Quản gia lại hỏi:
– Này! Bạn nhỏ kia! Ta coi ngươi thân tráng lực cường sao không chịu làm ăn mà phải đi xin?
Địch Vâm đáp:
– Không ai mướn tiểu nhân làm cả, tài chủ lão gia, lão gia cho tiểu nhân một bữa cơm được chăng?
Quản gia vỗ vai tên họ Bình cười nói:
– Lão nghe đó, gã một điều kêu ta bằng tài chủ lão gia, hai điều kêu ta bằng tài chủ lão gia, không thưởng cho gã một bữa không xong rồi, lão bảo gã vào gánh đất rồi cho gã một phần tiền công.
Tên họ Bình đáp:
– Đúng thế! Cao gia dạy thế là phải.
Địch Vân nghe khẩu âm hai người nhận ra tên cái thợ họ Bình người ở ngay Trương Tây bản địa, còn lão gia họ Cao là người ở phương Bắc, nhưng chàng không lộ vẻ gì, kính cẩn nói:
– Tài chủ lão gia! Tài chủ thiếu gia! Tiểu nhân xin đa tạ hai vị.
Người cai vừa cười vừa thóa mạ:
– Con mẹ nó! Thằng lỏi này chỉ nói nhăng nói càn.
Cao quản gia lại cười hỏi:
– Ta là tài chủ lão gia, ngươi ta tài chủ thiếu gia, như vậy chẳng tiện nghi cho ngươi ư?
Tên cai véo tai Địch Vân cười nói:
– Vào đi, vào đi! Ngươi hãy ăn một bữa no, đến tối hãy làm công.
Địch Vân không kháng cự gì hết liền theo họ Bình vào nhà, chàng tự hỏi:
– Sao lại đến đêm mới làm công?
Khi vào hậu viện phải xuyên qua một tòa nhà khiến chàng giật mình kinh hãi, vì chàng thấy hiện trạng rất kỳ quái, giữa căn nhà này đào một cái huyệt thật lớn rất sâu, bốn cạnh huyệt cơ hồ liền với vách nhà, chỉ để hở một lối nhỏ hẹp.
Trong huyệt bỏ đầy thuổng cuốc, thúng mủng, đòn gánh, toàn là dụng cụ đào đất, hiển nhiên công việc đào huyệt còn đang tiếp tục. Đứng ngoài coi tòa nhà hùng vĩ đường hoàng, ai ngờ trong nhà lại đào một cái huyệt lớn.
Tên cai dặn:
– Công việc trong này không được nói ra bên ngoài, ngươi đã hiểu chưa?
Địch Vân đáp:
– Dạ dạ! Tiểu nhân đã hiểu rồi! Nơi đây phong thủy đẹp, chủ nhân lão gia muốn làm phần mộ thì cho người ngoài biết thế nào được?
Tên cai thợ cười khành khạch nói:
– Phải đấy! Thằng ngốc này thế mà thông minh, ngươi hãy theo ta đi ăn cơm.
Địch Vân xuống nhà bếp ăn no một bữa.
Tên cai thợ bão gã ngồi chờ ở mái hiên, đừng có chạy loạn lên.
Địch Vân vâng lời nhưng trong lòng càng thêm ngờ vực.
Chàng thấy cách trần thiết trong nhà hủ lậu, trong bếp cũng không xây chỗ thổi nấu mà chỉ làm một cái bếp lò lớn, xanh chảo, bàn ghế đều là những đồ dùng của nhà nghèo nàn, không đi đôi với tòa nhà lớn.
Vào lúc xế chiều, số người đến mỗi lúc một đông, đều là hương dân tuổi trẻ sức mạnh, ở gần đó, bọn họ ăn cơm uống rượu nhốn nháo cả lên.
Địch Vân ngồi ăn với họ, chàng lại nói tiếng thổ âm nơi đây rất sõi, nên quản gia và cái thợ chẳng nghi ngờ gì cả, họ cho chàng là một thanh niên du thủ, muốn ăn không muốn làm.
Ăn cơm xong, người cai thợ họ Bình dẫn nhân công vào trong nhà đại sảnh rồi bảo họ:
– Các anh em hết sức đào huyệt, đồng thời thử xem đêm nay ai hên vận, nếu đào được vật gì hữu dụng sẽ có trọng thượng.
Mọi người vâng lời tiến hành công việc, những tiếng thuổng cuốc đào đất sậm sột vang lên.
Một người nhà quê khá lớn tuổi khẽ nói:
– Đào hơn hai tháng nay mà chả được cái đếch gì hết, dù nơi đây có bảo bối cũng còn tùy thuộc ở phúc khí có lọt vào tay được hay không?
Địch Vân nghe nói tự hỏi:
– Té ra họ tìm bao vật, nơi đây có bảo vật gì?
Chàng chờ cho tên cai thợ xoay lưng cất bước, mới từ từ đến bên người lớn tuổi kia khẽ hỏi:
– Đại thúc! Người ta tìm bảo vật gì vậy?
Người kia khẽ đáp:
– Chưa biết bảo vật là cái gì, chủ nhân nơi đây còn trông vào phước khí, lão không phải người bản địa, lão ở xa ngó thấy hào quang bốc lên, biết là dưới đất có bảo vật rồi đến mua khu đất này, nhưng sợ hành động lộ ra ngoài nên phải làm tòa nhà lớn này che đi, rồi kêu bọn ta đến bảo ban đêm làm việc đào bảo vật, còn ban ngày ở nhà ngủ.
Địch Vân gật đầu hỏi:
– Té ra là thế! Đại thúc có phong thanh là bảo bối gì không?
Người kia đáp:
– Theo lời bác cai thì dường như là một tụ bảo bồn, bỏ một đồng tiên vào chậu để qua một bên, sáng hôm sau sẽ biến thành đầy chậu tiền, đặt một lạng vàng vào chậu, sáng mai sẽ biến thành đầy chậu hoàng kim, ngươi tính có phải bảo vật không?
Địch Vân gật đầu lia lịa đáp:
– Đúng là bảo vật! Đúng là bảo vật!
Người kia lại nói:
– Bác cai đặc biệt dặn bảo phải hạ thuổng cuốc thật nhẹ cho khỏi bể bảo vật, đó không phải là chuyện chơi. Y còn nói đào được bảo vật rồi có thể cho chúng ta mỗi người sử dụng một đêm, ai muốn bỏ gì vào cũng được, chú nhỏ! Chú định bỏ gì vào?
Địch Vân ngẫm nghĩ một chút rồi đáp:
– Tiểu nhân thường đói bụng không có cơm ăn, sẻ bỏ một hạt gạo để sáng mai có một chậu đầy bạch mễ là tốt lắm rồi.
Người kia cười khanh khách nói:
– Hay lắm! Hay lắm!
Tên cai thợ nghe tiếng cười liền tiến lại quát:
– Đừng làm mất thì giờ, đào lẹ lên! Đào lẹ lên!
Địch Vân bụng bảo dạ:
– Trên đời làm gì có tụ bảo bồn? Lão chủ nhân nhà này chẳng phải hạng ngu ngốc thì nhất định có mưu kế nào khác, bịa chuyện tìm tụ bảo bồn để lừa gạt mọi người.
Chàng lại hỏi khẽ:
– Chủ nhân ở đây họ gì? Đại thúc bảo lão nhân gia không phải người bản địa ư?
Người kia đáp:
– Ngươi coi kìa! Chủ nhân đã ra đó.
Địch Vân nhìn theo nhãn quang lão thì thấy một người từ hậu đường đi ra, người này thân hình ốm nhắt, cặp mắt lấp loáng ánh thần quang, lối ngoài năm chục tuổi, y phục cực kỳ hoa lệ.
Địch Vân vừa ngó thấy lão đả trống ngực đánh thình thình quay đi chỗ khác, không dám nhìn lâu, chàng không ngớt tự hỏi:
– Lão này ta đã gặp ở đâu? Lão này ta đã gặp ở đâu? Lão là ai?
Chàng thấy tướng mạo rất quen, nhưng trong lúc nhất thời không nhớ ra được là đã gặp ở đâu.
Bỗng nghe chủ nhân lên tiếng:
– Đêm nay anh em lại đào mặt đông sâu xuống ba thước, bất luận gặp giấy rách, mẫu gỗ, mảnh sành, mảng gạch nhất thiết đừng bỏ đi và giữ lấy đưa cho ta.
Địch Vân nghe đến thanh âm, trong lòng run lên chàng tỉnh ngộ lẩm bẩm:
– Đúng rồi! Té ra là lão.
Nguyên chủ nhân tòa nhà lớn này chính là lão Khất Cái mà chàng đã gặp ở nhà Vạn Chấn Sơn tại Kinh Châu. Lão còn dạy chàng kiếm pháp.
Ngày ấy lão ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù, toàn thân dơ dáy, nhưng bữa nay lão là một đại tài chủ, y phục rất hoa lệ, toàn thân biến đổi, nên Địch Vân nghe thanh âm của lão mới nhận ra được.
Địch Vân muốn ở dưới huyệt nhảy lên để nhìn nhận lão, nhưng mấy năm nay chàng bị tai nạn đau khổ đã nhiều, khiến chàng gặp việc gì cũng thận trọng không dám nóng nẩy lỗ mãng.
Chàng nghĩ thầm:
– Lão khất cái bá bá này ngày trước đối xử với ta rất tử tế, năm ấy ta đấu với tên đại đão Lữ Thông đã thất bại, nhờ lão ra tay giải cứu. Sau lão lại dạy ba chiêu kiếm pháp tinh diệu mới thắng được bọn đệ tử ở Vạn Môn, bây giờ ta nghĩ lại ba chiêu kiếm pháp đó cũng tầm thường chẳng lấy gì làm kỳ, nhưng khi ấy nó giúp cho ta khỏi bị nhục nhã.
Rồi chàng tự nhủ:
– Bữa nay trùng hội, đáng lý ta phải tạ Ơn lão một phen, nhưng nơi đây là chỗ cũ của sư phụ, mà lão lại đến khai quật tìm tòi vật gì? Tại sao lão phải xây tòa nhà lớn để che mắt mọi người? trước lão là một người khất cái, sao nay lại giàu có đến thế?
Trong lòng ngấm ngầm quyết định chủ ý:
– Để ta coi cho biết rồi sẽ tính, lão là ân nhân của ta nhưng việc bái tạ hà tất phải vội vàng trong lúc nhất thời, sao lão không sợ sư phụ ta trở về? Chẳng lẽ...
chẳng lẽ... sư phụ ta chết rồi chăng?
Chàng nghĩ tới đây, bất giác vàng mắt đỏ hoe, vì chàng vốn coi sư phụ như phụ thân.
Đột nhiên ở góc đông nam có tiếng kịch khẽ vang lên, một người hương dân đụng đầu thuổng vào vật gì.
Lão chủ nhân liền nhảy vào huyệt cúi xuống lượm lên.
Bao nhiêu thợ đều dừng lại, liếc mắt nhìn thì thấy trong tay lão cầm một cái đanh sắt rỉ, mặt đầy vẻ thất vọng, lão xoay xở ngắm nghía cái đanh một lúc rồi bỏ xuống một bên, giục:
– Động thủ đi thôi! Đào cho lẹ! Đào cho lẹ!
Địch Vân cùng bọn hương dân đào huyệt suốt đêm, chủ nhân đứng bên ngoài giám sát để hết tinh thần chú ý mọi sự cho đến lúc trời sáng mới thu công.
Phần đông hương dân giải tán về nhà, chỉ có bảy tám người ở xa quá nên giải chiếu nằm ngủ trên hành lang phía đông toàn nhà lớn.
Địch Vân cũng ngủ ở hành lang.
Chàng ngủ cho tới chiều mới cùng mọi người dậy ăn cơm.
Người chàng dơ dáy không ai muốn đến gần, lúc ăn cũng như lúc ngủ họ đều tránh xa, Địch Vân chỉ mong vậy.
Những năm gần đây tuy chàng học được tính cẩn thận, không dám tin người một cách khinh xuất, nhưng việc cải trang, giả dối, chàng vẫn cảm thấy khó chịu, chỉ sợ lâu ngày hành tung sẽ bại lộ, không ai đến gần là hay lắm.
Ăn cơm xong Địch Vân đi vào thôn xóm cách đó chừng ba dặm để hỏi dò xem sư phụ đã về đây hay chưa? Chàng ngó thấy từ đằng xa mấy người bạn chơi hồi còn nhỏ tuổi, nay đã thành người lớn cả rồi.
Ở nơi điền dã công việc bận rộn, Địch Vân không muốn tiết lộ thân phận nên không chạy lại hô hoán, chàng đi kiếm một thằng nhỏ chừng, tuổi để hỏi về tình hình tòa nhà lớn kia thì gã cho biết:
Tòa nhà này mới được dựng lên vào mùa thu năm ngoái, chủ nhà rất giàu có, đến đây để đào tụ bồn nhưng đào đến nay vẫn chưa thấy gì.
Gã thiếu niên vừa nói vừa cười, tỏ ra câu chuyện đào báu vật chỉ là trò chơi.
Gã còn nói:
– Nguyên trước chỗ đó có căn nhà nhỏ, nhưng lâu ngày không người trú ngụ, cũng chẳng thấy ai trở về. Khi dựng nhà lớn lên, dĩ nhiên dỡ căn nhà nhỏ đi.
Địch Vân từ biệt gã thiếu niên, trong lòng buồn bã lại đầy mối hoài nghi mà không sao đoán ra được công việc cao thâm khôn lường của lão khất cái, lão hành động này với dụng ý gì?
Chàng thả bước nơi điền dã đã đi qua một khu vườn rau giống toàn không tâm thái.
Những tiếng hô "Không Tâm Thái! Không Tâm Thái" lại văng lên tron đầu chàng.
Không Tâm Thái là một món rau tầm thường nhất ở Trương Tây, thứ rau này trồng rất mau, nhánh nó không ruột. Sư muội chàng là Thích Phương dùng nó để đặt tước hiệu cho chàng, ngụ ý cười chàng là con người thẳng như ruột ngựa, chẳng có tâm sự gì.
Địch Vân sau khi rời đất Trương Tây hết bị giam trong nhà ngục ở Kinh Châu, lại bị hãm trong tuyết cốc gần Tây Tạng, mãi đến nay chàng mới lại ngó thấy không tâm thái. Chàng đứng nhìn vườn rau ngơ ngẩn xuất thần, sau chàng cúi xuống tỉa một cây rồi từ từ đi về phía tây.
Phía tây toàn là hoang sơn, đá mọc lởm chởm, cả những thứ sơn trà cũng không nảy được.
Trong dẫy hoang sơn mé tây có một sơn động chưa ai biết tới, mà lại là một nơi trước kia chàng cùng Thích Phương thường tới đó chơi đùa.
Chàng nghĩ tới cảnh hoan lạc ngày trước liền đi về phía sơn động, chàng vượt qua hai sườn núi, chuồn qua một cái sơn động lớn, đi tới trước sơn động bí ẩn hoang lương.
Nay cửa động bị cỏ mọc cao đến ngang vai lấp kín, trong lòng buồn bã, Địch Vân chui vào trong hang động thấy mọi vật chàng cùng Thích Phương bỏ lại ngày trước vẫn còn y nguyên, không ai động tới.
Thích Phương lấy đất dẻo nặn hình người, chàng dùng cây kim bắn chim, làm bẫy bắt thỏ rừng, Thích Phương lúc thả trâu thường thổi ống địch, những cái đó vẫn còn bỏ trong thạch động.
Bên kia Thích Phương để một cái giỏ kim chỉ, ngày trước nàng thường vào sơn động ngồi bên chàng làm đế giầy, có khi thêu cả mũi giầy, dao kéo trong giỏ đều đã nổi rỉ vàng khè.
Địch Vân tiện tay cầm một cuốn sách trong giỏ kim chỉ ra, cuốn sách này Thích Phương dùng để làm mẫu thêu hoa.
Trong đầu óc chàng hiện lên những hình ảnh năm trước, những ngày mùa đông nhàn hạ, chàng thường ở trong sơn động này nhổ cỏ đan giầy, hoặc đan giỏ tre, Thích Phương ngồi bên chàng làm giầy. Nàng lấy những mảnh vải vụn đệm vào đế giầy rồi dùng kim khâu may lại, những giầy của chàng và của sư phụ trên mặt bằng vài xanh, mặt giầy của Thích Phương có khi thêu bông hoa, có khi thêu con chim. Những đôi giầy thêu chỉ những ngày tết mới dùng tới, còn ngày thường nàng cũng đi giầy vài xanh, khi xuống ruộng trồng trọt thì đi chân không.
Địch Vân tiện tay lật cuốn sách lấy ra một tờ giấy coi, tờ giấy này cắt hình một con bướm, Thích Phương dùng làm mẫu thêu giầy.
Địch Vân lại cảm thấy bao nhiêu hình ảnh ngày trước hiện lên tròng đầu óc:
Đôi bướm lớn, một con vàng một con đen bay tới cửa động, lúc ở bên này lúc ở bên kia, nhưng thủy chung hai con vẫn không chia lìa.
Thích Phương la lên:
– Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài!
Nguyên một giải Trương Tây, người ta kêu loại bướm lớn nhiều màu sắc bằng "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" vì loại bướm này đi đôi nhất định một con đực một con cái.
Địch Vân đang ngồi đan giầy, đôi bướm bay đến bên, chàng câm chiếc giầy đan dở đập một cái, một con bướm chết ngay.
Thích Phương "Ối" lên một tiếng, nàng tức giận hỏi:
– Sư huynh!.... sư huynh làm gì vậy?
Địch Vân thấy nàng nổi giận, bất giác chân tay luống cuống, chàng ấp úng đáp:
– Sư muội thích... thích chơi bướm, để tiểu huynh... bắt cho mấy con.
Lúc ấy con bướm chết nhào xuống đất không cử động nữa, Còn con sống vẫn bay quyện xung quanh con chết.
Thích Phương nói:
– Sư huynh coi đó, một cặp vợ chồng đang vui vẻ với nhau mà suy huynh làm chúng phải chia lì, thật là ác nghiệt!
Địch Vân thấy nàng buồn rười rượi, trong lòng rất áy náy, đành xin lỗi:
– Hỡi ơi! Đúng là tiểu huynh có điều không phải.
Sau Thích Phương cắt giầy theo hình con bướm chết để làm mẫu thêu vào mũi giầy của nàng.
Đến ngày tết, Thích Phương may cho Địch Vân một cái túi, mặt túi cũng thêu hình con bướm này, cánh nó màu vàng pha lẫn màu đen. Bên mình có chút màu đỏ, màu xanh, cái túi này chàng vẫn đeo luôn trong mình, nhưng khi chàng bị bắt giam vào ngục ở Kinh Châu rồi bị ngục tốt lấy mất.
Địch Vân tay cầm con bướm giấy, tai tựa hồ nghe văng vẳng tiếng Thích Phương la gọi:
– Sư huynh coi đó, một cặp vợ chồng đang vui vẻ với nhau mà sư huynh làm cho chúng phải chia lìa, thật là ác nghiệt!
Chàng ngẩn người ra hồi lâu rồi lại kẹp tờ giấy hình con bướm vào trong cuốn sách, tiện tay chàng lật xuống dưới thấy trong sách còn có nhiều hình bằng giấy đỏ, tỷ như hình con cá chép, ba con sơn dương. Những hình này làm hoa dán cửa sổ vào dịp tết cũng đều do Thích Phương cắt.
Địch Vân đang tiếp tục lật coi, bỗng nghe ngoài xa mấy chục trượng có tiếng lao xao vang lên, hiển nhiên có người đang đi tới.
Chàng tự hỏi:
– Nơi đây trước nay không có người nào đến, hay là dã thú?
Chàng liền nhét cuốn sách vào bọc.
Bỗng nghe tiếng người nói:
– Nơi đây rất đỗi hoang lương, chắc là không có.
Lại nghe tiếng khàn khàn của lão già cất lên:
– Hừ! Càng hoang vắng càng khiến cho người ta đem bảo vật đến cất dấu, chúng ta tìm kỹ nơi đây đi!
Địch Vân tự hỏi:
– Sao họ lại đến đây tìm bảo vật?
Chàng vội lạng mình ra khỏi sơn động, ẩn vào sau một gốc cây lớn.
Chẳng bao lâu có người đi tới, nghe tiếng bước chân đến bảy tám người, Địch Vân ngoảnh đầu trông ra thấy người đi trước y phục hoa lệ, đầu tóc bóng mượt, mặt mũi trắng trẻo, tướng mạo rất quen. Tiếp theo là một người tay cầm cấy thiết sạn, người này thân thể cao lớn, khí vũ hiên ngang.
Địch Vân vừa ngó thấy bất giác lửa giận bốc lên ngùn ngụt, chàng muốn xông ra đập chết gã ngay.
Nguyên người này chính là Vạn Khuê, gã đã đoạt sư muội của Địch Vân, lập mưu đưa chàng vào ngục, khiến chàng phải chịu trăm cay ngàn đắng.
Vạn Khuê đến đây làm gì?
Gã đi bên Vạn Khuê nhỏ tuổi hơn một chút, chính là tiểu sư đệ Thẩm Thành ở Vạn Môn.
Hai gã đi qua rồi, phía sau cũng toàn là đệ tử Vạn Môn đủ mặt, Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên, Ngô Khảm, Phùng Thản.
Vạn Môn có tám tên đệ tử, nhị đệ tử Chu Kỳ đã đã bị Địch Vân giết chết ở trong khu vườn hoang tại Kinh Châu, hiện giờ còn bảy tên.
Địch Vân rất lấy làm kỳ tự hỏi:
– Bọn này đến đây tìm bảo bối gì?
Bỗng nghe Thẩm Thành la gọi:
– Sư phụ! Sư phụ! Chỗ này có sơn động.
Thanh âm lão già lại hỏi:
– Thế ư?
Giọng nói lộ vẻ vui mừng.
Kế đó một người cao lớn đi tới, chính là Ngũ Vân Thủ Vạn Chấn Sơn.
Địch Vân lâu ngày không gặp, nay thấy lão tinh thần quắc thước, bộ lý trầm ổn, chẳng có vẻ gì già nua chút nào.
Lão rảo bước tiến vào sơn động, tiếp theo trong động có thanh âm mọi người vọng ra ngoài.
Một người nói:
– Nơi đây có người ở.
Người khác nói:
Tro bụi tích lại đấy đến thế này tức là lâu năm không ai tới.
Người kia cãi:
– Không phải! Không phải! Ngươi coi kìa! Chỗ này có vết chân mới.
Người khác nói:
– Ủa! Trong này còn vết bàn tay mới, quả có người vào đây chưa lâu.
Một người nữa nói:
– Nhất định là Ngôn sư thúc, lão... lão đến đây lấy cắp Liên Thành Quyết đem đi.
Địch Vân vừa kinh ngạc vừa bật cười, tự hỏi:
– Bọn họ kiếm Liên Thành Quyết ư? Vụ này xảy ra đã lâu rồi mà họ vẫn không tìm thấy ư? Ngôn sư thúc nào? Sư phụ đã nói người có nhị sư huynh tên gọi Ngôn Đạt Bình thất tung lâu ngày không được tin tức gì, e rằng không còn ở nhân thế nữa, sao bây giờ lão lại chường mặt ra đoạt Liên Thành Quyết? Hiển nhiên vết chân vết tay là do ta để lại, khiến bọn này nghi thần nghi quỉ, thật đáng tức cười.
Lại nghe Vạn Chấn Sơn hô:
– Các ngươi đừng làm ồn ào, hãy tĩnh tâm tìm khắp nơi coi.
Rồi tiếng người hỏi:
– Ngôn sư thúc đã tới đây, khi nào lại không lấy đem đi?
Một người khác đáp:
– Thích Trường Phát tâm kế sâu xa, lão có đem kiếm quyết cất dấu ở đây, người ngoài cũng khó mà tìm thấy được.
Lại người nữa nói:
– Dĩ nhiên lão tâm kế sâu xa, không thì đã chẳng mang ngoại hiệu là Thiết Tỏa Hành Giang.
Lại nghe mọi người nhốn nháo xục tìm trong sơn động.
Trong động vốn chẳng có gì, mọi người lục lọi loạn xạ cũng chỉ thấy mấy thứ đồ vặt cũ nát bỏ đó.
Tiếp theo là tiếng cuốc xẻng đào đất vang lên, nhưng đáy động toàn đá rắn không đào xuống được.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Nơi đây chẳng có gì để lại hết, chúng ta ra tìm bên ngoài coi.
Mọi người theo sự phụ đến bên một lạch nước nhỏ ở phía xa xa ngồi xuống tảng đá núi.
Địch Vân không muốn để bọn họ phát giác nên không tới gần.
Bọn tám người bàn chuyện nói nhỏ, nên chàng không nghe rõ.
Sau một lúc, tám người đứng dậy ra đi.
Địch Vân nghĩ thầm:
– Bọn họ bảo đến kiêm Liên Thành Quyết, hiện giờ họ chưa tìm thấy và ngờ cho Ngôn sư thúc nào đó lấy cắp đem đi rồi, chỗ ở cũ của sư phụ ta đã biến thành một tòa đại hạ. Lão cái lại nói là muốn tìm kiếm tụ bảo bồn gì đó... À! Phải rồi!
Phải rồi!
Một tia sáng lóe lên trong đầu, chàng tỉnh ngộ nghĩ thầm:
– Lão khất cái kia nói là tìm kiếm tụ bảo bồn mà thực ra là tìm Liên Thành Quyết, lão nhận định kiếm quyết đó lọt vào tay sư phụ ta, nhưng để che tai mắt mọi người, lão dựng lên tòa nhà nón và phao tin tìm kiếm tụ bảo bồn để bịp bọn nông dân ngu dốt.