Sau khi kiểm tra phòng tranh xong, cô trở về văn phòng, pha một bình trà bằng cốc giữ nhiệt rồi mang theo tài liệu đi đến phòng họp.

Phiên họp lần này ngoại trừ nói về công việc thường ngày của các bộ phận còn nhắc đến tiến độ thực hiện hội đấu giá mùa đông cùng với buổi triển lãm hợp tác với nhóm họa sĩ tiềm năng được tiến hành vào tháng sau.

Tất nhiên, cụm từ "họa sĩ tiềm năng" sẽ không được dùng để quảng bá ra bên ngoài, chủ đề triển lãm, phương hướng và quá trình thực hiện vẫn phải được thảo luận trong cuộc họp.

Thành công trong việc quảng cáo cho lễ khai trương và tổ chức hội đấu giá mùa thu lần trước đã giúp phòng tranh trở nên nổi tiếng trong vùng, cũng như xây dựng được tên tuổi nhất định ở các tỉnh khác.

Phòng tranh có khả năng tuyên truyền tốt, giá cả hợp lí, lại không khất nợ tiền tranh nên có rất nhiều họa sĩ trẻ đều sẵn lòng mang tác phẩm của mình đến hoặc ủy thác bán bán hộ.

Trong vòng mấy tháng, Côn Luân Họa Thất đã tích góp được không ít tranh, vượt xa số lượng mà phòng tranh có thể tiêu thụ trong ngày, tạo thành tồn đọng.

Lúc mới mở phòng tranh, Ôn Lê đã dạy cô rằng trữ hàng chính là ngâm tiền, sẽ gia tăng rủi ro.

Nếu cô muốn duy trì hoạt động của Côn Luân Họa Thất thì phải kiểm soát chặt chẽ số lượng hàng tồn kho.

Cứ cách ba tháng phòng tranh lại kiểm kê một lần, nếu vượt quá mức cho phép thì phải tìm cách để cắt giảm bớt lượng hàng trong kho.

Những tác phẩm này có mức giá khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn cho đến mấy triệu tệ, tuy không thích mấy thích hợp để mang đi đấu giá nhưng lại vô cùng phù hợp với các buổi triển lãm và bán hàng qua kênh đại chúng.

Đợt triển lãm lần này được tổ chức đúng lúc diễn ra lễ hội văn hóa mùa đông, là một cơ hội hiếm có.

Cuộc họp của Ôn Chủy Vũ vừa mới tiến hành được một nửa thì Triển Trình gọi tới.

Triển Trình báo với cô, sau khi cảnh sát rời khỏi chưa được bao lâu thì ông chủ tiệm đồ cổ đã sai người trong cửa hàng đi mua trái cây và giỏ hoa, sau đó kêu thêm hai người mang hai chiếc hộp đựng đồ cổ, một to một nhỏ, theo ông ta ra ngoài.

Hiện tại bọn họ vừa mới đến dưới lầu bệnh viện, nơi Ôn Nho lão tiên sinh đang nằm.

Ôn Chủy Vũ nói: "Được, con biết rồi.

Chú cũng lên lầu xem ông nội con đi."

Triển Trình: "Vâng."

Ôn Chủy Vũ tắt máy tiếp tục cuộc họp, đến khi tan họp đã là buổi trưa.

Bình thường Ôn Chủy Vũ đều cuốc bộ đi làm, không phải mỗi ngày đều ngồi xe, lúc cần thì gọi Lý Bân lái xe qua đón cô là được, đến cuối tháng sẽ thanh toán dựa theo thời gian sử dụng.

Lý Bân một mình nuôi cả gia đình, không thể chỉ làm việc, chỉ đưa đón cho mỗi mình cô mà cùng lúc phải chạy xe cho vài đơn vị.

Lúc cô gọi điện cho Lý Bân, anh ta đang trên đường đưa khách hàng ra sân bay, lúc này chưa trở về được, không có cách nào đến đón Ôn Chủy Vũ nên cô chỉ đành tự mình bắt taxi đến bệnh viện.

Trời hôm nay đổ mưa, dưới cơn mưa tầm tã đâu đâu cũng là người đứng đón xe, ngay cả ứng dụng gọi xe cũng không đặt được.

Ôn Chủy Vũ đã cầm ô đứng bên vệ đường chờ hơn hai mươi phút đồng hồ, khó khăn lắm mới gặp một chiếc xe trống khách đang chạy đến, cô vừa vẫy tay gọi nó dừng lại thì bác gái bên cạnh đã đi như bay đến chỗ chiếc xe, kéo cửa ra, dùng thân hình to gấp đôi cô chắn ở trước cửa, quay đầu nhìn về phía cô gái trẻ và đứa nhỏ vung tay quát: "Nhanh lên, nhanh lên, bà đã giành được xe rồi!"

Ôn Chủy Vũ ngơ ngác nhìn bác gái kia, thật muốn hỏi bà ta có phép lịch sự không? Có biết thứ tự trước sau không? Phải xếp hàng đi chứ!!!

Cô trố mắt đứng nhìn một nhà ba người bọn họ ngồi lên xe taxi rồi rời đi.

Ôn Chủy Vũ âm thầm lắc đầu.

Gặp phải loại người này, cô có thể làm gì đây? Bước lên đánh nhau hay chửi bà ta ỏm tỏi? Nhưng bất kể là đánh hay là cãi, cô cũng đều không biết.

Một chiếc ô tô chậm rãi chạy đến rồi dừng trước mặt cô, cửa phía sau được đẩy ra, Diệp Linh nhô đầu ra hỏi: "Đi đâu? Tôi đưa em đi."

Ôn Chủy Vũ đáp: "Cảm ơn, không cần, tôi gọi xe là được rồi."

Diệp Linh thò đầu nhìn sang đám đông đang đợi xe ở phía bên phải, lại hướng mắt qua trạm xe buýt công cộng bên cạnh.

Bến taxi này nằm kế trạm xe buýt chở khách đến điểm tham quan du lịch, khách của khu thương mại bên cạnh cũng đổ dồn về đây, xe đông, người chen lấn, lại gặp hôm trời mưa, Ôn Chủy Vũ cũng chẳng giỏi bắt taxi.

Diệp Linh nói: "Có phải đến bệnh viện thăm Ôn lão tiên sinh không? Vừa hay tôi cũng tiện đường, cho em quá giang một đoạn, đừng để ông ấy phải lo lắng chờ đợi."

Ông nội bên kia có việc, Ôn Chủy Vũ không đến sẽ không an tâm, hiện tại đoạn đường này rất khó gọi được xe, cô đành thu ô bước lên xe, nói với Diệp Linh một tiếng: "Cảm ơn."

Diệp Linh đưa cho cô một cái khăn lông.

Ôn Chủy Vũ nhận lấy khăn, lau nước dính trên người.

Mưa xuống, bầu trời trở nên ẩm ướt, gió lớn thổi bên hồ, che ô cũng không tránh được nhưng hạt mưa nhỏ nghiêng bay.

Cô đứng bên đường đã lâu, trên người bị thấm một tầng hơi ẩm.

May mà tiết trời đã vào cuối thu, quần áo dày dặn nên nước không ngấm vào được lớp áo bên trong.

Ôn Chủy Vũ lau sạch nước trên người, chuẩn bị gấp khăn lại trả cho Diệp Linh thì bất chợt trông thấy trên góc khăn có thêu logo của Côn Luân Họa Thất, cô không khỏi ngẩn ra, sau đó mới nhớ tới thông thường người ta chỉ để giẻ lau hoặc khăn giấy ở trên xe mà thôi.

Cô mở chiếc khăn ra, nhìn bề mặt của hình thêu, chắc chắn Diệp Linh đã tìm người để thêu xấp khăn kia.

Vì muốn thể hiện đẳng cấp của phòng tranh mà ngay cả khăn lông dùng cho nhà vệ sinh nàng ta cũng đặt làm riêng.

Xấp khăn này có chất lượng tốt, không những có logo mà còn có thêu một bức tranh Côn Luân cùng phong cảnh non nước, đây được xem như món quà biếu nho nhỏ, phòng tranh đã mang một xấp tặng cho khách hàng.

Chiếc khăn Diệp Linh đưa cho cô vẫn còn mới toanh, rõ ràng là mới mở bao nên vẫn chưa bị người ta dùng qua, rất có khả năng Diệp Linh vừa lấy từ kho hậu cần.

Diệp Linh nói tiện đường nên chở cô đến bệnh viện, cô tin.

Nhưng thuận đường cho người quá giang còn có lòng mang khăn theo sao?

Từ văn phòng của cô và Diệp Linh đều có thể nhìn thấy trạm xe, cô hoài nghi không biết có phải là Diệp Linh thấy cô đứng ở đây bắt xe nên cố ý lại đón cô không?

Ôn Chủy Vũ không muốn mình đa nghi hay nghĩ nhiều, nhưng Diệp Linh làm như vậy, bảo cô thôi suy tưởng nhiều cũng thật khó.

||||| Truyện đề cử: Cá Mặn Tu Tiên Siêu Vui Sướng |||||

Cô gấp khăn xong rồi trả lại cho Diệp Linh, nhất thời không biết nên nói gì cho phải.

Trong xe cực kỳ yên tĩnh, Diệp Linh không nói chuyện, Đổng Nguyên cũng im lặng lái xe.

Ôn Chủy Vũ quay đầu, không thấy bảo vệ và thư ký của Diệp Linh đi cùng.

Nếu Diệp Linh chỉ đến để đưa cô đi bệnh viện sau đó quay lại phòng tranh thì không cần dẫn theo họ, một mình Đổng Nguyên là đủ rồi.

Ôn Chủy Vũ thu lại ánh nhìn rồi chuyển hướng ra bên ngoài cửa sổ, ngắm những giọt mưa vừa đáp trên cửa kính lại bị gió cuốn bay, tâm trí phiêu dạt.

Đã có rất nhiều người từng đi đến bên cạnh và nói yêu thích hoặc bày tỏ ý muốn tiếp cận cô, nhưng thích cùng không thích, là loại yêu thích nào đều có thể nhìn ra từ trong ánh mắt, người với người nếu hòa hợp với nhau đều cảm nhận được thông qua hào quang, khí chất cùng hơi thở.

Những người xuất hiện bên cạnh cô, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết bọn họ và cô không hợp nhau.

Trong số đó không thiếu những người xuất sắc, nhưng thứ đối phương muốn có và thứ mà cô ao ước, hoàn toàn không giống nhau.

Có vài người muốn một cô vợ ưu tú, có vài người muốn tìm kiếm một đối tượng có ngoại hình và gia cảnh tốt còn có thể giúp anh ta bớt phấn đấu hai mươi năm, có vài người thấy cô vừa ý nên muốn cưới cô về nhà để cô làm mẹ hiền vợ đảm.

Thứ Ôn Chủy Vũ muốn là có thể làm một người bình lặng vẽ tranh, hoặc có thêm một người cùng cô trôi qua những ngày tháng yên bình đó.

Còn chuyện ái tình, cô đã chứng kiến ông bà nội đồng cam cộng khổ hết cả một đời, cũng được nghe kể về những câu chuyện giữa người đẹp và tài tử của quý ngài Ôn Thời Tập.

Ngài Ôn Thời Tập phong độ ngời ngời, có sắc có tiền, cầm kỳ thi họa cùng thơ ca thi phú đều tinh thông, sánh đôi với mẹ cô, hai người đã dệt nên giai thoại tài tử giai nhân một thời.

Hai mươi sáu năm trước, vào ngày mà cô ra đời, trời đổ một cơn mưa đông lạnh lẽo, vị tài tử Ôn Thời Tập cùng người vợ mang thai mấy tháng của mình cãi nhau, ông ta tức giận bỏ đi còn người vợ thì té ngã trong vườn nhà, khắp sân đều là máu...

Tình cảm thế gian là như thế, lúc mới khai hoa thì rất tươi đẹp, nhưng loại quả được kết thành sẽ có hình dáng ra sao, e là khó nói khó lường.

Diệp Linh quan tâm cô, nhưng cô lại không nhìn thấu được nàng ta, không biết Diệp Linh đang tìm kiếm điều gì, cũng không muốn tìm hiểu thứ mà Diệp Linh mong muốn.

Xe tới bệnh viện, chạy đến bên dưới tòa nhà ông Ôn đang nằm mới dừng lại.

Ôn Chủy Vũ bung ô bước xuống xe, trước lúc đóng cửa cô còn chân thành nói với Diệp Linh một tiếng: "Giám đốc Diệp, cảm ơn."

Diệp Linh nâng mắt nhìn cô, khẽ gật đầu, nhẹ giọng nói một câu: "Bái bai."

Ôn Chủy Vũ đóng cửa xe, xoay người đi vào bên trong tòa nhà.

Cô đẩy cửa phòng bệnh của Ôn lão tiên sinh, không thấy Tôn Uyển đâu chỉ có Triển Trình đang giúp ông nội thu dọn hành lý.

Trên bàn trà có trái cây và giỏ hoa, hai chiếc hộp một lớn một nhỏ được đặt ngay ngắn bên trên chiếc kệ ở cạnh đó.

Cô ngạc nhiên hỏi: "Đây là? Muốn xuất viện sao?"

Ôn Nho lão tiên sinh nói: "Ở trong bệnh viện hai ngày nay sắp mọc nấm luôn rồi.

Bác sĩ bảo ông đã có thể xuất viện." Ông vừa nói, vừa vung vung cánh tay, tỏ vẻ bản thân rất khỏe.

Ôn Chủy Vũ thấy khí sắc của ông quả thật đã khá lên nhiều, tinh thần cũng trông cũng rất tốt nên không ngăn cản lão tiên sinh xuất viện.

Tôn Uyển đi làm thủ tục xuất viện, lại mang hóa đơn đi tìm người thân trực hệ là Ôn Chủy Vũ ký tên, lúc này mới làm thủ tục cho ông cụ.

Lão tiên sinh muốn tự mình ôm theo chiếc hộp lớn.

Ôn Chủy Vũ sợ trời mưa đường trơn, nếu như lão tiên sinh trượt chân té ngã, đồ vỡ rồi cô còn có thể cắn răng đền lại được nhưng lo ông nội bị ngã lại phải chịu đả kích, cô vội vàng đỡ lấy: "Ông mang hộp nhỏ đi."

Họ chuyển đồ lên xe, suốt chặng đường về nhà ai cũng không nói câu nào.

Lúc này Ôn Chủy Vũ mới mở hộp ra xem món bảo vật làm ông nội cô chịu k1ch thích tới mức nhập viện.

Với khả năng quan sát của mình, cô thấy chiếc bình thiên cầu sứ Thanh Hoa liên thác bát bửu đời Càn Long lần này là thật, nhìn tình trạng bảo quản cũng khó trách ông nội chịu bỏ ra chín triệu tám trăm nghìn tệ mua về, khoản lợi nhuận kiếm được từ tiền chuyển nhượng hẳn không tồi.

Cô lại tiếp tục mở hộp còn lại, bên trong là một cặp chung rượu thời Quang Tự do hoàng đế ngự chế(1).

Bởi vì thời Quang Tự cách nay không lâu, lại chịu nhiều ảnh hưởng từ sự biến động thời cuộc nên cổ vật thời kỳ này căn bản đều không bán được cao giá, chẳng qua chung rượu này là một đôi, lại là vật ngự chế nên giá thành không thấp.

[1.Ngự chế (御制): Theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng, ngự chế là văn thơ do hoàng đế hay vua sáng tác ra.]

Ôn Chủy Vũ nghĩ từ khi ông cụ chịu k1ch thích phải nằm viện, hai ngày nay ba bên đấu nhau, cô chỉ có thể âm thầm cảm thán ông chủ tiệm đồ cổ và Diệp Linh thật là nhanh tay.

Cô bên này còn đang muốn điều tra xem tình hình thế nào thì bọn họ đã đánh xong trận rồi.

Ôn Nho lão tiên sinh đưa cho cô cặp chung men phấn thái(2) do Quang Tự hoàng đế ngự chế kia.

[2.

Men phấn thái (粉彩): Là dòng sứ xuất hiện từ thời Khang Hi, được chế tác bằng cách nung phôi lần đầu với men áo rồi mới vẽ đường nét hoa văn lên, sau đó phần nền và hoa văn được phủ men pha lê bạch (gồm thạch tín, chì và kali), sau khi nung chảy phần men màu trắng sẽ không thấu quang.]

Cô nhờ ông mang nó đi chiết khấu.

Diệp Linh đã giúp cô một chuyện lớn như vậy, cô cũng phải chọn quà mang đến nhà người ta để cảm ơn.

Mua bán đồ cổ, sau khi liên hệ với người bán, chờ người ta xem hàng xong thì chuyện sang nhượng kỳ thực diễn ra rất nhanh chóng.

Cô và Ôn Nho lão tiên sinh cùng nhau dùng cơm trưa, Ôn Chủy Vũ vừa chuẩn bị đi làm thì người mua đã đến cửa.

Người này hết sức sòng phẳng.

Xem hàng, kiểm tra, trả tiền, sau đó tự tay đóng gói bình sứ thanh hoa và cặp chung rượu men phấn thái kia rồi rời đi.

Ngoại trừ mấy cảnh nói chuyện ở bên ngoài có mấy câu ồn ào thì cả quá trình diễn ra hết sức suôn sẻ như nước chảy mây trôi, không hề lôi thôi, ngay cả những lời khách sáo dư thừa cũng không có.

Có tiền trong tài khoản, lão tiên sinh vui vẻ chuyển cho cô một ít.

Ôn Chủy Vũ lặng lẽ nhận tiền của ông.

Khoản tiền có được sau khi bán hai chiếc chung phấn thái, cô cầm nó đi chọn quà cho Diệp Linh.

Ông nội cho cô sáu trăm nghìn tệ, không đủ trả lại khoản lãi đã khấu trừ, cũng không đủ bù vào chỗ tiền mà cô đã đưa cho Triển Trình ra ngoài làm việc, vẫn còn thiếu một trăm mấy chục nghìn mới có thể trả lại số tiền lần trước cô mượn Diệp Linh để mang đôi vòng ngọc trở về.

Ôn Chủy Vũ không thể chạy đi tìm Diệp Linh xin cho mình trả trước sáu trăm nghìn, phần còn lại sẽ trả góp hàng tháng.

Dù sao cô cũng đã trả lãi rồi, trước cứ lấy vòng tay thế chấp khoản nợ đó một năm vậy..