Hôm sau quả nhiên Tưởng Khâm đưa Lê Mông đi thử máu.

Sau hai ngày ở thành phố S chơi đùa điên loạn, ông Tưởng bà Tưởng thật sự nâng niu đứa cháu mình như hoa như trứng, muốn gì được đấy, đi đến đâu cũng hớn hở ra mặt, được họ hàng thân thích quây vòng Tưởng Khâm bình thường luôn khắt khe với đứa con cũng không phản đối, nhìn Lê Mông nháo loạn, mặc kệ nhóc muốn đi đâu thì đi.

Còn anh giống như bù đắp lại cho bao năm bất hiếu, ngày nào cũng mua này mua nọ mang về nhà, chỉ trong hai ngày ngắn ngủi mà đã khiến anh dường như phải lấy thẻ tín dụng ra dùng.

Ngày thứ ba, cả nhà ăn cơm chiều xong đi dạo vòng quanh trung tâm thương mại, đi ngang qua quầy bán ngọc, bà Tưởng nhìn chăm chú vào một miếng ngọc hình phật, Tưởng Khâm vờ đi vệ sinh, hai phút sau ký giấy mua đứt miếng ngọc hình phật với giá lên đến sáu con số không.

Bà Tưởng vừa mừng vừa giận, sau đó lại đau lòng, nói: “Có tiền cũng đừng phung phí như vậy, tuổi con còn trẻ, phải biết tích phúc, rõ chưa?”

Tưởng Khâm nói: “Chuyện nhỏ thôi ạ, con vẫn còn nhiều, chỉ là không mang theo.”

Đôi mắt Lê Mông xoay tròn, lập tức dựa sát vào người anh làm nũng: “Tưởng Khâm con muốn mua cái móc khóa con cừu, mua cho con đi.”

Ông Tưởng hào phóng tức thì, nói: “Cháu muốn mua gì? Ông nội mua cho cháu!”

“Cháu muốn…” Lê Mông nghĩ lại không ổn, cúi đầu nói: “Thôi cháu không muốn nữa.”

Tưởng Khâm vỗ vỗ đầu nhóc nói nhẹ nhàng: “Chờ hai ngày nữa sẽ gọi điện đặt cho con một cái, mấy hôm nay không có thời gian.” Lại quay đầu lại nói với ông Tưởng: “Là một cái móc khóa thôi ạ, nhưng hình dáng rất đặc biệt, phải tìm người làm theo yêu cầu. Lúc trước đã hứa làm cho nó một cái, còn tìm người sẵn rồi.”

Ông Tưởng lấy làm lạ: “Còn phải làm theo yêu cầu? Cái đó đáng giá lắm sao?”

Tưởng Khâm mập mờ nói: “Độc đáo thôi ạ.”

Lê Mông thật sự tinh mắt, lúc ra khỏi trung tâm thương mại thừa dịp không ai để ý liền đem cái móc khóa nọ về.

Cả nhà yên ổn qua hai ngày, ngày thứ ba, một mình Tưởng Khâm đến bệnh viện, ngồi dài ở ghế đợi kết quả xét nghiệm.

Hôm trước đến đây làm xét nghiệm, bác sĩ nhìn về phía Lê Mông ở đằng xa, đảo mắt lại cười với Tưởng Khâm nói: “Hai cha con giống nhau như vậy mà còn xét nghiệm làm gì? Cậu lo lắng quá rồi!” Lúc ấy Tưởng Khâm không thể giải thích được, chỉ biết cười khổ.

Lúc nhận được kết quả xét nghiệm rồi, vẫn là ông bác sĩ kia, vừa thấy anh đã nở nụ cười: “Tôi nói cậu đừng lo lắng quá mà.”

Rõ ràng là kết quả xét nghiệm vẫn còn ở trong phong bì, Tưởng Khâm cúi đầu định mở ra, nghe thấy lời này, bàn tay có hơi run rẩy.

“Xóa đi sự nghi ngờ cũng hay, có thể yên tâm sống.” Bác sĩ vỗ vai anh: “Đừng để cho con cậu biết, nếu không nó sẽ rất đáng thương. Tôi đã từng trải nên hãy nghe tôi nói, thời đại bây giờ muốn cả gia đình sống với nhau hòa thuận, đúng là chuyện không dễ dàng gì.”

Tưởng Khâm gật đầu máy móc nói cảm ơn, từ từ đi ra cổng bệnh viện, ánh nắng ấm áp rọi vào người anh, nhưng anh chỉ thấy lạnh lẽo đến thấu xương.

Cuối cùng anh ngồi trên băng ghế trong hoa viên bệnh viện mở giấy xét nghiệm ra, chỉ cần liếc nhìn vào, đôi tay đã không còn vững vàng.

Rõ ràng trong lòng đã biết, nhưng khi thấy chữ đen trên giấy trắng, vẫn bị sốc mạnh.

Tưởng Khâm thấy cách đó không xa bên khoa sản phụ có người hộ lý mang đứa trẻ sơ sinh đến cho cha mẹ, thấy một người phụ nữ có thai đang được chồng mình dìu đi tản bộ, đột nhiên cảm thấy vô cùng ngớ ngẩn. Anh vẫn cảm thấy Lê Mông không khác con mình sinh ra là mấy, đủ để bù lại thiếu sót cả đời không có con này, nhưng đến giờ khắc này, anh mới giật mình phát hiện, thật ra không phải như vậy. Thì ra có hay không có quan hệ huyết thống, thật sự không hề giống nhau.

Anh ngẩn người cả buổi, vì trong lòng có biến động mà sinh ra áy náy cùng hổ thẹn, đang từ từ tuôn ra từ đáy lòng.

Cho đến nay anh mới phát hiện là so với bản thân mình Cận Viêm lại càng cưng chiều Lê Mông hơn. Mà đúng hơn là, Cận Viêm tuyệt đối cưng chiều Lê Mông, thật sự là muốn sao thì sẽ không cho trăng, mà muốn trăng thì sẽ cho kim cương. Lê Mông từ nhỏ đã ham chơi, có lần làm vỡ bình sứ phải tốn bao tiền mới mua được, Tưởng Khâm chịu không được muốn đưa tay lên đánh, nhưng phản ứng đầu tiên của Cận Viêm là kiểm tra xem tay con mình có bị mảnh sứ đâm vào hay không. Sau đó Lê Mông còn bắt chước Cận Viêm ký tên mua bộ bàn cờ bằng ngọc giả với giá trên trời, cuối cùng hai giọt nước mắt còn chưa rơi xuống, Cận Viêm đã đau lòng dắt con ra phố ăn kem.

Biết bao lần Tưởng Khâm đã nghĩ, dù là cha ruột cũng không đạt đến trình độ này của Cận Viêm.

Lúc Lê Mông học tiểu học, không biết làm bài tập số học, mang tới hỏi Tưởng Khâm, Tưởng Khâm giải thích đến lần thứ hai đã nản. Cận Viêm tan sở về nhà mệt mỏi muốn chết, thế nhưng vẫn ôm Lê Mông giải thích cả buổi một vấn đề nhỏ nhặt hết lần này đến lần khác, không hề mất kiên nhẫn.

Sau đó Lê Mông trưởng thành, từ cấp một lên cấp hai rồi nhảy liên tục ba lớp, trình độ của Cận Viêm có thế nào cũng chỉ dạy được đến đây, đành để Tưởng Khâm bắt đầu dạy nhóc chương trình cấp ba, rồi dạy nhóc chơi cờ để rèn tính kiên nhẫn. Cận Viêm chỉ phụ trách công việc kiếm tiền nuôi con, lúc nào trông thấy thứ gì tốt đẹp đều mua về trên danh nghĩa Lê Mông, nói là để đầu tư cho tương lai của con.

Còn rất nhiều rất nhiều lần, Tưởng Khâm cảm thấy công ty không nhất thiết phải nhận thêm nhiều dự án, như vậy vòng quay vốn cũng sẽ nguy hiểm, nhưng Cận Viêm vẫn làm. Cận Viêm nói con của chúng ta trời sinh không biết chuyện kinh doanh, bây giờ tạm thời thì thấy nó giàu sang đấy, nhưng tương lai thì phải làm sao? Dù có núi vàng núi bạc trong tay, chỉ sợ mình chết rồi con cái không đủ tiền để sống.

Lúc ấy Tưởng Khâm chỉ cảm thấy nửa khóc nửa cười, dần dà cũng không buồn nói nữa. Bây giờ ngẫm lại, trái tim như bị ai bóp lại khó chịu cực kỳ.

Tình yêu của Cận Viêm phải đến thế nào mới có thể làm được những việc này?

Hắn nghĩ sẽ có một ngày Tưởng Khâm và Lê Mông rời xa hắn sao?

Hắn đã linh cảm cho tương lai của chính mình, sẽ chỉ có hai bàn tay trắng, một mình cô đơn đến già sao?

Tưởng Khâm khom lưng, tay nắm chặt áo, thở cũng thở không được.

Đột nhiên anh nhớ đến nhiều năm trước, có hai đứa trẻ cùng nắm tay nhau, ngồi ở đầu ngõ nắng ấm, trên mặt Cận Viêm có nét bi thương: “Anh không có cha, cũng không có mẹ.”

Đó là những câu nói không hề lừa gạt cũng không hề kìm nén hiếm hoi trong đời Cận Viêm, mang theo sự chua xót trong từng từ từng chữ.

Đứa trẻ đó từ lúc xuất hiện trên cõi đời này đã chỉ có một mình đơn độc, không có cha mẹ, không có anh em, không có người thân, không có bạn bè. Tưởng Khâm tối về còn có ba mẹ chăm nom lên giường đi ngủ, còn Cận Viêm chỉ lẻ loi một mình, quay về căn phòng nhỏ đen kịt lạnh lẽo, một mình lặng lẽ chờ cho đến sáng.

Cứ như vậy mà đứa bé đó sống qua bao năm.

Tưởng Khâm khó chịu đến nỗi không thể nói được, thậm chí trong phút chốc lại cảm thấy muốn khóc, nhưng mà chẳng có nước mắt rơi.

Lê Mông không biết bản thân mình bị làm xét nghiệm, hiện giờ đã có thể vô tư nắm lấy đuôi ngựa của ông bà thuận lợi, sau vài ngày đã củng cố được vị trí kim tôn không thể lay động của mình trong nhà họ Tưởng.

Tưởng Khâm về nhà không nói gì, buổi chiều ăn cơm vẫn tỏ ra bình thường, chỉ có lúc đã về phòng, bàn tay lặng lẽ tìm kiếm điện thoại, trông như muốn gọi cho ai đó, nhưng cuối cùng vẫn không gọi.

Cứ như vậy đã qua một tuần, ở trường Lê Mông tổ chức đăng ký thi tuyển sinh, chủ nhiệm lớp gọi điện thoại cho Tưởng Khâm, hỏi con anh rốt cuộc còn đi học hay không. Vừa tắt máy ông Tưởng đã hỏi có chuyện gì vậy, Tưởng Khâm kể lại, ông Tưởng lắc đầu kiên quyết nói: “Tuyển sinh thì năm nào cũng thi được, nhưng chơi cờ thì không thể lỡ. Cháu trai ta mới vào viện cờ có mấy ngày mà đã thắng giảng viên thất đẳng không chấp mục, đâu chỉ là kỳ tài?”

Nói xong không nhịn được oán trách: “Vậy mà con không cho nó vào viện cờ vây sớm, điều kiện ở thành phố H so với ở đây tốt hơn nhiều! Đến cùng cũng là con hồ đồ, cứ để cho tên họ Cận kia quyết định, nó có gì giỏi giang!”

Tưởng Khâm thản nhiên đáp: “Anh ấy đã dạy Lê Mông rất nhiều bài học, mọi lựa chọn đều là đúng.”

Ông Tưởng sững sờ, lại nghe anh nói tiếp: “Thật ra Cận Viêm chỉ ít học một chút thôi, nhưng lại thành thạo nhân tình, thấu hiểu thế gian, không ai có thể thông minh hơn anh ấy.”

Ông Tưởng theo thói quen định phát hỏa, nhưng đã thấy Lê Mông đứng ngay cạnh mình, vừa gật gù tán thưởng vừa cầm hai que kem đi tới đi lui trước mặt, muốn nổi nóng cũng không nổi nóng được.

Đêm đến, mí mắt Tưởng Khâm nháy liên tục, mặc dù anh không mê tín, nhưng trong lòng khó tránh khỏi bất an.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, bên ngoài bầu trời âm u, anh mở cửa sổ ra cho thông thoáng, nhưng lại nhìn thấy trên bệ cửa sổ có hai con chim non đang đánh nhau.

Tưởng Khâm nhìn hai con chim đó một lúc lâu mới phát hiện ra đó là hai con chim khách.

Cả ngày bình yên vô sự. Đến chiều tối sau khi ăn cơm xong, theo thường lệ Lê Mông chơi cờ cùng với ông Tưởng, lại còn vươn đuôi về phía bà Tưởng xin đường ăn. Tưởng Khâm mang đồ ăn vào bếp, vừa mới rửa xong toàn bộ chén đĩa, đang cho tất cả vào chạn, thì đột nhiên nghe thấy tiếng chuông cửa vang lên.

Giây phút đó không biết đã xảy ra chuyện gì mà tay Tưởng Khâm run lên, chén thủy tinh rơi xuống đất vỡ nát.

Bà Tưởng hỏi: “A Khâm con không sao chứ? —– Cháu ngoan ngồi chơi cờ! Bà ra mở cửa!”

Nói xong đứng dậy đi ra cửa, hỏi người bên ngoài: “Ai đấy?”

“……..Là con.”

“Hả? Ai?” Bà Tưởng không nghe rõ, nhưng Lê Mông đã bắt đầu nhảy rộn lên: “Mở cửa, mở cửa!”

Bà Tưởng theo quán tính mở cửa ra.

Bà chưa kịp thấy người bên ngoài có bộ dạng thế nào thì Lê Mông đã phi nhanh ra ngoài như đại bác, chưa nói câu nào đã ôm lấy một bên đùi, thắm thiết mùi mẫn nói: “Ba——-! Cuối cùng ba cũng đến rồi! Tiểu gia đây nhớ ba muốn chết!”

Cận Viêm vỗ nhẹ đầu Lê Mông, cười với bà Tưởng, gương mặt nhã nhặn hỏi: “Chào bác gái, đã lâu không gặp bác, con đến thăm bác và bác trai.”

Nói xong cũng không để tâm đến ánh mắt ngây dại như phỗng của bà Tưởng, tiếp tục hỏi: “Tiện thể cho hỏi, Tưởng Khâm có đây không?”