Ngày 16 tháng Mười hai năm 1959, Las Vegas, Nevada. Năm tháng và thời tiết đã bỏ đi mất chữ đầu tiên và chữ cuối cùng - chữ R và chữ S - do đó tạo ra một từ mới có phần nào mang điềm gở: OOM. Chữ này, lờ mờ hiện lên trên cái bảng hiệu bị cong vênh vì nắng, xem chừng phù hợp với cái nơi mà nó quảng cáo, như Harold Nye viết trong báo cáo chính thức của K.B.I, một nơi “điêu tàn xập xệ, thứ khách sạn hay nhà trọ tồi nhất trong các thứ tồi”. Biên bản viết tiếp: “Cho tới vài năm trước đây (theo như thông tin cảnh sát Las Vegas cung cấp), nó là một trong mấy ổ điếm lớn nhất ở miền Tây. Rồi hỏa hoạn đã thiêu hủy ngôi nhà chính, phần còn lại được đem làm thành một cái nhà trọ rẻ tiền”. “Tiền sảnh” không bày biện thứ gì trừ một cây xương rồng cao mét tám và một quầy tiếp tân tạm bợ; nó cũng không có người ở. Nhà thám tử vỗ tay.

Cuối cùng, một tiếng người, đàn bà, song không nhiều nữ tính lắm, hét to, “Tôi đến đây,” nhưng phải đến năm phút sau mới hiện ra. Bà ta mặc một cái áo lao động trong nhà ố bẩn, đôi xăng đan da cao gót băng hàng kim nhũ. Những cái lô túm chặt lấy mái tóc thưa màu vàng nhạt. Mặt bà ta rộng, nạc thịt, đánh phấn, bôi đỏ. Tay cầm một lon bia Miller Hight Life; người sặc mùi bia và thuốc lá cùng sơn móng tay vừa mới bôi xong. Bà ta bảy mươi tư tuổi, nhưng theo ý Nye thì “nom trẻ hơn - có lẽ trẻ hơn mười phút”. Bà nhìn chằm chằm Nye, bộ áo quần màu nâu lịch sự, chiếc mũ nâu bẻ gập vành của ông. Khi ông đưa chiếc huy hiệu ra, bà thích thú; đôi môi bà hé, và Nye thấy lấp lóa hai hàng răng giả. “Ái chà, không ngờ đấy,” bà nói, “O.K. nào ta hãy nghe xem nào.” Ông đưa cho bà một tấm ảnh của Richard Hickock. “Biết hắn không?”

Một tiếng làu bàu phủ định. “Hay hắn?”

Bà nói, “Ái chà. Anh ta có ở đây ít ngày. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Trả phòng từ tháng trước rồi. Ông có muốn coi sổ đăng ký không?”

Nye tì lên bàn làm việc nhìn những móng tay dài có sơn của bà ta dò tìm một trang viết tháu bằng bút chì. Las Vegas là nơi đầu tiên trong ba nơi mà cấp trên của ông muốn ông đến. Cả ba đều được chọn ra vì chúng liên quan tới chuyện Perry Smith. Hai nơi kia là Reno, nơi được cho là bố Perry sống, và San Francisco, nhà của chị Perry, ở đây được biết đến với cái tên bà Frederic Johnson. Tuy Nye có kế hoạch phỏng vấn những người họ hàng này, và một ai đó khác có thể biết được tung tích của kẻ tình nghi, song mục tiêu chính của ông vẫn là tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan pháp luật sở tại. Chẳng hạn, khi đến Las Vegas, ông đã thảo luận vụ Clutter với Trung úy B.J. Handlon, Trưởng ban Thám tử của sở Cảnh sát Las Vegas. Lúc đó, viên trung úy đã viết một công văn ra lệnh cho toàn bộ nhân viên cảnh sát phải duy trì tình trạng báo động đối với Hickock và Smith: “Kansas truy nã về tội vi phạm lời hứa trước tòa; nghe nói đương sự đang lái một chiếc xe Chevrolet 1949 với giấy phép của Kansas số JO - 58269. Những người này chắc chắc có vũ khí nên bị coi là nguy hiểm.” Handlon cũng cử một thám tử giúp Nye “vụ nhà cầm đồ”, như ông nói, “luôn luôn có đám người này ở bất cứ thị trấn cờ bạc nào.” Nye và người thám tử Las Vegas đã cùng nhau kiểm tra từng biên lai cầm đồ được xuất trong tháng trước. Đặc biệt, Nye hy vọng tìm ra một rađiô xách tay nhãn Zenith mà người ta tin rằng đã bị lấy cắp ở nhà Clutter đêm án mạng, nhưng ông không may mắn trong việc này. Tuy nhiên một người cầm đồ đã nhớ ra Smith (“Hắn đi đi lại lại ở đây có đến mười năm rồi”) và đưa ra tấm biên lai về một cái chăn da gấu được cầm trong vòng tuần đầu tháng Mười một. Chính nhờ biên lai này mà Nye đã nắm được địa chỉ cái nhà trọ.

“Đăng ký ngày 13 tháng Mười,” bà chủ trọ nói, ‘trả ngày 11 tháng Mười một.” Nye liếc nhìn chữ ký của Smith. Sự bay bướm của nó, những uốn những móc kiểu cách làm ông ngạc nhiên - một phản ứng mà bà chủ trọ rõ ràng đoán ra, và bà nói. “Ái chà. Mà ông còn phải nghe hắn ta nói nữa cơ. Toàn những từ to tát dài dòng lọt vào tai mình bằng cái giọng thì thầm, lào thào. Tính cách có một không hai đây. Ông lùng hắn ta là vì cái gì - một thằng ma cô nhãi xinh xẻo như thế?”

“Vi phạm lời hứa phóng thích.”

“Ái chà. Đi ngần ấy đường từ Kansas đến vì một vụ vi phạm lời hứa. Được, tôi chỉ là một mẹ tóc vàng ú ớ thôi mà. Tôi tin ông. Nhưng tôi sẽ không kể lại chuyện này cho bất cứ con bé tóc đen nào nghe đâu.” Bà giơ lon bia lên, uống cạn, rồi từ từ lăn cái lon rỗng giữa hai bàn tay nổi gân và lấm chấm đồi mồi. “Muốn làm gì thì làm, những không thể là tay cầm đầu được. Không thể được. Tôi chưa từng gặp người nào mà tôi không ước nổi cỡ giày đâu. Thằng cha này chỉ là một gã ma cô. Đồ ma cô nhãi ranh cố dụ tôi không đòi tiền trọ tuần cuối cùng nó ở đây.” Bà chặc lưỡi, chắc là do nghĩ tới sự hoang đường của một mưu mô như thế.

Nye hỏi tiền phòng của Smith là bao nhiêu.

“Giá quy định. Chín đô một tuần. Thêm năm hào tiền gửi chìa. Dứt khoát trả ngay. Dứt khoát trả trước tháng.”

“Trong khi ở đây, anh ta làm gì? Có bạn bè gì không?”

“Ông nghĩ tôi phải để mắt tới từng đứa mạt hạng đến ở đây hay sao?” bà chủ nhà trọ vặn lại. “Bọn cầu bơ cầu bất. Bọn ma cô. Tôi không quan tâm. Tôi có một đứa con gái lấy được tay cỡ bự.” Rồi bà nói, “Không, hắn chẳng có bạn nào. Ít nhất cũng không thấy hắn ta la cà với ai đặc biệt cả. Lần cuối cùng hắn ở đây, ngày nào hắn cũng mất gần hết thì giờ lỉnh kỉnh với cái xe. Hắn đỗ xe ngoài kia. Một chiếc Ford cũ. Nom như có từ thời hắn ra đời. Hắn sơn lại. Phần mui sơn đen, phần còn lại thì sơn bạc. Rồi hắn viết “Xe bán” lên trên kính chắn gió. Một hôm tôi nghe một dân hấp dừng lại trả bốn chục đô - nghĩa là cao hơn giá trị của nó những bốn chục lần. Nhưng hắn nói hắn không thể để được dưới chín chục. Nói hắn cần tiền để mua vé xe buýt. Trước khi hắn rời đi, tôi nghe nói một người da màu nào đó đã mua phải cái xe.”

“Nói cần tiền mua vé xe buýt, bà có biết anh ta định đi đâu không?”

Bà ta chúm môi lại, cho một điếu thuốc lá vào mồm nhưng mắt vẫn dừng lại ở Nye. “Chơi đẹp đấy nhá. Có tiền lên bàn không? Thưởng chứ?” Bà ta chờ một câu trả lời; khi không có gì xảy ra, bà ta hình như cân nhắc thiệt hơn rồi quyết định tốt nhất là nói. “Vì tôi có cảm tưởng bất kỳ đến đâu hắn ta cũng không có ý ở lại lâu. Cảm tưởng là hắn có ý bỏ bớt lại đồ đạc ở đây. Kiểu như chờ có ngày hắn còn quay lại.” Bà hất đầu về phía trong nhà. “Vào đây, tôi sẽ cho ông thấy là tại sao.”

Những bậc cầu thang. Những gian sảnh xám xịt. Nye ngửi các mùi, phân biệt chúng với nhau: cồn tẩy uế phòng vệ sinh, rượu, mẩu thuốc lá đã dụi tắt. Bên kia một cánh cửa, một tay nghiện đang rên rỉ hát, không biết vui hay sầu. “Nguội đi, Dutch! Tắt máy đi không là ông cuốn gói đấy!” người đàn bà thét. “Đây,” bà bảo Nye, đưa ông vào một nhà kho tối tăm. Bà bật đèn lên. “Đằng kia. Cái thùng đó. Hắn ta hỏi tôi có thể giữ cho đến khi hắn quay lại không.”

Đó là một cái thùng các tông, không bọc nhưng buộc lại bằng dây thừng. Một lời tuyên bố, một cảnh báo phần nào có ý nghĩa một lời nguyền độc, được viết bằng bút chì ngang qua nắp thùng: “Cẩn thận! Tài sản của Perry E.Smith! Cẩn thận!” Nye cởi dây; cái nút thắt, ông không vui khi thấy nó không cùng kiểu với cái nút đơn bọn giết người đã dùng để trói nhà Clutter. Ông bật hai mép thùng. Một con gián vọt ra, bà chủ giẫm ngay lên, nghiền nát nó dưới gót chiếc dép bằng kim nhũ của bà. “Hầy!” bà nói trong khi Nye thận trọng lấy đồ đạc của Smith ra thong thả xem. “Thằng mất dạy. Đây là khăn tắm của tôi.” Cùng với cái khăn tắm, ông Nye tỉ mỉ ghi thành khoản mục vào sổ tay mình: “Một cái gối bẩn ‘kỷ niệm Honolulu’; một chăn trẻ con màu hồng; một quần kaki; một chảo nhôm với cái đánh trứng. “Nhiều thứ bà giằn khác bao gồm một cuốn dán dày đặc những tấm ảnh cắt ra từ tạp chí thể dục thể thao (hình các lực sĩ cử tạ bóng nhoáng mồ hôi) và, bên trong một hộp giày, một loạt các thứ thuốc: bàn chải và bột dùng để đỡ hôi mồm, và cả một lượng aspirin đáng kinh ngạc - ít ra tới một tá hộp, nhiều hộp đã dùng hết.”

“Toàn vứt đi,” bà chủ trọ nói. “Chẳng gì ngoài giẻ rách.” Đúng thế, đây là thứ vô giá trị ngay cả với nhà thám tử đang khát đòi tung tích. Nhưng Nye vẫn thích; mỗi thứ - thuốc đau lợi, cái gối Honolulu nhẫy bóng - đều đem lại cho ông một ấn tượng rõ rệt hơn về người chủ của nó cùng cuộc sống đơn độc, khốn cùng của hắn.

Ngày hôm sau ở Reno, chuẩn bị cho bản báo cáo chính thức, Nye viết: “”

Buổi sáng thì vậy. Chiều hôm ấy Nye lên đường đi tìm Tex John Smith. Nhưng ở chặng dừng đầu tiên, tại bưu điện, một nhân viên ở quầy Gửi phát chung bảo ông chả cần phải tìm đâu xa cả - chả cần ở Nevada - vì “cá thể kia” đã rời đó đi từ hồi tháng Tám trước và hiện đang sống ở lân cận Circle City, Alaska. Dẫu gì thì thư tín của hắn cũng đang được gửi đến đó.

“Chu cha! Cha này thì mới kinh đây,” viên thư ký nói, đáp lại yêu cầu của Nye là hãy tả cho nghe về Smith bố. “Lão này y như ở trong sách ra ấy. Tự nhận là Sói Cô độc. Nhiều thư từ của lão được gửi đến với cái tên Sói Cô độc ấy. Lão không nhận nhiều thư, không, nhưng mà hàng đống ca ta lô và tờ rơi quảng cáo thì có. Ông phải lấy làm lạ về cái số lượng những kẻ cứ gửi hoài mấy thứ này đi, chỉ là để mong nhận lại dăm ba hồi âm. Lão ấy già đến đâu hả? Chắc là sáu chục. Mặc kiểu miền Tây, ủng cao bồi, một cái mũ tổ bố. Lão bảo tôi hồi xưa lão chơi trò rodeo, cưỡi bò cưỡi ngựa bất kham. Tôi nói chuyện với lão ít thôi. Ít năm gần đây hầu như ngày nào lão cũng ở đây. Thi thoảng, lão mất tăm ít lâu, đi xa đâu như một tháng hay gì đó - lúc nào cũng bảo là đi khảo sát. Tháng Tám vừa rồi một hôm có một thanh niên đến quầy đây. Nói là hắn đi tìm bố, Tex John Smith, và hỏi tôi có biết tìm ở đâu không. Hắn trông khác bố nhiều; bố thì mỏng môi và người Ái Nhĩ Lan, anh con thì xem ra gần như da đỏ hẳn, tóc đen như xi đánh ủng, mắt cũng đọ được với tóc. Nhưng sáng hôm sau Sói đi vào khẳng định, bảo đây là con tôi, nó vừa mới phục viên và hai bố con sẽ đi Alaska. Lão là một tay làm ăn ở Alaska. Đâu như có thời lão có một cái khách sạn ở đó, hay một kiểu nhà trọ cho dân đi săn. Lão nói lão tính đi chừng hai năm. Không, từ đấy không bao giờ thấy lão nữa, cả lão lẫn thằng con.”

Gia đình Johnson là dân mới đến trong cái cộng đồng ở San Francisco này - một khu của tầng lớp trung lưu, dân thu nhập trung bình mới xây dựng nằm trên đồi cao phía Bắc thành phố. Chiều ngày 18 tháng Chạp năm 1959, bà Johnson trẻ tuổi đang đợi khách; ba bà hàng xóm sắp đến uống cà phê ăn bánh ngọt và có thể đánh bài. Bà chủ nhà căng thẳng; đây là lần đầu tiên bà chiêu đãi khách trong ngôi nhà mới của mình. Lúc này, trong khi chờ nghe tiếng chuông cửa, bà đang đi soát lại lần cuối cùng, dừng lại nhặt một mẩu sợi vương hay sửa lại cách bày mấy bông hoa Poisettia ngày lễ Nôen. Giống như các ngôi nhà khác trên con phố sườn dốc này, ngôi nhà này là một căn nhà trại thông dụng ở ngoại ô, dễ chịu và chẳng có gì đặc biệt. Bà Johnson yêu nó; bà mê mệt các tấm ván ốp tường bằng gỗ đỏ, các tấm thảm trải dài từ vách này qua vách nọ, những cửa sổ cả sau lẫn trước mở ra cảnh đẹp như tranh vẽ, phong cảnh mà cửa sổ sau nhà đem lại cho mắt nhìn - đồi, thung lũng, rồi thì trời và đại dương. Bà tự hào về mảnh vườn nho nhỏ sau nhà; chồng bà - nghề nghiệp là nhân viên bán bảo hiểm nhưng lại có xu hướng làm thợ mộc - đã dựng lên chung quanh nó một hàng rào bằng cọc trắng, trong vườn là một cái nhà cho gia đình chó, rồi một thùng cát và những cái đu cho trẻ con. Lúc này, cả bốn - con chó, hai đứa bé trai, một đứa bé gái - đang đùa ở trong vườn dưới một bầu trời êm đềm; bà hy vọng chúng sẽ vui vầy trong vườn cho tới khi các bà khách ra về. Khi chuông cửa reo, bà Johnson đi ra, mặc bộ váy mà bà cho là có thể tôn mình lên nhiều nhất, một hàng chun màu vàng ôm bó dáng người bà và làm nổi lên cái ánh ngăm ngăm của nước da Cherokee cũng như màu tóc đen nhánh ốp mượt của bà. Bà mở cửa, chuẩn bị đón khách vào; song thay vì vậy bà thấy hai người đàn ông lạ hoắc - họ chạm tay vào vành mũ và lật cái ví có huy hiệu cảnh sát ra. “Bà là bà Johnson?” một người nói. “Tôi là Nye. Đây là thanh tra Guthrie. Chúng tôi trực thuộc cảnh sát San Francisco, vừa nhận được yêu cầu của bang Kansas liên quan tới em trai bà, Perry Edward Smith. Hình như anh ta đã không đến trình diện với ban quản lý tù theo lời hứa danh dự, liệu bà có thể cho chúng tôi biết những việc làm gần đây của anh ấy không?”

Bà Johnson không thất vọng - và dứt khoát là không ngạc nhiên - khi biết cảnh sát lại một lần nữa bận tâm đến hành tung của em trai bà. Điều làm bà lo ngại là cái viễn cảnh khách mời tới mà lại thấy bà đang bị cảnh sát phỏng vấn. Bà nói, “Không. Không có gì hết. Tôi không gặp Perry bốn năm nay rồi.”

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng, thưa bà Johnson,” Nye nói. “Tốt nhất chúng ta nên nói hết với nhau.”

Sau khi chịu thua, đưa họ vào và mời cà phê (họ uống), bà Johnson nói, “Tôi không gặp Perry đã bốn năm nay. Cũng chẳng nghe tin gì từ ngày nó được tha theo lời hứa. Mùa hè vừa rồi, khi ra tù, nó có đến thăm bố tôi ở Reno. Trong thư, bố tôi kể là ông quay về Alaska và đem nó đi theo. Rồi bố tôi lại viết thư, tôi nghĩ là hồi tháng Chín, kể rằng ông rất giận. Ông với Perry đã xích mích với nhau và tách lẻ trước khi hai người đến biên giới. Perry quay lại; bố tôi đi Alaska một mình.”

“Và từ đó ông cụ không viết cho bà nữa?”

“Không.”

“Vậy thì có thể em bà vừa mới lại đến với cụ xong. Tháng vừa rồi.”

“Tôi không biết. Tôi không quan tâm.”

“Quan hệ không tốt?”

“Với Perry ấy hả? Vâng. Tôi sợ nó.”

“Nhưng khi anh ta ở Lansing bà hay viết thư cho anh ta kia mà. Hay là các nhà chức trách ở Kansas đã nói như vậy với chúng tôi,” Nye nói. Người thứ hai, thanh tra Guthrie hình như bằng lòng đứng ở ngoài lề.

“Tôi đã muốn giúp nó. Tôi hy vọng có thể thay đổi được chút nào ý nghĩ của nó. Bây giờ tôi hiểu rõ hơn. Quyền lợi của người khác chẳng có nghĩa gì với Perry cả. Nó chẳng biết kính trọng lấy một ai.”

“Về bạn bè. Bà có biết người bạn nào mà anh ta có thể đến ở cùng được không?”

“Joe James,” bà nói, và giải thích rằng James là một thanh niên da đỏ làm rừng và câu cá sống ở trong một khu rừng gần Bellingham, Washington. Không, bà không quen anh này nhưng bà biết rằng anh ta và gia đình rất hào hiệp, trước đây từng rất tốt với Perry. Người bạn duy nhất của Perry mà bà từng gặp là một người đàn bà trẻ xuất hiện ở bậc cửa nhà Johnson tháng Bảy năm 1955, mang theo một bức thư của Perry trong đó giới thiệu cô ta là vợ nó.

“Nó nói đang gặp khó khăn, nhờ tôi trông nom vợ nó cho tới khi nó nhờ được người đến đón về. Cô gái nom chừng hai mươi tuổi, thế nào hóa ra chỉ mới mười bốn. Và dĩ nhiên cô ta chẳng phải là vợ của ai hết. Nhưng lúc đó tôi cũng thu nhận. Tôi thấy ái ngại cho cô ta, đề nghị cô ta ở với chúng tôi. Cô ta ở lại, nhưng không lâu. Chưa được một tuần. Và khi bỏ đi, cô ta mang theo cả va li quần áo của chúng tôi và mọi thứ đựng trong đó - phần lớn quần áo của tôi và của chồng tôi, bộ đồ ăn bằng bạc và cả cái đồng hồ ở trong bếp nữa.”

“Khi việc đó xảy ra, bà đang sống ở đâu?”

“Denver.”

“Bà đã từng sống ở Fort Scott, Kansas bao giờ chưa?”

“Chưa bao giờ. Tôi chưa bao giờ đến bang Kansas.”

“Bà có người chị em nào ở Fort Scott không?”

“Chị tôi chết rồi. Bà chị duy nhất.”

Nye mỉm cười. Ông nói, “Bà Johnson, bà hiểu cho, chúng tôi đang làm viêc theo một giả định cho rằng em bà sẽ tiếp xúc với bà. Bằng cách viết thư hay gọi điện. Hay đến gặp bà.”

“Tôi hy vọng là không. Vì sự thật là nó không biết chúng tôi đã đổi chỗ ở. Nó cứ nghĩ chúng tôi vẫn còn ở Denver. Nếu ông tìm ra nó, xin ông đừng cho nó địa chỉ của tôi. Tôi sợ.”

“Bà nói thế có phải vì bà nghĩ anh ta có thể làm hại bà không? Làm bị thương về thân thể?”

Bà ta suy nghĩ, và không thể dứt khoát, nói rằng bà không rõ. “Nhưng tôi sợ nó. Tôi luôn luôn sợ nó. Nó có thể coi bộ rất giàu tình cảm, dễ mủi lòng. Hiền lành tử tế. Nó dễ khóc lắm. Đôi khi âm nhạc làm nó hào hứng lên, lúc còn bé nó đã quen khóc vì nó nghĩ rằng mặt trời lặn là đẹp. Hay mặt trăng. Ô, nó có thể lừa được ông đấy. Nó có thể làm cho ông cảm thấy ái ngại cho nó...”

Chuông cửa reo, vẻ ngập ngừng của bà Johnson trước tiếng gọi cửa đã truyền đạt tâm trạng tiến thoái lưỡng nan của bà, và Nye (sau này đã viết về bà rằng, “Suốt cuộc phỏng vấn, bà luôn luôn giữ tư thế điềm tĩnh và tao nhã. Một người có cá tính khác thường”) liền với lấy chiếc mũ nâu bẻ gập vành của mình. “Xin lỗi đã quấy quả bà, bà Johnson. Nhưng nếu bà nghe được gì về Perry thì chúng tôi mong bà có thiện chí mà gọi báo chúng tôi hay. Xin hỏi thanh tra Guthrie.”

Sau khi hai thám tử đi rồi, cái tư thế đã làm cho Nye mến mộ bị rơi vỡ tan tành: một nỗi tuyệt vọng về gia đình mình treo lơ lửng. Bà vật lộn với nó, gạt đẩy đòn đánh toàn diện của nó cho tới khi bữa liên hoan đã vãn và khách khứa ra về, cho tới khi bà cho con cái ăn uống, tắm rửa và nghe chúng đọc kinh đêm xong. Rồi thì tâm trạng, như làn sương mù trên biển hiện đang che mờ những cây đèn đường, đến bủa vây lấy bà. Bà đã nói bà sợ Perry, và bà sợ thật, nhưng có phải chỉ đơn giản là sợ Perry không thôi, hay là sợ cảnh ngộ mà Perry là một phần của nó - những số phận khủng khiếp hình như đã được hứa hẹn sẵn cho bốn đứa con của Florence Buckskin và Tex John Smith? Ông anh cả, người mà bà yêu mến, đã tự bắn mình; Fern ngã hay nhảy từ trên cửa sổ xuống; và Perry thì phạm bạo hành, một tên tội phạm. Cho nên, ở một nghĩa nào đó, bà là kẻ sống sót duy nhất; và điều dằn vặt bà chính là cái ý nghĩ rằng đến lúc nào đó, bà cũng sẽ bị dập vùi, hóa điên, hay mắc phải một căn bệnh nan y, hay mất hết những gì quý nhất đời bà - nhà cửa, chồng con - trong một cơn hỏa hoạn.

Chồng bà đang đi làm ăn xa, và khi chỉ có một mình, bà cũng chưa nghĩ đến rượu bao giờ. Nhưng đêm nay bà đã làm một ly mạnh, rồi nằm lên chiếc đi văng trong phòng khách, một quyển an bum ảnh đặt trên đầu gối.

Tấm ảnh chụp bố bà choán hết trang nhất - một bức chân dung chụp năm 1922, năm ông lấy cô kỵ mã da đỏ, tiểu thư Florence Buckskin. Tấm ảnh đó đã cố định mãi ấn tượng của bà Johnson. Nhờ nó, bà có thể hiểu được tại sao mẹ bà lấy bố, tuy hai người thực chất không hề hợp nhau.

Người thanh niên trong ảnh toát ra phong thái đường đường một đấng nam nhi. Mọi thứ - cái lọn vểnh lên của mái tóc đỏ nâu, mắt trái hơi nheo lại (tựa như đang nhắm bắn), chiếc khăn quàng con con kiểu cao bồi buộc thắt nút quanh cổ - hết sức là hấp đẫn. Nhìn chung, thái độ của bà Johnson với ông bố là mập mờ, nhưng có một phương diện ở bố mà bà luôn luôn kính trọng - sức chịu đựng kiên cường. Bà biết rõ bố có vẻ kỳ dị như thế nào trong con mắt người khác; về mặt này, hình như ông bố cũng kỳ dị với cả bà. Muốn gì thì ông bố vẫn là “một con người chân chính”. Ông cụ làm đủ việc, và làm thật dễ dàng. Ông cụ có thể quật đổ một cái cây đúng vào nơi ông cụ muốn. Ông cụ có thể lột da gấu, chữa đồng hồ, xây nhà, làm bánh, mạng bít cất, hay bắt cá hồi bằng một cái kim bẻ cong và một đoạn dây. Có lần, ông cụ đã sống sót một mình suốt cả mùa đông ở vùng đại hoang bang Alaska.

Một mình: theo ý bà Johnson, đó là cách những người đàn ông như thế nên sống. Vợ con, một đời sống e dè không phải là để cho họ.

Bà lật mở mấy trang ảnh chụp thời thơ ấu - những bức ảnh chụp tại các bang Utah, Nevada, Idaho, Oregon. Sự nghiệp kỵ mã trị ngựa bất kham của “Tex và Flo” đã chấm dứt, cả gia đình sống trên một xe tải cũ đi lang thang khắp cả nước săn lùng việc làm, một thứ khó tìm vào năm 1933. “Gia đình Tex John Smith hái quả ở Oregon, năm 1933” là câu chú thích dưới bức chụp bốn đứa trẻ chân đất mặc quần yếm, nhất loạt đều có vẻ mặt hốc hác mỏi mệt. Quả dại hoặc bánh mì ăn cắp giầm vào sữa đặc thường là thứ duy nhất họ ăn. Barbara Johnson nhớ lại một lần gia đình phải sống nhiều ngày bằng chuối nẫu, kết quả là Perry bị đau bụng; nó rên la suốt đêm, trong khi Bobo, tức là Barbara thì kêu khóc vì sợ em chết.

Bobo hơn Perry ba tuổi và rất yêu em; nó là đồ chơi duy nhất của cô, một con búp bê mà cô tắm rửa, chải đầu, hôn hít và đôi khi đét đòn. Đây có một bức ảnh hai đứa cùng tắm truồng trong một vụng nước trong như kim cương ở Colorado, đứa em, một thằng quỷ con bụng ỏng, rám nắng đen sì, đang nắm chặt tay chị mà cười rúc rích, tựa hồ dòng suối đổ xuống tung tóe có cả những ngón tay ma quái cù người. Trong một bức khác (bà Johnson không chắc, nhưng bà nghĩ có lẽ nó được chụp ở một trại chăn nuôi hẻo lánh tại Nevada, nơi gia đình đã ở khi cuộc xung đột cuối cùng giữa bố mẹ, một cuộc xích mích kinh khủng trong đó các thứ roi ngựa, nước sôi đèn dầu đều được sử dụng làm vũ khí, đưa cuộc hôn nhân đến bờ tan vỡ), bà và Perry ngồi trên một con ngựa lùn, đầu sát đầu, má chạm má; sau lưng những quả núi khô nỏ bốc cháy.

Sau khi đám trẻ con và mẹ chúng đến sống ở San Francisco, tình yêu thương em của Bobo nhạt dần rồi khi nguội hẳn. Nó không còn là bé cưng của cô mà là một đồ man rợ, một thằng ăn cắp, một thằng trấn lột. Vụ đầu tiên nó bị bắt bị ghi tên vào sổ cảnh sát là vào ngày 27 tháng Mười năm 1936 - lần sinh nhật thứ tám của nó. Cuối cùng, sau nhiều lần bị giữ tại nhà cải tạo và trung tâm giáo dưỡng trẻ vị thành niên, nhờ sự bảo lãnh của bố nó lại được trở về, và nhiều năm sau Bobo mới lại gặp lại nó, trừ trong mấy bức ảnh mà thỉnh thoảng Tex John gửi cho các đứa con kia của mình - những bức ảnh được dán lên trên các chú thích viết bằng mực trắng là một phần nội dung của quyển an bum. Có “Perry, bố và con chó Etkimô”, “Perry và bố đang đãi vàng”, “Perry săn gấu ở Alaska”, Trong bức thư cuối cùng này, Perry là một cậu trai mười lăm tuổi đội mũ lông đi giày trượt tuyết, đứng giữa hàng cây nặng trĩu tuyết, một khẩu súng quàng dưới cánh tay; mặt mũi bơ phờ, con mắt thì buồn và rất mệt, nhìn tấm ảnh đó, bà Johnson lại nhớ đến một “vụ” Perry gây ra khi hắn tới thăm bà ở Denver. Quả thực, đó là lần cuối cùng bà gặp hắn - mùa xuân năm 1955. Hai chị em đang bàn về tuổi thơ ấu của mình với Tex John thì thình lình Perry, vốn đã có quá nhiều rượu trong người rồi, liền đẩy bà sát vào tường rồi ghìm chặt bà ở đó. “Tôi là một thằng mọi,” Perry nói. “Có thể thôi. Một kẻ mà ông ta có thể sai làm mửa mật ra mà chẳng phải trả lấy một đồng xu. Không, Bobo, tôi đang nói đây. Câm ngay, không thì tôi ném bà xuống sông bây giờ. Như một lần tôi đang đi qua một cây cầu ở Nhật thì có một gã đứng trên đó, tôi chưa hề gặp gã ta trước đó bao giờ, nhưng tôi cứ nhấc gã lên mà ném xuống sông.”

“Làm ơn đi. Bobo. Nghe tôi này. Chị nghĩ là tôi thích tôi ư? Ôi! Đáng ra tôi có thể là một người như thế nào ấy chứ! Nhưng cái lão chết giấp ấy lão có cho tôi cơ hội nào đâu. Lão không cho tôi đi học. O.K. O.K. Tôi là một đứa hư. Nhưng có lúc tôi đã xin đi học. Tôi là một đứa có đầu óc sáng láng cơ mà. Nói vậy để nhớ ra chị không biết. Đầu óc sáng láng mà lại có tài nữa. Nhưng không có học, vì lão không muốn tôi học bất cứ cái gì, chỉ là cốt khuân vác như thế nào cho lão thôi. Đần độn. Ngu dốt. Lão muốn tôi như vậy cơ. Để cho tôi không bao giờ thoát ra khỏi tay lão. Nhưng chị ấy, Bobo. Chị được đi học. Chị và Jimmy và Fern. Các người đứa khỉ nào cũng được học hành. Tất cả, trừ tôi. Tôi thù ghét các người, tất cả - ông già và tất cả các người.”

Làm như với các anh chị hắn đời lót bằng hoa hồng không bằng! Có lẽ là thế thật, nếu đó có nghĩa là dọn các đống nôn mửa của mẹ, là chẳng được mặc cái gì là đẹp, chẳng được ăn cái gì cho no. Nhưng cũng đúng là cả ba đều được đi học tới nơi tới chốn. Thực tế là Jimmy đã đỗ đầu lớp - một vinh dự có được hoàn toàn nhờ vào nghị lực bản thân anh ấy. Chính điều ấy đã làm cho việc anh tự sát có vẻ như một điềm gở đến thế, Barbara Johnson cảm thấy vậy. Tính cách mạnh, rất dũng cảm, hay lam hay làm - hình như những cái đó không hề là yếu tố quyết định trong số phận của các đứa con nhà Tex John. Họ cùng chia sẻ một số phận bất hạnh mà đức hạnh không sao giúp họ cưỡng lại được. Không phải là Perry hay Fern có đức hạnh gì cho cam. Khi Fern mười bốn tuổi, chị đổi tên, và trong suốt những ngày còn lại của đời mình chị ấy đã có biện minh cho việc đổi tên đó là phải: Joy[10]. Chị là một cô gái thoải mái vô tư, “người tình của tất cả mọi người” - đúng hơn là của quá nhiều người, vì chị thiên vị với đàn ông, mặc dù vì lẽ gì đấy chị chẳng được may mắn lắm với họ. Vì lẽ gì đấy, loại người chị ưa chẳng biết sao cứ luôn bỏ rơi chị. Mẹ chết trong một cơn say ngất lịm, thế nên chị sợ uống rượu - nhưng chị vẫn uống. Trước tuổi hai mươi, mỗi sáng chị chào ngày mới bằng một chai bia. Rồi một đêm hè, chị ngã từ trên cửa sổ một phòng khách sạn xuống. Khi đang rơi xuống, chị đập vào mái cổng dẫn vào một nhà hát, bắn tung lên rồi lăn vào bánh một chiếc xe tắc xi. Ở trên kia, trong căn phòng trống không, cảnh sát tìm thấy đôi giày của chị, một ví tiền, một chai uýt ki rỗng.

Người ta có thể thông cảm và tha thứ cho Fern, nhưng Jimmy thì khác. Bà Johnson nhìn bức ảnh trong đó anh mặc quần áo lính thủy; hồi chiến tranh anh phục vụ cho hải quân. Mảnh khảnh, một thủy thủ trẻ tuổi nước da tai tái có bộ mặt dài dài mang đôi chút thánh thiện khắc khổ, anh đứng quàng eo một cô gái sau này anh cưới và theo đánh giá của bà Johnson thì đáng lẽ không nên cưới, vì hai người này chẳng có gì hợp nhau sất - anh Jimmy nghiêm túc với cô gái San Diego mười mấy tuổi đầu quen bám các hạm tàu mà chuỗi hạt thủy tinh phản chiếu lại một vầng mặt trời nay đã ố nhạt từ lâu. Nhưng cái mà Jimmy dành cho cô gái đã vượt quá tình yêu thông thường; nó là đam mê - một đam mê có phần nào bệnh lý. Còn cô gái, cô ắt phải yêu anh, yêu anh vô cùng, bằng không thì cô đã chẳng làm như đã làm. Giá mà Jimmy tin như thế nhỉ! Hay là có khả năng tin được thế. Nhưng lòng ghen tuông đã cầm tù anh rồi. Anh bị cắn xé bởi ý nghĩ về đám đàn ông mà cô từng ngủ cùng trước khi lấy anh; hơn nữa, anh đinh ninh rằng cô vẫn còn tính ăn nằm bừa bãi - rằng mỗi khi anh đi biển hay thậm chí chỉ xa cô có một ngày thôi, cô liền phản bội anh ngay với cả lô cả lốc người tình, anh không ngừng bắt cô phải nhận là đã có những người tình như vậy. Thế rồi cô chĩa khẩu súng vào một điểm - giữa hai mắt mình và lấy ngón chân bấm cò. Khi tìm thấy cô, Jimmy không báo cảnh sát. Anh bế cô đặt lên giường rồi nằm xuống bên cạnh cô. Ngay hôm sau vào khoảng sắp rạng đông, anh lắp đạn lại vào súng và tự sát.

Đối diện với bức ảnh Jimmy và vợ là một bức ảnh chụp Perry mặc binh phục. Ảnh được cắt ra từ một tờ báo, có dán kèm theo một đoạn bài báo: “Sở Chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ, Alaska. Binh nhì Perry E. Smith, 23 tuổi, cựu chiến binh đầu tiên của quân đội từng tham chiến ở Triều Tiên quay về Anchorage, Alaska, được Đại úy Mason, Sĩ quan Truyền thông đón tiếp khi đến Căn cứ Không quân Elmendorf. Smith phục vụ 15 tháng ở sư đoàn số 24 với tư cách lính kỹ thuật. Chuyến đi của anh từ Seattle đến Anchorage là quà tặng của Hãng Hàng không Bắc Thái Bình Dương. Cô Lynn Marquis, tiếp viên hàng không, mỉm cười đón tiếp anh. (Ảnh chính thức của Quân đội Hoa Kỳ).” Đại úy Mason chìa tay ra, nhìn binh nhì Perry, nhưng binh nhì Perry lại nhìn vào máy quay. Trông vẻ mặt chú em, bà Johnson nhìn thấy, hay tưởng tượng thấy, không phải lòng biết ơn mà là sự ngạo mạn, và thay vì tự hào thì lại là hết sức vênh vang tự phụ. Thật không thể nào tin rằng khi đi qua một cây cầu hắn đã gặp một người và đã ném người đó khỏi cầu. Dĩ nhiên hắn đã làm vậy. Điều đó bà không bao giờ nghi ngờ.

Bà gấp quyển an bum lại, mở ti vi, nhưng nó không làm bà khuây khỏa được. Giả dụ hắn đến thì sao? Các thám tử đã tìm bà; cớ gì Perry lại không tìm? Nó chẳng cần mong bà giúp nó, thậm chí bà còn không cho nó vào nữa kia. Cửa chính khóa, nhưng cửa ra vườn thì không. Mảnh vườn trắng xóa sương mù của biển; nó có thể là một cuộc tụ hội những hồn ma lắm. Mẹ, Jimmy và Fern. Khi bà John ra gài chốt cửa lại, trong đầu bà người chết lẫn người sống đều như đang hiển hiện.

Một cơn giông đột ngột. Mưa. Trút như thác. Dick chạy. Perry cũng chạy, nhưng không nhanh bằng; chân hắn ngắn hơn, mà hắn lại vướng cái va li quần áo. Dick đến được nơi trú ẩn - một nhà kho cạnh xa lộ - trước hắn khá lâu. Trong khi rời Omaha, sau một đêm ngủ nhờ ở Nhà của Đội quân Cứu rỗi, chúng đã được một tài xế xe tải cho đi nhờ qua biên giới bang Nebraska vào bang Iowa. Nhưng nhiều giờ trước đó thì chúng cuốc bộ. Trời đổ mưa khi chúng còn cách khu định cư Tenville Junction ở Iowa mười sáu dặm về phía Bắc.

Nhà kho tối om.

“Dick ơi,” Perry gọi.

“Lại đây!” Dick nói. Hắn đang nằm dài trên một ổ cỏ khô.

Ướt sũng, run lẩy bẩy, Perry buông người xuống cạnh hắn. “Tớ rét quá,” hắn nói, và rúc vào trong cỏ khô. “Tớ rét quá, nếu cỏ này bốc lửa mà thiêu cháy tớ tớ cũng cóc cần.” Hắn cũng đói nữa. Đói lả. Đêm qua chúng đã ăn cháo bố thí của Đội quân Cứu rỗi, còn hôm nay cái duy nhất nuôi sống chúng là mấy thanh sô cô la và kẹo cao su Dick thó được ở quầy kẹo bánh của một tiệm thuốc. “Còn sô cô la Hershey nữa không?” Perry hỏi.

Không, nhưng hãy còn một gói kẹo cao su. Chúng chia nhau rồi nằm xuống nhai, mỗi đứa nhai hai thanh rưỡi kẹo cao su Doublemint, cái hương vị Dick thích (Perry thì thích vị quả hơn là bạc hà). Tiền trở thành vấn đề. Sự thiếu tiền gay gắt khiến Dick đi tới quyết định rằng cú sau đây của chúng sẽ là cái mà Perry coi là “cú liều của một gã điên rồ” - quay lại Kansas City. Khi Dick giục về đó lần đầu tiên, Perry đã nói, “Cậu phải đi khám đốc tờ đi.” Bây giờ, chen chúc bên nhau trong bóng đêm lạnh lẽo, lắng nghe mưa lạnh lẽo mịt mù, chúng lại bắt đầu bàn bạc, Perry một lần nữa liệt kê ra các mối nguy hiểm của một bước đi như vậy, vì lần này chắc chắn Dick đã bị truy nã về tội vi phạm lời hứa danh dự rồi - “nếu như không có gì nghiêm trọng hơn thế nữa”. Nhưng Dick không dễ bị thuyết phục. Hắn nài một lần nữa rằng Kansas City là cái nơi duy nhất hắn tin dứt khoát mình sẽ “cho đi lọt thành công những tấm séc giả. Mẹ khỉ, tớ biết là ta phải cẩn thận. Tớ biết chúng nó đã phát trát bắt. Vì những tấm séc chúng ta tiêu trước đây. Nhưng chúng ta sẽ hành động lẹ. Một hôm thôi là xong liền. Nếu vớ được khá, chúng ta sẽ đến Florida thử xem sao. Qua Nôen ở Miami - nếu thấy hay hay thì ở hết mùa đông tại đó.” Nhưng Perry nhai kẹo cao su, run lập cập và dằn dỗi. Dick nói, “Gì thế, bồ? Cái vụ kia ấy ư? Làm quái gì cậu cứ không quên được thế nhỉ? Chúng nó đã tìm ra được mối liên hệ nào đâu. Không bao giờ.”

Perry nói, “Có thể cậu sai đấy. Và nếu cậu sai thì có nghĩa là Cái Xó.” Cả hai đứa trước đây chưa bao giờ nhắc đến hình phạt nặng nhất ở bang Kansas - treo cổ, hay là chết trong Cái Xó, như dân tù trong trại giam bang Kansas gọi mấy cái lán có thiết bị cần thiết để treo cổ tử tù.

Dick nói, “Anh diễn viên hài ơi. Cậu giết tớ thì có đấy.” Hắn đánh que diêm, định hút một điếu thuốc nhưng nhờ ánh lửa hắn nhìn thấy một cái gì. Hắn đứng dậy, đi qua gian nhà kho đến một cái chuồng bò. Một chiếc xe đỗ trong chuồng bò, một chiếc Chevrolet hai cửa, đời 1956, hai màu đen trắng. Chìa khóa vẫn nằm trong ổ.

Dewey đã quyết định không cho “dân thường” biết tí nào về đột phá quan trọng này trong vụ Clutter - ông quyết tâm đến độ lấy vào nhóm công tác tin cậy của mình hai anh mõ rao chuyên nghiệp của Garden City: Bill Brown, biên tập viên tờ Điện tín Garden City và người điều hành đài phát thanh địa phương, KIUL.

Vẽ phác qua tình hình, ông nhấn mạnh đến các lý do khiến ông coi bí mật là quan trọng hàng đầu: “Hãy nhớ là có khả năng hai người này vô tội.”

Đây là một khả năng không dễ bác bỏ, Floyd Wells, người cung cấp thông tin, có thể dễ dàng đặt chuyện; không ít tù nhân hy vọng giành được ân huệ hoặc thu hút được sự chú ý của nhà chức trách nên đã bịa ra các chuyện tương tự. Song dù cho mỗi lời của Wells đều là khuôn vàng thước ngọc thì Dewey và các đồng nghiệp ông vẫn chưa tìm được một mẩu bằng chứng vững chắc - “bằng chứng pháp đình” nào. Cái gì họ phát hiện ra mà lại không thể bị diễn giải thành sự trùng hợp có thể tin được, tuy kỳ lạ? Cho dù Smith đi đến Kansas thăm Hickock bạn hắn, cho dù Hickock sở hữu một khẩu súng thuộc loại đã được dùng để gây án, và cho dù các nghi phạm đã bày ra một chứng cứ ngoại phạm giả để kể về hành tung của chúng vào cái đêm 14 tháng Mười một, song đâu phải nhất thiết vì vậy mà chúng là những kẻ sát nhân hàng loạt. “Nhưng chúng ta gần như chắc chắn là chúng. Chúng ta đều nghĩ như thế. Nếu không thì chúng ta cho báo động khắp mười bảy bang, từ Arkansas đến Oregon làm gì? Nhưng trong đầu thì hãy cứ nhớ cho rằng: có thể phải hàng năm trời chúng ta mới tóm được chúng. Chúng có thể đã rời nhau rồi. Hay bỏ vùng đất này đi. Chúng có cơ tới tận Alaska - mất tăm ở đấy thì chả khó gì. Chúng còn xổng thì vụ này còn chưa xong. Nói thẳng ra, công việc đang giẫm chân tại chỗ thế này thì muốn thế nào chúng ta cũng chẳng tiến được là bao cả. Chúng ta có thể chẹt cổ bọn chó đẻ này ngày mai mà không thể chứng minh được cái quái gì.”

Dewey không cường điệu. Ngoài hai dấu gót ủng, một mang hình viên kim cương và một nhãn Móng Mèo, bọn giết người không để lại một manh mối nào. Có vẻ chúng hết sức thận trọng cho nên chắc hẳn đã quăng mấy cái ủng kia từ lâu. Cả chiếc rađiô - cho dù chúng đã ăn cắp nó - điều mà Dewey vẫn có phần ngập ngừng không muốn công nhận bởi vì theo ông việc này tỏ ra “trái ngược đến mức lố bịch” với mức độ ghê gớm của tội ác và sự xảo quyệt của bọn tội phạm, “không thể quan niệm nổi” rằng những đứa này vào một ngôi nhà với hy vọng tìm thấy một két sắt bộn tiền, thế rồi tìm không thấy thì lại cho rằng tàn sát cả một gia đình vì dăm ba đô la và một chiếc rađiô xách tay bé tẹo là chuyện thích đáng. “Không có lời thú tội, chúng ta sẽ không bao giờ kết tội được,” ông nói. “Ý kiến tôi là thế. Do đó chúng ta thận trọng mấy cũng không thừa. Chúng nghĩ là chúng đã thoát được vụ này. Được, chúng ta lại muốn chúng nghĩ thế đấy. Chúng càng cảm thấy an toàn thì chúng ta càng sớm tóm được chúng.”

Nhưng bí mật là thứ hàng xa xỉ không quen thuộc ở một thị trấn cỡ Garden City. Bất cứ ai đến văn phòng cảnh sát trưởng - ba gian phòng lèo tèo đồ đạc và người quá đông ở tầng bốn của tòa án hạt - đều có thể phát hiện một không khí kỳ lạ, gần như hung hiểm. Cảnh tíu tít, tiếng rầm rì cáu kỉnh của mấy tuần gần đấy đã biến mất; một vẻ tĩnh lặng run rẩy thấm vào các ngóc ngách của chốn này. Bà Richardson, thư ký văn phòng, một con người rất thực tế, qua một đêm đã thủ đắc được một loạt những thầm thì kiểu cách, những điệu bộ rón ra rón rén, và những người mà bà phục vụ đây, cảnh sát trưởng và bộ sậu của ông, Dewey và kíp đặc vụ K.B.I nhập cảng đều lui tới khẽ khàng, chuyện trò với cái giọng kín đáo bí ẩn. Tựa như những người đi săn nấp ở trong rừng, sợ bất kỳ tiếng động hay cử chỉ bất thường nào cũng sẽ làm cho các con thú đang đến gần bỏ chạy.

Dân chúng bàn tán. Phòng Lối mòn của khách sạn Warren, một tiệm cà phê mà giới doanh nhân ở Garden City coi như câu lạc bộ riêng của mình, là một cái hang cứ xì xì xào xào những lời tiên đoán và tin đồn. Một công dân có máu mặt sắp bị bắt tới nơi rồi nhá, người ta nghe nói thế. Hay nghe nói vụ án mạng này là công việc của đám sát thủ mà những kẻ thù của Hội Các Nhà Trồng Lúa mì Bang Kansas thuê làm, hội này là một tổ chức tiến bộ và ông Clutter đóng vai trò quan trọng trong đó. Trong nhiều câu chuyện được nhỏ to này, chuyện gần như chính xác nhất là do một nhà đại lý xe hơi (ông ta không cho biết chính xác nguồn gốc chuyện) đóng góp: “Hình như có một người đã làm việc cho Herb đâu như từ năm 47 hay 48. Một người làm công chăn nuôi bình thường. Hình như đã đi tù, nhà tù bang, và khi còn ở đây hắn ta đã biết ông Herb là người giàu có lắm. Cho nên độ một tháng trước, khi họ thả hắn ra, thì việc đầu tiên hắn làm là đến đây trói mấy người này lại cướp rồi giết.”

Nhưng bảy dặm về phía Tây, trong một làng ở Holcomb, không thấy có một tẻo teo tin tức gây xúc động nào, một lý do là vì ở cả hai nơi cung cấp tin đồn chính của cộng đồng này - bưu điện và quán cà phê Hartman - thảm kịch Clutter một dạo đã trở thành một đề tài bị cấm. “Bản thân tôi nay chả muốn nghe một lời nào nữa,” bà Hartman nói. “Tôi đã bảo họ, chúng ta không thể tiếp tục sống thế này. Nghi ngờ ráo cả, toàn làm cho nhau sợ tưởng chết. Điều tôi nói là, nếu ông bà muốn nói chuyện đó thì xin tránh chỗ tôi đây ra.” Myrt Clare giữ một lập trường khá vững. “Dân đến đây mua con tem vài xu mà lại nghĩ có thể ở thêm ba giờ ba mươi ba phút để moi chuyện nhà Clutter. Vặt mất cánh của người khác đi. Đồ rắn đuôi chuông, rặt là thế cả thôi à. Tôi đâu có thì giờ mà nghe họ chứ. Tôi đang làm việc công - tôi là người đại diện cho chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Muốn gì thì đó cũng là bệnh hoạn. Al Dewey và những tay cảnh sát từ Topeka và Kansas City đến đều cỡ cốp, được coi là sắc như dao cả đấy chứ. Nhưng tôi chưa biết có ma nào lại nghĩ họ có cơ may bắt cái đứa làm chuyện kia. Nên tôi cho rằng im mồm đi là khôn. Ông bà sống cho tới khi chết, còn ông bà đi ra sao thì chuyện ấy không quan trọng, chết là chết. Thế nên tại sao chỉ vì ông Clutter bị cắt cổ mà cứ lẵng nhẵng đeo lấy cả một bị đầy những trò nghe thối tai đó làm gì? Kiểu gì thì cũng là bệnh hoạn. Polly Stringer nhà ở tít trên trường học ấy hả? Sáng nay Polly Stringer ở đây mà. Bà ấy bảo chỉ bây giờ, sau hơn một tháng thì trẻ con chúng mới hoàn hồn lại được. Điều này khiến tôi nghĩ: nếu họ bắt được một người thì sao? Nếu thế thì hẳn là một ai đó mà mọi người đều biết mới phải chứ. Và thế chắc là lại quạt cho lửa bùng to lên đây, cái nồi sôi đang bắt đầu nguội đi thì lại bê nó ra. Tôi thì tôi nói là chúng ta đã quá thừa kích động rồi.”

Còn sớm, chưa tới chín giờ, Perry là người khách đầu tiên của tiệm giặt Washateria, một tiệm giặt tự phục vụ lấy. Hắn mở cái va li rơm căng phồng, lôi ra một mớ quần đùi, bít tất, sơ mi (một ít là của hắn, một ít của Dick), ném vào chậu rồi giắt thanh chì - một trong những thanh mua từ ở Mexico về - vào trong một máy để cho máy chạy.

Perry rất thạo cách làm ăn của những cửa tiệm thế này, hắn thường hay đến đó và lấy làm sung sướng được “thư giãn” ngồi yên lặng chờ cho quần áo sạch khô. Nhưng hôm nay thì không. Hắn quá lo sợ. Mặc dù hắn đã cảnh cáo thế nào, Dick vẫn cứ thắng. Bây giờ chúng đã ở đây, quay lại Kansas City - mệt chết đi được, cuốc bộ, thêm vào đó nữa lại lái một chiếc xe ăn cắp! Cả đêm chúng đã phóng chiếc Chevrolet Iowa trong mưa dày hạt, đỗ hai lần để hút xăng, cả hai lần đều hút từ các xe đỗ ở mấy đường phố vắng ngắt của các thị trấn nhỏ đang ngủ yên lành. (Đây là việc của Perry, một việc mà hắn tự chấm điểm mình là “cao thủ vô đối. Chỉ cần một đoạn ống cao su ngắn, thế là đi cùng khắp xứ này đâu đâu tao cũng có xăng chả phải trả tiền.”) Hừng đông chúng đến Kansas City, đầu tiên là ra sân bay, vào phòng vệ sinh nam rửa ráy, cạo râu, đánh răng; hai giờ sau, khi đã làm một giấc ở phòng chờ máy bay, chúng quay trở lại thành phố. Chính ở đây Dick đã thả Perry xuống tiệm giặt Washateria, hứa một tiếng nữa sẽ quay lại đón.

Quần áo đã sạch và khô, Perry nhét vào lại va li. Đã hơn mười giờ. Cứ cho rằng đi đâu đó để “tiêu séc giả” thì Dick cũng đã quá hạn. Hắn chọn một cái ghế dài, ngồi chờ. Chỉ cách có gang tay là một cái ví phụ nữ. Cái ví đang giục bàn tay hắn bò dần tới. Nhưng vóc dáng người chủ cái ví, vạm vỡ nhất trong đám đàn bà đang sử dụng máy giặt, làm cho hắn nhụt chí. Có lần, khi hắn còn là một thằng bé ma cô ở San Francisco, hắn và một “lỏi Tàu” (Tommy Chan à? Hay Tommy Lee?) đã cùng làm ăn với nhau như một “nhóm giật ví”. Perry nhớ lại - và việc đó làm hắn vui lên, hào hứng lên. “Như một lần tụi tôi lẻn đến bên một bà cụ già, rất già, Tommy túm lấy cái ví nhưng bà lão, đúng là một con cọp cái, không chịu buông. Tommy càng giằng khỏe, bà lão càng giữ chặt. Rồi bà ta thấy tôi, bèn nói, “Cứu với! Cứu với!” thì tôi mới nói, “Này bà già, mẹ kiếp, tôi đang cứu nó thì có!” và thụi bà ta tới số. Bà ta ngã xuống đường. Hai đứa lấy được tất cả có chín mươi xu - tôi còn nhớ chính xác. Hai đứa tôi vào một quán ăn ba tàu và ăn dưới gầm bàn.”

Sự đời chẳng thay đổi mấy. Perry đã già hơn hai mươi tuổi và nặng hơn lên gần nửa tạ nhưng tình cảnh vật chất của hắn thì chẳng khấm khá lên được chút nào. Hắn vẫn cứ là thằng ăn bám cầu bơ cầu bất, sống nhờ mấy đồng bạc ăn cắp của người ta (mà có tin nổi không, một đứa thông minh như hắn, tài cán như hắn!).

Mắt hắn vẫn không sao rời được chiếc đồng hồ trên tường. Mười giờ rưỡi, hắn bắt đầu lo lắng. Mười một giờ chân hắn nhức giật lên thon thót, dấu hiệu của cơn hoảng loạn đang đến, bao giờ cũng vậy, “máu tôi sủi bong bóng”. Hắn nhai một viên aspirin, và cố xóa sạch đi - ít nhất là làm mờ đi - những hình ảnh khủng khiếp đang như một đám rước sáng lòa sống động trôi qua đầu hắn: Dick ở trong tay cảnh sát, có lẽ bị bắt trong khi đang viết một tấm séc giả hay mắc vào một vụ phạm luật giao thông tẹp nhẹp nào đó (rồi bị phát hiện là lái một chiếc xe “chôm”). Rất có thể chính trong lúc này Dick đang bị sa lưới giữa vòng vây những thám tử hung hăng. Mà họ chẳng phải đang bàn ba cái chuyện ba láp như séc giả hay ăn cắp xe đâu. Án mạng kìa, đó mới là vấn đề, dù muốn thế nào thì cái mối liên hệ mà Dick cầm chắc là không ai mò ra được đã bị mò ra. Và ngay bây giờ một xe đầy cảnh sát đang trên đường phóng tới Washateria đây.

Nhưng không, hắn tưởng tượng quá đấy thôi, Dick chẳng bao giờ làm thế. Nghĩ mà xem hắn thường nghe Dick nói thế nào. “Chúng có đánh tớ mù đi nữa tớ cũng không bao giờ nói cho nó biết cái gì hết á.” Dĩ nhiên Dick là một “cha phét lác”, hắn chỉ dữ dằn trong những trường hợp hắn rõ ràng là ở trên cơ, Perry biết quá rõ. Thình lình, vừa hay, hắn nghĩ đến một lý do ít làm hắn nản lòng hơn cho việc Dick vắng mặt lâu. Dick đi thăm bố mẹ hắn. Một việc làm nguy hiểm nhưng Dick là thằng “dốc lòng hiếu tử”, hay là hắn tuyên bố mồm như thế, đêm qua trong chuyến đi dài dưới mưa hắn đã bảo Perry, “Tớ muốn gặp ông bà già tớ. Các cụ không nói ra đâu, tớ muốn nói là các cụ sẽ không báo cho viên giám sát tù tạm tha đâu, sẽ không làm việc gì khiến chúng ta rắc rối. Tớ chỉ xấu hổ. Tớ sợ cái điều mẹ tớ sẽ nói. Về các tờ séc. Rồi đi tuốt như chúng ta. Nhưng tớ mong có thể gọi cho các cụ, nghe xem các cụ ra sao.” Nhưng việc đó là bất khả, vì nhà Hickock không có điện thoại; nếu có thì Perry đã reng một cái để xem Dick có đó hay không.

Ít phút sau, hắn lại đinh ninh Dick đã bị bắt thật. Chỗ chân đau của hắn rực nhói lên, lóe sáng khắp cơ thể hắn, và mùi nước giặt giũ, mùi hôi nồng nặc khói, tất cả lập tức làm hắn như phát ốm, kéo bật hắn dậy, đẩy hắn nhào ra cửa. Hắn đứng nơi vệ đường mà nôn như “một thằng say quắc cần câu”. Kansas City! Hắn chẳng đã biết Kansas City là vận đen và đã van Dick lánh cho xa đó sao? Bây giờ, có thể bây giờ, Dick đang hối hận là đã không nghe hắn. Và hắn nghĩ: còn ta thì sao đây, “với một hai hào lẻ và một bó những thanh chì vụn trong túi?” Đi đâu được đây? Ai giúp được hắn chứ? Bobo? Ở đó mà mong! Nhưng chồng mụ thì có thể. Theo tính của Fred Johnson thì có thể sẽ bảo đảm cho Perry một việc làm sau khi ra tù, vậy là giúp hắn giữ lời hứa. Nhưng Bobo không chịu; mụ đã nói như thế chỉ dẫn đến rắc rối, và có thể nguy hiểm nữa. Thế rồi mụ đã biên thư cho Perry nói rõ ràng ra như thế. Một ngày nào đó hắn sẽ trả đũa cho mụ biết tay, vui vẻ tí chơi, chuyện vãn với mụ - khoe khả năng của hắn, nhả ra chi tiết những trò hắn có thể làm với những người như mụ, những người đáng kính, an toàn và phè phỡn chính xác giống như Bobo. Đúng, cho mụ biết hắn có thể nguy hiểm đến thế nào, cho mụ sáng mắt ra. Đó là điều hắn đã làm - đi Denver thăm nhà Johnson. Fred Johnson sẽ đỡ đần để cho cuộc đời mới của hắn bắt đầu khởi động; ông ta cần phải làm thế nếu ông ta muốn tống khứ hắn đi cho khuất mắt.

Lúc đó Dick lại gần hắn ở chỗ vệ đường. “Kìa, Perry, hắn nói, “cậu ốm à?”

m thanh tiếng nói của Dick như một phát tiêm ma túy mạnh, một chất ma túy, xâm chiếm các tĩnh mạch của hắn, gây ra một cơn mê sảng gồm những cảm giác chống chọi nhau: căng thẳng và thư giãn, phẫn nộ và âu yếm. Hai tay nắm lại thành quả đấm, hắn tiến về phía Dick. “Mày, thằng chó,” hắn nói. Dick cười toe toét, nói, “Thôi nào. Chúng ta lại được ăn rồi đây.”

Nhưng theo lệ là phải có giải thích - và cả xin lỗi nữa - thế rồi khi hai đứa ngồi xơi một bát thịt bò ớt đậu ở nhà hàng thịt băm Buýp Phê Đại Bàng mà Dick thích nhất ở Kansas City, Dick nói, “Tớ xin lỗi, bồ. Tớ biết cậu sẽ nổi cơn mà. Thử nghĩ xem, làm thế nào tớ lại đụng ngay một tên cớm. Nhưng vận tớ cũng đỏ gớm, cho nên chắc là tớ thoát được rồi.” Hắn giải thích rằng sau khi chia tay với Perry, hắn đến công ty Markl Buick, là cái hãng xe hơi đã có lần thuê hắn, hy vọng kiếm được một cặp biển số xe để thay cho cặp biển số dễ bị phát hiện của chiếc Chevrolet chúng cuỗm. “Tớ lẻn vào rồi ra mà chẳng ma nào thấy cả. Markl vốn là một nơi nổi tiếng bán xe bẹp xe nát. Quả nhiên là ở đằng sau công ty có một chiếc De Soto bẹp rúm với biển của bang Kansas.” Còn hiện thời thì chúng ở đâu nào? “Ở trên cỗ xe một ngựa của chúng ta đây, bạn ơi.”

Thay biển số xong, Dick ném biển số của bang Iowa vào một bể chứa nước của thành phố. Rồi hắn đỗ lại ở một trạm xăng mà thằng bạn học cùng lớp với hắn trước kia tên là Steve đang làm việc, hắn thuyết phục Steve nhận thanh toán bằng tấm séc năm chục đô, điều trước đây hắn chưa từng làm bao giờ - “bịp một thằng bạn hữu”. Thôi được, hắn chẳng bao giờ gặp lại Steve nữa đâu mà. Đêm nay hắn sẽ “tách hộ khẩu” ra khỏi Kansas City, lần này thì là mãi mãi. Hà cớ gì mà không xiết dăm thằng bạn cũ nào? Với ý nghĩ đó, hắn đã tìm một bạn học cùng lớp khác, làm nghề bán thuốc. Ở đây hắn mua sắm đến bảy mươi đô. “Giờ thì, tối nay, chúng mình sẽ chơi cho tới hai trăm. Tớ đã lên danh sách những nơi đánh phá rồi. Sáu bảy chỗ, bắt đầu ngay từ đây,” hắn nói, ý bảo chính Buýp Phê Đại Bàng đây, nơi mà tất cả mọi người - từ tay đứng quầy cho đến các anh bồi - thảy đều biết hắn và ưa hắn, gọi hắn là Dưa Chua (để vinh danh món khoái khẩu của hắn). “Rồi thì Florida, ta sẽ đến đó. Thấy sao hở bồ? Tớ chẳng đã hứa là chúng mình sẽ ăn Nôen ở Miami đó sao? Y hệt như mọi thằng triệu phú nhá.”

Dewey và đồng sự, đặc vụ K.B.I Clarence Duntz đang đứng chờ bàn trống ở Phòng Lối mòn. Nhìn quanh các bộ mặt quen thuộc vào giờ ăn trưa - đám doanh nhân da thịt mềm nhẽo và cánh chủ trại rám nắng nước da thô - Dewey nhận ra những người quen đặc biệt: bác sĩ Fenton, chuyên viên pháp y địa phương; Tom Mahar, ông giám đốc Warren; Harrison Smith, người đã tranh cử chức chưởng lý tỉnh năm ngoái nhưng thua Duane West, cả Herbert W. Clutter, chủ Trại Lũng Sông và là thành viên dự học Trường Chủ nhật của Dewey. Khoan, khoan nào! Chẳng phải là Dewey đã dự đám tang ông ta hay sao? Thế mà ông ta lại ở đây, ngồi ở góc lượn tròn của Phòng Lối mòn, đôi mắt màu nâu linh hoạt, đôi quai hàm vuông góc, vẻ tốt lành chân chất không hề bị cái chết làm khác đi chút nào. Nhưng Herb không ngồi một mình. Cùng bàn với ông có hai người trẻ tuổi và, nhận ra họ, Dewey bèn huých Duntz.

“Nhìn kìa.”

“Đâu cơ?”

“Quỷ tha ma bắt!”

Hickock và Smith đó! Nhưng hai bên lúc này đều đã nhận ra nhau. Hai thằng kia ngửi thấy nguy hiểm. Chúng quăng mình, qua cửa kính Phòng Lối mòn, chân đi trước, Dewey và Duntz nhảy bổ theo sau, hộc tốc chạy dọc Phố Chính, qua Palmer Jewelry, Norris Drugs, quán cà phê Garden, vòng góc phố xuôi xuống nhà ga rồi chui vào, thụt ra, trốn tìm ú tim giữa một lô những tòa tháp trắng cất giữ hạt ngũ cốc. Dewey rút súng, Duntz cũng vậy, nhưng khi họ nhắm bắn thì xảy ra điều kỳ dị. Thình lình, hết sức khó hiểu, (như trong giấc mơ vậy!) ai cũng đều bơi hết - kẻ đuổi, thằng chạy - đạp thòm thòm cái mặt nước rộng ghê gớm mà Phòng Thương mại Garden City rêu rao là “Bể bơi KHÔNG MẤT TIỀN lớn nhất thế giới”. Khi hai vị thám tử chạy ngang hàng với hai con mồi thì kìa, thêm lần nữa cảnh tượng đó lại nhòa mờ đi, nhòa mờ thành một cảnh tượng khác (Làm sao lại xảy ra cái trò này được nhỉ? Mình đang mê chăng?): nghĩa trang Cảnh Lũng, cái hòn đảo xám xanh của những nấm mồ, những thân cây những lối đi có trồng hoa, một ốc đảo yên bình cành lá xum xuê khe khẽ rì rào tựa như mảng bóng mây râm mát trên những bình nguyên trồng lúa mì rờ rỡ ở phía Bắc thị trấn. Nhưng bây giờ thì Duntz biến mất, còn lại Dewey với hai kẻ bị săn đuổi. Mặc dù không thấy chúng, ông biết chắc chúng đang trốn giữa những người chết, lom khom nấp sau một tấm bia mộ, có khi là bia mộ của chính cha ông: “Alvin Adams Dewey, 06/09/1879-26/01/1948”. Súng trong tay, ông bò dọc các lối mòn trang nghiêm, cho tới khi nghe tiếng cười và mò ra được hướng của nó, ông nhìn thấy Smith và Hickock nhưng chúng không hề ẩn nấp gì hết mà đang đứng xoạc cẳng trên nấm mồ chung hãy còn chưa được khắc tên của Herb, Bonnie, Nancy và Kenyon, chúng đứng dạng chân, tay chống nạnh, đầu ngật ra đằng sau, cười sằng sặc. Dewey bắn... bắn nữa... bắn nữa... Không ai ngã, tuy đứa nào cũng đã bị bắn ba phát trúng tim; chúng chỉ từ từ biến thành trong suốt, từng tí từng tí một hóa thành vô hình, bốc hơi, mặc dù tiếng cười vẫn cứ tràn ra cho tới lúc Dewey cúi xuống, chạy xa khỏi nó, lòng tràn ngập một nỗi tuyệt vọng quá mênh mông và chính nó đã đánh thức ông.

Khi tỉnh lại, ông tựa như là một đứa nhỏ mười tuổi đang ốm sốt và run lật bật; tóc ông ướt đầm, sơ mi sũng mồ hôi dính bết vào người. Căn phòng ở sở cảnh sát, nơi ông đã khóa trái tự nhốt mình trước khi ngủ vùi nơi bàn giấy, thì lờ mờ trong ánh chiều hôm. Lắng tai, ông nghe thấy điện thoại của bà Richardson réo trong buồng làm việc kế bên. Nhưng bà không ở đấy để trả lời; văn phòng đã đóng cửa. Trên đường đi ra, ông đã tính cứ mặc kệ chiếc điện thoại reo, nhưng rồi ông ngập ngừng. Có thể là Marie gọi hỏi xem ông có còn làm việc không, bà có nên chờ ông về ăn tới không.

“Ông A. A. Dewey, xin hỏi. Kansas City đang gọi.”

“Tôi, Dewey đây.”

“Kìa, nói đi, Kansas City. Người của các ông đang ở đầu dây đó.”

“À? Nye đây.”

“À cậu đó hả.”

“Chuẩn bị mà đón mấy tin rất tuyệt đây.”

“Chuẩn bị xong.”

“Bọn bạn chúng mình ở đây. Ngay tại Kansas City này.”

“Sao cậu biết?”

“À, chúng có giữ bí mật quái gì đâu. Hickock đi từ đầu này đến đầu kia thị trấn viết các tờ séc. Lấy ngay tên nó.”

“Chính tên nó. Vậy ắt có nghĩa là nó không định nán lâu ở đây - hoặc là thế hoặc là nó vững tin ở nó ghê lắm. Thế Smith vẫn cứ ở với nó à?”

“Ồ, vẫn rất O.K với nhau. Nhưng lái một chiếc xe khác. Một chiếc Chevrolet 1956 - hai cửa, sơn trắng và đen.”

“Biển Kansas?”

“Biển Kansas. À nghe này Al, cánh ta may đấy! Chúng nó mua một cái ti vi, nghe không? Hickock đưa cho người bán một tấm séc. Vừa lúc chúng lái đi thì người này lại nảy ý ghi lại luôn biển số xe chúng nó. Phê ngay vào lưng séc. Johnson County, biển số 16212.”

“Kiểm tra số đăng ký xe chưa?”

“Đoán coi nào?”

“Đó là xe ăn cắp.”

“Chứ còn gì nữa. Nhưng biển số dứt khoát đã được thay. Các ông bạn chúng ta lấy biển số từ chiếc De Soto bẹp ở một ga ra tại Kansas City.”

“Được biết lúc nào?”

“Sáng qua. Ông chủ (Logan Sanford) có trình báo khẩn về số xe mới và mô tả xe rồi.”

“Còn cái trại của Hickock thì sao? Nếu chúng nó còn ở trong khu này thì chắc hẳn sớm muộn gì cũng sẽ đến đó.”

“Chớ lo. Bọn mình đã theo dõi ở đó rồi. Al à...”

“Đây.”

“Mình chỉ mong có thế. Cho lễ Nôen này. Chỉ mong có thế. Gói xong được vụ này. Gói xong là ngủ liền cho tới năm mới. Chẳng phải là một quà tặng oách đó sao?”

“Mình hy vọng cậu sẽ có được quà tặng đó.”

“Được, hy vọng cả hai chúng mình đều được.”

Sau đó, khi đi qua quảng trường tòa án đang tối dần, tư lự kéo lê chân trong đống lá khô rụng chưa vun lại, tự hỏi tại sao mình không hề phấn khởi trước cái tin kia. Tại sao, khi lúc này ông đã biết những kẻ tình nghi không phải mất hút mãi mãi vào Alaska hay Mexico hay Timbuctoo, khi chỉ một giây nữa thôi sẽ có thể tiến hành bắt chúng - mà ông lại không cảm thấy chút kích động nào như lẽ ra phải thế nhỉ? Cái lỗi là ở giấc mơ hồi nãy, vì tâm trạng buồn thảm của nó vẫn còn lởn vởn chưa tan, làm cho ông phải nghi vấn về những lời khẳng định của Nye - ở một nghĩa nào đó là không tin. Ông không tin rằng Hickock và Smith sẽ bị bắt ở Kansas City. Chúng bất khả xâm phạm.

Bờ biển Miami, 355 Ocean Drive là địa chỉ của khách sạn Somerset, một tòa nhà vuông vức, nhỏ, sơn ít nhiều màu trắng, với nhiều vết chấm quệt màu oải hương, có tấm biển hiệu màu tím nhạt đề “Có chỗ - Giá hạ nhất - Tiện nghi dùng trên bãi biển - Luôn có gió biển mát mẻ.” Đó là một trong những khách sạn xây xi măng và vữa xếp hàng dọc khu phố trắng lóa, buồn thiu. Tháng Mười hai năm 1959, “tiện nghi dùng trên bãi biển” của Somerset gồm có hai cái dù cắm vào một dải cát ở đằng sau khách sạn. Một cái dù, màu hồng, có chữ đề “Chúng tôi có bán kem Valentine.” Ngày Nôen, vào buổi trưa, một bộ bốn bà nằm lê la dưới và quanh cái dù, một chiếc rađiô bán dẫn dâng hiến mấy bà các bản tình ca. Cái dù thứ hai, màu lam, mang mệnh lệnh “Hãy làm rám nắng bằng thuốc Coppertone” thì che cho Dick và Perry, hai thằng đã sống năm ngày tại Somerset, trong một buồng đôi thuê mỗi tuần mười tám đô la.

Perry nói. “Cậu chưa bao giờ chúc tớ Nôen vui vẻ.”

“Nào bồ, Nôen vui vẻ. Và chúc mừng năm mới.”

Dick mặc quần tắm nhưng Perry thì, như ở Acapulco, từ chối phơi chân cẳng tàn tật của mình ra - hắn sợ cái hình ảnh ấy sẽ “xúc phạm” những người tắm biển khác - vậy nên hắn ngồi đó quần áo y nguyên, cả giày và bít tất. Tuy nhiên hắn vẫn tương đối hài lòng, và khi Dick đứng lên bắt đầu biểu diễn mấy động tác thể dục - trồng cây chuối, cố ý gây ấn tượng với mấy bà bên dưới cái dù hồng - thì hắn đọc tờ Herald của Miami. Một bài ở trang trong lôi cuốn toàn bộ tâm trí hắn. Nó nói về án mạng, vụ giết một gia đình ở Florida, ông và bà Clifford Walker, đứa con trai lên bốn và đứa con gái lên hai của ông bà này. Mỗi nạn nhân, tuy không bị trói và dán miệng, đều bị bắn xuyên đầu bằng súng nòng 22 ly. Không có dấu vết và có vẻ không có động cơ gì, vụ án xảy ra đêm thứ Bảy, ngày 19 tháng Mười hai, tại nhà ông Walker, một trại chăn nuôi gia súc không xa Tallahassee là bao.

Perry bảo Dick ngừng biểu diễn để đọc to bài báo lên rồi nói, “Đêm thứ Bảy trước chúng mình ở đâu nhỉ?”

“Tallahassee à?”

“Tớ đang hỏi cậu mà.”

Dick tập trung suy nghĩ. Đêm thứ Năm, thay nhau ngồi lái, chúng đã ra khỏi Kansas, qua bang Missouri vào Arkansas và đến tận Ozarks, “tít” mãi trên bang Louisiana, ở đó, một máy phát điện bị cháy khiến chúng phải dừng lại vào sáng sớm thứ Sáu. (Ở Shreveport, chúng mua máy khác thay, đồ cũ dùng lại, giá hai mươi hai đô rưỡi.) Đêm đó chúng đỗ xe lại ngủ ở lề đường, một nơi nào đó gần biên giới hai bang Alabama và Florida. Chuyến đi ngày hôm sau, chẳng vội vàng hấp tấp gì, gồm có nhiều đoạn vòng vèo để du lịch - đến thăm một trại nuôi cá sấu châu Mỹ và một trại nuôi rắn đuôi chuông, đi tàu đáy thủy tinh trên một cái hồ ngập nước trong như bạc, một bữa trưa, thật ra là lúc đã gần về chiều, kéo dài và đắt đỏ, toàn tôm hùm nướng, ở một quán ăn hải sản bên đường. Ngày đẹp làm sao! Nhưng cả hai đều mệt phờ khi tới Tallahassee cho nên đã quyết định qua đêm ở đây. “Đúng, Taliahassee!” Dick nói.

“Ngộ thật!” Perry đọc qua bài báo lần nữa. “Biết vì sao tớ không ngạc nhiên không? Cái này mà lại không phải do một thằng điên nào đó làm à. Thằng ngu nào đó đọc được về những gì xảy ra ở đằng Kansas ấy.”

Vì không thiết nghe Perry “lại xoáy vào cái chuyện kia”, Dick nhún vai mỉm cười rồi nhon nhón đi ra rìa nước, phơi cho ửng hồng da thịt lên một lúc ở trên mặt cát bị sóng tấp vào đẫm nước, lom khom cúi chỗ này chỗ kia nhặt vỏ ốc. Lúc còn bé hắn ganh vô cùng với thằng con nhà hàng xóm cứ ngày lễ là đến bờ biển Gulf Coast và quay về với những cái hộp đầy ốc - sao mà hắn ghét thằng đó thế, cho nên hắn mới ăn cắp hết mớ vỏ ốc đó và lấy búa đập cho nát từng con một. Lòng đố kỵ luôn luôn tồn tại trong người hắn; kẻ thù là bất cứ ai, bất cứ kẻ nào mà hắn muốn mình trở thành hoặc là kẻ có bất cứ thứ gì đấy hắn muốn có.

Chẳng hạn, người đàn ông hắn đã trông thấy ở bên bể bơi Fontainebleau. Dù xa hàng dặm, hắn vẫn có thể nhìn thấy, phủ dưới tấm màn mỏng do hơi nóng bốc lên và ánh biển mùa hè lấp lóa, những nóc tháp của các khách sạn mờ mờ xa xỉ - khách sạn Fontainebleau, khách sạn Eden Roc, khách sạn Roney Plaza. Ngày thứ hai đến Miami, hắn đã gợi ý với Perry là chúng sẽ xâm nhập vào những nhà-vòm-lạc-thú đó. “May ra lại vớ được một cặp mụ già giàu sụ thì sao,” hắn nói. Perry do dự lắm; hắn cảm thấy người ta sẽ nhìn chằm chằm vào chúng vì những cái quần kaki và áo ba lô. Thật ra, chuyến thăm viếng những gian nhà xa hoa tráng lệ của Fontainebleau đã chẳng hề bị ai để ý tới, chúng lẫn hòa trong đám người đi lại loanh quanh vận quần soóc Bermuda bằng lụa mộc kẻ sọc óng ánh, những người đàn bà mặc quần áo tắm đồng thời khoác áo choàng bằng lông chồn vidông. Hai kẻ đột nhập loanh quanh trong hành lang đại sảnh, la cà vào vườn, phất phơ bên bể bơi. Dick nhìn thấy người đàn ông ấy ở chỗ này, hắn trạc tuổi Dick - hai tám ba mươi gì đó. Hắn có thể là một “tay cờ bạc đỏ đen hay luật sư hay có lẽ là một gã găng tơ Chicago không chừng”. Dù là gì đi nữa, nom như hắn đã hiểu hết mọi vinh quang của đồng tiền và quyền lực. Một cô gái tóc vàng giống hệt Marilyn Monroe đang xoa dầu bắt nắng lên người hắn, bàn tay đầy nhẫn, lười biếng của hắn với ra lấy một cốc nước cam ướp lạnh. Tất cả cái đó thuộc về hắn, thằng Dick này, nhưng hắn sẽ không bao giờ có được. Tại sao thằng chó đẻ ấy lại có mọi thứ, trong khi mình thì không? Tại sao cái thằng cha “chó chết thối thây” ấy lại có mọi sự may như thế? Với một con dao trong tay thì hắn, Dick, hắn cũng sẽ có quyền lực thôi. Bọn chó chết thối thây này tốt hơn hết là hãy liệu hồn không thì hắn có thể “phanh cái thây chúng toang hoang ra để cho cái vận đỏ của chúng phọt lên mặt sàn nhà”. Nhưng ngày hôm nay của Dick thì lụn bại rồi. Cô gái tóc vàng xinh đẹp xoa xoa mãi dầu bắt nắng kia đã làm cho nó bị lụn bại mất rồi. Hắn bảo Perry, “Chúng mình rút mẹ nó ra khỏi đây đi.” Bây giờ một đứa con gái, chắc tầm mười hai tuổi, đang vẽ những hình thù lên cát, cầm một mảnh gỗ trôi dạt tạc những mặt người thô kệch, to đùng. Lấy cớ chiêm ngưỡng nghệ thuật của nó, Dick cho nó những con ốc nhặt được. “Làm mặt cho bọn kia được đấy,” hắn nói. Đứa bé nhận món quà và hắn nháy mắt với nó. Hắn cảm thấy ân hận khi làm như thế với đứa bé, vì thói quan tâm bậy bạ đến trẻ gái là một nhược điểm mà hắn “thật lòng lấy làm xấu hổ” - một bí mật hắn không tâm sự với ai và hy vọng không ai ngờ (tuy hắn biết Perry có để ý tới), vì người khác có thể nghĩ như thế là không “bình thường”. Mà chắc chắn là hắn tự đinh ninh về mình như vậy - “một người bình thường”. Gạ gẫm gái dậy thì, như hắn đã làm “tám chín bận” trong mấy năm vừa qua, không hề chứng tỏ điều ngược lại, bởi vì sự thật rành rành ra đấy, phần lớn đàn ông thứ thiệt đều có ham muốn giống như hắn thôi. Hắn nắm bàn tay đứa nhỏ nói, “Cháu là cháu gái cưng của chú. Bồ thân yêu bé bỏng của chú.” Nhưng đứa nhỏ phản đối. Bàn tay nó, bị hắn nắm lấy, giẫy lên như con cá mắc câu, và hắn nhận ra cái vẻ kinh ngạc trong mắt nó, nhớ những vụ xảy ra trước đây trong cái nghiệp này của hắn. Hắn thả tay ra, khe khẽ cười và nói, “Đùa thôi. Bé không thích đùa vui à?”

Vẫn nằm dài dưới cái dù lam, Perry đã quan sát thấy cảnh này và lập tức hiểu ra mục đích của Dick, hắn liền lập tức khinh bỉ; hắn “không có một chút kính trọng nào với những ai không kiềm chế được bản thân về mặt tình dục”, đặc biệt là sự thiếu kiềm chế này lại dính đến cái mà hắn gọi là “sự lệch lạc bệnh hoạn” - “dụ trẻ”, “pêđê”, hiếp dâm. Và hắn nghĩ hắn đã tỏ thái độ rõ ràng với Dick rồi; đúng vậy, chẳng phải chúng đã suýt nữa thì đấm đá nhau, mới đây thôi chả phải hắn đã ngăn Dick không được hiếp một đứa con gái đang kinh hoảng đấy sao? Nhưng hắn sẽ chẳng dám nhắc lại cuộc đọ sức đặc biệt như thế nữa. Hắn nhẹ người thấy đứa nhỏ đi ra xa khỏi Dick.

Những bài hát Nôen đầy ắp trong không khí; chúng ào ra từ chiếc rađiô của bốn người đàn bà và hòa trộn lạ lùng vào với ánh nắng của Miami, hòa với tiếng kêu của những con hải âu không bao giờ ngừng cãi cọ, không bao giờ im lặng hoàn toàn. “Ôi, chúng ta hãy đến thờ phụng yêu kính Người. Ôi, chúng ta hãy đến thờ phụng yêu kính Người”: một bài đồng ca nhà thờ, một điệu nhạc cao quý khiến Perry tràn nước mắt - những giọt nước không chịu ngừng tuôn dù tiếng nhạc đã tắt. Và như một điều không hiếm hoi gì vẫn xảy ra khi hắn bị xúc động đến như thế, hắn lại dấn sâu vào cái khả năng có “sức dụ dỗ ghê gớm” đối với hắn: tự sát. Lúc bé hắn thường nghĩ tới việc tự sát, nhưng đó là những mơ mộng sướt mướt đa cảm đẻ ra từ lòng mong muốn trừng phạt bố hay mẹ hay những kẻ thù khác mà thôi. Nhưng từ ngày trưởng thành làm người, cái viễn cảnh kết liễu cuộc đời hắn ngày càng mất đi chất huyền ảo của nó. Hắn chắc phải nhớ rằng đó là “giải pháp” của Jimmy, và của Fern nữa. Sau này nó đã đi tới chỗ có vẻ như không chỉ là một sự lựa chọn nữa mà chính là cái chết cụ thể đang chờ đợi hắn.

Muốn gì thì hắn cũng thấy là hắn “chẳng có gì nhiều nhặn để vì nó mà sống”. Những hòn đảo nóng bức, vàng bạc châu báu chôn dưới đất sâu, lặn sâu vào những vùng biển nước màu lửa xanh để tới các kho tàng đắm - những giấc mơ như thế đã tắt ngấm cả rồi. Tắt ngấm rồi, cả “Perry O’Parsons”, cái tên đặt ra cho có chút du dương lúc hát trên sân khấu hay màn bạc, điều hắn đã nghiêm túc hy vọng là có một ngày nó sẽ thành sự thực. Chưa được sống, Perry O’Parsons đã chết ngóm. Có cái gì để nhằm tới cơ chứ? Hắn và Dick “đang chạy trên một đường đua không có đích - đó là điều làm cho hắn bàng hoàng. Và bây giờ, sau chưa đến một tuần ở Miami, cuộc xê dịch dài dằng dặc lại sắp sửa bắt đầu trở lại. Mới làm việc một ngày ở công ty dịch vụ xe hơi ABC với mức lương sáu mươi lăm xen một giờ, Dick đã bảo hắn, “Miami đếch bằng Mexico. Sáu lăm xu! Tớ thì không đâu nhé. Tớ là da trắng.” Cho nên ngày mai, với hai mươi bảy đô la gây dựng ở Kansas City còn sót lại, chúng ta hướng về phía Tây mà lên đường nữa, tới Texas, tới Nevada - “không đâu dứt khoát hết”.

Dick lội vào trong sóng xong giờ quay lại. Hắn vật mình xuống bờ cát dính nhớp, úp mặt, im lìm không thở, người ướt đầm.

“Nước thế nào?”

“Tuyệt.”

Sinh nhật của Nancy Clutter vào ngay sau Tết nên rất gần với Nôen, việc ấy gây ra bao nhiêu là sự khó cho Bobby Rupp bạn trai cô. Cậu đã căng hết óc cố nghĩ cho ra hai món quà thích hợp cho hai dịp gần nhau quá như thế. Nhưng hằng năm, với số tiền kiếm được trong dịp hè làm việc - trang trại củ cải đường của bố, cậu đã cố hết sức làm lụng, và rồi sáng Nôen hối hả đến nhà Clutter mang theo một bọc mà các chị em cậu đã giúp gói ghém cho và cậu hy vọng sẽ làm cho Nancy ngạc nhiên vui thích. Năm ngoái cậu tặng cô một trái tim nho nhỏ bằng vàng có lồng ảnh. Năm nay, cũng lo trước như mọi lần, cậu đang phân vân giữa nước hoa ngoại nhập bán ở tiệm thuốc Norris và đôi ủng cưỡi ngựa. Nhưng rồi Nancy chết.

Sáng Nôen, thay vì nhào đến Trại Lũng Sông, cậu ở nhà và đến tối thì cùng gia đình chia sẻ bữa ăn linh đình mà mẹ cậu đã để cả tuần ra lo liệu. Mọi người - bố mẹ và bảy anh chị em cậu - đều dịu dàng ân cần với cậu do câu chuyện bi thảm kia. Không ai hiểu cho rằng cậu đang ốm thật, rằng bi thương đã khiến cậu như thế, bi thương đã kéo đến quanh cậu một vòng tròn mà cậu không thể thoát ra, cũng như không ai có thể bước vào - có lẽ trừ Sue. Trước khi Nancy chết cậu không đánh giá đúng Sue, không bao giờ thấy thoải mái khi ở bên cô. Cô quá khác - coi là nghiêm túc những việc mà ngay cả các cô gái cũng không cần coi nghiêm túc: vẽ, làm thơ, những bản nhạc cô chơi trên piano. Và dĩ nhiên cậu tị với cô: vị trí của cô trong thang đánh giá của Nancy ít nhất là cũng ngang với vị trí của cậu, tuy thuộc một trật tự khác. Nhưng chính vì vậy mà cô hiểu được sự mất mát của cậu. Không có Sue, không có cô gần như ở thường xuyên bên cậu thì làm sao cậu chịu nổi một loạt những chấn động đổ xuống mình như vậy - bản thân tội ác, những cuộc thẩm vấn của John Dewey, sự nực cười pha lẫn bi kịch của việc cậu đã từng một dạo là nghi phạm?

Rồi, sau khoảng chừng một tháng, tình bạn lụi đi. Bobby ít đến ngồi ở gian phòng khách xinh xinh ấm cúng của nhà Kidwell hơn và nếu cậu có đến thì xem vẻ Sue cũng bớt đón mừng hơn. Rắc rối là ở chỗ cái điều họ đang muốn quên đi thì hai người lại cứ buộc nhau than khóc tưởng niệm đến nó. Đôi lúc, khi chơi bóng rổ hay lái xe tám chục dặm một giờ trên các con đường quê, hay khi, như một phần của chương trình rèn luyện tự đặt ra (tham vọng của Bobby là sẽ làm huấn luyện viên thể dục ở trường trưng học), cậu chạy bộ một cự ly dài qua các cánh đồng bằng phẳng vàng óng thì cậu có thể quên. Còn bây giờ, sau khi giúp dọn hết đĩa thìa ở bàn ăn bữa tối ngày lễ, việc cậu quyết định làm là mặc áo len vào rồi đi vơ vẩn một lát.

Thời tiết khá đẹp. Ngay cả với miền Tây Kansas đây, vốn nổi tiếng bởi mùa hè da đỏ kéo dài của nó, mẫu thời tiết này cũng là không tự nhiên - không khí khô, mặt trời gắt, bầu trời xanh. Các nhà chăn nuôi lạc quan dự đoán một “mùa đông mở” - một mùa dìu dịu đến nỗi gia súc có thể gặm cỏ suốt cả mùa. Những mùa đông như thế hiếm xảy ra nhưng Bobby có thể nhớ được một - cái năm cậu bắt đầu tán tỉnh Nancy. Cả hai lúc đó đều mười hai tuổi, sau giờ học cậu hay mang cặp sách của cô đi suốt một dặm từ trường Holcomb về nông trại của bố mẹ cô. Nếu thời tiết nóng mặt trời rừng rực, hai đứa thường dừng lại trên đường, ngồi xuống bên sông, một mẩu của con sông Arkansas uốn khúc, dòng nước nâu lờ đờ chảy.

Một lần Nancy bảo cậu, “Có một mùa hè, hồi nhà tớ ở Colorado, tớ đã thấy chỗ con sông Arkansas bắt đầu. Đúng chỗ ấy. Nhưng cậu sẽ không tin nó là con sông của chúng ta đâu. Nó không màu này. Mà trong như nước uống cơ. Chảy nhanh nữa. Và đầy những tảng đá. Những vực xoáy. Bố bắt được một con cá hồi.” Chuyện này, ký ức của Nancy về thượng nguồn của con sông, đã ở lại với Bobby, và từ khi Nancy chết… Chà, cậu không giải thích được, nhưng bất cứ khi nào cậu nhìn con sông Arkansas thì trong chốc lát nó liền biến đổi, cái cậu nhìn thấy không phải một dải nước pha bùn quanh co lượn qua các bình nguyên bang Kansas mà là cái Nancy đã tả - một con lũ Colorado lạnh buốt, trong như pha lê, có cá hồi và lao vút xuống thung lũng. Nancy đã từng là thế đó: như con nước trẻ trung - mãnh liệt, tươi vui.

Nhưng mùa đông miền Tây Kansas thường làm đường sá tê liệt, làm băng đóng trên các cánh đồng và giờ như dao cạo khiến thời tiết trước Nôen biến đổi. Vài năm qua, tuyết luôn rơi vào đêm Nôen và vẫn tiếp tục rơi, và sáng hôm sau khi Bobby lên đường tới cơ ngơi nhà Clutter, một cuốc đi bộ ba dặm, cậu đã phải vật lộn với những vạt tuyết cao ngất. Đáng như thế, vì tuy cậu bị cứng đơ ra và cả người đỏ tía nhưng sự đón tiếp mà cậu nhận được đã làm băng tuyết trong cậu tan hoàn toàn. Nancy bàng hoàng và tự hào, mẹ cô thường ngày vốn rụt rè xa cách thì ôm choàng lấy cậu mà hôn, nài cậu quấn một tấm chăn rồi ngồi gần bên đống lửa trong phòng khách nhỏ. Trong khi cánh phụ nữ làm lụng trong bếp, cậu và Kenyon cùng ông Clutter ngồi quanh lửa tách hạt dẻ và quả hồ đào; ông Clutter bảo ông nhớ lại một Nôen khác, hồi ông bằng tuổi Kenyon, “Chúng tôi có bảy người, mẹ, bố tôi, hai cô con gái và ba cậu con trai bọn tôi. Chúng tôi ở một nông trại xa thị trấn lắm... Vì lý do đó chúng tôi thành ra có thói quen mua sắm cho Nôen tất tật cùng một lượt - làm một chuyến đi và mua hết tất cả. Cái năm mà tôi đang nhớ lại đây, buổi sáng chúng tôi toan đi thì tuyết rơi cao như hôm nay này, cao hơn ấy, và cứ rơi hoài, những bông tuyết to như cái đĩa. Coi vẻ chúng tôi đang lâm vào cảnh Nôen bị tuyết trói chân và chẳng có quà cáp gì treo dưới cây thông. Mẹ tôi và đám con buồn thiu. Rồi tôi nảy ra một ý.” Ông sẽ đóng yên cương lên con ngựa cày khỏe nhất rồi cưỡi vào trong thành phố mua mọi thứ cho cả nhà. Mọi người tán thành. Tất cả đưa chỗ tiền để dành của mình ra cho ông cùng một danh sách các thứ mình muốn mua: bốn mét vải bông, một quả bóng, một cái gối cắm kim khâu, đạn súng săn - một loạt yêu cầu mà mãi đến tối ông mới thực hiện được đầy đủ. Trên đường về nhà, các thứ đó được đựng trong một cái xắc bằng vải dầu, ông biết ơn bố đã bắt ông phải mang theo cây đèn bão, và ông lại còn vui nữa là vì yên cương ngựa có gắn chuông, vì cả tiếng chuông leng keng lẫn ánh đèn bão lắc lư đều làm cho ông dễ chịu.

“Bình thường thì đi dễ, ngon ơ. Nhưng nay thì chả còn đường, kể cả bất cứ cái gì làm mốc cũng chả thấy đâu nữa.” Trời đất bốn bề tuyết trắng. Ngựa lún trong tuyết đến tận háng, trượt đổ sang bên. “Tôi đánh rơi mất đèn. Người ngựa lạc đường trong đêm. Cả hai đều ngủ mất rồi đông cứng, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Vâng, tôi sợ. Nhưng tôi đọc kinh. Và tôi cảm thấy Chúa hiện hữu...” Chó tru. Họ đi theo tiếng chó tru cho đến khi trông thấy các cửa sổ của một nông trại hàng xóm. “Tôi nên dừng lại ở đây. Nhưng tôi nghĩ đến gia đình - tưởng tượng là mẹ tôi đang khóc, bố và đám con trai làm thành một kíp đi tìm, thế là tôi thúc ngựa đi lên. Cho nên, cuối cùng, khi tôi về được tới nhà và thấy nhà tôi om thì lẽ tự nhiên là tôi không vui lắm. Cửa khóa. Thì ra mọi người đều đã đi ngủ cả, quên béng mất tôi Không ai trong nhà hiểu được làm sao tôi lại bí xị thế. Bố nói, “Cả nhà cứ đinh ninh là con đã nghỉ lại ở thị trấn đêm nay. Lạy Chúa, con ơi! Ai mà lại nghĩ được là con cảm thấy về nhà trong khi bão tuyết thế này là tốt hơn cơ chứ?”

Mùi chua thơm thơm của táo ủng. Những cây táo, cây lê, đào và anh đào; vườn cây ăn quả của ông Clutter, nơi tập hợp các cây ăn quả quý ông trồng. Cứ bâng quơ mà chạy, Bobby đâu có ý định đến đây hay đến chỗ nào khác trong vùng Trại Lũng Sông. Không thể giải thích được, cậu đã toan bỏ đi, nhưng rồi quay lại và lang thang đến ngôi nhà - trắng xóa, bề thế, chắc chắn. Cậu luôn ngợp trước ngôi nhà này, và thấy thú vị khi nghĩ rằng bạn gái của mình sống ở đây. Nhưng nay thì nó không còn được hưởng sự chăm sóc của người chủ quá cố trước đây nữa rồi, những sợi đầu tiên của mạng lưới suy tàn đã được dệt chăng lên. Một cái cào sỏi vất lăn lóc trên đường cho xe chạy vào nhà; bãi cỏ nham nhở và cằn cỗi. Hôm Chủ nhật tang thương ấy, khi ông cảnh sát trưởng gọi xe cứu thương tới để chở gia đình bị giết đi, các xe cứu thương đã chạy ngang qua bãi cỏ tới thẳng cổng chính vào nhà, bây giờ vết bánh xe hãy còn trông thấy rõ.

Căn nhà của người làm mướn cũng đã trống không; ông đã tìm được chỗ mới cho nhà mình gần Holcomb hơn; điều ấy chẳng làm mọi người ngạc nhiên, vì hôm nay tuy thời tiết lấp lánh sáng sủa, song vùng đất nhà Clutter dường như vẫn âm u, im lìm, bất động. Nhưng khi Bobby đi ngang qua một nhà kho và quá đó là bãi thả gia súc, cậu nghe thấy tiếng ngựa hất đuôi. Đó là con Babe của Nancy, con ngựa cái già ngoan ngoãn mình đốm có bờm nâu và hai con mắt màu tía sẫm giống như hai bông hoa păng xê nở đẹp vậy. Túm lấy bờm con Babe, Bobby cọ cọ má vào nó, như Nancy hay làm. Và Babe hí lên. Chủ nhật trước, lần cuối cậu đến chơi nhà Kidwell, mẹ Sue có nói tới con Babe này. Bà Kidwell, một bà tính tình đồng bóng, đang đứng bên cửa sổ nhìn hoàng hôn nhuộm tối dần quang cảnh ngoài kia, cánh đồng cỏ dài tít tắp. Và hoàn toàn không ngờ tới, bà nói, “Susan à, con biết mẹ mải nhìn cái gì đấy không? Nancy. Cưỡi con Babe. Đang đi lại đằng mình.”

Perry nhận ra họ trước - một thằng nhỏ và một ông già xin đi nhờ xe, cả hai đều đeo ba lô tự làm lấy, và mặc dù trời gió, thứ gió thổi đùng đùng rét buốt của Texas, họ vẫn chỉ mặc độc bộ quần áo lao động có yếm và quần jean. “Cho họ đi nhờ một quãng,” Perry nói. Dick ngập ngừng, hắn không phản đối việc cho người ta đi nhờ xe, nhưng với điều kiện là xem ra họ có thể trả được chút tiền, ít nhất cũng là “tí xiền còm bù vào hai ga lông xăng.” Nhưng Perry, lão Perry nhỏ người mà rộng bụng, lại luôn luôn kèo nài Dick phải cho những người nom tồi tàn nhất, đau khổ nhất đi nhờ. Cuối cùng Dick bằng lòng đỗ xe lại.

Thằng nhỏ - một đứa tóc hoe hoe chừng mười hai tuổi, lủn củn, mắt nhanh như chớp, liến thoắng - cứ cảm ơn tíu tít cả lên còn ông già, mặt vàng vọt và sẹo chằng sẹo chịt, thì yếu ớt bò vào hàng ghế sau ngồi phịch xuống lặng thinh. Thằng bé nói, “Thật mừng quá. Ông Johnny sắp lăn kềnh tới nơi rồi. Từ Galveston chúng tôi toàn đi bộ.”

Perry và Dick đã rời thành phố cảng ấy một giờ trước, sau khi đã lang thang ở đó cả buổi sáng, đi khắp các hãng tàu xin làm một chân thủy thủ. Một hãng bảo họ có thể vào làm ngay trên một tàu chở dầu sắp đi Brazil, và quả tình hai đứa lẽ ra giờ này đã lênh đênh trên biển rồi nếu như chủ tương lai của họ không phát hiện ra là cả hai chẳng ai có thẻ công đoàn thay cho hộ chiếu. Cũng lạ, nỗi thất vọng của Dick vượt xa nỗi thất vọng của Perry: “Brazil! Ở xứ ấy người ta đang xây cả một thủ đô mới đấy. Xây từ con số không. Tưởng tượng mà coi, được đặt chân lên một chỗ mới toanh như thế! Bất cứ thằng ngu nào cũng có thể làm cả đống tiền.”

“Ông cháu mày đi đâu?” Perry hỏi thằng bé.

“Nước Ngọt.”

“Nước Ngọt là ở đâu?”

“À, ở chỗ nào đó dọc theo hướng này. Đâu như ở Texas. Ông Johnny đây là ông nội tôi. Ông cụ có người em gái sống ở Nước Ngọt. Ít ra thì tôi cũng cầu Chúa là bà ta ở đấy thật. Chúng tôi nghĩ em gái cụ sống ở Jasper, Texas cơ. Nhưng tới Jasper rồi thì người ta bảo là bà ấy với cả nhà bà ấy chuyển tới Galveston rồi. Tới Galveston lại cũng chả gặp, cái bà ở đó nói là bà cụ đi Nước Ngọt rồi. Tôi cầu Giê-su sao cho chúng tôi tìm ra được bà cụ.”

“Johnny à,” thằng nhỏ nói, xoa xoa hai bàn tay ông già, như để làm cho nó khỏi cóng buốt, “Ông Johnny, nghe cháu nói không đấy? Ông cháu mình đang ngồi trên một cái xe ấm áp đẹp lắm, một cái Chevrolet đời 56 đấy.” Ông già ho, đầu ông lảo đảo, mở rồi lại nhắm ngay mắt, rồi lại ho.

Dick nói. “Này. Ông già làm sao thế!”

“Thời tiết thay đổi,” thằng nhỏ nói. “Đi bộ miết. Chúng tôi đi bộ từ trước Nôen còn gì. Tôi thấy có khi phải đi đến gần hết cả bang Texas ấy chứ.” Bằng cái giọng thoải mái tự nhiên như không, và trong khi tiếp tục xoa bóp tay cho ông già, thằng nhỏ kể cho chúng rằng trước khi lên đường nó và ông già sống với bà cô tại một cái trại gần Shreveport, Louisiana. Bà cô chết cách đây ít lâu. “Johnny đã ốm yếu khoảng một năm nay rồi, cô phải làm tất cả mọi thứ. Chỉ có tôi đỡ đần cho thôi. Chúng tôi bổ củi. Bổ bật một cái gốc cây lên. Thì giữa chừng cô bảo mệt quá. Đã thấy một con ngựa ngã kềnh ra rồi không bao giờ dậy được nữa chưa? Tôi thấy rồi đấy. Y như thế. Ít ngày trước Nôen, người cho ông thuê lại nông trại đã “đuổi hai ông cháu đi khỏi đó,” thằng nhỏ nói tiếp. “Hai ông cháu bắt đầu đi ra khỏi Texas như thế. Tìm bà Jackson. Tôi chưa gặp bà cụ nhưng bà cụ là em ruột của Johnny. Mà phải có ai đó nhận lấy chúng tôi chứ. Ít ra thì cũng nhận ông nội. Ông cụ không thể đi hơn được nữa rồi. Đêm qua chúng tôi còn bị mưa nữa.”

Chiếc xe đỗ lại. Perry hỏi Dick sao lại đỗ.

“Người này ốm lắm rồi,” Dick nói.

“Thì sao? Cậu định làm gì? Cho ông ta ra à?”

“Dùng cái đầu của cậu đi. Chỉ một lần thôi.”

“Cậu đúng là đồ chó chết ti tiện.”

“Lão mà chết thì sao?”

Thằng nhỏ nói, “Ông tôi không chết đâu. Chúng tôi đã đi xa đến thế này thì ông tôi sẽ chờ được.”

Dick khăng khăng, “Lão chết thì thế nào đây? Nghĩ cái gì sẽ xảy ra nào? Vặn vẹo hạch hỏi.”

“Thật tình là tớ đếch quan tâm. Cậu muốn cho họ xuống xe hả? Bằng bất cứ giá nào chứ gì, được.” Perry nhìn vào ông già tàn tật vẫn đang ngủ gà ngủ vịt, ngớ ngẩn, điếc lác, rồi lại nhìn thằng nhỏ, nó nhìn lại hắn điềm đạm, không xin xỏ, không “đề nghị bất cứ cái gì”, và Perry chợt nhớ mình thuở bằng tuổi này, những cuộc lang thang của chính mình với một ông già. “Cứ làm đi. Cho họ xuống xe đi. Nhưng tớ cũng xuống luôn.”

“OK, OK, OK. Chỉ cần đừng có mà quên thôi,” Dick nói. “Đây là lỗi của cậu, mẹ kiếp.”

Dick sang số xe. Thình lình, khi xe bắt đầu chuyển bánh lại, thằng nhỏ hét lên, “Gượm tí!” Nhảy bổ ra ngoài xe, nó chạy vội dọc rìa đường, dừng lại, cúi xuống, nhặt lên một, hai, ba, bốn chai Coca Cola rỗng, chạy trở lại, nhảy bổ vào trong xe thích chí cười. “Mấy cái chai này khối tiền đấy,” nó nói với Dick. “Thưa ông, nếu mà ông lái xe kiểu từ từ thế này thì tôi bảo đảm chúng ta có thể nhặt lên một khoản tiền lẻ khơ khớ đấy. Tôi và Johnny có cái ăn là nhờ những của này mà. Gây lại quỹ.”

Dick buồn cười, nhưng hắn cũng thấy thu thú, cho nên lần kế tiếp khi thằng nhỏ kêu đỗ, hắn lập tức tuân lời. Lệnh của thằng nhỏ ban ra thường xuyên quá đến nỗi có năm dặm đường mà mất một giờ, nhưng cũng bõ. Thằng nhỏ có cái biệt tài trong việc dò trúng chỗ những chai bia màu nâu loang loáng, lớp sơn màu ngọc thạch bôi bác đã từng có thời đựng bia 7 up và Canada Dry lăn lóc cạnh những hòn đá hay đống rác um tùm cỏ ven đường. Perry cũng mau chóng phát triển được năng khiếu riêng của hắn về việc “tia” ra những cái chai đó. Ban đầu hắn chỉ báo cho thằng nhỏ biết những chỗ mà hắn cho là có thể xuống đấy tìm; hắn thấy bản thân mình mà láo nháo chạy xuống nhặt thì trông mất thể diện quá. Làm thế là “ngớ ngẩn”, chỉ là “trò con nít”. Thế nhưng, cuôc chơi đã gây ra một niềm hưng phấn kiểu săn lùng kho báu, và chả mấy chốc, cả hắn nữa, hắn cũng không cưỡng lại được trò vui, cơn hăng tìm kiếm những thứ rỗng không mà lại có sức bù vào vốn liếng. Dick cũng thế, nhưng Dick thì hăng hái ra trò. Nom thì có vẻ dở hơi, song cách này đúng là làm ra được ít tiền - bét nhất thì cũng dăm ba đô. Ai mà biết, hắn và Perry có thể dùng đến khoản đó lắm chứ; lúc này tài chính của cả hai thằng cộng lại còn chưa tới năm đô.

Bây giờ thì cả ba - Dick, thằng bé và Perry - đều tụt cả ra ngoài xe và không ngượng ngùng xấu hổ chút nào, đua nhau nhặt, tuy vẫn thân mật vui vẻ. Có lúc Dick tìm ra chỗ giấu những chai vang và uýt ki dưới một cái rãnh, hắn ỉu xìu khi biết phát hiện này chẳng có giá trị gì. “Họ không mua những chai rượu manh như thế này đâu,” thằng nhỏ bảo hắn, “Kể cả một số chai đựng bia cũng không được giá. Tôi thường không dây vào những cái chai này. Chỉ nhặt những của chắc ăn thôi. Dr. Pepper này. Pepsi này. Coca này. White Rock này. Nehi này.”

Dick hỏi, “Tên mày là gì?”

“Bill,” thằng nhỏ nói.

“Được đấy, Bill. Mày được học hành chính quy đấy.” Đêm xuống, những nhà săn chai buộc phải thôi - trời tối và thiếu chỗ, vì họ đã nhặt được nhiều đến mức cái xe không còn chỗ chứa thêm nữa. Thân xe đầy phè chai, ghế sau trông như cả một đống ú hụ những rác rưởi lóng lánh; ông già thì đau yếu, chẳng hề được thằng cháu đoái hoài, hoàn toàn bị lấp dưới cái khoang chứa hàng lanh canh và rùng rình một cách nguy hiểm ấy.

Dick nói, “Giờ mà bị đâm xe thì mới thú đời đây.” Một cụm đèn sáng quảng cáo cho New Motel, khách sạn bên đường cho xe hơi trú trọ, khi người đi đường tiến lại gần thì nó hóa ra là một tổ hợp đồ sộ gồm những nhà nghỉ riêng biệt, một gara xe hơi, một nhà hàng và một phòng uống cốc tai. Nhận lấy trách nhiệm, thằng nhỏ bảo Dick, “Rẽ vào đó đi. Có thể ta làm ăn được đấy. Nhưng để tôi thương lượng. Tôi có kinh nghiệm rồi. Đôi khi họ tìm cách lừa mình đấy.” Perry không thể tưởng tượng ra được “có ai đủ thông minh để lừa nổi thằng nhỏ này,” về sau hắn nói. “Nó chẳng lấy gì làm xấu hổ với những chai lọ lỉnh kỉnh bên người, cứ thế đi vào. Nếu là tôi thì tôi chịu, chắc tôi sẽ xấu hổ lắm. Nhưng người ở khách sạn xe hơi này cũng tử tế, họ chỉ cười ầm. Thế nào mà đống chai kia lại được những hai mươi đô sáu chục xen.”

Thằng nhỏ kia đếm tiền, lấy một nửa, một nửa đưa cho hai bạn nghề và nói, “Biết gì không? Tôi sẽ ních cho tôi với Johnny một bữa no nê. Các ông bạn có đổi không?” Dick đói, như thường lệ. Và sau bao nhiêu là hoạt động vừa rồi, cả Perry cũng đói. Như sau này hắn kể lại: “Chúng tôi đem ông lão lên xe lăn đưa vào trong nhà hàng rồi rinh cụ đến một cái bàn. Cụ trông vẫn đúng như vậy - như chết rồi. Chẳng nói lấy một lời. Nhưng vẫn thấy cụ ngốn hết các thứ. Thằng nhỏ gọi bánh kếp cho ông cụ; nó bảo Johnny thích nhất món bánh kếp này. Tôi thề là cụ xơi có đến ba chục cái. Với có lẽ một ký bơ hoặc một ca xi rô. Thằng nhỏ cũng ăn không ít. Khoai tây rán và kem, nó chỉ thích mấy cái đó thôi, nhưng quả là nó ăn nhiều lắm. Không biết nó có bị làm sao không.”

Trong bữa tiệc tối, Dick xem bản đồ, cho biết là Nước Ngọt cách con đường họ đang đi chừng trăm dặm hay hơn một chút về phía Tây - con đường này sẽ đưa hắn qua New Mexico và Arizona đến Nevada rồi đến Las Vegas. Tuy đúng là vậy nhưng rõ ràng Perry thấy Dick chỉ là muốn buông thằng nhỏ và ông già ra thôi. Thằng nhỏ cũng nhìn rõ ý Dick nhưng nó lịch sự nói, “Ồ, các ông đừng lo cho ông cháu tôi. Vô khối xe sẽ đỗ lại ở đây. Chúng tôi sẽ đi nhờ mà.”

Thằng nhỏ đi với chúng ra xe, để mặc ông lão nhồi thêm một đống bánh kếp vừa mang đến nữa. Nó bắt tay Perry và Dick, chúc hai người năm mới vui vẻ và vẫy theo hai người cho đến khi họ khuất vào trong đêm tối.

Chiều thứ tư, 30 tháng Chạp, có một chiều đáng ghi nhớ trong gia đình đặc vụ A.A. Dewey. Sau này nhớ lại, vợ ông nói, “Alvin vừa tắm vừa hát bài ‘Bông hồng vàng của Texas’. Bọn trẻ đang xem ti vi. Tôi thì đang dọn bữa tối. Một bữa buýp phê, thích ăn gì tự lấy. Tôi là người New Orleans; tôi thích làm bếp và chiêu đãi cả nhà, mà mẹ tôi lại vừa mới gửi đến cho cả nhà một giỏ mơ và đậu mắt đen, và, ồ, cả một đống những thứ ngon lành lắm. Cho nên tôi quyết định: tổ chức một bữa buýp phê ăn gì tự lấy, mời mấy người khách - nhà Murray, nhà Cliff và nhà Dodie Hope. Alvin không muốn, nhưng tôi cứ đòi làm. Trời đất! Cái vụ án này có thể còn kéo dài hoài, mà ông ấy thì không sao dứt được lấy một phút. Đấy, tôi đang dọn bàn ăn thì nghe có điện thoại, tôi mới bảo thằng Paul ra nghe. Nó nghe rồi bảo người ta gọi cho bố, tôi bảo ‘Con nói với họ là bố đang tắm,’ nhưng Paul nó nói không biết liệu có nên bảo thế không, vì đây là ông Sanford gọi bố từ Topeka. Ông này là cấp trên của Alvin mà. Alvin quấn có mỗi cái khăn tắm ra nói chuyện. Làm tôi cáu mới ghê chứ - nước rỏ tong tong thành từng vũng khắp cả nhà. Nhưng khi tôi lấy cái chổi thấm thì lại thấy điều còn tệ hại hơn - con mèo Pete lếu láo đang chễm chệ trên bàn bếp chén xà lách trộn cua bể. Món nộm quả bơ của tôi.

Thế rồi thình lình Alvin ôm chầm lấy tôi, ông ấy lắc lắc tôi. Tôi hỏi, ‘Alvin, anh điên rồi đấy à?’ Hay thì có hay thật nhưng ông ấy đang ướt như ma, làm hỏng hết bộ váy của tôi, mà tôi thì đã đóng bộ tử tế để tiếp khách. Dĩ nhiên khi hiểu ra tại sao ông ôm lấy tôi mà lắc lắc thì tôi cũng ôm lấy mà lắc lại. Ông có thể tưởng tượng được với Alvin việc biết hai tên kia bị bắt có ý nghĩa như thế nào không. Bắt chúng ở ngoài Las Vegas. Ông ấy nói phải đi Las Vegas ngay tắp lự, tôi bèn hỏi trước hết ông có nên mặc ít quần áo vào cái đã hay không, nhưng Alvin, ông ấy phấn khởi quá, ông ấy nói, ‘Thôi chết, cưng à, e là anh làm cho bữa tiệc tối của em mất vui rồi.’ Tôi không nghĩ ra được cách nào làm hỏng bữa tiệc mà lại vui hơn thế này cả - làm gì còn cách nào vui hơn nếu như nó có nghĩa là chẳng bao lâu nữa rồi chúng tôi lại sẽ được quay về với cuộc sống bình thường trước đây. Alvin cười ran - ông ấy cười thế nghe hay lắm. Tôi muốn nói, hai tuần vừa qua là hai tuần tệ nhất. Bởi vì tuần ngay trước Nôen mấy tên kia đã quay trở lại Kansas City - đến rồi đi mà chẳng hề bị bắt - tôi chưa từng thấy Alvin suy sụp như thế bao giờ, trừ một lần hồi trẻ phải nằm bệnh viện vì viêm não, chúng tôi cứ nghĩ là sắp mất ông ấy rồi. Nhưng tôi chẳng muốn nói lại chuyện đó đâu.

Dẫu sao thì tôi cũng pha cà phê cho ông ấy rồi đem vào phòng ngủ, đinh ninh rằng ông ấy đang mặc quần áo ở trong đó. Nhưng ông ấy nào có mặc. Ông ấy lại ngồi ở cuối giường ôm lấy đầu như đang bị nhức đầu vậy. Chưa đi được lấy một chiếc bít tất. Tôi liền nói, ‘Anh làm sao, bị viêm phổi à?’ Ông ấy nhìn tôi nói, ‘Nghe này Marie, chắc đúng là mấy tên đó, chắc phải là chúng rồi, đó là giải pháp lôgic duy nhất.’ Alvin ngộ lắm. Y như lần đầu tiên ông ấy tranh cử cảnh sát trưởng của hạt Finney vậy. Bỏ phiếu đêm, khi thực tế là người ta đã đếm hết cả phiếu bầu và đã rõ rành rành là ông ấy trúng rồi nhưng mà ông ấy vẫn cứ nói - lúc ấy tôi nghe mà chỉ muốn bóp cổ ông ấy cho chết - nói đi nói lại mãi, ‘Chà, chừng nào chưa có thông báo cuối cùng thì chưa thể biết được đâu.’

Tôi bảo ông ấy, ‘Alvin à, đừng có giở kiểu đó ra nữa đi. Dĩ nhiên là họ bắt được chúng rồi.’ Ông ấy nói, ‘Bằng chứng của chúng ta đâu? Chúng ta không thể chứng minh được là cả hai đứa đã đặt chân vào trong nhà Clutter cơ mà!’ Nhưng tôi thấy đó đúng là điều ông ấy có thể chứng minh: những dấu chân kia - chẳng phải mấy dấu chân kia chính là thứ mà lũ thú vật đó đã để lại hay sao? Alvin nói, ‘Đúng, những dấu chân đó là bằng chứng rất tốt - với điều kiện là mấy thằng đó vẫn đang còn đi những đôi ủng đã để lại mấy cái dấu ấy. Tự thân các vết chân đó không đáng giá một đồng mười xen.’ ‘Thôi cưng à, uống cà phê đi, em sắp quần áo cho mà mang đi.’ Đôi khi ông không thể lý sự được với Alvin đâu. Cứ cái kiểu ông ấy khăng khăng thế này thì ông ấy gần như thuyết phục được tôi rằng Hickock và Smith vô tội, còn nếu như chúng không vô tội thì chúng sẽ không bao giờ thú tội và nếu chúng không thú tội thì có thể chúng không bao giờ bị xét xử - vì bằng chứng quá mong manh, toàn là suy diễn mà. Tuy vậy điều ông ấy lo nhất là - ông ấy sợ rằng chuyện sẽ lộ ra, những tên kia sẽ biết được sự thật trước khi K.B.I hỏi cung chúng. Làm thế thì chúng nghĩ mình bị bắt vì vi phạm lời hứa danh dự. Tiêu séc giả. Alvin cảm thấy quan trọng là cứ để cho chúng nghĩ như thế. Ông ấy nói, ‘Cái tên Clutter rồi sẽ phải giáng vào chúng như một nhát búa, một đòn mà chúng không bao giờ biết được là sắp xảy ra.’