhìn về phía xa xăm: "Được rồi, tôi đi đây, tạm biệt!"

"Cậu tên gì?" Cậu bé gọi tôi lại.

Do dự một chút, tôi dùng lối suy nghĩ mà hiện tại tôi chắc chắn không hiểu nổi, cười rạng rỡ nói: "Cứ gọi tôi "Lôi Phong" là được."

Cậu bé sau cánh cửa không biết là bị tôi làm cho giật mình hay là căn bản không biết Lôi Phong là ai, yên lặng không nói lời nào.

Tôi rời Bằng Cát vào chiều hôm đó và đến ngôi làng bên cạnh cùng với Giáo sư Nghiêm và những người khác.

Đó chỉ là một đoạn nhạc đệm ngắn trong cuộc đời tôi, những năm sau đó, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến thiếu niên Tằng Lộc đó. Nhưng thứ nhất, tôi chỉ gặp cậu ta một lần, thứ hai là Bằng Cát cách xa kinh đô hàng ngàn dặm, ai mà ngờ được sau này hắn sẽ thi chung một trường đại học với tôi, lại là bạn cùng phòng của Nghiêm Sơ Văn cơ chứ?

Tôi nhớ rằng khi tôi biết được từ Nghiêm Sơ Văn rằng Ma Xuyên là Ngôn quan tiếp theo của tộc Tằng Lộc, và hẳn hắn chính là "cô bé lọ lem" bị nhốt trong nhà kho nhiều năm trước thì khi đó đã là kì nghỉ đông của năm nhất.

Trong kỳ nghỉ, tôi được dì Uyển mời đến nhà bà ăn tối, lúc đang ăn tối, đột nhiên Giáo sư Nghiêm hỏi Nghiêm Sơ Văn rằng Ngôn quan trẻ trong lớp cậu ấy học hành như thế nào.

"Ngôn quan trẻ?" Tôi tò mò về danh hiệu đặc biệt này, hỏi Nghiêm Sơ Văn: "Ai vậy?"

"Ma Xuyên, bạn cùng phòng tớ đó. Cậu ấy là Ngôn quan đời sau của tộc Tằng Lộc. Cậu biết Ngôn quan không? Khi còn nhỏ chúng ta đã từng cùng nhau đi tới thôn làng kia, tên là Bằng Cát, trong thôn có một cái thần miếu, người đàn ông mặc quần áo trắng trong miếu là Ngôn quan của tộc Tằng Lộc đấy."

Tôi nhớ lại, lông mày càng nhăn lại: "Ngôn quan trẻ có phải là... con trai của người đàn ông mặc đồ trắng không?"

"Con nuôi." Giáo sư Nghiêm tiếp lời, phổ biến nguồn gốc của từ "Ngôn qan" cho tôi.

Tôi đã quên câu chuyện hơi dài đó, đại khái là một con nai chín màu cứu tổ tiên Tằng Lộc bị lạc trong núi, đưa họ đến Thố Nham Tung hiện tại để họ có thể hồi nghỉ ngơi lại sức ở đó, an cư lạc nghiệp.

Người dân Tằng Lộc biết ơn ân tình của nai chín màu bèn lập đền thờ phụng từ đời này sang đời khác. Nhưng ngôn ngữ của thần ngữ quá khó với phàm nhân, người dân Tằng Lộc luôn không tài nào hiểu được ý của Sơn quân.Vì vậy, để bảo vệ Thố Nham Tung tốt hơn, nai chín màu bèn chọn ra một người lắng nghe mình trong số những người Tằng Lộc, giao cho đối phương chức trách truyền lời thần, có năng lực tiêu tai chúc phúc, người này chính là "Ngôn quan".

Mỗi đời Ngôn quan đều được chọn theo hình thức cố định, người trước chết, người kế tiếp kế nhiệm, lại chọn một người con nuôi của mình trong số các trẻ em chưa đầy ba tuổi trong toàn tộc, nuôi nó lớn lên rồi lại lặp lại chu kỳ.

"Tiểu Dận, con sao vậy? Đau bụng à?" Dì Uyển quan tâm sờ trán của tôi: "Sao sắc mặt tái nhợt vậy?"

Tôi cười khó coi: "Không sao, con chỉ đột nhiên cắn phải lưỡi thôi."

Khi đó vì một số chuyện, quan hệ giữa tôi và Ma Xuyên càng xấu đi, tôi rời khỏi câu lạc bộ bắn cung, đột nhiên biết Ma Xuyên và cậu bé chính là một người, toàn thân tôi đều không ổn.

Sao có thể là cùng một người?

Một người là như vậy? Một người lại như vậy??? Chẳng lẽ là bị người bố nuôi biến thái kia nuôi sai, cuối cùng lớn lên thành dáng vẻ mình ghét nhất à?!

Sốc thì sốc nhưng tôi cũng không có ý định nhận hắn. Tôi nghĩ tốt nhất mọi người nên tách biệt, giữ nguyên hiện trạng. Còn việc bên kia có nhận ra tôi hay không cũng không liên quan gì đến tôi, tôi cũng lười suy nghĩ.

Sau đó khi đến chơi với Nghiêm Sơ Văn, tôi sẽ cố gắng tránh đụng mặt Ma Xuyên hết sức, nếu không đến vào lúc hắn đã ra ngoài thì là dứt khoát hẹn Nghiêm Sơ Văn ra ngoài luôn.

Vốn tưởng rằng không cùng khoa, bây giờ tôi rời khỏi câu lạc bộ săn bắn rồi, lần này hẳn sẽ không còn gặp nhau nữa.

Cuối cùng, tôi không ngờ... Mối quan hệ giữa tôi và hắn lại giống như định luật Murphy, càng từ chối càng quấn chặt lấy nhau.

Hút thuốc xong, tôi đứng bên ngoài tòa nhà nhỏ, do dự một lúc rồi nhẹ nhàng mở cửa.

Ma Xuyên đang ngồi trên ghế sô pha, rót trà vào tách bằng chiếc ấm đồng đặt trên bếp, tôi nhìn khắp tầng một cũng không thấy bóng dáng của Lê Ương.

"Lê Ương đâu?" Tôi ngồi xuống đối diện Ma Xuyên.

"Lên lầu làm bài tập rồi." Hắn đẩy cốc trà sữa đầy ắp về phía tôi, tự mình rót thêm một cốc nữa.

Trà sữa không thêm đường, nhạt nhưng vị sữa và vị trà rất hợp nhau, không khó uống.

"Đúng rồi, ngày đó ở biển Ba Tư, tôi đã nhặt được cái này..." Tôi lấy chiếc tua rua hình đám mây đã sửa xong từ trong túi áo khoác của mình ra, đưa tới.

Ma Xuyên giật mình, đặt chiếc ấm đồng xuống, nhìn tôi rồi lại nhìn về phía cái tua rua, dùng ngón tay vuốt ve chiếc tua rua đang treo lơ lửng, từ từ rút nó ra khỏi tay tôi.

"Tôi cứ tưởng là không tìm thấy nữa."

Trong căn phòng ấm áp, ngoại trừ âm thanh mơ hồ của hạt đàn hương cọ xát vào nhau trên tua ra thì chỉ có tiếng củi cháy lách tách trong bếp.

Tôi dang tay ra để hắn lấy cái tua đi, nhưng vào giây phút cuối cùng, tôi lại không chịu nổi sự thôi thúc trong lòng, đuổi theo nắm lấy cái tay đang định rút lại của hắn.

"Không nói cảm ơn hả?" Tôi khàn giọng hỏi.