Tôn Tử Sở người Việt Tây là một danh sĩ, sinh ra có một ngón tay chẽ, lại có tính vẩn vơ, lẩn thẩn, ai nói dối điều gì cũng tin là thật, hoặc khi gặp đám tiệc mà có ca nhi kỹ nữ thì từ xa nhác thấy đã bỏ chay. Có người thấy vậy, dụ chàng đến nhà, cho kỹ nữ đến ôm ấp để bỡn chàng chơi thì mặt đỏ đến tận cổ, mồ hôi chảy xuống thành giọt. Họ nhân đó cười với nhau, rồi xa gần chuyền nhau vẽ vời cái trạng mạo ngây ngô của chàng để làm một trò cười, lại đặt cho chàng cái tên Tôn khờ. 

Trong huyện có ông nọ là nhà buôn lớn, giàu lướt cả vương hầu, thông gia họ mạc đều là dòng dõi quý phái. Ông cụ có một con gái tên là A Bảo, là người tuyệt sắc. Ðến tuổi kén duyên, con cái các nhà đại gia tranh nhau đưa sính lễ đến giạm, nhưng không ai vừa ông cả. Chàng Tôn bấy giờ vừa goá vợ, có người đùa nên cậy mối đến hỏi. Chàng không biết phận, quả nhiên nghe theo lời khuyên. Ông cụ vốn biết tiếng chàng nhưng chê nghèo. Khi mụ mối vừa ở chỗ ông đi ra thì gặp A Bảo, hỏi đi đâu, mụ nói thật. Cô gái nói bỡn rằng: 

- Nếu chàng ta bỏ được ngón tay chẽ đi thì tôi về với ngay. 

Mụ về kể lại với chàng. Chàng nói: 

- Cái đó thì khó gì. 

Mụ đi rồi, chàng lấy búa chặt ngón tay chẽ, đau thấu ruột, máu phụt ra chảy lênh láng, suýt chết, qua mấy ngày mới dậy được, sang nhà mụ mối chìa tay xem. Mụ thất kinh, chạy sang nói với cô gái. Nàng cũng lấy làm lạ, nhưng lại nói bỡn rằng còn phải bỏ cái ngây đi nữa. Mụ về nói lại, chàng cãi ầm lên, bảo nào tôi có ngây đâu! Nhưng cũng không có cớ gì gặp mặt để tự giãi bày. Dần dà bàn chuyện, nghĩ rằng cô nàng Bảo chưa chắc đã đẹp như tiên sao dám tự đánh giá mình quá cao như vậy? Từ đó lòng chàng nguội hết mộng tưởng trước. 

Vừa gặp tiết Thanh Minh, lệ thường cứ đến ngày ấy phụ nữ đi chơi, những thiều niên khinh bạc cũng kết thành từng đội đi theo, tha hồ bình phẩm. Mấy người bạn làng văn đến rủ chàng, bắt đi cho được. Có người lại nói đùa rằng: 

- Lại không muốn xem mặt người mình ưng hay sao? 

Chàng cũng biết hắn nói bỡn mình, nhưng vì đã bị cô gái hợm hĩnh đùa cợt nhiều phen, nên cũng muốn nhìn mặt một lần xem sao, bèn vui vẻ nhập bọn đi tìm. 

Thấy đằng xa có một cô gái đang nghỉ dưới gốc cây, những cậu trai mất nết vây quanh như bức tường. Cả bọn nói: 

- Chắc là cô nàng Bảo đấy rồi. 

Chàng rảo bước đến xem thì quả là Bảo. Nhìn kỹ, thì thấy vẻ xinh đẹp yểu điệu có một không hai. Một lát, người xem lại càng xúm đông. Cô gái vội đứng dậy bỏ đi. Mọi người đều nhộn nhạo bàn tán, kẻ khen cái đầu, người tán cái chân, nhao nhao cả lên như một lũ điên. Chỉ riêng chàng là đứng lặng lẽ. Ðến lúc cả bọn đã tản đi nơi khác, ngoái lại, vẫn trông thấy chàng vẫn đứng ngây ra ở chỗ cũ, gọi chẳng thưa, chẳng rằng. Họ bàn kéo nhau đi, nói: 

- Hồn theo A Bảo rồi ư? 

Cũng không đáp. Biết tính chàng vốn lẩn thẩn, nên họ cũng không thấy làm lạ, người thì đẩy, người thì kéo, dẫn về. 

Ðến nhà thì lên ngay giường nằm, suốt ngày không dậy, li bì như người say rượu, gọi mấy cũng không tỉnh. Người nhà nghi là mất hồn, đi gọi hồn ở ngoài đồng, nhưng cũng vô hiệu. Lay người thật mạnh để hỏi thì ú ớ nói rằng: Tôi ở góc nhà cô Bảo. 

Hỏi kỹ lại thì lại làm thinh không nói nữa. Người nhà hoang mang không biết ra sao. 

Nguyên hôm ấy, khi chàng thấy cô gái đứng dậy, bỏ đi thì lòng không nỡ dứt, bỗng cảm thấy mình đã bén gót đi theo rồi; dần dần đi sát vào cạnh tà áo, đai lưng, cũng không ai la mắng gì cả. Cứ như thế, theo mãi cô ta về nhà, khi ngồi khi nằm đều tựa kề một bên, đêm lại thì cùng ân ái, rất lấy làm thích; nhưng thấy trong bụng đói quá, muốn trở về nhà mà quên mất cả đường. Còn nàng thì mỗi lần chiêm bao thấy mình giao hợp với một người nào đó,hỏi tên nói là Tôn Tử Sở, lòng lấy làm lạ, nhưng không thể nói với ai được. 

Ở bên nhà, chàng đã nằm ba ngày, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Người nhà hoảng lên, cho lấy lời mềm mỏng đến nói với ông cụ xin tới nhà để chiêu hồn cho chàng. Ông cụ cười rằng: 

- Bình nhật không từng vãng lai thăm hỏi gì cả, làm sao mất hồn ở nhà tôi được? 

Người nhà năn nỉ van lơn mãi, ông mới chịu. Thầy pháp cầm áo cũ và đồ cúng bằng rơm sang nhà, cô gái bắt gặp, hỏi biết lý do, mặt thất sắc, không cho đi tìm chỗ khác mà dẫn thẳng vào phòng mình, để cho mặc y kêu gọi xong rồi ra. Thầy pháp vừa về đến cửa thì ở trên giường chàng đã rên lên một tiếng. Tỉnh rồi, phòng nàng có bao nhiêu tráp hương, hộp phấn, bao nhiêu đồ đạc, sắc gì, tên gì, kể ra vanh vách không sai. Nàng nghe tin lại càng kinh hãi và thầm cảm cái thâm tình của chàng. Chàng đã dậy khỏi giường được rồi thì khi đứng khi ngồi, trầm ngâm nghĩ ngợi chợt nhớ chợt quên. Thường thăm dò tin tức cô Bảo, chỉ mong tìm được cơ hội để gặp lại. 

Ðến ngày tắm Phật nghe tin nàng sẽ dâng hương ở chùa Thủy Nguyên, chàng dậy thật sớm, đến đứng ở một bên đường chờ nàng đi qua. Trông ngóng đến hoa cả mắt, mãi khi mặt trời đứng ngọ, nàng mới đến, ngồi trong xe dòm ra thấy chàng, lấy bàn tay xinh nhỏ vén màn, mắt nhìn đăm đắm không chuyện. Chàng càng xao xuyến, đi theo xe luôn. Nàng bỗng sai thị nữ đến hỏi họ tên. Chàng ân cần kể lại. Hồn vía rung chuyển, xe đi đã xa rồi mới quay về. Ðến nhà thì ốm trở lại, mê man không ăn uống, trong giấc mơ thường gọi tên Bảo, những giận hồn mình sao không thiêng như trước nữa. Trong nhà nguyên có nuôi một con vẹt, bỗng lăn ra chết, đứa bé cầm chơi ở trên giường. Chàng nghĩ nếu thân được làm con vẹt thì có thể vỗ cánh bay đến phòng nàng. Còn đang chú tâm mơ tưởng thì mình đã là con vẹt nhẹ nhàng phơi phới bay vụt lên, thẳng sang nhà A Bảo. Cô gái thấy vẹt bay xuống mừng quá, chộp bắt, xích chân lại, lấy hạt vừng cho ăn. Vẹt kêu to lên rằng: 

- Cô đừng xích! Tôi là Tôn Tử Sở đây mà! 

Nàng kinh hoảng, mở dây buộc, vẹt cũng không bay. Nàng khấn rằng: 

- Tình thâm đã khắc tận đáy lòng, nhưng nay người và chim khác loài, làm sao nhân duyên còn vuông tròn được! 

Vẹt nói: 

- Ðược gần vóc thơm là mãn nguyện lắm rồi! 

Người khác cho mồi thì không ăn, nàng cho mới ăn. Nàng ngồi thì đâu trên về, nằm thì đứng mé giường. Như thế ba ngày, cô gái rất lấy làm thương, cho người sang nhà chàng thăm dò, thì biết chàng thiếp đi, nằm sóng sượt tắt thở đã ba ngày, chỉ còn một chút trên tim chưa lạnh. 

Nàng lại khấn rằng: 

- Nếu chàng trở lại làm người, thì xin thề chết cũng theo nhau. 

Vẹt nói: 

- Lừa tôi đấy! 

Nàng bèn thề thốt. Vẹt nghiêng mắt, ra dáng nghĩ ngợi. Một lát, nàng bó chân, cởi giày để dưới gầm giường. Vẹt nhảy vụt xuống, ngậm giày bay đi, nàng kíp gọi lại thì đã bay xa rồi. Nàng cho mụ ở sang dò thăm thì thấy chàng đã tỉnh. Người nhà thấy con vẹt ngậm chiếc giày bay về, ngã xuống đất mà chết, đang cùng lấy làm lạ thì chàng vừa hồi sinh, hỏi ngay đến chiếc giày. Không ai hiểu ra sao cả. Vừa lúc ấy thì mụ ở bên nhà kia đến, vào thăm chàng, hỏi chiếc giày ở đâu. Chàng nói rằng: 

- Ðó là vật làm tin của cô Bảo. Xin gửi lời về nhắn hộ, rằng tiểu sinh không dám quên lời vàng đá. 

Mụ ở về bẩm, nàng lại càng lấy làm lạ, cố bảo thị tỳ tiết lộ sự tình cho mẹ biết. Mẹ xét thấy đích xác, bảo rằng: 

- Anh chàng ấy tài danh cũng chả vừa, chỉ hiềm nghèo như Tương Như. Kén chọn mấy năm được rạ như thế, sợ các nhà quý hiển người ta cười cho. 

Cô gái vin cớ chiếc giày, thề không lấy người khác.Ông bà cũng phải theo vậy, cho người kíp báo với chàng. Chàng mừng, bệnh khỏi ngay. Ông muốn cho chàng ở gửi rể, nàng thưa rằng: 

- Con rạ không nên ở nhà cha vợ lâu, huống chàng lại nghèo, ở lâu càng bị coi rẻ. Con đã về tay người, thì ở nhà gianh, nhà lá cũng cam, ăn rau lê rau hoắc cũng không dám oán trách. 

Chàng bàn làm lễ rước dâu; hai người gặp nhau như có cái vui cách thế. Từ đó, nhà chàng nhờ có của hồi môn của nàng cũng khá hơn trước, mua sắm thêm của cải. Chỉ phải cái chàng mê sách, không biết chăm lo việc sinh kế trong nhà. Nhưng nàng khéo chắt lót, những việc trong nhà không phải phiền đến chàng. 

Ðược ba năm, nhà thêm giàu, bỗng chàng mắc bệnh tiêu khát mà chết. Nàng khóc lóc thảm thiết, nước mắt không lúc nào ráo, bỏ cả ăn ngủ, ai khuyên giải cũng chẳng được. Thừa lúc đêm khuya, bèn thắt cổ, may có con ở biết được, vội cứu sống lại, nhưng cũng không chịu ăn. Ðược ba ngày, mời họ hàng đến để liệm chàng, bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên và tiếng thở nhẹ. Mở ra, chàng đã sống lại. Tự nói rằng: 

- Khi ra mắt Diêm vương, ngài bảo: Người này bình sinh thành thực, chất phác, cho làm chức Bộ Tào. Bỗng có người đến thưa rằng: Vợ của Bộ Tào họ Tôn sắp tới. Ngài tra sổ ma rồi bảo: Người ấy chưa đáng chết. Lại tâu rằng: Không ăn đã ba ngày rồi Diêm vương ngoảnh lại nói rằng: Ta cảm vợ ngươi tiết nghĩa, cho ngươi sống lại, bàn sai lính thắng ngựa đưa tôi về. 

Từ đó bình phục dần. 

Gặp năm có kỳ thi Hương, trước khi vào trường bọn thiếu niên muốn bày trò trêu chàng, bèn cùng đặt ra bảy đầu đề rất hiểm hóc rồi kéo chàng ra chỗ vắng nói riêng rằng: 

- Ðây là nhờ thế lực của đại gia mới có, xin bí mật trao tay nhau. 

Chàng tin là thật, đêm ngày mài miệt, làm cả bảy bài. Chúng cười thầm. 

Không ngờ năm ấy, viên chủ khảo nghĩ rằng ra đề quen thuộc thì thường có cái tệ sao chép văn cũ, bàn cố sức thay đổi cho thật mới lạ. Giấy đầu bài đưa xuống thì cả bảy bài chàng làm đều phù hợp. Nhờ đó, chàng đỗ thủ khoa. Năm sau đỗ tiến sĩ, được chọn vào viện Hàn lâm. Vua nghe thấy chuyện lạ, triệu vào hỏi, chàng khải tấu lên, vua hết lòng ngợi khen, liền cho gọi A Bảo vào bệ kiến, tặng thưởng rất nhiều.