Trương Nguyên cầm cuốn sách mỏng tang có hình minh họa của “Tam Tự kinh” đi về chỗ ngồi, lại thấy Mông sư Chu Triệu Hạ ngáp một cái nói:

- Các trò ngoan mau đọc sách đi, chữ nào không biết thì tự hỏi nhau ấy, lát nữa bổn sư sẽ tới kiểm tra từng người một, nhớ kĩ, phải đọc thầm đấy.

Chu Triệu Hạ phủi phủi ống tay áo, thong thả bước đi rồi không thấy trở ra nữa.

Trương Định Nhất chuyển qua ngồi cạnh Trương Nguyên, cười toe toét nói:

- Thầy đi ngủ rồi, không làm ông ấy tỉnh giấc là được.

Trương Nguyên cau mày hỏi:

- Vị thầy đồ này tới đây từ lúc nào?

Trương Định Nhất nói:

- Ông ta tới được nửa tháng rồi, thầy này tốt lắm, không quản thúc gì bọn đệ cả. Còn vị Tằng tiên sinh kia á, nghiêm khắc phải biết.

Trương Nguyên hỏi:

- Chẳng phải nơi này có hơn ba mươi Nho sinh tới học sao, tại sao...À, ta hiểu rồi, Chu tiên sinh vừa tới thì các học trò giỏi đều đi cả, chỉ còn lại đám sâu lười các ngươi thôi.

Trương Định Nhất cười hì:

- Bọn đệ cũng ngoan mà, ngày nào cũng chăm chỉ đọc sách từ sáng sớm đến tối mịt, hehe.

Bây giờ là giờ Thìn, mặt trời đứng ở chính Đông nên cả khu học đường đều được chiếu sáng. Gió từ sông Phủ thổi tới còn mang theo mùi hơi đất ẩm, thời tiết không nóng cũng không lạnh, đây quả là thời điểm và không gian rất thích hợp cho việc đọc sách.

Nhưng xem những học trò ở đây, hoặc châu đầu ghé tai nhau nói chuyện, hoặc vẽ hươu vẽ vượn linh tinh, có kẻ còn vo giấy làm đạn ném trêu nhau, kìa, bên kia còn có hai tên đang vật nhau ra đánh lộn nữa chứ.....khung cảnh loạn xạ nhốn nháo hơn cả cái chợ.

Trương Nguyên tai thính, nghe bên trong phát ra tiếng ngáy khe khẽ, bèn hỏi:

- Tên họ Chu kia ban ngày vẫn ngủ ngon như vậy sao?

Trương Định Nhất lè lưỡi:

- Giới tử ca lá gan lớn thật, dám gọi Chu tiên sinh như vậy... Chu tiên sinh cũng không phải sáng nào cũng ngủ đâu, đêm nào ông ấy đánh mã điếu thì ban ngày ông ấy mới phải ngủ bù thôi. Chu tiên sinh là thích đánh mã điếu nhất đó.

Trương Nguyên biết mã điếu chính là đời trước của mạt chược, tên họ Chu này làm như vậy chẳng phải là đã dạy hư học trò rồi hay sao?

“Vụt” một tiếng, một cục giấy to bay trúng vào gáy Trương Nguyên. Trương Nguyên quay đầu lại thì chỉ thấy đám Nho đồng đang ngồi rất ngay ngắn, chẳng nhìn ra kẻ nào đã ném cả.

Trương Định Nhất chỉ ra một tên trong số đó, nói:

- Giới tử ca, là nó đấy, Lý Trụ, là Lý Trụ ném đấy.

Trương Nguyên đứng dậy.Tưởng Trương Nguyên sắp tới đánh mình, Lý Trụ vội vàng chạy ra khỏi chỗ ngồi, vừa kêu la vừa bỏ chạy.

- Làm ầm ĩ cái gì đó?

Đang ngủ mà bỗng nhiên bị đánh thức, Chu Triệu Hạ nổi giận đùng đùng quát lên một tiếng rồi hùng hổ bước ra.

Gã kéo tay Lý Trụ lại nhéo tai một cái thật đau rồi lôi đến bên bàn học, định lấy thước lớn đánh cho Lý Trụ một trận.

Lý Trụ hét lớn:

- Tiên sinh, tiên sinh, không phải con, là “cái nhẫn” Trương Nguyên mới tới kia đó, hắn còn dám gọi tiên sinh là “tên họ Chu” cơ, hắn vô lễ lắm!

Chu Triệu Hạ không tin nho đồng Trương Nguyên mới tới lại dám gọi gã là “tên họ Chu”, gã véo tai Lý Trụ, quát:

- Dám nói láo à? Chìa tay ra! Phạt mi mười thước.

Nói rồi gã quay người với lấy chiếc thước gỗ trên bàn học, nhắm vào mông Lý Trụ mà đánh.

Lý Trụ lại càng gào khóc to hơn:

- Đúng là nó nói đấy ạ, nó bảo tiên sinh là “tên họ Chu” ngủ ngày mà còn ngáy mà, hu hu hu…

Chu Triệu Hạ chậm rãi ngoảnh mặt về phía Trương Nguyên, hỏi:

- Có thật là ngươi nói không?

Trương Nguyên vẫn đứng nguyên tại chỗ, đáp:

- Đúng đó.

Chu Triệu Hạ vốn tưởng rằng Trương Nguyên sẽ phủ nhận hoặc biện bạch gì đó, chẳng ngờ cậu ta lại dám đáp như vậy, nên nhất thời không kịp phản ứng. Sau một hồi sửng sốt, gã nhảy dựng lên như một kẻ điên, rít lên qua kẽ răng:

- Mày dám? Mày dám hả? Mày dám bất kính với thầy giáo như thế à? Hôm nay bổn sư phải thay phụ mẫu mày dạy dỗ mày đến nơi đến chốn.

Sẵn có cây thước đang cầm trên tay, gã xông vào Trương Nguyên.

- Chu Triệu Hạ!

Trương Nguyên nắm lấy chiếc ghế dài nâng lên đỡ đòn, quát lớn:

- Ông dám đánh ta ư? Thử xem.

Đám học trò trong học đường tất cả đều ngây ra. Chu Triệu Hạ cũng bối rối, gã đã thấy rất nhiều tên học trò nghịch ngợm, thích gây sự, nhưng ngông cuồng như tên Trương Nguyên này thì đúng là lần đầu tiên gặp phải. Hắn còn dám giơ ghế lên đỡ đòn thầy giáo nữa chứ!

Xem ra tên này đúng là có cái gan dám đánh lại mình thật, nghĩ vậy, Chu Triệu Hạ không vung thước lên nữa bước ra xa 7, 8 bước.Chỉ chỉ vào mặt Trương Nguyên, gã nói bằng giọng mỉa mai:

- Giỏi. Giỏi quá rồi. Vô lễ như mi, gọi thầy là “tên nọ”, “tên kia”, rồi còn dám đánh lại thầy nữa, xưa nay đúng là chưa từng thấy. Giỏi. Quá giỏi.Thằng vô giáo dục như mày, ở nhà thì là nghịch tử làm bại hoại gia phong, vào triều ắt sẽ là loạn thần tặc tử, bán dân hại nước.

Trương Nguyên khinh miệt nói:

- Ta là hạng người gì không cần ngươi đánh giá, cũng không tới phiên ngươi đánh giá. Ngươi không phải thầy của ta. Mau trả lại lễ vật bái sư cho ta, loại người như ngươi có xứng làm gương cho người khác không, đêm thì đánh mã điếu, ban ngày thì ngáp ngắn ngáp dài, cả gan ngủ ngay tại học đường, như vậy chẳng phải làm hư học trò thì là gì? Ngươi lại còn dám đánh ta ư? Cứ thử lại gần xem. Chỉ cần một ghế này trúng vào đầu thì đảm bảo mặt ngươi cũng phẳng như mặt ghế luôn.

Da mặt trắng bệch của Chu Triệu Hạ bỗng chuyển thành màu gan lợn. Cười lạnh, gã đáp:

- Ta không dạy ngươi ư? Chẳng phải cho ngươi học “Tam Tự kinh” đó sao? Chẳng lẽ ta lại để mi, một đứa lớn voi thế kia mà còn ngêu ngao mấy câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” à? Chẳng qua là ta muốn giữ thể diện cho ngươi, nên để ngươi có chỗ nào không hiểu thì tự đi hỏi các bạn, chả lẽ nhà ngươi muốn ta phải uốn nắn chỉ bảo cho ngươi từng chữ một hay sao?

Loại người mặt dày như vậy, đến lí lẽ đó cũng dám viện ra. Nói nhiều với gã cũng dư thừa. Trương Nguyên nói:

- Đem lễ vật bái sư trả lại cho ta.Ta không cần ngươi dạy.

- Được. Ta cũng không cần loại đệ tử như mày.

Chu Triệu Hạ hùng hổ tiến về phòng lôi ra giỏ lễ vật mà Trương Nguyên đem tới. Ném một cái tới cạnh chân Trương Nguyên, “Bụp”, “Choang” hai tiếng. Cả chiếc giỏ rơi xuống đất. Thịt, bánh, gạo, rượu rơi xuống đất tung tóe. Cả học đường nồng nặc mùi rượu .

Trương Nguyên dùng chân giữ lại chiếc giỏ đang lăn về phía mình, nói:

- Ngươi dám ném giỏ lễ vật của ta như vậy. Giờ vò rượu đã vỡ cả rồi, đồ ăn thì bị hỏng. Ngươi phải đền cho ta! Sáng nay ta đã tốn hai lạng bạc để mua lễ vật, hôm nay ngươi không bồi thường lại hai lạng bạc đó, ta quyết không để yên cho ngươi.

Trương Nguyên làm vậy không phải tiếc hai lạng bạc mà cậu muốn “dạy dỗ” cho lão “thầy dởm” kia một bài học.

Chu Triệu Hạ thấy Trương Nguyên không phải tay vừa, vội xua tay nói:

- Được được, ta bồi thường cho ngươi.

Móc ra từ ống tay áo một ít bạc vụn đặt lên trên bàn, gã nói:

- Ta sẽ tố cáo lên huyện tôn về hành vi khinh sư vô lễ của nhà ngươi. Từ nay ngươi đừng mong vào học ở bất kì một trường xã nào nữa.

Trương Nguyên cười khẩy, nghĩ bụng mình cần gì phải tức giận với một tên vô lại như vậy. Mình là người có giáo dục, làm sao có thể có hành động giơ ghế lên một cách lỗ mãng như thế này được. Nghĩ vậy, cậu lập tức hạ chiếc ghế xuống, nói:

- Đừng có mở miệng ra là lại lôi từ “thầy” ra như thế. Ngươi không làm thầy của ta được đâu. Như vậy đi, ta ra một câu đố về kinh sử, nếu ngươi có thể đáp được, vậy thì ta sẽ tự nguyện theo ngươi tới nha môn của Hầu Huyện lệnh, cho ngươi kể tội thế nào cũng được. Nếu như ngươi không đáp nổi thì đừng có vác mặt tới đây dạy hư học trò nữa.

Chu Triệu Hạ cười lạnh:

- Đến Đạm Đài Diệt Minh là một hay hai người còn không biết, ngươi còn dám đố ta ư? Được. Hỏi thì hỏi đi, phàm là “Tứ thư Ngũ kinh” thì cứ việc.

Bất kì tú tài nào cũng phải thuộc nằm lòng mấy cuốn sách này.

Trương Nguyên nói:

- Nghe cho kỹ đây, trong “Hiếu kinh” có đoạn:

“Lập thân hành đạo

Để tiếng thơm hậu thế.

Rạng danh phụ mẫu

Hiếu tận cuối đời.”

Vậy “hành đạo” ở đây, theo ngươi là đạo gì?

Chu Triệu Hạ cả kinh, tiểu tử Trương Nguyên này có thể đưa ra câu đố như thế, xem ra không phải là kẻ mà ngay cả " Tam Tự kinh " cũng chưa đọc bao giờ. Gã đáp:

- Câu này có gì khó, chắc chắn là đạo phụ tử rồi.

- Đạo phụ tử là đạo gì?

- Là đạo Tiên Vương.

- Đạo Tiên vương là đạo gì?

- Là...là lễ nghĩa liêm sỉ.

Trương Nguyên cười lớn:

- Ngươi cũng biết liêm sỉ sao? Nói cho ngươi hay, “lập thân hành đạo” trong “ Hiếu kinh” là đạo đại học. Đại học Minh Đức thân dân, bất luận đạo gì trước tiên phải từ lập thân, “đại trượng phu” thì thân phải gắn với quốc gia xã tắc. Nói đến chữ “hiếu” thì phải “lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão” (Ngoài hiếu kính người già trong nhà ra, còn phải hiếu kính với những người già không họ hàng thân thích với mình).Nếu nói đến “kính”, thì ngoài kính trọng trưởng bối trong nhà ra, còn phải kính trọng những người lớn không quan hệ thân thích với mình.Thiên hạ vạn vật vốn đều là một, việc đối nhân xử thế vốn từ mình mà ra. Đạo trước hết nằm ngay trong những hành vi bình thường nhất. Ngươi thân là thầy dạy học mà lại lười biếng, ham mê cờ bạc, lên lớp không dạy học trò mà dám ngang nhiên nằm ngáy o o. Lệnh cho đám học trò đọc thầm là để nhà ngươi được thoải mái ngủ ngon mà không sợ bị đánh thức giấc mộng đẹp của ngươi chứ gì?

Bỗng bên ngoài học đường có tiếng cười “Ha ha” vang lên. Trương Nguyên lập tức nghe ra người đến là ai, bởi tiếng cười đó chỉ cần nghe một lần là sẽ không bao giờ quên.

Tiếng giày chan chát. Người này đi vào học đường, theo sau còn có hai tùy tùng.

Chu Triệu Hạ vừa trông thấy người này, lập tức mặt đỏ tía tai, lắp bắp thi lễ nói:

- Kính chào Huyện tôn đại nhân.

Người đó chính là Sơn Âm Huyện lệnh Hầu Chi Hàn. Hôm này là ngày nghỉ không phải lên công đường, nhớ tới vị thầy giáo ở trường xã này đã về chịu tang mẹ rồi, không biết sinh đồ mới Chu Triệu Hạ dạy dỗ ra sao, bèn đến xem xem.*

Vừa bước tới cổng đã nghe trong học đường có người đang biện giải đạo lập thân, bèn đứng lại lắng nghe. Thấy tiếng một người là Thục sư Chu Triệu Hạ, còn một người khác nghe giọng cũng rất quen, ban đầu còn chưa nghĩ ra là ai, về sau mới nghĩ ra là Trương Nguyên.

Hầu Chi Hàn không khỏi mỉm cười, hôm trước trong bữa tiệc ở huyện nha, Trương Nguyên khí khái cao nhã, ngôn ngữ hóm hỉnh khôi hài, chẳng ngờ hôm nay giọng điệu lại nghiêm khắc như vậy. Tên Chu Triệu Hạ cũng chẳng ra thể thống gì, không lo dạy học lại chỉ biết đánh bài thâu đêm, lên lớp chỉ lo ngủ như vậy!

Trương Nguyên khom người nói:

- Học trò bái kiến Huyện tôn đại nhân.

Hầu Chi Hàn gật đầu với Trương Nguyên, khích lệ nói:

- Trương Nguyên, ban nãy ngươi nói về đạo lập thân trong “Hiếu Kinh”, nói rất hay. Lập thân hành đạo đáng phải như vậy, bổn huyện phải thưởng cho ngươi mới được, miễn cho ngươi ba năm tiền thuế lao dịch.

Chỉ có tú tài, sinh đồ mới được miễn thuế lao dịch, Hầu Chi Hàn làm vậy là cho Trương Nguyên một đặc quyền như tú tài.

Theo Hầu Chi Hàn thì với tài năng của Trương Nguyên, đỗ bổ sinh đồ là chuyện chẳng sớm thì muộn, vậy nên cứ thưởng cho đặc ân này trước.

Ban thưởng cho Trương Nguyên xong, Hầu Chi Hàn quắc mắt về phía Chu Triệu Hạ đang toát mồ hôi hột, lại quay sang nhìn đám nho đồng lèo tèo thưa thớt trong học đường, cau mày hỏi:

- Sao chỉ có mấy học trò thế này? Người đâu hết cả rồi?

Chu Triệu Hạ ngượng ngùng đáp:

- Bẩm huyện tôn, vì thời tiết nóng bức nên có mấy nho đồng xin nghỉ ở nhà tự đọc sách ạ.

Hầu Chi Hàn cười lạnh:

- Thời tiết nóng bức ư? Đã là sắp sang tháng tám rồi. Ta thấy không phải vì lí do đó mà là vì ngươi bỏ bê trách nhiệm, dạy học không đến nơi đến chốn, làm cho các nho đồng hiếu học không muốn lên lớp nữa, bây giờ chỉ còn lại vài nho đồng nghịch ngợm ngu dốt, chỉ thích ngươi bỏ mặc bọn chúng không quản như thế này thôi.

Chu Triệu Hạ dùng tay áo lau mồ hôi, hổn hển đáp:

- Huyện tôn đại nhân, xin nghe thị sinh biện giải.

Hầu Chi Hàn không muốn nghe gã tiếp tục khua môi múa mép nữa. Thấy mảnh vò rượu và thức ăn rơi tung tóe trên mặt đất, bèn hỏi:

- Đã có chuyện gì xảy ra vậy?

Chu Triệu Hạ giống như chết đuối vớ được cọc, vội đáp:

- Trương Nguyên này không coi thầy giáo ra gì, dám dùng ghế này để đánh thị sinh. Mong Huyện tôn làm chủ cho thị sinh.

(Thị sinh: cách xưng hô vãn bối đối với tiền bối trong quan trường)*

Hầu Chi Hàn thấy Trương Nguyên vẫn ung dung như không, khí chất trầm tĩnh tao nhã, nghe Chu Triệu Hạ tố cáo vậy mà không hề tỏ ra chút gì lo lắng. Thái độ này giống của kẻ thô lỗ cầm ghế đánh người sao

Hầu Chi Hàn mỉm cười hỏi Chu Triệu Hạ:

- Có phải vừa rồi ngươi đã bỏ bê việc dạy học chạy đi ngủ không?

Đến khăn đội đầu Chu Triệu Hạ còn quên mang, thiết nghĩ lần này khó giấu nổi chuyện bỏ dạy đi ngủ, bèn cúi đầu phân bua:

- Thị sinh đêm qua đọc sách thâu đêm, vừa rồi mới buồn ngủ quá không chịu được, nên định đi nghỉ một lát...

Hầu Chi Hàn tỏ vẻ chán ngán, liền ngắt lời gã:

- Được rồi được rồi. Đừng nhiều lời như vậy. Thế giỏ trúc này là kẻ nào đánh đổ vậy? Cả vò rượu này nữa, sao lại vỡ tan tành thế này? Có chuyện gì vậy?

Chu Triệu Hạ không biết trả lời thế nào.

Hầu Chi Hàn hừ lạnh một tiếng:

- Chu Triệu Hạ, nếu bổn huyện hôm nay không đến thị sát thì trường xã này đã bị hủy trong tay ngươi rồi. Thầy giáo ngươi làm không nổi, vậy danh Lẫm Sinh của ngươi cũng bị hạ xuống một bậc đi.

Sinh đồ cũng phải phân cấp bậc, đệ nhất đẳng là Lẫm sinh, không những được miễn lao dịch mà mỗi tháng còn có tiền lương lĩnh. Nhị đẳng là Tăng Quảng sinh đồ, cũng được miễn lao dịch nhưng không có tiền lĩnh mỗi tháng như Lẫm sinh.

Chu Triệu Hạ mặt mũi tối sầm lại.

Không còn thầy dạy, trường xã này đành phải đóng cửa. Hầu Huyện lệnh lệnh cho các nho đồng về nhà tự học, đợi khi có thầy dạy mới thì tiếp tục lên lớp. Hầu Huyện lệnh có chuyện muốn hỏi Trương Nguyên, bèn lệnh cho tất cả lui, chỉ để một mình Trương Nguyên ở lại.

Hầu Chi Hàn đứng ở bậc tam cấp trước học đường, nhìn vẻ hiu quạnh của viện đường, lắc lắc đầu. Rồi quay sang hỏi Trương Nguyên:

- Ngươi hôm nay đến bái sư nhập học trường xã à?

Trương Nguyên đáp:

- Vâng. Học trò được nghe huyện tôn dạy bảo, thu được không ít kiến thức.Thiết nghĩ nếu được thầy dạy đến nơi đến chốn thì con đường thi cử cũng rộng mở hơn nhiều. Thúc tổ Túc Chi tiên sinh đồng ý cho học trò nhập học trường xã trước, nên hôm nay học trò từ sớm đã tới dâng lễ bái sư rồi. Chẳng ngờ lại gặp phải tên...

Nói đến đây, Trương Nguyên không nói nữa mà đột ngột dừng lại.

Hầu Chi Hàn cười ha ha nói:

- Bổn huyện không ngờ ngươi còn nhỏ mà lời lẽ đanh thép, lí luận sắc sảo đến thế, khiến cho khi nãy Chu Triệu Hạ á khẩu không nói được câu nào. Xem ra làm thầy ngươi cũng không phải đơn giản nhỉ?

- Học trò nóng lòng muốn học, thấy tên “thầy dởm” này lười biếng lại ham mê cờ bạc, để lại gương xấu cho học trò thì nhất thời nóng nảy, mong huyện tôn đại nhân thứ lỗi.

Hầu Chi Hàn cười nói:

- Ha ha, không sao không sao, không bốc đồng, không nóng vội thì đâu phải thiếu niên.Trường này phải mời thục sư khác tới thôi. Đợi bổn huyện và La giáo dụ bàn bạc một chút, nhất định phải chọn một vị học vấn uyên thâm lại đức độ, có nhiệt huyết với nghề tới dạy mới được. Nếu ngươi một lòng hiếu học. Để bổn huyện giới thiệu cho ngươi tới trường Tứ Kiều, thầy ở đó là một bậc lão nho bác học. Chỉ có điều chỗ đó cách nhà ngươi hơi xa, phải khoảng bốn, năm dặm đó.

Trải qua chuyện này, Trương Nguyên không muốn học từ trường xã học lên nữa, bèn nói:

- Đa tạ huyện tôn, học trò tạm thời không muốn đến trường xã xin học nữa. Nghe nói Đại Thiện Tự có một đại nho là Khải Đông tiên sinh tự mở lớp thu nhận học sinh. Học trò muốn tới đó xin học, chỉ có điều, không biết Khải Đông tiên sinh có chịu thu nhận học trò hay không?

Hầu Chi Hàn "Ồ" lên một tiếng:

- Học vấn của Khải Đông tiên sinh thì không có gì phải bàn cãi rồi. Chỉ là...ông ta tính tình cổ quái cố chấp, bổn huyện không thể dẫn ngươi tới xin học được. Ngươi có thể thử tới đó xem. Nên nhớ rằng, những người tới chỗ Khải Đông tiên sinh bái sư đều là người đã đỗ tú tài trở lên, thậm chí có người đã đổ cử nhân cũng tới xin học văn bát cổ. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ duy nhất, đó chính là thần đồng Kỳ Bưu Giai của huyện ta, được nhận học khi chỉ mới là đồng sinh.

Ý của Hầu huyện lệnh đó là Trương Nguyên thậm chí còn chưa phải là đồng sinh, chỉ sợ Lưu Tông Chu không chịu thu nhận mà thôi.

Ngẫm nghĩ một lúc, Hầu Chi Hàn nói:

- Quý Trọng tiên sinh hết sức xem trọng ngươi. Mặc dù ông ấy không thu nhận đồ đệ, nhưng nếu ngươi khẩn thiết nhờ vả thì có lẽ ông ấy sẽ phá lệ cũng không biết chừng.Văn bát cổ của Quý Trọng tiên sinh tinh diệu thâm sâu, tuyệt đối không thua kém Lưu Khải Đông tiên sinh đâu.