Lời dự đoán của thằng Takeichi về tôi một đúng, một trật. Cái dự đoán vô sỉ của nó là tôi được lũ con gái “yêu thương” thì đúng, còn cái lời chúc phúc rằng tôi sẽ là “một họa sĩ” vĩ đại thì sai trật hoàn toàn.

Tôi chỉ có thể là một họa sĩ truyện tranh vô danh của một tờ tạp chí hạng bét mà thôi.

Vì sự kiện ở Kamakura mà tôi bị đuổi học khỏi tro đẳng, đến tá túc ở một căn phòng ba chiếu trên tầng hai nhà ông cá bơn. Ngoài một số tiền nhỏ nhoi hàng tháng từ quê gửi lên, nhưng không phải trực tiếp cho tôi mà gửi qua tay ông cá bơn (nghe nói số tiền này là các anh tôi lén cha tôi mà gửi), thì tất cả mối liên hệ với cố hương đều bị cắt đứt. Ông cá bơn lúc nào cũng khó chịu, dù tôi cứ mỉm cười lấy lòng nhưng ông ta chẳng thèm cười lại. Cái sự thay đổi đến mức kỳ dị này khiến tôi thấy thật ti tiện, không phải, đến mức buồn cười thì đúng hơn rằng tại sao con người có thể thay đổi nhanh chóng như trở bàn tay vậy?

“Không được đi ra ngoài. Đừng có đi ra ngoài đấy nhé”.

Cá bơn cứ nói toàn những lời như vậy.

Có lẽ ông cá bơn cứ dõi mắt canh chừng vì sợ tôi tự sát chăng? Chắc ông sợ tôi lần theo dấu người con gái đã mất mà lại nhảy xuống biển nữa hay sao nên cấm tiệt tôi không được ra ngoài. Thế nhưng không được hút thuốc với uống rượu, từ sáng đến tối chỉ vùi trong cái bàn sưởi kotatsu nơi căn phòng ba chiếu, đọc mấy tờ tạp chí cũ, sống ngơ ngơ lay lắt như vậy, tôi chẳng còn có khí lực gì muốn tự sát nữa.

Căn nhà của ông cá bơn nằm gần trường y Okubo. Trước nhà tuy có gắn tấm bảng “Thanh Long Viên, chuyên thư họa và đồ cổ” nhưng vì một căn nhà chia làm hai hộ nên cổng vào thì hẹp, trong nhà thì bày toàn những thứ vô dụng phủ đầy bụi bặm (không phải ông cá bơn dựa vào những thứ tạp nhạp này mà bán buôn mà nghe nói ông ta kiếm được bộn tiền nhờ vào việc nhượng quyền sở hữu cổ vật từ chủ này sang chủ kia). Hầu như ông cá bơn không khi nào ngồi ở tiệm cả. Mỗi sáng ông ta làm cái mặt khó đăm đăm, vội vàng chạy đi, để lại một người nhân viên chừng 17,18 tuổi giữ nhà nhưng thực ra thì để canh chừng tôi thì phải. Mỗi khi rảnh rỗi, chú lại chạy ra ngoài chơi bóng ném cùng lũ trẻ hàng xóm. Chú ta xem kẻ ăn bám ở tầng hai này là ngu si hay bị thần kinh gì đó và thường giở giọng người lớn thuyết giáo cho tôi nghe. Vì khí chất của tôi không thể nào mà đi cãi nhau với người ta được nên tôi cứ làm ra vẻ mặt mệt mỏi hay cảm động mà lắng tai nghe, mà phục tùng. Trước đây hình như đã có lần tôi nghe người nhà đồn rằng đứa nhỏ này là con rơi của Shibuya nhưng vì một lý do nào đấy mà ông cá bơn này không nhận mặt. Vì tôi không có hứng thú gì đến chuyện riêng tư người khác nên không biết rõ chi tiết. Nhưng đôi mắt của chú nhỏ này quả thật có chút gì làm người ta liên tưởng đến đôi mắt cá. Không lẽ chú này thật sự là con rơi của ông cá bơn? Nếu vậy thì hai cha con nhà này cô đơn quá. Có lần đêm khuya tôi nghe thấy tiếng hai cha con này gọi mỳ gõ, ngồi ăn với nhau mà chẳng ai nói với ai tiếng nào.

Trong nhà ông cá bơn, việc cơm nước đều do chú nhỏ này đảm nhiệm. Thức ăn cho cái gã phiền phức ở tầng hai được đặt vào một cái mâm do chú ta một ngày ba lần bưng lên bưng xuống. Còn chú nhỏ và ông cá bơn thì ăn uống xì xụp vội vàng ở trong một căn phòng tăm tối bốn chiếu rưỡi dưới cầu thang.

Vào một buổi tối cuối tháng ba, ông cá bơn không biết trúng quả không ngờ hay là đã tìm ra được đối sách cho tôi rồi hay sao ấy (cho dù hai suy đoán này của tôi đều đúng thì chắc cũng còn có nhiều nguyên nhân vi tế khác mà tôi không tài nào đoán được) nên mời tôi xuống lầu. Kẻ ăn bám đang ngơ ngơ ngác trước bàn ăn thịnh soạn có cả rượu sake, cả sashimi cá ngừ, đang cảm phục sự khoản đãi của chủ nhân, đang chiêm ngưỡng thì được ông cá bơn rót rượu mời.

“Từ giờ trở đi, cậu tính làm gì đây?”.

Tôi không trả lời, với tay lấy vài con cá mòi khô trên dĩa, nhìn vào đôi mắt bạc của lũ cá nhỏ, bỗng trào nỗi thương cảm, nhớ thuở còn rong chơi, nhớ đến cả Horiki, cảm giác bỗng dưng vô cùng muốn tự do khiến tôi suýt trào nước mắt.

Từ sau khi đến ngôi nhà này, tôi chẳng còn lòng dạ nào mà diễn hề nữa, chỉ nằm dài trong nhà, chịu sự miệt thị của ông cá bơn và chú nhỏ. Tôi cũng chẳng muốn đuổi theo ông cá bơn mà giãi bày điều gì, và hầu như như trở thành một kẻ ăn bám ngu ngốc toàn phần.

“Cậu đã được miễn khởi tố, và cũng không được tính là có tiền án tiền sự gì cả. Bởi vậy, chỉ cần có cái tâm sáng rõ là có thể làm lại được cuộc đời. Nếu cậu muốn cải tà quy chánh, có thể cứ nói trực tiếp một cách nghiêm túc cho tôi hay, tôi có thể suy nghĩ mà giúp cậu”.

Cái cách nói chuyện của ông cá bơn, không phải, của tất cả người trong thế gian này đều phiền toái, mông lung, phức tạp quanh co một cách né tránh như vậy. Đối với những lời nói có vẻ cảnh giới nghiêm trọng đến mức vô ích, với chiến thuật lôiéo ồn ào vô số này tôi luôn khó xử, không biết xoay xở ra sao thành ra khi thì tôi biến những lời nghiêm túc thành trò cười bằng vai hề của mình hay chỉ biết gật đầu không nói không rằng, thể hiện một thái độ thất bại thảm hại mà thôi.

Đến mãi sau này khi nhớ lại những gì ông cá bơn hướng về tôi mà nói lúc ấy chỉ như là một lời trình bày đơn giản sự việc, nhưng cái dụng tâm không cần thiết của ông, mà không cái lối thể hiện khoe mẽ bề ngoài của những con người thế gian vẫn làm tôi cảm thấy u uất không chịu nổi.

Lúc đó, ông cá bơn chỉ cần nói thế này thì có phải hay không?

“Từ tháng tư tới, cậu hãy nhập học một trường nào đó đi. Trường công hay tư gì cũng được. Sau khi nhập học rồi thì nhà cậu ở quê sẽ gửi tiền sinh hoạt phí nhiều hơn đấy”.

Mãi đến sau này tôi mới hiểu ý ông cá bơn muốn nói là như thế. Nếu vậy thì tôi chỉ cần làm theo là xong thôi nhưng vì cái dụng tâm loanh quanh của ông cá bơn trong lời nói mà cách sống của tôi lại hoàn toàn thay đổi.

“Nếu cậu không có cái tâm nghiêm chỉnh muốn bàn bạc với tôi thì tôi cũng chẳng có cách nào khác”.

“Bàn bạc cái gì cơ ạ?”. Tôi thật tình vẫn không tài nào đoán ra.

“Cái tâm tư sâu kín của cậu ấy”.

“Ví dụ ạ?”

“Ví dụ như là từ giờ trở đi cậu muốn làm gì chẳng hạn”.

“Vậy là đi làm việc là được chứ gì”.

phải, tâm tư cậu muốn gì kia?”.

“Nếu vậy thì vào trường học thì sao ạ?”.

“Vậy sẽ cần đến tiền. Nhưng vấn đề không phải là tiền bạc mà là cái tâm tư của cậu kìa”.

Tại sao không nói thẳng một câu là bởi vì tiền bạc thì có nhà cậu từ quê gửi lên rồi? Chỉ cần dựa vào câu nói ấy thì tâm tư tôi cũng sẽ an định ngay mà. Tôi như bước đi giữa đám sương mù.

“Sao nhỉ? Cậu không có cái gì là hy vọng tương lai à? Cái người được giúp đỡ chắc là không thể hiểu được cái việc giúp đỡ người khác là khó khăn như thế nào đâu”.

“Xin lỗi”.

“Tôi thật tình lo lắng cho cậu. Vì đã nhận lời chăm sóc cậu nên tôi không muốn thấy cậu có tâm trạng nửa vời như thế này được. Tôi muốn cậu hãy thể hiện rõ ràng quyết tâm đi theo con đường chính đáng để làm lại cuộc đời. Cậu hãy nói một cách nghiêm túc với tôi về điều đó thì tôi cũng có thể liệu đường mà giúp cậu. Với sự giúp đỡ của ông cá bơn nghèo hèn này mà cậu mong quay trở lại cuộc sống xa xỉ như trước kia là cậu nhầm rồi đó. Tuy nhiên, nếu cậu quyết tâm và xác lập rõ ràng con đường tương lai thì tuy sức tôi nhỏ bé thì cũng có thể gắng sức mà giúp cậu được. Cậu có hiểu không? Cái tâm trạng của tôi ấy? Nói chung là từ giờ trở đi cậu định như thế nào?”.

“Nếu ông không cho tôi ở đây nữa thì tôi sẽ đi làm…”

“Thực tình thì cậu muốn làm công việc gì? Trong thời buổi này tốt nghiệp đại học đế quốc Đông Kinh cũng còn chưa chắc…”.

“Không phải tôi muốn vào làm trong công ty

“Vậy thì làm gì?”.

“Họa sĩ”, tôi trả lời nhất quyết.

“Cái…cái gì cơ?”.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái vẻ rụt cổ lại mà cười khùng khục đầy vẻ gian tà của ông cá bơn. Tuy có vẻ khinh miệt nhưng thực ra lại khác. Nếu ví cuộc đời như biển sâu, thì đó là cái hình bóng huyền bí lảng vảng ở đáy tận cùng sâu thẳm ấy. Nụ cười đó cho ta thấy thoáng qua bản chất cuộc đời của nhân gian.

Sau khi bị ông cá bơn nói những lời như vậy thì chẳng thể nào nói chuyện được nữa, cậu không nghiêm túc được một chút nào hay sao, cậu suy nghĩ lại đi chứ, dành chọn một đêm để động não đi nào; tôi lủi thủi lên tầng hai như bị đuổi. Trằn trọc cả đêm cũng chẳng suy nghĩ được gì. Và khi bình minh lên, tôi bỏ trốn khỏi nhà ông cá bơn.

“Chắc chắn đến tối tôi sẽ quay trở về. Tôi đến nhà một người bạn để trao đổi về định hướng tương lai nên đừng lo lắng. Thật sự đấy”.

Tôi lấy bút mực viết vào giấy mấy dòng như vậy. Rồi sau khi viết đầy đủ tên họ cùng địa chỉ nhà Horiki, tôi lén lút bỏ đi.

Không phải tôi bỏ trốn vì cảm thấy nhục nhã khi bị ông cá bơn thuyết giáo. Mà bởi vì, đúng như ông cá bơn nói, tôi là cái thằng tâm tư không nghiêm túc, chẳng biết trong

tương lai mình phải làm gì, hơn nữa hiện đang là một kẻ gây phiền phức cho nhà ông cá bơn, lỡ như trong thời gian ở đây tôi tức khí phát phẫn lên, lập chí làm lại cuộc đời thật thì mỗi tháng ông cá bơn đã nghèo hèn lại phải viện trợ tiền cho tôi nữa. Nỗi khổ tâm đó làm tôi không thể nào chịu nổi

Tuy nhiên không phải tôi rời nhà ông cá bơn để đến chỗ Horiki bàn về “con đường tương lai” thực sự đâu. Tôi viết như vậy chỉ để làm cho ông cá bơn yên tâm được một chút nào đó thôi. (Tôi viết như vậy vì sợ sẽ phải gây choáng váng và bàng hoàng khó xử cho ông cá bơn hơn là một đối sách theo kiểu truyện trinh thám để bỏ nhà ra đi). Chuyện này một khi bại lộ ra ngoài, thì tôi sẽ quanh co ngụy biện rằng mọi chuyện đúng như vậy đấy. Đây cũng là một cái thói hư tật xấu trong tính cách của tôi. Nó là cái tính cách ti tiện mà nhân gian gọi là “dối trá”. Nhưng viết vậy không phải để trục lợi cho mình mà vì sợ đến nghẹn thở cái sự thay đổi đột ngột. Và mặc dù biết rõ điều này sẽ gây cho mình bất lợi về sau nhưng đó hình như là cái trò trình diễn ngu ngốc và yếu kém của tôi chăng? Tôi nghĩ rằng có thể vì cái yếu tố trình diễn này mà tôi thường hay thêm thắt ngôn ngữ này kia chăng? Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy những bậc “chính nhân quân tử” cũng hay dùng thủ đoạn này. Lúc đó, tôi cứ thế mà viết thẳng họ tên và địa chỉ nhà Horiki từ đáy ký ức của mình.

Tôi rời khỏi nhà ông cá bơn, đi bộ đến khu Shinjuku, bán mấy quyển sách mang theo rồi chẳng biết làm gì, hoang mang trăm lối. Mặc dù tôi chan hòa với mọi người nhưng chưa một lần biết thế nào là “tình bằng hữu”. Trừ cái gã Horiki là bạn chơi bời ra thì tôi chỉ còn lại toàn thống khổ, để làm tan sự thống khổ đó tôi mới gắng sức diễn hề và cuối cùng chỉ để chuốc lấy sự mệt mỏi rã rời. Mỗi lần trên phố tình cờ gặp mặt người quen, hay chỉ cần thấy giống như người quen thôi là tôi đã choáng váng, giật bắn người lên như thể bị chóng mặt vậy. Tôi biết mình được người ta yêu quý nhưng hình như tôi thiếu cái năng lực để mà yêu quý người khác vậy. (Phải nói thêm là tôi rất nghi ngờ rằng không biết nhân gian thật sự có khả năng “yêu” hay không nữa). Một kẻ như tôi thì làm sao mà có bạn thân cơ chứ. Không những thế tôi còn thiếu khả năng “thăm hỏi” nữa kia. Cổng nhà người ta đối với tôi còn đáng sợ hơn cổng địa ngục trong tác phẩm “Thần khúc” của Dante nữa, còn đằng sau cái cổng kia tôi có cảm giác như một con quái thú rồng tanh tưởi đang ngọ nguậy rập rình vậy. Đó là cảm giác thật sự của tôi, hoàn toàn không khoa trương một tí nào.

Tôi không có bạn hữu cũng không có chỗ nào mà đi nữa.

Horiki.

Tưởng nói đùa chơi ai ngờ là thật. Tôi quyết định đến nhà Horiki ở Asakusa đúng như điều đã ghi trong thư. Cho đến bây giờ, tôi chưa lần nào đến nhà gã Horiki này cả, chỉ dùng điện tín để gọi gã đến chỗ tôi mà thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu lần này chỉ đánh điện tín thì với hoàn cảnh sa sút hiện nay của mình, có lẽ gã sẽ không đến đâu nên tôi mới quyết ý làm chuyện khổ sở nhất đời là “đến thăm” nhà gã. Tôi thở dài, leo lên lên tàu điện và khi nghĩ rằng sợi dây độc nhất nối kết mình với nhân gian chỉ là cái gã Horiki kia thôi tự nhiên tôi cảm thấy một cơn buốt lạnh thê thảm chạy dọc sống lưng mình.

Horiki đang ở nhà. Ngôi nhà hai tầng của gã nằm sâu trong một con ngõ hẻm dơ dáy. Horiki chỉ sử dụng một căn phòng sáu chiếu ở tầng hai, còn ở dưới dành cho ba người là cha mẹ gã cùng với một gã người làm trẻ làm công việc may và đính quai cho những chiếc guốc gỗ geta.

Ngày hôm ấy, gã Horiki đã cho tôi thấy một mặt khác của bản chất người đô thị nơi gã. Nói theo kiểu thông thường thì đó là là sự ma mãnh sắc sảo. Thứ vị kỷ gian trá và lạnh lùng của Horiki làm một kẻ quê mùa như tôi phải trố mắt ngạc nhiên.

“Trời cậu đó à? Thật kinh ngạc quá. Thế cha mẹ cậu đã tha thứ cho cậu rồi hả? Hay là vẫn chưa?”.

Tôi không thể trả lời rằng mình đã bỏ trốn.

Tôi dựa vào câu nói đó để lừa gạt Horiki dù biết rằng không sớm thì muộn gã cũng phát giác ra sự thật.

“À, biết làm sao khác được. Mọi chuyện cứ thế mà diễn ra”.

“Này, không phải chuyện đùa đâu đấy. Tớ khuyên cậu nên thôi những trò ngu ngốc đó đi. Hôm nay tớ có việc phải làm. Dạo này bận kinh khủng đi cơ”.

“Bận à? Bận việc gì đấy?”

“Này, này,ừng có ngắt đứt mấy sợi chỉ trên đệm ngồi như thế chứ?”.

Vừa nói chuyện, tôi vừa cầm một sợi chỉ tua ren nơi góc chiếc đệm ngồi, day day trên tay một cách vô tình rồi bứt bứt chơi. Cái gã Horiki này đối với những đồ vật trong nhà mình, ngay cả một sợi chỉ diềm tua của chiếc đệm ngồi cũng xót, như không biết liêm sỉ là gì, cằn nhằn tôi với ánh mắt giận dữ. Thử nghĩ lại thì từ khi kết bạn với tôi gã Horiki này chưa chịu mất một thứ gì cả.

Bà mẹ già của Horiki đặt lên bàn hai bát chè đậu đỏ.

“Này, vậy là sao đây?”.

Horiki như một đứa con hiếu thảo thật sự, hướng về phía mẹ gã nói bằng giọng lịch sự gần như mất tự nhiên.

“À, con xin lỗi. Thì ra là chè đậu đỏ à? Thật là tuyệt vời quá. Mẹ không cần phải lo lắng quá cho tụi con như thế này đâu. Tụi con có việc phải đi ra ngoài ngay bây giờ đấy mà. Nhưng mà mẹ đã cất công nấu chè như thế này bỏ đi thì phí quá nên tụi con xin nhận vậy. Cậu cũng ăn một chén đi. Mẹ tớ đã cất công làm mà. Trời ngon quá, tuyệt vời làm sao”.

Hắn nói rồi hí hửng vui mừng, ăn ngon lành như thể chẳng phải diễn kịch một chút nào. Tôi cũng húp chè nhưng lại thấy mùi nước sôi, khi ăn đến miếng bột nếp thì đó không phải là bột nếp mà là thứ gì tôi không biết rõ. Nhưng tôi hoàn toàn không khinh miệt sự nghèo hèn đó. (Tôi không nghĩ rằng món chè đó dở và còn cảm động trước sự tận tâm của bà mẹ già. Nếu như tôi có chút cảm giác gì sợ hãi với sự nghèo hèn thì cũng không phải là sự khinh miệt). Chính nhờ vào chén chè đậu đỏ và sự vui mừng của Horiki trước chén chè đó mà tôi thấy được bản tính tằn tiện của người kinh đô, cũng như thực cảm được một gia đình ở Tokyo nơi mà con người ta hành xử khác hẳn nhau khi ở trong nhà và khi ra đường. Tôi chán chường với cảm giác mình chỉ là một thằng ngu chạy trốn cuộc sống con người, không đủ khả năng để phân biệt cách ứng xử trong nhà và ra ngoài đường, ngay cả gã Horiki này cũng muốn vứt bỏ mình nữa. Tôi vừa cầm chiếc đũa son đã phai màu vừa thấy mình cô đơn vô hạn.

“Xin lỗi nhé, hôm nay mình có việc bận rồi”.

Horiki đứng dậy, vừa mặc áo khoác vừa nói.

“Xin lỗi nhé, tớ phải đi đây”.

Đúng lúc đó có một người con gái đến thăm Horiki. Vận mệnh tôi chuyển xoay nhanh chóng.

Horiki đột nhiên trở nên xởi lởi.

“À, xin lỗi nhé. Tôi cũng đang dự định đến chỗ chị đây. Vậy mà bỗng nhiên chị lại đến tìm. Không sao cả đâu. Mời chị vào nhà”.

Tôi lấy chiếc đệm ngồi dưới chân, lật úp lại và đưa cho Horiki. Dường như có vẻ vội vàng, Horiki giật lấy tấm đệm ngồi và lật úp lại một lần nữa, đưa cho cô gái. Trong phòng, ngoài chiếc đệm ngồi của Horiki chỉ còn lại độc nhất một chiếc dành để tiếp khách mà thôi.

Người con gái cao và gầy. Chỉ tựa vào một bên mép chiếc đệm, Nàng ngồi nơi phía góc gần cửa ra vào.

Tôi mơ hồ lắng nghe câu chuyện giữa hai người. Hình như nàng làm cho một tạp chí, nhờ Horiki vẽ tranh minh họa hay gì đó và hôm nay đến lấy thì phải.

“Việc cần lắm ạ”.

“Xong rồi, vẽ xong từ lâu rồi đấy. Đây này”.

Điện báo chợt đến

“Hãy về nhà ngay. Tôi đến đón cậu cũng được nhưng bây giờ đang có việc bận. Bỏ nhà ra đi à? Sao nhẹ dạ quá thế?”

“Nhà cậu ở đâu vậy?”

“Dạ, ở Okubo ạ”, tôi đáp ngay không cần suy nghĩ.

“Vậy thì gần chỗ công ty tôi đấy”.

Chị nói với tôi là mình sinh ra ở Koshu, năm nay hai mươi tám tuổi. Hiện chị đang sống ở một căn hộ ở Koenji cùng với đứa con gái năm tuổi. Chồng chị chết đã ba năm nay.

“Có vẻ như em trải qua một tuổi thơ không hạnh phúc. Em lại nhạy cảm nữa. Thật tội nghiệp cho em”.

Thế là tôi bắt đầu cuộc sống như một gã chồng hờ. Sau khi Shizuko (tên người nữ ký giả này) đi làm ở một tòa soạn báo khu Shinjuku, tôi cùng với cô gái Shigeko năm tuổi của chị ở lại trông nhà. Cho đến lúc đó thì mỗi lần mẹ vắng nhà, cô bé đều chạy đến chơi ở phòng của người quản lý khu chung cư nhưng bây giờ có một chú “nhạy cảm” đến chơi cùng nên cô bé vui thích lắm.

Tôi lơ ngơ ở đó chừng khoảng một tuần. Nơi hàng dây điện gần sát cửa sổ có một con diều hình cô gái bị mắc dây rách nát bụi bặm bay phần phật trong gió xuân nhưng vẫn bám chắc lấy sợi dây điện, không chịu buông như thể gật đầu khẳng quyết điều gì đó. Mỗi lần nhìn ra, tôi đều cười khổ rồi đỏ mặt lên, nó còn ám ảnh tôi ngay cả trong mơ nữa.

“Em muốn có tiền”.

“Bao nhiêu chứ?”

“Muốn nhiều. Tiền hết thì tình cũng phai là sự thật đó”.

“Thật ngớ ngẩn và cổ hủ nữa”.

“Vậy à? Chị không hiểu đâu. Cứ thế này em sẽ bỏ trốn đấy”.

“Vậy chứ ai nghèo đây? Rồi ai bỏ trốn đây? Ngốc nghếch quá”.

“Em muốn mua rượu và thuốc lá bằng chính tiền của mình cơ. Nếu mà về vẽ thì em hơn đứt Horiki nhiều đấy”.

Lúc ấy tự nhiên trong tâm trí tôi hiện lên bức hình chân dung tự họa vẽ thời trung học mà Takeichi gọi là “ác ma”. Một kiệt tác bị đánh mất. Mặc dù bức tranh này bị mất đi sau nhiều lần dọn nhà nhưng tôi cảm giác chắc chắn đây là một bức tranh tuyệt tác. Cho dù sau đó tôi đã vẽ rất nhiều tranh nhưng so với tuyệt phẩm trong trí nhớ chúng đều không bằng được và tôi lúc nào cũng có cảm giác mất mát một thứ gì đó lớn lao, như thể ngực mình bị trống rỗng đi vậy.

Một ly rượu áp-xin còn để lại.

Tôi thầm hình dung về cảm giác mất mát khó bù đắp này như thế. Mỗi lần nói chuyện về hội họa, ly rượu áp-xin còn lại đó lại hiện lên trước mắt tôi. Và bất chợt ý muốn cho người đàn bà này xem bức tranh đó, làm cho chị tin vào tài năng của tôi chợt thiêu đốt tâm can.

“Này, sao vậy em? Mặt mũi nghiêm trang thế kia mà nói đùa được, thật là dễ thương”.

Tâm tư tôi xoay chuyển bao ý nghĩ không phải đùa đâu, thật đó, tôi muốn chị xem bức tranh kia rồi bất chợt chán nản bỏ cuộc.

“Tranh hoạt họa ấy. Ý em muốn nói là nếu vẽ truyện tranh em giỏi hơn Horiki nhiều”.

Vậy đó, khi giở ngôn ngữ hoạt kê của thằng hề để lừa người ta thì trái lại làm cho người ta tin tưởng chân thành.

“Đúng vậy, chị cũng cảm động lắm. Xem những tranh hoạt họa em vẽ cho Shigeko, chị cũng phải bật cười đấy. Hay là em thử vẽ xem sao nhé? Chị nói một tiếng nhờ ông trưởng ban biên tập là xong ngay ấy mà”.

Nhà xuất bản này phát hành nguyệt san hàng tháng nhưng hầu như trẻ em chẳng mấy ai biết đến tên tuổi.

…Khi nhìn thấy mày, hầu như đàn bà ai cũng muốn làm một cái gì đó cho mày đến mức không chịu nổi…. Mày lúc nào cũng nhút nhát và hài hước…Đôi khi mày tuyệt vọng tiêu trầm quá độ nhưng điều đó càng hấp dẫn đàn bà hơn…

Shizuko thuyết phục và động viên tôi rất nhiều. Khi nghĩ đến tình cảnh phiền phức của một gã chồng hờ, tôi trở nên tuyệt vọng. Mặc dù tôi tâm niệm “tiền quan trọng hơn đàn bà” và ráng sức để có thể sống tự lập, thoát khỏi Shizuko, nhưng cuối cùng tôi rơi vào tình cảnh phải dựa dẫm vào nàng. Tôi được người đàn bà mạnh mẽ vùng Koshu này chăm lo đủ đường cho tôi từ sau khi tôi bỏ nhà ra đi và kết quả là tôi càng trở nên nhút nhát với Shizuko hơn.